Bản án 07/2023/KDTM-PT về yêu cầu bồi thường thiệt hại theo hợp đồng dịch vụ kế toán

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA

BẢN ÁN 07/2023/KDTM-PT NGÀY 05/06/2023 VỀ YÊU CẦU BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI THEO HỢP ĐỒNG DỊCH VỤ KẾ TOÁN

Trong các ngày 20 tháng 4, ngày 10 tháng 5 và ngày 05 tháng 6 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh K, xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 01/2023/TLPT-KDTM ngày 24 tháng 02 năm 2023 về việc “Yêu cầu bồi thường thiệt hại theo hợp đồng dịch vụ kế toán”. Do Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 16/2022/KDTM-ST ngày 16 tháng 9 năm 2022 của Tòa án nhân dân thành phố N, tỉnh K bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 03/2023/QĐPT-KDTM ngày 27/3/2023; Quyết định hoãn phiên tòa số: 04/2023/QĐPT-KDTM ngày 10/4/2023. Giữa:

* Nguyên đơn: Công ty TNHH Thương mại, Dịch vụ và Sản xuất N.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Phạm Khoa T, chức vụ: Giám đốc Công ty; địa chỉ: Lô CC1 Cụm công nghiệp vừa và nhỏ, thôn Đắc Lộc, xã P, thành phố N, tỉnh K. Có mặt.

- Bị đơn: Công ty TNHH Tư vấn, Quản lý Doanh nghiệp E.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Lê Văn V, chức vụ: Tổng giám đốc Công ty; địa chỉ: 62 Yersin, phường S, thành phố N, tỉnh K. Có mặt.

- Người làm chứng: Bà Nguyễn Thị Mai C, sinh năm 1976; địa chỉ: 62A đường 2/4 phường H, thành phố N, tỉnh K. Vắng mặt.

Người kháng cáo: Công ty TNHH Thương mại, Dịch vụ và Sản xuất N là nguyên đơn.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo Bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân thành phố N, nội dung vụ án như sau:

* Theo đơn khởi kiện và quá trình tố tụng, nguyên đơn Công ty TNHH Thương mại, Dịch vụ và Sản xuất N trình bày:

Ngày 08/10/2015, Công ty TNHH Thương mại, Dịch vụ và Sản xuất N (sau đây viết tắt là Công ty N) ký với Công ty TNHH Tư vấn, Quản lý doanh nghiệp E (sau đây viết tắt là Công ty E) Hợp đồng dịch vụ kế toán số 064/2015/DVKTT. Theo đó, Công ty E làm dịch vụ kế toán cho Công ty N kể từ tháng 5/2015. Trong quá trình làm việc, Công ty E đề nghị Công ty N làm lại sổ sách kế toán từ khi mới thành lập, cụ thể:

Ngày 31/12/2015, Công ty N ký với Công ty E Hợp đồng số 094/2015/DVKT với nội dung: Công ty E đồng ý làm công việc kiểm tra, điều chỉnh, bổ sung lại toàn bộ sổ sách, chứng từ của Công ty N từ tháng 01/2012 đến tháng 12/2014.

Ngày 26/3/2016, Công ty N ký với Công ty E Hợp đồng số 038/2016/DVKT với nội dung: Công ty E làm công việc kiểm tra, điều chỉnh, bổ sung lại toàn bộ sổ sách chứng từ của Công ty N từ tháng 11/2012 đến tháng 12/2013.

Ngày 04/9/2018, Công ty N ký với Công ty E Hợp đồng số 257/2018/DVKT để thay thế Hợp đồng số 064/2015/DVKT có thời hạn 03 năm kể từ ngày ký.

Như vậy, Công ty E đã làm dịch vụ kế toán cho Công ty N ngay từ khi mới thành lập.

