Bản án 609/2020/HSPT ngày 23/12/2020 về tội cưỡng đoạt tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI

BẢN ÁN 609/2020/HSPT NGÀY 23/12/2020 VỀ TỘI CƯỠNG ĐOẠT TÀI SẢN

Ngày 23 tháng 12 năm 2020 tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án hình sự Thụ lý số 631/TLPT-HS ngày 17 tháng 8 năm 2020 đối với bị cáo Lê Văn S, Đặng Tú T, Tạ Đức C, Nguyễn Văn P, Tô Mạnh C do có kháng cáo của các bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 23/2020/HSST ngày 22/06/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình.

Các bị cáo:

1. Lê Văn S, sinh ngày 10/5/1985, tại tỉnh Thanh Hóa; nơi cư trú: Thôn T, xã P, huyện HH, tỉnh Thanh Hóa; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ học vấn: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Lê Văn C và bà Nguyễn Thị C1; có vợ là Thiều Thị A và 2 con (sinh 2016); tiền án, tiền sự: Không. Bị bắt tạm giữ từ ngày 05/7/2019, đến ngày 30/12/2019 được thay thế bằng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú.

2. Đặng Tú T, sinh ngày 18/5/1982, tại tỉnh Thái Bình; nơi cư trú: Thôn HC, xã NT, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ học vấn: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Đặng Trung T và bà Nguyễn Thị V; Có vợ (đã ly hôn) là Lương Kim H và 1 con; tiền sự: Không; tiền án: Bản án số 68/2016/HSST ngày 09/11/2016 của Tòa án nhân dân huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình xử phạt Đặng Tú T 15 tháng tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản” ngày 17/9/2017 chấp hành xong hình phạt tù; nhân thân: Ngày 09/4/2010, bị công an huyện Tiền Hải xử phạt hành chính, phạt tiền về hành vi Đánh bạc; Bản án số 45/HSPT ngày 13/6/2012 của Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình xử phạt Đặng Tú T 12 tháng tù về tội “Đánh bạc”, chấp hành xong hình phạt tù ngày 18/01/2014; bị cáo đầu thú, bị tạm giữ từ ngày 22/8/2019 đến ngày 30/8/2019 được thay thế bằng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú.

3. Tạ Đức C, sinh ngày 19/4/1990, tại tỉnh Thái Bình; nơi cư trú: Thôn C, xã NC, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ học vấn: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Tạ Văn N (đã chết) và bà Hoàng Thị N; Có vợ là Đinh Diệu L và 03 con (lớn sinh 2015, nhỏ sinh 2020); tiền án, tiền sự: Không; Bị bắt tạm giam từ ngày 05/7/2019, đến ngày 24/12/2019 được thay thế bằng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú.

4. Nguyễn Văn P, sinh ngày 20/12/1991, tại tỉnh Thái Bình; nơi cư trú: Thôn T, xã TL, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ học vấn: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Nguyễn Văn Đ và bà Hoàng Thị H; vợ con: Chưa có; tiền án, tiền sự: Không. Bị cáo đầu thú bị tạm giam từ ngày 28/8/2019, đến ngày 24/12/2019 được thay thế biện pháp ngăn chặn, cấm đi khỏi nơi cư trú.

5. Tô Mạnh C, sinh ngày 11/6/1987, tại tỉnh Thái Bình; nơi cư trú: Thôn T, xã TL, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ học vấn: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Tô Xuân B (Thành) – (đã chết) và bà Tô Thị L; có vợ là Hoàng Thị H và 2 con; tiền án, tiền sự: Không; bị bắt tạm giam từ ngày 05/7/2019, đến ngày 01/11/2019 được thay thế bằng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú.

(Các bị cáo có mặt tại phiên tòa) Ngoài ra, trong vụ án còn có 10 bị hại không có kháng cáo, Tòa án không triệu tập.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và bản án sơ thẩm, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Lê Văn S là người bán tôm giống và thức ăn nuôi tôm cho một số chủ đầm nuôi tôm tại địa bàn huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Quá trình qua lại S quen Đặng Tú T. Do là người kinh doanh tôm giống và thức ăn nuôi tôm nên S biết khi đến kỳ thu hoạch, nếu các chủ đầm nuôi tôm không bán được tôm, thì tôm sẽ bị chết hoặc phải nuôi thêm thời gian sẽ tốn kém thêm chi phí, thức ăn. S nảy sinh ý định yêu cầu các chủ đầm nuôi tôm phải bán tôm với giá thấp hơn giá thị trường từ 2.000 đồng đến 3.000 đồng/1 kg tùy từng loại tôm, còn những người mua tôm thì vẫn phải mua theo giá thị trường. Số tiền chênh lệch này, người mua tôm phải trả cho S. Nếu chủ đầm hoặc người môi giới mua bán tôm không đồng ý thì S sẽ chặn đường, không cho xe vào mua tôm.

