TOÀ ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI
BẢN ÁN 569/2023/DS-PT NGÀY 27/11/2023 VỀ TRANH CHẤP DI SẢN THỪA KẾ
Ngày 27 tháng 11 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa công khai xét xử phúc thẩm vụ án dân sự thụ lý 270/2023/TLPT-DS ngày 28 tháng 6 năm 2023 về việc “Tranh chấp di sản thừa kế” do có kháng cáo của ông Nguyễn Văn Q là Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập và kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội đối với Bản án dân sự sơ thẩm số 18/2022/DS-ST ngày 27 tháng 7 năm 2022 của Tòa án nhân dân tỉnh X.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 12817/2023/QĐ-PT ngày 09 tháng 11 năm 2023 giữa:
* Nguyên đơn: Ông Nguyễn Văn B sinh năm 1969; cư trú tại: 32/22A, ấp Z, xã Y, huyện M, thành phố P (Vắng mặt).
* Bị đơn: Ông Nguyễn Văn H sinh năm 1959; cư trú tại: tổ dân phố D, thị trấn N, huyện A, tỉnh X (Có mặt).
* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập:
1. Bà Nguyễn Thị H1 sinh năm 1954, bà Nguyễn Thị L sinh năm 1957 và ông Nguyễn Văn Q sinh năm 1964; Cùng cư trú tại: tổ dân phố D, thị trấn N, huyện A, tỉnh X (Ông Q có mặt, bà H1 và bà L đều vắng mặt).
2. Bà Nguyễn Thị T sinh năm 1966 (đã chết ngày 15/10/2021) Người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của bà T:
2.1. Ông Nguyễn Xuân C sinh năm 1964, anh Nguyễn Xuân C1 sinh năm 1990 và chị Nguyễn Thị Kiều D1 sinh năm 1985; Cùng cư trú tại: Tổ dân phố 3, thị trấn N, huyện A, tỉnh X (Anh C1 có mặt, ông C và chị D1 vắng mặt).
* Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:
1. Bà Nguyễn Thị T1 sinh năm 1962; cư trú tại: tổ dân phố A1, thị trấn N, huyện A, tỉnh X (Có mặt).
2. Anh Nguyễn Văn T2 sinh năm 1989; cư trú tại: phường H2, thành phố L1, tỉnh N1 (Vắng mặt).
3. Chị Nguyễn Thị H2 sinh năm 1984; cư trú tại: số 84 Z1, phường 10, quận G, thành phố H (Vắng mặt).
4. Anh Nguyễn Văn H3 sinh năm 1986; cư trú tại: phòng 930, tòa B2.1.HH03B, khu đô thị Y2, tổ dân phố 5, xã K, huyện O, thành phố W (Vắng mặt).
4. Ủy ban nhân dân thị trấn N, huyện A, tỉnh X (Vắng mặt).
5. Ủy ban nhân dân huyện A, tỉnh X.
Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Văn B2 – Phó Chủ tịch (Có văn bản đề nghị xét xử vắng mặt).
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo Bản án sơ thẩm và các tài liệu, chứng cứ có tại hồ sơ, nguyên đơn ông Nguyễn Văn B trình bày:
Bố ông là cụ Nguyễn Văn R và mẹ ông là cụ Đào Thị M1 sinh được 07 người con gồm: Bà Nguyễn Thị H1 sinh năm 1954, bà Nguyễn Thị L, ông, ông Nguyễn Văn H sinh năm 1959, bà Nguyễn Thị T sinh năm 1966, ông Nguyễn Văn Q và bà Nguyễn Thị B3 sinh năm 1961. Bà B3 bị viêm màng não từ nhỏ, chưa có chồng, con, khoảng năm 1996 Bà B3 chết. Ngoài ra bố mẹ ông không có con nuôi, hay người con đẻ nào khác.
Nguồn gốc thửa đất đang có tranh chấp có diện tích 578,8m² là của bố mẹ ông, các ông sinh ra và lớn lên trên đất này, đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khi còn sống bố mẹ ở trên đất, các con đã xây dựng gia đình và ở riêng. Năm 1995 bố ông ốm nên vào ở với ông H được mấy tháng thì chết. Bố ông chết năm 1995, khi chết không để lại di chúc, ông H là người đứng ra lo mai táng, chi phí lo mai táng là do anh em trong gia đình đóng góp. Di sản thừa kế của bố ông để lại là ½ giá trị quyền sử dụng thửa đất diện tích 578,8m² và 1,6 sào đất nông nghiệp. Ngoài ra không còn di sản nào khác. Khi chết bố ông không để nghĩa vụ về tài sản. Sau khi bố ông chết, di sản thừa kế của bố là do mẹ ông quản lý.
Khoảng năm 1996 em gái là bà Nguyễn Thị B3 chết, mẹ ông ở trên đất đang có tranh chấp. Khoảng năm 2004, mẹ ông vào ở với ông H. Khi mẹ vào ở với ông H, ông H dỡ toàn bộ nhà trên đất đang có tranh chấp. Ông H là người quản lý thửa đất đang có tranh chấp.
Ngày 14 tháng 02 năm 2008 mẹ ông chết, khi chết không để lại di chúc, không để nghĩa vụ về tài sản, ông H là người đứng ra lo mai táng, nhưng chi phí lo mai táng là do anh em đóng góp. Di sản thừa kế của mẹ ông để lại là ½ giá trị quyền sử dụng thửa đất diện tích 578,8m² và 1,6 sào ruộng đất nông nghiệp, ngoài ra không còn di sản nào khác.
