TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG
BẢN ÁN 58/2018/HCPT NGÀY 29/03/2018 VỀ KIỆN HÀNH VI HÀNH CHÍNH TRONG QUẢN LÝ ĐẤT ĐAI
Ngày 29 tháng 03 năm 2018 tại Trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm công khai vụ án hành chính thụ lý số 61/2017/TLPT-HC ngày 15 tháng 11 năm 2017 về việc “Kiện hành vi hành chính về quản lý đất đai”.
Do Bản án hành chính sơ thẩm số 25/2017/HC-ST ngày 02/8/2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Đăk Lăk bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 61/2017/QĐ-PT ngày 26 tháng 02 năm 2018, giữa các đương sự:
Người khởi kiện: Ông Phạm Văn C sinh năm 1966; địa chỉ: thị trấn E, huyện E, tỉnh Đắk Lắk; có mặt.
Người đại diện theo ủy quyền của người khởi kiện: Ông Phạm Xuân Đ, sinh năm 1960; địa chỉ: Thị trấn E, huyện E, tỉnh Đắk Lắk; có mặt.
Người bị kiện: Uỷ ban nhân dân huyện E, tỉnh Đắk Lắk.
Địa chỉ trụ sở: Thị trấn E, huyện E, tỉnh Đắk Lắk
- Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Văn Đ – Chức vụ: Chủ tịch; vắng mặt.
- Người đại diện theo uỷ quyền: Ông Nguyễn Đình T – Chức vụ: Phó Chủ tịch; Giấy uỷ quyền số 06/UQ-UBND ngày 22/3/2018; ông Toản vắng mặt, có đơn xin xét xử vắng mặt (Đơn ghi ngày 22/3/2018).
- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kiện Ủy ban nhân dân huyện E: Ông Nguyễn Tất Đ – Chức vụ: Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện E; ông Đ có mặt.
- Ông Nguyễn Văn T – Chức vụ: Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện E; ông T có mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Người khởi kiện và người đại diện theo ủy quyền của người khởi kiện trình bày:
Năm 1992, ông C nhận chuyển nhượng từ ông Nguyễn Xuân H, địa chỉ: thị trấn E, huyện E, tỉnh Đắk Lắk một thửa đất có diện tích khoảng 6 sào (chiều ngang 60 mét, chiều dài 106 mét). Hiện nay, thửa đất này nằm ở mặt đường N, thị trấn E, huyện E, tỉnh Đắk Lắk. Sau khi nhận chuyển nhượng thửa đất từ ông H thì ông C chia thửa đất thành 4 phần (mỗi phần có chiều ngang là 15 mét theo đường N và chiều dài là 105 mét), trong đó ông C sử dụng một phần, 3 phần còn lại chia cho 3 anh em của ông C gồm ông N, ông K, ông Ch, phần đất của 3 ông này đã được UBND huyện E thu hồi một phần để làm Hồ Trung chuyển và đã được bồi thường.
Về phần đất của ông C, năm 1992 đã làm nhà ở trên đất, thửa đất có tứ cận như sau: phía Đông dài 106m giáp đất ở của nhà ông K, phía Tây dài 106m giáp đất ở của ông Bốn, phía Nam dài 15m giáp đường H, phía Bắc dài 15m giáp Hồ Trung chuyển, diện tích đất mà ông C sử dụng chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không đóng thuế cho Nhà nước. Năm 2008, UBND huyện E đã sử dụng khoảng 530m2 đất của ông C để làm đường H nhưng không ban hành quyết định thu hồi, không bồi thường về đất cho gia đình ông theo quy định của pháp luật. Ông C đã khiếu nại nhiều lần nhưng không được giải quyết. Nay ông khởi kiện đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Đăk Lăk giải quyêt buộc Ủy ban nhân dân huyện E, tỉnh Đắk Lắk ban hành Quyết định thu hồi đối với 530m2 đất của ông Phạm Văn C mà ủy ban nhân dân huyện E đã sử dụng để làm đường H, thị trấn E, huyện E và bồi thường về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật; Đồng thời cấp giấy chửng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai đối với diện tích đất còn lại khoảng 1.000m2 mà gia đình ông Phạm Văn C đã sử dụng ổn định từ năm 1992.
