Bản án 77/2019/DS-PT ngày 12/11/2019 về tranh chấp chia di sản thừa kế

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ

BẢN ÁN 77/2019/DS-PT NGÀY 12/11/2019 VỀ TRANH CHẤP CHIA DI SẢN THỪA KẾ

Trong các ngày 15 tháng 10, ngày 11, ngày 12 tháng 11 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ tiến hành xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số:47/2019/TLPT-DS ngày 13 tháng 8 năm 2019 về việc “Tranh chấp chia di sản thừa kế ”.

Do bản án dân sự sơ thẩm số: 08/2019/DS-ST ngày 13 tháng 6 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện P bị kháng cáo.

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 75/2019/QĐXXPT-DS ngày 25 tháng 9 năm 2019 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị B, sinh năm 1960; (có mặt)

Địa chỉ: Tổ 84, khu 7, phường N, thành phố V, tỉnh Phú Thọ.

Đại diện theo ủy quyền: Ông Phạm Ngọc C, sinh năm 1961;

Địa chỉ: Tổ 84, khu 7, phường N, thành phố V, tỉnh Phú Thọ.( có mặt)

2. Bị đơn: Bà Nguyễn Thị G, sinh năm 1964;

Địa chỉ: Khu 8, xã T, huyện P, tỉnh Phú Thọ. ( có mặt)

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Ông Hà Văn H, sinh năm 1964;

Địa chỉ: Khu 4, xã L, huyện P, tỉnh Phú Thọ. ( có mặt)

4. Người kháng cáo: Bà Nguyễn Thị G - bị đơn.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Trong đơn khởi kiện và các lời khai tiếp theo, phía nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Bích và đại diện theo ủy quyền là ông Phạm Ngọc C trình bày: Bố mẹ bà B là cụ ông Nguyễn Văn E và cụ bà Phạm Thị F, cả hai đều đã chết (cụ E chết năm 2012, cụ F chết năm 2011). Bố mẹ bà sinh được 02 người con là bà B và em gái là Nguyễn Thị G, sinh năm 1964. Trong thời gian còn sống,cụ E và cụ F tạo lập được khối tài sản chung gồm có 01 thửa đất số 50, tờ bản đồ 23, có diện tích 780m2(gồm 300m2 đất ở và 470m2 đất vườn), trên thửa đất này cụ E, cụ F có xây 01 ngôi nhà cấp 4 bốn gian, tường rào đã cũ xây bằng gạch bao quanh, 01 cổng xây bằng gạch có cánh cổng bằng sắt và cây cối lâm lộc ;01 thửa đất trồng lúa số 767, tờ bản đồ số 8, diện tích 480m2 và 01 thửa đất trồng lúa số 768, tờ bản đồ số 8, diện tích 267m2 ở tại khu 8, xã T, huyện P, tỉnh Phú Thọ đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên ông Nguyễn Văn E, bà Phạm Thị F. Sau khi đo đạc kiểm tra hiện trạng, quyền sử dụng đất ở và đất vườn là di sản do cụ E, cụ F để lại có diện tích thực tế là 644,4m2. Khi cụ E, cụ F chết không để lại di chúc, nay bà B khởi kiện đề nghị Tòa án xem xét chia đôi di sản thừa kế của bố mẹ để lại là các thửa đất ở, đất vườn còn đất trồng lúa mỗi người một thửa cho bà B và em gái là Nguyễn Thị G. Còn đối với ngôi nhà cấp 4 bốn gian, do xây dựng từ lâu, đã hết giá trị sử dụng, tường rào đã cũ xây bằng gạch bao quanh, 01 cổng xây bằng gạch có cánh cổng bằng sắt và 1 số cây cối lâm lộc còn nhỏ bà B đề nghị nếu ở trên phần đất người nào được chia thì người đó được hưởng.

Về việc vợ chồng bà Nguyễn Thị G, ông Hà Văn Hu đã tháo dỡ một phần ngôi nhà cấp 4 do bố mẹ bà Bích để lại và xây dựng một ngôi nhà mới , bà B không đồng ý. Nhưng do ngôi nhà mới vợ chồng bà G, ông H xây dựng đã xong và vì tình cảm chị em nên bà B đồng ý đề nghị chia giao cho bà G phần diện tích đất có ngôi nhà mới do bà G và chồng là ông H xây dựng.

Đối với công trình do vợ chồng bà Nguyễn Thị G, ông Hà Văn H xây dựng trên phần diện tích đất là chuồng lợn và bể chứa biôga, không phải là phần di sản do cụ Nguyễn Văn E và cụ Phạm Thị F để lại. Bà Nguyễn Thị B không nhất trí thanh toán giá trị công trình cho vợ chồng bà G, ông H, đề nghị Tòa án buộc vợ chồng bà G, ông H phải tháo dỡ.

