TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK NÔNG
BẢN ÁN 81/2019/HS-PT NGÀY 10/09/2019 VỀ TỘI BẮT NGƯỜI TRÁI PHÁP LUẬT
Ngày 10 tháng 9 năm 2019 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Nông mở phiên toà xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 57/2019/TLPT-HS ngày 21 tháng 6 năm 2019 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 61/2019/QĐXXPT-HS ngày 07 tháng 8 năm 2019, Quyết định hoãn phiên tòa số: 25/2019/HSPT-QĐ ngày 20-8-2019 đối với bị cáo Nguyễn Thị N và đồng phạm do có kháng cáo của các bị cáo và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đối với bản án hình sự sơ thẩm số: 22/2019/HS-ST ngày 08/05/2019 của Toà án nhân dân huyện Đắk Song.
Các bị cáo có kháng cáo:
1. Nguyễn Thị N (tên gọi khác: M Y), sinh năm 1977 tại tỉnh Hà Nam; nơi cư trú: Bon C, xã E, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk; nghề nghiệp: Làm nông; trình độ học vấn: 7/12; dân tộc: Mường; giới tính: nữ; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Nguyễn Văn L và bà Nguyễn Thị Ô; có chồng là Y N Bkrông và 02 con; bị bắt tạm giữ từ ngày 21-12-2017 đến ngày 30-12-2017, tại ngoại - Có mặt.
2. Nguyễn Đình T, sinh năm 1978 tại tỉnh Đắk Lắk; nơi cư trú: Tổ dân phố Q, thị trấn P, huyện K, tỉnh Đắk Lắk; nghề nghiệp: Buôn bán; trình độ học vấn: 02/12; dân tộc: Kinh; giới tính: nam; tôn giáo: Phật giáo; quốc tịch: Việt Nam; con ông Nguyễn Đình X (đã chết) và bà Nguyễn Thị N; tiền án: Bản án hình sự phúc thẩm số: 89/2001/HS-PT ngày 23-3-2001 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Đà Nẵng, xử phạt 08 năm tù về tội “Giết người”, chấp hành xong hình phạt ngày 01-02-2005, chưa chấp hành xong phần bồi thường; bị bắt tạm giữ từ ngày 21-12-2017 đến 30-12-2017, tại ngoại - Có mặt.
3. Phan Tấn Đ (tên gọi khác: B), sinh năm 1977 tại tỉnh Đắk Lắk; nơi cư trú: Tổ dân phố K, thị trấn P, huyện K, tỉnh Đắk Lắk; nghề nghiệp: Làm nông; trình độ học vấn: 02/12; dân tộc: Kinh; giới tính: nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Phan Tấn Đ1 và bà Nguyễn Thị N1; có vợ là Nguyễn Thị Kim Y và 02 con; nhân thân: Bản án hình sự sơ thẩm số: 23/2015/HS-ST ngày 20-4-2015 của Tòa án nhân dân huyện K, tỉnh Đắk Lắk, xử phạt 06 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Đánh bạc”, thời gian thử thách 01 năm kể từ ngày tuyên án sơ thẩm, đã được xóa án tích; bị bắt tạm giữ từ ngày 21-12-2017 đến ngày 30-12-2017, tại ngoại - Có mặt.
4. Bùi Ngọc Th, sinh năm 1980 tại tỉnh Thái Bình; nơi cư trú: Tổ dân phố W, thị trấn P, huyện K, tỉnh Đắk Lắk; nghề nghiệp: Làm nông; trình độ học vấn: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Bùi Ngọc T (đã chết) và bà Đặng Thị X; có vợ là Nguyễn Thị Q (đã ly hôn) và 01 con; bị bắt tạm giữ từ ngày 21-12-2017 đến ngày 30-12-2017, tại ngoại - Có đơn xin xét xử vắng mặt.