Tại phiên tòa, ông Phạm Văn C trình bày thêm: Sau khi bị UBND huyện E lấy đất làm đường thì ông chỉ làm đơn khiếu nại đến UBND thị trấn E, không gửi đơn đến UBND huyện E, còn việc UBND thị trấn E có chuyển đơn đến UBND huyện E hay không thì ông không rõ. Ông cũng làm đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gửi đến UBND thị trấn và cũng không gửi đơn đến UBND huyện E.
Đối với phần đất còn lại khoảng hơn 1.000m2, nếu sau này Nhà nước thu hồi đế sử dụng vào mục đích công cộng thì ông yêu cầu Nhà nước phải có quyết định thu hồi và bồi thường giá trị quyền sử dụng đất, tài sản trên đất theo quy định pháp luật.
* Đại diện theo ủy quyền của người bị kiện - ông Nguyễn Đình T trình bày:
Việc ông Phạm Văn C yêu cầu UBND huyện E ban hành quyết định thu hồi 530m2 đất vì cho rằng UBND huyện đã sử dụng để làm đường Hồ Xuân Hưong là không có cơ sở pháp lý, UBND huyện E đã có Công văn số 802/UBND-TNMT ngày 04/9/2012 trả lời ông C về việc này. Đường H nằm trong khu trung tâm thị trấn E được hình thành từ lối đi tự phát của người dân sinh sống trong khu vực, các hộ dân lân cận đã tự bỏ công sức để mở rộng và làm nền đường (hiện nay vẫn là con đường đất có lẫn sỏi đá), đến nay Nhà nước vẫn chưa triển khai đầu tư thi công công trình này. Do đó, không có việc UBND huyện E thu hồi đất để thi công đường H. Diện tích đất mà ông C khởi kiện đòi bồi thường theo xác minh của UBND thị trấn E thì không xác định được nguồn gốc, người quản lý, sử dụng đất. Nếu ông C cho rằng Nhà nước thu hồi đất của ông C để làm đường nhưng tại thời điểm đó UBND thị trấn E và UBND huyện E không nhận được đơn khiếu nại về việc UBND huyện thu hồi đất để làm đường, mà tại thời điểm đó ông C chỉ có làm đơn đề nghị UBND huyện E cấp giấy phép xây dựng công trình nhà ở nhưng UBND huyện không cấp phép vì đây là đất thuộc diện quy hoạch làm đất công cộng. Tuy không được cấp phép xây dựng nhưng ông C vẫn xây dựng công trình trên đất, đã nhiều lần các cơ quan có thẩm quyền của UBND huyện E nhắc nhở và lập biên bản để ông C dừng lại việc xây dựng công trình. Do ông C không chấp hành nền UBND huyện Ea Sup đã ra Quyết định vế việc xử phạt vi phạm hành chỉnh trong hoạt động xây dựng đối với ông Phạm Văn C số 1796/QĐ-XPVPHC ngày 20/7/2016 vói hình thức phạt tiền 6.250.000 đồng và buộc tháo dỡ công trình xây dựng không có giấy phép nhưng ông C vẫn chưa thi hành.
