Bản án 31/2018/HS-PT ngày 23/11/2018 về tội bắt người trái pháp luật

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN

BẢN ÁN 31/2018/HS-PT NGÀY 23/11/2018 VỀ TỘI BẮT NGƯỜI TRÁI PHÁP LUẬT

Ngày 23 tháng 11 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số: 31/2018/TLPT- HS, ngày 08/10/2018 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 31/QĐXXPT-HS ngày 26/10/2018 đối với các bị cáo: Chang A D và các bị cáo khác. Do có kháng cáo của các bị cáo Chang A Đ, Chang A T, Giàng A K và người đại diện hợp pháp của bị hại ông Lý A M; Do có kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Điện Biên kháng nghị một phần Bản án số 12/2018/HSST ngày 31/8/2018 của Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh Điện Biên.

- Các bị cáo có kháng cáo:

1. Chang A Đ (tên gọi khác: Không); sinh năm: 1990, tại huyện T, tỉnh Điện Biên.

Nơi cư trú: Thôn H, xã B, huyện T, tỉnh Điện Biên; nghề nghiệp: Làm ruộng, nương; trình độ văn hóa: lớp 9/12; dân tộc: Mông; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông: Chang A Ch, sinh năm 1949 và bà: Sùng Thị M, sinh năm 1958; có vợ: Cứ Thị D1, sinh năm 1991 và 02 con, con lớn nhất sinh năm 2015 (đã chết); con thứ hai sinh năm 2016 (đã chết) tiền án: Không; tiền sự: Không; nhân thân: Chưa bị kết án và chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, Bị cáo không tạm giữ, bị tạm giam, có mặt tại phiên tòa.

2. Chang A T (tên khác: không); sinh năm 1982, tại huyện T, tỉnh Điện Biên.

Nơi cư trú: Thôn H, xã B, huyện T, tỉnh Điện Biên; nghề nghiệp: làm ruộng, nương; trình độ văn hóa: lớp 2/12; dân tộc: Mông; Quốc tịch: Việt Nam; tôn giáo: không; con ông: Chang A G, sinh năm 1949; và bà: Thào Thị Đ (đã chết); có vợ Thào Thị K, sinh năm 1984 và có 04 người con, con lớn nhất sinh năm 2003; con nhỏ nhất sinh năm 2012; tiền án: không; tiền sự: không; Bị cáo không bị tạm giữ, tạm giam, hiện bị cáo tại ngoại có mắt tại phiên tòa.

3. Giàng A K (tên gọi khác: Không), sinh năm: 1986, tại huyện T, tỉnh Điện Biên.

Nơi cư trú: Thôn H, xã B, huyện T, tỉnh Điện Biên; nghề nghiệp: Làm ruộng, làm nương; trình độ văn hóa: 1/12 phổ thông; dân tộc: Mông; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; bố đẻ ông: Giàng A Th (đã chết) và mẹ đẻ bà Thào Thị C, sinh năm 1948; có vợ: Lý Thị M2, sinh năm 1987 và 02 con, con lớn sinh năm 2013, con nhỏ sinh năm 2014; tiền án: Không; tiền sự: Không; nhân thân: Chưa bị kết án và chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, Bị cáo không bị tạm giữ, bị tạm giam hiện Bị cáo tại ngoại có mặt tại phiên tòa.

- Bị cáo bị Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Điện Biên kháng nghị:

Chang A D (Tên khác: không); sinh năm 1988, tại huyện T, tỉnh Điện Biên.

Nơi cư trú: Thôn H, xã B, huyện T, tỉnh Điện Biên; nghề nghiệp: làm nương, ruông; trình độ văn hóa: Lớp 9/12; Quốc tịch: Việt Nam; tôn giáo: không; dân tộc: Mông; con ông: Chang A C1, sinh năm 1964; và bà: Cứ Thị X, sinh năm 1965; Bị cáo có vợ Thào Thị D2, sinh năm 1989; có 02 người con, con lớn nhất, sinh năm 2006; con nhỏ sinh năm 2013; tiền án; tiền sự: không; Bị cáo không bị tạm giữ, tạm giam, hiện bị cáo tại ngoại, có mặt tại phiên tòa.