5. Huỳnh Bảo Q, sinh năm 1988 tại tỉnh Đắk Lắk; nơi cư trú: Tổ dân phố J, thị trấn P, huyện K, tỉnh Đắk Lắk; nghề nghiệp: Lái xe; trình độ học vấn: 9/12; dân tộc: Kinh; giới tính: nam; tôn giáo: Thiên chúa giáo; quốc tịch: Việt Nam; con ông Huỳnh Ngọc  và bà Trần Thị Thu S; bị bắt tạm giữ từ ngày 21-10- 2017 đến ngày 30-12-2017, tại ngoại - Có mặt.
Bị hại: Chị Trần Thị V; địa chỉ: Thôn V, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Đắk Nông - Vắng mặt.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
- Chị Huỳnh Thị Như Y; địa chỉ: Tổ dân phố R, thị trấn P, huyện K, tỉnh Đắk Lắk.
- Anh Nguyễn Minh H; địa chỉ: Tổ dân phố R, thị trấn P, huyện K, tỉnh Đắk Lắk.
Người đại diện theo ủy quyền của anh Nguyễn Minh Hưng: Chị Huỳnh Thị Như Y - Có đơn xin xét xử vắng mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, vụ án được tóm tắt như sau:
Ngày 07-01-2017, chị Nguyễn Thị M, trú tại: Thôn G, xã E, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk ủy quyền (đã được công chứng) cho Nguyễn Thị N đi thu nợ cà phê nhân của chị Trần Thị V và anh Nguyễn Văn Đ2, trú tại: Thôn V, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Đắk Nông. Khoảng 17 giờ ngày 19-12-2017, N gọi điện cho Bùi Ngọc Th nhờ thuê xe, tài xế và người bốc vác cà phê đến nhà chị V để thu nợ, thì được Th đồng ý. Sau đó, Th gọi điện cho Huỳnh Bảo Q để thuê xe ô tô và gọi điện cho Nguyễn Đình T và Phan Tấn Đ để đi bốc cà phê. Khoảng 05 giờ ngày 20-12-2017, Q điều khiển xe ôtô hiệu Toyota Innova biển kiểm soát: 47A-190.52 chở Th, T và Đ đến xã E, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk để đón N (N rủ thêm chị H’T L Byă cùng đi chơi). Sau đó, Q điều khiển xe ô tô đến đại lý cà phê của chị Trần Thị V tọa lạc tại bon B, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Đắk Nông. Khi đến nơi N vào nhà gặp chị V để nói chuyện về việc trả nợ nhưng chị V không cho gặp, đóng cửa nhà và cãi nhau qua lại với N. Sau đó, N liên hệ với Công an xã Đ đến để giải quyết. Tại Công an xã Đ, do anh Đ2 (chồng chị V) không muốn làm việc với N mà yêu cầu giải quyết nợ nần với chị M nên không giải quyết được, hai bên ra về. Lúc này, Q điều khiển xe ô tô chở N, Th, L, T và Đ ra về, khi đến khu vực bon B, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Đắk Nông thì gặp chị V đang đi xe mô tô ngược chiều, nên N nói Q quay xe lại để nói chuyện với chị V. Thấy vậy, chị V chạy xe vào quán tạp hóa và đi vào nhà của anh Y L. Khi đó, N nói Q dừng xe trước quán tạp hóa cùng Th, T và Đ xuống xe gặp anh Y L xin vào nhà để gặp chị V, nhưng chị V không muốn gặp nên N quay ra gọi Th, T và Đ nói “đưa bà ra xe”. Khi nghe, N nói vậy thì T và Th đến kéo chị V ra ngoài, trong đó T cầm tay phải, T cầm tay trái chị V còn Đ đẩy người chị V từ phía sau đưa ra xe ô tô. Do bị khống chế đưa lên xe ô tô, chị V đã giãy giụa và kêu cứu nhưng không được, N mở cửa sau xe ô tô cho T và Th kéo và khiêng chị V đưa vào xe, chị V tiếp tục la hét, vùng vẫy, đạp chân vào thành cửa thì Đ cầm chân chị V đẩy vào trong xe. Khi bị đưa vào trong xe ô tô, chị V vẫn để chân ra ngoài nên không đóng cửa xe được, khi xe đi được khoảng 10m thì mới đóng được cửa xe. Sau khi đưa chị V lên xe, N điện thoại cho cán bộ Công an xã Đ thì được hướng dẫn đưa chị V ra quán cà phê hoặc Công an huyện Đăk Song giải quyết. Lúc này, N nói Q điều khiển xe đến Công an huyện Đăk Song, khi đi qua thị trấn Đ, huyện Đ, tỉnh Đắk Nông được khoảng 02 km thì N nói Q rẽ vào con đường bên phải Quốc lộ 14 được khoảng 500m thì chị V nói đường này không đi được, thì N nói “đưa bà đi Campuchia chứ đi đâu”. Khi xe đi được khoản 01 km, chị V nói đưa đến nhà chị M để giải quyết chứ đưa đến Công an huyện làm gì và được N đồng ý và đưa điện thoại cho chị V điện thoại cho chồng. Sau đó, Q điều khiển xe ô tô chở mọi người về nhà chị M tại Thôn F, xã E, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk. Hành vi của N, Th, T, Đ và Q ngay sau đó đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đắk Song triệu tập đến Công an xã E, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk để làm việc.