Bị đơn là bà Nguyễn Thị G trình bày: Nhất trí với nội dung trình bày của bà Nguyên Thị B là bố mẹ bà là cụ ông Nguyễn Văn E và cụ bà Phạm Thị F, cả hai đều đã chết (cụ E chết năm 2012, cụ F chết năm 2011). Bố mẹ bà sinh được 02 người con là bà và chị gái là Nguyễn Thị B, sinh năm 1960. Trong thời gian còn sống, bố mẹ bà tạo lập được khối tài sản chung gồm có 01 thửa đất số 50, tờ bản đồ 23, có diện tích 780m2(gồm 300m2 đất ở và 470m2 đất vườn), trên thửa đất này bố mẹ bà có xây 01 ngôi nhà cấp 4 bốn gian, tường rào đã cũ xây bằng gạch bao quanh, 01 cổng xây bằng gạch có cánh cổng bằng sắt và cây cối lâm lộc; 01 thửa đất trồng lúa số 767, tờ bản đồ số 8, diện tích 480m2 và 01 thửa đất trồng lúa số 768, tờ bản đồ số 8, diện tích 267m2 ở tại khu 8, xã T, huyện P, tỉnh Phú Thọ đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên ông Nguyễn Văn E, bà Phạm Thị F. Sau khi đo đạc kiểm tra hiện trạng , quyền sử dụng đất ở và đất vườn là di sản do bố mẹ bà để lại có diện tích thực tế là 644,4m2. Khi bố mẹ bà chết không để lại di chúc, nay bà B khởi kiện đề nghị Tòa án xem xét chia đôi di sản thừa kế của bố mẹ bà để lại là các thửa đất ở, đất vườn còn đất trồng lúa mỗi người một thửa cho bà và bà Bi, bà không đồng ý. Bà G chỉ đồng ý chia di sản như bà B yêu cầu với điều kiện bà B phải đồng ý cho bà di chuyển hài cốt của mẹ bà từ xã T, huyện P, tỉnh Phú Thọ về xã L, huyện P, tỉnh Phú Thọ. Còn nếu vẫn phải chia di sản là đất ở , đất vườn và đất trồng lúa, bà G yêu cầu chia đất ở và đất vườn làm 05 phần, bà B chỉ được hưởng 01 phần còn 04 phần thì bà G được hưởng, về việc vợ chồng bà G đã tháo dỡ một phần ngôi nhà cấp 4 do bố mẹ bà để lại và xây dựng một ngôi nhà mới là do ngôi nhà cấp 4 đã xuống cấp.

Đối với công trình là chuồng lợn và bể chứa biôga do vợ chồng bà G xây dựng, mặc dù không phải là phần di sản do cụ Nguyễn Văn E và cụ Phạm Thị F để lại. Nhưng nếu bà B được chia, giao phần diện tích đất có chuồng lợn và bể chứa biôga, bà G đề nghị Tòa án buộc bà B phải thanh toán giá trị công trình cho vợ chồng bà G.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Hà Văn H trình bày: Ông H là chồng của bà Nguyễn Thị G. Ông H nhất trí với nội dung trình bày của bà B và bà G về khối di sản do cụ E và cụ F để lại, trong đó có ngôi nhà cấp 4 bốn gian. Nhưng do xây dựng đã lâu nên ngôi nhà đã xuống cấp, không thể sử dụng được tiếp. Vì vậy, vợ chồng ông H, bà G đã dỡ một phần của ngôi nhà cũ và xây dựng một ngôi nhà mới . Nay bà Nguyễn Thị B khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế, ông H đề nghị Tòa án xem xét chia phần diện tích đất ở và đất vườn có ngôi nhà mới mà vợ chồng ông H đã xây dựng.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số: 08/2019/DS-ST ngày 13 tháng 6 năm 2019 Tòa án nhân dân huyện p đã quyết định:

Căn cứ vào các điều 609, 612, 613, 623, 649, 650, 651, 660 Bộ luật dân sự; các điều 167,179 Luật Đất đai; điều 228 Bộ luật tố tụng dân sự.

1.Xử:

- Giao cho bà Nguyễn Thị G được quản lý, sử dụng phần đất có diện tích 322,2m2 (trong đó đất ở là 150m2 và đất vườn là 172,2m2) trị giá là 40.538.640đ (Bốn mươi triệu năm trăm ba mươi tám nghìn sáu trăm bốn mươi đồng) có các mốc giới được đánh số từ 1-2-3-4-5-6-13-1 thuộc thửa đất số 50, tờ bản đồ số 23 và 01 thửa đất trồng lúa số 768, tờ bản đồ số 8, diện tích 267m2 trị giá là 8.170.200đ (Tám triệu một trăm bảy mươi nghìn hai trăm đồng) ở tại khu 8, xã T, huyện P, tỉnh Phú Thọ đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên ông Nguyễn Văn E, bà Phạm Thị F. Trên phần diện tích đất ở và đất vườn được chia, bà G còn được hưởng thêm phần tường rào đã cũ xây bằng gạch, cổng xây bằng gạch có cánh bằng sắt và cây cối lâm lộc không định giá . Tổng giá trị di sản mà bà Nguyễn Thị G được hưởng là 48.708.840đ (Bốn mươi tám triệu bảy trăm linh tám nghìn tám trăm bốn mươi đồng).

