Bản án 817/2020/HNGĐ-PT ngày 27/08/2020 về tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 817/2020/HNGĐ-PT NGÀY 27/08/2020 VỀ TRANH CHẤP THAY ĐỔI NGƯỜI TRỰC TIẾP NUÔI CON SAU KHI LY HÔN

Trong các ngày 16/6, 18 và 27/8/2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã xét xử phúc thẩm công khai vụ án hôn nhân và gia đình thụ lý số 47/2020/TLPT-HNGĐ ngày 03/3/2020 về việc “Tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn”.

Do Bản án hôn nhân và gia đình sơ thẩm số 63/2020/HNGĐ-ST ngày 17/01/2020 của Tòa án nhân dân quận T, Thành phố Hồ Chí Minh bị kháng cáo, kháng nghị.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 2685/2020/QĐ-PT ngày 25/5/2020, Quyết định tạm ngừng phiên tòa 6332/2020/QĐ-PT ngày 16/6/2020 và 7882/2020/QĐ-PT ngày 15/7/2020, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị H, sinh năm 1980 (có mặt)

Địa chỉ: phường T, Quận M, Thành phố Hồ Chí Minh.

- Bị đơn: Ông L J, sinh năm 1982 (có mặt)

Điạ chỉ: Phường C, quận T, Thành phố Hồ Chí Minh.

Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Bà Nguyễn Thị H T, sinh năm 1988 (có mặt)

Địa chỉ: Phường M, Quận R, Thành phố Hồ Chí Minh

Theo giấy ủy quyền số công chứng 04112, quyển số 5, lập tại Văn phòng công chứng Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh ngày 23/05/2020.

Người phiên dịch của bị đơn: Bà Quan Ái N, sinh năm 1992 (có mặt)

Địa chỉ: phường R, thành phố Đ Lạt, tỉnh Lâm Đồng

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn: Luật sư Nguyễn Trầm Minh K, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh.

- Người kháng cáo: Ông L J;

- Người kháng nghị: Viện kiểm sát nhân dân quận T, Thành phố Hồ Chí Minh.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo nguyên đơn là bà Nguyễn Thị H trình bày:

Bà Nguyễn Thị H và ông L J trước kia là vợ chồng, đã ly hôn theo quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự số 256/2019/QĐST-HNGĐ ngày 25/3/2019 của Tòa án nhân dân quận T, Thành phố Hồ Chí Minh. Theo quyết định này thì bà và ông L J thuận tình ly hôn, thỏa thuận giao con chung là trẻ SJ Nguyen (nam), sinh ngày 30/8/2015 cho cha là ông L J trực tiếp nuôi dưỡng, tạm hoãn nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con cho bà H do ông LJ không có yêu cầu, tài sản chung, nợ chung không có.

Sau khi ly hôn ông LJ có nhiều hành vi cản trở bà H thăm con như ông yêu cầu nhà trường nơi trẻ SJ học không cho bà đón con về nhà, tước quyền truy cập ứng dụng KidsOnline của bà H (là ứng dụng quản lý, theo dõi sự phát triền, học hành của con do nhà trường cung cấp) và tự ý giao cho người khác quyền ứng dụng thay thế mà không được sự đồng ý của bà; ông còn tự ý đưa con ra khỏi Việt Nam mà không thông báo cho bà biết khiến cho con bà có sự bất ổn về tâm sinh lý nên bà rất lo lắng sự phát triển toàn diện của con; Hơn nữa ông LJ vì tính chất công việc thường xuyên phải đi công tác nên không có điều kiện trực tiếp chăm sóc cho con. Vì vậy bà H yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn, yêu cầu được nuôi con chung, không yêu cầu cha cấp dưỡng nuôi con.