Đối với yêu cầu của ông Phạm Văn C về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vói diện tích khoảng hơn 1.000m2 mà ông C cho rằng đang sử dụng hợp pháp, trên đất đã xây dựng nhà kiên cố (thửa đất và căn nhà nêu trên đã bị xử phạt hành chính) thì qua kiểm tra cho thấy đến nay hộ ông C vẫn chưa đăng ký kê khai, nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Mặt khác, theo Quyết định số 361/QĐ-UBND ngày 17/02/2017 của UBND tỉnh Đắk Lắk về việc điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thị trấn E, huyện E đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035 thì khu vực Hồ Trung chuyển và đường H thuộc diện quy hoạch là đất công cộng nên thuộc diện không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân, sau này khi Nhà nước sử dụng thì sẽ ra quyết định thu hồi và có phương án bồi thường cụ thể. Do đó, UBND huyện E không có cơ sở xem xét để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ ông Phạm Văn C.
* Tại biên bản lấy lời khai ngày 30/5/2017 và tại phiên tòa người làm chứng ông Nguyễn Xuân H trình bày:
Năm 1988 ông H có khai hoang một thửa đất có diện tích khoảng 6 sào (chiều ngang 60 mét, chiều dài 106 mét), hiện nay thửa đất này nằm tại TDP Hòa Bình, thị trấn E. Năm 1992, ông H đổi thửa đất trên vói anh em nhà ông Phạm Văn C để lấy 01 con trâu kéo. Thời điểm ông H và ông C đổi đất và trâu với nhau thì con đường N, thị trấn E chỉ là con đường mòn và thửa đất của ông H đổi cho ông C có chiều ngang 60 mét theo mặt đường và chiều dài 106 mét. Sau khi nhận chuyến nhượng thửa đất của ông H thì ông C chia thửa đất thành 4 phần (mỗi phần có chiều ngang là 15 mét theo đường N và chiều dài là 106 mét), trong đó ông C sử dụng một phần, 3 phần còn lại chia cho 3 anh em của ông C.
Đối vói diện tích đất của ông C sử dụng (chiều ngang 15 mét theo đường N, thị trấn E, chiều dài 106 mét) thì công trình Hồ Trung chuyến không sử dụng đến.
Khi ông H đổi đất lấy trâu với ông C thì lúc đó đã có một con đường mòn (rộng khoảng 5 mét) bắt đầu từ đường N hiện nay, nằm sát mép và chạy dọc theo thửa đất của ông H, con đường này là con đường dân sinh tự phát của các hộ dân thời điểm dó nhưng không thẳng như hiện nay. Khoảng năm 1997, đường H bắt đầu khởi công xây dựng, tuy nhiên lúc này đơn vị thi công con đường H đã làm đường nằm đè lên đất của ông C bắt đầu từ đường N và kéo thẳng về phía sau hướng Hồ Trung chuyển, còn con đường mòn dân sinh ngày trước lại được cấp giấy chứng nhận quyên sử dụng đât cho hộ dân khác.
* Tại biên bản làm việc ngày 17/7/2017 và tại phiên tòa ngưòi làm chứng ông Phạm Trung T trình bày:
Theo như ông T được biết thì thửa đất hiện tại mà ông C đang sử dụng được sang nhượng lại từ ông Nguyễn Xuân H từ thời điếm nào và diện tích cụ thể bao nhiêu thì ông T không rõ. Tuy nhiên, khi ông H sang nhượng đất cho ông C thì chưa có con đường H. Theo ông T thấy thì công trình lòng Hồ Trung chuyển nằm ở thị trấn E không sử dụng đến phần đất của nhà ông C.
Thời điểm ông H đổi đất cho ông C thì bên cạnh đất của ông C có một con đường mòn dân sinh rộng khoảng 3 mét, bắt đầu từ đường N hiện nay đi về phía sau, nằm sát mép và chạy dọc theo thửa đất của ông C, con đường này là con đường dân sinh tự phát của các hộ dân thời điểm đó.
Sau này, khi gia đình ông T bị Nhà nước thu hồi đất ở vị trí khác và được đền bù về đất tại khu vực đường N bên cạnh đường H có chiều ngang 14 mét theo đường N, dài 28 mét theo đường H, thì ông thấy Nhà nước đã cấp đất cho gia đình ông trùm lên phần đất của con đường mòn ngày trước. Như vậy, con đường Hồ Xuân lúc này không phải nằm trên con đường dân sinh đã có từ trước mà dịch qua một bên nằm trên đất nhà ông C, lúc này ông C có khiếu nại hay không thì ông T không biết.