S bàn với T và phân công, S sẽ yêu cầu các chủ đầm hoặc người môi giới bán tôm phải bán tôm thấp hơn giá thị trường, còn T theo dõi, chặn những xe ô tô đến thu mua tôm mà chưa thông qua S. Số tiền chiếm được, S và T cùng hưởng nhưng không thỏa thuận cụ thể. T đồng ý và rủ Tạ Đức C, Tô Mạnh C và Nguyễn Văn P hàng ngày có mặt ở tuyến đường vào đầm nuôi tôm khu vực Cồn Vành, xã Nam P và xã NT, huyện Tiền Hải để chặn đuổi các xe ô tô đến mua tôm khi chưa được sự đồng ý của S. C, Ph, công đồng ý. Ngày 18/6 và ngày 22/6/2019 S gặp và điện thoại nói với anh Trần Văn N và ông Đặng Xuân H là người môi giới mua bán tôm nội dung S sẽ liên hệ với chủ đầm tôm, khi anh N, ông H mua tôm thì trả cho chủ đầm thấp hơn giá thị trường 2.000đ đến 3.000đ/1 kg tôm. Số tiền cắt lại của chủ đầm tôm chuyển cho S. Ngoài ra S còn yêu cầu chị Vũ H V là người mua tôm phải cắt giá 2.000đ/1kg tôm, số tiền chênh lệch chuyển cho S.

Với thủ đoạn như trên, từ ngày 18/6/2019 đến ngày 26/6/2019, Lê Văn S, Đặng Tú T, Nguyễn Văn P, Tô Mạnh C, Tạ Đức C đã nhiều lần chiếm đoạt tiền của các chủ đầm nuôi tôm, cụ thể như sau:

Lần thứ nhất: Khoảng 15h30’ ngày 17/6/2019, anh Trần Văn N dẫn 3 người mua tôm là anh Bùi Văn H, Phạm Văn T và Bùi Văn Th đi 3 xe ô tô tải đến đầm nuôi tôm chung của ông Trương Văn T và ông Trương Văn H tại khu vực Cồn Vành, xã Nam P, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình (khu vực Cồn Vành) để mua tôm thì gặp T, Ph, công, C. Tại đây T nói với anh N và các chủ xe mua tôm: “Tôm ở đây chúng tôi thu mua hết rồi, các anh đi về đi, ai muốn thu mua tôm thì phải thông qua S Thanh Hóa”. Thấy vậy, anh N đi vào trong đầm nói với ông T về việc có mấy người không cho bắt tôm. Trước đó ông T đã được biết về việc S gọi điện cho ông H yêu cầu ông H bán tôm cho S nên ông T gọi điện cho S nói: “Mày thu mua tôm thì mày phải bảo với tao chứ tao biết được đâu mà cản trở tao bán tôm kiểu vậy”. S nói: “Bắt đầu từ ngày mai thì cháu thu mua tôm”, rồi S gọi điện thoại bảo T để cho ông T bán tôm nốt hôm nay nên T cùng với C, Ph, công đi về để cho ông T bán tôm. Anh N cũng trao đổi với ông T nội dung nhóm S yêu cầu bán tôm thấp hơn với giá thị trường 2.000đ/1 kg và số tiền chênh lệch đó phải đưa cho S. Ông T biết là bị thiệt hại về kinh tế nhưng do tôm đã đến tuổi thu hoạch, nếu không bán ngay thì tôm sẽ chết nên đã buộc phải đồng ý bán tôm. Từ ngày 18/6/2019 đến ngày 26/6/2019, thông qua anh N môi giới, ông T và ông H đã bán khoảng 15 tấn tôm thấp hơn giá thị trường là 2.000đ/kg, thiệt hại khoảng 30.000.000đ. Ông T và ông H không yêu cầu bồi thường.