Theo bị đơn là ông L J và người đại diện hợp pháp của ông tại tòa sơ thẩm là bà Lương Tuyết N trình bày:

Ông L J không đồng ý yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn vì không có căn cứ. Bà H đón con ở trường mà không báo trước cho ông LJ nên ông rất lo lắng, việc tước quyền đăng nhập trên là do khi biết ông sắp kết hôn với người khác bà H thường dùng hình ảnh cá nhân của cha con ông để bình luận tiêu cực trên mạng xã hội, ông cho con đi xe buýt của trường là để con rèn tính tự lập. Bà H còn đến trường cho con xem máy tính bảng gây ảnh hưởng việc học của con, bà còn xúi giục người thân dùng nhiều lời lẽ có ý gây ảnh hưởng xấu đến danh dự uy tín của ông LJ nên ông phải yêu cầu phản tố là đề nghị tòa hạn chế quyền thăm con của bà H, tuy nhiên sau đó ông LJ đã rút lại yêu cầu phản tố này.

Tại Bản án số 63/2020/HNGĐ-ST ngày 17/01/2020 của Tòa án nhân dân quận T, Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên xử:

Giao con chung cho bà H nuôi, tạm hoãn việc cấp dưỡng nuôi con cho ông LJ vì bà H không yêu cầu.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí, quyền, nghĩa vụ của cha mẹ đối với con sau khi ly hôn, quyền kháng cáo và quy định về thi hành án theo quy định pháp luật.

Ngày 20/01/2020, ông LJ có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, yêu cầu tòa phúc thẩm sửa án sơ thẩm, bác yêu cầu của nguyên đơn.

Ngày 30/01/2020, Viện kiểm sát nhân dân quận T, Thành phố Hồ Chí Minh có kháng nghị số 01/QĐKNPT-VKS-DS kháng nghị một phần bản án sơ thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm, - Người kháng cáo đồng thời là bị đơn trong vụ án là ông L J và người đại diện hợp pháp là bà Nguyễn Thị H Trân cùng trình bày:

Ông LJ chăm sóc con phát triển tốt về thể chất, tinh thần, ông có đủ điều kiện nuôi con. Hiện ông đã có gia đình mới, vợ ông mới sinh con gái vào tháng 3/2020 nhưng vẫn cùng ông chăm sóc trẻ SJ, ngoài ra còn có mẹ vợ và người giúp việc nhà ở chung cùng ông chăm sóc gia đình nên không cần thiết phải đón cha mẹ ông LJ đến ở. Ông đã cho con SJ nhập quốc tịch Malaysia, chuẩn bị cho SJ đi học ở trường mới và đã đóng tiền học cho con.

Đối với các lý do bà H đưa ra để yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn, ông LJ cho rằng:

Tết nguyên đán năm 2020 ông không cho trẻ SJ về ăn tết với mẹ và gia đình bên ngoại theo đề nghị của gia đình bà H vì ông đã có kế hoạch từ trước đó 01 năm (thời gian làm thủ tục ly hôn với bà H vào tháng 3, 4 năm 2019 ông có quen biết bà TV nên lúc đó đã có kế hoạch về quê vợ mới ở ĐT - Lâm Đồng, ly hôn xong ông được nuôi con nên cho con đi theo).

Ông yêu cầu trường học của SJ cắt quyền truy cập phần mềm Kids online (là phần mềm ứng dụng để quản lý sinh hoạt, học tập của con ở trường học do nhà trường cung cấp) vì khi lập gia đình mới ông đã đăng ký thêm tên vợ mới là TV có quyền truy cập phần mềm này, bà H đã dùng hình ảnh chụp bà V đang ẵm trẻ SJ (lấy từ ứng dụng Kidsonline) đăng lên facebook cá nhân của bà H với nội dung “cô gái này là ai mà dám tự xưng là mẹ của con tôi” và có 01 ý kiến bình luận nội dung bà Vi không phải là mẹ của con bà, lấy tư cách gì xưng hô là mẹ với cô giáo? Ông cho trẻ SJ nghỉ học mà không thông báo cho bà H biết vì ngày 24/5/2020 là ngày trẻ SJ phải đi học lại sau cách ly do covid 19, do ông thấy đến ngày 19/6/2020 là kết thúc năm học rồi, thời gian đi học không được bao lâu và để an toàn cho con ông đã cho con nghỉ ở nhà dự định đến khi nào trường thông báo nhập học năm học mới sẽ cho con đi học lại. Việc quyết định cho con nghỉ học ở nhà ông không bàn bạc trao đổi trước hay hỏi ý kiến bà H, nhưng sau đó khi bà đến nhà ông thăm con thì đã biết việc con nghỉ học.