- Ngoài ra còn có bị cáo Chang A S (tên gọi khác: Không), sinh năm: 1978 tại huyện T, tỉnh Điện Biên, bị kháng cáo; không có kháng cáo, không bị kháng nghị có mặt tại phiên tòa.

- Người tham gia tố tụng khác có kháng cáo:

Ông Lý A M - sinh năm 1954 là người đại diện hợp pháp của bị hại; Nơi cư trú: Thôn T1, xã T1, huyện T, tỉnh Điện Biên. (Có mặt).

- Những người bào chữa cho các bị cáo:

+ Bà Trần Thị S2 – Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Điện Biên, bào chữa cho bị cáo Chang A D.(Có mặt).

+ Ông Hoàng Tiến N - Luật sư, cộng tác viên của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Điện Biên, bào chữa cho bị cáo Chang A Đ. (Có mặt).

+ Ông Bùi Đình M3 - Luật sư, cộng tác viên của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Điện Biên, bào chữa cho bị cáo Chang A T. (Có mặt).

+ Ông Nguyễn Quang K2 - Luật sư, cộng tác viên của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Điện Biên, bào chữa cho bị cáo Chang A S. (Có mặt).

+ Bà Lê Thị X2 - Luật sư, cộng tác viên của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Điện Biên, bào chữa cho bị cáo Giàng A K. (Có mặt).

- Bị hại: ông Lý A N - sinh năm 1988; Nơi cư trú: Thôn T1, xã T1, huyện T, tỉnh Điện Biên. (Vắng mặt).

- Người có quyền và nghĩa vụ liên quan: ông Chang A Sình - sinh năm: 1992; Nơi cư trú: Thôn H, xã B, huyện T, tỉnh Điện Biên. (Vắng mặt).

- Những người có nghĩa vụ liên quan đến vụ án:

+ Giàng A C3 - sinh ngày 11/01/2002, Nơi cư trú: Thôn H, xã B, huyện T, tỉnh Điện Biên. (Vắng mặt).

+ Người đại diện hợp pháp của Giàng A C3: ông Giàng A V - sinh năm 1968; Nơi cư trú: Thôn H, xã B, huyện T, tỉnh Điện Biên. (Vắng mặt).

+ Thào A N – sinh năm 1980, Nơi cư trú: Thôn H, xã B, huyện T, tỉnh Điện Biên. (Có mặt).

+ Chang A T2 – sinh năm 1976; Nơi cư trú: Thôn H, xã B, huyện T, tỉnh Điện Biên. (Có mặt).

+ Giàng A K3 – sinh năm 1992; Nơi cư trú: Thôn H, xã B, huyện T, tỉnh Điện Biên. (Vắng mặt).

- Người phiên dịch: Bà Ly Thị C4, sinh năm 1992, Nơi cư trú: phường L, thành phố Đ. (Có mặt)

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Vào khoảng 17 giờ ngày 05/8/2017 có Lý A N: trú tại: thôn T1, xã T1, huyện T đi từ thị trấn T vào thôn H, xã B, huyện T, khi Lý A N đi qua nhà Chang A T2, trú tại thôn H, Chang A T2 nhìn thấy bên nách phải Lý A N có kẹp một bao tải màu vàng, Chang A T2 đã gọi điện thoại cho Giàng A Chù người cùng thôn hỏi Giàng A Chù có quen người đàn ông lạ mặt này không, nhưng Giàng A Chù không quen biết Lý A N. Do nghi ngờ Lý A N là người trộm cắp, nên Chang A T2, Giàng A Chù đi bộ theo sau để theo dõi Lý A N, khi đến ngã ba điểm trường Mầm non của H, Chang A T2, Giàng A Chù gặp Thào A N, các bị cáo D, Đ, T đang trú mưa ở đó. Chang A T2, Giàng A Chù rủ các bị cáo D, Đ, T và Thào A N đi cùng theo dõi Lý A N.