Di sản thừa kế của bố mẹ ông để lại gồm: 01 đất ở diện tích 578,8m² và hơn 03 sào ruộng đất nông nghiệp, di sản thừa kế của bố mẹ để lại hiện ông H đang quản lý. Đất nông nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng mang tên hộ ông Nguyễn Văn H. Sau này 1 phần đất nông nghiệp do nhà nước thu hồi, bồi thường giải phóng mặt bằng được số tiền 85.500.000 đồng.
Khi còn sống, bố mẹ ông đã nhận chuyển nhượng đất và cho ông H và Ông Q ra ở riêng, nguyện vọng của bố mẹ là cho ông thửa đất diện tích 578,8m². Tuy nhiên, bố mẹ chỉ nói với các con, không lập biên bản nên ông không có chứng cứ để xuất trình.
Năm 2006, thực hiện chủ trương của Nhà nước về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vợ chồng ông H tự ý làm thủ tục đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất diện tích 578,8m², 1 phần mang tên ông, 1 phần mang tên anh Nguyễn Văn T2 là con trai ông H. Ông không đứng ra kê khai, không ký vào bất kỳ văn bản nào đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Việc vợ chồng ông H đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, những người trong hàng thừa kế thứ nhất của bố mẹ ông không đồng, không được sự đồng ý của các con của cụ R và cụ M1. Hiện nay anh chị em đã có gia đình và ở riêng, mọi người đều có đất nhà ở.
Nay ông đề nghị Tòa án như sau:
- Hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên ông (Nguyễn Văn B) và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên anh Nguyễn Văn T2.
- Chia di sản thừa kế của bố mẹ gồm: 578,8m² đất ở, 838m² đất nông nghiệp và 85.500.000 đồng tiền thu hồi, bồi thường đất nông nghiệp theo quy định của pháp luật.
Bị đơn ông Nguyễn Văn H trình bày:
Nhất trí với trình bày của nguyên đơn về những người trong hàng thừa kế thứ nhất của cụ Nguyễn Văn R và mẹ ông là cụ Đào Thị M1.
Nguồn gốc thửa đất đang có tranh chấp có diện tích 578,8m² là của bố mẹ ông, các ông bà sinh ra và lớn lên trên đất này, đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên cụ R và cụ M1, cấp năm nào ông không biết. Khi còn sống bố mẹ ông ở trên đất, các con đã xây dựng gia đình và ở riêng. Năm 1993 bố ốm nên vào ở với vợ chồng ông. Năm 1995, bố ông chết khi chết không để lại di chúc, ông là người đứng ra lo mai táng, chi phí lo mai táng là do vợ chồng ông, ngoài ra mọi người đóng góp gồm: Ông Q 400.000đ, bà H1 500.000đ, bà L 600.000đ, bà T 1.000.000đ. Di sản thừa kế của bố ông để lại là ½ giá trị quyền sử dụng thửa đất diện tích 578,8m² và 1,6 sào đất nông nghiệp. Ngoài ra không còn di sản nào khác. Khi chết bố không để nghĩa vụ về tài sản. Sau khi bố chết, di sản thừa kế của bố là do mẹ ông quản lý.
Năm 1996 em gái là bà Nguyễn Thị B3 chết, vợ chồng ông là người lo mai táng. Mẹ ông ở trên đất đang có tranh chấp. Năm 1997, mẹ ông vào ở với vợ chồng ông. Ông là người quản lý thửa đất đang có tranh chấp. Năm 2000, khi đó mẹ ông còn sống, được sự đồng ý của mẹ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thửa đất diện tích 578,8m², mang tên ông Nguyễn Văn H và bà Nguyễn Thị T1. Việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên vợ chồng ông, không xin ý kiến anh em trong gia đình.
Năm 2007, khi đó mẹ còn sống, vợ chồng ông làm thủ tục tách thửa đất diện tích 578,8m² làm 2 phần, 1 phần diện tích đất cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên ông Nguyễn Văn B, 1 phần diện tích đất mang tên anh Nguyễn Văn T2 (con trai của ông). Khi làm thủ tục vì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên vợ chồng ông nên vợ chồng ông không phải xin ý kiến anh em trong gia đình. Vì ông B sinh sống ở thành phố H nên bà T1 (vợ ông) là người làm thủ tục và ký vào các văn bản.
Năm 2008 mẹ ông chết, khi chết không để lại di chúc, không để lại nghĩa vụ về tài sản, ông là người đứng ra lo mai táng, chi phí lo mai táng là do vợ chồng ông, ngoài ra bà H1, bà L, bà T mỗi người góp 2.000.000 đồng, Ông Q góp ma 2.000.000đ và 01 con lợn thịt. Di sản thừa kế của mẹ để lại là ½ giá trị quyền sử dụng thửa đất diện tích 578,8m² và 1,6 sào ruộng đất nông nghiệp, ngoài ra không còn di sản nào khác.
Di sản thừa kế của bố mẹ ông để lại gồm: 01 đất ở diện tích 578,8m² và hơn 03 sào ruộng đất nông nghiệp, di sản thừa kế của bố mẹ để lại hiện ông đang quản lý. Đất nông nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng mang tên hộ ông Nguyễn Văn H. Hiện nay gia đình ông ở trên thửa đất khác, thửa đất đang có tranh chấp để làm vườn.