Quá trình thực hiện Hợp đồng, Công ty E đã nhiều lần không thông báo cho Công ty N biết khoản tiền thuế phải nộp cho Nhà nước, dẫn đến việc Công ty N bị Cơ quan thuế phạt vì chậm nộp thuế. Công ty N cũng đã nhiều lần nhắc và làm việc trực tiếp với Công ty E nhằm khắc phục để hợp tác và thực hiện hợp đồng đã ký kết giữa hai bên tốt hơn nhưng phía Công ty E không có tính cầu thị, không khắc phục sai sót và vẫn tiếp tục vi phạm dẫn đến Công ty N bị phạt do chậm nộp thuế, gây thiệt hại cho Công ty N, cụ thể:

Theo thông báo số 75185/TB-07/QLN ngày 15/5/2020 của Chi cục Thuế thành phố N (sau đây viết tắt là Chi cục Thuế), Công ty N phải nộp phạt 43.608.093 đồng, trong đó:

- Tiền nộp chậm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính do cơ quan thuế quản lý: 173.990 đồng;

- Tiền chậm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (không bao gồm tiền chậm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp từ hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí):

42.686.300 đồng;

- Tiền chậm nộp thuế giá trị gia tăng từ hàng hóa sản xuất kinh doanh trong nước khác còn lại: 723.504 đồng;

Tiền chậm nộp các khoản khác điều tiết 100% ngân sách địa phương theo quy định của pháp luật do ngành thuế quản lý: 25.200 đồng;

Theo thông báo số 29199/TB-07/QLN ngày 23/3/2021 của Chi cục Thuế, Công ty N phải nộp phạt 1.299.191 đồng.

Ngày 16/3/2017, Đội kiểm tra thuế số 3 – Chi cục Thuế đã lập Biên bản kiểm tra đối với Công ty N, có bà Nguyễn Thị Nh là đại diện của Công ty E kí tên vào biên bản với vai trò là kế toán của Công ty N. Đến ngày 15/5/2020, Công ty N mới nhận được thông báo nộp tiền của Cơ quan thuế và sau đó Công ty N đã chuyển thông báo nộp thuế này cho Công ty E.

Công ty E có nhiệm vụ thông báo cho Công ty N biết về số tiền thuế phải nộp đã được các bên thỏa thuận thống nhất và thể hiện trong Hợp đồng số 064/2015/DVKTT, 257/2018/DVKT, 038/2016/DVKT, 094/2015/DVKT tại điểm a, b, e, f, g khoản 7.2 Điều 7.

Như vậy, Công ty E đã vi phạm hợp đồng vì không thông báo số tiền thuế phải nộp cho Công ty N, việc này dẫn đến thiệt hại cho Công ty N là số tiền phạt do chậm nộp thuế.

Nay, Công ty N yêu cầu Công ty E phải bồi thường toàn bộ thiệt hại do việc vi phạm hợp đồng gây ra là 44.907.284 đồng.

* Tại bản tự khai và quá trình tố tụng, bị đơn Công ty E trình bày:

Công ty E thống nhất với Công ty N về việc ký các Hợp đồng dịch vụ kế toán. Công ty E thừa nhận, năm 2017, bà Nguyễn Thị Nh là đại diện của Công ty E có cùng với đại diện Công ty N ký tên vào biên bản làm việc về việc kiểm tra thuế giai đoạn 2012-2015 của Công ty N. Đến nay, Công ty N vẫn chưa cung cấp Quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính về thuế cho Công ty E. Tuy nhiên, năm 2020, E có nhận thông báo của cơ quan thuế và thông tin từ Công ty N về việc điều chỉnh số liệu theo Quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính về thuế (kiểm tra thuế từ 2012-2015 trong năm 2017). Trên cơ sở đó, Công ty E nộp lại quyết toán thuế thu nhập Doanh nghiệp năm 2017 để Công ty N đi nộp thuế.