Chang A T2 và bị cáo Đ đi trước theo dõi Lý A N, các bị cáo D, T và Giàng A Chù, Thào A N đi theo sau. Theo lời khai của các bị cáo khi Lý A N đi đến đoạn khúc cua có cống thoát nước thấy Lý A N đuổi theo mấy con gà thả rông ở đường nhưng không bắt được con nào, Lý A N tiếp tục đi bộ hướng đường đến thôn Đông Phi 1, khi đó bị cáo Đ, bị cáo D, Chang A T2, Giàng A Chù và Thào A N tiếp tục đi bộ phía sau theo dõi Lý A N, sau đó có Chang A Sinh đi xe mô tô đến thì bị cáo D hỏi đi nhờ xe cùng với Sinh, khi Sinh và bị cáo D đi xe được khoảng 100m thì Chang A Sinh dừng xe, bị cáo D có hỏi Lý A N “tên gì”, nhưng Lý A N không trả lời, đúng lúc đó có Chang A Sình đi xe mô tô theo hướng ngược chiều tới và hỏi bị cáo D và Sinh đi đâu thì bị cáo D nói với Sình đang theo dõi người đàn ông này có phải kẻ trộm không. Cùng lúc đó Chang A T2, Giàng A Chù, Thào A N và các bị cáo Đ, T cũng đến nơi. Chang A Sình hỏi Lý A N ở đâu đến, nhưng Lý A N không trả lời, Chang A Sình lại hỏi “ anh say rượu à” thì Lý A N “ Mày bảo tao say rượu à” và tay trái chỉ vào mặt Sình, tay phải đấm và dùng chân đá vào người Sình làm cho Sình ngã xuống đường, thấy Sình bị đánh, Chang A T2, Thào A N, các bị cáo D, Đ, T cùng nhau vào đánh Lý A N bằng chân tay. Sau đó có Giàng A K3 và bị cáo K cùng một số người khác trong thôn H đi đến, khi nghe mọi người nói nghi ngờ Lý A N vào thôn trộm cắp gà nên K3 và bị cáo K cùng tham gia vào đánh Lý A N. Khi Sình đứng dậy được cũng vào đánh Lý A N bằng chân tay, làm cho Lý A N bị ngã xuống ta luy dương. Bị cáo Đ kiểm tra bao tải của Lý A N thấy bên trong chỉ có quần áo, không có tài sản trộm cắp nên bị cáo Đ vứt bao xuống cạnh Lý A N đang ngồi. Lý A N cởi áo và vứt xuống bao tải của N, thấy vậy mọi người tiếp tục đánh Lý A N. Bị cáo D hô “ trói nó lại”, bị cáo Đ cũng hô “ Dân quân đâu mang dây trói nó lại” một lúc sau có Giàng A C3 (sinh ngày 11/01/2002; Trú tại thôn H) mang đến một đoạn dây thừng bằng nhựa đã được buộc sẵn thành 02 vòng ở đầu dây đưa cho bị cáo K, bị cáo K đưa cho bị cáo Đ. Bị cáo S giữ tay trái và bẻ tay Lý A N ra sau lưng, bị cáo Đ giữ tay phải và bẻ tay Lý A N ra sau lưng rồi dùng đoạn dây thừng trói một vòng dây buộc vào tay phải của Lý A N, do Lý A N giãy dụa làm cho các bị cáo Đ, S bị tuột tay, nhưng đoạn dây thừng vẫn buộc trên bắp tay phải Lý A N, thấy vậy bị cáo T vào giữ đầu dây và kéo Lý A N lại, bị cáo S tiếp tục giữ tay trái Lý A N, bị cáo T giữ tay phải và bẻ tay Lý A N ra sau lưng, sau đó bị cáo T dùng đầu dây còn lại luồn vòng dây đó vào bắp tay trái Lý A N và thít chặt lại, sau đó bị cáo T bị hắt hơi sổ mũi nên đi ra ngoài và gọi bị cáo K vào giữ tay phải Lý A N. Bị cáo S vừa giữ tay trái của Lý A N vừa tuốt vòng dây đến cổ tay trái và thít chặt lại, bị cáo K vừa giữ tay phải của Lý A N vừa tuốt vòng dây đến cổ tay phải và thít chặt lại. Bị cáo S dùng đoạn dây trói còn thừa buộc chiếc bao tải đựng quần áo của Lý A N vào tay Lý A N, sau đó S đi về nhà. Sợ ảnh hưởng đến thôn H, nên các bị cáo D, T, Đ, K cùng Giàng A K3, Thào A N và một số người khác đưa Lý A N đi ra khỏi thôn, cách khoảng 200m, đến thôn Đông Phi 1, các bị cáo D, T, Đ, K cùng những người khác đi về nhà, để Lý A N bị trói hai tay ra sau lưng qua đêm ngoài đường.

