Bản án 61/2023/KDTM-PT về tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 61/2023/KDTM-PT NGÀY 22/06/2023 VỀ TRANH CHẤP BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG

Ngày 22 tháng 6 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 88/2022/TLPT - KDTM ngày 26 tháng 12 năm 2022 về “Tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”.Do Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 996/2022//KDTM-ST ngày 05/7/2022 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 1175/2023/QĐPT- KDTM ngày 24 tháng 5 năm 2023 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại S (Sau đây viết tắt là Công ty S);

Địa chỉ: Số 48/33D T, Phường 17, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh;

Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn:

1.1. Ông Trần Minh H, sinh năm 1986 - Có mặt;

Địa chỉ: 572-573 Nguyễn Duy, Phường 10, Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh (Văn bản ủy quyền ngày 30/10/2017);

1.2. Ông Huỳnh Thế T, sinh năm 1962 - Vắng mặt;

Thường trú: 482/10/28/7 N, Phường 13, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh;

Địa chỉ: Lô E Khu nhà ở quân đội, số 468 P, Phường 7, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh (Văn bản ủy quyền ngày 23/5/2022);

2. Bị đơn: Công ty Trách nhiệm hữu hạn M Việt Nam (Sau đây viết tắt là Công ty M);

Địa chỉ: Tòa nhà Zen Plaza, số 54-56 N, phường Bến Thành, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh;

Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Bà Vũ Phương T1, sinh năm 1983; Địa chỉ: Phòng 1605, lầu 16, Saigon R, số 2A - 4A T, phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh (Văn bản uỷ quyền ngày 25/8/2020) - Có mặt;

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Luật sư Trần Hà H – Chi nhánh Công ty Luật Trách nhiệm hữu hạn Tư vấn Đ tại Thành phố Hồ Chí Minh, thuộc Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh - Có mặt;

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

3.1. Công ty CV Jati K (sau đây viết tắt là Công ty K);

Địa chỉ: JL Manukan L 5 Block 8-B/7 S, Indonesia;

Người đại diện theo pháp luật: Ông B - Vắng mặt;

3.2. Công ty CV Slaki A (sau đây viết tắt là Công ty A);

Địa chỉ: Saumlak, K, Maluku Tenggara Barat, Indonesia;

Người đại diện theo pháp luật: Bà S - Vắng mặt;

3.3. Ông Oon Cheng T2 (viết tắt là Ông T2) - Vắng mặt;

Địa chỉ: Căn hộ số B4.06-03, chung cư HAGL Gold House, số 189A Lê văn L, xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh;

Người đại diện hợp pháp của Công ty CV Jati K, Công ty CV Slaki A và ông Oon Cheng T2: Ông Trần Minh H, sinh năm 1986 - Có mặt;

Địa chỉ: 572-573 N, Phường 10, Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh (Hai văn bản ủy quyền cùng ngày 29/5/2020 và văn bản ngày 06/7/2020);

4. Người kháng cáo: Bị đơn, Công ty TNHH M Việt Nam;

NỘI DUNG VỤ ÁN

Trong đơn khởi kiện ngày 05/10/2019 và các lời khai tiếp theo, nguyên đơn Công ty S trình bày:

Để nhập hàng về Việt Nam, Công ty S đã ký hợp đồng ủy thác xuất khẩu với công ty K để nhận hàng từ Công ty A và tàu của MCC Indonesia (Đại lý của MCC Singapore) được Công ty A thuê vận chuyển hàng về Việt Nam. Ngày 19/7/2017, Công ty S nhập lô hàng hải sản đông lạnh từ Indonesia về Việt Nam, cập Cảng Cát Lái vào ngày 13/8/2017. Ngày 14/8/2017, container hàng hóa đã được hạ xuống Cảng Cát Lái an toàn trong tình trạng tốt. Công ty đã làm công văn gửi Cảng, xin cắt niêm chì số MLID2318138 của hãng tàu, mở container để nhân viên Trung tâm kiểm định thú y Vùng IV lấy mẫu hải sản đưa đi kiểm dịch theo quy định, và sau 03 ngày có kết quả kiểm dịch đạt chất lượng tốt. Tuy nhiên, trong thời gian 03 ngày chờ kết quả kiểm dịch thì MCC Việt Nam đã tự ý mở container MWMU5729095, chuyển hàng hóa của Công ty S sang container mới số PONU2889720 mà vẫn để lại 20 bao hàng trong container cũ. Hàng hóa của Công ty S từ 01 container trở thành 02 container, nên Công ty S đã yêu cầu Công ty M cử đại diện cùng đến kho của công ty để cắt niêm chì và mở hai container, kiểm định tình trạng hàng hóa sau khi hoàn thành thủ tục hải quan.

