Bản án 47/2019/HS-ST ngày 15/11/2019 về tội cố ý gây thương tích

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN DẦU TIẾNG, TỈNH BÌNH DƯƠNG

BẢN ÁN 47/2019/HS-ST NGÀY 15/11/2019 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Trong các ngày 12 và 15 tháng 11 năm 2019 tại trụ sở Toà án nhân dân huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 42/2019/TLST-HS ngày 12 tháng 9 năm 2019, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 48/2019/QĐXXST-HS ngày 28 tháng 10 năm 2019 đối với bị cáo:

Họ và tên: A (A S), sinh ngày 29/8/2000 tại Tây Ninh (tại thời điểm phạm tội, bị cáo 17 tuổi 11 tháng 17 ngày); nơi đăng ký HKTT: Khu phố X, thị trấn Y, huyện Y, tỉnh Bình Dương; nghề nghiệp: Không; trình độ học vấn: 06/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông A1, sinh năm 1975 và bà A2, sinh năm 1975; bị cáo chưa có vợ, con; tiền án, tiền sự: Không. Bị cáo bị tạm giam từ ngày 15/9/2018. Có mặt tại phiên toà.

- Bị hại: Ông B, sinh ngày 14/5/2000. Địa chỉ: Ấp N, xã N1, huyện Y, tỉnh Bình Dương. Có mặt.

Người đại diện hợp pháp của bị hại: Ông B1, sinh năm 1996. Hộ khẩu thường trú: Tổ 4, ấp B4, xã B5, huyện B6, tỉnh Bình Phước. Địa chỉ liên hệ: Số Z, đường Z1, phường Z2, thành phố Z3, tỉnh Bình Dương. Là người đại diện theo ủy quyền (văn bản ủy quyền ngày 22/10/2019). Có mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại: Ông B2 – Luật sư Văn phòng Luật sư B2, thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Bình Dương. Có đơn xin xét xử vắng mặt.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án: Ông C, sinh ngày 22/7/2003. Địa chỉ: Ấp N, xã N1, huyện Y, tỉnh Bình Dương. Có mặt.

Người đại diện hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án: Bà C1, sinh năm 1978 (mẹ ruột); cùng địa chỉ: Ấp N, xã N1, huyện Y, tỉnh Bình Dương. Có mặt.

- Người tham gia tố tụng khác:

+ Người làm chứng:

1. Bà B3. Có mặt 2. Ông D, sinh năm 1995. Có đơn xin xét xử vắng mặt.

3. Ông Đ. Có mặt.

4. Bà E. Có đơn xin xét xử vắng mặt.

5. Ông F. Có mặt.

Người đại diện hợp pháp của người làm chứng F: Bà F1. Vắng mặt không có lý do.

6. Ông G. Có mặt.

Người đại diện hợp pháp của người làm chứng G: Ông G1. Có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khong 18 giờ 00 phút ngày 18/6/2018, bị cáo A cùng với F; G; Đ và C chuẩn bị tổ chức uống rượu tại nhà của C. Khoảng 19 giờ ngày 18/6/2018, sau khi làm thịt gà xong, bị cáo A mượn điện thoại của C ngồi chơi game thì bị hại B (là bạn của C) gọi điện thoại cho C hỏi về việc em trai B tên L có đến nhà của C chơi hay không, thì bị cáo nghe máy. Khi nói chuyện với bị hại, bị cáo có sử dụng từ ngữ thô tục và xúc phạm B nên B bực tức và yêu cầu A đưa điện thoại cho C để nói chuyện. Khi bị hại B nói chuyện với C, B kêu C và bị cáo ra khu vực đường K gần Trường Tiểu học Y thuộc khu phố N2, thị trấn Y, huyện Y, tỉnh Bình Dương để nói chuyện về việc bị cáo dùng từ ngữ thô tục chửi bị hại, C và bị cáo đồng ý. Sau khi nói chuyện với C xong, bị hại điện thoại rủ bạn gồm B3; D; E và E1 (chưa rõ họ tên, địa chỉ) đi cùng với B đến khu vực đường bàn cờ để gặp C và A nói chuyện, thì B3, D, E và E1 đồng ý.