* Tại bản tự khai ngày 26/4/2017 ông Phạm Thanh T (nguyên là cán bộ địa chính thị trấn E) trình bày:
Vào ngày 03/8/2006 (cùng thời điểm tiến hành đo đạc các thửa đất của các hộ dân khu vực Hồ Trung chuyển), ông cùng với đoàn có tiến hành đến đo vẽ thửa đất của ông Phạm Văn C, khi tiến hành đo vẽ là theo sự chỉ dẫn cắm mốc của hộ ông C, đoàn không có thẩm quyền xác định đất của ông C từ đâu đến đâu và ông C có quyền sử đụng đất này hay không. Tại thời điếm đó, ông C có chỉ cả phần đường đi rộng 05 mét, chiều dài 106 mét, ông C cho rằng đây là đất của ông C nhưng theo ông T thì ông C cắm mốc giới không đúng sự thật vì đó là con đường dân sinh đã sử dụng từ rất lâu. Ông T xác định biên bản làm việc lập ngày 03/8/2006 đo vẽ không đúng với thực tế.
* Tại bản tự khai ngày 26/4/2017 ông Đinh Tiến D (Giám đốc Chi nhánh Trung tâm phát triển quỹ đất huyện E) khai:
Tại thời điểm năm 2008, do ranh giới thực địa của đất nhà ông Phạm Văn C nằm ngoài khu vực xây dựng Hồ Trung chuyển nên UBND huyện E không ra quyết định thu hồi đất của ông C, không bồi thường mà chỉ ra quyết định thu hồi đất của 11 hộ dân xây dựng nhà ở nằm trong lòng Hồ Trung chuyển và đã bồi thường, trong đó có 03 hộ là anh em của ông C là ông Ch, ông K, ông N.
* Tại biên bản làm việc về việc xác định lịch sử hình thành tuyến đường H, thị trấn E ngày 11/7/2017 giữa UBND huyện E, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện E, Phòng tài nguyên và Môi trường huyện E với các hộ dân khu vực gần tuyến đường H, các hộ dân này xác định rằng: Trong quá trình chuẩn bị đầu tư xây dựng công trình Hồ Trung chuyển, một số hộ dân bị ảnh hưởng bởi công trình đã được Nhà nước bố trí đất ở bên phía trái đường mòn theo hướng đi từ đường N đi kênh Chính Tây (nay là đường H). Tại thời điểm đó, tuyến đường trên chỉ là đường mòn, trong quá trình sinh sống phát sinh nhu cầu đi lại của các hộ dân bên trái tuyến đường nên các hộ dân đã cùng nhau đóng góp ngày công, tự phóng tuyến, đắp đất mở rộng nền đường để hình thành nên đường H như hiện nay. Trong quá trình sử dụng, tuyến đường trên hư hỏng, sình lầy nên các hộ gia đình đã tự bỏ tiền để đổ đất đá, khơi thông rãnh nước để đảm bảo đi lại cho các hộ dân. Như vậy, đường H là do các hộ dân tự làm nên, trên cơ sở hiện trạng tuyến đường hiện có thì trong quy hoạch thị trấn E năm 2005, Nhà nước có đưa tuyến đường trên vào trong quy hoạch nhưng do khó khăn về nguồn vốn nên chưa triển khai đầu tư xây dựng theo quy hoạch được duyệt.