Bản án hình sự sơ thẩm số: 22/2019/HS-ST ngày 08-5-2019 của Toà án nhân dân huyện Đắk Song đã quyết định: Tuyên bố các bị cáo Nguyễn Thị N, Nguyễn Đình T, Phan Tấn Đ, Bùi Ngọc Th và Huỳnh Bảo Q phạm tội “Bắt người trái pháp luật”. Áp dụng khoản 1 Điều 123 của Bộ luật Hình sự năm 1999; điểm i, s khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự năm 2015, xử phạt các bị cáo Nguyễn Thị N và Bùi Ngọc Th mỗi bị cáo 10 tháng tù. Áp dụng khoản 1 Điều 123 của Bộ luật Hình sự năm 1999; điểm s khoản 1 Điều 51; điểm h khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự năm 2015, xử phạt bị cáo Nguyễn Đình T 10 tháng tù. Áp dụng khoản 1 Điều 123 của Bộ luật Hình sự năm 1999; điểm s khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo Phan Tấn Đ 08 tháng tù. Áp dụng khoản 1 Điều 123 của Bộ luật Hình sự năm 1999; điểm i khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự năm 2015, xử phạt bị cáo Huỳnh Bảo Q 08 tháng tù.
Ngoài ra Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định xử lý vật chứng, trách nhiệm dân sự, án phí và thông báo quyền kháng cáo.
Ngày 18-5-2019, ngày 20-5-2019 và ngày 22-5-2019 các bị cáo Bùi Ngọc Th, Nguyễn Thị N và Phạm Tấn Đ kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin hưởng án treo, Nguyễn Đình T xin giảm nhẹ hình phạt.
Ngày 20-5-2019, bị cáo Huỳnh Bảo Q kháng cáo: Bản án sơ thẩm kết án bị cáo là chưa có căn cứ vững chắc, gây oan sai; mức hình phạt đối với bị cáo là quá nặng; tách yêu cầu bồi thường dân sự là không đúng pháp luật. Ngoài ra, bị cáo còn yêu cầu cấp phúc thẩm xem xét các nội dung đối với hành vi tố tụng và quyết định tố tụng của Điều tra viên, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đắk Song, Kiểm sát viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện Đắk Song, Thẩm phán, Tòa án nhân dân huyện Đắk Song.
Ngày 19-5-2019, chị Huỳnh Thị Như Y kháng cáo: Bản án sơ thẩm tách yêu cầu bồi thường dân sự của chị và anh H để giải quyết bằng một vụ án khác là không có căn cứ và vi phạm pháp luật. Ngoài ra, chị Y còn đề nghị cấp phúc thẩm xem xét hành vi của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đắk Song không giao Thông báo Kết luận điều tra; hành vi, quyết định tố tụng của Thẩm phán, Tòa án nhân dân huyện Đắk Song.
Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo N, T và Đ thừa nhận hành vi của các bị cáo đã bị xét xử về tội “Bắt người trái pháp luật” là không oan.
Bị cáo Q thừa nhận các lời khai tại Công an xã E, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk và tại Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đắk Song đã được Hội đồng xét xử và đại diện Viện kiểm sát công bố tại phiên tòa phúc thẩm là đúng. Trong khi nằm trên ghế xe để chờ mọi người, bị cáo chỉ biết một số hành vi của các bị cáo khác đối với chị V; không trực tiếp đưa chị V lên xe; đồng thời chỉ là người lái xe dịch vụ theo hợp đồng và đưa đến mọi người đến Công an huyện để giải quyết theo yêu cầu của người thuê xe. Do đó, theo nhận thức của bị cáo thì hành vi đó không đủ các yếu tố cấu thành tội “Bắt người trái pháp luật”, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét đánh giá toàn diện, khách quan hành vi của bị cáo theo quy định của pháp luật. Bị cáo không thừa nhận nội dung Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đăk Song và Viện kiểm sát nhân dân huyện Đắk Song đã kết luận: “Bị cáo Q chở chị V đi Campuchia và Thành phố Hồ Chí Minh theo yêu cầu của bị cáo N”.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Nông, sau khi phân tích các tình tiết của vụ án, đề nghị Hội đồng xét xử:
Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355; Điều 356 của Bộ luật Tố tụng hình sự. Áp dụng khoản 1 Điều 123 của Bộ luật Hình sự năm 1999 đối với các bị cáo T, Đ và Q; điểm i khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự năm 2015 đối với bị cáo Q; điểm s khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự năm 2015 đối với bị cáo T và Đ; điểm h khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự năm 2015 đối với bị cáo T: Không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo T, Đ và Q.
Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355; điểm e khoản 1 Điều 357 của Bộ luật Tố tụng hình sự. Áp dụng khoản 1 Điều 123 của Bộ luật Hình sự năm 1999 đối với các bị cáo N và Th; điểm b, i, s khoản 1 khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự năm 2015 đối với bị cáo N; điểm i, s khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự năm 2015 đối với bị cáo Th; Điều 65 của Bộ luật Hình sự năm 2015 đối với các bị cáo N và Th: Chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên mức hình phạt và cho các bị cáo được hưởng án treo.
Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355; Điều 356 của Bộ luật Tố tụng hình sự:
Không chấp nhận kháng cáo của chị Huỳnh Thị Như Y.
Các nội dung liên quan đến khiếu nại, tố cáo của bị cáo Q và chị Y yêu cầu trong đơn kháng cáo đã được giải quyết theo quy định của pháp luật.
Các bị cáo Nguyễn Thị N, Nguyễn Đình T và Phan Tấn Đ không có ý kiến bào chữa, tranh luận chỉ đề nghị Hội đồng xét xử xem xét chấp nhận kháng cáo của các bị cáo.
Bị cáo Q trình bày: Nội dung các lời khai của bị cáo tại Công an xã E, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk và Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đắk Song đã được đã Hội đồng xét xử và đại diện Viện kiểm sát công bố, viện dẫn tại phiên tòa phúc thẩm là đúng. Bị cáo chỉ không thừa nhận nội dung các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm kết luận bị cáo chở bị hại đi Campuchia và Thành phố Hồ Chí Minh theo yêu cầu của bị cáo N vì không đúng sự thật. Do đó, đại diện Viện kiểm sát không đề nghị Hội đồng xét xử xem xét tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự đối với bị cáo là không phù hợp. Mặt khác, nhận thức của bị cáo với những diễn biến, tình huống đã xảy ra thì hành vi của bị cáo là không đủ yếu tố cấu thành tội phạm, bị cáo khai đúng những gì mình biết. Do vậy, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm đánh giá khách quan đúng bản chất, hành vi của bị cáo và cho bị cáo được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1]. Về tố tụng: Bị cáo Th đã được triệu tập hợp lệ, tuy nhiên đã có đơn xin xét xử vắng mặt vì lý do sức khỏe; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có kháng cáo đã được triệu tập hợp lệ, có đơn xin xét xử vắng mặt. Hội đồng xét xử căn cứ Điều 351 của Bộ luật Tố tụng hình sự để xét xử vắng mặt đối với những người tham gia tố tụng có kháng cáo này.
