Bản án 460/2023/HS-PT về tội sản xuất hàng giả

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 460/2023/HS-PT NGÀY 18/07/2023 VỀ TỘI SẢN XUẤT HÀNG GIẢ

Ngày 18 tháng 7 năm 2023, tại trụ sở, Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 174/2023/TLPT - HS ngày 24/02/2023, đối với các bị cáo Lê Văn N và bị cáo Nguyễn Đình N1, do có kháng cáo của các bị cáo, đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 04/2023/HS-ST ngày 12/01/2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

- Các bị cáo có kháng cáo:

1. Lê Văn N, sinh năm 1977 tại Quảng Bình; HKTT: Số A N, phường P, Quận G, Thành phố Hồ Chí Minh; chỗ ở: Số A P, phường P, Quận G, Thành phố Hồ Chí Minh; Nghề nghiệp: Kinh doanh vận tải xăng dầu; trình độ học vấn: 7/12; Dân tộc: Kinh; Quốc tịch: Việt Nam; Tôn giáo: Không; Cha: Ông Lê Văn T, sinh năm 1946 (chết năm 1998); Mẹ: Bà Nguyễn Thị N2, sinh năm 1949; Vợ: Nguyễn Thị Kim L, sinh năm 1981 và có 02 con lớn sinh năm 2008, con nhỏ sinh năm 2018. Tiền án, tiền sự: không, bị bắt ngày 29/01/2021 (có mặt).

2. Nguyễn Đình N1, sinh năm 1975 tại Bà Rịa - Vũng Tàu; Nơi cư trú: khu phố H, thị trấn L, huyện L, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Nghề nghiệp: lao động tự do; trình độ học vấn: 5/12; Dân tộc: Kinh; Quốc tịch: Việt Nam; Tôn giáo: không; Cha: Nguyễn Đình L1, sinh năm 1936; Mẹ: Nguyễn Ngọc C (đã chết); Vợ, con: không. Tiền án, tiền sự: không. Bị bắt ngày 29/01/2021 (có mặt).

Người bào chữa cho bị cáo Lê Văn N: Luật sư Bùi Thành L2 - Văn phòng luật sư Bùi Thành L2, thuộc Đoàn luật sư Thành phố H (có mặt).

(Trong vụ án còn có các bị cáo Nguyễn Văn N3, bị cáo Đỗ Hồng S và một số người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có kháng cáo, không bị kháng nghị, không liên quan đến việc kháng cáo, nên Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh không triệu tập).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Lê Văn N và Nguyễn Văn N3 là anh em cột chèo. Ngày 27/9/2017, N cùng với N3 thành lập Công ty TNHH T6 (sau đây gọi tắt là Công ty T6); trụ sở tại: Số A đường C, Phường A, thành phố V, được Sở kế hoạch và đầu tư tỉnh B cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, mã số 3502345363, vốn điều lệ 5.000.000.000 đồng. Tuy nhiên, công ty không được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu. Tiếp đó, N và N3 cùng nhau góp tiền mua 300m2 đất của bà Nguyễn Thị T1 với giá 700.000.000 đồng, rồi xây dựng kho hàng tại địa chỉ số G P, Phường A, Thành phố V (sau đây gọi tắt là Kho hàng 89) với diện tích 296m2.

Sau khi xây dựng kho hàng 89, N3 mua 21 bồn chứa, N mua 03 bồn chứa (trong đó có 01 bồn 60m3 là bồn chứa xăng giả), 02 máy bơm, có ống dẫn đấu nối lên các bồn chứa. Lê Văn N thuê Đỗ Hồng S (là cháu ruột của N) quản lý và điều khiển xe ô tô 51D-457.23, thuê Nguyễn Đình N1 trông coi kho hàng.

Khoảng đầu tháng 9/2020, Lê Văn N bàn bạc với Nguyễn Văn N3, sử dụng kho hàng làm nơi pha chế xăng giả để bán. Để pha chế xăng giả, N đã mua xăng A95 thật của Công ty TNHH T7, sau đó chỉ đạo Đỗ Hồng S điều khiển xe ô tô 51D-457.23 nhận xăng tại kho C, Phường A, thành phố V rồi chở về kho hàng;

mua hóa chất của Công ty TNHH T8 (gọi tắt là Công ty T8) do Trần Văn P làm giám đốc cung cấp; đồng thời mua chất bột màu xanh và vàng tại chợ K, Quận E, Thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó, N chỉ đạo Nguyễn Đình N1, Nguyễn Văn N3, Đỗ Hồng S pha chế xăng giả tại kho hàng 89 theo công thức: 07m3 xăng + 03m3 Toluen + 03 thìa cà phê chất bột tạo màu, bơm trộn liên tục 40 phút sẽ thành xăng giả. Khi khách hàng có nhu cầu mua xăng giả, N chỉ đạo S sử dụng xe ô tô 51D- 457.23 vận chuyển hàng đi giao.

