TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BẢN ÁN 51/2023/KDTM-PT NGÀY 05/06/2023 VỀ TRANH CHẤP GIỮA NGƯỜI KHÔNG CÒN LÀ THÀNH VIÊN CÔNG TY VỚI THÀNH VIÊN CÔNG TY LIÊN QUAN ĐẾN VIỆC THỰC HIỆN GIAO DỊCH CHUYỂN NHƯỢNG VỐN GÓP
Trong các ngày 29 tháng 5 và ngày 05 tháng 6 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số: 42/2022/TLPT-KDTM ngày 24 tháng 8 năm 2022 về việc “Tranh chấp giữa người không còn là thành viên công ty với thành viên công ty liên quan đến việc thực hiện giao dịch chuyển nhượng vốn góp”.Do Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 05/2021/KDTM-ST ngày 21 tháng 12 năm 2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương bị kháng cáo, kháng nghị.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 332/2023/QĐPT-DS ngày 04 tháng 5 năm 2023, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Ông Lê Văn P, sinh năm: 1982 (vắng mặt) Địa chỉ: Số 8/49/4, đường Trường H, khu phố Đông T, phường Dĩ A, thành phố Dĩ A, tỉnh Bình Dương.
Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Ông Đào Bá Hà M, sinh năm 1983 (có mặt) Địa chỉ: Lầu 9 Tòa nhà IDC, số 163 H, phường Võ Thị Sáu (Phường 6 cũ), Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Ông Lê Trạch G - Luật sư của Công ty Luật TNHH Quốc Tế An P thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt)
- Bị đơn: Ông Vương Hồng N, sinh năm: 1979 (vắng mặt) Địa chỉ: 17A/51 khu phố Bình Đ 1, phường An B, thành phố Dĩ A, tỉnh Bình Dương.
Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn: Ông Trịnh Minh T, sinh năm: 1985 (có mặt) Địa chỉ: Số 16, đường Nguyễn Quý C, phường An P, thành phố Thủ Đ, Thành phố Hồ Chí Minh.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1/ Công ty TNHH Hóa Chất B.
Địa chỉ: 17A/51 khu phố Bình Đ 1, phường An B, thành phố Dĩ A, tỉnh Bình Dương.
Người đại diện theo ủy quyền: Ông Trịnh Minh T, chức vụ: Trưởng phòng Pháp Chế (có mặt) 2/ Công ty TNHH Việt K.
Địa chỉ: 190/12/44, khu phố Chiêu L, phường Tân Đông H, thành phố Dĩ A, tỉnh Bình Dương.
Người đại diện theo ủy quyền:
- Bà Lê Thị Quỳnh M1, chức vụ: Trưởng phòng Pháp Chế (vắng mặt)
- Ông Trịnh Minh T, sinh năm: 1985 (có mặt) Địa chỉ: Số 16, đường Nguyễn Quý C, phường An P, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh
3/ Bà Nguyễn Thị Thế L, sinh năm: 1980 (xin vắng mặt) Địa chỉ: Số 9, đường L, khu trung tâm hành c, Khu phố Nhị Đ, phường Dĩ A, thành phố Dĩ A, tỉnh Bình Dương.
- Người kháng cáo: Nguyên đơn là Ông Lê Văn P.
- Viện kiểm sát kháng nghị: Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương.
NỘI DUNG VỤ ÁN
* Theo đơn khởi kiện ngày 17/5/2019, quá trình tố tụng và tại phiên tòa người đại diện hợp pháp của nguyên đơn bà Đỗ Thị Huyền Trang trình bày:
Công ty TNHH Hóa Chất B (gọi tắt là Công ty B) thành lập ngày 08/7/2008, vốn điều lệ là 06 tỷ đồng, gồm 02 thành viên góp vốn (Ông Vương Hồng N góp 3,6 tỷ đồng tương ứng với 60% vốn điều lệ và Ông Lê Văn P góp 2,4 tỷ đồng tương ứng với 40% vốn điều lệ).
