TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH SÓC TRĂNG
BẢN ÁN 71/2017/HS-PT NGÀY 19/12/2017 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY TỔN HẠI CHO SỨC KHỎE CỦA NGƯỜI KHÁC
Trong ngày 19 tháng 12 năm 2017 tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Sóc Trăng xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số 62/2017/HSPT ngày 09/11/2017 đối với bị cáo Trương Thị B, do có kháng cáo của bị cáo đối với bản án hình sự sơ thẩm số 23/2017/HSST ngày 02/10/2017 của Tòa án nhân dân huyện K.
Bị cáo kháng cáo: Trương Thị B, sinh năm: 1979, tại huyện K, tỉnh Sóc Trăng; Cư trú: ấp Đ, xã T, huyện K, tỉnh Sóc Trăng; Nghề nghiệp: Nội trợ; Trình độ học vấn: 9/12; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: không; Con ông: Trương Văn M, sinh năm 1954 (c) và bà: Nguyễn Thị H, sinh năm 1956 (s); Anh, chị em ruột có 05 người, lớn là bị cáo, nhỏ sinh năm 1988; Chồng: Nguyễn Công B, sinh năm 1981 và 02 người con lớn sinh năm 2007, nhỏ sinh năm 2009; Tiền án, tiền sự: không; Bị cáo tại ngoại (bị cáo có mặt).
Người bào chữa cho bị cáo: Ông Lê Phước Vinh – Luật sư văn phòng Luật sư Vì Công Lý thuộc Đoàn luật sư thành phố Cần Thơ (có mặt).
Người bị hại: Bùi Hạnh T, sinh ngày 26/5/2005; cư trú tại: ấp Đ, xã T, huyện K, tỉnh Sóc Trăng (vắng mặt).
Người đại diện hợp pháp cho bị hại: Bà Nguyễn Thị Diền C, sinh năm 1980, địa chỉ: ấp Đ, xã T, huyện K, tỉnh Sóc Trăng (có mặt).
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại và đại diện hợp pháp bị hại: ông Nguyễn Kỳ Việt Chương – Luật sư văn phòng luật sư Việt - Chương thuộc Đoàn luật sư thành phố Cần Thơ (có mặt).
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo bản cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện K và bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện K, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Bùi Hạnh T, sinh ngày 26/5/2005 ngụ ấp Đ, xã T, huyện K, tỉnh Sóc Trăng và Nguyễn Bảo N, Huỳnh Thanh T1, Cao Phương Q là bạn bè cùng học lớp 4B Trường tiểu học T điểm lẻ ở ấp Đ, xã T. Vào ngày 20/02/2017 trong lúc ngồi học trong lớp thì T nói Q là điệu, lúc này chỉ có T1 nghe. Đến khoảng 16 giờ cùng ngày khi đi chào cờ ngoài sân trường thì T1 đi cùng với Q và N, T1 nói với Q “bạn T chửi bạn là điệu”, khi T1 nói thì N cùng nghe. Đến trưa ngày 21/02/2017 trước lúc đi học thì N nói với mẹ ruột tên Trương Thị B là “bạn T chửi con”, B hỏi “chửi con lúc nào?”. N nói “trưa hôm qua bạn T1 nói với con là bạn T chửi con”, sau đó N đi học. Đến khoảng 16 giờ 30 phút cùng ngày bị cáo B đi bộ từ nhà đến trường đón N tan học về, khi gặp N ở phía trước cổng trường thì B hỏi “đứa nào là Hạnh T”. Lúc này Hạnh T đang đứng đối diện cổng trường phía trước quán của bà H thì N dùng tay chỉ về hướng của T đang đứng. B đi vào phía trong sân trường và dùng tay ngoắt và kêu Hạnh T lại chổ B đang đứng, khi Hạnh T đi đến, B hỏi Hạnh T “tại sao mày chửi bạn là đỉ đứng đường”. Hạnh T trả lời “con không có”, B dùng tay trái đánh (tát) nhiều cái trúng vào mặt, đầu của Hạnh T, B dùng tay phải nắm giữ lấy tay trái của Hạnh T, còn Tay trái xỉ vào mặt của Hạnh T nói “mày nói láo, con tao nói là mày chữi nó”, rồi B dùng tay tát vào mặt Hạnh T nhiều cái làm mặt của T bị đỏ lên, Hạnh T dùng tay, chân đánh lại B nhưng không trúng. Lúc này có cô R là cô giáo chủ nhiệm lớp của T đến can ngăn nên B dẫn N về nhà. Còn T thì đứng trước quán của bà H khóc, một lúc sau thì bà Nguyễn Thị Diền C là mẹ ruột của T đến đón T tan học, thấy T đang khóc mặt xưng đỏ nên bà Diền C hỏi thì biết T bị B đánh nên bà Diền C dẫn T đến nhà B để hỏi chuyện. Khi đến nhà B thì giữa bà Diền C và B cự cải qua lại với nhau, lúc này thấy T bị mệt nên bà Diền C nhờ anh Lê Phước V điều khiển xe mô tô đưa T đến Trạm y tế xã T khám, thấy T có dấu hiệu còn mệt nên bà Diền C đưa T đến Bệnh viện đa khoa huyện K nhập viện và điều trị đến ngày 27/02/2017, thấy T còn biểu hiện đau đầu nên gia đình đưa Hạnh T đến Bệnh viện Tâm thần thành phố Cần Thơ điều trị đến ngày 09/3/2017 thì gia đình tiếp tục chuyển Hạnh T đến Bệnh viện Nhi Đồng thành phố Cần Thơ điều trị đến ngày 24/3/2017 thì xuất viện trong tình trạng Hạnh T không chịu tiếp xúc với người lạ, thường xuyên khóc.
