Bản án 48/2017/DS-ST ngày 12/09/2017 về yêu cầu bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm

TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN MỎ CÀY BẮC - TỈNH BẾN TRE

BẢN ÁN 48/2017/DS-ST NGÀY 12/09/2017 VỀ YÊU CẦU BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO SỨC KHỎE BỊ XÂM PHẠM

Ngày 12 tháng 9 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 115/2017/TLST - DS ngày 04 tháng 7 năm 2017 về việc “Yêu cầu bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm”, theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 74/2017/QĐXXST - DS, ngày 23 tháng 8 năm 2017, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Đỗ Thị N, sinh năm 1962.

Địa chỉ: ấp Đ, xã T, huyện M, tỉnh Bến Tre.

Đại diện theo ủy quyền: Chị Đỗ Thị C, sinh năm 1970.

Địa chỉ: ấp T, xã B, huyện Mỏ C, tỉnh Bến Tre.

2. Bị đơn: Phạm Hoàng D, sinh năm 1962.

Địa chỉ: ấp Đ, xã T, huyện M, tỉnh Bến Tre.

(Tất cả các đương sự đều có mặt)

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện đề ngày 04/7/2017 của nguyên đơn Đỗ Thị N và các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa sơ thẩm; đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn là chị Đỗ Thị C trình bày như sau:

Trước đây bà Đỗ Thị N và ông Phạm Hoàng D là vợ chồng nhưng đã được Tòa án nhân dân huyện M giải quyết ly hôn vào năm 2013. Tại bản án xác định phần tài sản chung để vợ chồng tự thỏa thuận không yêu cầu Tòa giải quyết nhưng Sau khi ly hôn bà N vẫn sống trên phần đất và căn nhà chung của vợ chồng lúc trước, ông D ra sống riêng. Ngày 09/01/2017, bà N có bẻ trái dừa và mang về nhà thì ông D vô nhà cự cãi với bà N, ông D dùng nhiều lời xúc phạm bà N, sau khi lời qua tiếng lại thì ông D dùng cây trúc đánh bà N bị gãy ống xương tay trái. Đánh xong thì ông D bỏ về, lúc bị đánh bà N có la lên và điện thoại cho con. Bà N không có dọa chém ông D mà do ông D đánh bà N trước nên bà N đang cầm dao lột dừa mới quơ quơ dao. Sau khi bị ông D đánh thì bà N được đưa đến điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Khu vực Cù Lao Minh. Sự việc đã được Công an xã T lập biên bản và tại bản kết luận giám định pháp y về thương tích ngày 10/3/2017 xác định tỷ lệ thương tật của bà N là 6%. Ngày 28/4/2017, Công an xã T có mời các bên đến để thỏa thuận phần bồi thường thiệt hại nhưng hai bên không tự thỏa thuận được. Do đó, bà N khởi kiện yêu cầu ông D bồi thường cho bà N tổng số tiền là 49.298.000 đồng. Bao gồm: Chi phí điều trị là4.298.000 đồng, tiền tổn thất tinh thần là 10.500.000 đồng, tiền mất thu nhập là 30.000.000 đồng, chi phí đi lại là 1.500.000 đồng, chi phí bồi dưỡng sức khỏe cho bà là 3.000.000 đồng.

Tại phiên tòa, bà N rút một phần yêu cầu khởi kiện đối với số tiền 17.954.000 đồng. Bà N yêu cầu ông D phải bồi thường cho bà thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm gồm những khoản sau:

- Chi phí điều trị là 4.298.000 đồng (có hóa đơn chứng từ kèm theo).

- Chi phí đi lại để điều trị và giám định là 1.100.000 đồng, bà N rút yêu cầu đối với 400.000 đồng.

- Tổn thất tinh thần là 2.500.000 đồng, bà N rút yêu cầu đối với 8.000.000 đồng. Trong thời gian gãy tay bà N không tự chạy xe đi lại được, muốn làm việc gì cũng phải nhờ người khác và người đánh bà N gây nên thương tật này lại là chồng cũ của bà N nên bà N bị tổn thất nghiêm trọng về tinh thần.