Khoảng 01 giờ 00 phút ngày 31/10/2020, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh B phối hợp Đồn Biên phòng C3 kiểm tra hành chính kho hàng 89, phát hiện Nguyễn Đình N1 đang sử dụng máy bơm để bơm chất lỏng từ Bồn 60m3 trong kho lên bồn của xe ô tô biển kiểm soát 84C-033.72, do Nguyễn Minh C1 và Nguyễn Văn T2 điều khiển. Ngoài ra, lực lượng chức năng còn phát hiện trong kho hàng có 21 bồn bằng nhựa có cùng kích thước: 1,170 mét x 0,96 mét, 01 bồn bằng sắt kích thước: 2,370 mét x 1,550 mét (bên trong chia làm 05 hầm) và 01 bồn bằng sắt kích thước 2,511 mét x 2.471 mét (bên trong chia làm 02 hầm), các bồn này đều đang chứa chất lỏng. Tại thời điểm kiểm tra, Nguyễn Văn N3 (Giám đốc, đại diện theo pháp luật của Công ty T6) không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số chất lỏng trên. Lực lượng chức năng của Bộ đội Biên phòng tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, niêm phong thu giữ 24 bồn chứa và số chất lỏng. Ngoài ra, lực lượng chức năng còn thu giữ tại kho hàng các tài sản, đồ vật, tài liệu cụ thể sau:

- Xe ô tô BKS 84C-033.72, giấy chứng nhận đăng ký xe, giấy chứng nhận kiểm định xe, Giấy phép lái xe ô tô của Nguyễn Minh C1. - 64 chai nhựa màu trắng đục, loại 01 lít, bên trong rỗng, trong đó có 23 chai có gắn mác, ghi các thông tin (tên mẫu, đơn vị xuất mẫu, số xe nhận). 01 túi nilông màu trong suốt, chứa 0,6 kilogam chất bột màu vàng; 01 hộp nhựa chứa 0,4 kilogam chất bột màu vàng; 01 hộp nhựa chứa 0,85 kilogam chất bột màu xanh; 01 hộp nhựa chứa 0,1 kilogam chất bột màu xanh và các đồ vật, tài liệu khác (được liệt kê cụ thể tại Biên bản tạm giữ tang vật phương tiện vi phạm hành chính số 19/BB-TGTVPTGPCC ngày 03/11/2020 của Đồn Biên phòng C3). - 05 can nhựa loại 30 lít/01 can đã qua sử dụng và thẻ Căn cước Công dân của Lê Văn N (thể hiện tại Biên bản tạm giữ tang vật phương tiện vi phạm hành chính số 06/BB-TGTVPTGPCC ngày 03/11/2020 của Đồn Biên phòng C3). - 03 mô tơ điện mang nhãn hiệu Hitachi, Yung S1 đã qua sử dụng, được đấu nối với 02 ống nước; 01 thiết bị nhãn hiệu OKTUC-2 đã qua sử dụng; 01 Điện thoại di động nhãn hiệu SAMSUNG GALAXY A8 STAR của Lê Văn N; 01 Điện thoại di động nhãn hiệu IPHONE XS Max của Nguyễn Văn N3; 01 Điện thoại di động nhãn hiệu MASSTEL của Đỗ Hồng S (thể hiện cụ thể tại Biên bản tạm giữ đồ vật, tài liệu ngày 18/11/2020 của Cơ quan Cảnh sát điều tra (PC03), Công an tỉnh B). Khi làm việc với Bộ đội Biên phòng tỉnh B: Lê Văn N xuất trình giấy giới thiệu của Công ty T8 có chữ ký của Trần Văn P, đóng dấu của Công ty. Nguồn gốc giấy giới thiệu do đối tượng Diệp Bảo T3, là bạn của N đưa. Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng triệu tập Trần Văn P lên làm việc: P khai nhận không cung cấp hóa chất cho Công ty T6 mà ngày 02/11/2020, đối tượng tên Diệp Bảo T3, là bạn của P, điện thoại nói P đưa giấy giới thiệu để T3 đi tiếp thị bán hàng cho Công ty T8 nên P cung cấp giấy giới thiệu.