Đến khoảng 06 giờ ngày 06/8/2017 có Vàng A Lử, trú tại: thôn Đông Phi 1, xã B phát hiện Lý A N hai tay bị trói ra sau lưng bằng dây thừng và dây da trâu đang nằm dưới đất trên người chỉ mặc quần không mặc áo và trên người có nhiều vết thương tích bầm tím, cách chỗ Lý A N nằm khoảng 20m có một đoạn dây da trâu khác. Vàng A Lử đã thông báo cho chính quyền xã B đến để cởi trói cho N. Bị hại được anh trai là Lý A Vàng đưa xuống Trung tâm y tế huyện T điều trị vết thương.

Quá trình điều tra, Cơ quan cảnh sát điều tra đã thu giữ vật chứng gồm: 01đoạn dây da màu xám dài 76cm; 01 đoạn dây da màu xám dài 108cm; 01 đoạn dây thừng màu đỏ trắng dài 5,25m; 01 chiếc áo dân tộc Mông, màu đen.

Tại bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 50/TgT ngày 18/8/2017 của Trung tâm pháp y sở y tế tỉnh Điện Biên kết luận: Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên cho Lý A N hiện tại là 15%.

Tại bản kết luận giám định pháp y tâm thần số 17/2018/PYTT ngày 19/4/2018 của Trung tâm pháp y tâm thần khu vực miền núi phía bắc của Bộ y tế kết luận: Lý A N bị Động kinh có rối loạn tâm thần;Tại thời điểm ngày 05/8/2017 Lý A N bị bệnh Động kinh có rối loạn tâm thần, hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Hiện tại Lý A N bị bệnh Động kinh có rối loạn tâm thần, hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số: 12/2018/HS-ST ngày 31/8/2018 của Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh Điện Biên đã quyết định:

1. Tuyên bố: Các Bị cáo Chang A D, Chang A Đ, Chang A T, Chang A S, Giàng A K phạm tội: Bắt người trái pháp luật.

2. Áp dụng: khoản 1 Điều 123 của Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009); các điểm b, i, s khoản 1 Điều 51, Điều 17, Điều 58 của Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017):

Xử phạt bị cáo Chang A Đ 03 (ba) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo vào trại chấp hành án.

Xử phạt bị cáo Chang A T 03 (ba) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo vào trại chấp hành án.

Xử phạt bị cáo Giàng A K 03 (ba) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo vào trại chấp hành án.

Áp dụng khoản 1 Điều 123 của Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009); các điểm b, i, s khoản 1 Điều 51, Điều 17, Điều 58, Điều 65 của Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), khoản 1 Điều 69 của Luật thi hành án hình sự:

Xử phạt bị cáo Chang A D 03 (ba) tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 12(mười hai) tháng kể từ ngày tuyên án (ngày 31/8/2018)

Xử phạt bị cáo Chang A S 03(ba) tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 12(mười hai) tháng kể từ ngày tuyên án (ngày 31/8/2018)

Ngoài ra Bản án còn tuyên về phần vật chứng, án phí và quyền kháng cáo của bị cáo.

Sau khi tuyên án, ngày 11/9/2018 các bị cáo Chang A Đ, Chang A T, Giàng A K có đơn kháng cáo bản án hình sự sơ thẩm số: 12/2018/HS-ST ngày 31/8/2018 của TAND huyện T, tỉnh Điện Biên, ngày 18/9/2018 các bị cáo có đơn kháng cáo bổ sung không nhất trí với mức hình phạt tại bản án số 12/2018/HSST ngày 31/8/2018 xử phạt mỗi bị cáo 03 tháng tù, các bị cáo kháng cáo với nội dung: Xin giảm nhẹ mức hình phạt. Tại phiên tòa các bị cáo xin được hưởng án treo.