[2]. Về nội dung, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định như sau:
[2.1]. Xét lời khai nhận của các bị cáo N, Đ và T tại phiên tòa phúc thẩm; của bị cáo Th tại phiên tòa sơ thẩm phù hợp với lời khai của các bị cáo tại cơ quan điều tra, các chứng cứ tài liệu đã thu thập và được thẩm tra công khai tại các phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm.
[2.2]. Lời khai nhận của bị cáo Q tại phiên tòa phúc thẩm phù hợp với biên bản ghi lời khai của bị cáo, cụ thể: Biên bản ghi lời khai hồi 11 giờ 20 phút ngày 21-12-2017 tại Công an xã E, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk (bút lục số 171): “...tôi thấy chị N và hai anh tên T và B (là người đi cùng anh Th) đi vào bên trong quán tạp hóa làm gì tôi không rõ vì lúc này tôi ngồi trên xe. Khoảng 05 phút sau tôi thấy anh T và anh B nắm hai bên vai áo của một người phụ nữ là vợ ông Đ2 chủ đại lý cà phê và yêu cầu người đó lên xe, lúc đó ai mở cửa xe cho họ lên thì tôi không nhớ rõ. Sau khi mọi người lên xe chị N có nói với tôi chạy xe đến Công an huyện Đắk Song để làm việc. Tôi điều khiển xe chạy ngược về lại hướng huyện Đ, khi đi qua thị trấn Đ khoảng 02 km thì chị V nói tôi nợ cô M thì làm việc với cô M chứ lên Công an huyện làm gì. Khi đó, chị N nói tôi quay xe về nhà chị M ở xã E”. Biên bản ghi lời khai hồi 15 giờ ngày 21-12-2017 (bút lục 169): “... tôi thấy hai người đàn ông mỗi người cầm một bên tay, vai của một người phụ nữ (là vợ của ông Đ2) kéo ngược từ trong tiệm ra xe, anh Th và chị N đi ngay phía sau, còn người phụ nữ còn lại đứng ngoài sân cầm điện thoại, khi kéo người phụ nữ trên ra tới cửa xe thì có người mở cửa (tôi không rõ là ai) rồi đẩy người này vào xe ô tô nằm ngửa ra ghế”. Bản tự khai ngày 24-12-2017 (bút lục số 173): “... tôi thấy chị N và một người nữa xuống xe rồi vô quán tạp hóa. Một lúc sau 3 người khác cũng xuống xe. Khoảng 2-3 phút sau thì tôi thấy mấy anh chị đó dẫn 1 người phụ nữ đẩy lên xe, lúc đó cãi qua cãi lại”. Biên bản ghi lời khai hồi 08 giờ ngày 24-12-2017 (bút lục số 167): “...chị N vào quán tạp hóa gặp chị V để nói chuyện. Một lúc sau anh Th, anh T, anh B cũng vào trong, tôi nghe thấy to tiếng ở trong quán nhưng không rõ tiếng gì. Sau đó tôi thấy có hai người kéo tay và một người đẩy chân chị V để lên xe ô tô tôi điều khiển, tôi không rõ ai mở cửa...”. Ngoài ra, lời khai của bị cáo Q tại phiên tòa phúc thẩm còn phù hợp với lời khai của các bị cáo và những người tham gia tố tụng khác trong vụ án.
