Bản án 75/2020/HC-ST ngày 24/12/2020 về khởi kiện quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU

 BẢN ÁN 75/2020/HC-ST NGÀY 24/12/2020 VỀ KHỞI KIỆN QUYẾT ĐỊNH ÁP DỤNG BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC HẬU QUẢ

Ngày 24 tháng 12 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xét xử công khai vụ án hành chính sơ thẩm thụ lý số 49/2020/TLST- HC ngày 04-6-2020, về việc khởi kiện “Quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả”.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 95/2020/QĐXXST-HC ngày 01- 12-2020, Quyết định hoãn phiên tòa số: 70/2020/QĐST-HC ngày 18-12-2020, giữa các đương sự:

Người khởi kiện: Ông Nguyễn Công Tr, sinh năm 1981; Địa chỉ: PA 1101 Chung cư D, phường N, thành phố V, tỉnh B (có mặt).

Người bị kiện: Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh B.

Địa chỉ: 01 PVĐ, phường P, thành phố R, tỉnh B (vắng mặt- có đơn xin xét xử vắng mặt).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp:

- Ông Nguyễn Đình T1- Giám đốc Sở Văn Hóa Thể thao tỉnh B (vắng mặt- có đơn xin xét xử vắng mặt).

- Ông Trần Văn T2-Giám đốc Bảo tàng tỉnh B (có mặt).

Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan: Bảo tàng tỉnh B Người đại diện theo pháp luật: Ông Trần Văn T2-Giám đốc Bảo tàng tỉnh B.

Cùng địa chỉ: số 4 Trần Phú, phường 1, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (có mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

[1] Theo đơn khởi kiện, các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ cũng như tại phiên tòa, người khởi kiện trình bày:

Ông Nguyễn Công Tr được biết ông Đỗ Hữu C trúng thầu theo Quyết định số 537/QĐ-SVHTTDL ngày 20-10-2011 của Sở văn hóa, thể thao và du lịch về việc phê duyệt kết quả đấu giá gói thầu (thời hạn 05 năm kể từ ngày 01-11- 2011). Tuy nhiên, ông Trung chưa được thấy văn bản nêu trên, cũng như chưa biết được nội dung của Quyết định số 537/QĐ-SVHTTDL.

Ngày 25-10-2011, ông Tr và các chủ quán khác là ông Đỗ Hữu C, ông Nguyễn K, ông Hoàng Phi L, ông Lê Cảnh T3 ký Hợp đồng hợp tác kinh doanh dịch vụ cafe giải khát tại Bạch Dinh có xác nhận của đại diện Bảo tàng tỉnh B. Những ông, bà nói trên đã tự thỏa thuận miệng đồng ý để ông Đỗ Hữu C đứng ra làm đại diện ký hợp đồng với Bảo tàng.

Ngày 01-11-2011, ông Đỗ Hữu C và đại diện Bảo tàng tỉnh B ký Hợp đồng kinh tế số 45/HĐKT-BT v/v cho thuê mặt bằng kinh doanh giải khát tại khu di tích Bạch Dinh, thời gian thực hiện Hợp đồng kể từ ngày 01-11-2011 đến ngày 30-10-2016 (sau đây viết tắt là Hợp đồng kinh tế số 45/HĐKT-BT).

Ông Nguyễn Công Tr thực hiện đầy đủ các điều khoản theo Hợp đồng kinh tế số 45/HĐKT-BT đã ký. Ngày 04-9-2016, đại diện Bảo tàng có thông báo số 131/TB-BTT v/v thông báo chấm dứt hợp đồng kinh tế số 45/HĐKT- BT, ông Tr đã nhận được thông báo này. Ngày 09-9-2016, ông Tr có tham dự tại buổi họp v/v thông báo chấm dứt hợp đồng kinh tế, tại buổi làm việc này có lập biên bản, nhưng ông Tr và các hộ kinh doanh không đồng ý ký vào biên bản do các điều khoản trong hợp đồng kinh tế số 45/HĐKT-BT chưa được thực hiện hết, cụ thể:

- Thứ nhất, Bảo tàng chưa tiến hành quyết toán về vấn đề tài chính và trong cuộc họp đại diện của Bảo Tàng là ông T2 nói sẽ cho các đối tác khác vào thuê trên mặt bằng của ông Tr là vi phạm khoản 4 Điều IV của Hợp đồng kinh tế số 45/HĐKT-BT (Có USB kèm theo nội dung cuộc họp ngày 09-9-2016).

