TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI
BẢN ÁN 76/2019/HC-PT NGÀY 19/04/2019 VỀ KHỞI KIỆN HÀNH VI HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC QUẢN LÝ ĐẤT ĐAI
Ngày 19 tháng 4 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Nam Định, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm công khai vụ án hành chính thụ lí số: 369/2018/TLPT-HC ngày 30 tháng 10 năm 2018 về “Khởi kiện hành vi hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai”. Do Bản án hành chính sơ thẩm số: 04/2018/HC-ST ngày 14 tháng 9 năm 2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Nam Định bị kháng cáo. Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 2376/QĐ-PT ngày 01/4/2019, của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội giữa các đương sự:
1. Người khởi kiện: Ông Phạm Xuân T, sinh năm 1955; Địa chỉ: Xóm A, xã H, huyện G, tỉnh Nam Định;
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông Phạm Xuân T: Ông Chu Tuấn H, Luật sư Văn phòng Luật sư T - Đoàn Luật sư tỉnh Nam Định, có mặt.
2. Người bị kiện: Uỷ ban nhân dân (sau đây gọi tắt là UBND) huyện G, tỉnh Nam Định.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Mai Thanh L - Chức vụ: Chủ tịch UBND;
Người đại diện theo ủy quyền: Ông Vũ Thanh T - Chức vụ: Phó Chủ tịch UBND huyện G (Văn bản ủy quyền ngày 20 tháng 3 năm 2018 của chủ tịch UBND huyện G), có mặt;
3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
- Ông Doãn Văn C - Chủ tịch UBND xã H, có mặt.
- Bà Bùi Thị T1; địa chỉ: Xóm A, xã H, huyện G, tỉnh Nam Định, vắng mặt.
- Ông Phạm Ngọc B sinh năm 1957; Địa chỉ: Xóm A, xã H, huyện G, tỉnh Nam Định, có mặt.
- Ông Đỗ Văn D sinh măm 1947; Địa chỉ: Xóm A, xã H, huyện G, tỉnh Nam Định, có mặt.
4. Người kháng cáo: Ông Phạm Xuân T, có mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo hồ sơ vụ án và Bản án sơ thẩm số 04/2018/HC-ST, ngày 14/9/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Nam Định, nội dung vụ án như sau:
Để thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (sau đây gọi tắt là GCNQSD) 1,75 ha đất mà Nhà nước đã quy hoạch là vùng nuôi trồng thủy sản tại tờ bản đồ số 14 thửa 64 + 65 , ông T đã làm đơn và kèm theo tài liệu gửi UBND huyện G nhưng UBND huyện G đã từ chối không giải quyết và trả lời bằng Thông báo số: 71/TB-UBND ngày 19/4/2017 về kết luận của đồng chí Vũ Thanh T - Phó Chủ tịch UBND huyện G. Tại nội dung 1 của Thông báo: Đối với đề nghị của ông T về việc cấp GCNQSD đất trên diện tích 1,75 ha là chưa đủ điều kiện để thực hiện vì: Dự án chuyển đổi diện tích trồng lúa năng suất thấp sang nuôi trồng thủy sản nước ngọt do ông T đứng tên chưa được các cấp có thẩm quyền phê duyệt và chưa có quyết định giao đất. Đồng thời , hiện nay trên diện tích đất này gồm các loại đất như sau: Đất công ích của xã; đ ất giao ổn định lâu dài của ông B; đất giao ổn định lâu dài của ông T; đất giao ổn định lâu dài của 2 hộ khác mà ông T thuê lại.
Ông T cho rằng đất ông đứng tên lập dự án nuôi trồng thủy sản không liên quan gì đến diện tích đất mà thông báo đã kết luận tại nội dung 1.