[3]. Như vậy, với các tình tiết, diễn biến của vụ án và những nội dung đã được phân tích tại mục [2] nêu trên của bản án, Hội đồng xét xử phúc thẩm có căn cứ để kết luận: Hành vi phạm tội của các bị cáo Th, T và Đ hoàn thành tại thời điểm các bị cáo này sử dụng vũ lực ép buộc đưa chị V vào xe ô tô theo yêu cầu của bị cáo N. Đối với bị cáo Q hành vi phạm tội hoàn thành tại thời điểm mặc dù biết các bị cáo khác sử dụng vũ lực ép buộc chị V lên xe ô tô thuộc quyền quản lý và do bị cáo điều khiển, nhưng không có hành vi ngăn cản mà lại điều khiển xe chở bị hại cùng các bị cáo khác đến Công an huyện Đắk Song theo yêu cầu của bị cáo N. Việc các bị cáo đưa bị hại đi đâu, mục đích gì chỉ có ý nghĩa trong việc đánh giá vai trò, tính chất, mức độ và hậu quả đối với hành vi phạm tội của các bị cáo khi quyết định hình phạt. Do vậy, Bản hình sự sơ thẩm số: 22/2019/HS-ST ngày 08-5-2019 của Toà án nhân dân huyện Đắk Song đã kết án các bị cáo Nguyễn Thị N, Bùi Ngọc Th, Nguyễn Đình T, Phan Tấn Đ và Huỳnh Bảo Q về tội “Bắt người trái pháp luật” theo khoản 1 Điều 123 của Bộ luật Hình sự năm 1999 là có căn cứ và đúng pháp luật.
[4]. Xét kháng cáo của các bị cáo và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
[4.1]. Xét kháng cáo của các bị cáo N, Th và Q:
[4.1.1]. Đối với Nguyễn Thị N: Giữa bị cáo với chị M có quan hệ quen biết và cùng kinh doanh nông sản, không phải là người thường xuyên đi đòi nợ cho người khác. Bị cáo và chị M đã ký hợp đồng ủy quyền đòi nợ (có công chứng) và thỏa thuận bằng lời nói khi đòi được nợ của chị V sẽ cấn trừ vào khoản nợ chị M chưa trả cho bị cáo. Tuy nhiên, do nhận thức pháp luật còn hạn chế và bức xúc trước thái độ không hợp tác trong việc trả nợ của bị hại nên bị cáo đã yêu cầu các bị cáo khác ép buộc bị hại đưa lên xe ô tô do bị cáo Q điều khiển, mục đích đưa đến Công an huyện Đắk Song để giải quyết. Mặt khác, sau khi xét xử sơ thẩm bị cáo đã bồi thường cho bị hại một khoản tiền và được bị hại có đơn xin giảm nhẹ hình phạt, đây là các tình tiết mới tại giai đoạn xét xử phúc thẩm.
[4.1.2]. Đối với Bùi Ngọc Th: Giữa bị cáo với các bị cáo N, T và Đ có mối quan hệ quen biết, cũng không phải là đối tượng thường xuyên đi đòi nợ thuê. Song, do nhận thức pháp luật còn hạn chế, cả nể và hám lợi về việc sẽ được trả thù lao nếu đòi được nợ nên đã nhận lời đề nghị giúp đỡ của bị cáo N và đã thực hiện hành vi đẩy, ép buộc chị V lên xe theo yêu cầu của bị cáo N.
[4.1.3]. Đối với Huỳnh Bảo Q: Bị cáo chỉ là người lái xe theo hợp đồng để nhận tiền công, không có mâu thuẫn gì với bị hại. Tuy nhiên, do nhận thức về pháp luật còn hạn chế nên đã mặc nhiên để cho các bị cáo khác sử dụng vũ lực, ép buộc bị hại đưa lên xe ô tô do mình quản lý và điều khiển xe đưa bị hại đến Công an huyện Đắk Song theo yêu cầu của bị cáo N. Mặc dù, tại giai đoạn xét xử sơ thẩm bị cáo trình bày: Do không được thực hiện quyền được đọc, ghi chép bản sao tài liệu liên quan đến vụ án, dẫn đến tại phiên tòa sơ thẩm không biết được nội dung vụ án, không thể thực hiện được quyền khai, tự bào chữa và tranh luận tại phiên tòa. Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo đã thừa nhận những nội dung như Hội đồng xét xử đã đánh giá tại tiểu mục [2.2], mục [2] của bản án phúc thẩm và đề nghị Hội đồng xét xử xem xét đánh giá hành vi của bị cáo khách quan, toàn diện và cho bị cáo được hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Như vậy, Hội đồng xét xử có căn cứ để xem xét và áp dụng tình tiết “Người phạm tội thành khẩn khai báo vầ ăn năn hối cải” quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự năm 2015 đối với bị cáo; đồng thời đánh giá vai trò, tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo là thấp hơn so với các bị cáo trong vụ án.