Khong 20 giờ 00 phút cùng ngày, bị hại B điều khiển xe mô tô, chở B3 chạy đến chỗ hẹn trước, còn D điều khiển xe mô tô chở E, E1 đi xe mô tô một mình đến sau. Khi đến điểm hẹn B và B3 chỉ gặp F và Đ đang chuẩn bị nhóm bếp nướng thịt gà nên bị hại đứng nói chuyện với F. Khoảng 05 phút sau, C, G và bị cáo A đi bộ từ đường sỏi đỏ (hướng từ nhà của C đi ra) nên B đi đến gặp và nói chuyện với C và quay qua hỏi những người đang có mặt tại đây: “Thằng nào là thằng A đâu?” thì bị cáo trả lời “Tao A nè!”. Tiếp đó, bị hại đi đến đứng đối diện với bị cáo, khoảng cách 50 cm để nói chuyện về việc bị cáo sử dụng từ ngữ thô tục chửi bị hại trong điện thoại trước đó, thì giữa bị hại và bị cáo xảy ra cự cãi nhau nên bị hại dùng tay phải tát vào mặt bị cáo 01 cái nhưng không gây thương tích. Ngay sau khi bị tát, bị cáo lấy con dao dài 34cm, lưỡi bằng kim loại, cán bằng gỗ mũi dao nhọn thủ sẵn trong người (A lấy ở nhà của C để phòng thân) ra đâm 01 cái vào vùng hông trái của bị hại gây thương tích. Sau bị bị đâm, bị hại bỏ chạy thì bị cáo tiếp tục cầm dao đuổi theo bị hại, thấy vậy C chạy theo căn ngăn bị cáo và giật con dao của bị cáo đang cầm ném vào lề đường. F, Đ và G cũng chạy theo can ngăn A lại (trong lúc vội chạy theo A, F đang cầm 02 cục gạch dùng kê bếp đốt lửa nướng thịt, Đ cầm dây thắt lưng (dây nịt) của Đ do bị bung ra lúc chạy và G cầm nạng thun của G mang theo dùng để bắn chim cầm trên tay), nên A bỏ đi về nhà. Cùng lúc này D và E1 chạy đến thấy B bị thương nên chở B đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa cao su huyện Y. Còn C quay lại nhặt con dao đem về nhà và ném ở bìa ao sau nhà C. (Bút lục: 28-37; 93-110; 122-158).

Tại Giấy chứng nhận thương tích số 3603/CN ngày 02/8/2018 của Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương, xác định tình trạng thương tích của bị hại B khi vào viện như sau:

Lần 1: Bệnh tỉnh M: 651/p, HA: 10/6cmHg, tim đều phổi rõ, phản ứng bụng (+) vết thương 04cm vùng hông (T).

Lần 2: Bệnh tỉnh, tim đều phổi rõ, đau bụng, vết mổ hở da, bung thành bụng (bút lục: 26).

Tại Kết luận giám định pháp y về thương tích số 284/2018/GĐPY ngày 07/8/2018, của Trung tâm pháp y Sở y tế tỉnh Bình Dương kết luận thương tích của B như sau: Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là 62%, theo bảng tỷ lệ tổn thương cơ thể ban hành kèm theo Thông tư số: 20/2014/TT-BYT do Bộ Y tế ban hành ngày 12/6/2014 (bút lục: 27).

Đi với con dao dài 34cm, lưỡi bằng kim loại, cán bằng gỗ mũi dao nhọn là hung khí bị cáo A sử dụng gây án. Quá trình điều tra, xác định là tài sản của C dùng làm dụng cụ sinh hoạt trong gia đình. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Dầu Tiếng đã chuyển đến Chi cục Thi hành án dân sự huyện Dầu Tiếng bảo quản và đề nghị xử lý theo quy định.