- Thứ hai, Theo khoản 1 Điều III của Hợp đồng kinh tế số 45/HĐKT-BT, thì bên thuê phải nộp tiền thuê mặt bằng là 72.062.562 đồng/ tháng. Nhưng thực tế ông Tr hàng tháng nộp khoảng 89.000.000 đồng cho Bảo tàng (có biên lai nộp sẽ cung cấp sau cho Tòa án). Như vậy khoản chênh lệch 89.000.000 đồng/tháng (thực tế nộp) -72.062.562 đồng/tháng (số tiền quy định trên hợp đồng) = 16.937.438 đồng/ tháng, từ thời gian ngày 01-11-2011 đến ngày 30-10- 2016, khoản chênh lệch này Bảo tàng chưa thanh toán lại cho ông Tr. Khi nộp số tiền 16.937.438 đồng/ tháng ông Tr chỉ biết nộp tiền cho bên Bảo tàng, chứ không có ý kiến hay khiếu nại thắc mắc đối với lý do vì sao có khoản chênh lệch hàng tháng nêu trên. Khi ông Tr yêu cầu Bảo tàng thanh quyết toán thì bên Bảo tàng nói là mất chứng từ không thể quyết toán.

Từ những lý do này nên ông Tr không đồng ý ký vào biên bản thanh lý hợp đồng. Tuy nhiên, từ ngày kết thúc hợp đồng đến nay, ông Tr vẫn là người thực tế sử dụng đất đã thuê và kinh doanh nhỏ lẻ để giữ tài sản trên đất. Đồng thời chấm dứt luôn việc đóng tiền thuê đất hàng tháng vì Bảo tàng không đồng ý thu nữa.

Ngày 31-5-2019, Sở Văn hóa và thể thao tỉnh Bu lập Biên bản vi phạm hành chính số 02/BB-VPHC đối với ông Tr với lý do đã có hành vi vi phạm hành chính là sử dụng trái phép di tích lịch sử văn hóa. Ngày 28-6-2019, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh B ban hành Quyết định số 1642/QĐ-KPHQ áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với ông Tr căn cứ theo Biên bản vi phạm hành chính số 02/BB-VPHC nêu trên.

Không đồng ý với Quyết định số 1642/QĐ-KPHQ, ông Tr làm đơn khiếu nại. Ngày 24-12-2019, Chủ tịch UBND tỉnh B ban hành Quyết định số 3532/QĐ-UBND v/v giải quyết khiếu nại với nội dung bác khiếu nại của ông Trung. Do đó, ông Tr làm đơn khởi kiện tại Tòa án, yêu cầu:

- Hủy Quyết định số 1642/QĐ-KPHQ áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả ngày 28-6-2019 của Chủ tịch UBND tỉnh B;

- Hủy Quyết định số 3532/QĐ-UBND ngày 24-12-2019 về giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND tỉnh B.

* Lý do yêu cầu hủy các quyết định nói trên là:

- Bản chất của vụ việc nêu trên là tranh chấp dân sự giữa ông Tr, và đại diện bên tranh chấp là Bảo tàng, tranh chấp về hợp đồng dân sự (cụ thể là hợp đồng kinh tế số 45/HĐKT-BT) do đó phải được giải quyết theo Luật Dân sự.

