TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN ĐẮK GLONG, TỈNH ĐẮK NÔNG
BẢN ÁN 60/2017/HSST NGÀY 28/11/2017 VỀ TỘI HỦY HOẠI RỪNG
Ngày 28 tháng 11 năm 2017, tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã Q, Tòa án nhân dân huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 63/2017/HSST ngày 15 tháng 11 năm 2017 đối với các bị cáo:
1. Lù A T, sinh năm 1982, tại Lào Cai; nơi ĐKNKTT và chỗ ở hiện nay: Thôn 4, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Đắk Nông; nghề nghiệp: Làm nông; trình độ học vấn: không biết chữ; dân tộc: H’Mông; con ông Lù A P và bà Lý Thị S; có vợ là Giàng Thị P và có 05 con; bị bắt tạm giam từ ngày 22/7/2017 đến ngày 24/8/2017; hiện tại ngoại - có mặt.
2. Giàng Thị P, sinh năm 1984, tại Lào Cai; nơi ĐKNKTT và chỗ ở hiện nay: Thôn 4, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Đắk Nông; nghề nghiệp: Làm nông; trình độ học vấn: không biết chữ; dân tộc: H’Mông; con ông Giàng A H và bà Lù Thị S; có chồng là Lù A T và có 05 con; hiện tại ngoại - có mặt.
Nguyên đơn dân sự: Ban quản lý rừng phòng hộ Đ - Đại diện ông Trương Trường Gi, Chức vụ: Giám đốc; địa chỉ: xã Đ, huyện Đ, tỉnh Đắk Nông – vắng mặt.
Người phiên dịch: Anh Lý Bá X (Cán bộ Văn phòng H); địa chỉ: Thôn 1, xã Q, huyện Đ, tỉnh Đắk Nông – có mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Qua các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và quá trình xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Khoảng tháng 9/2016, Lù A T và vợ là Giàng Thị P vào khu rừng tại lô 5, 7, 11 khoảnh 9 và lô 2, 3, 4, 5, 7 khoảnh 10 Tiểu khu 1738 do Ban quản lý rừng phòng hộ Đ quản lý nằm trên địa phận xã Đ, huyện Đ chặt phá rừng lấy đất canh tác. Quá trình chặt phá rừng T và P sử dụng 02 dao phát và 01 cưa xăng. Đối với những cây rừng nhỏ như: Lồ ô, cây bụi… T và P sử dụng dao phát để chặt phá; đối với những cây gỗ lớn T và P sử dụng cưa xăng để cưa hạ. T và P chặt phá khoảng 01 tháng được diện tích 29.230m2 thì nghỉ không chặt phá nữa.
Tháng 01/2017, T và P vào vị trí rừng trên tiến hành gom toàn bộ những cây đã chặt phá lại để đốt dọn. Tháng 5/2017, T và P tiếp tục vào vị trí rừng trên thu gom các cây lồ ô, cây bụi còn sót lại để đốt dọn. Đến tháng 7/2017 T và P tiến hành đào hố để trồng cây cà phê thì hành vi hủy hoại rừng bị phát hiện và bị khởi tố để điều tra.
Tại Biên bản khám nghiệm hiện trường ngày 11/4/2017 của Công an, Viện kiểm sát, Hạt kiểm lâm huyện Đắk Glong xác định diện tích rừng bị hủy hoại là 29.230m2.
Tại bản kết luận giám định ngày 11/6/2017 của giám định viên tư pháp thuộc Hạt kiểm lâm huyện Đắk Glong, kết luận:
- Về trạng thái: Rừng hỗn giao (Tre, nứa, gỗ); Rừng thường xanh nghèo.
- Về loại rừng: Rừng phòng hộ;
- Mức độ thiệt hại: 100%.
- Về giá trị thiệt hại rừng: 121.534.319,4 đồng.
Vật chứng của vụ án: 02 dao phát (Bị mất phần cán), lưỡi dao bằng sắt dài 40cm, đầu dao quắm. Đối với chiếc cưa xăng mà T và P sử dụng để hủy hoại rừng, sau đó T và P đã làm mất nên Cơ quan CSĐT Công an huyện Đắk Glong không thu giữ được.
Bản cáo trạng số 63/CTr-VKS ngày 13 tháng 11 năm 2017 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông truy tố các bị cáo về tội “Hủy hoại rừng” quy định tại điểm b khoản 3 Điều 189 của Bộ luật hình sự 1999.