Nay Công ty N khởi kiện yêu cầu Công ty E phải bồi thường toàn bộ thiệt hại do việc vi phạm hợp đồng gây ra là 44.907.284 đồng, Công ty E không đồng ý yêu cầu khởi kiện của Công ty N, vì:

- Khoản phạt 43.608.093 đồng là tiền chậm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2016 do điều chỉnh lợi nhuận sau khi cơ quan thuế kiểm tra thuế giai đoạn 2012-2015. Công ty E không chịu trách nhiệm về khoản nộp chậm này do:

+ Nghĩa vụ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp phát sinh thuộc trách nhiệm của Công ty N.

+ Công ty E không có căn cứ để tư vấn, điều chỉnh do không nhận được hồ sơ, tài liệu và đề nghị điều chỉnh của Công ty N (theo điểm b, c, e khoản 7.1, điểm d khoản 7.2 Điều 7 và khoản 5.5 Điều 5 của Hợp đồng dịch vụ kế toán, Công ty E chỉ cung cấp dịch vụ kế toán dựa trên những hồ sơ, tài liệu do Công ty N cung cấp và biên bản giao nhận phải có sự xác nhận của hai bên).

Khoản phạt 1.299.191 đồng là khoản phạt chậm nộp tiền thuế quý 4/2021, Công ty E không chịu trách nhiệm, vì:

+ Công ty E đã thông báo đúng, đủ và kịp thời số thuế phải nộp cho quý 4/2021 cho Công ty N theo quy định của Hợp đồng.

+ Theo điểm k khoản 7.2 Điều 7 quy định, Công ty E có quyền tạm ngưng hợp đồng nếu Công ty N không thanh toán phí đúng hạn theo Điều 3 mà không có lý do chính đáng bằng văn bản gửi cho Công ty E. Tại thời điểm quý 1/2021, Công ty E có quyền tạm ngưng hợp đồng dịch vụ do Công ty N đã vi phạm điều khoản thanh toán (có phiếu thu, phiếu giao nhận đính kèm).

Tại phiên tòa sơ thẩm: Đại diện theo pháp luật của nguyên đơn rút một phần yêu cầu khởi kiện đối với số tiền nộp do chậm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính do cơ quan thuế quản lý: 173.089 đồng và tiền chậm nộp các khoản khác điều tiết 100% ngân sách địa phương theo quy định của pháp luật do ngành thuế quản lý: 25.200 đồng; buộc Công ty E bồi thường cho Công ty N toàn bộ số tiền còn lại là: 44.708.995 đồng.

Bản án Kinh doanh thương mại sơ thẩm số: 16/2022/KDTM-ST ngày 16 tháng 9 năm 2022 của Tòa án nhân dân thành phố N, tỉnh K quyết định:

Căn cứ khoản 1 Điều 30, điểm b khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, khoản 1 Điều 147, Điều 266, Điều 271 và Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự;

Căn cứ Điều 302 và Điều 303 Luật Thương mại 2005;

Căn cứ Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

- Đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty N đối với số tiền do chậm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính do cơ quan thuế quản lý là 173.098 đồng và tiền chậm nộp các khoản khác điều tiết 100% ngân sách địa phương theo quy định của pháp luật do ngành thuế quản lý là 25.200 đồng;

- Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty N về việc buộc Công ty E phải bồi thường cho Công ty N các khoản tiền sau:

+ Tiền chậm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (không bao gồm tiền chậm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp từ hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí):

42.686.300 đồng;

+ Tiền chậm nộp thuế giá trị gia tăng từ hàng hóa sản xuất kinh doanh trong nước khác còn lại: 723.504 đồng và 1.299.191 đồng;

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.

Ngày 27/9/2022, Công ty N có đơn kháng cáo Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm.