Sau khi xuất viện, bà Diền C là người đại diện hợp pháp của Hạnh T làm đơn yêu cầu xử lý đối với Trương Thị B theo pháp luật hình sự và xin giám định tỷ lệ thương tích. Tại bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 60 ngày 31/3/2017 của Trung tâm Pháp y tỉnh Sóc Trăng kết luận: Bùi Hạnh T bị tổn hại sức khỏe là 00% (không phần trăm), đương sự Bùi Hạnh T có biểu hiện rối loạn tâm thần, cần được giám định tại Trung tâm pháp y Tâm thần khu vực Tây nam Bộ. Tại bản kết luận giám định pháp y về tâm thần số 47 ngày 31/5/2017 của Trung tâm pháp y tâm thần Khu vực Tây Nam Bộ kết luận:
Về y học:
- Trước, trong khi xảy ra sự việc: Đương sự không có bệnh lý tâm thần;
- Sau khi xảy ra sự việc và hiện tại: Đương sự có bệnh lý tâm thần: rối loạn Stress sau sang chấn (F43.1 - ICD10), giai đoạn bệnh tiến triển;
- Tỷ lệ tổn thương cơ thể do bệnh lý tâm thần là: 21% (hai mươi mốt phần trăm).
Tại bản án hình sự sơ thẩm số 23/2017/HSST ngày 02/10/2017 của Tòa án nhân dân huyện K tuyên xử như sau:
Tuyên bố: Bị cáo Trương Thị B phạm tội “Cố ý gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”.
Áp dụng khoản 2 Điều 104; Điều 33; điểm b, p khoản 1 và khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự 1999; điểm đ khoản 2 Điều 134 của Luật số 12/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015; điểm h khoản 2 Điều 2 của Nghị quyết 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội.
Xử phạt bị cáo Trương Thị B: 03 (ba) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù được tính kể từ ngày bắt đi thi hành án.
Ngoài ra án sơ thẩm còn tuyên phần trách nhiệm dân sự, án phí và quyền kháng cáo của bị cáo; người đại diện hợp pháp của bị hại; người bảo vệ quyền lợi cho bị hại theo luật định.
Đến ngày 13/10/2017 bị cáo kháng cáo yêu cầu cấp phúc thẩm: không áp dụng tình tiết tăng nặng định khung thuộc trường hợp “có tính chất côn đồ”, giảm nhẹ hình phạt và cho bị cáo hưởng án treo.
Tại phiên tòa, bị cáo vẫn giữ nguyên nội dung đơn kháng cáo.
Tại tòa, người bào chữa cho bị cáo đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của bị cáo với lý do: Bị cáo nhất thời nóng giận nên đánh bị hại, bị hại cũng có đánh lại bị cáo nên hành vi của bị cáo là không có tính chất côn đồ. Bị cáo có nhân thân tốt, không tiền án, tiền sự, bị cáo có ba tình tiết giảm nhẹ. Có đủ điều kiện được hưởng án treo. Đề nghị cấp phúc thẩm xem xét áp dụng Điều 60 của Bộ luật hình sự, Điều 1, 2 của nghị quyết số 01 hướng dẫn Điều 60 Bộ luật hình sự cho bị cáo được hưởng án treo.