Do không có nhu cầu tiếp tục hoạt động kinh doanh chung với Ông N, Ông Lê Văn P và Ông Vương Hồng N đã thỏa thuận về việc rút vốn tại Công ty B, việc thỏa thuận các bên có lập “Biên bản thỏa thuận” ghi ngày 02/3/2016, do ông Lê Văn N1 viết, với nội dung:
Trích Biên bản thỏa thuận ngày 02 tháng 3 năm 2016:
“1. Bên A và Bên B thống nhất về tài sản của Công ty TNHH Hóa Chất B và phân chia tỷ lệ tài sản theo tỷ lệ vốn góp. Sau khi tính toán bên A còn nợ bên B số tiền là 160.000.000 đồng (một trăm sáu mươi triệu đồng chẵn).
2. Bên B cam kết tiến hành các thủ tục pháp lý để chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của bên B trong giấy phép đăng ký kinh doanh tại Công ty TNHH Hóa Chất B cho bà Nguyễn Thị Thế L (vợ bên A).
3. Bên A đồng ý để lại chiếc xe ô tô cho bên B số 61A – 11387.
4. Bên B còn 8% giá trị phần vốn góp của Công ty TNHH Hóa Chất B trong Công ty TNHH Việt K, phần tiền này bên B sẽ lấy lại khi Công ty TNHH Việt K giải quyết xong.
Sau khi ký Biên bản thỏa thuận trên, Ông P đã hỗ trợ và hoàn tất các thủ tục pháp lý chuyển nhượng hết phần vốn góp của Ông P cho bà Nguyễn Thị Thế L. Hiện Ông P đã hoàn thành việc rút toàn bộ phần vốn của mình tại Công ty B.” Ông Lê Văn P đã nhiều lần yêu cầu Ông Vương Hồng N thanh toán số tiền 160.000.000 đồng, giao lại chiếc xe ô tô mang biển số 61A – 1187 (trị giá 300.000.000 đồng), thanh toán số tiền tương ứng với 8% vốn góp của Công ty TNHH Hóa Chất B tại Công ty TNHH Việt K (trị giá 400.000.000 đồng). Nhưng đến nay Ông Vương Hồng N không có thiện chí thanh toán.
Do đó, Ông Lê Văn P khởi kiện yêu cầu Ông Vương Hồng N phải thanh toán cho Ông Lê Văn P tổng số tiền 860.000.000 đồng. Quá trình tố tụng và tại phiên tòa, Ông P xác định yêu cầu Ông Vương Hồng N phải thanh toán tổng số tiền 840.000.000 đồng, cụ thể:
- Thanh toán số tiền 160.000.000 đồng (một trăm sáu mươi triệu đồng chẵn).
- Thanh toán giá trị chiếc xe Ô tô mang biển số 61A – 11387 bằng tiền, đã được Hội đồng định giá xác định trị giá 280.000.000 đồng.
- Thanh toán giá trị phần vốn góp (8%) của Công ty TNHH Hóa Chất B tại Công ty TNHH Việt K (giá trị tạm tính là: 400.000.000 đồng).
Chứng cứ Ông Lê Văn P cung cấp là Biên bản thỏa thuận lập ngày 02/3/2016 (bản phô tô).
* Tại bản tự khai, quá trình tố tụng và tại phiên tòa người đại diện hợp pháp của bị đơn Ông Trịnh Minh T trình bày:
sau:
Căn cứ các khoản của Điều 95 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định như 1. Tài liệu đọc được nội dung được coi là chứng cứ nếu là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp, xác nhận.
2. Tài liệu nghe được, nhìn được được coi là chứng cứ nếu được xuất trình kèm theo văn bản trình bày của người có tài liệu đó về xuất xứ của tài liệu nếu họ tự thu âm, thu hình hoặc văn bản có xác nhận của người đã cung cấp cho người xuất trình về xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, thu hình đó.
3. Thông điệp dữ liệu điện tử được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
4. Vật chứng là chứng cứ phải là hiện vật gốc liên quan đến vụ việc.
5. Lời khai của đương sự, lời khai của người làm chứng được coi là chứng cứ nếu được ghi bằng văn bản, băng ghi âm, đĩa ghi âm, băng ghi hình, đĩa ghi hình, thiết bị khác chứa âm thanh, hình ảnh theo quy định tại khoản 2 Điều này hoặc khai bằng lời tại phiên tòa.
6. Kết luận giám định được coi là chứng cứ nếu việc giám định đó được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.
7. Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ được coi là chứng cứ nếu việc thẩm định được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.
8. Kết quả định giá tài sản, kết quả thẩm định giá tài sản được coi là chứng cứ nếu việc định giá, thẩm định giá được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.
9. Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập tại chỗ được coi là chứng cứ nếu việc lập văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.
10. Văn bản công chứng, chứng thực được coi là chứng cứ nếu việc công chứng, chứng thực được thực hiện theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.
11. Các nguồn khác mà pháp luật có quy định được xác định là chứng cứ theo điều kiện, thủ tục mà pháp luật quy định.
Đến thời điểm hiện tại bị đơn chỉ tiếp cận được bản photo “Biên bản thỏa thuận” ngày 02/3/2016 giữa Ông Lê Văn P và Ông Vương Hồng N, với cơ sở này bị đơn không thừa nhận chứng cứ nêu trên, bị đơn đề nghị Tòa án yêu cầu bên nguyên đơn cung tài liệu, chứng cứ để xem xét đánh giá chứng cứ nhằm có cơ sở giải quyết vụ việc. Sau khi tôi tiếp cận được bản gốc Biên bản thỏa thuận ngày 02/3/2016 thì bị đơn mới có ý kiến đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Trường hợp nguyên đơn cung cấp được chứng cứ thì bị đơn yêu cầu Tòa án tiến hành trưng cầu giám định chứng cứ làm cơ sở giải quyết vụ án.
* Quá trình tố tụng và tại phiện tòa, người đại diện hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Công ty TNHH Hóa Chất B (Ông Trịnh Minh T) trình bày:
Đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, Công ty B không có ý kiến gì và đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định pháp luật.
* Quá trình tố tụng người đại diện hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Công ty TNHH Việt K (bà Lê Thị Quỳnh M) trình bày:
Công ty TNHH Việt K không có ý kiến, đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định pháp luật.
* Quá trình tố tụng người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Nguyễn Thị Thế L trình bày:
Bà L không có ý kiến gì đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Bà L đề nghị Tòa án giải quyết vắng mặt trong suốt quá trình tố tụng.
bày:
* Tại bản tự khai ngày 12/3/2021, người làm chứng ông Lê Văn N1 trình Vào ngày 02/03/2016, tại Công ty B, địa chỉ số 17A/51 khu phố Bình Đ 1, phường An B, thị xã Dĩ A, tỉnh Bình Dương. Ông Lê Văn N1 có viết “Biên bản thỏa thuận” đề ngày 02/3/2016 cho Ông Vương Hồng N và Ông Lê Văn P. Chữ viết trong văn bản photo do Tòa cung cấp là chữ viết của ông Lê Văn N1, ghi lại nội dung Ông Vương Hồng N và Ông P thỏa thuận với nhau. Khi hai bên ký vào biên bản thì ông Lê Văn N1 là người ký tên vào cuối biên bản. Sau khi ký vào biên bản với tư cách là người làm chứng thì ông Lê Văn N1 giao lại cho Ông Vương Hồng N và Ông P cầm giữ.
Kể từ khi lập biên bản xong cho hai bên ông Lê Văn N1 không biết hai bên đã thực hiện các nội dung ghi trong biên bản như thế nào. Đối với nội dung vụ kiện ông Lê Văn N1 không có ý kiến gì, ông Lê Văn N1 đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.
Tại Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 05/2021/KDTM-ST ngày 21 tháng 12 năm 2022, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương đã quyết định:
Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Ông Lê Văn P với bị đơn Ông Vương Hồng N về việc “tranh chấp giữa người không còn là thành viên công ty với thành viên công ty liên quan đến việc thực hiện giao dịch chuyển nhượng vốn góp”.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về chi phí tố tụng, án phí và quyền kháng cáo của đương sự.
Sau khi xét xử sơ thẩm, - Ngày 28/12/2021 nguyên đơn Ông Lê Văn P kháng cáo bản án sơ thẩm.