* Tại phiên tòa phúc thẩm:

- Ông Phạm Khoa T - đại diện theo pháp luật của nguyên đơn rút một phần yêu cầu khởi kiện đối với yêu cầu buộc Công ty E phải bồi thường cho Công ty N tiền chậm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (không bao gồm tiền chậm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp từ hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí): 42.686.300 đồng và rút một phần kháng cáo đối với yêu cầu này. Nguyên đơn kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn về buộc Công ty E phải bồi thường cho Công ty N tiền chậm nộp thuế giá trị gia tăng từ hàng hóa sản xuất kinh doanh trong nước khác còn lại: 723.504 đồng và 1.299.191 đồng, vì: Công ty E vi phạm nghĩa vụ thông báo cho Công ty N biết về số tiền thuế phải nộp đã được các bên thỏa thuận thống nhất và thể hiện tại điểm a, b, e, f, g khoản 7.2 Điều 7 Hợp đồng; Công ty E không thông báo cho Công ty N về việc nộp khoản thuế này nên Công ty N không biết để nộp thuế, dẫn đến việc bị phạt tiền chậm nộp thuế; việc bị đơn cho rằng đã thông báo việc Công ty N nộp thuế bằng tin nhắn qua tài khoản Zalo số điện thoại: 0903580910 của bà C (vợ ông T) là giả tạo. Đối với việc Công ty E cho rằng đã gửi thông báo nộp thuế cho bà Lê Thị Hồng Nh1 là không đúng, bà Nh1 không phải là kế toán mà là văn thư của Công ty N, ông T không biết Công ty E gửi tin nhắn cho bà Nh1 và bà Nh1 cũng không nói với ông về việc này. Bà Nh1 đã nghỉ việc tại Công ty N từ lâu, hiện không có thông tin và không liên lạc được. Nguyên đơn không thừa nhận và không có chứng cứ cho rằng Công ty E đã thông báo cho Công ty N phải nộp số tiền thuế trên.

- Ông Lê Văn V - đại diện theo pháp luật của bị đơn đồng ý việc Công ty N rút một phần yêu cầu khởi kiện đối với yêu cầu buộc Công ty E phải bồi thường cho Công ty N tiền chậm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (không bao gồm tiền chậm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp từ hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí):

42.686.300 đồng. Đối với yêu cầu của Công ty N yêu cầu Công Ty E phải bồi thường tiền chậm nộp thuế giá trị gia tăng từ hàng hóa sản xuất kinh doanh trong nước khác còn lại: 723.504 đồng và 1.299.191 đồng Công ty E không đồng ý, vì: Công ty E không có nghĩa vụ nộp thuế cho Công ty N; Công ty E đã thông báo đúng, đủ và kịp thời số thuế phải nộp cho Công ty N theo quy định của Hợp đồng dịch vụ. Công ty E đã thông báo việc nộp số thuế trên cho Công ty N bằng hình thức gửi tin nhắn qua tài khoản Zalo số điện thoại: 0903580910 của bà C (vợ ông T), và gửi tin nhắn cho bà Nh1 việc thông báo này không phải lập biên bản theo mục 5.5 Điều 5 của Hợp đồng dịch vụ kế toán. Tuy nhiên, Công ty E không cung cấp được địa chỉ của bà Lê Thị Hồng Nhi1 yêu cầu Tòa án không xem xét đến ảnh chụp tin nhắn trao đổi giữa Công ty E và bà Nh1 mà ông Viên cung cấp tại phiên tòa phúc thẩm và không triệu tập bà Nh1 để cung cấp lời khai.

- Tại Biên bản lấy lời khai vào lúc 14 giờ 50 phút ngày 21 tháng 4 năm 2023 của Tòa án nhân dân tỉnh K với bà Nguyễn Thị Mai C, bà C trình bày: Bà C là vợ ông Phạm Khoa T, đồng thời là thủ quỹ của Công ty N, ngoài công việc thủ quỹ, bà không làm và không liên quan đến công việc kế toán, không nhận và không có việc Công ty E thông cho bà qua Zalo cũng như điện thoại... về việc Công ty N nộp thuế. Bà C không liên quan việc kế toán cũng như việc nộp thuế của Công ty N nên không có gì để trao đổi hay nói với ông T và Công ty N. Ngày 19/2/2021, ông V kết nối Zalo với bà C qua số điện thoại: 0903580910 nhưng không trao đổi liên quan đến công việc của ông T cũng như Công ty N mà chỉ chúc mừng sinh nhật bà C và bà C cũng không trả lời.

- Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh K phát biểu ý kiến:

+ Về tố tụng: Việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng được thực hiện theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

+ Về nội dung: Tại phiên tòa, nguyên đơn tự nguyện rút một phần yêu cầu khởi kiện đối với yêu cầu buộc Công ty E phải bồi thường cho Công ty N tiền chậm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (không bao gồm tiền chậm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp từ hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí): 42.686.300 đồng và bị đơn đồng ý nên đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận, hủy phần bản án đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu này. Đối với yêu cầu của Công ty N yêu cầu Công ty E phải bồi thường tiền chậm nộp thuế giá trị gia tăng từ hàng hóa sản xuất kinh doanh trong nước khác còn lại: 723.504 đồng và 1.299.191 đồng là không có căn cứ để chấp nhận. Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm áp dụng khoản 2 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự, sửa Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số:

16/2022/KDTM-ST ngày 16 tháng 9 năm 2022 của Tòa án nhân dân thành phố N, tỉnh K.

+ Về án phí: Đề nghị Hội đồng xét xử quyết định theo quy định của pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra công khai tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa. Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về tố tụng: Người làm chứng bà Nguyễn Thị Mai C được triệu tập hợp lệ nhưng vắng mặt không có lý do. Căn cứ Điều 228 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vụ án.

[2] Về nội dung:

[2.1] Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn tự nguyện rút một phần kháng cáo và rút yêu cầu khởi kiện đối với yêu cầu buộc Công ty E phải bồi thường cho Công ty N tiền chậm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (không bao gồm tiền chậm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp từ hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí):

42.686.300 đồng. Xét việc rút một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là hoàn toàn tự nguyện, đúng pháp luật và được bị đơn đồng ý nên được chấp nhận. Hủy một phần bản án sơ thẩm về nội dung: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty N về việc buộc Công ty E phải bồi thường cho Công ty N các khoản tiền chậm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (không bao gồm tiền chậm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp từ hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí): 42.686.300 đồng và đình chỉ giải quyết yêu cầu khởi kiện của Công ty N đối với yêu cầu buộc Công ty E phải bồi thường cho Công ty N tiền chậm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (không bao gồm tiền chậm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp từ hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí) là: 42.686.300 đồng.

[2.2] Về kháng cáo yêu cầu Công Ty E phải bồi thường cho Công ty N tiền chậm nộp thuế giá trị gia tăng từ hàng hóa sản xuất kinh doanh trong nước khác còn lại 723.504 đồng và 1.299.191 đồng:

Theo trình bày của các đương sự và tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, có căn cứ xác định: Ngày 08/10/2015, Công ty N và Công ty E ký Hợp đồng dịch vụ kế toán số 064/2015/DVKTT. Theo đó, Công ty E đồng ý nhận làm dịch vụ kế toán cho Công ty N kể từ tháng 5/2015. Sau đó, Công ty E và Công ty N tiếp tục ký các Hợp đồng số 094/2015/DVKT ngày 31/12/2015, số 038/2015/DVKT ngày 26/3/2016 để Công ty E làm lại sổ sách kế toán từ khi Công ty N mới thành lập. Ngày 04/9/2018, hai bên tiếp tục kí Hợp đồng số 257/2018/DVKT thay thế Hợp đồng số 064/2015/DVKTT và có thời hạn 03 năm kể từ ngày ký.