Tại Cáo trạng số 44/CT-VKSDT-HS ngày 11/9/2018 của Viện Kiểm sát nhân dân huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương đã truy tố bị cáo A về tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm d khoản 4 Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân huyện Dầu Tiếng trong phần tranh tụng vẫn giữ nguyên quyết định truy tố bị cáo A về tội “Cố ý gây thương tích”, theo quy định tại điểm d khoản 4 Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017. Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo, Kiểm sát viên đề nghị áp dụng các tình tiết bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, người bị hại có một phần lỗi. Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm d khoản 4 Điều 134, điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 91, Điều 101 Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017, xử phạt bị cáo A từ 07 năm đến 08 năm tù.

Biện pháp tư pháp:

- Về xử lý vật chứng: Đối với con dao dài 34 cm, lưỡi bằng kim loại, cán bằng gỗ mũi dao nhọn là hung khí bị cáo A sử dụng gây án là của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan C. Tại phiên tòa, ông C không yêu cầu nhận lại nên đề nghị tịch thu tiêu hủy vì không còn giá trị sử dụng.

- Về trách nhiệm dân sự, Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử buộc bị cáo bồi thường cho bị hại các khoản tiền sau:

+ Tiền khám chữa bệnh, tiền thuê xe đi cấp cứu, tái khám là 72.638.000 đồng;

+ Thu nhập thực tế bị mất của bị hại trong thời gian điều trị và một khoản thời gian để hồi phục sức khỏe từ ngày 18/6/2018 đến ngày 16/02/2019 là 08 tháng với số tiền 41.600.000 đồng (200.000 đồng/ngày x 26 ngày/tháng x 08 tháng);

+ Thu nhập thực tế của người chăm sóc bị hại từ ngày nhập việc điều trị đến ngày ra viện cuối cùng là 03 tháng 20 ngày với số tiền 25.500.000 đồng (250.000 đồng x 26 ngày x 03 tháng + 250.000 đồng x 20 ngày);

+ Tiền bồi thường tổn thất tinh thần là 20 tháng lương cơ sở với số tiền 27.800.000 đồng (1.390.000 đồng x 20 Tháng) theo hướng dẫn tại điểm b tiểu mục 1.5 mục 5 Phần II Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Tại phiên tòa, bị cáo đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội như nội dung Cáo trạng số 44/CT-VKSDT-HS ngày 11/9/2018 của Viện Kiểm sát nhân nhân huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương đã truy tố, bị cáo nhìn nhận trách nhiệm của mình và có thái độ ăn năn hối cải, xin được giảm nhẹ hình phạt. Đối với trách nhiệm dân sự, bị cáo đồng ý bồi thường cho bị hại 123.038.013 đồng gồm tiền khám chữa bệnh, tiền thuê xe đi cấp cứu, tái khám là 72.638.013 đồng; chi phí tiền công lao động của bị hại trong thời gian điều trị bệnh đến ngày xuất viện cuối cùng; chi phí tiền công lao động của người chăm sóc bị hại từ ngày nhập viện đến ngày xuất viện cuối cùng. Bị cáo không đồng ý bồi thường tiền tổn tất tinh thần như yêu cầu của bị hại vì cho rằng do bị hại đánh bị cáo trước bị cáo mới gây thương tích cho bị hại.

Tại phiên tòa, bị hại và đại diện hợp pháp của bị hại có ý kiến:

Về trách nhiệm hình sự, đề nghị Hội đồng xét xử xét xử bị cáo theo quy định của pháp luật.