- Việc Chủ tịch UBND tỉnh B ban hành quyết định áp dụng Biện pháp khắc phục hậu quả và quyết định giải quyết khiếu nại sự việc trên theo quy định của pháp luật hành chính là không đúng bởi vì: thực tế, ông Tr không có hành vi sử dụng trái phép di tích lịch sử văn hóa, mà ông Trung được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, do chưa thanh lý kết thúc hợp đồng kinh tế số 45/HĐKT-BT nên phía ông Tr (bên A và bên B) vẫn còn giao dịch dân sự và có thể là tranh chấp dân sự và căn cứ các hợp đồng có hiệu lực đã ký để thực hiện việc sử dụng kinh doanh tại khu di tích Bạch Dinh. Do đó việc thanh tra Sở Văn hóa cho rằng phía ông Tr vi phạm hành chính là không đúng.

Từ những phân tích trên, đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Tr.

[2] Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, văn bản ý kiến về nội dung, yêu lầu khởi kiện, Người bị kiện là Chủ tịch UBND tỉnh B trình bày:

* Về việc kiểm tra, ban hành Quyết định số 1642/QĐ-KPHQ ngày 28-6-2019 của Chủ tịch UBND tỉnh B về việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả - Trình tự, thủ tục tiến hành kiểm tra:

Quán cà phê Relax do ông Nguyễn Công Tr là chủ quán hiện đang kinh doanh cà phê, giải khát trên diện tích 170,8 m2 thuộc khuôn viên khu di tích Bạch Dinh. Sau khi Hợp đồng kinh tế số 45/HĐKT-BT ngày 01-11-2011 về việc cho thuê mặt bằng kinh doanh giải khát tại khu di tích Bạch Dinh giữa Bảo tàng tỉnh và ông Đỗ Hữu C (đại diện cho các đối tác, trong đó có ông Nguyễn Công Tr) hết thời hạn từ ngày 01-11-2016, các bên đã tiến hành thanh lý hợp đồng nói trên tại Biên bản thanh lý số 42/TLHĐKT.BT ngày 23-02-2017. Từ thời điểm đó cho đến nay, Bảo tàng tỉnh đã nhiều lần có văn bản thông báo gửi cho ông Nguyễn Công Tr yêu cầu giao trả mặt bằng kinh doanh cà phê giải khát cho Bảo tàng tỉnh quản lý theo quy định (Thông báo số 07/TB-BBT ngày 21-4- 2017; Thông báo số 136/TB-BBT ngày 19-9-2018) nhưng cho đến nay quán cà phê Relax vẫn tiếp tục hoạt động kinh doanh không phép trên mặt bằng này.

Thực hiện Thông báo số 54/TB-TT ngày 28-5-2019 của Thanh tra Sở Văn hoá và Thể thao tỉnh về việc kiểm tra tình hình sử dụng mặt kinh doanh cà phê giải khát tại khu di tích Bạch Dinh đã được gửi trực tiếp đến các quán cà phê (có ký xác nhận). Vào lúc 08 giờ 30 phút ngày 31-5-2019, Thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp Bảo tàng tỉnh, Phòng Văn hoá - Thông tin, Phòng Quản lý Đô thị, UBND, Công an Phường 1 (thành phố V) tiến hành kiểm tra việc sử dụng mặt bằng kinh doanh cà phê giải khát tại di tích Bạch Dinh, địa chỉ: số 06 Trần Phú, Phường 1, thành phố V.

Qua kiểm tra cho thấy việc ông Tr không giao trả mặt bằng cho Bảo tàng tỉnh quản lý mà tiếp tục sử dụng diện tích 170,8m2 để kinh doanh cà phê giải khát sau khi thời hạn cho thuê đã kết thúc là hành vi sử dụng trái phép đất di tích văn hóa. Do vậy, Thanh tra Sở Văn hoá và Thế thao đã tiến hành lập Biên bản vi pham hành chính số 02/BB-VPHC về lĩnh vực di sản văn hoá đối với ông Nguyễn Công Tr vì đã có hành vi vi phạm Sử dụng trái phép di tích lịch sử văn hoá”, được quy định tại Điểm b, Khoản 5, Điều 23 Nghị định số 158/2013/NĐ- CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá, thể thao, du lịch và quảng cáo. Biên bản vi phạm hành chính được lập đảm bảo theo quy định tại Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 kể cả trong trường hợp ông Nguyễn Công Tr từ chối ký biên bản mà không nêu rõ lý do.

- Thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính:

Hành vi “Sử dụng trái phép di tích lịch sử văn hoá” được quy định tại Điểm b Khoản 5 Điều 23 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ. Mức xử phạt bằng tiền đối với hành vi này từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng kèm theo biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Điểm b Khoản 9 Điều 23 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP là buộc chấm dứt việc sử dụng trái phép di tích lịch sử văn hoá.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 81 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP, thẩm quyền xử phạt bằng tiền tối đa của Chánh Thanh tra Sở là 25.000.000 đồng, do vậy mức xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp này là vượt thẩm quyền xử phạt của Chánh Thanh tra Sở Văn hoá và Thể thao. Căn cứ Khoản 3 Điều 80 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP, việc xử phạt hành vi vi phạm hành chính nêu trên thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh.

- Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính:

Như đã nêu ở phần trên, kể từ khi Hợp đồng kinh tế số 45/HĐKT-BT giữa Bảo tàng tỉnh và ông Đỗ Hữu C (đại diện cho các đối tác, trong đó có ông Nguyễn Công Tr) hết thời hạn, từ năm 2017 cho đến nay, ông Trung vẫn tiếp tục sử dụng trái phép 170,8 m2 đất thuộc di tích Bạch Dinh để hoạt động kinh doanh cà phê trái phép, đồng thời gửi đơn khiếu nại đến Bộ VHTTDL, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cơ quan báo chí ngoài tỉnh với những nội dung không có cơ sở pháp lý cho việc sử dụng trái phép đất thuộc di tích Bạch Dinh để kinh doanh, cố tình không thực hiện nghĩa vụ hoàn trả lại tài sản cho thuê sau khi hết thời hạn cho thuê trái với quy định của Bộ Luật dân sự. Đây là nguyên nhân cơ bản khiến cho vi phạm hành chính trong trường hợp này đã hết thời hiệu theo quy định tại Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Căn cứ quy định tại Điều 65 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, người có thẩm quyền không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng có thể ra quyết định áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả khác do Chính phủ quy định.

* Về việc ban hành Quyết định số 3532/QĐ-UBND ngày 24-12-2019 của Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về việc giải quyết khiếu nại lần đầu Ngày 17-7-2019, Ông Nguyễn Công Tr có đơn khiếu nại Quyết định số 1642/QĐ-KPHQ ngày 28-6-2019 của UBND Chủ tịch tỉnh B về việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả. Theo đó, Ông Tr yêu cầu thu hồi, hủy bỏ đối với Quyết định nói trên và Biên bản vi phạm hành chính số 02/BB-VPHC ngày 31/5/2019 của Thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao.

Ngày 28-8-2019, UBND tỉnh B ban hành Quyết định số 2213/QĐ-UBND về việc xác minh nội dung khiếu nại, trong đó chủ tịch UBND tỉnh ủy quyền cho Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao xác minh nội dung khiếu nại và tổ chức đối thoại với công dân để công bố kết quả xác minh, nêu hướng giải quyết vụ việc và báo cáo UBND tỉnh;

Trên cơ sở Báo cáo số 153/BC-SVHTT ngày 15-10-2019 của Sở Văn hóa và Thể thao về kết quả xác minh nội dung khiếu nại của ông Nguyễn Công Tr và báo cáo số 164/BC-SVHTT ngày 22-10-2019 về kết quả đối thoại với công dân cho thấy:

- Quyết định số 1642/QĐ-KPHQ ngày 28-6-2019 của Chủ tịch UBND tỉnh B về việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả và Biên bản vi phạm hành chính số 02/BB-VPHC ngày 31-5-2019 của Thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao được ban hành theo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền; đảm bảo về mặt nội dung và hình thức theo quy định pháp luật. Do vậy nội dung khiếu nại của Ông Nguyễn Công Tr đối với Quyết định số 1642/QĐ-KPHQ ngày 28-6-2019 của UBND tỉnh là không đúng.

