TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN
BẢN ÁN 99/2017/HSPT NGÀY 13/12/2017 VỀ TỘI CƯỠNG ĐOẠT TÀI SẢN
Ngày 13 tháng 12 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số: 98/2017/HSPT ngày 06/11/2017 đối với bị cáo Hoàng Ngọc Q, do có kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hưng Yên đối với bản án hình sự sơ thẩm 65/2017/HSST ngày 29/9/2017 của Toà án nhân dân huyện K, tỉnh Hưng Yên.
* Bị cáo bị kháng nghị:
Hoàng Ngọc Q, sinh năm 1996; nơi sinh và đăng ký HKTT: Thôn V, xã H, huyện K, tỉnh Hưng Yên; nghề nghiệp: Làm ruộng; trình độ văn hoá: Lớp 5/12; con ông Hoàng Ngọc B (đã chết) và bà Tạ Thị T; tiền án, tiền sự: Không; nhân thân: Ngày 19/4/2012 bị Công an huyện K xử phạt hành chính 1.500.000 đồng về hành vi Tàng trữ trái phép chất ma túy (hết thời hiệu thi hành) và ngày 15/6/2012 bị Chủ tịch UBND huyện K quyết định xử phạt hành chính bằng hình thức đưa vào Trường giáo dưỡng, thời hạn 24 tháng về hành vi Trộm cắp tài sản (chấp hành xong năm 2014); bắt tạm giam ngày 29/4/2017, hiện đang tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Hưng Yên “có mặt”.
Trong bản án còn có người bị hại là anh Nguyễn Văn Đ và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là anh Phạm Văn A không kháng cáo, không bị kháng nghị.
NHẬN THẤY
Theo bản cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện K và bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện K, tỉnh Hưng Yên thì nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Khoảng cuối năm 2015, Hoàng Ngọc Q mượn bạn là anh Nguyễn Quang D ở thôn N, xã M, huyện P 01 chiếc điện thoại di động nhãn hiệu Iphone 6 mang cầm cố vay 8.000.000 đồng. Sau đó, anh D nói với Q lấy điện thoại về cầm cố cho anh Nguyễn Văn Đ ở thôn Long Vĩ, xã Thanh Long, huyện Yên Mỹ (bạn anh D). Q đồng ý lấy điện thoại của anh D về và cầm cố cho anh Đ để vay số tiền 8.000.000 đồng; Q hẹn với anh Đ thời hạn vay 01 tháng sẽ trả tiền. Đến hết thời gian vay tiền theo hẹn, Q không nói gì với anh Đ về việc trả tiền nên sau khoảng 45 ngày anh Đ đã bán chiếc điện thoại nhận cầm cố của Q cho người khác. Do giá trị chiếc điện thoại Iphone 6 anh Đ đã bán lớn hơn số tiền đã cầm cố cho Q, nên giữa anh Đ và Q thỏa thuận anh Đ sẽ trả thêm cho Q 3.000.000 đồng và anh Đ viết giấy nhận nợ của Q 03 triệu đồng. Ngày 22/12/2016, anh Đ xin Q giảm số tiền nợ xuống còn 1.500.000 đồng và hẹn Q đến khu vực cầu L, xã E, huyện C để trả tiền.
Q nhờ bạn là anh Nguyễn Chí S ở thôn X, xã Â, huyện K cầm giấy nhận nợ của anh Đ đi lấy tiền. Tại nơi hẹn, anh Đ đưa cho anh S 700.000 đồng và xin nợ lại 800.000 đồng. Anh S xé giấy nhận nợ rồi cầm 700.000 đồng về đưa cho Q. Ngày 25/12/2016, anh Đ trả Q 500.000 đồng bằng cách gửi tin nhắn 10 mã số thẻ điện thoại (trị giá mỗi thẻ là 50.000 đồng) vào điện thoại di động của Q. Khoảng 11 giờ ngày 27/12/2016, khi anh S chở Q bằng xe mô tô đi từ quán Internet thuộc thôn Y, xã U thì Q nhìn thấy anh Đ đi xe mô tô ngược chiều nên Q bảo anh S quay lại để Q đòi anh Đ số tiền còn nợ 300.000 đồng. Khi đến khu vực cây xăng Ư thuộc thôn Y, xã U thì Q xuống xe gặp anh Đ còn anh S đi về.