Ngày 13/9/2018 ông Lý A Mang là người đại diện hợp pháp của bị hại kháng cáo Bản án số 12/HSST ngày 31/8/2018 của TAND huyện T, tỉnh Điện Biên, ngày 20/9/2018 có đơn kháng cáo bổ sung đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên xét xử phúc thẩm: Tăng hình phạt đối với các bị cáo và yêu cầu giải quyết về mức bồi thường thiệt hại đối với các bị cáo.

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Điện Biên có Quyết định kháng nghị số 01/QĐ-VKS-P7 Ngày 28/9/2018, kháng nghị một phần (phần áp dụng hình phạt đối với bị cáo Chang A D) bản án hình sự sơ thẩm số 12/2018/HSST ngày 31/8/2018 đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên xét xử phúc thẩm vụ án theo hướng tăng hình phạt đối với bị cáo Chang A D và không cho bị cáo Chang A D hưởng án treo.

Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Điện Biên ngồi duy trì quyền công tố vẫn giữ nguyên quyết định kháng nghị, xét đơn kháng cáo của các Bị cáo, kháng cáo của người đại diện hợp pháp của người bị hại; Kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Điện Biên nằm trong hạn luật định theo quy định tại Điều 331, 333, 336, 337 BLTTHS năm 2015, được coi là kháng cáo, kháng nghị hợp lệ chấp nhận về hình thức.

Đề nghị HĐXX Áp dụng: Điểm b khoản 1 Điều 355 và điểm b khoản 2 Điều 357 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015. Không chấp nhận nội dung đơn kháng cáo của các bị cáo và nội dung đơn kháng cáo của người đại diện hợp pháp của bị hại.

Chấp nhận kháng nghị của VKSND sửa bản án hình sự sơ thẩm số 12/2018/HSST ngày 31/8/2018, của Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh Điện Biên để xử phạt các bị cáo Chang A D 03 tháng tù giam về tội “Bắt giữ người trái pháp luật” quy định tại khoản 1 Điều 123 của Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), các phần khác của bản án hình sự sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị hoặc có kháng cáo nhưng không có cơ sở đề nghị HĐXX giữ nguyên.

Về phần bồi thường: Tại phiên tòa các bị cáo và người đại diện hợp pháp của bị hại không thỏa thuận được với nhau Đề nghị HĐXX phúc thẩm giải quyết theo quy định của pháp luật.

Về án phí: Các bị cáo không phải chịu án phí HSPT.

Người bào chữa cho bị cáo Giàng A K: Giữ nguyên quan điểm bào chữa tại phiên tòa cấp sơ thẩm. Bản án sơ thẩm xử phạt bị cáo Giàng A K 03 (ba) tháng tù. Với mức án này đối với bị cáo là không phù hợp với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo. Đề nghị HĐXX phúc thẩm áp dụng khoản 1 Điều 123 của Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009); các điểm b, i, s khoản 1,2 Điều 51của Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) để xử phạt cảnh cáo đối với Giàng A K.

Người bào chữa cho bị cáo Chang A T: Bảo lưu quan điểm bào chữa tại phiên tòa cấp sơ thẩm. Bản án sơ thẩm xử phạt bị cáo Chang A T 03 (ba) tháng tù, TAND huyện T xử phạt 03 (ba) tháng tù là quá nặng so với hành vi phạm tội của bị cáo. Đề nghị HĐXX phúc thẩm áp dụng khoản 1 Điều 123 của Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009); các điểm b, i, s khoản 1 Điều 51; Điều 26 của Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) để tuyên phạt bị cáo đúng người đúng tội đúng theo quy định của pháp luật.