Nay ông T đề nghị Tòa án xem xét hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân huyện G từ chối cấp GCNQSD đất. Yêu cầu Ủy ban nhân dân huyện G tiến hành các thủ tục cấp GCNQSD đối với diện tích 1,75 ha đất quy hoạch là vùng nuôi trồng thủy sản trên bản đồ hiện trạng xã H tại tờ bản đồ số 14, thửa 64 + 65 là đất dự án mà các cấp có thẩm quyền đã phê duyệt tại Tờ trình số 02/TT-UB ngày 20/2/2004 cho ông T là chủ dự án và cho phép ông T thực hiện dự án vào tháng 02/2004 theo quy định của pháp luật mà các cấp có thẩm quyền đã phê duyệt tại thời điểm đó.
* Người khởi kiện và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện trình bày trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa sơ thẩm như sau:
Năm 2003, ông Phạm Xuân T có đơn xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ ruộng trồng lúa năng suất thấp sang nuôi trồng thủy sản nước n gọt với diện tích là 1,75 ha tờ bản đồ số 14, thửa 64 + 65 tại vùng hồ Xóm A xã H. UBND xã H đã thẩm định và UBND huyện G nhất trí theo đơn đề nghị của ông T với diện tích 1,75 ha tại tờ bản đồ số 14, số thửa 64 + 65 của 34 hộ xã viên đang trồng lúa. UBND xã H đã xây dựng kế hoạch dồn các hộ có diện tích ruộng khu vùng hồ ra các khu đất 5% của các xóm liền kề và đã đo diện tích đất này cho ông T. Ngày 26/12/2003, UBND xã H lập Tờ trình số 19 ngày 26/12/2003 về việc xin chuyển đổi cơ cấu đất nông nghiệp sang nuôi trồng thủy sản đề nghị UBND huyện G xem xét quyết định cho ông T là chủ dự án. Dự án đã được UBND xã H, UBND huyện G phê duyệt và cho phép ông T thực hiện dự án. Việc phê duyệt và cho phép ông T thực hiện dự án thể hiện ở tờ trình số 02/TT-UB ngày 20/2/2004. Ông T chưa được giao quyết định giao đất nhưng thực tế ông đã thực hiện dự án đúng kế hoạch, quy hoạch, mục đích sử dụng đất. Dự án của ông T đã được UBND huyện G, UBND xã H và các cơ quan chức năng đã lập biên bản nghiệm thu dự án vào ngày 28/11/2004. Căn cứ theo Quyết định số 1123/2003/QĐ-UB ngày 24/9/2003 của UBND huyện G về việc ban hành một số cơ chế chính sách khuyến khích dịch chuyển cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp; căn cứ biên bản nghiệm thu, UBND huyện G đã khuyến khích và hỗ trợ cho ông T 2.500.000 đồng.
Vì vậy, ông cho rằng diện tích 1,75 ha tại tờ bản đồ số 14, thửa 64 + 65 là đất dự án mà các cấp có thẩm quyền đã phê duyệt tại thời điểm đó đủ điều kiện để cấp GCNQSD đất theo quy định pháp luật.