- Căn cứ theo quy định tại khoản 9 Điều 1 Nghị định số 97/2017/NĐ-CP ngày 18-8-2017 của Chính phủ cho thấy: Quyết định số 1642/QĐ-KPHQ ngày 28-6-2019 của Chủ tịch UBND tỉnh B về việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả không thuộc các trường hợp bị hủy bỏ. Do vậy, yêu cầu của Ông Tr về việc thu hồi, hủy bỏ Quyết định số 1642/QĐ-KPHQ ngày 28-6-2019 của Chủ tịch UBND tỉnh B và Biên bản vi phạm hành chính số 02/BB-VPHC ngày 31-5-2019 của Thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao là không có cơ sở pháp lý.

Từ nhận định và căn cứ trên, Chủ tịch UBND tỉnh B ban hành Quyết định số 3532/QĐ-UBND ngày 24-12-2019 về việc giải quyết khiếu nại lần đầu, trong đó không công nhận nội dung khiếu nại của Ông Nguyễn Công Tr đối với Quyết định số 1642/QĐ-KPHQ ngày 28-6-2019 của UBND tỉnh B, đồng thời giữ nguyên và tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 1642/QĐ-KPHQ ngày 28-6-2019 của UBND tỉnh B và Biên bản vi phạm hành chính số 02/BB-VPHC ngày 31-5-2019 của Thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao.

* Về yêu cầu độc lập:

Trong quá trình xử lý vi phạm hành chính, giải quyết khiếu nại của ông Nguyễn Công Tr cho thấy việc ông cố tình không giao trả lại mặt bằng cho thuê để tiếp tục kinh doanh là vi phạm các quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên trong việc giao trả mặt bằng được quy định tại Điều 707 Bộ luật dân sự 2005 (được chuyển tiếp tại Điều 688 Bộ luật dân sự 2015).

Yêu cầu ông Nguyễn Công Tr phải chấm dứt ngay việc sử dụng trái phép diện tích 170,8m2 đất đang sử dụng trái phép để kinh doanh cà phê, giải khát tại Khu di tích Bạch Dinh, thành phố V và có trách nhiệm giao trả mặt bằng cho Bảo tàng tỉnh quản lý; đồng thời chấp hành nghiêm Quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, Quyết định giải quyết khiếu nại của cơ quan có thẩm quyền.

[3] Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là Bảo tàng tỉnh B trình bày:

- Thời hạn Hợp đồng kinh tế số 45/HĐKT-BT ngày 01-11-2011 giữa Bảo tàng tỉnh với ông Đỗ Hữu C là đại diện cho năm hộ kinh doanh, bao gồm các ông bà có tên nêu trên đã hết thời hạn vào ngày 31-10-2016. Từ thời điểm đó đến nay, Bảo tàng tỉnh đã nhiều lần có văn bản thông báo cũng như đề nghị các cơ quan hữu quan tiến hành thu hồi lại mặt bằng kinh doanh cà phê giải khát mà các ông, bà này đã và đang cố tình sử dụng, không giao trả cho đơn vị quản lý theo quy định. Do vậy, Bảo tàng tỉnh yêu cầu các ông, bà Lê Cảnh T3, Chế Thị Phương Bh, Nguyễn Công Tr phải thực hiện đúng các quy định của Luật Dân sự về việc giao trả lại tài sản cho thuê khi đã hết thời hạn hợp đồng;