Ông và bà H không có thỏa thuận nào về việc thăm con sau khi ly hôn, bà chỉ đến thăm con chứ chưa khi nào đề nghị được đón con về nhà, khi nào bà H muốn thăm con thì báo trước cho ông biết và ông đều đồng ý cho thăm. Năm 2019 ông cho con đi nước ngoài để làm thủ tục nhập quốc tịch cho con, bà H có biết và đồng ý sẽ cho con nhập quốc tịch của ông, lúc đi ông có xin nhà trường cho con nghỉ học để đi.

Ông vẫn đảm bảo nuôi con tốt nên yêu cầu tòa án bác yêu cầu của bà H, cho ông được tiếp tục nuôi con.

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn là luật sư Nguyễn Trầm Minh Khôi trình bày:

Bà H khai làm việc tại Công ty TNHH TMDV Phong Hiệp với mức lương 12.000.000đ/tháng và có sổ tiết kiệm 05 tỉ đồng, kỳ hạn 24 tháng lãnh lãi cuối kỳ nên chưa rõ thu nhập về sổ tiết kiệm và không phải là nguồn thu nhập thường xuyên, thu nhập thường xuyên của bà H như vậy chỉ có 12.000.000đ/tháng, nhà ở hiện nay của bà là nhà được ủy quyền sử dụng không phải là chủ sở hữu. Còn ông LJ làm việc tại Công ty cổ phần hàng không VJ với lương 7.543USD/tháng tương đương gần 174.000.000đ/tháng, nên có điều kiện tài chính đảm bảo cho con được học tập ở môi trường tốt, ngoài đến trường ông còn cho trẻ SJ học nhảy dancesport, học đàn piano tại nhà để con được vui chơi, phát triển tinh thần, thể chất. Ông không cản trở bà H thăm con, ở nhà bà V là người dạy đàn cho trẻ SJ và bà cũng có tài sản riêng không phụ thuộc vào chồng. Theo qui định luật Hôn nhân gia đình thì điều kiện thay đổi nuôi con sau ly hôn là cha mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi hoặc người đang nuôi con không còn đủ điều kiện nuôi con, ông LJ vẫn còn đủ điều kiện nuôi con và không thỏa thuận thay đổi, vì vậy đề nghị hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận kháng cáo của bị đơn, sửa án sơ thẩm theo hướng bác yêu cầu của bà H, cho ông LJ được tiếp tục nuôi con.

- Nguyên đơn là bà Nguyễn Thị H trình bày:

Bà là người trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng con chung từ lúc mới sinh đến lúc vợ chồng bà ly hôn vào ngày 25/03/2019; khi ly hôn ông LJ đã hứa với bà sẽ sắp xếp thời gian để tập trung chăm sóc con, sẽ đón ông bà nội sang hỗ trợ chăm sóc con chung, nhập quốc tịch cho con, đảm bảo cho con có cuộc sống tốt nhất đồng thời tạo mọi điều kiện cho bà thăm nom, chăm sóc, giáo dục con sau khi ly hôn, … nên bà mới đồng ý giao con chung cho ông LJ nuôi vì nghĩ rằng ông sẽ lo cho con có cuộc sống tốt đẹp hơn, nhưng thực tế không phải như vậy.

Trước thời điểm chính thức ly hôn 25/03/2019, bà và ông đã trao đổi lịch trình thăm con của bà sau khi ly hôn thông qua tin nhắn điện thoại và cùng thỏa thuận bà H được đón con ở trường về nhà bà sau giờ con tan học vào các ngày thứ 3, thứ 5 và thứ 6 hàng tuần. Chiều thứ sáu 05/04/2019, vào lúc 16h00 bà đến trường IBS đón con như bình thường thì trường không cho đón và thông báo cho bà biết sáng cùng ngày ông Leichumanan đã gửi mail đến trường yêu cầu trường chỉ cho trẻ SJ đến trường và về nhà bằng xe buýt, bà H không được phép đến đón trẻ. Đến lúc 18h53’ chiều hôm đó ông LJ mới nhắn tin qua điện thoại báo cho bà biết nội dung: ông đã có kế hoạch cho con, từ thứ hai đến thứ sáu là giờ con đi học, thứ bảy là của ông, chủ nhật là của bà H.

