TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK
BẢN ÁN 50/2018/DS-PT NGÀY 14/03/2018 VỀ TRANH CHẤP LỐI ĐI CHUNG
Ngày 14 tháng 3 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk, xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự phúc thẩm thụ lý số: 202/2017/TLPT-DS ngày 08-11-2017, về việc “Tranh chấp lối đi chung”.
Do Bản án dân sự sơ thẩm số 94/2017/DS-ST ngày 22-9-2017 của Toà ánnhân dân thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk bị kháng cáo. Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 22/2018/QĐ-PT ngày 08-01-2018, Quyết định hoãn phiên tòa số 32/2018/QĐ-PT ngày 23-01-2018 và Quyết định hoãn phiên tòa số 40/2018/QĐ-PT ngày 09-02-2018, giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị B; địa chỉ cư trú: Đường G, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk, có mặt.
2. Bị đơn: Bà Trần Thị P; địa chỉ cư trú: Tổ A, Buôn H, xã E, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk, có mặt.
Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn: Ông Lê Hoàng L; địa chỉ: Đường Y, phường T, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk (Văn bản ủy quyền ngày 23-02-2018), có mặt.
3. Người làm chứng:
3.1. Ông Nguyễn Văn T; địa chỉ cư trú: Thôn C, xã E, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk, vắng mặt.
3.2. Ông Nguyễn Văn T1; địa chỉ cư trú: Thôn C, xã E, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk, vắng mặt.
3.3. Ông Nguyễn Bá T2; địa chỉ cư trú: Buôn H, xã E, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk, vắng mặt.
4. Người kháng cáo: Bị đơn Bà Trần Thị P, có mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Về yêu cầu khởi kiện theo trình bày của nguyên đơn Bà Nguyễn Thị B cónội dung như sau:
Bà Nguyễn Thị B là người quản lý và sử dụng lô đất có số thửa 32, tờ bản đồ số 27, địa chỉ thửa đất tại xã E, thành phố B, diện tích 4.060m2 theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AB xxxxxx do Uỷ ban nhân dân thành phố B cấp ngày13-4-2005. Thửa đất của bà B chỉ có một lối đi duy nhất ra đường liên thôn có chiều rộng 03m, dài 45m. Lối đi này được thể hiện trên bản đồ địa chính của xã E quản lý có chiều ngang là 3m, giáp với con mương rộng 01m và chiều dài từ đất của bà B đến đầu mép đường liên thôn, lối đi chung nằm giữa thửa đất của ông H và bà Trần Thị P. Trong quá trình sử dụng đất từ năm 2005 đến nay bà B vẫn sử dụng lối đi trên mà không tranh chấp với ai, nhưng đến năm 2017 bà Trần Thị P, là chủ sử dụng đất của lô đất có số thửa số 24, nằm phía trước đất của bà B và giáp lối đi chung đã tự ý xây tường rào bằng đá hộc chặn đường đi vào đất của gia đình bà B. Việc bà P tự ý xây chặn lối đi chung làm cho bà B không có lối đi vào lô đất của mình. Bà B khởi kiện đề nghị Tòa án giải quyết buộc bà P phải tháo dỡ tường rào và và vật kiến trúc đã xây trên lối đi để trả lại lối đi chung cho bà B và mọi người sử dụng.
Ý kiến trình bày của bị đơn Bà Trần Thị P và người đại diện theo ủy quyền có nội dung như sau:
Bà Trần Thị P là chủ sử dụng lô đất có diện tích 2.010m2, thuộc thửa đất số 24, tờ bản đồ số 27, địa chỉ tại xã E, thành phố B, theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số X xxxxxx do Uỷ ban nhân dân thành phố B cấp ngày 09-11-2004. Về nguồn gốc đất do nhận chuyển nhượng lại của ông Phạm Ngọc Q vào năm 2011, gồm 02 thửa đất là thửa số 24 có diện tích 2.010m2 và thửa số 40 có diện tích là 4930m2 thuộc tờ bản đồ số 27, trong đó thửa số 24 nằm phía trên thửa đất số 32, là đất của bà Nguyễn Thị B. Tuy nhiên, khi bà P đo vẽ để đăng ký cấp lại thì thửa đất số 24 diện tích chỉ còn 1990,7m2. Bà Trần Thị P xác định khi nhận chuyển nhượngđất từ ông Q thì chỉ xem diện tích trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mà không đo đạc lại thực tế và ông Q có xác định tứ cận của thửa đất cho bà P. Khi chỉ ranh giới thì chỉ có bà và ông Q mà không có những người giáp ranh chứng kiến. Theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho bà P thì không có thể hiện con đường nào, mà chỉ có con mương thủy lợi công cộng, rộng 3m chạy dài theo chiều rẫy của bà giáp với đất của ông H về hướng Tây. Trong giấy chứng nhận quyền sửdụng đất và trích lục bản đồ cũng không thể hiện con đường nào trên phần đất đang tranh chấp. Do những năm gần đây dê, bò của những hộ xung quanh hay vàorẫy phá phách nên bà P đã rào dây kẽm gai, ngoài ra do nước chảy về nhiều làm xói mòi đất nên bà đã xây đá hộc để ngăn chặn nước trên phần diện tích đất của bà.