Sau này ông xác định năm 2008 mẹ ông chết, khi chết không để lại di sản gì. Vì khi còn sống mẹ ông đã cho vợ chồng ông, chứng cứ là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Ủy ban nhân dân huyện A cấp cho vợ chồng ông. Nay ông B khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế 578,8m² và hơn 03 sào ruộng đất nông nghiệp thì ông không đồng ý.
Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập gồm bà Nguyễn Thị H1 , bà Nguyễn Thị L, ông Nguyễn Văn Q và bà Nguyễn Thị T trình bày: Ông bà đồng ý với trình bày của nguyên đơn. Nay ông bà khởi kiện đề nghị Tòa án hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên ông Nguyễn Văn B và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên anh Nguyễn Văn T2; chia di sản thừa kế của bố mẹ gồm: 578,8m² đất ở, 838m² đất nông nghiệp và 85.500.000 đồng tiền thu hồi, bồi thường đất nông nghiệp theo quy định của pháp luật. Trước đây các ông bà không khởi kiện, sau này mới khởi kiện vì mọi người trong họ góp ý nhưng vợ chồng ông H bà T1 không cho anh Nguyễn Văn B ½ diện tích đất ở nên các ông bà mới khởi kiện. Sau này Tòa án hòa giải ông H bà T1 đồng ý cho anh Bảy ½ diện tích đất ở nhưng các ông bà không đồng ý vì các ông bà đã đề nghị Tòa án chia thừa kế và ông H láo nên các ông bà không đồng ý hòa giải.
Những người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của bà Nguyễn Thị T gồm anh Nguyễn Xuân C1 và chị Nguyễn Thị Kiều D1 trình bày: Anh C1 và chị D1 đồng ý với nội dung trình bày của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập. Chị D1 trình bày thêm: chị đề nghị chia di sản thừa kế theo quy định của pháp luật và nhận thừa kế bằng tiền. Phần di sản thừa kế chị được chia chị tặng cho anh trai là Nguyễn Xuân C1.
Người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của bà Nguyễn Thị T là ông Nguyễn Văn C3 (là chồng) trình bày: Ông là người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của bà T, về tài sản thừa kế của cụ R và cụ M1 thế nào ông không nắm được. Mặc dù ông là người trong hàng thừa kế thứ nhất của bà T nhưng ông khẳng định không liên quan đến tài sản tranh chấp chia thừa kế của cụ R và cụ M1 để lại. Do đó, ông đề nghị Tòa án không tiến hành giải quyết bất cứ quyền lợi gì cho ông đối với khối tài sản đang tranh chấp thừa kế vì ông không liên quan và cũng không tranh chấp gì về khối tài sản này.
Bà Nguyễn Thị T1 là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trình bày: Bà là vợ ông H và là con dâu của cụ Nguyễn Văn R và cụ Nguyễn Thị K1. Nguồn gốc thửa đất đang có tranh chấp có diện tích 578,8m² tại tổ dân phố D, thị trấn N, huyện A, tỉnh X là của cụ R và cụ M1. Khi còn sống bố mẹ chồng bà ở trên đất. Các con đã xây dựng gia đình và ở riêng. Năm 1994 cụ R ốm nên vào ở với vợ chồng bà. Năm 1995 cụ R chết, khi chết không để lại di chúc, vợ chồng bà là người đứng ra lo mai táng, chi phí lo mai táng là do anh em trong gia đình đóng góp, nhưng vợ chồng bà là chính. Di sản thừa kế của cụ R để lại là ½ giá trị quyền sử dụng thửa đất diện tích 578,8m² và 1,6 sào đất nông nghiệp. Ngoài ra không còn di sản nào khác. Khi chết cụ R không để nghĩa vụ về tài sản. Sau khi cụ R chết, di sản thừa kế do cụ M1 quản lý.
Năm 2000, mẹ chồng bà (cụ M1) còn sống, cụ M1 cho vợ chồng bà 578,8m² và hơn 03 sào đất nông nghiệp (phần di sản của cụ R và tài sản của cụ M1), việc cụ M1 cho tặng đất ở và đất nông nghiệp bằng lời nói, không bằng văn bản. Nay bà không có chứng cứ để xuất trình. Thời điểm này đất của cụ R và cụ M1 chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Năm 2000, vợ chồng bà được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên ông Nguyễn Văn H và bà Nguyễn Thị T1. Việc cụ M1 tặng cho vợ chồng bà diện tích đất 578,8m², anh em trong gia đình không biết.
Năm 2007, cụ M1 tặng cho ông B và cháu H2 (con gái bà) đất, việc tặng cho bằng lời nói, chứng cứ xuất trình là giấy giới thiệu cụ M1 nhờ ai viết, bà không rõ, giấy không ghi ngày tháng năm, cụ M1 không ký và cũng không điểm chỉ vào giấy, đưa cho bà mang đến ông Nguyễn Văn P1 sinh năm 1958, địa chỉ: Thôn D, thị trấn N ký xác nhận. Nội dung giấy giới thiệu ghi chia đất cho ông Nguyễn Văn B và cháu Nguyễn Thị H2 (con gái của bà).