- Ngày 31/12/2021 Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương có Quyết định số 10/QĐ-VKS-KDTM kháng nghị toàn bộ bản án sơ thẩm.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
Nguyên đơn là Ông Lê Văn P (có Ông Đào Bá Hà M đại diện theo ủy quyền) vẫn giữ kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm, sửa bản án sơ thẩm, chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc bị đơn thanh toán số tiền 160.000.000 đồng; giá trị chiếc xe ô tô mang biển số 61A – 11387 trị giá 280.000.000 đồng và giá trị phần vốn góp 8% của Công ty TNHH Hóa Chất B tại Công ty TNHH Việt K theo đúng nội dung Biên bản thỏa thuận ngày 02 tháng 3 năm 2016 giữa Ông Lê Văn P và Ông Vương Hồng N.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn là Luật sư Lê Trạch G phát biểu ý kiến: biên bản thỏa thuận ngày 02 tháng 3 năm 2016 giữa Ông Lê Văn P và Ông Vương Hồng N tuy là bản phô tô nhưng có chữ ký và chữ viết trực tiếp của người làm chứng là Luật sư Lê Văn N1 xác nhận. Lời khai của ông Lê Văn N1 có trong hồ sơ vụ án đều thể hiện có việc ký kết biên bản thỏa thuận nêu trên giữa nguyên đơn và bị đơn. Như vậy, có cơ sở xác định việc ký kết biên bản thỏa thuận ngày 02 tháng 3 năm 2016 là có thật, nhưng sau đó bị đơn đã không thực hiện đúng thỏa thuận. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn.
Bị đơn là Ông Vương Hồng N, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Công ty TNHH Hóa Chất B và Công ty TNHH Việt K (đều do Ông Trịnh Minh T đại diện theo ủy quyền) thống nhất không đồng ý yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn, yêu cầu Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo và giữ nguyên bản án sơ thẩm vì không có việc Ông Vương Hồng N ký kết biên bản thỏa thuận ngày 02 tháng 3 năm 2016 với Ông Lê Văn P. Biên bản thỏa thuận ngày 02 tháng 3 năm 2016 do nguyên đơn cung cấp là bản phô tô, việc ông Lê Văn N1 ký xác nhận vào biên bản này là không khách quan nên tài liệu nêu trên không đủ điều kiện được xem là chứng cứ theo quy định tại Điều 95 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án:
- Về tố tụng: Thẩm phán và Hội đồng xét xử đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật Tố tụng dân sự. Những người tham gia tố tụng đã thực hiện các quyền, nghĩa vụ theo đúng quy định của pháp luật.
- Về nội dung: Bản án của Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử là có căn cứ và đúng quy định của pháp luật nên Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh rút toàn bộ kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương. Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn kháng cáo nhưng không cung cấp được chứng cứ nào mới chứng minh nên đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo và giữ nguyên bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, ý kiến phát biểu của Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Tòa án triệu tập hợp lệ, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Nguyễn Thị Thế L xin vắng mặt. Căn cứ Điều 296 Bộ luật tố tụng dân sự, Tòa án tiến hành phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án vắng mặt đương sự này.
[2] Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đã rút toàn bộ kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương. Do đó, căn cứ Điều 289 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, Hội đồng xét xử đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với Quyết định kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương.
[3] Theo Hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp ngày 08/3/2016 do Phòng đăng ký kinh doanh – Sở kế hoạch và đầu tư tỉnh Bình Dương cung cấp thì Ông Lê Văn P đã chuyển nhượng 40% vốn góp tại Công ty TNHH Hóa Chất B cho bà Nguyễn Thị Thế L với giá 2.500.000.000 đồng. Ngày 24/3/2016, Phòng đăng ký kinh doanh – Sở kế hoạch và đầu tư tỉnh Bình Dương đã cấp giấy chứng nhận Đăng ký thay đổi lần thứ 2 đối với Công ty TNHH Hóa Chất B theo hợp đồng chuyển nhượng trên.
[4] Nguyên đơn là Ông Lê Văn P cho rằng giao dịch chuyển nhượng phần vốn góp giữa nguyên đơn và bà L là giao dịch có điều kiện theo “Biên bản thỏa thuận” ngày 02/3/2016 giữa Ông P với Ông Vương Hồng N. Trong khi đó, bị đơn là Ông N cho rằng Biên bản thỏa thuận” ngày 02/3/2016 không có thật vì nguyên đơn không cung cấp được bản chính văn bản trên.