Bà buộc phải chấp nhận chỉ được đón con vào chủ nhật hàng tuần như lịch ông LJ mới đặt ra nhưng thứ 7 ngày 13/4/2019 lúc 14h51’ bà nhắn tin báo cho ông biết bà sẽ đến đón con vào 10h00 sáng chủ nhật thì ông không trả lời và nhiều lần sau đó tình trạng này tiếp tục tái diễn.

Vào lúc 13h38’ ngày 21/6/2019, bà bất ngờ nhận được thư chuyển tiếp từ mail của ông LJ gửi cho trường IBS, nội dung yêu cầu trường xóa quyền truy cập của bà đối với phần mềm kidsonline (là phần mềm ứng dụng theo dõi tình hình sinh hoạt học tập của con ở trường IBS), không cho bà được truy cập nữa.

Ngày 22/6 đến 25/6/2019 bà nhiều lần nhắn tin cho ông LJ hỏi về việc đến thăm con, muốn được đón con về nhà vài hôm vì 25/6/2019 con bắt đầu kỳ nghỉ hè…, nhưng ông bặt vô âm tín. Ngày 15 đến 19/7/2019 theo lịch là ngày con bà đi học, nhưng bà đến trường thăm con mới biết ông LJ đã cho con nghỉ học đi du lịch mà không báo cho bà biết.

Theo hợp đồng thuê nhà ông LJ cung cấp cho tòa phúc thẩm thì ông và bà Trần Kim TV thuê nhà sống chung từ 06/3/2019 và có mẹ vợ cùng ở chung nhà nên việc bà đến nhà ông thăm con rất bất tiện cho cả hai bên; Ông LJ một mặt đồng ý cho bà đến thăm con nhưng khi bà đến nhà thăm con thì ông lại tỏ thái độ khó chịu, hậm hực, quát nạt làm con sợ hãi không dám đi theo mẹ. Thậm chí, ông buộc bà phải chọn lựa việc thăm con theo ý muốn của ông: (1) Đến nhà ông và gặp con (2) Ông sẽ đưa con xuống sân chơi và bà có thể chơi với con dưới sự giám sát của ông.

Sau lần đổ vỡ hạnh phúc gia đình, bà không có ý định đi bước nữa, bà cũng đã bước qua tuổi 40, ít cơ hội để sinh đẻ, nên con SJ là tất cả đối với bà. Nay ông LJ nhiều lần cản trở, không tạo điều kiện cho bà thăm con sau khi ly hôn; bà có đủ điều kiện sức khỏe, thời gian trực tiếp chăm sóc con, kinh tế, chỗ ở, trình độ…để nuôi dạy con trưởng thành; bà đang độc thân, có thể dành toàn tâm toàn ý và những gì tốt nhất cho con, lại được gia đình hỗ trợ chăm sóc con nên bà xin tòa bảo vệ quyền làm mẹ, cho bà được nuôi con.

Nếu được nuôi con bà không yêu cầu ông LJ cấp dưỡng nuôi con và sẵn sàng đảm bảo quyền thăm nom chăm sóc con cho ông LJ vì bà luôn mong muốn con có được cả tình yêu thương, chăm sóc của cha và mẹ.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tham gia phiên tòa phát biểu:

Những người tham gia tố tụng và những người tiến hành tố tụng đã thực hiện đúng quy định pháp luật; về hình thức đơn kháng cáo của ông LJ hợp lệ; về nội dung kháng cáo, kháng nghị: qua tài liệu chứng cứ trong hồ sơ và lời khai của các đương sự thấy rằng cả cha và mẹ đều thể hiện có tình cảm yêu thương con về nhiều mặt, cha mẹ đều có đủ điều kiện kinh tế để nuôi con. Ông LJ cũng quan tâm chăm sóc con nhưng đã có gia đình mới nên không thể dành trọn vẹn cho con như trước; Bà H là người đã mang nặng đẻ đau ra SJ, hiện chưa có gia đình, có thời gian chăm sóc con, trẻ SJ còn nhỏ cần có sự chăm sóc trực tiếp từ người mẹ vì vậy không có cơ sở chấp nhận kháng cáo của bị đơn cũng như kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân quận T về nội dung giao con cho bị đơn nuôi; Tại cấp sơ thẩm, bị đơn rút yêu cầu phản tố nhưng tòa sơ thẩm không tuyên đình chỉ giải quyết yêu cầu phản tố trong phần quyết định là không đúng quy định; Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận một phần kháng nghị, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, sửa một phần án sơ thẩm về đình chỉ giải quyết yêu cầu phản tố của bị đơn, giao trẻ SJ cho mẹ là bà H trực tiếp nuôi dưỡng.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về hình thức:

Đơn kháng cáo của ông LJ ngày 20/01/2020 là còn trong hạn kháng cáo, đã nộp tạm ứng án phí phúc thẩm theo quy định nên hợp lệ về hình thức, được xem xét theo trình tự phúc thẩm.Viện kiểm sát nhân dân quận T kháng nghị một phần bản án sơ thẩm vào ngày 30/01/2020 là còn trong thời hạn kháng nghị nên hợp lệ.

[2] Về nội dung kháng cáo, kháng nghị: Hội đồng xét xử nhận thấy:

Sau khi vợ chồng bà H, ông LJ ly hôn vào ngày 25/03/2019 hai bên thỏa thuận giao con chung là trẻ SJ cho cha là ông LJ trực tiếp nuôi dưỡng. Theo các chứng cứ thể hiện trong hồ sơ và lời trình bày của các đương sự thì ông LJ đã ký hợp đồng thuê nhà để ở tại quận T thời hạn 03 năm đến ngày 06/03/2022, bà H thì được cha mẹ ủy quyền quản lý, sử dụng nhà tại Quận 12 thời hạn 20 năm đến năm 2039; cả hai đều có tình cảm yêu thương con, có việc làm ổn định, có đủ điều kiện kinh tế để nuôi con.

Căn cứ chứng cứ là tin nhắn qua lại bằng điện thoại di động giữa bà H và ông LJ vào ngày 07 và 25/3/2019 thì bà H đề nghị với ông LJ sau khi ly hôn bà H sẽ đón con sau giờ tan học vào 3 ngày thứ hai, tư, sáu hàng tuần; ông LJ đưa ý kiến đồng ý để bà H được đón con ở trường về nhà sau giờ tan học vào ngày thứ 3, thứ 5 và thứ 6 hàng tuần và bà H sẽ thông báo điều này với trợ lý học sinh và bà H đồng ý; ông LJ còn thông báo A và N (là cha mẹ ông) sẽ đến ở với ông sớm và cùng chăm sóc trẻ SJ (bản dịch tin nhắn ngày 20/8/2020 do bà H cung cấp). Do đó, ông LJ cho rằng ông và bà H không có thỏa thuận về việc thăm con sau khi ly hôn là không đúng.

Tuy nhiên, lúc 4 giờ chiều thứ 6 ngày 5/4/2019 bà H đến trường đón con theo lịch thỏa thuận thì trường không đồng ý cho đón và thông báo cho bà H biết sáng cùng ngày ông LJ đã gửi mail đến trường yêu cầu trường chỉ cho trẻ SJ đến trường và về nhà bằng xe buýt, bà H không được phép đến đón trẻ. Đến 18h53’ chiều 05/4/2019 ông LJ mới nhắn tin qua điện thoại cho bà H biết nội dung: ông đã có kế hoạch cho con, từ thứ hai đến thứ sáu là giờ con đi học, thứ bảy là của ông, chủ nhật là của bà H (tin nhắn ngày 05/4/2019, bản dịch tin nhắn ngày 20/8/2020, thư xác nhận của trường IBS bút lục 104, 106-108).