Ngày 10-11-2020, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3377/QĐ-UBND v/v thu hồi hủy bỏ các quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính tại Khu di tích Bạch Dinh, thành phố V và các Quyết định giải quyết khiếu nại có liên quan đến quyết định hành chính. Tuy nhiên, Bảo tàng tỉnh vẫn bảo lưu ý kiến về việc yêu cầu các hộ kinh doanh phải giao trả lại diện tích mặt bằng nêu trên do đã hết thời hạn hợp đồng. Riêng các ông, bà này phải thanh toán dứt điểm các khoản tiền: Thuê mặt bằng còn nợ đối với ông Lê Cảnh T3 và bà Chế Thị Phương Bh cũng như bồi thường thiệt hại do việc ba hộ này cố tình chiếm giữ và sử dụng trái phép mặt bằng để kinh doanh từ tháng 11-2016 đến tháng 9-2020.

Ngày 20-11-2020, tại Tòa án, Người khởi kiện đã được tiếp cận Quyết định số 3377/QĐ-UBND nói trên, tuy nhiên người khởi kiện vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện của mình.

Tại phiên tòa, các đương sự vẫn giữ nguyên ý kiến và yêu cầu của mình.

Đại diện VKSND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu:

Về trình tự thủ tục tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm đã thực hiện đúng theo quy định của Luật tố tụng hành chính. Tuy nhiên, có vi phạm thời hạn xét xử, cần phải rút kinh nghiệm. Tại phiên tòa, thẩm phán, hội đồng xét xử thực hiện đúng các quy định về trình tự thủ tục tố tụng, các đương sự thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ theo quy định.

Xét về nội dung: ngày 10-11-2020 Chủ tịch UBND tỉnh B đã Quyết định số 3377/QĐ-UBND ngày 10-11-2020 “về việc thu hồi hủy bỏ các quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính tại khu di tích Bạch Dinh, thành phố Vũng Tàu và các Quyết định giải quyết khiếu nại liên quan đến các quyết định hành chính” trong đó có nội dung thu hồi, hủy bỏ Quyết định số 1642/QĐ-KPHQ và 3532/QĐ-UBND của ông Nguyễn Công Tr.

Tại thời điểm xét xử, đối tượng khởi kiện là Quyết định số 1642/QĐ- KPHQ và Quyết định 3532/QD90-UBND không còn, do đó yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện là không có căn cứ, đề nghị Hội đồng xét xử bác đơn khởi kiện của ông Nguyễn Công Tr.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa. Hội đồng xét xử sơ thẩm nhận định:

[1] Về tố tụng: Người bị kiện và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị kiện được Tòa án triệu tập hợp lệ tham gia phiên tòa nhưng vắng mặt và có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Căn cứ Điều 157, Điều 158 Luật tố tụng hành chính, Hội đồng xét xử vụ án là đúng quy định.

[2] Về đối tượng khởi kiện, thẩm quyền giải quyết của Tòa án:

Quyết định số 1642/QĐ-KPHQ ngày 28-6-2019 của Chủ tịch UBND tỉnh B về việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả (gọi tắt là Quyết định số 1642/QĐ-KPHQ); Quyết định số 3532/QĐ-UBND ngày 24-12-2019 của Chủ tịch UBND tỉnh B về việc giải quyết khiếu nại lần đầu (gọi tắt là Quyết định số 3532/QĐ-UBND); đây là các quyết định hành chính quy định tại khoản 1 và 2 Điều 3 luật Tố tụng hành chính là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo khoản 1 Điều 30, khoản 3 và 4 Điều 32 Luật Tố tụng hành chính.

[3] Về thời hiệu khởi kiện, phạm vi xem xét: Ngày 20-4-2020 ông Tr nộp đơn khởi kiện Quyết định số 1642/QĐ-KPHQ và Quyết định số 3532/QĐ- UBND tại Tòa án là còn thời hiệu khởi kiện theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 116 Luật tố tụng hành chính. Quyết định số 3377/QĐ-UBND ngày 10-11- 2020 “về việc thu hồi hủy bỏ các quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính tại khu di tích Bạch Dinh, thành phố V và các Quyết định giải quyết khiếu nại liên quan đến các quyết định hành chính” (Sau đây gọi là Quyết định số 3377/QĐ-UBND) có liên quan đến Quyết định số 1642/QĐ-KPHQ và Quyết định số 3532/QĐ-UBND nên thuộc phạm vi xem xét của Hội đồng xét xử theo quy định tại khoản 1 Điều 193 Luật Tố tụng hành chính.