Người bào chữa cho bị cáo Chang A Đ: tại phiên tòa phúc thẩm giữ nguyên quan điểm bào chữa cho bị cáo Đ. Bị cáo Đ thực hiện theo mệnh lệnh hô của bị cáo D. Đề nghị HĐXX phúc thẩm xem xét về tính chất hành vi phạm tội bị cáo, áp dụng các quy định có lợi cho bị cáo được hưởng mức hình phạt cảnh cáo.

Người bào chữa cho bị cáo Chang A D: Đồng tình với quyết định hình phạt tại bản án hình sự sơ thẩm số 12/2018/HSST ngày 31/8/2018 xử phạt bị cáo Chang A D 03 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 12 tháng kể từ ngày tuyên án (31/8/2018) đã đánh giá đầy đủ, khách quan về tính chất vai trò của bị cáo. Mức hình phạt tại bản án sơ thẩm là phù hợp quy định tại Điều 17, Điều 58, Điều 65 BLHS năm 2015. Đề nghị HĐXX bác kháng nghị của VKS nhân dân tỉnh Điện Biên và giữ nguyên bản án hình sự sơ thẩm số 12/2018/HSST ngày 31/8/2018 của Tòa án nhân dân huyện T đối với Chang A D.

Trước khi Hội đồng xét xử nghị án các bị cáo Chang A D, Chang A Đ, Chang A T, Giàng A K xin được hưởng án treo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

 [1]. Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa phúc thẩm, lời khai của các bị cáo; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa trên cơ sở xem xét đầy đủ toàn diện tài liệu chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, của các bị cáo. Sau khi kiểm tra xem xét toàn bộ các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ, lời khai nhận tội của các bị cáo ở tại cơ quan Điều tra cũng như ở tại phiên tòa sơ thẩm, Tòa án cấp sơ thẩm đã đánh giá tính chất nội dung vụ án để áp dụng tội danh, khung hình phạt đối với các bị cáo là hoàn toàn đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, các bị cáo không bị oan sai. Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo vẫn khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Tại phiên tòa phúc thẩm Kiểm sát viên giữ nguyên nội dung trong quyết định kháng nghi phúc thẩm; bị cáo bị cáo giữ nguyên nội dụng trong đơn kháng cáo; Đại diện hợp pháp của người bị hại ông Lý A M vẫn giữ nguyên nội dung đơn kháng cáo.

 [2]. Sau khi xem xét Quyết định kháng nghị và đơn kháng cáo của các bị cáo Chang A Đ, Chang A T, Giàng A K, kháng cáo của người đại diện hợp pháp của bị hại ông Lý A M cũng như quan điểm của người bào chữa cho các bị cáo và quan điểm của Kiểm sát viên tại phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy:

Về hình thức: Đơn kháng cáo của các Bị cáo, kháng cáo của người đại diện hợp pháp của người bị hại; Kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Điện Biên nằm trong hạn luật định theo quy định tại Điều 331, 333, 336, 337 BLTTHS năm 2015, được coi là kháng cáo, kháng nghị hợp lệ chấp nhận về hình thức.

Về nội dung kháng nghị: Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Điện Biên có Quyết định kháng nghị, kháng nghị một phần (phần áp dụng hình phạt đối với bị cáo Chang A D) bản án hình sự sơ thẩm số 12/2018/HSST ngày 31/8/2018 đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên xét xử phúc thẩm vụ án theo hướng tăng hình phạt đối với bị cáo Chang A D và không cho bị cáo Chang A D hưởng án treo.Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018, Nghị quyết hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật hình sự về án treo, hành vi phạm tội của bị cáo Chang A D trong vụ án là hành vi của người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, thì bị cáo Chang A D không được hưởng án treo, nhưng bản án lại cho bị cáo Chang A D hưởng án treo là vi phạm nghiêm trọng Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018, Nghị quyết hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật hình sự về án treo Từ những căn cứ trên, HĐXX phúc thẩm xét thấy: Bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện T tuyện bị cáo Chang A D phạm tội “ Bắt người trái pháp luật” và xử phạt 03 tháng tù cho hưởng án treo là không có căn cứ, không đúng tính chất mức độ về hành vi phạm tội của Bị cáo. Các Bị cáo Chang A Đ, Chang A T, Giàng A K tại cơ quan điều tra cũng như tại phiên tòa các bị cáo cùng khai đều thực hiện theo mệnh lệnh của Chang A D, khi đó D nguyên là Bí thư chi bộ của thôn; Bản án nhận định Bị cáo Chang A D là người xúi giục và hô “Trói nó lại”. Nhưng lại cho bị cáo được hưởng án treo là trái với khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Do đó HĐXX phúc thẩm, cần chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Điện Biên xét xử bị cáo Chang A D theo hướng tăng hình phạt và không cho hưởng án treo.