Theo thông báo số: 75185/TB-07/QLN ngày 15/5/2020 của Chi cục Thuế, Công ty N phải nộp phạt, trong đó tiền chậm nộp thuế giá trị gia tăng từ hàng hóa sản xuất kinh doanh trong nước khác còn lại: 723.504 đồng; Theo thông báo số 29199/TB-07/QLN ngày 23/3/2021 của Chi cục Thuế, Công ty N phải nộp số tiền chậm nộp thuế 1.299.191 đồng (Đây là khoản tiền chậm nộp phát sinh vào năm 2020, 2021 và Công ty N đã nộp cho cơ quan thuế). Công ty N cho rằng, Công ty E đã không thông báo khoản thuế trên cho Công ty N phải nộp là vi phạm điểm f mục 7.2 Điều 7 Hợp đồng dịch vụ kế toán số 257/2018/DVKT ngày 04/9/2018. Vì vậy, Công ty E phải bồi thường cho Công ty N tiền chậm nộp thuế giá trị gia tăng từ hàng hóa sản xuất kinh doanh trong nước khác còn lại: 723.504 đồng và 1.299.191 đồng. Công ty E cho rằng, Công ty E đã thực hiện đúng trách nhiệm quy định tại điểm f, muc 7.2 Điều 7 Hợp đồng dịch vụ kế toán, Công ty E đã thông báo việc nộp số thuế trên cho Công ty N bằng hình thức gửi tin nhắn qua tài khoản Zalo số điện thoại: 0903580910 của bà C (vợ ông T). Tuy nhiên, Công ty N không chấp nhận việc trình bày của Công ty E và khẳng định bị đơn cho rằng đã thông báo cho Công ty N nộp thuế bằng tin nhắn qua tài khoản Zalo số điện thoại:

0903580910 của bà C (vợ ông T) là giả tạo. Bà Nguyễn Thị Mai C khẳng định bà không làm và không liên quan đến công việc kế toán, không nhận và không có việc Công ty E thông báo cho bà qua Zalo cũng như điện thoại... về việc Công ty N nộp thuế; bà C không có gì để trao đổi hay nói với ông T và Công ty N. Vì vậy, không có căn cứ xác định Công ty E thông báo cho Công ty N nộp số thuế trên dẫn đến việc Công ty N chậm nộp thuế.

Đối với việc Công ty E cho rằng đã gửi thông báo nộp thuế cho bà Lê Thị Hồng Nh1 nhưng không được Công ty N thừa nhận. Các bên đương sự không cung cấp được địa chỉ, nơi cư trú, làm việc của bà Nh1. Ông Lê Văn V yêu cầu Tòa án không xem xét đến ảnh chụp tin nhắn trao đổi giữa Công ty E và bà Nh1, không triệu tập bà Nh1 để cung cấp lời khai. Vì vậy, không có căn cứ xác định Công ty E thông báo việc nộp thuế của Công ty N cho bà Nh1.

Từ nhận định trên, không có căn cứ xác định Công ty E đã thông báo cho Công ty N nộp thuế dẫn đến việc Công ty N chậm nộp thuế và phải đóng tiền chậm nộp thuế giá trị gia tăng từ hàng hóa sản xuất kinh doanh trong nước khác còn lại: 723.504 đồng và 1.299.191 đồng. Công ty E không thực hiện đúng trách nhiệm quy định tại điểm a, b, f, g khoản 7.2 Điều 7 Hợp đồng nên phải có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho Công ty N tiền chậm nộp thuế giá trị gia tăng từ hàng hóa sản xuất kinh doanh trong nước khác còn lại: 723.504 đồng và 1.299.191 đồng. Kháng cáo của Công ty N là có căn cứ chấp nhận. Sửa bản án sơ thẩm.

[3] Về án phí:

[3.1] Về án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm: Công ty N rút một phần yêu cầu khởi kiện và được chấp nhận nên Công ty N phải chịu 3.000.000 đồng (Ba triệu đồng) án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm, khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp. Do chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty N nên Công ty E phải chịu 3.000.000 đồng (Ba triệu đồng) án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm.