Chứng thư kiểm định của Vinacontrol kết quả như sau: “Do không đảm bảo nhiệt độ, toàn bộ hàng hóa bị hỏng chảy nước bốc mùi thối và có hiện tượng tái đông sau khi cắm điện lại, lô hàng đã không còn đảm bảo chất lượng để kinh doanh”.

Công ty S cho rằng lỗi hoàn toàn 100% do việc làm tự ý tùy tiện của Công ty M và thông qua các email trao đổi giữa hai bên từ ngày 29/7/2017 đến ngày 28/02/2018 thì Công ty M đã hoàn toàn nhận trách nhiệm của mình. Công ty S đã thỏa thuận và thực hiện toàn bộ quy trình yêu cầu bồi thường thiệt hại do Công ty M đưa ra, nhưng do Công ty M chỉ đồng ý bồi thường 10.646 USD cho thiệt hại toàn bộ lô hàng, nên Công ty S không đồng ý và khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc Công ty M bồi thường thiệt hại như sau:

Giá trị lô hàng nếu được bán bình thường sẽ thu về số tiền 3.135.783.000 đồng, trừ số tiền 37.025.000 đồng đã bán và số hàng kém chất lượng nhưng còn có thể kinh doanh được trị giá 176.022.000 đồng để giảm thiểu thiệt hại. Thiệt hại thực tế là 2.992.736.000 đồng; Thiệt hại chi phí phát sinh do 04 lần ra Cảng nhận hàng và các chi phí khác là 124.709.158 đồng; Thiệt hại do phải trả cho ông Oon Cheng T2 là chuyên viên thu mua hàng hóa tại Indonesia từ ngày 21/12/2016 đến ngày 11/7/2017 tương đương 59.269.618 đồng (gồm 1.674 USD và 12.857.760 IDR, quy đổi theo tỷ giá ngày 30/9/2018 của Ngân hàng VCB);

Lãi suất ngân hàng phát sinh từ tháng 01/2018 đến tháng 5/2020 do phải vay để thanh toán các chi phí thiếu hụt do thiệt hại gây ra, theo lãi suất của Ngân hàng Bản Việt 9,8 %/năm là 710.692.072 đồng [(2.922.736.000 đồng + 124.709.158 đồng + 59.269.618 đồng) x 0,817% x 28 tháng)].

Bị đơn Công ty M trình bày:

Công ty M hoạt động với tư cách là đại lý cho MCC Transport Singapore (nay đổi tên lại là Sealand M Asia Pte, Ltd), mục đích hỗ trợ việc giao nhận đối với lô hàng của Công ty S tại cảng đến Việt Nam. Các công việc mà Công ty M thực hiện là hoạt động logistics theo quy định tại Điều 233 Luật thương mại 2005. Theo quy định này thì nếu MCC Transport Singapore và Công ty M không nhận được thông báo của Công ty S trong thời hạn 14 ngày (tính đến ngày 28/8/2017) hoặc không nhận được thông báo về việc bị kiện tại Trọng tài hoặc Tòa án trong thời hạn 09 tháng (tính đến ngày 14/5/2018), kể từ ngày giao hàng (ngày 14/8/2017), thì Công ty M và MCC Transport Singapore không phải chịu trách nhiệm về những tổn thất đối với hàng hóa của Công ty S.