[4.1.4]. Trong vụ án này, các bị cáo N, Th và Q đều có nhân thân tốt, có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, có nơi cư trú ổn định, rõ ràng và có đủ các điều kiện khác quy định tại Điều 2 của Nghị quyết số: 02/2018/HĐTP ngày 15-5-2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn về án treo. Do đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của các bị cáo này và không cần phải cách ly các bị cáo với xã hội mà cho các bị cáo được hưởng chế định miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện là thỏa đáng, đồng thời cũng đảm bảo được mục đích của hình phạt.
[4.2]. Đối với Nguyễn Đình T và Phan Tấn Đ: Bị cáo T phạm tội trong thời gian chưa được án tích thuộc trường hợp “Tái phạm”, bị cáo Đ đã từng bị kết án đã được xóa án tích thuộc trường hợp có nhân thân xấu. Tuy nhiên, các bị cáo đều là những người làm thuê; thực hiện hành vi phạm tội theo yêu cầu của người khác. Mức hình phạt Hội đồng xét xử sơ thẩm đã xử phạt đối với các bị cáo này có phần nghiêm so với tính chất, vai trò và mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo cũng như nhân thân của từng bị cáo. Do đó, Hội đồng xét xử chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo Đ và kháng cáo của bị cáo T về việc giảm nhẹ một phần hình phạt đối với các bị cáo.
[4.3]. Đối với nội dung kháng cáo của bị cáo Q và chị Huỳnh Thị Như Y về việc bản án sơ thẩm tách yêu cầu buộc Cơ quan điều tra Công an huyện Đắk Song và Viện kiểm sát nhân dân huyện Đắk Song bồi thường thiệt hại do tạm giữ, xử lý xe ô tô là vật chứng vụ án. Hội đồng xét xử phúc thẩm, xét thấy: Yêu cầu về bồi thường thiệt hại của bị cáo Q và chị Y trong vụ án này không liên quan đến việc xác định cấu thành tội phạm, đến việc xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo. Mặt khác, theo quy định tại Điều 30 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì: “Việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự . Trường hợp vụ án hình sự phải giải quyết vấn đề bồi thường thiêt hai , bồi hoàn mà chưa có điều kiện chứng minh và không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự thì vấn đề dân sự có thể tách ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự”. Như vậy, Hội đồng xét xử sơ thẩm đã tách yêu cầu bồi thường dân sự để giải quyết bằng một vụ án khác khi có yêu cầu là không trái với các quy định của pháp luật. Do đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của bị cáo Q và chị Y đối với nội dung kháng cáo này.
[4.4]. Đối với các yêu cầu khác trong đơn kháng cáo của bị cáo Q và chị Y liên quan đến nội dung khiếu nại, tố cáo đối với hành vi tố tụng và quyết định tố tụng của Điều tra viên, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đắk Song, Kiểm sát viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện Đắk Song, Thẩm phán, Tòa án nhân dân huyện Đắk Song đã được Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đắk Song, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyên Đắk Song, Chánh án Tòa án nhân dân huyện Đắk Song, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Nông và Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Nông giải quyết theo các quy định tại Chương XXXIII của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
[5]. Về án phí: Do kháng cáo được chấp nhận nên các bị cáo Nguyễn Thị N, Bùi Ngọc Th, Nguyễn Đình T, Huỳnh Bảo Q và Phan Tấn Đ không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
[6]. Đối với các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ các điểm a, b khoản 1 Điều 355; các điểm c, e khoản 1 Điều 357 của Bộ luật Tố tụng hình sự,
1. Chấp nhận kháng cáo của các bị cáo, sửa Bản án hình sự sơ thẩm số: 22/2019/HS-ST ngày 08-5-2019 của Toà án nhân dân huyện Đắk Song về áp dụng pháp luật và hình phạt.