* Người bị kiện là UBND huyện G (do ông Vũ Thanh T Phó Chủ tịch UBND) là đại diện theo ủy quyền trình bày:
Theo Quyết định 115/QĐ-UB ngày 15/02/1992 của UBND tỉnh Hà Nam Ninh, hộ ông Trần Xuân T được giao diện tích 3116 m2 và đã được cấp GCNQSD đất, đất 2 lúa nằm rải rác tại các tờ bản đồ sau: Tờ 14 thửa 161 diện tích 316 m 2, tờ 15 thửa 134 diện tích 522 m 2, tờ 25 thửa 37 diện tích 1080 m 2, tờ 25 thửa 39 diện tích 781 m 2, tờ 25 thửa 12 diện tích 417 m 2. Năm 2003, xã H lập hồ sơ dồn điền đổi thửa đã chuyển dịch diện tích đất 2 lúa của gia đình ông T về 02 vị trí, một vị trí tại khu vực hiện gia đình đã chuyển nhượng cho siêu thị Lan Chi, một vị trí thuộc vùng h ồ giáp với nghĩa trang nhân dân, vị trí cụ thể tại tờ bản đồ số 14 thửa 64 + 65. Ngày 01/01/2004 , ông Phạm Xuân T và ông Phạm Ngọc B (Xóm A, xã H) đã ký hợp đồng đấu thầu 1,04 ha đất công ích của UBND xã H để nuôi trồng thủy sản, thời gian đấu thầu l à 60 tháng kể từ ngày 01/01/2004, mức giá đấu thầu là 120 kg thóc/sào/năm, riêng 2 năm đầu 2004, 2005 thu 100 kg/sào/năm, giá thóc tính theo giá trị trường tại thời điểm thu hoạch, thanh toán hàng năm, mỗi năm 02 lần vào thời điểm tháng 7 và tháng 11. Sau khi đấu đất, ông T và ông B đã đề nghị với UBND xã cho xây dựng dự án nuôi trồng thủy sản. Để đảm bảo đủ diện tích thực hiện dự án, hai ông đã đề nghị được góp các diện tích đất trồng lúa được giao ổn định của nhà mình cùng với diện tích đất thuê của hộ ông Lự (vợ là bà Tươi), hộ ông D và đất đấu thầu liền kề để lập dự án.
Ngày 20/2/2004, UBND xã H có Tờ trình số 02/TT-UB về việc xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất và phê duyệt dự án chuyển đổi diện tích trồng lúa năng suất thấp sang nuôi trồng thủy sản nước ngọt giai đoạn 2004 - 2010. Diện tích đề nghị chuyển đổi là 1,75 ha, gồm: Quỹ đất công do UBND xã quản lý là 0,944 ha; đất kênh mương là 0,181 ha; đất trồng lúa giao ổn định lâu dài cho các hộ dân là 0,625 ha (trong đó đất của hộ ông B là 2.196 m2, đất của hộ ông T là 2.228 m2 và đất ông T thuê của 02 hộ dân khác là 1.822 m2). Đồng thời, nhất trí để ông T được đứng tên lập dự án chuyển đổi vùng đất nói trên sang nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Tuy nhiên, do các thủ tục về hồ sơ chưa đầy đủ nên dự án do ông T đứng tên chưa được các cấp có thẩm quyền phê duyệt và chưa có quyết định giao đất.
Trong thời gian thực hiện việc nuôi trồng thủy sản trên diện tích đất đấu thầu của địa phương giữa ông T và ông B nảy sinh mâu thuẫn, theo đề nghị của ông T và ông B, UBND xã H đã tách diện tích riêng cho 02 ông, trong đó diện tích tách cho ông T đấu thầu là 5.785 m2 và cho ông B đấu thầu là 3,655 m2 (không kể đất kênh mương và hành lang giao thông). Hiện tại , ông T đang sử dụng diện tích đất đấu thầu để nuôi trồng thủy sản với quy mô ao đầm đơn giản.
Từ năm 2004 đến nay, ông T không thực hiện nghĩa vụ tài chính theo hợp đồng thuê đất đã ký với xã H ngày 01/10/2004; ông T cho rằng dự án của ông đã được phê duyệt và diện tích này ông được sử dụng không phải nộp tiền đấu thầu đất, đồng thời các cơ quan chức năng phải có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên diện tích 1,75 ha cho ông T.
Do vậy, diện tích 1,75 ha mà ông T yêu cầu cấp GCNQSD đất là không đủ điều kiện vì: Dự án chuyển đổi diện tích trồng lúa năng suất thấp sang nuôi trồng thủy sản nước ngọt do ông T đứng tên chưa được cấp có thẩm quyền ra quyết định phê duyệt, chưa có quyết định giao đất. Hơn nữa, diện tích đất này gồm có các loại đất như sau: Đất công ích của xã, đất giao ổn định cho ông B, đất giao ổn định cho ông T và đất giao ổn định cho 02 hộ khác mà ông T thuê lại. Vì vậy, UBND huyện G khẳng định việc chưa cấp GCNQSD đất cho hộ ông Phạm Xuân T diện tích 1,75 ha là đúng quy định của Luật đất đai, đề Tòa án xem xét giải quyết.
* Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trình bày như sau:
- UBND xã H trình bày: Năm 2003, với chủ trương của Đảng và Nhà nước dồn điền đổi thửa để quy hoạch quỹ đất công ích (5%) của xã vào từng vùng để nhân dân đấu thầu theo nhiệm kỳ 5 năm nhằm tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương. Lúc này, xã H xây dựng kế hoạch dồn các hộ có diện tích ruộng khu vùng hồ ra các khu đất 5% của các xóm liền kề dồn lạ i với diện tích 9.440 m2 để thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi. Sau đó, UBND xã giao cho HTX NN H I cho 2 hộ là ông Phạm Xuân T và ông Phạm Ngọc B đấu thầu. Năm 2004, theo yêu cầu của dự án ông T, ông B tự nguyện đề nghị góp diện tích được giao ổn định của nhà mình và thuê lại của 2 hộ dân vào cùng với diện tích 5% của xã là 9.440 m2, để có diện tích trên 1 ha thực hiện dự án. UBND xã đã lập tờ trình với UBND huyện xin phép được chuyển đổi mục đích sử dụng đất của hộ gia đình và quỹ đất công ích 5% của xã. Ngày 01/01/2004, ông T, ông B đã ký hợp đồng thuê đất với UBND xã xin đấu thầu diện tích 5% của xã với diện tích 9.440 m2, còn lại đất kênh mương và chỉ giới hành lang giao thông, UBND xã không giao theo dự án mà để phục vụ lợi ích công cộng là 1.933 m2. Khi thực hiện dự án, trên diện tích 5% đấu thầu 9.440 m2 và diện tích đất thủy lợi và giao thông là 1.933 m2 của xã, hai hộ ông T và ông B nảy sinh mâu thuẫn, không làm chung với nhau đề nghị UBND xã tách ra thành 2 phần: Hộ ông T là 6.954 m2, trong đó diện tích 5% của xã là 5.785 m2, diện tích đất hành lang giao thông và kênh mương là 1.169 m2; hộ ông B là 4.419 m2, trong đó diện tích 5% của xã là 3.655 m2, diện tích đất hành lang giao thông và kênh mương là 764 m2. Về chấp hành nghĩa vụ dự án: Hộ ông B đã chấp hành theo hợp đồng và đã ký lại hợp đồng với xã, nhiệm kỳ 2011 - 2016. Từ những căn cứ trên, UBND xã H khẳng định việc UBND huyện G không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho dự án ch uyển đổi mục đích sử dụng đất trên quỹ đất công của xã: Diện tích 5% của xã là 5.785 m 2, diện tích đất hành lang giao thông và kênh mương là 1.169 m2 đúng quy định của Luật đất đai, đề nghị Tòa án giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.
- Ông Phạm Ngọc B trình bày: Năm 2003, thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa để quy hoạch quỹ đất công ích 5% của xã vào từng vùng để nhân dân đấu thầu theo nhiệm kỳ 5 năm, ông B và ông T đã làm đơn xin được đấu thầu quỹ đất của xã nằm cùng với diện tích của gia đình ông và ông T được giao ổn định theo Quyết định 990 và 115. Sau khi ký kết hợp đồng thì giữa ông và ông T không thống nhất được phương pháp làm nên đã đề nghị UBND xã tách ra đất của gia đình ông là 2196 m2 nằm sát đất đấu thầu của UBND xã là 3655 m2 và diện tích 764 m2 là đất mương cấp 3 và hành lang đường giao thông. Từ khi đấu thầu, ông đều chấp hành đầy đủ nghĩa vụ. Đến nhiệm kỳ 2016 -2021, ông lại được UBND xã cho ký tiếp hợp đồng với mức thu theo quy định của toàn xã. Ông B đề nghị Tòa án giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.