Trên phần diện tích đất ở mà bà G được chia có ngôi nhà mới do vợ chồng bà G, ông Hà Văn H xây dựng. Đây là tài sản của vợ chồng bà G , ông H không phải di sản thừa kế, xác nhận thuộc quyền sở hữu của vợ chồng bà G, ông H.

- Giao cho bà Nguyễn Thị B được quản lý, sử dụng phần đất có diện tích 322,2m2 (trong đó đất ở là 150m2 và đất vườn là 172,2m2) trị giá là 40.538.640đ (Bốn mươi triệu năm trăm ba mươi tám nghìn sáu trăm bốn mươi đồng) có các mốc giới được đánh số từ 13-6-7-8-9-10-11-12-13 thuộc thửa đất số 50, tờ bản đồ số 23 và 01 thửa đất trồng lúa số 767, tờ bản đồ số 8, diện tích 480m2 trị giá là 14.688.000đ (Mười bốn triệu sáu trăm tám mươi tám nghìn đồng) ở tại khu 8, xã T, huyện P, tỉnh Phú Thọ đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên ông Nguyễn Văn E, bà Phạm Thị F. Trên phần diện tích đất ở và đất vườn được chia, bà B còn được hưởng thêm phần tường rào đã cũ xây bằng gạch và cây cối lâm lộc không định giá. Tổng giá trị di sản mà bà Nguyễn Thị B được hưởng là 55.226.640đ (Năm mươi lăm triệu hai trăm hai mươi sáu nghìn sáu trăm bốn mươi đồng).

Các đương sự không phải thanh toán tiền chênh lệch di sản thừa kế được chia.

- Buộc vợ chồng bà Nguyễn Thị G, ông Hà Văn H phải tháo dỡ phần công trình là chuồng lợn và bể chứa biôga do vợ chồng bà G , ông H xây dựng trên phần diện tích đất được chia, giao cho bà Nguyễn Thị B trong thời hạn 01 (Một) tháng kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật.

Bản án còn tuyên về án phí, quyền kháng cáo, thỏa thuận thi hành án.

Ngày 21/6/2019 bà Nguyễn Thị G có đơn kháng cáo không đồng ý với quyết định của bản án sơ thẩm. Bà G đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét công sức của bà trong việc chăm sóc, phụng dưỡng bố mẹ từ khi còn sống đến khi mất, tiền lo tang lễ, cải táng mồ mả, hương khói, công bảo quản gìn giữ di sản, định giá lại các tài sản trên đất.

Tại phiên tòa phúc thẩm: Bà Nguyễn Thị G giữ nguyên toàn bộ nội dung kháng cáo và yêu cầu Tòa án xem xét thẩm định đo vẽ lại toàn bộ hiện trạng thửa đất số 50, tờ bản đồ số 23 tại khu 8, xã T, huyện p. Thẩm định và định giá lại toàn bộ tài sản, vật kiến trúc trên phần đất Tòa án nhân dân huyện P đã giao cho bà Nguyễn Thị B.

Ngày 31/10/2019, Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ đã tiến hành xem xét thẩm định tại chỗ và thành lập hội đồng định giá để định giá các tài sản trên phần đất Tòa án nhân dân huyện P giao cho bà Nguyễn Thị B. Kết quả thẩm định: Thửa đất số số 50, tờ bản đồ số 23 tại khu 8, xã T, huyện P có tổng diện tích sử dụng theo hiện trạng là 652m2 (có sơ đồ hiện trạng kèm theo). Trên phần diện tích đất Tòa án nhân dân huyện P giao cho bà Nguyễn Thị B có các tài sản sau: 01 nhà vệ sinh tường xây gạch chỉ không mái trị giá: 296.260 đồng (hai trăm chín mươi sáu nghìn hai trăm sáu mươi đồng); 01 nhà tám xây gạch chỉ mái đổ bê tông trị giá: 1.047.400đ (một triệu không trăm bốn mươi bảy nghìn bốn trăm đồng); 01 nhà bếp sửa từ nhà cũ xây gạch đỏ mái ngói vì kèo gỗ trị giá 1.921.614đ (một triệu chín trăm hai mốt nghìn sáu trăm mười bốn đồng); Hệ thống chuồng lợn trị giá: 2.195.720đ (hai triệu một trăm chín mươi lăm nghìn bẩy trăm hai mươi đồng); Hệ thống cống rãnh: 411.080đ (bốn trăm mười một nghìn không trăm tám mươi đồng); Sân giáp bếp láng vữa xi măng: 162.240đ (một trăm sáu mươi hai nghìn, hai trăm bốn mươi đồng); Bể Bioga trị giá: 4.492.220đ (bốn triệu bốn trăm chín mươi hai nghìn hai trăm hai mươi đồng). Hai cây sưa đường kính 15 cm trị giá: 30.000đ; 01 cây khế mọc tái sinh đường kính 10 cm trị giá: 121.000đ (một trăm hai mốt nghìn đồng). Tổng trị giá toàn bộ tài sản là: 10.677.540đ (mười triệu sáu trăm bẩy mươi bẩy nghìn năm trăm bốn mươi đồng).