Về trách nhiệm dân sự: Đại diện hợp pháp của bị hại yêu cầu bị cáo và cha mẹ ruột của bị cáo là ông A1 và bà A2 bồi thường số tiền 281.638.013 đồng, bao gồm: Tổng chi phí tiền thuốc, tiền khám chữa bệnh, tiền thuê xe là 72.638.013 đồng; tiền thu nhập do không thể lao động của bị hại bị mất trong 01 năm là 62.000.000 đồng (200.000 đồng/ngày x 310 ngày), tiền thu nhập do không thể lao động của người chăm sóc bị hại trong vòng 01 năm là 77.500.000 đồng (250.000 đồng/ngày x 310 ngày); tiền tổn thất tinh thần là 69.500.000 đồng (1.390.000 đồng x 50 tháng).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Trong đơn đề nghị xét xử vắng mặt, Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại đề nghị xét xử theo quy định của pháp luật.

Trong lời nói sau cùng: Bị cáo nhận thấy hành vi của mình là trái pháp luật. Bị cáo rất hối hận và mong Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Tn cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an huyện Dầu Tiếng, Điều tra viên, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Dầu Tiếng, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2] Tại phiên tòa, bị cáo A đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội, thể hiện: Khoảng 19 giờ 00 phút ngày 18/6/2018, tại nhà C, trong lúc chuẩn bị uống rượu cùng nhóm bạn gồm C, G, Đ, F, bị cáo đã có mâu thuẫn trong lúc nói chuyện qua điện thoại với bị hại. Thông qua C, bị hại hẹn gặp bị cáo ở đường K gần Trường Tiểu học Y thuộc khu phố N2, thị trấn Y, huyện Y, tỉnh Bình Dương để nói chuyện. Từ nhà C, bị cáo lấy con dao giấu trong tay áo để phòng thân. Khoảng 20 giờ cùng ngày, bị cáo cùng nhóm bạn từ nhà C đi đến khu vực đường bàn cờ để tổ chức uống rượu và nói chuyện với bị hại. Tại đây, sau vài câu nói chuyện qua lại thì bị hại đã dùng tay phải tát vào mặt bị cáo 01 cái. Do bị ức chế, bị cáo liền lấy con dao dài 34cm, lưỡi bằng kim loại, cán bằng gỗ mũi dao nhọn thủ sẵn trong người đâm 01 cái vào vùng hông trái của bị hại gây thương tích với tỉ lệ tổn thương cơ thể 62% theo Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 284/2018/GĐPY ngày 07/8/2018 của Trung tâm Giám định pháp y Sở y tế tỉnh Bình Dương.

[3] Lời khai nhận của bị cáo tại phiên toà phù hợp với lời khai của bị cáo, bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người làm chứng trong quá trình điều tra và các tài liệu, chứng cứ khác đã được thu thập có trong hồ sơ đã được thẩm tra tại phiên tòa. Như vậy, có căn cứ kết luận Cáo trạng số 44/CT-VKSDT- HS ngày 11/9/2019 của Viện Kiểm sát nhân dân huyện Dầu Tiếng truy tố bị cáo A về tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm d khoản 4 Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 là có căn cứ, đúng đúng pháp luật.

[4] Hành vi của bị cáo đã xâm phạm đến sức khỏe của bị hại được pháp luật bảo vệ. Bị cáo nhận thức được việc làm của mình là vi phạm pháp luật, thế nhưng bị cáo vẫn cố ý thực hiện. Bị cáo nhận thức được dao nhọn là hung khí nguy hiểm, có thể gây thương tích, gây chết người nhưng lại mang dao theo bên mình và sẵn sàng dùng dao để gây thương tích cho bị hại. Vết thương ở vùng hông trái của bị hại làm tổn thương cơ thể với tỉ lệ 62% là do bị cáo gây ra. Con dao bị cáo sử dụng làm công cụ phạm tội dài 34 cm, lưỡi dao bằng kim loại dài 23 cm, bản rộng 3,5 cm, cán dao bằng gỗ dài 11 cm, đường kính tròn 05 cm, đầu nhọn. Theo hướng dẫn tại Mục 3 Nghị Quyết 01/2006/ND-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao thì là hung khí nguy hiểm nên hành vi phạm tội của bị cáo đã phạm vào tội ”Cố ý gây thương tích” quy định tại điểm d khoản 4 Điều 134 của Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