Ngày 23/8/2006, lúc này cụ M1 còn sống, ông B ở trong miền Nam, không về được, gửi giấy tờ cần thiết cho bà. Cháu T2 cũng gửi giấy tờ cần thiết. Bà mang đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền làm thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất diện tích 578,8m², tại tổ dân phố D, thị trấn N, huyện A, tỉnh X mang tên Nguyễn Văn T2 diện tích 290m² và mang tên Nguyễn Văn B diện tích 288,8m², khi tách thửa đất cho ông B và anh Trang, cụ M1 vẫn còn sống và đồng ý nhưng không lập văn bản, anh em trong gia đình không ai biết. Đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên Nguyễn Văn T2 là do bà viết đơn. Đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên Nguyễn Văn B, tại mục người viết đơn ghi chữ “Bảy” là do bà viết, không phải chữ viết của ông B.
Nay ông B khởi kiện đề nghị Tòa án hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên ông Nguyễn Văn B và hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên Nguyễn Văn T2, bà không đồng ý.
Anh Nguyễn Văn T2 là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan gửi đơn có nội dung sau: Anh đã nhận được Thông báo về việc thụ lý vụ án của Tòa án về việc tranh chấp di sản thừa kế giữa ông Nguyễn Văn B và ông Nguyễn Văn H. Do điều kiện anh nhiều việc, không thể có mặt trong suốt quá trình tố tụng. Anh đề nghị Tòa án cho phép anh vắng mặt trong các buổi làm việc, buổi phiên họp, tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải, anh đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt.
Anh Nguyễn Văn H3 và chị Nguyễn Thị H2 là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trình bày: Anh, chị là con trai ông H, bà T1. Anh, chị sinh ra và lớn lên tại tổ dân phố D, thị trấn N, huyện A, tỉnh X. Anh, chị đã nhận được thông báo về việc tranh chấp di sản thừa kế giữa ông Nguyễn Văn B và ông Nguyễn Văn H. Khi nhà nước giao ruộng, anh, chị có định suất ruộng nằm trong hộ gia đình ông Nguyễn Văn H và bà Nguyễn Thị T1 (bố mẹ anh). Các thành viên trong hộ gia đình anh, chị tại thời điểm đó gồm: Ông Nguyễn Văn H, bà Nguyễn Thị T1, cụ Đào Thị M1, anh Nguyễn Văn H3, anh Nguyễn Văn T2. Do công việc bận, không có thời gian nên anh, chị không thể có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án nhân dân tỉnh X. Anh, chị đề nghị Tòa án cho phép vắng mặt trong suốt quá trình tố tụng tại Tòa án từ khi thụ lý vụ án cho đến khi kết thúc vụ án.
Ủy ban nhân dân huyện A do bà Phòng Thị N2 - Phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện A trình bày: Ủy ban nhân dân huyện A có quan điểm đối với việc cấp 02 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như sau:
- Giấy thứ nhất mang tên ông Nguyễn Văn B, số Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất AL 779163, cấp ngày 15/11/2006 đối với thửa đất số 147, tờ bản đồ số 49, diện tích 288,8m² đất ở; giấy thứ 2 mang tên ông Nguyễn Văn T2, số Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất AL 779275, cấp ngày 15/11/2006 đối với thửa đất 245, tờ bản đồ 49, diện tích 290,0m² đất ở. Hai giấy trên được kê khai, cấp giấy chứng nhận ngày 23/8/2006 sau khi được đo đạc bản đồ địa chính, chính quy xã N3.
Đơn được kê khai có nội dung:
- Tên chủ sử dụng đất mang tên ông Nguyễn Văn T2 sinh năm 1989, số chứng minh nhân dân 121902410, địa chỉ thường trú: Thôn D, xã N3, huyện A, tỉnh X.
- Thửa đất số 147, tờ bản đồ 49, diện tích 288,8m², mục đích sử dụng đất ở, nguồn gốc do bố mẹ để lại (được cấp năm 1989) đối với đơn mang tên ông Nguyễn Văn B4; đơn được ký tên người viết đơn là B4, ghi họ tên là Nguyễn Văn B4.
- Thửa đất số 425, tờ bản đồ số 49, diện tích 290m², mục đích sử dụng đất ở, nguồn gốc do bố mẹ cho con đối với đơn mang tên ông Nguyễn Văn T2.
Kèm theo 02 đơn là Hợp đồng tặng cho được lập giữa bên tặng cho là ông Nguyễn Văn H và bà Nguyễn Thị T1; bên nhận tặng cho là ông Nguyễn Văn B4 và ông Nguyễn Văn T2; hợp đồng có chữ ký của bên tặng cho và bên nhận tặng cho được cán bộ địa chính là ông Nguyễn Văn V, lãnh đạo Ủy ban nhân dân xã N3 ký xác nhận, đóng dấu quốc huy UBND, ký xác nhận ngày 15/4/2006, được cán bộ Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất ghi ý kiến và ký xác nhận hồ sơ đầy đủ.
Theo ông Nguyễn Văn B4 và UBND xã N (một phần của xã N3 cũ) trình bày về nguồn gốc sử dụng đất: 02 thửa đất trên sử dụng có nguồn gốc do cha ông để lại, ông R và bà K1 là bố mẹ của các ông bà: Nguyễn Văn H, Nguyễn Văn Q, Nguyễn Văn B4, Nguyễn Thị H1 , Nguyễn Thị L và Nguyễn Thị T. Ông R chết năm 1995, bà K1 chết năm 2008 không để lại di chúc. Năm 2000 ông Nguyễn Văn H vợ là Nguyễn Thị T1 kê khai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Năm 2006, sau khi đo đạc bản đồ địa chính chính quy thửa đất được đo vẽ là thửa đất số 147, diện tích 606,4m², mã đất ONT, quy chủ sử dụng đất là Nguyễn Văn H; thửa đất được ông H, bà T1 đề nghị đo tách thành thửa 147, diện tích 288,8m² và thửa 425, diện tích 290,0m². Ngày 15/4/2006 ký hợp đồng tặng cho em là Nguyễn Văn B4 và con trai là Nguyễn Văn T2 (diện tích sau khi tách và diện tích ban đầu đo vẽ chênh lệch 27,6m² do trừ phần đất giáp đường đi).