- Chi phí bồi dưỡng sức khỏe (uống sữa) cho bà N trong thời gian 02 tháng là 3.000.000 đồng. Do trong thời gian khi bị ông D đánh gãy tay sức khỏe kém, lớn tuổi nên bà N được bác sĩ yêu cầu phải bồi dưỡng thêm sữa để sức khỏe được phục hồi. Bà N đã uống 10 hộp sữa ensure gold, mỗi hộp là 315.000 đồng nhưng bà N chỉ yêu cầu 3.000.000 đồng.

- Tiền mất thu nhập của bà N từ ngày 10/01/2017 đến ngày 22/7/2017 là 20.446.000 đồng, bà N rút một phần yêu cầu đối với số tiền 9.554.000 đồng. Khi bà N bị ông D đánh vào tay dẫn đến gãy tay phải bó bột trong thời gian 01 tháng rưỡi thì sinh hoạt phải nhờ con và em phụ giúp nhưng bà không yêu cầu ông D phải bồi thường tiền mất thu nhập của người trực tiếp chăm sóc bà N. Bà N bị ông D đánh vào ngày 09/01/2017 nên từ ngày 10/01/2017 đến nay bà N không lao động được như trước. Trước đây bà N cùng với chị Phạm Thị A ở ấp Đ, xã Tân Thanh Tây, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre có làm việc tại cơ sở dệt thảm sơ dừa của bà Ngô Thị Kim B ở ấp Đ, xã T, huyện M. Bà N làm công đoạn khâu se dây thừng, hai người cùng chung một giàn, tiền công nhận chung chia đều hai người nhưng sau khi bà N bị ông D đánh thì không còn làm chung với bà A nữa nên bà A làm chung với với người khác (chị Tư S ở cùng ấp). Mức thu nhập của chị A và chị Tư S tính từ ngày 10/01/2017 đến ngày 22/7/2017 thì mỗi người được số tiền là 21.646.000 đồng. Vì vậy, nếu bà N vẫn còn làm chung với bà A thì thu nhập của bà N tính từ ngày 10/01/2017 (Dương lịch) đến ngày 22/7/2017 (Dương lịch) cũng được số tiền là 21.646.000 đồng. Ngày 02/6/2017, bà N có đến cơ sở của bà Ngô Thị Kim B xin được làm lại công việc trước đây nhưng do sức khỏe không có nên bà B chỉ cho bà N nhận phần công việc là nhận phần dây dư cắt ra sau khi dệt thảm để tái sử dụng nối lại thành dây để dệt thảm, mỗi tháng được 600.000 đồng, bà N làm được 02 tháng (từ ngày 02/6/2017 đến ngày 02/8/2017) được số tiền 1.200.000 đồng. Nay bà N yêu cầu ông D bồi thường tiền mất thu nhập của bà N số tiền là 20.446.000 đồng.

Ngoài những khoản tiền yêu cầu bồi thường này thì bà N không yêu cầu ông D phải bồi thường bất cứ khoản tiền nào khác từ hành vi ông D xâm hại đến sức khỏe của bà N vào ngày 09/01/2017. 

Như vậy, tổng số tiền bà N yêu cầu ông D phải bồi thường cho bà N là 31.344.000 đồng.

Tại các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa sơ thẩm; bị đơn Phạm Hoàng D trình bày như sau:

Ông và bà N trước đây là vợ chồng nhưng đã ly hôn, do Tòa án nhân dân huyện M giải quyết vào năm 2013, tại bản án xác định phần tài sản chung để vợ chồng tự thỏa thuận không yêu cầu Tòa giải quyết. Năm 2015, ông có lập giấy tặng cho đất để thỏa thuận phần tài sản chung của vợ chồng. Ngôi nhà hiện bà N đang ở cùng với con trai ông là của cha mẹ ông để lại khi cưới bà N về thì vợ chồng ở trên phần đất này. Sau khi ly hôn thì bà N vẫn tiếp tục ở trên phần đất này cùng với con trai ông nên ông chưa có ý kiến về việc bà Nga ở phần đất này mặc dù ông và bà N đã ly hôn. Bà N sau khi ly hôn vẫn chưa có gia đình, ông thì vẫn chung sống với người phụ nữ khác và con riêng nhưng không có đăng ký kết hôn vì bản thân ông khi còn sống chung với bà N thì vẫn có hai vợ. Vào khoảng 17 giờ ngày 13/12/2016 âm lịch (ngày 09/01/2017 dương lịch), khi ông đang lải lá mai thì nghe có tiếng dừa rụng nên đi xem thử thì thấy bà N đang đứng dưới gốc dừa và có 03 trái dừa mới bẻ, ông bước tới thì bà N đang cầm một trái dừa trên tay và con dao. Do bà N bẻ dừa của ông nhiều lần nên ông có lời qua tiếng lại với bà N và ông đánh bà N một bạt tay, bà N mới quơ dao chém ông, ông mới nhặt một cây trúc làm sào đồ đã gãy quơ trúng tay bà N làm bà N bị gãy tay. Sự việc đã được Công an xã T lập biên bản và và Ủy ban nhân dân xã T ra quyết định xử phạt hành chính đối với ông về hành vi xâm hại đến sức khỏe của người khác (cụ thể là đối với bà Đỗ Thị N) số tiền phạt là 2.500.000 đồng. Ông đồng ý với nội dung quyết định và đã nộp phạt xong.

Nay ông đồng ý bồi thường cho bà N chi phí điều trị là 4.298.000 đồng, chi phí đi lại là 1.100.000 đồng, tổn thất tinh thần là 2.500.000 đồng, tiền mất thu nhập là 6.000.000 đồng vì trong thời gian 04 tháng từ lúc bà N nghỉ làm tại cơ sở bà B thì cơ sở bà B làm không đều đặn, bữa làm bữa nghỉ nên trong 04 tháng làm chỉ khoảng 01 tháng và tiền công 01 tháng là 6.000.000 đồng nhưng ông không có chứng cứ chứng minh, chi phí bồi dưỡng sức khỏe ông không đồng ý bồi thường. Tổng số tiền ông đồng ý bồi thường cho bà N là 13.898.000 đồng.

Các tài liệu, chứng cứ, tình tiết của vụ án gồm có: Biên bản lấy lời khai ngày 08/8/2017 của bà Ngô Thị Kim B, giấy xác nhận bà Ngô Thị Kim B, giấy xác nhận của chị Phạm Thị A, văn bản xác nhận của UBND xã T về mức thu nhập bình quân của lao động nữ tại địa phương, hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính ông Phạm Hoàng D.

Những tình tiết các bên đã thống nhất: Ông D thừa nhận ông đã dùng cây đánh vào tay của bà N dẫn đến bà N bị thương tích tỷ lệ 6%, ông đã bị xử phạt vi phạm hành chính và đã nộp phạt xong. Ông đồng ý bồi thường cho bà N chi phí điều trị 4.298.000 đồng và tiền chi phí đi lại 1.100.000 đồng, tiền tổn thất tinh thần 2.500.000 đồng.

Những tình tiết các bên không thống nhất:

Ông D cho rằng do bà N giơ dao dọa chém ông nên ông mới đáng bà N. Tuy nhiên, bà N lại cho rằng bà không có dọa chém ông D mà do ông D đánh bà N trước nên bà N đang cầm dao lột dừa mới quơ quơ dao.

Bà N yêu cầu ông D bồi thường chi phí bồi dưỡng 3.000.000 đồng, tiền mất thu nhập 20.446.000 đồng. Ông D không đồng ý bồi thường chi phí bồi dưỡng, chỉ đồng ý bồi thường tiền mất thu nhập 6.000.000 đồng.

Tại phiên tòa, vị đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Mỏ Cày Bắc phát biểu quan điểm giải quyết vụ án:

Về tố tụng: Việc tuân thủ pháp luật của Thẩm phán và Hội đồng xét xử là đảm bảo đúng pháp luật. Việc chấp hành pháp luật của những người tham gia tố tụng là đúng quy định pháp luật.