1.1. Áp dụng khoản 1 Điều 123 của Bộ luật Hình sự năm 1999; các điểm b, i, s khoản 1 khoản 2 Điều 51; Điều 65 của Bộ luật Hình sự năm 2015, xử phạt bị cáo Nguyễn Thị N 10 (Mười) tháng tù, nhưng cho hưởng án treo 01 (Một) năm 08 (Tám) tháng thử thách tính từ ngày tuyên án phúc thẩm về tội “Bắt người trái pháp luật”. Giao bị cáo N cho Ủy ban nhân dân xã E, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk giám sát, giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách. Gia đình bị cáo có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách. Trường hợp bị cáo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật Thi hành án hình sự. Trong thời gian thử thách người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.
1.2. Áp dụng khoản 1 Điều 123 của Bộ luật Hình sự năm 1999; các điểm i, s khoản 1 Điều 51; Điều 65 của Bộ luật Hình sự năm 2015, xử phạt bị cáo Bùi Ngọc Th 10 (Mười) tháng tù, nhưng cho hưởng án treo 01 (Một) năm 08 (Tám) tháng thử thách tính từ ngày tuyên án phúc thẩm về tội “Bắt người trái pháp luật”. Giao bị cáo Th cho Ủy ban nhân dân thị trấn P, huyện K, tỉnh Đắk Lắk giám sát, giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách. Gia đình bị cáo có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách. Trường hợp bị cáo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật Thi hành án hình sự. Trong thời gian thử thách người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.
1.3. Áp dụng khoản 1 Điều 123 của Bộ luật Hình sự năm 1999; các điểm i, s khoản 1 Điều 51; Điều 65 của Bộ luật Hình sự năm 2015, xử phạt bị cáo Huỳnh Bảo Q 05 (Năm) tháng tù, nhưng cho hưởng án treo 01 (Một) năm thử thách tính từ ngày tuyên án phúc thẩm về tội “Bắt người trái pháp luật”. Giao bị cáo Q cho Ủy ban nhân dân thị trấn P, huyện K, tỉnh Đắk Lắk giám sát, giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách. Gia đình bị cáo có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách. Trường hợp bị cáo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật Thi hành án hình sự. Trong thời gian thử thách người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.
1.4. Áp dụng khoản 1 Điều 123 của Bộ luật Hình sự năm 1999; điểm s khoản 1 Điều 51; điểm h khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự năm 2015, xử phạt bị cáo Nguyễn Đình T 09 (Chín) tháng tù về tội “Bắt người trái pháp luật”, tính từ ngày bị bắt đi thi hành án và được trừ thời gian bị bắt tạm giữ từ ngày 21- 12-2017 đến ngày 30-12-2017.
1.5. Áp dụng khoản 1 Điều 123 của Bộ luật Hình sự năm 1999; điểm s khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo Phan Tấn Đ 06 (Sáu) tháng tù về tội “Bắt người trái pháp luật”, tính từ ngày bị bắt đi thi hành án và được trừ thời gian bị bắt tạm giữ từ ngày 21-12-2017 đến ngày 30-12-2017.
2. Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Huỳnh Bảo Q, chị Huỳnh Thị Như Y và anh Nguyễn Minh H về việc bản án sơ thẩm tách yêu cầu bồi thường thiệt hại để giải quyết bằng một vụ án khác theo thủ tục tố tụng dân sự khi có yêu cầu.
3. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
4. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 81/2019/HS-PT ngày 10/09/2019 về tội bắt người trái pháp luật
Số hiệu: | 81/2019/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Đăk Nông |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 10/09/2019 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về