Bà P xác định phần diện tích đất mà bà B tranh chấp đường đi là đất của bà và nằm trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được cấp, nên bà đã xây tường rào để không cho dê, bò vào phá. Thực tế không có lối đi này và bà không ngăn chặn đường đi của ai, nên việc bà B khởi kiện cho rằng bà lấn chiếm lối đi chung và yêu cầu trả lại lối đi là không có căn cứ.
Ý kiến trình bày của những người làm chứng là ông Nguyễn Văn T, ông Nguyễn Văn T1 ông Nguyễn Bá T2 có nội dung như sau:
Các ông Nguyễn Văn T, Nguyễn Văn T1 và Nguyễn Bá T2 đều xác định họ là những người hàng xóm của bà B và bà P, gia đình các ông cũng đã làm rẫy gần khu vực này từ lâu. Trước đây chủ cũ của thửa đất mà bà P đang sử dụng là ông Phạm Ngọc Q và bên hông của thửa đất này có một còn đường rộng khoảng 02m đến 03m giáp với con mương rộng 01m. Mọi người vẫn thường đi trên con đường này để vào phía trong làm rẫy, không có tranh chấp. Năm 2011, ông Q bán lại rẫy cho bà P, thì bà P đã trồng cà phê ở lối đi và những người làm rẫy ở phía trong đã nhổ lên để lấy lối đi. Năm 2017 bà P lại tiếp tục rào dây kẽm gai và xây bít lối đi này ở hướng đường liên thôn, nên xảy ra tranh chấp, địa phương đã hòa giải, khuyên ngăn bà P nhưng không có kết quả. Ý kiến của các ông Nguyễn Văn T, Nguyễn Văn T1 và Nguyễn Bá T2 đều xác định lối đi chung đã tồn tại từ lâu, nên bà P không được lấn chiếm và đề nghị Tòa án giải quyết buộc bà P phải trả lại lối đi chung cho mọi người.
Kết quả xác minh tại Ủy ban nhân dân xã E, thành phố B đã xác định: Theo bản đồ địa chính năm 1994 thể hiện đã có con đường đi vào đất của bà B và hiện tại theo bản đồ địa chính chỉnh lý gần nhất thì vẫn thể hiện có con đường đi rộng 03m nằm cạnh con mương nước. Toàn bộ diện tích lối đi chung không nằm trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà P; hiện tại lối đi này là lối đi duy nhất vào thửa đất của bà B.
Theo kết quả xem xét, thẩm định tại chỗ, thì phần diện tích tranh chấp có tứ cận: Phía Đông giáp phần đất của bà P, dài 44m; Phía Tây giáp mương nước (cạnh đất ông H), dài 44m; Phía Nam giáp phần đất của bà B, rộng 3m; Phía Bắc giáp đường liên thôn rộng 3m.
Tại bản án dân sự sơ thẩm số 94/2017/DS-ST ngày 22-9-2017 của Tòaán nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã quyết định:
Áp dụng khoản 9 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, Điều 147, Điều 203 Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 170 Luật đất đai năm 2013; các Điều 11, 14; 245, 246,247, 248 Bộ luật dân sự 2015; Áp dụng Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tuyên xử: 1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị B.
Xác định phần diện tích đất 132m2 có chiều rộng 3m, dài 44m, tọa lạc giữa thửa đất số 24, tờ bản đồ số 27, diện tích 2.010m2 của bà P và mương thủy lợi là lối đi chung. Buộc bà Trần Thị P có nghĩa vụ phá dỡ bờ rào để trả lại lối đi chung cho các hộ xung quanh.
Đường đi chung có tứ cận: Phía Đông: Giáp phần đất của bà P, dài 44m; phía Tây: Giáp mương thủy lợi, dài 44m; phía Nam: Giáp phần đất của bà B, rộng3m; phía Bắc: Giáp đường liên thôn rộng 3m. Địa chỉ thửa đất: Buôn H, xã E, Tp. B,tỉnh Đắk Lắk.