Về mức hình phạt cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo 03 năm tù là quá nghiêm khắc, nếu không áp dụng án treo đề nghị Tòa án giảm nhẹ cho bị cáo.
Người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người bị hại trình bày: Kháng cáo của bị cáo là không có căn cứ, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị cáo.
Chỉ vì nguyên cớ nhỏ nhặt bị cáo đã tấn công bị hại trước cổng trường, trong khi bị hại là trẻ em. Hành vi của bị cáo gây ảnh hưởng đến tinh thần của bị hại mà còn ảnh hưởng lớn đến tình hình an ninh trật tự ở địa phương, hành vi của bị cáo là côn đồ. Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm a khoản 2 Điều 248 Bộ luật tố tụng hình sự giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Sóc Trăng đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm áp dụng điểm a khoản 2 Điều 248 Bộ luật tố tụng hình sự không chấp nhận kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa phúc thẩm, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện tài liệu, chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa cho bị cáo
NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ
[1] Về tính hợp pháp của kháng cáo: Đơn kháng cáo của bị cáo nộp trực tiếp tại Tòa án nhân dân huyện K vào ngày 13/10/2017, theo quy định tại Khoản 1 Điều 234 Bộ luật Tố tụng hình sự thì việc kháng cáo của bị cáo là hợp lệ nên Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm chấp nhận và xem xét giải quyết kháng cáo theo trình tự thủ tục phúc thẩm.
[2] Xét về hành vi phạm tội của bị cáo: Tại phiên toà phúc thẩm hôm nay bị cáo Trương Thị B thừa nhận hành vi phạm tội như sau: Vào ngày 21/02/2017 trước lúc đi học thì N là con bị cáo nói với bị cáo là “bạn T chửi con”, B hỏi “chửi con lúc nào?”. N nói “trưa hôm qua bạn T1 nói với con là bạn T chửi con”, sau đó N đi học. Đến khoảng 16 giờ 30 phút cùng ngày bị cáo B đi bộ từ nhà đến trường đón N tan học về. B đi vào phía trong sân trường và dùng tay ngoắt và kêu Hạnh T lại chỗ B đang đứng, khi Hạnh T đi đến, B hỏi Hạnh T “tại sao mày chửi bạn là đĩ đứng đường”. Hạnh T trả lời “con không có”, B dùng tay trái đánh (tát) nhiều cái trúng vào mặt, đầu của Hạnh T, B dùng tay phải nắm giữ lấy tay trái của Hạnh T, còn tay trái xỉ vào mặt của Hạnh T nói “mày nói láo, con tao nói là mày chửi nó”, rồi B dùng tay tát vào mặt Hạnh T nhiều cái làm mặt của T bị đỏ lên, Hạnh T dùng tay, chân đánh lại B nhưng không trúng. Lúc này có cô R là cô giáo chủ nhiệm lớp của T đến can ngăn nên B dẫn N về nhà. Tại bản kết luận giám định pháp y về tâm thần số 47 ngày 31/5/2017 của Trung tâm pháp y tâm thần Khu vực Tây Nam Bộ kết luận: Sau khi xảy ra sự việc và hiện tại: Đương sự có bệnh lý tâm thần: rối loạn Stress sau sang chấn (F43.1 - ICD10), giai đoạn bệnh tiến triển; Tỷ lệ tổn thương cơ thể do bệnh lý tâm thần là: 21% (hai mươi mốt phần trăm). Lời thừa nhận về hành vi phạm tội của bị cáo phù hợp với lời khai của bị cáo, bị hại, người làm chứng phù hợp với các tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án nên hành vi phạm tội của bị cáo B đã cấu thành về tội “Cố ý gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” theo quy định tại khoản 2 Điều 104 của Bộ luật hình sự 1999 và điểm đ khoản 2 Điều 134 của Luật số 12/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015. Cấp sơ thẩm áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo: Bị cáo thành khẩn khai báo; bị cáo tự nguyện khắc phục một phần hậu quả cho bị hại; trước khi phạm tội bị cáo có nhân thân tốt,chưa có tiền án, tiền sự; bị cáo có ông nội là người có công với cách mạng theo quy định tại điểm b, p khoản 1, 2 Điều 46 Bộ luật hình sự. Cấp sơ thẩm áp dụng các tình tiết giảm nhẹ như trên là chính xác, đúng pháp luật.