[5] Hành vi phạm tội của bị cáo không chỉ xâm phạm đến sức khỏe của bị hại một cách trái pháp luật mà còn gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự tại địa phương. Vì sự nghiêm minh của pháp luật, cần xử phạt bị cáo với mức án nghiêm, tương xứng với hành vi và hậu quả mà bị cáo đã thực hiện nhằm cải tạo, giáo dục bị cáo trở thành người tốt, có ích cho gia đình và xã hội, và cũng nhằm răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung. Tuy nhiên, khi thực hành vi phạm tội, bị cáo chưa đủ 18 tuổi (17 tuổi 11 tháng 17 ngày) nên nhận thức có phần bị hạn chế. Do vậy, Hội đồng xét xử áp dụng các quy định tại chương XII của Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 khi quyết định hình phạt đối với bị cáo.

[6] Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; bị hại có một phần lỗi khi dùng tay tát vào mặt bị cáo trước. Đó là những tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Bị cáo có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự. Đó là những căn cứ để Hội đồng xét xử xem xét khi quyết định hình phạt.

[7] Về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: Bị cáo không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

[8] Xét ý kiến của bị hại và người đại diện hợp pháp của bị hại đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại:

[8.1] Tại phiên tòa, bị cáo chỉ đồng ý bồi thường cho bị hại tiền tiền khám chữa bệnh, tiền thuê xe đi cấp cứu, tái khám là 72.638.013 đồng; chi phí tiền công lao động của bị hại từ ngày nhập viện đến ngày xuất viện cuối cùng; tiền công lao động của người chăm sóc bị hại trong thời gian điều trị bệnh với số tiền 123.038.013 đồng. Xét thấy, bị cáo điều trị vết thương bắt đầu từ ngày 18/6/2018 đến ngày 01/10/2018 (bút lục số 75, 79). Theo giấy ra viện ngày 01/10/2019 (bút lục số 79), thể hiện bị hại được phẩu thuật đóng hậu môn nhân tạo ngày 24/9/2018, ra viện ngày 01/10/2018 và được nghỉ dưỡng bệnh 08 ngày (từ ngày 01/10/2018 đến hết ngày 08/10/2018). Như vậy từ ngày bị cáo gây thương tích cho bị hại và bị hại phải điều trị và dưỡng bệnh theo chỉ định của bác sỹ là 112 ngày (từ ngày 01/10/2018 đến ngày 08/10/2018). Thời gian này phải có người chăm sóc cho bị hại. Bị hại trình bày người chăm sóc cho bị hại là mẹ của bị hại (bà B7). Theo đơn xác nhận công tác ngày 08/10/2018 (bút lục số 80, 81) thể hiện bị hại và bà B7 làm công nhân tại Công ty trách nhiệm hữu hạn B8. Tiền lương của bị hại được tính là 200.000 đồng/ngày; tiền lương của bà B7 là 250.000 đồng/ngày. Số tiền công lao động của bị hại và người chăm sóc trong thời gian điều trị là 50.400.000 đồng (112 ngày x 200.000 đồng/ngày + 112 ngày x 250.000 đồng/ngày). Tổng số tiền bị cáo đồng ý bồi thường là 123.038.013 đồng. Đây là sự tự nguyên của bị cáo nên Hội đồng xét xử ghi nhận.