Hồ sơ thủ tục tặng cho được Ủy ban nhân dân xã N3 xác nhận, có đầy đủ chữ ký hai bên. Đối chiếu quy định Luật Đất đai năm 2003 và Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, 02 giấy chứng nhận đã được thực hiện theo đúng quy định về trình tự, thủ tục, giấy chứng nhận được cấp đúng diện tích, đúng mục đích sử dụng đất. Từ trước đến thời điểm cấp giấy và đến trước năm 2021 (thời điểm ông Nguyễn Văn B4 gửi đơn đến Tòa án) đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch đất ở.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn B4 là người được tặng cho có ý kiến cho rằng ông không ký bất kỳ chữ ký nào vào hồ sơ tặng cho cũng như cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông đề nghị thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp mang tên ông và mang tên ông Nguyễn Văn T2.
Đối với giấy chứng nhận mang tên ông Nguyễn Văn B4: Theo quy định tại điểm c khoản 56 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 về việc sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai: “Trường hợp người sử dụng đất phát hiện giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp không đúng quy định của pháp luật về đất đai thì gửi kiến nghị bằng văn bản đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đó có trách nhiệm kiểm tra, xem xét, quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định của pháp luật về đất đai”.
Giấy chứng nhận đã cấp cho ông Nguyễn Văn T2 do bố mẹ tặng, cho. Tại thời điểm tặng cho với thời điểm này bên tặng cho và bên nhận tặng cho không có ý kiến gì, đề nghị Tòa án giữ nguyên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Ủy ban nhân dân thị trấn N do ông Vũ Ngọc Hoàn - Chức vụ: Chủ tịch đại diện là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trình bày: Năm 2000 hộ gia đình ông Nguyễn Văn H được giao và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như sau:
* Đối với đất nông nghiệp:
1. Thửa số 16 (6), tờ bản đồ số 24, diện tích 360m², địa danh: Đồng Lươm;
2. Thửa số 21 (25), tờ bản đồ số 25, diện tích 243m², địa danh: Đầu Làng;
3. Thửa số 8 (1), tờ bản đồ số 26, diện tích 168m², địa danh: Đồng Biêu;
4. Thửa số 32(72), tờ bản đồ số 26, diện tích 440m², địa danh: Ba Quà;
5. Thửa số 7 (1), tờ bản đồ số 26, diện tích 288m², địa danh: Ba Quà;
6. Thửa số 153 (22), tờ bản đồ số 21, diện tích 150m², địa danh: Cửa Đình;
7. Thửa số 24(70), tờ bản đồ số 22, diện tích 276m², địa danh: Cửa Đình;
8. Thửa số 125 (4), tờ bản đồ số 21, diện tích 126m², địa danh: Đống Bạc;
9. Thửa số 42 (3), tờ bản đồ số 22, diện tích 132m², địa danh: Chăn nuôi;
10. Thửa số 89 (9), tờ bản đồ số 23, diện tích 222m², địa danh: Cầu Mộc;
11. Thửa số 37 (54), tờ bản đồ số 26, diện tích 166m², địa danh: Đồng Chuôm;
12. Thửa số 24 (72), tờ bản đồ số 25, diện tích 240m², địa danh: Hậu Quàng;
13. Thửa số 2 (49), tờ bản đồ số 25, diện tích 114m², địa danh: Hậu Quàng;
14. Thửa số 22 (57), tờ bản đồ số 21, diện tích 108m², địa danh: Cửa Đình;
15. Thửa số 166, tờ bản đồ số 21, diện tích 840m², địa danh: Đồng Bạc; Tổng diện tích: 3.863,0m².
Năm 2007 (cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo hiện trạng sau dồn điền đổi thửa):
1. Thửa số 256, tờ bản đồ số 25, diện tích 695,9m², số phát hành AL333209; số vào sổ H03381;
2. Thửa số 283, tờ bản đồ số 25, diện tích 285,6m², số phát hành AL333210; số vào sổ H03382;
3. Thửa số 192, tờ bản đồ số 26, diện tích 610,2m², số phát hành AL333211; số vào sổ H03383;
4. Thửa số 250, tờ bản đồ số 26, diện tích 840,7m², số phát hành AL333212; số vào sổ H03384;
5. Thửa số 154, tờ bản đồ số 38, diện tích 2.068,3m², số phát hành AL333213; số vào sổ H03385;
6. Thửa số 170, tờ bản đồ số 38, diện tích 462,1m², số phát hành AL333214; số vào sổ H03386;
7. Thửa số 185, tờ bản đồ số 38, diện tích 388,2m², số phát hành AL333215; số vào sổ H03387;
8. Thửa số 174, tờ bản đồ số 39, diện tích 655,9m², số phát hành AL333216; số vào sổ H03388;
* Đối với đất ở:
- Năm 2000 hộ gia đình ông Nguyễn Văn H, bà Nguyễn Thị T1 được Ủy ban nhân dân huyện A cấp 02 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu số phát hành: Q 082293, Q 082305 đều có địa chỉ thửa đất: Thôn D, xã N3 (nay là thị trấn N), huyện A, tỉnh X (thông tin theo sổ địa chính tại trang số 112 và trang số 124). Trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về đất đai.