Tại phiên tòa phúc thẩm đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ phát biểu quan điểm: Về tố tụng Hội đồng xét xử đã tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật, về nội dung: Đề nghị hội đồng xét xử, căn cứ khoản 2 Điều 308, Điều 309 BLTTDS, chấp nhận một phần nội dung kháng cáo, sửa một phần bản án sơ thẩm: Chấp nhận một phần yêu cầu của bà G, buộc bà B phải thanh toán cho bà G khoản tiền mua đất, xây mộ cho bố mẹ là 40.000.000đ. Buộc bà B phải thanh toán cho vợ chồng bà G Vi giá trị những tài sản do vợ chồng bà G đã tạo dựng trên phần đất được giao cho bà B trị giá 5.250.000đđ. Chia cho bà G được quyền sử dụng cả 2 thửa đất ruộng, bà G không phải thanh toán chênh lệch tài sản cho bà B. Các nội dung khác giữ nguyên bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về tố tụng: Đơn kháng cáo của bà Nguyễn Thị G đúng hạn luật định, hợp lệ nên được xem xét theo trình tự phúc thẩm.

[2] Về nội dung: Xét kháng cáo của bà Nguyễn Thị G, Hội đồng xét xử xét thấy:

[2.1] Về di sản thừa kế, hàng thừa kế: Cụ Nguyễn Văn E và cụ Phạm Thị F có 02 người con là bà Nguyễn Thị B và Nguyễn Thị G, ngoài ra không còn người con nào khác. Cụ E mất năm 2012, cụ F mất năm 2011, trước khi chết các cụ không để lại di chúc, do vậy di sản được chia theo pháp luật, bà B và bà G là những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất, được hưởng thừa kế theo pháp luật.

Căn cứ các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, lời khai của các đương sự để xác định được di sản của cụ E và cụ F để lại gồm : 01 thửa đất số 50, tờ bản đồ 23, có diện tích 780m2(gồm 300m2 đất ở và 470m2 đất vườn) thửa đất này sau khi Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ thẩm định lại, đo đạc bằng máy định vị thửa đất có diện tích thực tế là 652m2, kết quả thẩm định đã công bố tại phiên tòa phúc thẩm được các bên thừa nhận. So với diện tích ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất diện tích thực tế ít hơn, lý do do sai số khi đo đạc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (BL 41), trên thửa đất có 01 ngôi nhà xây cấp 4 bốn gian, tường rào đã cũ xây bằng gạch bao quanh , 01 cổng xây bằng gạch có cánh cổng bằng sắt và cây cối lâm lộc ; 01 thửa đất trồng lúa số 767, tờ bản đồ số 8, diện tích 480m2 và 01 thửa đất trồng lúa số 768, tờ bản đồ số 8, diện tích 267m2 ở tại khu 8, xã T, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ đã được cấp

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên ông Nguyễn Văn E, bà Phạm Thị F.

[2.2] Về yêu cầu kháng cáo của bà Nguyễn Thị G đề nghị hội đồng xét xử xem xét đến việc vợ chồng bà là người trực tiếp trông nom, chăm sóc bố mẹ từ khi bố mẹ còn sống đến khi bố mẹ qua đời, vợ chồng bà cũng là người phụng thờ, hương khói, lo cải táng mồ mả, trông nom, gìn giữ, bảo quản di sản. Căn cứ lời khai của bà Nguyễn Thị G tại bút lục 19, bản tự khai ngày 15/10/2019, xác nhận của bà con khu xóm do bà G cung cấp cho Tòa án ngày 30/10/2019, bản tự khai của anh Hà Hữu D (là con bà G) ngày 30/10/2019 thì trước khi cụ E và cụ F chết, hai cụ sống cùng nhau tại thửa đất số 50, tờ bản đồ 23 ở khu 8, xã T, huyện P, tỉnh Phú Thọ. Năm 2003, bà G đã cho con trai là anh Hà Hữu D về ở cùng để chăm sóc hai cụ. Năm 2008 bà Nguyễn Thị G cùng chồng và các con thường xuyên về ở cùng để trông nom hai cụ. Sau khi hai cụ chết, bà G là người trực tiếp quản lý di sản của hai cụ cho đến khi xảy ra tranh chấp với bà B. Tại đơn khởi kiện (bút lục 09), bà B cũng thừa nhận sau khi cụ E và cụ F chết, di sản của hai cụ do bà G quản lý. Như vậy có căn cứ xác định bà Nguyễn Thị G là người có công chăm sóc cụ E và cụ F một thời gian trước khi các cụ chết, bà G cũng là người có công trong việc quản lý di sản của các cụ từ năm 2012 đến khi xảy ra tranh chấp là năm 2018. Nên cần chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bà G, xem xét chia cho bà G phần di sản nhiều hơn là phù hợp với quy định của pháp luật.