[8.2] Đối với yêu cầu bồi thường tiền công lao động của bị hại và người chăm sóc cho bị hại trong 01 năm với tổng số tiền 139.500.000 đồng. Xét thấy, như trên nhận định, ngày 01/10/2018 bị hại xuất viện, bác sỹ chỉ định bị hại được nghỉ dưỡng bệnh 08 ngày. Từ sau ngày 08/10/2018 đến ngày xét xử sơ thẩm, bị hại không cung cấp được chứng cứ chứng minh bị hại tiếp tục điều trị vết thương do bị cáo gây ra nên không có cơ sở chấp nhận toàn bộ, cũng không có cơ sở chấp nhận bồi thường tiền công lao động cho người chăm sóc. Tuy nhiên, như trên nhận định, mức độ tổn thương cơ thể của bị hại là 62%, để hồi phục hoàn toàn sức khỏe để lao động bình thường cần phải có khoản thời gian hợp lý, sau thời gian này, bị hại có thể làm những công việc nhẹ nhàng, phù hợp với sức khỏe của mình, do vậy Hội đồng xét xử cần buộc bị cáo bồi thường cho bị hại 03 tháng (90 ngày) tiền công lao động trong thời gian sức khỏe chưa hồi phục hoàn toàn để có thể lao động tự nuôi sống bản thân với số tiền 18.000.000 đồng là phù hợp.

[8.3] Đối với yêu cầu bồi thường tổn thất tinh thần: Như trên đã nhận định, bị hại là người có lỗi dẫn đến việc bị cáo gây thương tích cho bị hại. Mặc dù tỷ lệ tổn thương cơ thể của bị hại là 62%, vị trí vết thương ở vùng hông trái không ảnh hưởng đến thẩm mỹ, không làm bị hại mặc cãm trong giao tiếp xã hội, sinh hoạt gia đình và cá nhân theo hướng dẫn của Nghị quyết số 03/2016/NQ- HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, do vậy không có cơ sở chấp nhận.

[8.4] Như vậy, tổng số tiền buộc bị cáo phải bồi tường cho bị hại là 141.038.013 đồng. Do bị cáo gây thiệt hại cho bị hại khi chưa dủ 18 tuổi, do vậy, theo quy định tại khoản 2 Điều 586 Bộ luật dân sự năm 2015 thì bị cáo phải bồi thường bằng tài sản của mình, nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha mẹ bị cáo là ông A1 và bà A2 phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.

[9] Xem xét trách nhiệm của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan C và những người làm chứng Đ, F, G: Những người làm chứng đi cùng bị hại là D, E, cũng khẳng định C, F, Đ và G có chạy theo bị hại nhưng không thấy ai đánh bị hại. Người làm chứng B3 trình bày trong lúc bị hại bỏ chạy, C cầm dao đuổi theo và la “Đâm chết mẹ nó cho tao”. Lời trình bày của người làm chứng B3 mâu thuẫn với lời trình bày của bị cáo và người làm chứng khác là D (là người đi cùng bị hại) Đ, F và G và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan C. C Đ, F và G trình bày đuổi theo để can ngăn bị cáo chứ không phải để đánh bị hại và khi đuổi theo, C cũng không cầm dao mà chỉ giật con dao trên tay bị cáo ném vào lề đường. Tại biên bản lấy lời khai ngày 29/7/2019 (bút lục số 404a) và biên bản đối chất ngày 10/9/2019 giữa D và B3 (bút lục số 432), D trình bày không thấy C cầm hung khí gì khi đuổi theo bị hại, cũng không nghe ai chửi hay la hét “Chém chết mẹ nó cho tao”. Mặc khác, bị hại chỉ có 01 vết thương do bị cáo gây ra trước khi C, Đ, F, G đuổi theo. Những người làm chứng có mặt, kể cả người làm chứng B3 đều xác nhận chỉ có bị cáo gây thương tích cho bị hại. Theo Kết luận giám định pháp ý về thương tích số 284/2018/GĐPY ngày 07/8/2018 của Trung tâm giám định pháp y Sở y tế tỉnh Bình Dương thì bị hại không bị thương tích ở phần đầu và lưng. Từ những căn cứ trên cho thấy không có căn cứ để khởi tố C, F, Đ và G.