Về nội dung: Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng các Điều 584, 585, 586, 590 Bộ luật dân sự năm 2015: Đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Đỗ Thị N đối với số tiền 17.954.000 đồng; Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Đỗ Thị N, buộc ông Phạm Hoàng D phải bồi thường cho bà Đỗ Thị N tổng số tiền 29.544.000 đồng, trong đó chi phí điều trị 4.298.000 đồng, chi phí đi lại 1.100.000 đồng, tổn thất tinh thần 2.500.000 đồng, tiền mất thu nhập 20.446.000 đồng, tiền bồi dưỡng sức khỏe 1.000.000 đồng; Bác một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đối với số tiền 2.000.000 đồng chi phí bồi dưỡng sức khỏe.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên toà và căn cứ vào kết quả tranh luận, Tòa án nhân dân huyện Mỏ Cày Bắc nhận định:

[1] Về áp dụng pháp luật tố tụng: Căn cứ vào yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và nội dung vụ án, Tòa án xác định đây là vụ án “Tranh chấp về bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm” được quy định tại Điều 659 Bộ luật dân sự năm 2015 và Khoản 6 Điều 26 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân. Theo xác nhận hộ khẩu ngày 04/7/2017 của Công an xã T, huyện M thì bị đơn Phạm Hoàng D có nơi cư trú tại xã T, huyện M nên căn cứ vào điểm a khoản 1 điều 35, điểm a khoản 1 điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết theo trình tự sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Mỏ Cày Bắc.

[2] Về áp dụng pháp luật nội dung: Ngày 09/01/2017, ông Phạm Hoàng D có hành vi xâm phạm đến sức khỏe của bà Đỗ Thị N. Như vậy, sự kiện pháp lý xảy ra trong thời gian Bộ luật dân sự năm 2015 đang có hiệu lực pháp luật, nên áp dụng Bộ luật dân sự năm 2005 để giải quyết. Vì vậy, căn cứ vào Điều 588 Bộ luật dân sự năm 2015 thì vụ án còn trong thời hiệu khởi kiện.

 [3] Tại phiên tòa, đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn rút một phần yêu cầu khởi kiện đối với số tiền 17.954.000 đồng nên căn cứ vào Điều 244 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 Tòa án đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đối với số tiền 17.954.000 đồng.

 [4] Ông Phạm Hoàng D và bà Đỗ Thị N trước đây từng là vợ chồng và đã được Tòa án nhân dân huyện Mỏ Cày Bắc giải quyết ly hôn vào năm 2013. Sau khi ly hôn, bà Nga vẫn tiếp tục cùng con trai ở trên ngôi nhà trước đây vợ chồng ở, ông D sống chỗ khác. Vào ngày 09/01/2017, do cúp điện nên bà N đi làm về sớm hơn mọi ngày và có bẻ trái dừa mang về nhà thì ông D vô nhà cự cãi với bà N, sau khi lời qua tiếng lại thì ông D dùng cây trúc đánh bà N bị gãy ống xương tay trái. Sự việc đã được Công an xã T lập biên bản và tại bản kết luận giám định pháp y về thương tích ngày 10/3/2017 xác định tỷ lệ thương tật của bà N là 6%. Ông D đã bị Ủy ban nhân dân xã T xử phạt vi phạm hành chính đối về hành vi xâm hại đến sức khỏe của người khác (cụ thể là đối với bà Đỗ Thị N) số tiền 2.500.000 đồng. Ông D cho rằng sau khi cự cãi qua lại và do bà N quơ dao chém ông, ông mới nhặt một cái cây trúc làm sào đồ đã gãy quơ trúng tay bà N làm bà N bị gãy tay nhưng bà N lại nại rằng bà không có dọa chém ông D mà do ông D đánh bà N trước nên bà đang cầm dao lột dừa mới quơ quơ dao. Tuy nhiên, sau khi nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì ông D đồng ý với quyết định này và đã nộp phạt xong. Vì vậy, có căn cứ để xác định thương tích của bà N là do hành vi trái pháp luật của ông D gây ra nên ông D phải có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại về sức khỏe cho bà N do ông có hành vi trực tiếp xâm hại đến sức khỏe của bà N.