Tại phiên tòa các bị cáo khai nhận hành vi phạm tội như nội dung bản cáo trạng và thừa nhận cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện Đắk Glong truy tố đối với các bị cáo là đúng, không oan.
Kết quả tranh luận tại phiên tòa, sau khi phân tích nội dung vụ án, vai trò và nhân thân của các bị cáo đại diện Viện kiểm sát giữ nguyên quyết định truy tố và đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm b khoản 3 Điều 189; các điểm b, p khoản 1 Điều 46; Điều 47 của Bộ luật hình sự xử phạt bị cáo Lù A T từ 03 năm 06 tháng đến 03 năm 09 tháng tù; xử phạt bị cáo Giàng Thị P 03 năm tù, áp dụng Điều 60 của Bộ luật hình sự cho bị cáo P được hưởng án treo thời gian thử thách 05 năm; đề nghị tịch thu, tiêu hủy 02 dao phát, chấp nhận các bị cáo đã bồi thường tổng số tiền 5.000.000 buộc các bị cáo phải liên đới bồi thường tiếp số tiền 116.534.319,4 đồng cho nguyên đơn dân sự.
Các bị cáo nói lời sau cùng: Thừa nhận về hành vi phạm tội và đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu thu thập được có trong hồ sơ đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1]. Về các hành vi, quyết định tố tụng của Điều tra viên, Cơ quan điều tra Công an huyện Đắk Glong; Kiểm sát viên, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Đắk Glong trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa các bị cáo, nguyên đơn dân sự, người phiên dịch không khiếu nại về hành vi, quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đều hợp pháp.
[2]. Về tội danh: Lời khai nhận của các bị cáo tại phiên tòa phù hợp với các tài liệu chứng cứ đã được thu thập lưu trong hồ sơ vụ án và đã được thẩm tra tại phiên tòa. Các chứng cứ buộc tội và quan điểm của đại diện Viện kiểm sát đối với việc giải quyết vụ án là có căn cứ pháp lý qua đó xác định vào tháng 9/2016 tại lô 5, 7, 11 khoảnh 9 và lô 2, 3, 4, 5, 7 khoảnh 10 Tiểu khu 1738 do Ban quản lý rừng phòng hộ Đ quản lý nằm trên địa phận xã Đ, huyện Đ, Lù A T và Giàng Thị P đã dùng dao phát, cưa xăng hủy hoại 29.230m2 rừng phòng hộ, thiệt hại tính bằng tiền là 121.534.319,4 đồng. Vì vậy đã có đủ căn cứ để kết luận các bị cáo Lù A T và Giàng Thị P phạm tội “Hủy hoại rừng” theo điểm b khoản 3 Điều 189 của Bộ luật hình sự. Điều 189 Bộ luật hình sự 1999 quy định:
1. Người nào đốt, phá rừng trái phép hoặc có hành vi khác huỷ hoại rừng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
…
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
...
b) Hủy hoại rừng phòng hộ, rừng đặc dụng;
[3]. Về tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội:
Xét tính chất vụ án do các bị cáo gây ra là nguy hiểm cho xã hội, trực tiếp xâm phạm đến các quy định của Nhà nước về khai thác và bảo vệ rừng; xâm hại đến sự bền vững và ổn định của môi trường, gây ra những hậu quả xấu cho môi trường sinh thái nên cần phải áp dụng hình phạt nghiêm thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật.
[4]. Về nhân thân và các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Các bị cáo đều có nhân thân tốt, sau khi phạm tội các bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, đã tự nguyện bồi thường khắc phục một phần thiệt hại nên các bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ quy tại các điểm b, p khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự; các bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 nên Hội đồng xét xử xem xét áp dụng Điều 47 của Bộ luật hình sự để giảm nhẹ một phần hình phạt cho các bị cáo.
Trong vụ án này hai bị cáo là vợ chồng, đang nuôi 05 người con (con nhỏ nhất mới 05 tuổi); có nơi cư trú rõ ràng ổn định; thu nhập chính là làm thuê, hoàn cảnh gia đình các bị cáo đặc biệt khó khăn và để có người chăm sóc các con nên
Hội đồng xét xử xem xét áp dụng khoản 1, khoản 2 Điều 60 của Bộ luật hình sự cho bị cáo Giàng Thị P được hưởng án treo thể hiện chính sách khoan hồng và nhân đạo của pháp luật.