[4] Về hình thức, thẩm quyền ban hành quyết định: Quyết định số 1642/QĐ-KPHQ, Quyết định số 3532/QĐ-UBND và Quyết định số 3377/QĐ- UBND được ban hành đúng thẩm quyền, hình thức theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, Luật khiếu nại 2011.

[5] Về nội dung:

Căn cứ theo quyết định số 537/QĐ-SVHTTDL ngày 20-10-2011 của Sở văn hóa, thể thao và du lịch về việc phê duyệt kết quả đấu giá gói thầu (thời hạn 05 năm kể từ ngày 01-11-2011) ông Đỗ Hữu C là người trúng thầu. Ngày 25- 10-2011, ông Trung và các chủ quán khác là ông Đỗ Hữu C, ông Nguyễn K, ông Hoàng Phi L, ông Lê Cảnh T3 ký Hợp đồng hợp tác kinh doanh dịch vụ cafe giải khát tại Bạch Dinh có xác nhận của đại diện Bảo tàng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Ngày 01-11-2011, ông Đỗ Hữu Côn và đại diện Bảo tàng tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu ký hợp đồng kinh tế số 45/HĐKT-BT v/v cho thuê mặt bằng kinh doanh giải khát tại khu di tích Bạch Dinh (Ông Đỗ Hữu Côn đại diện cho các hộ kinh doanh) Hội đồng xét xử nhận thấy đã có đủ căn cứ pháp lý để kết luận: Mặt bằng khu di tích Bạch Dinh, thành phố Vũng Tàu được Bảo tàng tỉnh Bà Rịa –Vũng Tàu cho đại diện các hộ kinh doanh là ông Đỗ Hữu C thuê để kinh doanh cà phê thời gian từ ngày 01-11-2011 đến ngày 30-10-2016. Trong các hợp đồng nêu trên, có quy định đầy đủ quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng. Do đó, đây là hợp đồng dân sự, cụ thể là hợp đồng thuê tài sản được quy định tại Bộ luật dân sự năm 2005.

Do là hợp đồng dân sự, có quy định quyền và nghĩa vụ các bên tham gia hợp đồng, nên khi một bên vi phạm hợp đồng thì bên bị vi phạm có quyền khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc tranh chấp hợp đồng theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự.

Việc Chủ tịch UBND tỉnh B ban hành Quyết định số 1642/QĐ-KPHQ ngày 28-6-2019 về việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả và Quyết định số 3532/QĐ-UBND ngày 24-12-2019 về việc giải quyết khiếu nại lần đầu là đã dùng các quy phạm pháp luật hành chính để giải quyết các quan hệ pháp luật dân sự là chưa phù hợp.

Tuy nhiên, ngày 10-11-2020 Chủ tịch UBND tỉnh B đã Quyết định số 3377/QĐ-UBND ngày 10-11-2020 “về việc thu hồi hủy bỏ các quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính tại khu di tích Bạch Dinh, thành phố V và các Quyết định giải quyết khiếu nại liên quan đến các quyết định hành chính” trong đó có nội dung thu hồi, hủy bỏ Quyết định số 1642 và 3532 của ông Nguyễn Công Tr.

Do đó, tại thời điểm xét xử, đối tượng khởi kiện là Quyết định số 1642/QĐ-KPHQ và Quyết định 3532/QĐ-UBND không còn.

Hội đồng xét xử nhận thấy: Tại khoản 3 Điều 18 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định: “Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, thủ trưởng cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính có trách nhiệm phát hiện quyết định về xử lý vi phạm hành chính do mình hoặc cấp dưới ban hành có sai sót và phải kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, ban hành quyết định mới theo thẩm quyền”.