* Tại biên bản xem xét thẩm định tại chỗ ngày 13/4/2017 thể hiện: Ông C đã xây dựng nhà kiên cố tại số 53 đường N, thị trấn E. Bên cạnh nhà ông C theo hướng Tây là một diện tích đất trống chưa sử dụng rộng 6,5 mét theo mặt đường N, tiếp đó là đường H (có chiêu rộng tại điếm giao vói đường N là 5 mét, kéo dài thẳng ra phía sau vuông góc với đường N 18,7 mét thì chiều rộng bắt đầu tăng lên 6 mét). Theo ông C trình bày thì bên cạnh nhà ông C theo hướng Đông là đất nhà ông K, ông C có mượn sử dụng 4,2 mét đất của ông K để xây dựng nhà và cộng thêm phần đất của ông C còn lại sau khi trừ 5 mét đường H (mà ông C cho rằng UBND huyện E lấy đất làm đường) là 10 mét. Tổng cộng hiện nay ông C đang sử dụng là 14,2 mét. Chiều dài đất của thửa đất theo ông C khai là 106 mét và bị lấn chiếm để làm đường H là 5 mét. Qua xem xét tại chỗ thì thấy mặt đường H là đường đất và có lẫn sỏi đá trên nền đường.
Tại Bản án hành chính sơ thẩm số 25/2017/HC-ST ngày 02/8/2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Đăk Lăk đã quyết định:
Căn cứ khoản 4 Điều 32, khoản 2 Điều 193, khoản 1 Điều 348 Luật tố tụng hành chính; Điều 95, Điều 97, Điều 98, Điều 99, Điều 100 Luật Đất đai; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Tuyên xử:
1. Không chấp nhận đơn khởi kiện của ông Phạm Văn C về việc yêu cầu ủy ban nhân dân huyện E, tỉnh Đắk Lắk ban hành Quyết định thu hồi đối với diện tích 530 m2 tại đường H, thị trấn E, huyện E và bồi thường về giá trị quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật;
2. Không chấp nhận đơn khởi kiện của ông Phạm Văn C về việc yêu cầu ủy ban nhân dân huyện E cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất còn lại khoảng 1.000m2 tại khu vực đường N, H thị trấn E, huyện E, tỉnh Đắk Lắk.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về phần án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.
Trong hạn luật định,
Ngày 16/8/2017, người khởi kiện ông Phạm Văn C kháng cáo toàn bộ bản án hành chính sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Căn cứ vào các chứng cứ tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa phúc thẩm, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện tài liệu, chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên. Hội đồng xét xử nhận định.
Tại phiên tòa, người khởi kiện ông Phạm Văn C không rút đơn khởi kiện; không thay đổi, bổ sung, không rút kháng cáo; các đương sự không hòa giải được với nhau. Yêu cầu hội đồng xét xử cấp phúc thẩm giải quyết.
Tòa xét:
[1] Ông Phạm Văn C đề nghị Ủy ban nhân dân huyện E, tỉnh Đắk Lắk ban hành Quyết định thu hồi và bồi thường giá trị quyền sử dụng đất đối với diện tích đất rộng 5 mét, dài 106 mét mà UBND huyện E đã sử dụng đất của ông C để làm đường H.
Xét đối với diện tích đất ông Phạm Văn C cho rằng UBND huyện E, tỉnh Đăk Lăk lấn chiếm có diện tích đất rộng 5 mét, dài 106 mét để làm đường H là không có căn cứ, bản án sơ thẩm nhận định là đúng.
Về đất ông Phạm Văn C sử dụng không có giấy tờ hợp pháp về đất, chưa được cấp GCN QSDĐ. Năm 1992, ông Nguyễn Xuân H và ông Phạm Văn C khai giữa hai bên có đổi đất bằng một con trâu ông C lấy đất có chiều ngang thửa đất diện tích đất 5 mét, dài 106 mét nhưng vẫn không có giấy tờ gì chứng minh.
Năm 2006, Nhà nước có thông báo thửa đất của ông C nằm trong diện quy hoạch Hồ Trung Chuyển. Tại Quyết định số 1148/QĐ-UBND ngày 08/9/2008 của UBND huyện E đã thu hồi đất của 11 hộ dân nằm trong khu quy hoạch. Riêng thửa đất của hộ ông C không nằm trong diện quy hoạch Hồ Trung chuyển nên không thu hồi.