Q đòi tiền anh Đ nhưng anh Đ nói không có tiền để trả. Q thấy anh Đ đang cầm chiếc điện thoại Iphone 5 màu trắng trị giá 2.050.000 đồng nên nảy sinh ý định lấy điện thoại của anh Đ để cầm cố lấy tiền. Q bảo anh Đ chở đến cửa hàng điện thoại “P1” ở thôn Y, xã U. Q bảo anh Đ “mày sang cắm điện thoại lấy tiền đưa cho anh, chiều mày lấy điện thoại” nhưng anh Đ không đồng ý. Thấy vậy, Q hỏi mượn anh Đ điện thoại để gọi điện cho bạn đến đón, nên anh Đ đưa điện thoại cho Q mượn và Q gọi điện cho anh S nhờ đi đón nhưng anh S không xuống được. Sau đó anh Đ đòi điện thoại để đi về nhưng Q không trả, chửi anh Đ và nói “mày không cắm thì để anh cắm”. Q cầm điện thoại của anh Đ đi sang cửa hàng điện thoại di động “P1” và bảo chị Nguyễn Thị P2 chủ cửa hàng cầm cố điện thoại của anh Đ với giá 300.000 đồng, nhưng anh Đ đi theo và nói với chị P2 là điện thoại của anh Đ cài mật khẩu Icloud không cầm cố được, nên chị P2 không nhận cầm cố điện thoại để cho Q vay tiền.
Do không cầm cố được điện thoại, Q quay ra, lúc này anh Đ ngồi trên yên xe mô tô dựng trước cửa hàng của chị P2. Q cầm chiếc điện thoại Iphone 5 của anh Đ cất vào túi quần đang mặc rồi đi ra chửi Đ: “Mày nợ tiền tao, mày định không trả, mày thích gì”; vừa chửi Q vừa dùng tay trái túm cổ áo anh Đ, rồi dùng tay phải tát một cái vào má trái của anh Đ. Bị đánh, anh Đ đẩy Q ra và nói “anh đừng đánh em, anh trả em điện thoại”. Q tiếp tục chửi “mày thích chết không, mày tin bố đánh chết mày ở đây không”, vừa chửi Q vừa giơ tay lên định tát thì anh Đ điều khiển xe bỏ đi. Q mang chiếc điện thoại lấy được của anh Đ về nhà cất giữ và khoảng 14 giờ ngày 28/12/2016, Q đem điện thoại của anh Đ đến cửa hàng điện thoại T1 ở thị tứ B1, xã H, huyện K bán cho anh Phạm Quang A được 500.000 đồng, số tiền này Q đã dùng chi tiêu cá nhân hết. Khi bán điện thoại Q nói với anh A điện thoại của Q không dùng bán, nên anh A đã mua mà không biết chiếc điện thoại đó do Q lấy của anh Đ mà có. Sau khi bị Q lấy điện thoại, anh Đ đã làm đơn trình báo đến Công an xã U và Công an huyện K yêu cầu xử lý Q theo pháp luật và thu hồi điện thoại.
Tại bản án hình sự sơ thẩm số: 65/2017/HSST ngày 29/9/2017 của Toà án nhân dân huyện K, tỉnh Hưng Yên đã quyết định:
Tuyên bố bị cáo Hoàng Ngọc Q phạm tội Cưỡng đoạt tài sản.
Áp dụng khoản 1 Điều 135; điểm g, p khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự.
Xử phạt bị cáo Hoàng Ngọc Q 01 năm 03 tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày 29/4/2017.
Ngoài ra bản án còn quyết định về biện pháp tư pháp, án phí và tuyên quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Ngày 25/10/2017, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hưng Yên kháng nghị phúc thẩm đề nghị sửa bản án sơ thẩm, tuyên bố bị cáo Hoàng Ngọc Q phạm Tội cướp tài sản theo khoản 1 Điều 133 Bộ luật hình sự và tăng mức hình phạt đối với bị cáo Q.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hưng Yên giữ nguyên quyết định kháng nghị; sau khi phân tích, đánh giá chứng cứ chứng minh vào khoảng hơn 11 giờ ngày 27/12/2016 tại khu vực trước cửa hàng kinh doanh điện thoại “P1” thuộc thôn Y, xã U, huyện K, tỉnh Hưng Yên; Hoàng Ngọc Q đã dùng vũ lực đánh tát vào mặt anh Nguyễn Văn Đ và đang tiếp tục dùng vũ lực ngay tức khắc để chiếm đoạt của anh Đ 01 chiếc điện thoại Iphone 5 màu trắng trị giá 2.050.000 đồng và Q đem bán được 500.000 đồng chi tiêu cá nhân hết.