Về nội dung kháng cáo: Các bị cáo Chang A Đ, Chang A T, Giàng A K kháng cáo với nội dung: Xin giảm nhẹ mức hình phạt, tại phiên tòa các bị cáo thay đổi nội dung kháng cáo xin được hưởng án treo; những người bào chữa cho các bị cáo cũng đề nghị HĐXX cân nhắc xem xét cho các bị cáo được hưởng án treo hoặc xử phạt cảnh cáo.

Sau khi xem xét Hội đồng xét xử thấy: Các bị cáo là những người tham gia dân quân để bảo vệ thôn, bản giữ gìn an ninh trật tự và thực hiện mệnh lệnh của nguyên bí thư chi bộ thôn, các bị cáo tin tưởng vào người chỉ huy có am hiểu chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và đã thực hiện theo. Do đó cần xem xét chấp nhận đơn kháng cáo của hai bị cáo Chang A T, Giàng A K không chấp nhận đơn kháng cáo của bị cáo Chang A Đ. Bởi lẽ bị cáo D hô “trói nó lại”, bị cáo Đ cũng hô “Dân quân đâu mang dây trói nó lại”

 [3]. Quan điểm của vị đại diện VKSND tỉnh Điện Biên.

Về hình thức: Kháng nghị của Viện kiểm sát nằm trong hạn luật định theo quy định tại Điều 336, 337 BLTTHS năm 2015, được coi là kháng nghị hợp lệ chấp nhận về hình thức.

Đơn kháng cáo của các bị cáo Chang A Đ, Chang A T, Giàng A K và người đại diện hợp pháp của người bị hại được coi là hợp lệ theo quy định tại Điều 331; 332; 333/BLTTHS năm 2015.

Về nội dung kháng nghị: Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận nội dung kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Điện Biên, sửa một phần bản án sơ thẩm theo hướng tăng hình phạt đối với bị cáo Chang A D và không cho hưởng án treo. HĐXX thấy có căn cứ cần chấp nhận.

Về nội dung kháng cáo của các bị cáo: Đối với hai bị cáo Chang A T, Giàng A K là thực hiện theo mệnh lệnh của nguyên bí thư chi bộ nguyên trưởng thôn nên HĐXX xét thấy cần chấp nhận đơn kháng cáo của bị cáo T và bị cáo K. Đối với bị cáo Chang A Đ nguyên là trưởng thôn đã hô và chỉ đạo dân quân thực hiện theo mệnh lệnh của nguyên bị thư chị bộ là Chang A D do đó HĐXX phúc thẩm xét thấy không có căn cứ để chấp nhận nội dung đơn kháng cáo của bị cáo Đ.

Về nội dung kháng cáo của đại diện hợp pháp bị hại: Tăng hình phạt đối với các bị cáo và yêu cầu giải quyết về mức bồi thường thiệt hại đối với các bị cáo. Tại phiên tòa người đại diện hợp pháp bị hại không đưa ra được các tài liệu chứng minh được yêu cầu về việc tăng hình phạt đối với các bị cáo, HĐXX xét thấy không có căn cứ để chấp nhận. Về phần bồi thường thiệt hại sức khỏe, tại phiên tòa các bị cáo và người đại diện hợp pháp không thỏa thuận được với nhau do đó HĐXX phúc thẩm xem xét theo quy định tại khoản 2 Điều 592/BLDS năm 2015 quy đinh “Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều 592 BLDS này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định”. Buộc các bị cáo có trách nhiệm bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị hại số tiền 10.000.000 đồng (Mười triệu đồng), chia kỷ phần mỗi bị cáo phải bồi thường là 2.000.000 đồng (hai triệu đồng).