- Năm 2007, thực hiện việc cấp đổi sau đo đạc bản đồ địa chính chính quy thì thửa đất của hộ gia đình ông Nguyễn Văn H (đã được cấp năm 2000) ở khu vực Chăn nuôi, tổ dân phố D được tách thành 02 thửa cụ thể các thửa như sau:
Thửa thứ nhất: Mang tên hộ ông Nguyễn Văn H, số phát hành AL 779210, số vào sổ H07380, thửa đất số 423, tờ bản đồ 49, diện tích 275,3m², do Ủy ban nhân dân huyện A cấp ngày 17/7/2007 (Thông tin thửa đất theo sổ địa chính tại trang số 37, quyển 2). Trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.
Thửa thứ hai: Mang tên hộ ông Nguyễn Văn B4, số phát hành AL 779163, số vào sổ cấp giấy H07333, thửa đất số 147, tờ bản đồ số 49, diện tích 288,8m², do Ủy ban nhân dân huyện A cấp ngày 17/7/2007 (Thông tin thửa đất theo sổ địa chính tại trang 194, quyển 1); trình tự thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về đất đai.
Tại phiên tòa sơ thẩm, ông Nguyễn Văn B rút yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên anh Nguyễn Văn T2; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên ông Nguyễn Văn B và rút yêu cầu chia di sản thừa kế đối với đất ở.
Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 18/2022/DS-ST ngày 27 tháng 7 năm 2022 của Tòa án nhân dân tỉnh X đã quyết định:
Căn cứ khoản 2 Điều 5, điểm a khoản 1 Điều 25 Pháp lệnh thừa kế, Điều 635, điểm a khoản 1 Điều 676 của Bộ luật Dân sự năm 2005, điểm a mục 1 Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 19/10/1990 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Pháp lệnh thừa kế; các Điều 609, 611, 612, 613, 623, 649, 651 của Bộ luật Dân sự năm 2015; Án lệ số 24/2018/AL được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 17 tháng 10 năm 2018 và được công bố theo Quyết định số 269/QĐ-CA ngày 06 tháng 11 năm 2018 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
Căn cứ khoản 5 Điều 26; khoản 1 Điều 37; khoản 1 Điều 147; Điều 157, 165, khoản 1, khoản 2 Điều 244, Điều 227, Điều 228 của Bộ luật Tố tụng dân sự, điểm đ khoản 1 Điều 12, điểm a khoản 7 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của UBTVQH quy định về án phí, lệ phí Tòa án, tuyên xử:
1. Đình chỉ 1 phần yêu cầu của ông Nguyễn Văn B về việc yêu cầu chia di sản thừa kế 578,8m² đất ở và yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AL 779163 cấp ngày 17/7/2007 đối với thửa đất số 147, tờ bản đồ số 49, diện tích 288,8m² đất ở mang tên ông Nguyễn Văn B và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AL 779275 cấp ngày 17/7/2007 đối với thửa đất 245, tờ bản đồ 49, diện tích 290,0m² đất ở mang tên anh Nguyễn Văn T2.
2. Bác yêu cầu của ông Nguyễn Văn B về việc yêu cầu chia di sản thừa kế 838m² đất nông nghiệp và 85.500.000 đồng tiền bồi thường giải phóng mặt bằng 380m² đất nông nghiệp.
3. Bác yêu cầu của ông Nguyễn Văn Q, bà Nguyễn Thị H1 , bà Nguyễn Thị L, anh Nguyễn Xuân C1 và chị Nguyễn Thị Kiều D1 về việc yêu cầu chia di sản thừa kế 838m² đất nông nghiệp và 85.500.000 đồng tiền bồi thường giải phóng mặt bằng 380m² đất nông nghiệp.
4. Bác yêu cầu của ông Nguyễn Văn Q, bà Nguyễn Thị H1 , bà Nguyễn Thị L, anh Nguyễn Xuân C1 và chị Nguyễn Thị Kiều D1 về việc yêu cầu chia di sản thừa kế 578,8m² đất ở và yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AL 779163 cấp ngày 17/7/2007 đối với thửa đất số 147, tờ bản đồ số 49, diện tích 288,8m² đất ở mang tên ông Nguyễn Văn B; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AL 779275 cấp ngày 17/7/2007 đối với thửa đất 245, tờ bản đồ 49, diện tích 290,0m² đất ở mang tên anh Nguyễn Văn T2.
Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí, chi phí tố tụng, nghĩa vụ thi hành án và thông báo quyền kháng cáo theo quy định pháp luật.
Ngày 09/8/2022, Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập ông Nguyễn Văn Q có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
Ngày 26/8/2022, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội có Quyết định kháng nghị số 24/QĐKNPT-VC1-DS với nội dung hủy bản án sơ thẩm.
Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn vắng mặt, bị đơn đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm; Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập ông Nguyễn Văn Q giữ nguyên yêu cầu độc lập và nội dung kháng cáo.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội giữ nguyên nội dung kháng nghị; Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm: căn cứ Điều 310 Bộ luật tố tụng dân sự; chấp nhận kháng cáo của ông Nguyễn Văn Q, kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội; Hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Căn cứ tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và đã được thẩm tra công khai tại phiên tòa; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa; trên cơ sở xem xét đầy đủ toàn diện chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên đại diện cho Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội tham gia phiên tòa, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định như sau:
[1] Về thủ tục tố tụng: Ngày 06/4/2021, ông Nguyễn Văn B có đơn yêu cầu Tòa án chia di sản thừa kế của cụ Nguyễn Văn R và cụ Nguyễn Thị K1. Căn cứ Trích lục khai tử số 262/TLKT-BS ngày 05 tháng 4 năm 2021, cụ Nguyễn Văn R chết ngày 08/5/1995. Căn cứ Trích lục khai tử số 263/TLKT-BS ngày 05 tháng 4 năm 2021, cụ Nguyễn Thị K1 chết ngày 21/3/2008. Căn cứ điểm d khoản 1 Điều 688, khoản 1 Điều 623 của Bộ luật Dân sự năm 2015, đảm bảo thời hiệu khởi kiện. Tòa án nhân dân tỉnh X thụ lý và xác định quan hệ pháp luật là: “Tranh chấp thừa kế tài sản” là đúng quy định tại khoản 5 Điều 26 và khoản 4 Điều 34 Bộ luật Tố tụng dân sự.
Tại phiên tòa sơ thẩm, phía nguyên đơn rút một phần yêu cầu khởi kiện chia di sản thừa kế là 578,8m² đất ở và rút yêu cầu hủy 02 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất củ ông Nguyễn Văn B và anh Nguyễn Văn T2. Việc nguyên đơn rút một phần yêu cầu khởi kiện là tự nguyện nên Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng khoản 1, khoản 2 Điều 244 Bộ luật Tố tụng dân sự để đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu mà nguyên đơn đã rút là đúng quy định.
Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn và một số người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ 2 nhưng vắng mặt không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan. Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 228 Bộ luật Tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử quyết định xét xử vụ án theo thủ tục chung.
[2] Nguyên đơn yêu cầu chia di sản thừa kế là giá trị quyền sử dụng đất nông nghiệp diện tích 838m² và 85.500.000 đồng tiền bồi thường giải phóng mặt bằng khi nhà nước thu hồi đất nông nghiệp; người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập và người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập yêu cầu chia di sản thừa kế của cụ R và cụ M1 là giá trị quyền sử dụng diện tích thửa đất ở có diện tích 578,8m², 838m² đất nông nghiệp và 85.500.000 đồng tiền bồi thường giải phóng mặt bằng khi nhà nước thu hồi đất nông nghiệp.
[2.1]. Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định thời điểm mở thừa kế, những người ở hàng thừa thứ nhất của cụ R và cụ M1 gồm: Bà Nguyễn Thị H1 , ông Nguyễn Văn H, bà Nguyễn Thị L, ông Nguyễn Văn Q, ông Nguyễn Văn B, bà Nguyễn Thị T (chết ngày 15/10/2021), người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của bà T gồm: Ông Nguyễn Văn C3, anh Nguyễn Xuân C1 và chị Nguyễn Thị Kiều D1.
[2.2]. Về nội dung: Tòa án cấp sơ thẩm lập luận cho rằng nguyên đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập và người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập không xuất trình được chứng cứ chứng minh di sản thừa kế của cụ Nguyễn Văn R và cụ Đào Thị M1 là 578,8m² đất ở và 1.218m² đất nông nghiệp (838m² đất nông nghiệp và 85.500.000 đồng tiền bồi thường giải phóng đất nông nghiệp); không xác định được vị trí đất nông nghiệp đang tranh chấp, không có tài liệu nào thể hiện cụ R và cụ M1 được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao đất nông nghiệp. Nguồn gốc 578,8m² đất ở là của cụ Nguyễn Văn R và cụ Đào Thị M1 sau khi cụ R chết năm 1998 cụ M1 về sinh sống cùng vợ chồng ông H. Năm 2000, cơ quan nhà nước có thẩm quyền làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở thì cụ M1 không đi kê khai mà ông H là người kê khai và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên ông Nguyễn Văn H và bà Nguyễn Thị T1. Quá trình ở trên đất ông H và bà T1 xây tường bao quanh, cụ M1 và các thừa kế khác không phản đối. Năm 2006, ông H, bà T1 đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền tách thửa; cụ M1, Ông Q, bà L, bà H1 và bà T không có ý kiến gì để quyết định bác yêu cầu chia di sản thừa kế và yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các đương sự.
[3] Sau khi xét xử sơ thẩm, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội có kháng nghị, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có kháng cáo. Xét kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội, kháng cáo của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập, Hội đồng xét xử thấy:
[3.1]. Cụ Nguyễn Văn R (chết năm 1995) và cụ Đào Thị M1 (chết năm 2008) có 07 người con là bà Nguyễn Thị H1 , bà Nguyễn Thị L, ông Nguyễn Văn B, ông Nguyễn Văn H, bà Nguyễn Thị T (chết năm 2021), ông Nguyễn Văn Q, bà Nguyễn Thị B3 (chết năm 1961, không có chồng, con). Nguồn gốc diện tích 578,8m² đất ở tại tổ dân phố D, thị trấn N, huyện A, tỉnh X là của hai cụ tạo lập. Cụ R, cụ M1 chết không để lại di chúc, trong gia đình chưa phân chia di sản thừa kế. Hiện gia đình ông H, bà T1 là người quản lý, sử dụng diện tích đất nêu trên để làm vườn.