Hành vi của Hoàng Ngọc Q có đủ dấu hiệu cấu thành Tội cướp tài sản theo khoản 1 Điều 133 Bộ luật hình sự, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm đã thay đổi tội danh, xét xử Hoàng Ngọc Q phạm Tội cưỡng đoạt tài sản theo khoản 1 Điều 135 Bộ luật hình sự và phạt bị cáo Q 01 năm 03 tháng tù là không đúng quy định của pháp luật. Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm căn cứ điểm b khoản 2 Điều 248; khoản 3 Điều 249 Bộ luật Tố tụng hình sự để chuyển tội danh của bị cáo Q sang Tội cướp tài sản theo khoản 1 Điều 133 BLHS và áp dụng tình tiết giảm nhẹ theo điểm g, h khoản 1 Điều 46 BLHS để phạt bị cáo Q từ 03 năm 06 tháng tù đến 04 năm tù. Các phần quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị nên không đề nghị xem xét.
Bị cáo Hoàng Ngọc Q thừa nhận hành vi của bị cáo thực hiện đã tự nguyện khai báo thành khẩn, đúng và đầy đủ trong quá trình điều tra và tại các phiên tòa, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét theo quy định của pháp luật và giảm nhẹ mức hình phạt cho bị cáo để sớm được trở về với gia đình, xã hội.
Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa phúc thẩm; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác,
XÉT THẤY
Lời khai của Hoàng Ngọc Q tại phiên tòa phúc thẩm hoàn toàn phù hợp với bản tự khai, lời khai của bị cáo trước cơ quan điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm có trong hồ sơ vụ án; đồng thời phù hợp với đơn trình báo và lời khai của người bị hại Nguyễn Văn Đ, người làm chứng Nguyễn Thị P2, lời khai của người có quyền lợi liên quan Phạm Quang A và biên bản khám nghiệm hiện trường, thu giữ vật chứng, kết luận của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện K, cùng các tài liệu có trong hồ sơ đã có đủ cơ sở kết luận: Xuất phát từ việc anh Nguyễn Văn Đ có nợ của Q số tiền 300.000 đồng từ việc cầm cố điện thoại trước đây, nên khoảng 11 giờ ngày 27/12/2016 Q gặp anh Đ gần cây xăng Ư thuộc thôn Y, xã U và Q đòi anh Đ số tiền nợ 300.000 đồng nhưng Đ không có tiền trả. Q thấy anh Đ có chiếc điện thoại Iphone 5 màu trắng nên nảy sinh ý định lấy điện thoại của Đ đi cầm cố lấy tiền trừ nợ. Q bảo Đ chở quay lại phía cửa hàng điện thoại “P1” ở thôn Y, xã U, huyện K và bảo anh Đ sang cắm điện thoại lấy tiền trả Q nhưng anh Đ trả lời không cắm điện thoại.
Do đó, Q hỏi mượn anh Đ điện thoại để gọi cho bạn đến đón. Anh Đ đưa điện thoại cho Q mượn, nhưng sau khi gọi điện thoại xong Q không trả cho anh Đ điện thoại; khi anh Đ đòi điện thoại nhưng Q không trả mà cầm điện thoại của anh Đ vào quán "P1" để cắm lấy tiền. Anh Đ không đồng ý nên đi sau bảo chủ quán là điện thoại của em đã cài mật khẩu Icloud không cắm được đâu, nên chị P2 chủ cửa hàng không nhận cầm cố điện thoại. Q quay ra đút điện thoại vào túi quần, vừa chửi Q vừa dùng tay trái túm cổ áo anh Đ, rồi dùng tay phải tát một cái vào má trái của anh Đ. Bị đánh, anh Đ đẩy Q ra và nói “anh đừng đánh em, anh trả em điện thoại”. Q tiếp tục chửi “mày thích chết không, mày tin bố đánh chết mày ở đây không”, vừa chửi Q vừa giơ tay lên định tát thì anh Đ đang ngồi trên xe máy bỏ đi và nói đấy điện thoại của em anh muốn làm gì thì làm. Sau đó Q mang điện thoại lấy được của anh Đ về nhà và hôm sau mang đi bán cho anh A được 500.000 đồng chi tiêu cá nhân hết.