Ngày 21/8/2017, Công ty M nhận được email của Công ty S, nội dung yêu cầu Công ty M phải chịu trách nhiệm và thanh toán các khoản chi phí mà Công ty S đã bỏ ra liên quan đến việc nhận lô hàng, nhưng vào ngày 21/8/2017, Công ty S không gửi thông báo chính thức nào đối với MCC Transport Singapore và Công ty M, nên được xem là được miễn trách nhiệm đối với tổn thất hàng hóa của Công ty S, theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 237 Luật thương mại 2005. Tính đến ngày 14/8/2017, Công ty M cũng không nhận được bất kỳ thông báo nào về việc bị kiện tại Trọng tài hoặc Tòa án liên quan đến tổn thất lô hàng của Công ty S. Đến ngày 11/8/2020, Công ty M mới nhận được Thông báo thụ lý vụ án của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo quy định tại Điều 169 Bộ luật hàng hải 2015, thời hiệu khởi kiện đã hết kể từ ngày 14/8/2018. Ngoài ra, nếu xét theo quy định của Điều 319 Luật thương mại 2005 thì thời hiệu khởi kiện cũng đã hết vào ngày 21/8/2019. Mặt khác, theo Điều 26 mặt sau của Vận đơn số MCT782520, đối với các chuyến hàng không phải đến hoặc đi từ Mỹ, Vận đơn này sẽ được điều chỉnh và giải thích theo luật Anh và mọi tranh chấp phát sinh theo đó sẽ được giải quyết bởi Tòa công lý cấp cao của Anh tại London và loại bỏ thẩm quyền giải quyết tranh chấp của các Tòa án ở các quốc gia khác. Như vậy, mọi tranh chấp phát sinh từ Vận đơn này, bao gồm cả tranh chấp liên quan đến các khiếu nại về hư hỏng, tổn thất hàng hóa, cũng sẽ phải được Tòa công lý cấp cao của Anh tại London giải quyết.

Do đó, căn cứ vào quy định tại điểm e khoản 1 Điều 217 và điểm a khoản 1 Điều 472 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, Công ty M đề nghị Tòa án đình chỉ việc giải quyết vụ án và trả lại đơn khởi kiện cho Công ty S.

Tại Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 996/2022/KDTM-ST ngày 05/7/2022, sửa chữa, bổ sung bằng Quyết định số 575/2022/QĐ-SCBSBA ngày 30/9/2022 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định:

Căn cứ vào Điều 30, Điều 37, khoản 3 Điều 144, Điều 271, khoản 1 Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; Điều 319 Luật Thương mại; Điều 584 Bộ luật dân sự năm 2015; Điều 26 Luật Thi hành án dân sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;

Tuyên xử:

Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại S;

Buộc bị đơn Công ty Trách nhiệm hữu hạn M Việt Nam phải bồi thường thiệt hại cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại S, số tiền 3.117.445.158 đồng. Thanh toán một lần ngay khi bản án có hiệu lực pháp luật, tại cơ quan Thi hành án dân sự có thẩm quyền.

Không chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đối với số tiền 1.404.508.183 đồng, là chi phí mà nguyên đơn phải trả cho ông Oon Cheng T2 và lãi suất vay ngân hàng.

Ngoài ra Bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm; về trách nhiệm do chậm thi hành án; về nghĩa vụ thi hành án và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 18/7/2022, bị đơn Công ty M có đơn kháng cáo yêu cầu hủy Bản án sơ thẩm hoặc sửa Bản án sơ thẩm, bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Công ty S.

Tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay:

Người đại diện hợp pháp của Công ty M giữ nguyên kháng cáo yêu cầu hủy Bản án sơ thẩm và đình chỉ việc giải quyết vụ án hoặc sửa Bản án sơ thẩm, bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Công ty S. MCC đã hoàn thành trách nhiệm kể từ thời điểm container hàng hóa đặt xuống Cảng Cát Lái.

Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty M đề nghị xem xét theo quy định tại Điều 169 Bộ Luật hàng hải năm 2015 và Điều 319 Luật thương mại 2005, thì thời hiệu khởi kiện đã hết; Công ty M hoạt động Logistics nên theo quy định tại Điều 237 Luật thương mại thì được miễn trừ trách nhiệm đối với thiệt hại hàng hóa; Việc sang hàng qua container khác do Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn thực hiện, Công ty M chỉ là người chứng kiến. Trước đó vào ngày 14/8/2017, Công ty S đã mở container 20 phút để lấy mẫu, làm cho nhiệt độ bên trong container không còn đảm bảo, chỉ còn - 13.90C đến - 13,10C, nên nguyên nhân hàng hóa hư hỏng là do Công ty S mở container ngày 14/8/2017, mà không do lỗi của Công ty M; Bản án sơ thẩm chấp nhận số tiền bồi thường trên cơ sở hóa đơn của Công ty S tự phát hành, chưa được kiểm chứng, nên không hợp lý, thiếu thực tế. Đề nghị chấp nhận yêu cầu kháng cáo của Công ty M.

Người đại diện hợp pháp của Công ty S không đồng ý kháng cáo của Công ty M. Công ty S không kiện MCC Singapore, việc vận chuyển hàng hóa đã kết thúc khi container hàng cập Cảng Cát Lái, Công ty S kiện Công ty M đối với sự kiện xảy ra tại Cảng Cát Lái - Việt Nam, nên không có căn cứ để áp dụng Bộ luật hàng hải. Công ty S hoàn toàn không thuê Công ty M sang hàng qua container khác, nhưng Công ty M đã tự ý sang hàng qua container khác, làm hư hỏng hàng hóa. Chỉ khi nào Công ty S thuê Công ty M sang hàng qua container khác, thì mới áp dụng Điều 237 Luật Thương mại 2005; Trong suốt thời gian hai công ty trao đổi qua Email, Công ty M hoàn toàn thừa nhận trách nhiệm của mình, cho đến khi Công ty M thông báo chỉ đồng ý bồi thường 10.464 USD thì Công ty S mới biết quyền lợi của mình bị xâm phạm, nên thời hiệu khởi kiện được tính kể từ ngày này, thời hiệu khởi kiện vẫn còn. Công ty S đã căn cứ vào giá bán hàng hóa tương tự tại thời điểm đó để xác định thiệt hại của lô hàng, là đúng quy định.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh có ý kiến Hội đồng xét xử phúc thẩm và người tham gia tố tụng thực hiện đúng quy định của pháp luật tố tụng dân sự; Đơn kháng cáo hợp lệ về hình thức; về nội dung đề nghị bác kháng cáo, giữ nguyên Bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa; Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Đơn kháng cáo của bị đơn, Công ty M đảm bảo hình thức, thời hạn, đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục phúc thẩm.

Phiên tòa được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai nhưng những người vắng mặt đều không vì lý do bất khả kháng hay trở ngại khách quan. Theo quy định tại Điều 296 Bộ luật tố tụng dân sự, Tòa án vẫn tiến hành xét xử phúc thẩm vụ án vắng mặt họ.

[2] Bị đơn công ty M có trụ sở tại Việt Nam; Công ty S khởi kiện yêu cầu “Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” đối với sự kiện xảy ra tại Cảng Cát Lái - Thành phố Hồ Chí Minh - Việt Nam, có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân nước ngoài (ông Oon Cheng T2), nên theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 464 và điểm a, điểm đ khoản 1 Điều 469 Bộ luật tố tụng dân sự thì vụ án thuộc thẩm quyền chung của Tòa án Việt Nam giải quyết. Do đó, không có căn cứ để chấp nhận việc công ty M cho rằng vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa Công lý cấp cao của Anh tại Luân Đôn.

Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định thẩm quyền giải quyết vụ án là đúng quy định tại khoản 1 Điều 30, điểm c khoản 1 Điều 37, điểm a khoản 2 Điều 464 và điểm a, điểm đ khoản 1 Điều 469 Bộ luật tố tụng dân sự.