Về chi phí tố tụng: Bà Nguyễn Thị B tự nguyện chịu chi phí thẩm định, định giá là 2.200.000 đồng và được khấu trừ vào số tiền 2.200.000 đồng đã nộp tại Tòa án theo phiếu thu số 115 ngày 07/8/2017.
Về án phí: Bà Trần Thị P phải chịu 300.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm. Hoàn trả số tiền tạm ứng 300.000 đồng mà Bà Nguyễn Thị B đã nộp theo biên lai thu số AA/2016/0000829 ngày 12/7/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố B, tỉnh Đắk Lắk.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên quyền kháng cáo, quyền yêu cầu thi hành án cho các bên đương sự theo quy định của pháp luật.
Ngày 29-9-2017, bà Trần Thị P có đơn kháng cáo toàn bộ Bản án sơ thẩm số 94/2017/DS-ST ngày 22-9-2017 của Tòa án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, với nội dung: Không đồng ý toàn bộ nội dung quyết định của bản án sơ thẩm.
Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn bà Nguyễn Thị B vẫn giữ nguyên nội dung đơn khởi kiện, bị đơn bà Trần Thị P vẫn giữ nguyên nội dung kháng cáo.
Qua tranh luận, người đại diện theo ủy quyền của bị đơn cho rằng: Thửa đất số 24 của bà P theo như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có diện tích là2.010m2, nhưng hiện nay đo đạc lại thì diện tích chỉ có 1990,7m2; theo hồ sơ gốc của lô đất thì chiều ngang lô đất của bà P theo đường liên thôn là 40,5m và tại thời điểm chuyển nhượng đất từ ông Q thì phần đất mà bà B cho rằng là lối đi đã có cây trồng là cà phê. Đồng thời giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho bà P, có sơđồ kèm theo thì đều giáp ranh với các hộ liền kề và là nét liền, không có nét rời thể hiện có đường đi. Như vậy hoàn toàn không có lối đi và phần đất mà nguyên đơn xác định là lối đi nằm trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho bà P, do đó yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là không có căn cứ.
Nguyên đơn bà Nguyễn Thị B xác định lối đi đã tồn tại từ lâu và được thể hiện trên bản đồ địa chính của xã E quản lý và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho nguyên đơn cũng có thể hiện lối đi ra đường liên thôn nằm về phía tây của lô đất. Do đó việc bị đơn cho rằng không có lối đi là không đúng.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk tham gia phiên tòa trình bày ý kiến xác định: Trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán cũng như tại phiên tòa, Hội đồng xét xử và các đương sự đã tuân thủ đúng các quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Về nội dung vụ án: Cấp sơ thẩm đưa ông Đoàn Thanh P (chồng bà P) vào tham gia tố tụng, đã lấy lời khai, nhưng không tống đạt quyết định đưa vụ án ra xét xử cho ông P và trong bản án không có tên ông P là vi phạm Điều 238 Bộ luật tố tụng dân sự. Khi tiến hành niêm yết bản án, do đương sự vắng nhà nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không lập biên bản về việc không thể thực hiện thủ tục tống đạt trực tiếp là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Diện tích đất nhận chuyển nhượng của ông Phạm Ngọc Q, nhưng không đưa ông Q vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là vi phạm khoản 4 Điều 58 Bộ luật tố tụng dân sự. Đồng thời bà P khai mua lại của ông Q diện tích đất 2.010m2, khi làm thủ tục cấp đổi giấy chứng nhận thì đo đạc lại chỉ còn 1990,7m2,nhưng theo kết quả xem xét, thẩm định tại chỗ thì diện tích đất bà P đang sử dụng có các cạnh 40,5m x 44m, là ít hơn nhiều so với diện tích trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng chưa được Tòa án cấp sơ thẩm làm rõ. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho bà P không thể hiện có đường đi và con mương nước, tuy nhiên tại bản đồ địa chính của Ủy ban nhân dân xã E, thành phố B, thì trên đất của bà P có 01 con mương rộng 01m nằm giữa đất của bà P và ông H, nhưng cấp sơ thẩm không đưa Ủy ban nhân dân thành phố B vào tham gia tố tụng để làm rõ sự mâu thuẫn là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Xét thấy, cấp sơ thẩm thu thập chứng cứ chưa đầy đủ, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng dân sự, việc kháng cáo của bị đơn là có căn cứ. Đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử: Căn cứ khoản 3 Điều 308 và Điều 310 Bộ luật tố tụng dân sự, chấp nhận đơn kháng cáo của bà Trần Thị P, hủy bản án sơ thẩm số 94/2017/DS-ST ngày 22-9-2017 của Tòa án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm để giải quyết lại vụ án theo thủ tục chung.
Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được thẩm tra tại phiên toà; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các tài liệu, chứng cứ, lời trình bày của các đương sự, ý kiến của Kiểm sát viên.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Đối với kháng cáo của bị đơn bà Trần Thị P, Hội đồng xét xử xét thấy: bà Nguyễn Thị B là chủ sử dụng lô đất thuộc thửa đất số 32, tờ bản đồ số 27, diện tích 4.060m2, địa chỉ thửa đất tại xã E, thành phố B theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AB xxxxxx, do Uỷ ban nhân dân thành phố B cấp ngày 13-4-2005; còn bà Trần Thị P là người quản lý, sử dụng lô đất thuộc thửa số 24 và 40 tờ bản đồ số 27 theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số X xxxxxx, do Uỷ ban nhân dân thành phố B cấp ngày 09-11-2004 cho hộ ông Phạm Ngọc Q và ông Q đã chuyển nhượng cho bà P vào năm 2011. Thửa đất của bà B nằm phía trong thửa đất số 24 của bà P và sử dụng lối đi ra đường liên thôn có chiều rộng 03 m, dài 44m, giáp với con mương rộng 01m, lối đi này nằm về phía Tây thửa đất của bà P. Đối với ý kiến của bà P và người đại diện theo ủy quyền cho rằng hoàn toàn không có lối đi chung và diện tích đất trên thực tế mà bà P đang quản lý sử dụng là ít hơn so với trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp, nên phần đất mà bà B xác định là lối đi nằm trong diện tích đất của bà P, là không có căn cứ. Bởi lẽ: Qua kết quả xác minh và xem xét bản đồ địa chính của Ủy ban nhân dân xã E đã xác định: Theo bản đồ địa chính tại địa phương quản lý thể hiện có một lối đi chung có chiều ngang là 03m nằm về phía Tây lô đất của bà P, con đường này là lối đi chung của 03 thửa đất là thửa số 24, thửa số 25a và thửa số 32, thuộc tờ bản đồ số 27, con đường này đã có từ trước khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Phạm Ngọc Q, đến năm 2011 thì ông Q chuyển nhượng lại cho bà P và diện tích lối đi chung không nằm trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà P; đồng thời tại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho bà Nguyễn Thị B cũng thể hiện có lối đi ra đường liên thôn ở phía Tây của lô đất; mặt khác những người làm chứng đều xác định lối đi chung này đã tồn tại từ lâu và có trước khi bà P nhận chuyển nhượng đất từ ông Q. Việc diện tích đất của bà P trên thực tế ít hơn so với trên giấy chứng nhận, không có nghĩa diện tích đất của lối đi chung là thuộc đất của bà P.
[2] Về quan điểm của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa, Hội đồng xét xử xét thấy: Tòa án cấp sơ thẩm đã đưa ông chồng bà P là ông Đoàn Thanh P vào tham gia tố tụng, nhưng ông P và bà P đều xác định, diện tích đất là của bà P có trước khi kết hôn và ông P không có liên quan đến diện tích đất này, nên bản án sơ thẩm không nêu tên ông P là phù hợp; bà P có mặt tại phiên tòa sơ thẩm, đã biết nội dung, quyết định của bản án sơ thẩm và đã có kháng cáo, do đó việc Tòa án cấp sơ thẩm thực hiện việc tống đạt trực tiếp hay niêm yết bản án thì không ảnh hưởng đến quyền kháng cáo của bị đơn; bà P nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ ông Phạm Ngọc Q vào năm 2011 và đã sử dụng ổn định cho đến nay, ông Phạm Ngọc Q không còn quyền lợi gì đối phần đất đã chuyển nhượng, nên không cần phải đưa ông Q vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; tại bản đồ địa chính của Ủy ban nhân dân xã E, thành phố B và kết quả xác minh, xem xét và thẩm định tại chỗ đã thể hiện có lối đi chung và có 01 con mương nước nằm về phía Tây thửa đất của bà Trần Thị P và lối đi không nằm trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà P, do đó việc diện tích đất trên thực tế hiện nay của bà P ít hơn so với trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, là do khi chuyển nhượng đã không đo đạc lại và có thể do sai số khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nên không buộc phải đưa Ủy ban nhân dân thành phố B vào tham gia tố tụng. Do đó ý kiến của đại diện Viện kiểm sát cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm thu thập chứng cứ chưa đầy đủ, có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng dân sự và đề nghị hủy bản án sơ thẩm là không có căn cứ, nên Hội đồng xét xử không chấp nhận.