Hoàng Ngọc Q là người đã thành niên, có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự; do anh Đ có nợ của Q số tiền 300.000 đồng nhưng Q đòi anh Đ không trả; khi thấy anh Đ có chiếc điện thoại Iphone 5 màu trắng thì Q nảy sinh ý định lấy điện thoại của Đ đem cầm cố trừ nợ để Đ phải mang tiền đến chuộc điện thoại về. Do đó Q đã hỏi mượn anh Đ chiếc điện thoại để gọi cho bạn đến đón, anh Đ đồng ý đưa điện thoại cho Q mượn nhưng khi đã gọi điện xong Q không trả cho anh Đ điện thoại mà bảo Đ mang điện thoại vào cửa hàng bán điện thoại cầm cố lấy 300.000 đồng trả Q; anh Đ không đồng ý thì Q đã trực tiếp cầm điện thoại của anh Đ vào gặp chủ cửa hàng để cầm cố điện thoại vay tiền, nhưng anh Đ không đồng ý và đi theo phản đối và nói với chủ cửa hàng là chiếc điện thoại đó không phải của Q mà của anh Đ đã cài mật khẩu Icloud nên không cắm được.
Do bực tức về việc anh Đ nợ tiền Q không trả, không đồng ý cắm điện thoại lấy tiền trả Q, khi Q vào cắm điện thoại để lấy tiền trừ nợ thì phản đối, nên Q quay ra túm cổ áo và dùng tay phải tát anh Đ một cái vào má trái; anh Đ đẩy Q ra và nói anh đừng đánh em, khi anh Đ đang ngồi trên xe thì Q lại chửi và đe dọa đánh anh Đ chết tại đó rồi giơ tay định đánh tiếp thì anh Đ bỏ đi và nói với Q điện thoại của anh Đ, Q muốn làm gì thì làm. Bởi hành vi của Q đã thực hiện nêu trên, Tòa án cấp sơ thẩm đã phân tích và nhận định: Do đã có ý định chiếm đoạt chiếc điện thoại của anh Đ từ trước, nên Q đã hỏi và được anh Đ cho mượn điện thoại. Vì muốn chiếm đoạt chiếc điện thoại của anh Đ nên Q đã cố ý gây sức ép bắt Đ trả nợ, đó là dùng thủ đoạn giải quyết mâu thuẫn cá nhân với anh Đ như chửi bới, thậm chí dùng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực đối với anh Đ để anh Đ sợ không dám đòi điện thoại.
Trên thực tế thì anh Đ đã bỏ đi, trước khi bỏ đi anh Đ có nói: “Đấy, điện thoại của em đấy, anh muốn làm gì thì làm”. Việc Q dùng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực không có sức mãnh liệt, đến mức có thể làm tê liệt ý thức chống cự của anh Đ mà chỉ có khả năng khống chế ý chí của anh Đ. Vì khi xảy ra sự việc vào lúc 11 giờ trưa, cạnh đường 39A rất nhiều người, phương tiện đi lại trên đường. Chính bản thân anh Đ vẫn còn có điều kiện suy nghĩ, cân nhắc để không kêu cứu vì sợ Q trả thù anh Đ. Do vậy, Tòa án cấp sơ thẩm đã quy kết Hoàng Ngọc Q phạm Tội cưỡng đoạt tài sản, theo khoản 1 Điều 135 Bộ luật Hình sự là có căn cứ, phù hợp quy định của pháp luật và theo nguyên tắc có lợi cho người phạm tội.
Xét kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hưng Yên, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận thấy: Nguyên nhân dẫn đến việc Hoàng Ngọc Q chiếm đoạt chiếc điện thoại của anh Nguyễn Văn Đ là do anh Đ còn nợ tiền của Q đã lâu nhưng không trả. Khi gặp nhau Q đòi tiền, anh Đ không có trả và Q đã bảo anh Đ là Q đang rất cần số tiền 300.000 đồng nên đòi anh Đ phải trả, nếu không có tiền thì đem điện thoại đi cầm cố vào cửa hàng điện thoại vay tiền trả Q rồi sau anh Đ có tiền sẽ đến chuộc lại nhưng Đ không đồng ý.