- Ông Đỗ Văn D trình bày: Năm 2003, gia đình ông có cho ông Phạm Xuân T và ông Phạm Ngọc B thuê 01 sào ruộng để dồn vào vùng nuôi trồng thủy sản. Các bên thống nhất mỗi năm ông T và ông B trả cho gia đình ông 100 kg thóc/năm. Sau khi ông T, ông B đã chia vùng ra sản xuất, thì ruộng của gia đìmh ông nằm trên diện tích của ông T đang sử dụng, ông T đã trả thóc thuê ruộng của ông được 2 năm. Sau đó, từ năm 2005 đến nay ông T không trả, ông đòi lại ruộng thì ông T không trả. Nay ông D đề nghị Tòa án giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.
- Bà Bùi Thị T1 trình bày: Năm 2003, gia đình bà có cho ông Phạm Xuân T và ông Phạm Ngọc B thuê 1.140 m2 ruộng để dồn vào vùng nuôi trồng thủy sản. Sau khi hai ông đã chia vùng ra sản xuất thì số ruộng của gia đình bà nằm trong diện tích của ông T. Đến năm 2013, khi thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa, phần diện tích của gia đình bà được chuyển đổi ra vùng ngoài. Việc trả nợ sản phẩm cho gia đình bà khi ông T sử dụng ruộng của gia đình không được thực hiện đầy đủ như thỏa thuận. Nay nguyện vọng của bà Tươi đề nghị Tòa án xem xét giúp đỡ gia đình bà đòi lại quyền lợi của gia đình trong thời gian ông T sử dụng ruộng của gia đình bà trước khi dồn điền đổi thửa.
Với nội dung trên, tại Bản án hành chính sơ thẩm số: 04/2018/HC-ST ngày 14/9/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Nam Định đã quyết định:
Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 193; Điều 348 Luật tố tụng hành chính năm 2015; khoản 1 Điều 100; khoản 4 Điều 132 Luật đất đai năm 2013; Điều 19 Nghị định 43/2014/CP; không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Phạm Xuân T yêu cầu tuyên bố hành vi hành chính của UBND huyện G là trái pháp luật và về việc yêu cầu UBND huyện G cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với diện tích 1,75 ha đất thửa 64 + 65 tờ bản đồ số 14 xã H cho ông Phạm Xuân T.
Ngoài ra bản án còn xem xét đến các nội dung khác, buộc nghĩa vụ chịu án phí sơ thẩm, tuyên quyền kháng cáo theo quy định.
Sau khi xét xử, ngày 21/9/2018 người khởi kiện là ông Phạm Xuân T kháng cáo đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xét xử, chấp nhận đơn khởi kiện của ông. Tại phiên tòa phúc thẩm, người khởi kiện giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, nội dung kháng cáo và trình bày: Căn cứ Luật đất đai năm 1993 thì đất của ông đủ điều kiện để cấp GCNQSD đất, vì dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt tại Tờ trình số 02/ TT-UB ngày 20/02/2004 của UBND xã H cho ông làm chủ dự án.
- Người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của ông T trình bày: Dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất đã được phê duyệt tại Tờ trình số 02, sau đó Sở Thủy sản có Tờ trình số 14 trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt, căn cứ vào thời điểm đó ông T đủ điều kiện được giao đất không thu tiền sử dụng đất; lý do UBND huyện từ chối cấp GCNQSD đất cho ông T là đất chưa được phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng, chưa giao đất và không nộp thuế là không có căn cứ; UBND huyện cho rằng ông T tự ý chuyển mục đích sử dụng đất là không thuyết phục, hiện tại ông T đang quản lý, sử dụng ổn định không có tranh chấp; UBND ra Thông báo số 71 là chưa phù hợp, tại cấp sơ thẩm những người liên quan không xác định được đất của mình ở đâu, còn nhiều thiếu sót , trong hồ sơ vụ án không có Quyết định số: 1123 là quyết định cơ chế dịch chuyển cơ cấu và mục đích sử dụng đất .
Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 2 Điều 241 Luật tố tụng hành chính, sửa bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận đơn khởi kiện của ông T, buộc UBND huyện G cấp GCNQSD đất đối với diện tích đất thực tế mà ông T đang sử dụng.
- Người bị kiện: giữ nguyên ý kiến như đã trình bày tại cấp sơ thẩm và khẳng định, việc UBND huyện G không cấp GCNQSD đất cho ông T là đúng pháp luật; cấp sơ thẩm không chấp nhận đơn khởi kiện của ông T là có căn cứ. Đề nghị Tòa án nhân dấp cao tại Hà Nội không chấp nh ận kháng cáo của ông T, giữ nguyên bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Nam Định.
- Những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan: Giữ nguyên quan điểm, đề nghị như đã trình bày trong bản tự khai.
* Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội phát biểu quan điểm:
- Về việc chấp hành pháp luật tố tụng: Trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, Hội đồng xét xử tuân theo đúng các quy định của pháp luật tố tụng hành chính; những người tham gia tố tụng ở giai đoạn phúc thẩm đã chấp hành đúng các quy định của Luật Tố tụng hành chính.
- Về nội dung: Ông Phạm Xuân T khởi kiện hành vi hành chính của UBND huyện G, yêu cầu UBND huyện G cấp GCNQSD đất diện tích 1,75 ha cho ông khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng là không có căn cứ, cấp sơ thẩm đã bác đơn khởi kiện của ông là đúng pháp luật, tại cấp phúc thẩm không có tình tiết gì mới. Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm căn cứ khoản 1 Điều 241 Luật tố tụng hành chính không chấp nhận kháng cáo của ông T, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa; căn cứ kết quả tranh luận tại phiên tòa; ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội; lời trình bày của các đương sự, Luật sư, Hội đồng xét xử thấy như sau:
* Về thủ tục tố tụng:
[1] Về thẩm quyền: Tòa án cấp sơ thẩm xác định yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện là hành vi về việc từ chối cấp GCNQSD đất của UBND huyện G, tỉnh Nam Định đối với yêu cầu của ông Phạm Xuân T; đây là hành vi hành chính của UBND huyện G về quản lý đất đai nên thuộc đối tượng khởi kiện vụ án hành chính và là thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh. Ngày 19/4/2017, UBND huyện G trả lời bằng Thông báo số 71/TB-UBND từ chối việc cấp GCNQSD đất cho ông T; ngày 02/3/2018 ông T làm đơn khởi kiện là đang trong thời hạn 01 năm nên đang còn thời hiệu khởi kiện. Vì vậy, Tòa án nhân dân tỉnh Nam Định thụ lý, giải quyết theo thủ tục sơ thẩm là đúng quy định tại khoản 1 Điều 30; khoản 4 Điều 32; Điều 116 Luật tố tụng hành chính năm 2015.
[2] Xác định tư cách người tham gia tố tụng trong vụ án và sự có mặt của các đương sự tại phiên tòa: Tòa án cấp sơ thẩm xác định tư cách người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án đúng quy định của pháp luật. Tại phiên tòa, một số người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt nhưng đã có người đại diện theo ủy quyền có mặt. Do đó, Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vắng mặt là đúng với quy định tại khoản 2 Điều 158 Luật tố tụng hành chính.
* Về nội dung:
[3] Nguồn gốc thửa 64 + 65 tờ bản đồ số 14 xã H: Ngày 01/01/2004, ông Phạm Xuân T và ông Phạm Ngọc B đã ký hợp đồng đấu thầu 1,04 ha đất công ích của UBND xã H để lập dự án nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Để đảm bảo đủ diện tích thực hiện dự án, ông T và ông B đã đề nghị được góp các diện tích đất trồng lúa được giao ổn định liền kề của gia đình cùng với diện tích đất đấu thầu và đất thuê của hộ ông D, bà Tươi để lập dự án nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Cụ thể: Đất công do UBND xã quản lý là 0,944 ha; đất kênh mương là 0,181 ha; đất trồng lúa giao ổn định lâu dài cho các hộ dân là 0,625 ha (trong đó đất của hộ ông B là 2.196 m2, đất của hộ ông T là 2.228 m2 và đất ông T thuê của 02 hộ dân khác là 1.822 m2).