Lần thứ hai: Ngày 17/6/2019, S gọi điện thoại và đồng thời đến gặp anh Trương Văn H tại đầm nuôi tôm khu vực Cồn Vành nói: “Đợt tới này bán tôm, tất cả phải thông qua anh, các xe thu mua phải thông qua mới được thu mua ở đây”. Ngày 18/6/2019, anh H cũng được anh N thông tin về việc S hưởng tiền chênh lệch, nếu không S sẽ chặn, không cho xe vào mua tôm. Anh N bàn với anh H đi trình báo công an. Anh H cũng biết ngày 18/6/2019 ông T đã phải bán tôm thấp hơn giá thị trường 2000đ/1 kg. Do tôm đã đến tuổi thu hoạch, anh H sợ nếu không bán ngay thì tôm sẽ chết hoặc phải tốn kém thêm tiền mua thức ăn và cũng sợ nhóm S trả thù nên bảo anh N cứ gọi người bắt tôm và chấp nhận nộp tiền, để bán xong vụ tôm này rồi tính. Từ ngày 22 đến ngày 26/6/2019, thông qua anh N và ông H, anh H đã phải bán 12,1 tấn tôm các loại thấp hơn giá thị trường từ 1000đ đến 3000đ/1kg, thiệt hại 25.000.000đ. Gia đình bị cáo S đã bồi thường cho anh H 25.000.000đ. Anh H không yêu cầu bồi thường khoản nào khác.

Lần thứ ba: Ngày 19/6/2019 anh Nguyễn Văn S chủ đầm nuôi tôm khu vực Cồn Vành gọi điện cho chị Vũ H V hẹn sáng ngày 20/6/2019 đến bắt tôm. Sáng ngày 20/6/2019, chị V nhờ anh Mai Văn T điều khiển xe ô tô tải loại xe đông lạnh đến đầm của anh S để mua tôm. Khi anh T đi đến khu vực trước cửa Ban quản lý Cồn Vành, huyện Tiền Hải thì gặp T, Ph, công, C. T hỏi: “Anh bắt tôm cho ai?” Anh T nói: “Em bắt nhà S cho chị V Phương”. T, C cùng nói với anh T: “Tôm ở đây chúng tôi thu mua hết rồi, đánh xe về đi”. Thấy vậy anh T quay đầu xe đi ngược ra. T gọi điện thông báo cho S về việc có xe của chị V Phương đến mua tôm nhà anh S nên S điện thoại hẹn gặp chị V và được chị V cho biết chị sẽ mua tôm của anh S với giá thị trường là 81.000đ/kg. S yêu cầu chị V chỉ trả tiền cho anh S với giá 79.000đ/kg, còn 2.000đ/kg là tiền chênh lệch, chị V phải đưa cho S. Sau đó, S cùng Ph, công đi vào trong đầm gặp anh S. S yêu cầu anh S chỉ được bán tôm cho chị V với giá 79.000đ/kg, nếu không sẽ không cho xe mua tôm vào. Anh S buộc phải đồng ý. Sau đó, chị V đã mua 8,743 tấn tôm của anh S và chuyển toàn bộ số tiền mua tôm của anh S cho S. S giữ lại số tiền 17.400.000 đồng, số còn lại S trả cho anh S. Buổi trưa cùng ngày, khi biết anh S chung đầm nuôi tôm với ông Phạm Văn Cg là người cùng thôn với T nên S, T, Ph, C, công thống nhất và T đem trả lại ông Cg số tiền 17.400.000đ. Anh S và ông Cg không yêu cầu bồi thường.

Lần thứ tư: Ngày 23/6/2019 anh Trương Văn Q gọi điện cho anh N đến mua tôm do tôm của anh đang bị yếu. Anh N nói lại với anh Q về việc S yêu cầu bán thấp hơn giá thị trường 2.000đ/kg, nếu tôm yếu thì 1.000đ/kg. Nếu không làm theo, nhóm của S sẽ chặn, đuổi không cho các xe đến mua tôm. Anh Q sợ không bán được thì tôm sẽ chết nên vẫn nhờ anh N gọi anh Hoàng Xuân C đến mua 547,6kg tôm với giá 94.000đ/kg. Anh Q bị cắt giá thiệt hại 500.000đ. Anh Q không yêu cầu bồi thường.