[5]. Về vật chứng và các biện pháp tư pháp: Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 41 của Bộ luật hình sự; điểm a khoản 2 Điều 76 của Bộ luật tố tụng hình sự cần tịch thu, tiêu hủy 02 dao phát (Có đặc điểm như trong biên bản thu giữ) do các bị cáo dùng làm công cụ phạm tội.
[6]. Về trách nhiệm dân sự: Căn cứ khoản 1 Điều 42 của Bộ luật hình sự; các Điều 584, 585, 586, 587 và Điều 589 của Bộ luật dân sự: Buộc các bị cáo Lù A T và Giàng Thị P phải liên đới bồi thường cho Ban quản lý rừng phòng hộ Đ số tiền 121.534.319,4đ được khấu trừ 5.000.000đ, còn lại tiếp tục bồi thường số tiền 116.534.319,4đ (mỗi bị cáo phải bồi thường 58.267.159,7đ).
[7]. Về án phí: Các bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm và án phí dân sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
1. Tuyên bố các bị cáo Lù A T và Giàng Thị P phạm tội “Hủy hoại rừng”
- Áp dụng điểm b khoản 3 Điều 189; các điểm b, p khoản 1 Điều 46; Điều 47 của Bộ luật hình sự: Xử phạt bị cáo Lù A T 03 (ba) năm 06 (sáu) tháng tù tính từ ngày bắt thi hành án, được khấu trừ thời gian bị cáo bị tạm giam từ ngày 22/7/2017 đến ngày 24/8/2017.
- Áp dụng điểm b khoản 3 Điều 189; các điểm b, p khoản 1 Điều 46; Điều 47; khoản 1, khoản 2 Điều 60 của Bộ luật hình sự xử phạt bị cáo Giàng Thị P 03 (ba) năm tù nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách 05 (năm) năm tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.
Giao bị cáo cho Ủy ban nhân dân xã Đ, huyện Đ, tỉnh Đắk Nông và gia đình bị cáo cùng phối hợp để giám sát, giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách. Trường hợp bị cáo thay đổi nơi cư trú thì áp dụng theo khoản 1 Điều 69 Luật thi hành án hình sự.
2. Về vật chứng và các biện pháp tư pháp: Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 41 của Bộ luật hình sự; điểm a khoản 2 Điều 76 của Bộ luật tố tụng hình sự: Tịch thu, tiêu hủy 02 dao phát (Có đặc điểm như trong biên bản thu giữ) do các bị cáo dùng làm công cụ phạm tội.
3. Về trách nhiệm dân sự: Căn cứ khoản 1 Điều 42 của Bộ luật hình sự; các Điều 584, 585, 586, 587 và Điều 589 của Bộ luật dân sự: Buộc các bị cáo Lù A T và Giàng Thị P phải liên đới bồi thường cho Ban quản lý rừng phòng hộ Đ số tiền 121.534.319,4đ được khấu trừ 5.000.000đ, còn lại tiếp tục bồi thường số tiền 116.534.319,4đ (mỗi bị cáo phải bồi thường 58.267.159,7đ).
Khi bản án có hiệu lực pháp luật, kể từ khi nguyên đơn dân sự có đơn yêu cầu thi hành án thì các bị cáo còn phải chịu thêm khoản tiền lãi theo quy định tại Điều 357 của Bộ luật dân sự.
4. Về án phí: Áp dụng Điều 99 của Bộ luật tố tụng hình sự; điểm a khoản 1 Điều 23; khoản 2 Điều 26 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án:
Về án phí hình sự sơ thẩm: Buộc các bị cáo Lù A T và Giàng Thị P mỗi bị cáo phải nộp 200.000 đồng.
Về án phí dân sự sơ thẩm: Buộc các bị cáo Lù A T và Giàng Thị P mỗi bị cáo phải nộp 5.826.715,97đ.
Quyền kháng cáo: Các bị cáo có mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm trong hạn luật định là 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Nguyên đơn dân sự có mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án về phần bồi thường trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ tuyên án.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc cưỡng chế theo quy định tại các Điều 6, Điều 7, Điều 9 Luật thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án 60/2017/HSST ngày 28/11/2017 về tội hủy hoại rừng
Số hiệu: | 60/2017/HSST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Đắk Glong - Đăk Nông |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 28/11/2017 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về