Ngày 20/2/2004, UBND xã H có Tờ trình số 02/TT-UB về việc xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất và phê duyệt dự án chuyển đổi diện tích trồng lúa năng suất thấp sang nuôi trồng thủy sản nướ c ngọt giai đoạn 2004-2010, đồng thời nhất trí để ông T được đứng tên lập dự án chuyển đổi vùng đất nói trên sang nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Tại tờ trình, cũng như hồ sơ dự án đều thể hiện diện tích đề nghị được chuyển đổi là 1,75 ha là đất trồng lú a năng suất thấp, điều kiện canh tác khó khăn; trong đó: Đất công do UBND xã quản lý là 0,944 ha; đất giao ổn định lâu dài cho nông dân (các hộ xã viên) là 0,625 ha; đất kênh mương là 0,181 ha. Như vậy, xét nguồn gốc diện tích 1,75 ha là đất trồng lúa và căn cứ quy định của pháp luật về đất đai thì việc chuyển đổi mục đích từ đất trồng lúa sang mục đích sử dụng khác phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, do các thủ tục về hồ sơ chưa đầy đủ nên dự án do ông T đứng tên mới chỉ dừng lại lập hồ sơ, thẩm định và trình cấp có thẩm quyền xem xét, nhưng chưa được các cấp có thẩm quyền phê duyệt đồng ý chuyển đổi mục đích sử dụng và chưa có quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thu hồi đất đồng thời giao đất cho chủ dự án. Vì vậy, việc ông T yêu cầu các cơ quan chức năng phải có trách nhiệm cấp GCNQSD đất trên diện tích 1,75 ha cho ông là trái pháp luật. Mặt khác, căn cứ vào các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án thì diện tích đất ông T đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bao gồm nhiều loại đất, như: Đất công ích của xã, đất của ông B, đất ông T thuê của ông D và đất ruộng ông T góp vào dự án. Theo quy định tại khoản 2, 3 Điều 19 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai 2013 thì đất công ích xã, đất thuê của người sử dụng đất thuộc trường hợp không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Từ những phân tích trên, Hội đồng xét xử xét thấy rằng: Việc UBND huyện G không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với toàn bộ diện tích 1,75 ha tại số thửa 64+ 65 tờ bản đồ số 14 xã H cho ông T là có cơ sở, đúng quy định pháp luật, không xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của ông T. Quá trình giải quyết vụ án cấp sơ thẩm đã thực hiện đúng quy định của pháp luật, tại cấp phúc thẩm không có thêm tình tiết gì mới, đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội đề nghị không chấp nhận kháng cáo của ông T giữ nguyên bản án sơ thẩm là có căn cứ.
[4] Về án phí: Do kháng cáo không được chấp nhận nên ông Phạm Xuân T phải nộp án phí phúc thẩm. Tuy nhiên, ông Phạm Xuân T là người trên 60 tuổi và là người có công với cách mạng nên thuộc trường hợp được miễn án phí theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 1 Điều 241, Luật tố tụng hành chính năm 2015.
1. Không chấp nhận kháng cáo của ông Phạm Xuân T; giữ nguyên Bản án hành chính sơ thẩm số 04/2018/HC-ST ngày 14/9/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Nam Định.
2. Án phí hành chính phúc thẩm: Ông Phạm Xuân T không phải nộp án phí phúc thẩm.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 76/2019/HC-PT ngày 19/04/2019 về khởi kiện hành vi hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai
Số hiệu: | 76/2019/HC-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Hành chính |
Ngày ban hành: | 19/04/2019 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về