Lần thứ năm: Chiều ngày 24/6/2019, anh Lê Văn H chủ đầm nuôi tôm khu vực Cồn Vành gọi điện cho anh N nhờ bán tôm. Anh N nói lại cho anh Hải biết nhóm của S yêu cầu anh N và các chủ đầm nuôi tôm phải bán tôm thấp hơn giá thị trường 2.000đ đến 3.000đ/kg. Trước đó anh Hải cũng đã được nghe và biết anh S và ông T đã buộc phải chấp nhận yêu cầu của S. Sợ không bán được tôm nên anh Hải vẫn nhờ anh N gọi anh Hoàng Xuân C đến mua 815kg tôm. Anh H bị thiệt hại 2.440.000đ. Anh H không yêu cầu bồi thường.

Lần thứ sáu: Ngày 24/6/2019, ông Giang H P là chủ đầm nuôi tôm tại xã NT, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình gọi điện cho anh N nhờ bán tôm. Anh N thông tin cho ông P về yêu cầu của S, đồng thời anh N bàn với ông P để ông P tự gọi điện cho anh Hoàng Xuân C đến mua tôm nhằm tránh việc phải cắt giá tôm cho nhóm S. Ông P đã gọi điện cho anh C đến mua tôm. Chiều cùng ngày, anh C đi xe ô tô đến đầm nhà ông P thì bị T, C, Ph đến yêu cầu anh C đi về. Thấy vậy ông P trao đổi lại với anh N là đồng ý bán tôm thấp hơn giá thị trường 3.000đ/kg nên anh N gọi điện bảo S để cho anh P bán tôm và anh N sẽ đưa tiền chênh lệch cho S. S đồng ý và thông tin cho T, C, Ph. Ông P bán khoảng 1 tấn tôm các loại, số tiền phải cắt cho S là 3.000.000đ. Anh C đã đưa cho anh N toàn bộ số tiền mua tôm của ông P là 86.000.000đ để anh N trả ông P. Anh N đưa toàn bộ 86.000.000đ cho ông P, không đưa số tiền chênh lệch là 3.000.000đ cho S.

Lần thứ bảy: Ngày 24/6/2019 ông Nguyễn Văn L là chủ đầm nuôi tôm tại khu vực Cồn Vành gọi điện nhờ anh N gọi người đến mua tôm. Trước đó ông L đã biết việc nhóm của S ép giá các chủ đầm nên khi anh N thông tin nội dung S yêu cầu bán thấp hơn giá thị trường 2.000-3.000đ/kg tôm, ông L đồng ý. Anh N gọi điện cho anh Hoàng Xuân C đến mua 387kg tôm. Ông L bị thiệt hại 1.161.000đ. Bị cáo S đã bồi thường cho ông L 1.161.000đ, ông L không yêu cầu bồi thường khoản nào khác.

Lần thứ tám: Khoảng 16h30’ ngày 25/6/2019, anh N đến đầm nuôi tôm khu vực Cồn Vành của ông Phí Mạnh H để mua tôm. Do trước đó ông H có nghe nói một số đầm tôm bị nhóm của S ép giá, anh N cũng thông tin: bây giờ bọn nó ép giá, phải trả cho bọn nó thì mới cho bắt, không thì nó không cho xe của người mua đến, hay chú đi báo công an đi. Ông H nói với anh N: “không bán ngay thì tôm chết, chấp nhận nộp tiền cho chúng nó, xong vụ này thì báo công an sau” và ông H phải đồng ý bán 5,0917 tấn tôm các loại trong hai ngày 25 và 26/6/2019, thiệt hại 15.000.000đ. Các bị cáo S, T, C, công đã bồi thường cho ông H 15.000.000đ. Ông H không yêu cầu bồi thường khoản nào khác.

Ngày 27/6/2019, anh Trần Văn N cùng những người bị hại là ông Phí Mạnh H, ông Trương Văn Triệu, anh Trương công H, ông Nguyễn Văn L đã đến Cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Thái Bình tố giác hành vi phạm tội của các đối tượng nêu trên. Cơ quan điều tra đã tiến hành xác minh và khởi tố, bắt tạm giam các bị cáo Lê Văn S, Tạ Đức C, Tô Mạnh C. Đối với Đặng Tú T, Nguyễn Văn P bỏ trốn. Ngày 22/8/2019 và 28/8/2019 Đặng Tú T và Nguyễn Văn P ra đầu thú.