[2.3] Đối với phần diện tích đất ở thửa đất số 50, tờ bản đồ 23. Căn cứ vào hiện trạng thửa đất và nhu cầu sử dụng của mỗi bên cần giao cho cho bà Nguyễn Thị B và bà Nguyễn Thị G mỗi người 1/2 diện tích đất nêu trên. Cụ thể: bà Nguyễn Thị G được quản lý, sử dụng phần đất ký hiệu S1 có diện tích 326m2 (trong đó đất ở là 150m2 và đất vườn là 176m2) trị giá là 40.771.200đ (bốn mươi triệu bảy trăm bảy mươi mốt nghìn hai trăm đồng ) có chỉ giới 1,2,9,10,11,12,13,14,1 thuộc thửa đất số 50, tờ bản đồ số 23 ở tại khu 8, xã T, huyện P, tỉnh Phú Thọ đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên ông Nguyên Văn E, bà Phạm Thị F có phần diện tích nhà do vợ chồng bà G xây dựng. Trên phần diện tích đất ở và đất vườn được chia , bà G còn được hưởng thêm phần tường rào đã cũ xây bằng gạch, cổng xây bằng gạch có cánh bằng sắt và cây cối lâm lộc các đương sự không đề nghị nên không định giá. Giao cho bà Nguyễn Thị B được quản lý, sử dụng phần đất ký hiệu S2 có diện tích 326 m2 trị giá 40.771.200đ (bốn mươi triệu bẩy trăm bẩy mươi mốt nghìn hai trăm đồng)(trong đó đất ở là 150m2 và đất vườn là 176m2) theo chỉ giới 2,3,4,5,6,7,8,9,2 ở tại khu 8, xã T, huyện P, tỉnh Phú Thọ.

Đối với di sản thừa kế là 01 thửa đất trồng lúa số 767, tờ bản đồ số 8, diện tích 480m2 và 01 thửa đất trồng lúa số 768, tờ bản đồ số 8, diện tích 267m2. Tại khoản 3 điều 191 Luật đất đai - 2013 có quy định: "... cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa. Xét thấy, hiện nay bà B cùng chồng đang cư trú tại phường N, thành phố V, bà G hiện cư trú tại xã T và là người đang trực tiếp trồng lúa trên hai thửa đất này được chính đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn thừa nhận. Vì vậy, nên giao cho bà G được sử dụng toàn bộ diện tích đất lúa do cụ E cụ F để lại gồm: thửa đất trồng lúa số 768, tờ bản đồ số 8, diện tích 267m2 trị giá là 8.170.200đ và thửa đất trồng lúa số 767, tờ bản đồ số 8, diện tích 480m2 trị giá là 14.688.000đ (Mười bốn triệu sáu trăm tám mươi tám nghìn đồng) đều ở tại khu 8, xã T, huyện P, tỉnh Phú Thọ. Xét thấy, mặc dù đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn không thừa nhận việc bà G cùng chồng con chăm sóc phụng dưỡng cụ cố nhưng có đủ cơ sở để xác định bà G có công trong việc chăm sóc cụ cố và quản lý, bảo quản di sản, nên bà G được hưởng phần di sản nhiều hơn bà B. Bà G không phải thanh toán chênh lệch tài sản cho bà B.