[3] Như vậy, có đủ cơ sở xác định phần đất có chiều rộng 03m, chiều dài 44m nằm dọc theo con mương thủy lợi rộng 01m, là lối đi chung (lối đi chung nằm ở phía Tây lô đất của bà P), lối đi này bà B và các hộ giáp ranh sử dụng để đi vào đất của mình, việc bà Trần Thị P tự ý xây dựng tường rào bằng đá hộc móng đá cao 1,3m, dài 1,1 m trên có rào kẽm gai, cột sắt chặn đường đi, không cho bà B sử dụng để làm lối đi vào đất của mình đã xâm phạm đến quyền sử dụng đất của bà B, nên bản án sơ thẩm đã tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc bà Trần Thị P có nghĩa vụ tháo dỡ bờ rào để trả lại lối đi chung, là có căn cứ và đúng pháp luật. Do đó kháng cáo của bà Trần Thị P là không có căn cứ, nên Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo và cần giữ nguyên bản án sơ thẩm.
[4] Về chi phí thẩm định, định giá: Bà Nguyễn Thị B tự nguyện chịu chi phí thẩm định, định giá là 2.200.000 đồng và được khấu trừ vào số tiền tạm ứng đã nộp tại Tòa án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
[5] Về án phí:
Án phí dân sự sơ thẩm: Bà Trần Thị P phải chịu án phí dân sự sơ thẩm không có giá ngạch là 300.000 đồng; nguyên đơn không phải chịu án phí và được nhận lại số tiền tạm ứng án phí đã nộp.
Án phí dân sự phúc thẩm: Do kháng cáo không được chấp nhận nên bà Trần Thị P phải chịu 300.000 đồng án phí dân sự phúc thẩm và được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp. Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;
Áp dụng: Điều 166, Điều 170 Luật đất đai năm 2013; Điều 163, Điều 169, Điều 175 Bộ luật dân sự năm 2015. Áp dụng Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.
Không chấp nhận kháng cáo của bà Trần Thị P, giữ nguyên bản án sơ thẩm số 94/2017/DS-ST ngày 22-9-2017 của Tòa án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Tuyên xử:
[1] Chấp nhận đơn khởi kiện của nguyên đơn bà Nguyễn Thị B.
Xác định phần đất có diện tích 132m2, có chiều rộng 3m, dài 44m, nằm giữa thửa đất số 24, tờ bản đồ số 27 của bà Trần Thị P và mương thủy lợi, địa chỉ tại Buôn H, xã E, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk, là lối đi chung. Lối đi chung có tứ cận như sau: Phía Đông giáp phần đất của bà P, dài 44m; phía Tây giáp mương thủy lợi, dài 44m; phía Nam giáp phần đất của bà B, rộng 3m; phía Bắc giáp đường liên thôn, rộng 3m.
Buộc bà Trần Thị P có nghĩa vụ tháo dỡ bờ rào và vật kiến trúc trên lối đi này để trả lại lối đi chung cho bà Nguyễn Thị B và các hộ liền kề sử dụng.
[2] Về chi phí xem xét thẩm định tại chỗ và định giá:
Chấp nhận việc bà Nguyễn Thị B tự nguyện chịu chi phí thẩm định, định giá là 2.200.000 đồng và được khấu trừ vào số tiền tạm ứng là 2.200.000 đồng đã nộp tại Tòa án nhân dân thành phố Buôn Ma thuột, tỉnh Đắk Lắk theo phiếu thu số 115 ngày 07-8-2017.
[3] Về án phí:
- Án phí dân sự sơ thẩm: Bà Trần Thị P phải chịu 300.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm.
Hoàn trả cho bà Nguyễn Thị B số tiền tạm ứng án phí sơ thẩm đã nộp là 300.000 đồng theo biên lai thu số số AA/2016/000829 ngày 12-7-2017 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố B, tỉnh Đắk Lắk.
- Án phí dân sự phúc thẩm: Bà Trần Thị P phải chịu 300.000 đồng án phí dân sự phúc thẩm và được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu số AA/2017/0000005 ngày 05-10-2017 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố B, tỉnh Đắk Lắk.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự, thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6,7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 50/2018/DS-PT ngày 14/03/2018 về tranh chấp lối đi chung
Số hiệu: | 50/2018/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Đăk Lăk |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 14/03/2018 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về