Sau khi xét xử, bị cáo kháng cáo yêu cầu cấp phúc không áp dụng tình tiết tăng nặng định khung thuộc trường hợp “có tính chất côn đồ”, giảm nhẹ hình phạt và cho bị cáo hưởng án treo.
[3] Xét kháng cáo của bị cáo thì thấy:
- Xét kháng cáo của bị cáo yêu cầu Hội đồng xét xử không áp dụng tình tiết định khung “có tính chất côn đồ” đối với bị cáo: Xét thấy, giữa bị cáo B và cháu Hạnh T không có mâu thuẫn gì chỉ vì nguyên cớ nhỏ nhặt là bị cáo nghe con gái của bị cáo kể lại là bị bạn T chửi mà vô cớ gây tổn hại cho sức khỏe và tinh thần của cháu T trước cổng trường, trong khi cháu T chỉ là một đứa trẻ dưới 16 tuổi. Bị cáo là người đã thành niên nhận thức được dùng tay đánh vào mặt một đứa trẻ trước cổng trường gây ảnh hướng xấu về thể chất và tinh thần cho cháu T, hành vi trên bị xã hội lên án. Do đó, cấp sơ thẩm nhận định hành vi của bị cáo thuộc trường hợp có tính chất côn đồ là có căn cứ và đúng quy định của pháp luật.
- Xét kháng cáo yêu cầu giảm nhẹ hình phạt của bị cáo với lý do bị cáo nêu ra trong đơn kháng cáo: bị cáo có đến thăm hỏi và khắc phục hậu quả cho bị hại; bị cáo có nhân thân tốt, chấp hành chính sách pháp luật thì thấy những tình tiết giảm nhẹ này đã được cấp sơ thẩm áp dụng. Tại phiên tòa, bị cáo không cung cấp tình tiết chứng cứ nào mới để Hội đồng xét xử xem xét. Xét về hình phạt cấp sơ thẩm tuyên bị cáo 03 năm tù là mức đầu khung hình phạt cấp sơ thẩm đã có xem xét đến tính chất mức độ hành vi phạm tội bị cáo thực hiện. Do đó, kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo là không có căn cứ, nên Hội đồng xét xử không chấp nhận.
- Đối với kháng cáo của bị cáo xin được hưởng án treo của bị cáo thì thấy bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ theo khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự nhưng hành vi của bị cáo có tính chất côn đồ, bị xã hội lên án nên thuộc trường hợp không cho hưởng án treo theo quy định tại điểm a mục 2 Điều 2 của Nghị quyết 01/2013/NQ-HĐTP Tòa án nhân dân tối cao về việc hướng dẫn áp dụng Điều 60 của Bộ luật hình sự về án treo. Kháng cáo xin hưởng án treo của bị cáo là không có căn cứ chấp nhận.
Từ những phân tích trên, xét thấy đề nghị của người bào chữa cho bị cáo đề nghị cho bị cáo được hưởng án treo là không có căn cứ chấp nhận. Đề nghị của vị Kiểm sát viên và người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho người bị hại về việc không chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên mức hình phạt của cấp sơ thẩm là có căn cứ Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận.
[4] Án phí hình sự phúc thẩm bị cáo phải nộp theo quy định của pháp luật vì đơn kháng cáo của bị cáo không được chấp nhận.
[5] Các phần quyết định khác của quyết định Bản án hình sự sơ thẩm không kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
[1] Căn cứ Điểm a Khoản 2 Điều 248 Bộ luật Tố tụng hình sự. Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Trương Thị B xin giảm nhẹ hình phạt và hưởng án treo.
Tuyên bố: Bị cáo Trương Thị B phạm tội “Cố ý gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”.
Áp dụng khoản 2 Điều 104; Điều 33; điểm b, p khoản 1 và khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự 1999; điểm đ khoản 2 Điều 134 của Luật số 12/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015; điểm h khoản 2 Điều 2 của Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội.
Xử phạt bị cáo Trương Thị B: 03 (ba) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù được tính kể từ ngày bắt đi thi hành án.
[2] Án phí hình sự phúc thẩm: bị cáo Trương Thị B phải nộp là 200.000 đồng (Hai trăm ngàn đồng);
Các phần quyết định khác của quyết định Bản án hình sự sơ thẩm không kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kề từ ngày hết kháng cáo, kháng nghị;
Bản án phúc thẩm này có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.
Bản án 71/2017/HS-PT ngày 19/12/2017 về tội cố ý gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
Số hiệu: | 71/2017/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Sóc Trăng |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 19/12/2017 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về