Các bị hại ông Trương Văn T, anh Trương Văn Q, anh Lê Văn H không yêu cầu các bị cáo bồi thường. Anh Trương Văn H, ông Phí Mạnh H, ông Nguyễn Văn L, anh Nguyễn Văn S đã nhận lại tiền các bị cáo chiếm đoạt, ông Giang H P chưa bị chiếm đoạt tiền. Các bị hại đều không yêu cầu các bị cáo bồi thường khoản nào khác và có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 23/2020/HSST ngày 22/6/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình đã quyết định:

1. Tuyên bố: Các bị cáo Lê Văn S, Đặng Tú T, Nguyễn Văn P, Tạ Đức C, Tô Mạnh C phạm tội “Cưỡng đoạt tài sản”.

2. Hình phạt: Áp dụng điểm d khoản 2 Điều 170, điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, điểm g khoản 1 Điều 52; Điều 17, Điều 38, Điều 50, Điều 58 Bộ luật hình sự;

- Xử phạt bị cáo Lê Văn S 3 (ba) năm 6 (Sáu) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày chấp hành án được trừ đi thời gian bị tạm giữ, tạm giam từ ngày 05/7/2019 đến ngày 30/12/2019.

- Xử phạt bị cáo Tạ Đức C 3 (ba) năm tù, thời hạn tù tính từ ngày chấp hành án được trừ đi thời gian bị tạm giữ, tạm giam từ ngày 05/7/2019 đến ngày 24/12/2019.

- Xử phạt bị cáo Nguyễn Văn P 3 (ba) năm tù, thời hạn tù tính từ ngày chấp hành án được trừ đi thời gian bị tạm giữ, tạm giam từ ngày 28/8/2019 đến ngày 24/12/2019.

- Xử phạt bị cáo Tô Mạnh C 3 (ba) năm tù, thời hạn tù tính từ ngày chấp hành án được trừ đi thời gian bị tạm giam từ ngày 05/7/2019 đến ngày 01/11/2019.

Áp dụng điểm d khoản 2 Điều 170, điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, điểm g, h khoản 1 Điều 52; Điều 17, Điều 38, Điều 50, Điều 58 Bộ luật hình sự;

- Xử phạt bị cáo Đặng Tú T 3 (ba) năm 6 (sáu) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày chấp hành án được trừ đi thời gian bị tạm giữ từ ngày 22/8/2019 đến ngày 30/8/2019.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về trách nhiệm dân sự; về xử lý tang vật, án phí và thông báo quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Sau khi xét xử sơ thẩm. ngày 01/7/2020, bị cáo Lê Văn S có đơn kháng cáo xin giảm hình phạt.

Ngày 03/7/2020 bị cáo Đặng Tú T kháng cáo đề nghị giảm hình phạt. Ngày 24/6/2020 bị cáo Tạ Đức C kháng cáo đề nghị giảm hình phạt và xin hưởng án treo.

Ngày 06/7/2020 bị cáo Nguyễn Văn P, bị cáo Tô Mạnh C kháng cáo đề nghị giảm hình phạt.

Tại phiên tòa phúc thẩm: Lê Văn S giữ nguyên yêu cầu kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và nộp thêm tài liệu xác nhận của công an huyện HH, tỉnh Thanh Hóa về việc Lê Văn S đã cung cấp thông tin ngày 12/4/2020 giúp công an huyện phá vụ án “ Tổ chức đánh bạc” đối với đối tượng Trần Hữu Tâm ở xã Hoàng Hải, huyện Hoàng Hóa; ngoài ra S còn cung cấp một số thông tin liên quan đến tình hình an ninh tội phạm hình sự trên địa bàn; bị cáo nộp biên lại nộp án phí hình sự sơ thẩm tại biên lai số 0008884 ngày 08/7/2020 tại Cục thi hành án dân sự tỉnh Thái Bình.

Bị cáo Tạ Đức C thay đổi nội dung kháng cáo, chỉ xin giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo nộp đơn đề nghị có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã NC, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình về hoàn cảnh khó khăn; gia đình có công với cách mạng do ông nội bị cáo được nhà nước tặng Huân chương kháng chiến hạng ba, bố đẻ là Thương binh hạng ¾ đã chết, con đẻ mới sinh để xin giảm nhẹ hình phạt.

Các bị cáo Đặng Tú T, Nguyễn Văn P và Tô Mạnh C tự nguyện xin rút kháng cáo.

Đại diện Viên kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội kết luận: Đơn kháng cáo của các bị cáo đúng quy định nên cần được chấp nhận để xét.