 [5] Tại phiên tòa, các đương sự thỏa thuận ông D có nghĩa vụ bồi thường cho bà N chi phí điều trị 4.298.000 đồng, tiền chi phí đi lại 1.100.000 đồng và tiền tổn thất tinh thần là 2.500.000 đồng. Xét thấy, sự thỏa thuận này là phù hợp với quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 590, Khoản 2 Điều 590, phù hợp với các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và không trái đạo đức xã hội nên ghi nhận.

 [6] Bà N cho rằng do trong thời gian khi bị ông D đánh gãy tay sức khỏe kém phải bồi dưỡng 10 hộp sữa ensure gold, mỗi hộp là 315.000 đồng nên bà yêu cầu ông D phải bồi thường chi phí bồi dưỡng sức khỏe (uống sữa) cho bà là 3.000.000 đồng. Xét thấy, mặc dù bà N không cung cấp được chứng cứ chứng minh bà N được sự chỉ định của bác sĩ phải bồi dưỡng sữa để phục hồi sức khỏe nhưng nhận thấy tình hình sức khỏe bà N từ khi bị ông D gây thương tích đến ngày đi giám định (ngày 03/3/2017) là còn hạn chế hơn so với trước khi bà N bị ông D gây thương tích, kết quả giám định xác định tỷ lệ thương tật của bà N là 6% nên việc cần phải được bồi dưỡng thêm bằng sữa ngoài chế độ ăn uống bình thường hằng ngày của bà N là phù hợp. Căn cứ theo nhu cầu sức khỏe thực tế của bà N thì việc bà N yêu cầu ông D bồi thường chi phí bồi dưỡng phục hồi sức khỏe 10 hộp sữa ensure gole với số tiền 3.000.000 đồng là quá cao. Vì vậy, căn cứ theo nhu cầu sức khỏe của bà N cần bồi dưỡng mỗi tháng 02 hộp sữa và bổi dưỡng trong 02 tháng, mỗi hộp sữa ensure gole theo giá thị trường 300.000 đồng nên ông D phải bồi thường cho bà N chi phí bồi dưỡng 1.200.000 đồng là phù hợp với Điểm a Khoản 1 Điều 590 Bộ luật dân sự năm 2015.

 [7] Bà Nga yêu cầu ông D phải bồi thường tiền mất thu nhập của bà N từ ngày 10/01/2017 đến ngày 22/7/2017 là 20.446.000 đồng. Xét thấy, trước khi bị ông D đánh gây thương tích bà N làm tại cơ sở dệt thảm sơ dừa của bà Ngô Thị Minh B, làm công việc kéo dây cùng với chị Phạm Thị A ở cùng ấp, hình thức trả lương theo sản phẩm, hai người cùng làm chung một giàn, tiền công nhận chung chia đều cho hai người. Ngoài ra, bà N còn nhận phần dây dư cắt ra sau khi dệt thảm nối lại thành dây để tái sử dụng, phần này mỗi tháng bà B trả cho bà Nga 600.000 đồng. Bình thường bà Nga đến cơ sở sớm và về muộn hơn chị A nên bà N nhận thu nhập nhiều hơn chị A. Đến ngày 10/01/2017, bà N không còn làm việc tại cơ sở của bà B. Tại kết quả giám định ngày 10/3/2017 kết luận bà N bị sưng đau cẳng tay trái, gãy 1/3 dưới xương trụ trái, bàn tay sấp ngửa hạn chế, các ngón 2, 3, 4, 5 gấp còn hạn chế nên có cơ sở để xác định bà N không thể làm được công việc tại cơ sở bà B là phù hợp. Mặt khác, tại biên bản lấy lời khai ngày 08/8/2017 bà B cũng xác định vào ngày 02/6/2017 bà N có đến cơ sở của bà để xin làm lại nhưng do tay bà N hiện tại còn yếu không làm được công việc trước đây làm cùng với chị A, chỉ làm được việc nối dây thu nhập mỗi tháng 600.000 đồng và bà N đã làm được 02 tháng. Vì vậy, có cơ sở để xác định thu nhập của bà N có được từ công việc kéo dây với chị A bị mất từ ngày 10/01/2017 đến nay. Việc bà N chỉ yêu cầu ông D bồi thường thu nhập bị mất từ ngày 10/01/2017 đến ngày 22/7/2017 là sự tự nguyện của bà nên ghi nhận. Sau khi bà N nghỉ thì chị A đã làm cùng với người khác (chị Tư S ở cùng ấp) và mức thu nhập của chị A và chị Tư S tính từ ngày 10/01/2017 đến ngày 22/7/2017 thì mỗi người được số tiền là 21.646.000 đồng. Theo giấy xác nhận của chị A thì năng suất làm việc của chị Tư S bằng với bà N nên có cơ sở để xác định nếu bà N còn tiếp tục làm việc cùng với chị A thì thu nhập của bà N tính từ ngày 10/01/2017 đến ngày 22/7/2017 bằng với chị A, chị Tư S và được số tiền là 21.646.000 đồng. Bà A cho rằng trước khi bị ông D gây thương tích ngoài công việc kéo dây cùng với chị A, bà N cũng có làm công việc nối dây nhưng bà N đã tự nguyện khấu trừ thu nhập nối dây 02 tháng (từ ngày 02/6/2017 đến ngày 02/8/2017) số tiền 1.200.000 đồng nên Tòa án ghi nhận. Vì vậy, buộc ông D có nghĩa vụ bồi thường cho bà N tiền mất thu nhập từ ngày 10/01/2017 đến ngày 22/7/2017 số tiền 20.446.000 đồng là phù hợp với quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 590 Bộ luật dân sự năm 2015.