[5] Xét Biên bản thỏa thuận ngày 02/3/2016 có trong hồ sơ vụ án:
- Về hình thức: Biên bản thỏa thuận ngày 02/3/2016 là bản phô tô chữ viết tay, cuối biên bản có chữ viết sống với nội dung “Người lập biên bản và chứng kiến 2 bên ký vào biên bản này” và chữ ký sống “Lê Văn N1”, chữ viết “Luật sư Lê Văn N1”. Quá trình giải quyết vụ án tại cấp sơ thẩm, Tòa án đã nhiều lần yêu cầu nguyên đơn cung cấp bản chính biên bản thỏa thuận nêu trên nhưng đương sự không cung cấp được vì cho rằng bị đơn đang nắm giữ.
- Về nội dung: Theo Biên bản thỏa thuận ngày 02/3/2016, nguyên đơn và bị đơn đã thỏa thuận nội dung sau:
+ Bên A (Ông N) và Bên B (ông P) thống nhất về tài sản của Công ty B và phân chia tỷ lệ tài sản theo tỷ lệ vốn góp. Sau khi tính toán, bên A còn nợ bên B số tiền là 160.000.000 đồng (một trăm sáu mươi triệu đồng chẵn).
+ Bên B cam kết tiến hành các thủ tục pháp lý để chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của bên B trong giấy phép đăng ký kinh doanh tại Công ty B cho bà Nguyễn Thị Thế L (vợ bên A).
+ Bên A đồng ý để lại chiếc xe ô tô cho bên B biển số 61A – 11387.
+ Bên B còn 8% giá trị phần vốn góp của Công ty B trong Công ty TNHH Việt K, phần tiền này bên B sẽ lấy lại khi Công ty TNHH Việt K giải quyết xong.
[6] Xét, theo quy định tại Điều 94 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì ngoài tài liệu, lời khai của đương sự, lời khai của người làm chứng cũng là nguồn chứng cứ được sử dụng khi giải quyết vụ án. Bản án của Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ vào khoản 1 Điều 95 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 để không công nhận Biên bản thỏa thuận ngày 02/3/2016 là chứng cứ, từ đó không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là nhận định, đánh giá chứng cứ chưa đầy đủ, bởi: Tại phần cuối Biên bản thỏa thuận ngày 02/3/2016 có chữ viết sống và ký tên với nội dung: “Người lập biên bản và chứng kiến 2 bên ký vào biên bản này; Lê Văn N1”. Tại bản tự khai ngày 12/3/2021 và tại phiên tòa sơ thẩm, ông Lê Văn N1 xác định có viết và ký tên vào biên bản trên, nội dung trong biên bản là thỏa thuận của Ông P và Ông N. Mặt khác, thông tin thể hiện trong Biên bản thỏa thuận ngày 02/3/2016 về tỷ lệ vốn góp của Ông P, Ông N tại Công ty B; Chiếc xe ô tô biển số 61A-11387 và 8% giá trị phần vốn góp của Công ty B trong công ty Việt K là đúng. Do vậy, để có đủ cơ sở kết luận Biên bản thỏa thuận ngày 02/3/2016 là có thật hay không có thật, thì Tòa án cần phải thu thập tài liệu chứng cứ khác để xác định bản chất sự việc, cụ thể:
- Công ty TNHH Hóa Chất B thành lập ngày 08/7/2008, vốn điều lệ là 06 tỷ đồng, gồm 02 thành viên góp vốn (Ông Vương Hồng N góp 3,6 tỷ đồng tương ứng với 60% vốn điều lệ và Ông Lê Văn P góp 2,4 tỷ đồng tương ứng với 40% vốn điều lệ). Theo khoản 1 Điều 53 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định: “Thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có quyền chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình cho người khác theo quy định sau đây: a) Phải chào bán phần vốn đó cho các thành viên còn lại theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong công ty với cùng điều kiện; b) Chỉ được chuyển nhượng với cùng điều kiện chào bán đối với các thành viên còn lại quy định tại điểm a khoản này cho người không phải là thành viên nếu các thành viên còn lại của công ty không mua hoặc không mua hết trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày chào bán”. Như vậy, Ông P chỉ được chuyển nhượng phần vốn góp tại Công ty B cho bà L sau khi đã chào bán với Ông N (thành viên còn lại của công ty), nhưng Ông N không mua hoặc mua không hết. Do đó, cần phải làm rõ trước khi lập Hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp ngày 08/3/2016 cho bà L, thì Ông P có chào bán phần vốn góp với Ông N hay không? Nếu có thì chào bán với điều kiện như thế nào? Và vì sao Ông P lại chuyển nhượng phần vốn góp cho bà L? Ngoài ra, cần thu thập điều lệ của công ty, làm rõ công ty có tổ chức họp Hội đồng thành viên về việc chuyển nhượng vốn góp của Ông P hay không? - Theo Hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp ngày 08/3/2016 và Tờ khai thuế thu nhập cá nhân ngày 31/3/2016 của Ông P, thì giá chuyển nhượng là 2.500.000.000 đồng. Nhưng tại Giấy xác nhận chuyển nhượng vốn góp ngày 08/3/2016 (được lập cùng ngày với Hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp) thì Ông P xác định đã nhận đủ số tiền chuyển nhượng vốn góp của ông là 2.600.000.000 đồng. Vậy, giá chuyển nhượng vốn góp mà Ông P và bà L đã thỏa thuận là bao nhiêu? Vì sao có sự chênh lệch về giá thể hiện trên hợp đồng và giá trong giấy xác nhận của Ông P? Thực tế bà L đã trả cho Ông P số tiền là bao nhiêu để nhận chuyển nhượng vốn góp? Cấp sơ thẩm chưa tiến hành đối chất làm rõ vấn đề này là thu thập chứng cứ chưa đầy đủ.