Tại phiên tòa các bị cáo Đặng Tú T, bị cáo Nguyễn Văn P và Tô Mạnh C xin rút kháng cáo. Xét thấy việc rút kháng cáo của các bị cáo này tại phiên tòa là hoàn toàn tự nguyện. Đề nghị Hội đồng xét xử đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng cáo của các bị cáo T, Ph, công.

Đối với kháng cáo của Lê Văn S: Bị cáo nộp thêm tài liệu của công an huyện HH, tỉnh Thanh Hóa đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng thêm điểm t khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự đối với bị cáo. Bị cáo đã nộp án phí hình sự sơ thẩm cần được ghi nhận.

Đối với kháng cáo của Tạ Đức C: Tại phiên tòa bị cáo xuất trình thêm tài liệu về việc ông nội của bị cáo được Nhà nước tặng Huân chương kháng chiến Hạng Ba là tình tiết gia đình có công với Cách mạng; bố bị cáo là Thương binh hạng ¾ nên cần được áp dụng bổ sung tình tiết giảm nhẹ theo quy định.

Tuy nhiên mức hình phạt của bản án sơ thẩm đã áp đụng đối với bị cáo S và bị cáo C là phù hợp và tương xứng với tính chất và hành vi phạm tội của cả hai bị cáo nên không có căn cứ chấp nhận kháng cáo để giảm nhẹ hình phạt cho S và C. Đề nghị Hội đồng xét xử giữ nguyên các quyết định của bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về hình thức: Đơn kháng cáo của các bị cáo Lê Văn S, Đặng Tú T, Tạ Đức C, Nguyễn Văn P, Tô Mạnh C đảm bảo về hình thức và trong hạn luật định nên được chấp nhận để xem xét theo trình tự phúc thẩm;

Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo Lê Văn S nộp thêm văn bản của công an huyện HH, tỉnh Thanh Hóa về việc Lê Văn S đã cung cấp thông tin ngày 12/4/2020 giúp công an huyện phá vụ án “Tổ chức đánh bạc” đối với đối tượng Trần Hữu Tâm ở xã Hoàng Hải, huyện Hoàng Hóa; ngoài ra S còn cung cấp một số thông tin liên quan đến tình hình an ninh tội phạm hình sự trên địa bàn; bị cáo nộp biên lai nộp án phí hình sự sơ thẩm tại biên lai số 0008884 ngày 08/7/2020 tại Cục thi hành án dân sự tỉnh Thái Bình.

Bị cáo Tạ Đức C thay đổi nội dung kháng cáo, chỉ xin giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo nộp đơn đề nghị có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã NC, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình về hoàn cảnh khó khăn; gia đình có công với cách mạng do ông nội bị cáo được Nhà nước tặng Huân chương kháng chiến Hạng Ba, bố đẻ là Thương binh hạng ¾ đã chết, con đẻ mới sinh để xin giảm nhẹ hình phạt. Đây là những tài liệu cần tranh tụng tại phiên tòa.

Bị cáo Đặng Tú T, Nguyễn Văn P, Tô Mạnh C xin rút kháng cáo tại phiên tòa để thể hiện sự ăn năn hối cải. Việc rút đơn kháng cáo của cả ba bị cáo là hoàn toàn tự nguyện nên cần được chấp nhận; căn cứ vào Điều 348 Bộ Luật tố tụng hình sự đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng cáo của Đặng Tú T, Nguyễn Văn P, Tô Mạnh C.

[2] Về nội dung: Xét kháng cáo đối với nội dung xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Lê Văn S và bị cáo Tạ Đức C.

[2.1] Về hành vi phạm tội:

Tại phiên tòa phúc thẩm các bị cáo tiếp tục khai thừa nhận hành vi phạm tội của mình như bản án sơ thẩm đã quy kết. Lời khai nhận tội của các bị cáo tại phiên tòa phù hợp với lời khai của các bị cáo trong quá trình điều tra, phù hợp với lời khai của các bị hại: Ông Phí Mạnh H, ông Trương Văn T, ông Giang H P, ông Nguyễn Văn L, anh Nguyễn Văn S, anh Trương Văn H, anh Lê Văn H, anh Trương Văn Q; phù hợp với khai của những người làm chứng: Anh Trần Văn N, ông Đặng Xuân H, chị Vũ H V, anh Bùi Văn H, ông Lê Xuân Khoái, ông Nguyễn Đình Hiệp, anh Bùi Văn Th, anh Hoàng Xuân C, anh Nguyễn Đức T, bà Vũ Thị Vẻ, bà Ngô Thị Mão, bà Trần Thị Tình, bà Nguyễn Thị Lan, ông Nguyễn Xuân Trưởng, anh Lê Văn S cùng các tài liệu, chứng cứ khác được thu thập hợp pháp có trong hồ sơ vụ án.