 [8] Ghi nhận bà Đỗ Thị N không yêu cầu ông Phạm Hoàng D bồi thường bất cứ khoản tiền nào khác.

 [9] Về án phí dân sự sơ thẩm: Căn cứ vào điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án buộc ông D phải nộp án phí dân sự sơ thẩm 5% tương ứng với số tiền phải bồi thường nên ông Phạm Hoàng D phải nộp án phí là 29.544.000 đồng x 5% = 1.477.000 đồng.

[10] Từ những phân tích nêu trên cho thấy quan điểm của Vị đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Mỏ Cày Bắc về khoản tiền bồi thường chi phí điều trị, chi phí đi lại, tổn thất tinh thần, thu nhập bị mất của bà N là phù hợp với nhận định của Tòa nên được chấp nhận toàn bộ. Đối với chi phí bồi dưỡng sức khỏe không được chấp nhận toàn bộ.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào các Điều 147, 157, 244, 273, 280 Bộ luật Tố tụng dân sự, các Điều 584, 585, 586, 590 Bộ luật dân sự năm 2015, Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Đỗ Thị N đối với số tiền 17.954.000 đồng.

Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Đỗ Thị N.

Buộc bị đơn Phạm Hoàng D phải bồi thường cho nguyên đơn Đỗ Thị N tổng số tiền là 29.544.000 đồng, trong đó tiền chi phí điều trị là 4.298.000 đồng; chi phí đi lại là 1.100.000 đồng, tiền tổn thất tinh thần là 2.500.000 đồng, tiền chi phí bồi dưỡng là 1.200.000 đồng, tiền mất thu nhập từ ngày 10/01/2017 đến ngày 22/7/2017 là 20.446.000 đồng. 

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án, nếu người phải thi hành án không thi hành đầy đủ khoản tiền nêu trên thì còn phải chịu lãi phát sinh do chậm thực hiện nghĩa vụ theo lãi suất quy định tại Khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015 tương ứng với thời gian và số tiền chưa thi hành. 

Án phí dân sự sơ thẩm:

Buộc ông Phạm Hoàng D phải nộp 1.477.000 đồng.

Án phí sung vào công quỹ nhà nước.

Các đương sự có quyền làm đơn kháng cáo trong thời hạn (15) mười lăm ngày kể từ ngày tuyên án, đương sự vắng mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo tính từ  ngày nhận được bản án hoặc được tống đạt hợp lệ.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7, 7a và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

348
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 48/2017/DS-ST ngày 12/09/2017 về yêu cầu bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm

Số hiệu:48/2017/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Mỏ Cày Bắc - Bến Tre
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 12/09/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký



  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;