Ngày 06/11/2020, Bộ đội Biên phòng tỉnh tiến hành đối chất giữa P và N thì N thay đổi toàn bộ lời khai, cụ thể Nguyên khai như sau: P không gửi chất lỏng Toluene tại kho hàng Công ty T6, người gửi là Diệp Bảo T3, N không biết gì về những việc xảy ra tại kho hàng nên không chỉ đạo ai pha chế xăng giả để bán mà khi bị kiểm tra hành chính thì N mới biết. Các bị cáo còn lại cũng thay đổi lời khai, không thừa nhận N chỉ đạo việc pha chế xăng giả mà do T3 chỉ đạo.

Ngày 10/11/2020, Bộ chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc và văn bản kiến nghị khởi tố vụ án hình sự “Sản xuất, buôn bán hàng giả” đến Cơ quan Cảnh sát điều tra (PC03), Công an tỉnh B. Tại cơ quan điều tra, các bị cáo khai nhận như sau:

- Bị cáo Lê Văn N khai nhận: góp vốn cùng Nguyễn Văn N3 thành lập Công ty T6, mua đất xây kho hàng 89, thuê Đỗ Hồng S trông coi xe ô tô 51D-457.23 của mình và thuê Nguyễn Đình N1 trông coi kho. Nguyên có mối quan hệ với Diệp Bảo T3, T3 biết N có kho hàng nên đặt vấn đề thuê kho để gửi hóa chất và N đồng ý. Khi T3 mua bồn 60m3 về đặt tại kho hàng thì có báo cho N biết, N là người nhận bồn 60m3 và chỉ đạo S vị trí đặt bồn. Sau đó, T3 thỏa thuận trả cho N 200 đồng/lít chất lỏng bán ra và N đồng ý. N cũng chỉ đạo S sử dụng xe ô tô 51D- 457.23 vận chuyển hóa chất, chất lỏng theo yêu cầu của T3 để nhận cước vận chuyển. Ngoài ra, N thay đổi lời khai, không thừa nhận hành vi chỉ đạo các bị cáo còn lại sản xuất xăng giả và không biết gì về hoạt động sản xuất, buôn bán xăng giả xảy ra tại kho hàng 89 (Thể hiện tại các bút lục số 519 - 549, 4166 - 4167, 4477 - 4479).

- Bị cáo Nguyễn Văn N3 khai nhận: N3 cùng với N thành lập công ty T6 và góp vốn mua đất, xây dựng kho hàng 89, khi N nói với N3 về việc Diệp Bảo T3 thuê kho hàng để chứa hóa chất thì N3 đồng ý. N3 cùng các bị cáo Đỗ Hồng S, Nguyễn Đình N1 thực hiện việc nhập kho số hóa chất do T3 đưa đến và bơm các chất gồm: xăng, MTBE, T4 và chất bột màu vàng từ các bồn trong kho lên Bồn 60m3, dùng bơm trộn đều hỗn hợp trên để làm ra xăng giả. Tuy nhiên, Nguyễn Văn N3 thay đổi lời khai, không thừa nhận việc N chỉ đạo sản xuất xăng giả mà N3 thực hiện theo chỉ đạo của Diệp Bảo T3. (Thể hiện tại các bút lục số 566 - 601, 4168 - 4169, 4480 - 4481).

- Bị cáo Đỗ Hồng S khai nhận: S được bị cáo Lê Văn N thuê quản lý, điều khiển xe ô tô 51D-457.23, trông coi kho hàng và thực hiện các công việc khi Diệp Bảo T3 yêu cầu. S cùng với Nguyễn Đình N1, Nguyễn Văn N3 tham gia việc nhập vào kho hàng các hóa chất do T3 đưa đến, thực hiện việc bơm các chất từ các bồn trong kho theo công thức: 12m3 xăng + 08m3 MTBE + 16m3 Toluen + 04 muỗng chất bột màu vàng lên bồn 60m3 và dùng máy bơm trộn đều hỗn hợp trên từ 40 đến 50 phút để tạo ra xăng giả.