[2.4] Đối với phần đất giao cho bà Nguyễn Thị B có các tài sản, theo kết quả thẩm định, định giá gồm:

- 01 nhà vệ sinh tường xây gạch chỉ không mái trị giá: 296.260 đồng (hai trăm chín mươi sáu nghìn hai trăm sáu mươi đồng);

- 01 nhà tắm xây gạch chỉ mái đổ bê tông trị giá: 1.047.400đ (một triệu không trăm bốn mươi bẩy nghìn bốn trăm đồng);

- 01 nhà bếp sửa từ nhà cũ xây gạch đỏ mái ngói vì kèo gỗ trị giá 1.921.614đ (một triệu chín trăm hai mốt nghìn sáu trăm mười bốn đồng);

- Hệ thống chuồng lợn trị giá: 2.195.720đ (hai triệu một trăm chín mươi lăm nghìn bẩy trăm hai mươi đồng);

- Hệ thống cống rãnh: 411.080đ (bốn trăm mười một nghìn không trăm tám mươi đồng);

- Sân giáp bếp láng vữa xi măng: 162.240đ (một trăm sáu mươi hai nghìn, hai trăm bốn mươi đồng);

- Bể Bioga trị giá: 4.492.220đ (bốn triệu bốn trăm chín mươi hai nghìn hai trăm hai mươi đồng)

- 02 cây sưa đường kính 15 cm trị giá: 30.000đ (ba mươi nghìn đồng);

- 01 cây khế mọc tái sinh đường kính 10 cm trị giá: 121.000đ (một trăm hai mốt nghìn đồng).Tổng trị giá toàn bộ tài sản là: 10.677.540đ (mười triệu sáu trăm bẩy mươi bẩy nghìn năm trăm bốn mươi đồng).

Tại phiên tòa ông B cho rằng toàn bộ tài sản này là di sản, trừ chuồng lợn, bể Bioga là của vợ chồng bà G. Bà G cho rằng trước những tài sản này do vợ chồng bà xây dựng trên cơ sở nền móng cũ, xét thấy bà G trình bày là có cơ sở. Bà G, ông H yêu cầu nếu bà B được giao phần đất có các công trình trên do ông bà xây dựng thì phải thanh toán lại giá trị công trình cho ông bà. Bà B cho rằng các công trình trên bà G tự ý xây dựng trên phần đất là di sản của E, cụ F nên yêu cầu bà G phải tháo dỡ và không đồng ý thanh toán giá trị cho bà G. Hội đồng xét xử xét thấy: Mặc dù bà G, ông H xây dựng các công trình trên phần đất là di sản do cụ E cụ F để lại khi chưa có sự đồng ý của đồng thừa kế là không đúng nhưng khi vợ chồng bà G xây dựng các công trình trên, bà B không chứng minh được bà B không đồng ý và ngăn cản không cho bà G xây dựng nên xác định việc bà G ông H xây trên di sản như vậy cả bà B và vợ chồng bà G đều có lỗi. Do các công trình nằm trên phần đất giao cho bà B đến nay vẫn còn giá trị sử dụng, nếu tháo dỡ mất hết công năng, giá trị nên cần giao toàn bộ các công trình, vật kiến trúc cho bà B sở hữu, sử dụng và buộc bà B có trách nhiệm thanh toán cho bà G, ông H 1/3 trị giá của các công trình, cây cối, vật kiến trúc trên đất là 3.559.180đ (Ba triệu năm trăm năm mươi chín nghìn một trăm tám mươi đồng).

[2.5] Quá trình giải quyết vụ án ở cấp sơ thẩm, do bà G, ông H không đưa ra yêu cầu nên Tòa án chưa thu thập chứng cứ để làm rõ, tuy nhiên cấp phúc thẩm xét thấy những đề nghị của bà G là có căn cứ nên cần giải quyết theo quy định của pháp luật. Tại phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử đã được tạm ngừng để thu thập bổ sung chứng cứ. Bà G cung cấp bản tự khai trình bày gia đình bà là người trực tiếp chăm sóc, trông nom bố mẹ từ năm 2003, đến khi đau ốm, chết. Ngoài việc đề nghị Tòa án cho bà phần công sức đã được xem xét phần trên. Bà G, ông H còn đề nghị xem xét số tiền làm tang lễ, mua đất, xây mộ, xây tường rào khu mộ, và các chi phí khác cho việc 02 lần đổi mộ cho hai cụ cố hết 130.000.000đ.

Ngoài lời trình bày của mình bà G, ông H không cung cấp được tài liệu chứng cứ chứng minh các chi phí như bà đề nghị. Người đại diện theo ủy quyền của bà B tại phiên tòa không thừa nhận lời trình bày của bà G, ông H và cho rằng khi còn sống hai cụ ở với nhau, khi 2 cụ ốm thì hai chị em thay nhau chăm sóc; khi 2 cụ chết thì vợ chồng ông đứng ra lo ma chay tang lễ; chi phí đám tang không ai phải đóng góp vì có khoản tiền phúng viếng, về việc làm mộ cho 2 cụ: Ông B là đại diện theo ủy quyền cho rằng khi còn sống cụ cố có nói đã lo hết các con không phải lo gì hết, ngoài lời trình bày ông không có căn cứ gì để chứng minh, ông B thừa nhận vợ chồng bà G là người đứng ra làm mộ, nhưng vợ chồng ông không được bàn bạc, không được biết mọi khoản chi phí nên không đồng ý. Mặc dù bà G không cung cấp được chứng cứ chứng minh cho lời trình bày của mình, xong việc con của bà G về sống cùng 2 cụ là có thực, được hàng xóm làm chứng, việc bà G đứng ra làm mộ cho 2 cụ cố cũng là thực tế theo phong tục tập quán. Việc hưởng di sản thừa kế là quyền xong những người được hưởng thừa kế cũng phải có nghĩa vụ. Theo quy định tại điều 658 Bộ luật dân sự quy định các nghĩa vụ tài sản và các khoản chi phí liên quan đến thừa kế được thanh toán trong đó có các chi phí khác. Nên cần xem xét chi phí ma chay, đổi mộ cho hai cụ cố là chi phí khác mà bà G và bà B phải cùng có nghĩa vụ. Xét thấy, việc phát sinh các chi phí trong việc đổi mộ 02 lần này có lỗi của cả bà G và bà B nên cần chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của bà G về nội dung này với số tiền phù hợp phong tục tập quán thuần phong mỹ tục của địa phương với số tiền 25.000.000đ.