Ngày 15 đến 19/7/2019 theo lịch là ngày trẻ SJ đi học, nhưng bà H đến trường thăm con mới biết ông LJ cho con nghỉ học đi du lịch mà không báo cho bà H biết (bút lục 100, 101). Ông LJ thừa nhận ngày 24/5/2020 là ngày trẻ SJ phải đi học lại sau cách ly covid 19, nhưng ông thấy đến ngày 19/6/2020 là kết thúc năm học rồi, nếu cho con đi học tiếp cũng không học được bao lâu và để an toàn cho con ông đã cho con nghỉ ở nhà, dự định đến khi nào trường thông báo nhập học năm học mới (khoảng đầu tháng 7/2020) sẽ cho con đi học lại (biên bản làm việc 12/06/2020).

Khi bà H nhắn tin đề nghị được đón con về nhà 3 ngày thứ hai, tư sáu hàng tuần, ông LJ không đồng ý và còn buộc bà bà H chỉ được lựa chọn 1 trong 2 cách thăm con sau: (1) Đến nhà ông và gặp con (2) Ông sẽ đưa con xuống sân chơi và bà có thể chơi với con dưới sự giám sát của ông, sau đó, ông sẽ đưa con về nhà nghỉ ngơi (xem bản dịch tin nhắn ngày 20/8/2020 đối với tin nhắn ngày 27/9/2019).

Như vậy, ông LJ đã tự ý thay đổi lịch trình thăm con sau khi ly hôn của bà H, nhiều lần tự ý cho con nghỉ học mà không thông báo, trao đổi trước với bà H, khi bà đến trường thăm con không gặp và được trường thông báo mới biết, buộc bà phải thăm con theo sự sắp đặt của ông. Theo chứng cứ thể hiện trong hồ sơ thì ông LJ có lần cho con nghỉ học đi du lịch, lần thì muốn phòng tránh dịch covid 19 để con được an toàn. Có thể thấy những việc ông LJ làm trên xuất phát từ sự quan tâm chăm sóc của ông đến trẻ SJ, điều mà cha mẹ nào cũng muốn làm cho con mình, tuy nhiên cách làm này là không phù hợp với sự phát triển tâm sinh lý của trẻ và không tôn trọng, không đảm bảo quyền của người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn là bà H quy định của luật Hôn nhân và Gia đình. Bởi lẽ, từ ngày mới sinh trẻ SJ đã được cha mẹ cùng chăm sóc nuôi dưỡng đã quen nếp sinh hoạt, đến ngày 25/03/2019 cha mẹ ly hôn thì mới về ở hẳn với cha và cha mẹ đã thỏa thuận lịch trình thăm con của mẹ là 03 ngày thứ 3, thứ 5 và thứ 6 hàng tuần; ngày 05/04/2019 ông LJ lấy tư cách người được giao nuôi con khi ly hôn tự thay đổi lịch thăm con của bà H, cấm bà không được đón con ở trường, yêu cầu trẻ SJ tự đi học và về bằng xe buýt để rèn tính tự lập, đây cũng là thói quen tốt nhưng trẻ SJ sinh ngày 30/08/2015 còn quá nhỏ để trong thời gian ngắn vừa phải thích nghi với hoàn cảnh mới có cha thì không có mẹ và ngược lại, vừa phải rèn luyện tính tự lập. Dù ông LJ và bà H đã ly hôn, thì bà H vẫn là mẹ của trẻ SJ, có quyền và nghĩa vụ chăm sóc, nụôi dưỡng, giáo dục đối với con mình theo quy định pháp luật, ông LJ không thể một mình quyết định thay bà H, vì điều đó làm ảnh hưởng quyền của người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn được quy định trong luật Hôn nhân và Gia đình.