Do đó có đủ căn cứ kết luận: Do biết việc nuôi tôm đến kỳ thu hoạch nếu không bán được thì tôm sẽ chết hoặc phải nuôi thêm thời gian sẽ tốn kém chi phí, thức ăn nên Lê Văn S đã yêu cầu một số chủ đầm nuôi tôm và người môi giới mua bán tôm tại các xã NT và xã Nam P, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình phải bán tôm với giá thấp hơn giá thị trường từ 2000đ đến 3000đ/kg tùy loại, còn người mua vẫn phải mua tôm theo đúng giá thị trường, số tiền chênh lệch phải đưa lại cho S. Nếu không S sẽ chặn đường không cho các xe vào đầm mua tôm. S rủ Đặng Tú T làm nhiệm vụ chặn các xe ô tô đến mua tôm, số tiền chiếm đoạt được sẽ chia nhau. T đồng ý và rủ Nguyễn Văn P, Tô Mạnh C, Tạ Đức C cùng chặn xe. Với thủ đoạn đó từ ngày 18/6/2019 đến ngày 26/6/2019, các bị cáo đã đe dọa chiếm đoạt số tiền 94.501.000đ của các chủ đầm tôm. Trong đó các bị cáo đã chiếm đoạt được 91.501.000đ, còn 3.000.000đ chưa chiếm đoạt được của ông Giang H P. Do vậy, hành vi của các bị cáo Lê Văn S, Đặng Tú T, Tạ Đức C, Nguyễn Văn P, Tô Mạnh C đã phạm tội “Cưỡng đoạt tài sản” với tình tiết định khung quy định tại điểm d khoản 2 Điều 170 Bộ luật Hình sự.

Tại bản án sơ thẩm, Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm đã xem xét tính chất, mức độ, hậu quả hành vi phạm tội của các bị cáo đã đe dọa uy hiếp tinh thần của bị hại, xâm phạm trực tiếp đến quyền sở hữu tài sản, làm mất trật tư, trị an, gây tâm lý Hng mang, lo lắng trong quần chúng nhân dân. Các bị cáo tuổi còn trẻ, có sức khỏe nhưng không chịu lao động chân chính, muốn chiếm đoạt tài sản của người khác để thỏa mãn nhu cầu cá nhân. Đây là vụ án đồng phạm giản đơn, các bị cáo cùng thống nhất ý C và cùng nhau thực hiện hành vi cưỡng đoạt. Trong đó, bị cáo S là người khởi xướng, nêu ra thủ đoạn cưỡng ép để chiếm đoạt tài sản và thông báo cho các chủ đầm nuôi tôm phải bán tôm thấp hơn giá trị trường từ 1000đ đến 3.000đ/1 kg. Bị cáo T đã tiếp nhận ý C của bị cáo S, là người có hành vi giúp sức tích cực, là người rủ rê các bị cáo C, công và Ph cùng tham gia thực hiện việc chặn xe vào mua tôm. Do đó bị cáo S giữ vai trò thứ nhất, bị cáo T giữ vai trò thứ hai, các bị cáo C, công và Ph có hành vi tích cực ngang nhau và giữ vai trò thứ ba trong vụ án là đúng người, đúng tội và đã phân hóa rõ vai trò của các bị cáo với mức hình phạt phù hợp với từng bị cáo.

Khi quyết định hình phạt, tòa án cấp sơ thẩm đã xét nhân thân, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo: như các bị cáo đều phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 2 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự. Bị cáo T đã bị xử phạt tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản”, bị cáo chấp hành án xong ngày 17/9/2017, chưa được xóa án tích nên bị cáo phải chịu tình tiết tăng nặng “tái phạm” quy định tại điểm h khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự.

Về tình tiết giảm nhẹ: Các bị cáo đều thành khẩn khai nhận, ăn năn hối cải, đã bồi thường xong thiệt hại; các bị hại có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo; bị cáo T, Ph sau khi phạm tội đã đầu thú nên các bị cáo đều được hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại các điểm b, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự. Do đó đã áp dụng đủ các tình tiết và quyết định mức hình phạt phù hợp với tính chất, mức độ hành vi của từng bị cáo để cải tạo, giáo dục các bị cáo theo quy định của Bộ luật hình sự cũng như góp phần đấu tranh phòng ngừa tội phạm nói chung trong xã hội.