Đối với phần đất được chia cho ông K, ông N, ông Ch đã được UBND huyện E thu hồi một phần phía sau giáp Hồ Trung Chuyển (thu toàn bộ chiều ngang phần phía sau, còn phía trước giáp đường N chưa thu hồi). Ông C trình bày năm 2008, UBND huyện E đã khởi công làm đường H trùm lên đất của ông rộng 5 mét, dài 106 mét, tại thời điểm đó ông đã làm đơn khiếu nại gửi đến UBND thị trấn E nhưng không được giải quyết.
Xét về phần đất đang sử dụng làm con đường H hiện nay con đường được hình thành từ con đường dân sinh tự phát đã có từ trước, UBND Huyện chưa có dự án đầu tư xây dựng con đường này, hiện nay vẫn là con đường đất lẫn sỏi đá. Bên cạnh đó, quá trình hình thành đường H theo như Biên bản làm việc về việc xác định lịch sử hình thành tuyến đường H, giữa UBND huyện E, Phòng Kinh tế và Hạ tầng và Phòng tài nguyên và Môi trường huyện E với các hộ dân, sinh sống tại khu vực gần tuyến đường H xác định đây là con đường tự phát của các hộ dân lân cận, các hộ dân đã tự đóng góp đế bồi đắp, mở rộng n ền đường phục vụ nhu cầu đi lại.
UBND huyện E dựa trên hiện trạng hiện có của con đường để đưa vào quy hoạch, do khó khăn về nguồn vốn nên chưa triển khai đầu tư xây dựng.
Ông C cho rằng Nhà nước lấy đất của ông để làm đường H, nhưng tại thời điểm đó UBND thị trấn E và UBND huyện E không có nhận Đơn khiếu nại từ hộ ông C, chỉ nhận được Đơn xin cấp giấy phép xây dựng công trình trên đất.
Con đường H dài khoảng 700 mét, rất nhiều hộ dân đang sinh sống tại khu vực đường này nhưng không ai khiếu nại về đất.
Xét, Người khởi kiện ông Phạm Văn C không đưa ra được chứng cứ để chứng minh nguồn gốc đất hợp pháp của mình và cũng không có căn cứ để chứng minh UBND huyện E lấy đất để xây dựng con đường H.
Nên yêu cầu khởi kiện của ông Phạm Văn C về việc buộc UBND huyện E phải ban hành Quyết định thu hồi và bồi thường về giá trị quyền sử dụng đất có chiều rộng 5 mét, chiều dài 106 mét là không có căn cứ, án sơ thẩm nhận định và bác yêu cầu này là đúng pháp luật.
[2] Đối với Đơn xin cấp phép xây dựng công trình về nhà ở của ông Phạm Văn C, do thửa đất không đủ điều kiện để xây dựng công trình nên UBNĐ thị trấn E và UBND huyện E đã trả lời không cấp Giấy phép xây dựng cho ông C nhưng vẫn tiến hành xây dựng công trình nên đã bị các cơ quan Nhà nước có thấm quyền lập Biên bản yêu cầu ngừng thi công. Ông Phạm Văn C không chấp hành nên UBND huyện E ban hành Quyết định số 1796/QĐ-XPVPHC ngày 20/7/2016 về việc Xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; phạt tiền 6.250.000 đồng và buộc tháo dỡ công trình xây dựng không có giấy phép là đúng thẩm quyền, đúng pháp luật.
[3] Về yêu cầu của ông C buộc UBND huyện E cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất còn lại khoảng 1.000m2 hiện đang sử dụng tại khu vực Hồ Trung Chuyển, thị trấn E: Xét thấy, ngày 08/11/2016, Văn phòng đăng ký đất đai huyện E có Báo cáo số 27/BC-CNVPĐKĐĐ với nội dung chưa nhận được hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Phạm Văn C nên chưa có cơ sở để xem xét.