Ông LJ thừa nhận ngày 21/06/2019 có gửi mail yêu cầu trường IBS xóa quyền truy cập của bà H đối với phần mềm kidsonline và giải thích việc ông yêu cầu trường IBS cắt quyền truy cập của bà H là do trước đó ông lập gia đình mới và đã đăng ký bổ sung thêm tên vợ mới là bà Vi cũng có quyền truy cập phần mềm này; bà H đã dùng hình ảnh chụp bà Vi ẵm trẻ SJ (lấy từ phần mềm kidsonline, ngoài ra bà H không sử dụng thêm thông tin nào khác) đăng lên Facebook cá nhân của bà H với nội dung như: cô gái này là ai mà dám xưng là mẹ của con tôi? (biên bản làm việc 12/6/2020). Việc bà H đăng tải hình ảnh cá nhân bà Vi lên Facebook cá nhân của bà H khi chưa được sự đồng ý của bà Vi có thể có vi phạm về quyền dân sự, như vậy việc ông LJ cắt quyền truy cập phần mềm kisonline của bà H là có nguyên nhân. Theo các đương sự trình bày thì kidsonline là phần mềm theo dõi quản lý tình hình sinh hoạt, học tập ở trường của con do trường IBS cung cấp cho phụ huynh để phụ huynh có thể nắm bắt kịp thời tình hình sinh hoạt học tập ở trường của con em mình, cùng với nhà trường giáo dục, dạy dỗ con em mình; ông LJ và bà H là cha mẹ trẻ SJ và trước khi ly hôn vẫn có quyền truy cập này. Sau khi ly hôn, lập gia đình mới, ông LJ tự đăng ký bổ sung tên bà Vi được quyền truy cập, quản lý thông tin học tập, sinh hoạt của trẻ SJ là con của bà H mà lại không thông báo, trao đổi cho bà H biết là thiếu tế nhị và không tôn trọng quyền làm mẹ của bà H. Suốt thời gian từ ngày 21/06/2019 cho đến ngày 12/06/2020 (ngày có biên bản làm việc ở tòa) và một thời gian ngắn sau đó bà H vẫn bị cắt quyền truy cập phần mềm này, không được thông tin kịp thời về tình hình sinh hoạt, học tập ở trường của con mình; dù vì nguyên nhân gì, thì ông LJ cũng đã làm ảnh hưởng quyền của người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn là bà H; ảnh hưởng đến quyền được cha, mẹ cùng thương yêu, chăm sóc, nuôi dưỡng của trẻ SJ.

Như vậy, trẻ SJ từ khi sinh ra đã được cha mẹ cùng nuôi dưỡng, sau khi thuận tình ly hôn vào ngày 25/3/2019 bà H mới giao con cho ông LJ nuôi; đồng thời có thỏa thuận việc thăm con sau khi ly hôn, nhưng ngay sau đó không bao lâu, ngày 05/4/2019 ông LJ đã tự ý thay đổi lịch thăm con đã thỏa thuận và không tạo điều kiện cho bà H thực hiện quyền thăm con sau khi ly hôn, không cho bà H đón con về nhà dù bà đã yêu cầu như đã phân tích trên, vi phạm nghĩa vụ của người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn được quy định tại Điều 83 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 nên không còn đủ điều kiện trực tiếp nuôi con. Mặt khác, pháp luật tuy không cấm nhưng thực tế ông LJ đã lập gia đình mới và sinh thêm một con gái nên ông LJ có quyền và phải thực hiện nghĩa vụ với gia đình mới của mình, không thể toàn tâm toàn ý dành tất cả tình cảm, sự yêu thương chăm sóc cho một mình trẻ SJ; hiện trẻ SJ vẫn còn nhỏ, cần có sự chăm sóc trực tiếp từ người mẹ, bà H lại đang độc thân và chỉ có một mình trẻ SJ là con.

Trên cơ sở đó, Hội đồng xét xử xét thấy căn cứ điều kiện nuôi con thực tế hiện nay đồng thời đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp và tốt nhất cho trẻ em, phụ nữ sau khi ly hôn thì giao con chung cho mẹ là bà H trực tiếp nuôi dưỡng sẽ thuận lợi, trọn vẹn và tốt cho trẻ hơn là giao cho ông LJ nuôi; vì vậy không có cơ sở chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông LJ và kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân quận T về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn như đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tham gia phiên tòa.