Tại Điều 6b Nghị định số 97/2017/NĐ-CP ngày 18-8-2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19-7-2019 của Chính Phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính quy định: “1. Người đã ban hành quyết định về xử lý vi phạm hành chính phải hủy bỏ toàn bộ nội dung quyết định khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Có vi phạm quy định pháp luật về thẩm quyền, thủ tục xử lý vi phạm hành chính;” Tại khoản 4 Điều 57 Luật Tố tụng Hành chính quy định quyền và nghĩa vụ của người bị kiện: “4.Sửa đổi, hoặc hủy bỏ quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, danh sách cử tri bị khởi kiện; dừng,khắc phục hành vi hành chính bị khởi kiện”.

Như vậy, việc Chủ tịch UBND tỉnh B ban hành Quyết định số 3377/QĐ- UBND thu hồi, hủy bỏ Quyết định số 1642/QĐ-KPHQ và Quyết định số 3532/QĐ-UBND với lý do “ Quá trình lập Biên bản vi phạm hành chính của Thanh tra Sở Văn Hoa và Thể Thao chưa đảm bảo về trình tự thủ tục; chưa xác định cụ thể về tính chất và hậu quả của hành vi vi phạm hành chính”là đúng thẩm quyền, đúng quy định pháp luật.

[6] Quan điểm của Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Tr là có cơ sở như phân tích và nhận định nêu trên, nên Hội đồng xét xử chấp nhận quan điểm của Viện kiểm sát.

[7] Vì các phân tích, nhận định trên: Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 193 Luật Tố tụng hành chính không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện ông Tr yêu cầu hủy các Quyết định số 1642 và Quyết định số 3532.

[8] Án phí sơ thẩm: Căn cứ khoản 1 Điều 32 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 Ủy ban thường vụ Quốc hội thì ông Nguyễn Công Tr phải nộp 300.000đ.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ: Khoản 1 Điều 30, Khoản 4 Điều 57, điểm a Khoản 1 Điều 116, Khoản 3 Điều 140, Khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 193 Luật tố tụng hành chính;

Áp dụng: khoản 3 Điều 18 Luật xử lý vi phạm hành chính; Điều 6b Nghị định số 97/2017/NĐ-CP ngày 18-8-2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19-7-2019 của Chính Phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính; Khoản 1 Điều 12, Điều 14 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội;

Tuyên xử:

1. Không chấp nhận toàn bộ khởi kiện của ông Nguyễn Công Tr yêu cầu hủy các quyết định: Quyết định số 1642/QĐ-KPHQ ngày 28-6-2019 về việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả của Chủ tịch UBND tỉnh B và Quyết định số 3532/QĐ-UBND ngày 24-12-2019 về việc giải quyết khiếu nại của ông Nguyễn Công Tr, địa chỉ: PA1101 chung cư D, phường N, thành phố V (lần đầu) của Chủ tịch UBND tỉnh B.

2. Án phí hành chính sơ thẩm: ông Nguyễn Công Tr phải nộp 300.000đ (Bằng chữ: Ba trăm nghìn đồng) được trừ vào tiền tạm ứng án phí theo Biên lai thu số 0003389 ngày 22-5-2020 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh B.

3. Thời hạn kháng cáo đối với bản án sơ thẩm là 15 ngày kể từ ngày tuyên án; đối với đương sự không có mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày bản án được giao cho họ hoặc được niêm yết. Đối với trường hợp đương sự đã tham gia phiên tòa nhưng vắng mặt khi Tòa án tuyên án mà không có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo kể từ ngày tuyên án để yêu cầu Tòa án nhân dân Cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

332
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

 Bản án 75/2020/HC-ST ngày 24/12/2020 về khởi kiện quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả

Số hiệu:75/2020/HC-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bà Rịa - Vũng Tàu
Lĩnh vực:Hành chính
Ngày ban hành: 24/12/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;