Khi Q cầm điện thoại của anh Đ vào cầm cố vay tiền thì anh Đ phản đối và bảo chủ cửa hàng điện thoại của Đ có mật khẩu Icloud nên không cắm được đâu. Do bực tức việc anh Đ nợ tiền không trả, có điện thoại không chịu cầm cố vay tiền trả cho Q, nên Q đã đánh anh Đ chứ không phải Q đánh anh Đ để chiếm đoạt chiếc điện thoại. Sau đó, Q có chửi và đe dọa đánh Đ là do Đ vẫn nợ tiền không chịu trả, thời điểm Q đánh và đe dọa không làm anh Đ bị tê liệt ý chí mà khi bỏ đi anh Đ vẫn nói với Q là điện thoại của em đấy muốn làm gì thì làm. Do đó, hành vi mặt khách quan của Q thực hiện không đủ căn cứ xác định Q dùng vũ lực và dùng tức khắc vũ lực là dấu hiệu cấu thành tội cướp tài sản theo khoản 1 Điều 133 Bộ luật hình sự, mà hành vi của Q chỉ là đe dọa sẽ đánh Q và cầm điện thoại của Q chỉ nhằm mục đích cắm lấy tiền để trừ khoản nợ của anh Đ với Q mà thôi, nên hành vi này của Q chỉ là mặt khách quan trong cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản theo khoản 1 Điều 135 Bộ luật hình sự.
Vì vậy, kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hưng Yên yêu cầu sửa bản án sơ thẩm, chuyển tội danh của Hoàng Ngọc Q từ Tội cưỡng đoạt tài sản theo khoản 1 Điều 135 Bộ luật hình sự sang Tội cướp tài sản theo khoản 1 Điều 133 Bộ luật hình sự là không đủ cơ sở, nên không được chấp nhận.
Đối với phần kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hưng Yên yêu cầu tăng hình phạt, Hội đồng xét xử xét thấy: Bị cáo Q là người có nhân thân xấu, đã nhiều lần bị xử phạt hành chính, đã được đưa đi trường giáo dưỡng nhưng khi trở về địa phương, bị cáo không chịu phấn đấu, tu dưỡng rèn luyện bản thân, là thanh niên nhưng lười lao động, ham chơi và đã đi sâu vào con đường phạm tội nên cần phải áp dụng một mức hình phạt nghiêm khắc để tạo điều kiện cho bị cáo cải tạo và phấn đấu thành người có hữu ích cho gia đình xã hội.
Mặt khác, khi xét xử Tòa án sơ thẩm áp dụng cho bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự gây thiệt hại không lớn là không chính xác, vì tài sản bị cáo chiếm đoạt chiếc điện thoại trị giá 2.050.000 đồng, nhưng ngoài giá trị vật chất thì người bị hại còn mất nhiều dữ liệu quan trọng trong điện thoại như danh bạ điện thoại, các dữ liệu liên quan đến đời tư, giá trị tinh thần...nên cấp phúc thẩm sẽ bỏ tình tiết giảm nhẹ này. Đánh giá tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo gây ra là nguy hiểm cho xã hội, gây mất trật tự trị an xã hội tại địa phương, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm chỉ áp dụng cho bị cáo mức hình phạt 01 năm 03 tháng tù là nhẹ, không tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm do hành vi phạm tội của bị cáo đã gây ra.
Do đó, Hội đồng xét xử xét kháng nghị yêu cầu tăng hình phạt của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hưng Yên đối với bị cáo Q là có cơ sở, được chấp nhận để tăng thêm một phần hình phạt đối với bị cáo, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật.
Các phần quyết định khác của bản án hình sự sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị, cấp phúc thẩm không xem xét.
Bị cáo không kháng cáo nên không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
Vì các lẽ trên;
Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 248; khoản 3 Điều 249; Điều 99 Bộ luật Tố tụng hình sự; Điều 23 Nghị quyết 326/2016/NQ-UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án.
QUYẾT ĐỊNH
1. Chấp nhận một phần kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hưng Yên, sửa bản án hình sự sơ thẩm số: 65/2017/HSST ngày 29/9/2017 của Toà án nhân dân huyện K, tỉnh Hưng Yên như sau:
Tuyên bố bị cáo Hoàng Ngọc Q phạm tội Cưỡng đoạt tài sản.
Áp dụng: Khoản 1 Điều 135; điểm p khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự.
Xử phạt bị cáo Hoàng Ngọc Q 02 (hai) năm tù, thời hạn tù tính từ ngày 29/4/2017.
2. Án phí: Bị cáo Hoàng Ngọc Q không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
3. Các phần quyết định khác của bản án hình sự sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 99/2017/HSPT ngày 13/12/2017 về tội cưỡng đoạt tài sản
Số hiệu: | 99/2017/HSPT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hưng Yên |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 13/12/2017 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về