[3] Căn cứ nhận định tại [2.1], [2.2],[2.3],[2.4],[2.5] cho thấy mặc dù cấp sơ thẩm chưa xem xét công chăm sóc cụ cố, bảo quản di sản, nghĩa vụ chung cho chi phí trong việc tổ chức tang lễ, đổi mộ nên để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự nên chấp nhận một phần kháng cáo của bà Nguyễn Thị G, sửa bản án sơ thẩm như đã phân tích ở trên.

[4] Về án phí: Do bản án sơ thẩm bị sửa nên cần sửa án phí sơ thẩm có giá ngạch. Bà G không phải chịu án phí phúc thẩm theo quy định.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 2 Điều 308; Điều 309 Bộ luật tố tụng dân sự. Chấp nhận một phần kháng cáo của bà Nguyễn Thị G, sửa bản án sơ thẩm số 08/2019/DS - ST ngày 13/6/2019 của Tòa án nhân dân huyện P.

Áp dụng các điều 609, 612, 613, 623, 649, 650, 651,658, 660 Bộ luật dân sự; các điều 167, 179, khoản 3 điều 191 Luật Đất đai; điều 228 Bộ luật tố tụng dân sự; khoản 2 điều 147 khoản 2 Điều 148 BLTTDS; điểm đ Điều 12, điểm b Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

1. Xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện chia thừa kế của bà Nguyễn Thị B.

- Giao cho bà Nguyễn Thị B được quản lý, sử dụng phần đất có kí hiệu S2 có diện tích 326 m2 (trong đó đất ở là 150m2 và đất vườn là 176m2) theo chỉ giới 3,3,4,5,6,7,8,9,2 thuộc thửa đất số 50, tờ bản đồ số 23 và ở tại khu 8, xã T, huyện P, tỉnh Phú Thọ đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên ông Nguyễn Văn E, bà Phạm Thị F. Trên phần diện tích đất ở và đất vườn được chia, bà B còn được hưởng thêm phần tường rào đã cũ xây bằng gạch . Tổng giá trị di sản mà bà Nguyễn Thị B được hưởng là 40.771.200đ (bốn mươi triệu bay trăm bay mươi mốt nghìn hai trăm đồng)(có sơ đồ hiện trạng kèm theo).

- Giao cho bà Nguyễn Thị B sở hữu, sử dụng tài sản cây cối nằm trên diện tích đất được giao gồm: 01 nhà vệ sinh tường xây gạch chỉ không mái trị giá: 296.260 đồng (hai trăm chín mươi sáu nghìn hai trăm sáu mươi đồng);01 nhà tắm xây gạch chỉ mái đổ bê tông trị giá: 1.047.400đ (một triệu không trăm bốn mươi bẩy nghìn bốn trăm đồng); 01 nhà bếp sửa từ nhà cũ xây gạch đỏ mái ngói vì kèo gỗ trị giá 1.921.614đ (một triệu chín trăm hai mốt nghìn sáu trăm mười bốn đồng); hệ thống chuồng lợn trị giá: 2.195.720đ (hai triệu một trăm chín mươi lăm nghìn bẩy trăm hai mươi đồng); Hệ thống cống rãnh: 411.080đ (bốn trăm mười một nghìn không trăm tám mươi đồng); Sân giáp bếp láng vữa xi măng: 162.240đ (một trăm sáu mươi hai nghìn, hai trăm bốn mươi đồng); bể Bioga trị giá: 4.492.220đ (bốn triệu bốn trăm chín mươi hai nghìn hai trăm hai mươi đồng); 02 cây sưa đường kính 15 cm trị giá: 30.000đ (Ba mươi nghìn đồng); 01 cây khế mọc tái sinh đường kính 10 cm trị giá: 121.000đ (một trăm hai mốt nghìn đồng). Tổng trị giá là: 10.677.540đ (mười triệu sáu trăm bẩy mươi bẩy nghìn năm trăm bốn mươi đồng). Bà Nguyễn Thị B phải thanh toán cho vợ chồng bà Nguyễn Thị G 3.559.180đ (Ba triệu năm trăm năm mươi chín nghìn một trăm tám mươi đồng).