[3] Xuất phát từ yêu cầu tại Công văn số 143/TCT-SNPL ngày 16/8/2017 của TCT Tân Cảng Sài Gòn, vào ngày 18/8/2017 đại diện Công ty M đã đồng ý và chứng kiến cho việc mở và rút ruột container MWMU5729095 sang container PONU2889720, nhưng không chuyển hết hàng mà để 20 bao vẫn lưu lại trong container MWMU5729095 và container MWMU5729095 bị cắt điện. Hiện nay toàn bộ hàng hóa đã không còn, nên việc xem xét, thẩm định tại chỗ hoặc giám định hàng hóa để xác định nguyên nhân làm hư hỏng hàng hóa không thể thực hiện được bằng các phương pháp trực tiếp.

Giấy chứng nhận y tế ngày 10/7/2017 của Cơ quan kiểm tra và kiểm dịch cá khu vực Surabaya I Cộng hòa Indonesia thì lô hàng hóa đông lạnh gồm cá mó, cá mú, cá khế, cá gáy, cá hồng, cá chim được bảo quản ở nhiệt độ - 200C, đáp ứng các yêu cầu của Liên minh Châu Âu, không phát hiện có bất cứ vi khuẩn gây bệnh, các chất gây hại và phù hợp cho con người sử dụng. Khi lô hàng về đến cảng Cát Lái được lấy mẫu để kiểm dịch, theo Giấy chứng nhận kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm động vật, sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu dùng làm thực phẩm số 004442/CN-TSNKLTP ngày 17/8/2017 của Cơ quan thú y vùng 4 xác định hàng hóa đạt chất lượng.

Theo Chứng thư giám định số 17G04HN11839-01 ngày 25/8/2017 của Vinacontrol xác định: Nhiệt độ sản phẩm từ -12,7 0C đến -17,70C, toàn bộ bao bì bên ngoài bị hoen ố, chảy nước dịch từ sản phẩm ra. Hàng hóa bên trong có tình trạng rã và tái đông lại, đóng tuyết trên bề mặt sản phẩm, một số sản phẩm bị cháy lạnh, có mùi hôi, một số sản phẩm khác có tình trạng dính chặt vào nhau.

Do đó, có căn cứ để xác định lô hàng hóa bị hư hỏng là do việc sang chiết hàng hóa ngày 18/8/2017 từ container MWMU5729095 sang container PONU2889720 và còn để lại 20 bao hàng trong container MWMU5729095 trong tình trạng container MWMU5729095 bị cắt điện.

Công ty M trình bày có gửi Email thông báo yêu cầu của TCT Tân Cảng Sài Gòn cho Công ty S biết, nhưng do Công ty S không trả lời nên công ty M mới đồng ý và chứng kiến cho việc sang hàng qua container khác, Công ty S thì trình bày việc Công ty M chứng kiến và đồng ý cho việc sang hàng qua container khác là việc làm tự ý của Công ty M và việc làm tự ý này của Công ty M đã dẫn đến hậu quả hư hỏng lô hàng hóa. Ngoài Email thì còn nhiều phương tiện liên lạc khác, nhưng Công ty M không sử dụng, nên lời trình bày của Công ty M cho rằng không liên lạc được với Công ty S, là không có căn cứ để chấp nhận. Trong trường hợp này, nếu không liên lạc được với Công ty S thì Công ty M có quyền từ chối chứng kiến việc sang hàng và yêu cầu TCT Tân Cảng Sài Gòn trực tiếp liên lạc với Công ty S để thực việc sang hàng. Chính từ việc Công ty M chứng kiến thì việc sang hàng qua container khác mới được thực hiện. Do đó, lỗi thuộc về Công ty M.

[4] Công ty S mua hàng của Công ty CV. JATI K (Indonesia) thanh toán theo phương thức CNF-TP.HCM, Công ty CV. JATI K thuê Công ty MCC Indonesia vận chuyển hàng hóa an toàn, cập cảng Cát Lái, Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 13/8/2017. Ngày 14/8/2017, Công ty S được cho phép cắt niêm chì, mở container MWMU5729095 để Trung tâm kiểm định thú y vùng IV lấy mẫu để kiểm dịch. Như vậy, việc vận chuyển của MCC Indonesia (đại lý của MCC Singapore) đã hoàn tất tại thời điểm container hàng hóa đặt lên cảng Cát Lái và Cơ quan thú y vùng 4 kết hợp với Công ty S lấy mẫu để kiểm dịch vào ngày 14/8/2017 (CNF - Incoterm 2000). Tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay, người đại diện hợp pháp của Công ty M cũng xác định kể từ thời điểm container hàng hóa đặt xuống cảng Cát Lái thì MCC Singapore đã hết trách nhiệm đối với lô hàng.