- Về việc giao nhận tiền: Theo Giấy xác nhận chuyển nhượng vốn góp ngày 08/3/2016 được Ông P thừa nhận chữ ký, thì Ông P đã nhận đủ tiền chuyển nhượng. Nhưng nguyên đơn cho rằng thực chất không có việc nhận tiền từ bà L. Bản án của Tòa án cấp sơ thẩm nhận định nguyên đơn không có chứng cứ chứng minh nên không chấp nhận lời khai này. Tuy nhiên, như nhận định nêu trên, do chưa làm rõ vì sao có sự khác nhau về giá trị chuyển nhượng vốn góp thể hiện trong Hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp và Giấy xác nhận chuyển nhượng vốn góp cùng ngày 08/3/2016, chưa làm rõ giá chuyển nhượng mà Ông P và bà L đã thỏa thuận, nên bản án của Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ vào Giấy xác nhận chuyển nhượng vốn góp” ngày 08/3/2016 để xác định việc chuyển nhượng vốn góp giữa Ông P và bà L đã hoàn thành việc giao nhận tiền là chưa đủ cơ sở vững chắc.
[7] Từ những phân tích trên, Hội đồng xét xử xét thấy, bản án của Tòa án cấp sơ thẩm chưa thu thập, nhận định, đánh giá đầy đủ tài liệu chứng cứ để xác định đúng bản chất của vụ việc và làm cơ sở giải quyết vụ án. Những thiếu sót này Tòa án cấp phúc thẩm không thể khắc phục được nên chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn, hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án về cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại theo đúng quy định của pháp luật. Lập luận này cũng là cơ sở để không chấp nhận quan điểm giữ nguyên bản án sơ thẩm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh tham gia phiên tòa.
[8] Bản án sơ thẩm bị hủy do thu thập chứng cứ chưa đầy đủ nên Hội đồng xét xử không xem xét đến nội dung vụ án.
[9] Án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm: Do hủy bản án sơ thẩm nên người có kháng cáo không phải chịu, theo quy định của pháp luật về án phí, lệ phí Tòa án.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào Điều 289, khoản 3 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự;
Áp dụng vào Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.
1. Đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với Quyết định kháng nghị số 10/QĐ- VKS-KDTM ngày 31/12/2021 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương;
2. Chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của Ông Lê Văn P;
Hủy bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 05/2021/KDTM-ST ngày 21/12/2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương; Chuyển hồ sơ vụ án về cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại theo quy định pháp luật.
3. Án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm: Ông Lê Văn P không phải chịu. Hoàn trả cho Ông Lê Văn P số tiền 2.000.000 đồng (Hai triệu đồng) tạm ứng án phí đã nộp theo Biên lai thu số 0000045 ngày 31/12/2021 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Dương.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.
Bản án 51/2023/KDTM-PT về tranh chấp giữa người không còn là thành viên công ty với thành viên công ty liên quan đến việc thực hiện giao dịch chuyển nhượng vốn góp
Số hiệu: | 51/2023/KDTM-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Kinh tế |
Ngày ban hành: | 05/06/2023 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về