[2.2] Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo Lê Văn S xuất trình thêm thêm văn bản của công an huyện HH, tỉnh Thanh Hóa về việc Lê Văn S đã cung cấp thông tin ngày 12/4/2020 giúp công an huyện phá vụ án “Tổ chức đánh bạc” đối với đối tượng Trần Hữu Tâm ở xã Hoàng Hải, huyện Hoàng Hóa; ngoài ra S còn cung cấp một số thông tin liên quan đến tình hình an ninh tội phạm hình sự trên địa bàn; đây là tình tiết chưa được tòa án cấp sơ thẩm xem xét. Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại phiên tòa cũng đề nghị áp dụng thêm điểm t khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự đối với bị cáo S. Ngoài ra bị cáo tự nguyên nộp án phí hình sự sơ thẩm tại biên lai số 0008884 ngày 08/7/2020 tại Cục thi hành án dân sự tỉnh Thái Bình. Như vậy bị cáo S được áp dụng điểm b, s, t khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự và chịu một tình tiết tăng nặng theo điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự.

[2.3] Đối với Tạ Đức C, tại phiên tòa bị cáo xuất trình tài liệu chứng minh tình tiết là gia đình có công với Cách mạng do ông nội bị cáo được Nhà nước tặng Huân chương kháng chiến Hạng Ba, bố đẻ là Thương binh hạng ¾. Đây chỉ là những tình tiết giảm nhẹ thêm tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự nhưng xét thấy cần áp dụng chính sách H đối với bị cáo C là kẻ bị rủ rê, lôi kéo, có vai trò thứ yếu và chỉ gián tiếp tham gia đi cùng các bị cáo 03 lần để áp dụng Điều 54 Bộ luật hình sự giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo hưởng mức án dưới khung hình phạt.

[3] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

[4] Về án phí: Do các bị cáo T, Ph, công rút kháng cáo nên không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm. Do kháng cáo được chấp nhận nên bị cáo Lê Văn S, bị cáo Tạ Đức C không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

[1]. Căn cứ khoản 1 Điều 348 Bộ luật tố tụng hình sự. Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án: Đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với các bị cáo Đặng Tú T, Nguyễn Văn P, Tô Mạnh C. Các quyết định của bản án sơ thẩm số 23/2020/HSST ngày 22/6/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình đối với Đặng Tú T, Nguyễn Văn P, Tô Mạnh C có hiệu lực pháp luật.

[2]. Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355; điểm c khoản 1 Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự; Sửa một phần về hình phạt đối với bị cáo Lê Văn S và Tạ Đức C. Cụ thể:

Áp dụng điểm d khoản 2 Điều 170, điểm b, s, t khoản 1, khoản 2 Điều 51, điểm g khoản 1 Điều 52; Điều 17, Điều 38, Điều 50, Điều 58 Bộ luật hình sự; Xử phạt bị cáo Lê Văn S 3 (ba) năm tù, thời hạn tù tính từ ngày chấp hành án được trừ đi thời gian bị tạm giữ, tạm giam từ ngày 05/7/2019 đến ngày 30/12/2019.

Áp dụng điểm d khoản 2 Điều 170, điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, điểm g khoản 1 Điều 52; Điều 17, Điều 38, Điều 50, Điều 54, Điều 58 Bộ luật hình sự; Xử phạt bị cáo Tạ Đức C 30 (ba mươi) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày chấp hành án được trừ đi thời gian bị tạm giữ, tạm giam từ ngày 05/7/2019 đến ngày 24/12/2019.

[3]. Về án phí: Áp dụng khoản 2 Điều 136 của Bộ luật Tố tụng hình sự khoản 1 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án:

Bị cáo Lê Văn S, Đặng Tú T, Tạ Đức C, Nguyễn Văn P, Tô Mạnh C không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Xác nhận bị cáo Lê Văn S đã nộp án phí hình sự sơ thẩm tại biên lai số 0008884 ngày 08/7/2020 tại Cục thi hành án dân sự tỉnh Thái Bình.

[4]. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

[5]. Bản án hình sự phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

219
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 609/2020/HSPT ngày 23/12/2020 về tội cưỡng đoạt tài sản

Số hiệu:609/2020/HSPT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 23/12/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký



  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;