Quá trình giải quyết vụ án, các đương sự đều thừa nhận nguồn gốc đất ở là của cụ R, cụ M1 để lại. Đại diện phòng Tài nguyên Môi trường huyện A và UBND xã N cũng xác nhận đất là của cụ R, cụ M1. Bản án sơ thẩm cho rằng, cụ R chết năm 1995 nên quyền sử dụng đất không phải di sản của cụ R theo quy định tại điểm a mục 1 Nghị quyết 02/HĐTP ngày 19/10/1990 là không đúng. Bởi lẽ, theo hướng dẫn tại điểm a tiểu mục 1.3 mục 1 phần II Nghị quyết số 02/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì diện tích đất ở nêu trên của cụ R, cụ M1 được xác định là di sản.
Mặt khác, ông H và bà T1 thừa nhận năm 2000 khi làm thủ tục kê khai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và năm 2006-2007 khi làm thủ tục tách thửa, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên ông Nguyễn Văn B và anh Nguyễn Văn T2, anh em trong gia đình là những người thừa kế của cụ R đều không biết. Như vậy, trường hợp này không thể coi cụ M1 và các đồng thừa kế của cụ R đã thoả thuận phân chia di sản thừa kế và việc phân chia này không xâm phạm quyền lợi của các đương sự khác. Bản án sơ thẩm áp dụng Án lệ số 24/2018/AL ngày 06/11/2018 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để bác yêu cầu chia thừa kế của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập là không có căn cứ.
Ngoài ra, kết quả thẩm định tại chỗ của Toà án nhân dân tỉnh X xác định diện tích đất ở đang tranh chấp là 604,7m², chênh lệch với tổng diện tích được ghi nhận trong 02 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 25,9m². Tòa án cấp sơ thẩm không xác minh làm rõ phần diện tích tăng thêm này là do đâu mà có để làm căn cứ giao hoặc tạm giao cho người được quyền sử dụng khi giải quyết là thiếu sót.
[3.2]. Về diện tích đất nông nghiệp: Các đương sự (trong đó có ông H) đều thừa nhận, cụ R và cụ M1 có hơn 03 sào đất nông nghiệp, nhà nước đã thu hồi một phần và đền bù số tiền 85.500.000 đồng. Theo cung cấp của Trung tâm phát triển quỹ đất và cụm công nghiệp thì năm 2019, UBND huyện A thu hồi của hộ gia đình ông H 02 thửa ruộng xứ đồng Đống Bạc, diện tích thu hồi là 1.055m², số tiền bồi thường, hỗ trợ là 231.432.540 đồng. Mặc dù, kết quả xác minh tại các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đều không xác định được 3 sào đất nông nghiệp của cụ R, cụ M1 cụ thể ở vị trí nào nhưng các đương sự đều thừa nhận cụ R, cụ M1 có 03 sào đất nông nghiệp nằm trong tổng diện tích 4.967m² đất nông nghiệp hiện do gia đình ông H, bà T1 đang quản lý, sử dụng, có một phần nhà nước đã thu hồi và bồi thường; ông H cũng đã xác định (BL 119, 163) hơn 03 sào đất nông nghiệp nằm tại các thửa đất ở cuối giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở các vị trí: Rau xanh ở xứ đồng Cửa Đình: 08 thước đã thu hồi bồi thường giải phóng mặt bằng với giá 73.000.000 đồng/1 sào; xứ đồng Đống Bạc: 12 thước thu hồi 94.000.000 đồng/1 sào; xứ đồng Đám Mạ 08 thước, xứ đồng Phần Đường 01 sào 12 thước, như vậy đây là sự kiện không phải chứng minh. Do đó, cần xem xét, chia thừa kế đối với phần diện tích đất nông nghiệp mà các đương sự thống nhất thừa nhận là di sản của cụ R, cụ M1 để lại mới đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự trong vụ án.
Do bản án sơ thẩm xác định không đúng di sản thừa kế, không xem xét chia thừa kế đối với diện tích đất nông nghiệp, ảnh hưởng đến quyền lợi của các đương sự. Từ đó có căn cứ chấp nhận kháng cáo của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập và kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội, hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để giải quyết lại vụ án theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm quyền lợi ích hợp pháp của các bên đương sự.
[4] Về án phí: Do Bản án sơ thẩm bị hủy nên người kháng cáo không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm; Tòa án cấp sơ thẩm sẽ quyết định về án phí dân sự sơ thẩm, chi phí tố tụng khi giải quyết lại vụ án.
Từ những nhận định trên, Căn cứ khoản 3 Điều 308; Điều 310 Bộ luật tố tụng dân sự; khoản 3 của Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
QUYẾT ĐỊNH
1. Chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội và kháng cáo của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập ông Nguyễn Văn Q. Hủy Bản án dân sự sơ thẩm số 18/2022/DS-ST ngày 27 tháng 7 năm 2022 của Tòa án nhân dân tỉnh X.
Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh X giải quyết, xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm.
2. Về án phí: Ông Nguyễn Văn Q không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm; hoàn trả Nguyễn Văn Q số tiền 300.000đ (Ba trăm nghìn đồng) tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm đã nộp tại Biên lai thu số 0000551 ngày 19 tháng 8 năm 2022 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh X. Án phí, tạm ứng án phí và chi phí tố tụng dân sự sơ thẩm sẽ được quyết định khi Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 569/2023/DS-PT về tranh chấp di sản thừa kế
Số hiệu: | 569/2023/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 27/11/2023 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về