Quá trình giải quyết vụ án tại tòa sơ thẩm, bị đơn có yêu cầu phản tố hạn chế quyền thăm con sau khi ly hôn của nguyên đơn nhưng sau đó bị đơn rút toàn bộ yêu cầu phản tố, tòa sơ thẩm có nhận định nhưng không tuyên trong phần quyết định là vi phạm điểm c, khoản 2 Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 nên kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân quận T về nội dung này là có cơ sở, được Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận.

[3] Về án phí:

Án phí dân sự sơ thẩm: Yêu cầu khởi kiện về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn được chấp nhận nên bà H không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm.Án phí dân sự sơ thẩm về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn ông LJ phải chịu, theo quy định pháp luật.

Do đã rút yêu cầu phản tố, ông L J được hoàn lại tiền tạm ứng án phí phản tố, theo quy định pháp luật. Án phí dân sự phúc thẩm: do sửa một phần bản án sơ thẩm nên người kháng cáo là ông LJ không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm, theo quy định pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

- Căn cứ vào các Điều 147, Điều 148, Điều 306 và Khoản 2 Điều 308, điểm c Khoản 2 Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

- Căn cứ vào các Điều 81, Điều 82, Điều 83 và Điều 84 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014;

- Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án;

- Căn cứ Luật Thi hành án dân sự 2008, đã sửa đổi bổ sung năm 2014,

Tuyên xử:

* Về hình thức: Chấp nhận đơn kháng cáo của ông L J và kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân quận T, Thành phố Hồ Chí Minh về mặt hình thức.

* Về nội dung: Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông L J. Chấp nhận một phần kháng nghị số 01/2020/QĐKNPT-DS ngày 30/01/2020 của Viện kiểm sát nhân dân quận T Thành phố Hồ Chí Minh. Sửa một phần bản án hôn nhân sơ thẩm số 63/2020/HNGĐ-ST ngày 17/01/2020 của Tòa án nhân dân quận T Thành phố Hồ Chí Minh.

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Giao trẻ SJ Nguyen (nam), sinh ngày 30/08/2015 cho mẹ là bà Nguyễn Thị H trực tiếp nuôi dưỡng. Hoãn việc cấp dưỡng nuôi con cho ông L J do bà H không có yêu cầu.

Ông L J có trách nhiệm giao trẻ SJ Nguyen cho bà Nguyễn Thị H nuôi dưỡng ngay sau khi bản án có hiệu lực pháp luật.

Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ này, yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình tôn trọng quyền được nuôi con của mình. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được pháp luật quy định, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con và mức cấp dưỡng nuôi con.

2. Đình chỉ giải quyết yêu cầu phản tố của bị đơn là ông L J về việc hạn chế quyền thăm con sau khi ly hôn đối với bà Nguyễn Thị H.

3. Về án phí:

Án phí dân sự sơ thẩm về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn ông L J phải chịu, nhưng được cấn trừ vào số tiền tạm ứng án phí phản tố đã tạm nộp là 300.000 đồng theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí số AA/2018/0039279 ngày 14/10/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự quận T Thành phố Hồ Chí Minh. Ông L J đã nộp đủ án phí dân sự sơ thẩm.

Hoàn lại cho bà Nguyễn Thị H số tiền tạm ứng án phí đã tạm nộp là 300.000 đồng theo biên lai thu tiền số AA/2018/0038761 ngày 08/07/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự quận T, Thành phố Hồ Chí Minh.

Án phí dân sự phúc thẩm: Hoàn lại số tiền tạm nộp án phí dân sự phúc thẩm là 300.000 đồng cho ông L J theo biên lai thu tiền số AA/2018/0039834 ngày 20/01/2020 Chi cục Thi hành án dân sự quận T, Thành phố Hồ Chí Minh.

4. Thi hành án dưới sự giám sát của cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền.

5. Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

6. Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

353
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 817/2020/HNGĐ-PT ngày 27/08/2020 về tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

Số hiệu:817/2020/HNGĐ-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh
Lĩnh vực:Hôn Nhân Gia Đình
Ngày ban hành: 27/08/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký



  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;