Ông C cũng không cung cấp được chứng cứ nào thể hiện việc ông C đã làm các thủ tục đăng ký, kê khai để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Cần nói thêm rằng, đất này hiện nay UBND tỉnh Đắk Lắk đã có Quyết định số 361/QĐ- UBND ngày 17/02/2017 về việc điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thị trấn E đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2035, trong đó có khu vực Hồ Trung chuyển, đoạn đường N, H để quy hoạch sử dụng vào mục đích công trình công cộng. Theo ý kiến của UBND huyện E khi Nhà nước có nhu cầu sử dụng đất tại khu vực đất của ông Phạm Văn C Nhà nước sẽ có quyết định thu hồi và giải quyết theo quy định pháp luật. Nên việc yêu cầu cấp GCN QSDĐ của ông Phạm Văn C, UBND huyện E không thực hiện là đúng với các quy định của pháp luật về đất đai.
[4] Từ những phân tích trên, án sơ thẩm bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Người khởi kiện ông Phạm Văn C là có căn cứ, đúng pháp luật.
Do vậy, xét kháng cáo của Người khởi kiện Phạm Văn C, tại phiên toà phúc thẩm không xuất trình chứng cứ gì mới, khác so với án sơ thẩm. Nên Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm không chấp nhận, cần bác kháng cáo, giữ nguyên án sơ thẩm.
[5] Tại phiên toà phúc thẩm người đại diện theo uỷ quyền của người khởi kiện đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo, sửa án sơ thẩm, chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện. Đề nghị này không phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên không chấp nhận.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Người bị kiện đề nghị bác yêu cầu của Người khởi kiện, đề nghị này phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử, nên chấp nhận.
[6] Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của Người khởi kiện, đề nghị này phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên chấp nhận.
[7] Do kháng cáo của ông Phạm Văn C không được chấp nhận nên phải chịu án phí hành chính phúc thẩm (đã nộp).
[8] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lục pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 1 Điều 241 của bộ Luật tố tụng hành chính.
Bác kháng cáo của người khởi kiện ông Phạm Văn C và giữ nguyên bản án hành chính sơ thẩm số 25/2017/HC-ST ngày 02/8/2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Đăk Lăk.
Căn cứ khoản 4 Điều 32, khoản 2 Điều 193, khoản 1 Điều 348 Luật tố tụng hành chính; Điều 95, Điều 97, Điều 98, Điều 99, Điều 100 Luật Đất đai;
Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Xử:
1/. Bác Đơn khởi kiện của ông Phạm Văn C về việc yêu cầu ủy ban nhân dân huyện E, tỉnh Đắk Lắk ban hành Quyết định thu hồi đối với diện tích 530 m2 tại đường H, thị trấn E, huyện E và bồi thường về giá trị quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật;
2/. Bác Đơn khởi kiện của ông Phạm Văn C về việc yêu cầu ủy ban nhân dân huyện E cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất còn lại khoảng 1.000m2 tại khu vực đường N, H thị trấn E, huyện E, tỉnh Đắk Lắk.
3/. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu luật pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
4/. Về án phí hành chính phúc thẩm
Ông Phạm Văn C phải chịu án phí hành chính phúc thẩm là 300.000 đồng, nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí hành chính phúc thẩm đã nộp 300.000đ theo biên lai số 0004443 ngày 24/08/2017 của Cục thi hành án dân sự tỉnh Đăk Lăk, ông Phạm Văn C đã nộp đủ án phí hành chính phúc thẩm.
Bản án hành chính phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án, ngày 29/3/2018.
Bản án 58/2018/HCPT ngày 29/03/2018 về kiện hành vi hành chính trong quản lý đất đai
Số hiệu: | 58/2018/HCPT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Hành chính |
Ngày ban hành: | 29/03/2018 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về