Từ những nhận định trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy cần sửa một phần bản án sơ thẩm số 12/2018/HSST ngày 31/8/2018 của Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh Điện Biên.

 [4.] Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

 [5]. Về án phí: Cần căn cứ vào khoản 2 Điều 135; khoản 2 Điều 136/BLTTHS năm 2015 và Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 về án phí; Lệ phí Tòa án, các bị cáo không phải chịu án phí hình sự Phúc thẩm.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào điểm a, b khoản 1 Điều 355; Điều 356, Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.

1. Sửa một phần Bản án sơ thẩm số 12/2018/HSST ngày 31/8/2018 của Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh Điện Biên.

Tuyên bố: Các bị cáo Chang A D, Chang A Đ, Chang A T, Giàng A K, Chang A S phạm tội “Bắt người trái pháp luật”.

Áp dụng: khoản 1 Điều 123 của Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009); các điểm b, i, s khoản 1 Điều 51, Điều 17, Điều 58, Điều 65 của Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017),

Xử phạt bị cáo Chang A D: 03 (ba) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo vào trại chấp hành án.

Xử phạt bị cáo Chang A Đ: 03 (ba) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo vào trại chấp hành án.

- Áp dụng khoản 1 Điều 123 của Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009); các điểm b, i, s khoản 1 Điều 51, Điều 17, Điều 58, Điều 65 của Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Nghị quyết số 02/2018/NQ-ĐTP ngày 15/5/2018, Nghị quyết hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật hình sự về án treo; khoản 1 Điều 69 của Luật thi hành án hình sự.

Xử phạt bị cáo Giàng A K: 03 (ba) tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 12 (mười hai) tháng kể từ ngày tuyên án (ngày 23/11/2018)

Xử phạt bị cáo Chang A T: 03 (ba) tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 12(mười hai) tháng kể từ ngày tuyên án (ngày 23/11/2018)

Giao các bị cáo Giàng A K, Chang A T, cho Ủy ban nhân dân xã B, huyện T, tỉnh Điện Biên giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách, gia đình các bị cáo có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục các bị cáo. Trường hợp thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại Điều 69 Luật thi hành án hình sự.

2. Không chấp nhận nội dung đơn kháng cáo của người đại diện hợp pháp bị hại. Giữ nguyên một phần bản án hình sự sơ thẩm số 12/2018/HSST, ngày 31/8/2018 của Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh Điện Biên đối với bị cáo Chang A S 03 (ba) tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 12(mười hai) tháng kể từ ngày tuyên án (ngày 31/8/2018).

3. Trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 48/BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 và các Điều 584, 585, khoản 2 Điều 592/BLDS năm 2015, buộc các bị cáo có trách nhiệm bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị hại số tiền 10.000.000 đồng (Mười triệu đồng), chia kỷ phần mỗi bị cáo phải bồi thường là 2.000.000 đồng (hai triệu đồng).

Trường hợp Bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án Dân sự, thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án dân sự thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

4. Về án phí: Áp dụng khoản 2 Điều 135, khoản 2 Điều 136 Bộ luật tố tụng Hình sự và Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội (Khóa 14) quy định về mức thu án phí, lệ phí Tòa án. Các bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

5. Các quyết định khác của Bản án hình sự sơ thẩm số 12/2018/HSST ngày 31/8/2018 của Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh Điện Biên, không bị kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật thi hành kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án (ngày 23/11/2018).

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

424
  • Tên bản án:
    Bản án 31/2018/HS-PT ngày 23/11/2018 về tội bắt người trái pháp luật
  • Số hiệu:
    31/2018/HS-PT
  • Cấp xét xử:
    Phúc thẩm
  • Lĩnh vực:
    Hình sự
  • Ngày ban hành:
    23/11/2018
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 31/2018/HS-PT ngày 23/11/2018 về tội bắt người trái pháp luật

Số hiệu:31/2018/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Điện Biên
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 23/11/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký



  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;