Công ty M là đại lý của MCC Singapore. Giữa Công ty S với Công ty M không có quan hệ hợp đồng gì và việc vận chuyển hàng hóa của MCC Singapore đã hoàn tất vào ngày 14/8/2017. Do đó, việc Công ty M tự mình đồng ý và chứng kiến cho việc sang chiết hàng hóa của Công ty S qua container khác vào ngày 18/8/2017, không phải là hoạt động logistics. Vì vậy, tuy Công ty M là doanh nghiệp logistics, nhưng việc làm hư hỏng hàng hóa của Công ty S không phải là hậu quả từ hoạt động logistics của Công ty M cho Công ty S, nên không có căn cứ áp dụng quy định tại điểm e khoản 1 Điều 237 Luật Thương mại năm 2005 để loại trừ trách nhiệm về tổn thất hàng hóa cho Công ty M. Công ty S khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong thời hạn chưa quá 03 năm kể từ ngày phát sinh thiệt hại, là vẫn còn thời hiệu theo quy định tại Điều 588 Bộ luật dân sự năm 2015.

[5] Từ các phân tích trên, Bản án sơ thẩm đã buộc Công ty M bồi thường cho Công ty S thiệt hại của toàn bộ lô hàng là 2.992.736.000 đồng (căn cứ theo giá bán hàng hóa trên thị trường) và chi phí phát sinh 4 lần ra vào cảng là 124.709.158 đồng. Tổng cộng 3.117.445.158 đồng là có căn cứ, đúng quy định tại Điều 589 Bộ luật dân sự năm 2015. Do mệnh giá tiền đồng Việt Nam nhỏ nhất là 200 đồng, số tiền lẻ 158 đồng không thể thi hành án được, nên làm tròn số tiền trên để đảm bảo cho việc thi hành án là 3.117.445.000 đồng.

[6] Công ty M kháng cáo nhưng không cung cấp được chứng cứ chứng minh cho yêu cầu kháng cáo của mình là có căn cứ và hợp pháp, nên không có căn cứ để chấp nhận, giữ nguyên bản án sơ thẩm theo đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh là phù hợp.

[7] Do không được chấp nhận kháng cáo nên Công ty M phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm.

[8] Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm về án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm; về trách nhiệm do chậm thi hành án; về nghĩa vụ thi hành án, không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

1. Áp dụng khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; điểm b khoản 1 Điều 3 và khoản 1 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;

2. Bác kháng cáo của Công ty Trách nhiệm hữu hạn M Việt Nam; Giữ nguyên Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 996/2022/KDTM-ST ngày 05/7/2022 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh;

Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại S;

Buộc bị đơn Công ty Trách nhiệm hữu hạn M Việt Nam phải bồi thường cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại S tiền thiệt hại toàn bộ lô hàng là 2.992.736.000 đồng và chi phí phát sinh 4 lần ra vào cảng là 124.709.158 đồng.

Tổng cộng là 3.117.445.000 đồng (Ba tỷ một trăm mười bảy triệu bốn trăm bốn mươi lăm ngàn đồng).

Không chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đối với số tiền 1.404.508.183 đồng, là chi phí mà nguyên đơn phải trả cho ông Oon Cheng T2 và lãi suất vay ngân hàng.

3. Công ty Trách nhiệm hữu hạn M Việt Nam phải nộp án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm là 2.000.000 đồng (Hai triệu đồng) và được khấu trừ tạm ứng án phí đã nộp 2.000.000 đồng (Hai triệu đồng) theo Biên lai thu tiền số 0002722 ngày 25/7/2022 của Cục Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh;

4. Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm về án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm; về trách nhiệm do chậm thi hành án; về nghĩa vụ thi hành án, không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

5. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

952
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 61/2023/KDTM-PT về tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Số hiệu:61/2023/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 22/06/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;