[3.2] Về án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm: Do chấp nhận kháng cáo của Công ty N, sửa bản án sơ thẩm nên các đương sự không phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm. Trả lại cho Công ty N tiền tạm ứng án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

- Căn cứ vào khoản 2 Điều 244, khoản 2 Điều 308 và Điều 309 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

Căn cứ Điều 302 và Điều 303 Luật Thương mại 2005;

Căn cứ Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

Tuyên xử: Chấp nhận việc rút một phần yêu cầu khởi kiện, chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn Công ty TNHH Thương mại, Dịch vụ và Sản xuất N; sửa Bản án Kinh doanh thương mại sơ thẩm số: 16/2022/KDTM-ST ngày 16 tháng 9 năm 2022 của Tòa án nhân dân thành phố N, tỉnh K.

1. Đình chỉ yêu cầu khởi kiện của Công ty TNHH Thương mại, Dịch vụ và Sản xuất N yêu cầu buộc Công ty TNHH Tư vấn, Quản lý Doanh nghiệp E bồi thường tiền do chậm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính do cơ quan thuế quản lý là 173.098 đồng và tiền chậm nộp các khoản khác điều tiết 100% ngân sách địa phương theo quy định của pháp luật do ngành thuế quản lý là 25.200 đồng.

2. Hủy và đình chỉ giải quyết yêu cầu khởi kiện của Công ty TNHH Thương mại, Dịch vụ và Sản xuất N yêu cầu buộc Công ty TNHH Tư vấn, Quản lý Doanh nghiệp E phải bồi thường tiền chậm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (không bao gồm tiền chậm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp từ hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí): 42.686.300 đồng.

3. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty TNHH Thương mại, Dịch vụ và Sản xuất N. Buộc Công ty TNHH Tư vấn, Quản lý Doanh nghiệp E phải bồi thường tiền chậm nộp thuế giá trị gia tăng từ hàng hóa sản xuất kinh doanh trong nước khác còn lại: 723.504 đồng (Bảy trăm hai mươi ba nghìn năm trăm bốn đồng) và 1.299.191 đồng (Một triệu hai trăm chín mươi chín nghìn một trăm chín mốt đồng) cho Công ty TNHH Thương mại, Dịch vụ và Sản xuất N.

4. Án phí:

4.1. Án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm:

- Công ty TNHH Thương mại, Dịch vụ và Sản xuất N phải nộp 3.000.000 đồng (Ba triệu đồng) án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm sơ thẩm, khấu trừ vào 1.123.000 đồng (Một triệu một trăm hai mươi ba nghìn đồng) tiền tạm ứng án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm sơ thẩm Công ty TNHH Thương mại, Dịch vụ và Sản xuất N đã nộp theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí AA/2021/0000855 ngày 21 tháng 12 năm 2021 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố N, tỉnh K. Công ty TNHH Thương mại, Dịch vụ và Sản xuất N còn phải nộp 1.877.000 đồng (Một triệu tám trăm bảy mươi bảy nghìn đồng) án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm.

- Công ty TNHH Tư vấn, Quản lý Doanh nghiệp E phải nộp 3.000.000 đồng (Ba triệu đồng) án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm.

4.2. Án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm: Các đương sự không phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm. Trả cho Công ty TNHH Thương mại, Dịch vụ và Sản xuất N 2.000.000 đồng (Hai triệu đồng) tiền tạm ứng án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí AA/2021/0002745 ngày 27 tháng 10 năm 2022 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố N, tỉnh K.

* Quy định:

- Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án và đến thời hạn giao tiền, nếu người phải thi hành án không thi hành án thì còn phải trả lãi theo quy định tại Điều 357 và Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 tương ứng với số tiền và thời gian chưa thi hành án.

- Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

662
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 07/2023/KDTM-PT về yêu cầu bồi thường thiệt hại theo hợp đồng dịch vụ kế toán

Số hiệu:07/2023/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Khánh Hoà
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 05/06/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;