[10] Về xử lý vật chứng: Đối với con dao dài 34cm, lưỡi bằng kim loại, cán bằng gỗ, mũi dao nhọn là tài sản của C được bị cáo sử dụng và thực hiện hành vi phạm tội, hiện tại không còn giá trị sử dụng. Tại phiên tòa, C không yêu cầu nhận lại tài sản trên nên tịch thu tiêu hủy.

[11] Xét ý kiến luận tội của Kiểm sát viên tại phiên tòa đối với bị cáo về phần tội danh, điều khoản truy tố, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, mức hình phạt và xử lý vật chứng là có căn cứ và phù hợp với các tình tiết của vụ án đã được thẩm tra công khai tại phiên tòa nên được Hội đồng xét xử chấp nhận. Đối với ý kiến của Kiểm sát viên về phần trách nhiệm dân sự đề nghị buộc bị cáo bồi thường thiệt hại tinh thần và tiền công lao động của bị cáo đến ngày 08/02/2019 là không phù hợp nên Hội đồng xét xử chỉ chấp nhận một phần như đã nhận định trên đây.

[12] Án phí hình sự và dân sự sơ thẩm: Bị cáo phải chịu theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

- Căn cứ điểm d khoản 4 Điều 134, Điều 46, điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51, các Điều 91, 101 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017; các Điều 106, 260, 268, 269, 331, 332, 333 Bộ luật tố tụng hình sự; các Điều 584, 586, 586, 590 Bộ luật dân sự năm 2015; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

1. Tuyên bố bị cáo A (A S) phạm tội “Cố ý gây thương tích”.

Xử phạt bị cáo A 07 (bảy) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày 15/9/2018.

2. Về trách nhiệm dân sự: Buộc bị cáo A (A S) phải bồi thường cho bị hại B số tiền là 141.038.013 đồng (một trăm bốn mươi mốt triệu không trăm ba mươi tám ngàn không trăm mười ba đồng). Gồm 72.638.013 đồng chi phí hợp lý của việc điều trị; 50.400.000 đồng tiền công lao động của bị hại và người chăm sóc trong thời gian điều trị từ ngày 18/6/2018 đến ngày 08/10/2018 (112 ngày x 200.000 đồng/ngày + 112 ngày x 250.000 đồng/ngay); 18.000.000 đồng tiền công lao động của bị hại trong thời gian hồi phục sức khỏe (từ ngày 09/10/2018 đến ngày 09/01/2019).

Bị cáo A phải bồi thường bằng tài sản của mình, nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha mẹ bị cáo là ông A1 và bà A2 phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình theo quy định tại khoản 2 Điều 586 Bộ luật dân sự năm 2015.

Sau khi án có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày bị hại B có đơn yêu cầu thi hành án, nếu bị cáo A không thanh toán số tiền trên thì bị cáo và ông A1 và bà A2 còn phải chịu tiền lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 tương ứng với số tiền và thời gian chậm thi hành án.

3. Về xử lý vật chứng: Tịch thu tiêu hủy 01 (một) con dao dài 34 cm, lưỡi bằng kim loại dài 23 cm, bản rộng 3,5 cm, cán dao bằng gỗ dài 11 cm, đường kính tròn 05 cm, đầu nhọn. (theo biên bản giao nhận vật chứng ngày 21/11/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Dầu Tiếng).

4. Án phí:

- Án phí hình sự sơ thẩm: Buộc bị cáo A (A S) phải chịu 200.000 đồng (hai trăm ngàn đồng).

- Án phí dân sự sơ thẩm: Buộc bị cáo A (A S) phải chịu 7.051.900 đồng (bảy triệu không trăm năm mươi mốt ngàn chín trăm đồng).

Trường hợp bản án được thi hành án theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện Thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và Điều 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Bị cáo, bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án (ngày 15/11/2019)./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

183
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 47/2019/HS-ST ngày 15/11/2019 về tội cố ý gây thương tích

Số hiệu:47/2019/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Dầu Tiếng - Bình Dương
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 15/11/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;