- Giao cho bà Nguyễn Thị Gia được quản lý, sử dụng phần đất kí hiệu S1 có diện tích 326m2 (trong đó đất ở là 150m2 và đất vườn là 176m2) trị giá 40.771.200đ (bốn mươi triệu bẩy trăm bẩy mươi mốt nghìn hai trăm đồng) có chỉ giới 1,2,9,10,11,12,13,14,1 thuộc thửa đất số 50, tờ bản đồ số ở tại khu 8, xã T, huyện P, tỉnh Phú Thọ đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên ông Nguyễn Văn E, bà Phạm Thị F. Trên phần diện tích đất ở và đất vườn được chia, bà G còn được hưởng thêm phần tường rào đã cũ xây bằng gạch, cổng xây bằng gạch có cánh bằng sắt và cây cối lâm lộc không định giá. (có sơ đồ hiện trạng kèm theo). Trên phần diện tích đất ở mà bà G được chia có 01 ngôi nhà là tài sản của vợ chồng bà G, ông H không phải di sản thừa kế do vợ chồng bà Nguyễn Thị G, ông Hà Văn H xây dựng.

- Giao cho bà Nguyễn Thị G thửa đất trồng lúa số 768, tờ bản đồ số 8, diện tích 267m2 trị giá là 8.170.200đ (tám triệu một trăm bẩy mươi nghìn hai trăm đồng) và thửa đất trồng lúa số 767, tờ bản đồ số 8, diện tích 480m2 trị giá là 14.688.000đ (Mười bốn triệu sáu trăm tám mươi tám nghìn đồng ) đều ở tại khu 8, xã T, huyện P, tỉnh Phú Thọ. Tổng giá trị tài sản bà G được hưởng là 63.629.400đ (sáu mươi ba triệu sáu trăm hai chín nghìn bốn trăm đồng)

Bà Nguyễn Thị G không phải thanh toán chênh lệch tài sản cho bà Nguyễn Thị B.

Buộc bà Nguyễn Thị B có nghĩa vụ thanh toán cho vợ chồng bà Nguyễn Thị G số tiền chi phí cho việc tổ chức tang lễ, đổi mộ hai cụ cố số tiền 25.000.000đ (Hai mươi lăm triệu đồng chẵn).

Tổng số tiền bà Nguyễn Thị B phải có nghĩa vụ thanh toán cho bà G, ông H là: 28.559.180đ.000.000đ. Trong đó chi phí cho việc tổ chức ma chay, đổi mộ hai cụ cố 25.000.000đ (Hai mươi mươi lăm triệu đồng chẵn ), 3.559.180đ (Ba triệu năm trăm năm mươi chín nghìn một trăm tám mươi đồng) là tiền tài sản của vợ chồng bà G nằm trên phần đất bà B được giao.

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng người phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại điều 357 của Bộ luật dân sự năm 2015.

2. Về án phí: Căn cứ khoản 2 điều 147 khoản 2 Điều 148 BLTTDS; điểm đ Điều 12, điểm b Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

Bà Nguyễn Thị B phải chịu 2.038.560đ (Hai triệu không trăm ba mươi tám nghìn năm trăm sáu mươi đồng) án phí dân sự sơ thẩm , xác nhận đã nộp 300.000đ (Ba trăm nghìn đồng) tiền tạm ứng án phí theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí số 0000906 ngày 05/7/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện P. Bà Nguyễn Thị B còn phải chịu 1.738.560đ (một triệu bảy trăm ba mươi tám nghìn năm trăm sáu mươi đồng) tiền án phí dân sự sơ thẩm.

Bà Nguyễn Thị G phải chịu 3.181.470đ (ba triệu một trăm tắm mươi mốt nghìn bốn trăm bẩy mươi đồng) tiền án phí dân sự sơ thẩm. Bà Nguyễn Thị G không phải chịu tiền án phí dân sự phúc thẩm, bà G được trả lại 300.000đ (ba trăm nghìn đồng) tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp theo biên lai thu số 0001187 ngày 24/6/2019 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện P.

Về chi phí tố tụng tại cấp phúc thẩm: Bà G xin tự nguyện chịu toàn bộ chi phí xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản. Xác nhận bà đã thi hành xong.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6,7,7a và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị Viện kiểm sát kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

582
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 77/2019/DS-PT ngày 12/11/2019 về tranh chấp chia di sản thừa kế

Số hiệu:77/2019/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Phú Thọ
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 12/11/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;