Ngoài ra, S còn khai nhận theo chỉ đạo của T3 và sự đồng ý của N thì S có điều khiển xe đến kho Cảng Quân khu 7 nhận xăng và chở về kho hàng 89. Sau khi sản xuất ra xăng giả thì T3 chỉ đạo S vận chuyển xăng giả đi giao cho các cây xăng, trước khi chở xăng giả đi bán thì S đều hỏi ý kiến của N và được N đồng ý thì S mới thực hiện. (Thể hiện tại các bút lục số 631 - 676, 4172 - 4173, 4482 - 4485) - Bị cáo Nguyễn Đình N1 khai nhận: N1 được N thuê về trông coi kho hàng và thực hiện các công việc do Nguyễn Văn N3 và Đỗ Hồng S yêu cầu. N1 có tham gia cùng với S, N3 thực hiện việc nhập chất lỏng vào kho hàng, bơm các hỗn hợp chất lỏng gồm: Xăng, MTBE, T4 và chất bột màu vàng lên bồn 60m3 để pha trộn thành xăng giả rồi xuất cho các xe ô tô đến nhận hàng. (Thể hiện tại các bút lục 698 - 719, 4174 - 4175, 4486 - 4488) Các đối tượng liên quan trong vụ án khai nhận như sau:

- Diệp Bảo T3 khai nhận: có quen biết Lê Văn N và Trần Văn P, có nhiều giao dịch chuyển tiền với N, P với lý do vay mượn để làm ăn, T3 không thuê kho của N và không liên quan đến hoạt động mua hóa chất và sản xuất xăng giả. Nhưng khi Cơ quan điều tra tiến hành cho các bị cáo nhận dạng thì đều xác định được đối tượng Diệp Bảo T3. Tuy nhiên, hiện T3 không có mặt tại nơi cư trú nên Cơ quan điều tra chưa làm việc được.

- Trần Văn P khai nhận: là Giám đốc Công ty T8, có mua hóa chất của Công ty V và Công ty B, nhưng không bán hóa chất cho công ty T6 mà bán cho 05 cá nhân gồm: Nguyễn Ngọc A, Nguyễn Hoàng Đ, Võ Quang C2, Trần Minh H và Lương Tùng N4 nhưng không cung cấp được hóa đơn chứng từ thể hiện việc bán hàng cho các cá nhân này. Ngoài ra, P khai nhận có nhiều giao dịch chuyển tiền với Diệp Bảo T3 nhưng chỉ là vay mượn để làm ăn.

- Nguyễn Văn T2 và Nguyễn Minh C1 khai nhận: là tài xế và phụ xe được Lê Quốc T5 thuê để điều khiển xe ô tô 84C-033.72. Ngày 30/10/2022, T2 và C1 được T5 thuê đến kho hàng 89 để nhận xăng, C1 và T2 làm công cho T5 và không biết việc sản xuất, mua bán xăng giả tại Kho hàng 89.

- Lê Quốc T5 khai nhận: là chủ xe ô tô 84C-033.72, T5 được một người tên H1 (không rõ nhân thân, lai lịch) thuê điều khiển xe đến Kho hàng 89 để nhận xăng nhiều lần và đi giao tại tỉnh Bình Dương, Đồng Nai. Ngày 30/10/2022, đối tượng H1 tiếp tục thuê T5 đi vận chuyển xăng nhưng do bận công việc nên T5 thuê C1 đi thay. Lê Quốc T5 chỉ chở thuê, không biết việc sản xuất, mua bán xăng giả tại Kho hàng 89.

Tại Kết luận giám định số 00131/N2.20/TĐ ngày 25/12/2020 của Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng III kết quả như sau:

1/ Tổng thể tích chất lỏng chứa tại 24 bồn là 81.226 lít gồm:

- 15.790 lít xăng có chất lượng phù hợp quy định đối với xăng không chì RON 95.

- 40.991 lít chất lỏng có chất lượng không phù hợp quy định đối với xăng không chì RON 95.

- 5.027 lít xăng có chất lượng không phù hợp quy định đối với xăng không chì RON 95.

- 11.340 lít hóa chất hữu cơ T9; công dụng: chủ yếu sử dụng làm dung môi trong công nghiệp, có thể dùng làm chất cải thiện chỉ số Octane của xăng.

- 3.005 lít chất Methyl tert - Butyl ether (MTBE); công dụng: làm phụ gia cải thiện chỉ số Octane của xăng hoặc làm dung môi.

- 5.073 lít hỗn hợp chất MBTE và T4. Như vậy, tổng khối lượng xăng giả là 40.991 lít + 5.027 lít = 46.018 lít.

2/Đối với chất bột:

- Chất bột màu xanh: là bột màu hữu cơ công nghiệp, bột hòa tan hoàn toàn trong xăng và tạo thành dung dịch sau khi pha có màu xanh lá cây (màu quy định đối với xăng E5 RON92 trên thị trường);

- Chất bột màu vàng: là bột màu hữu cơ công nghiệp, bột hòa tan hoàn toàn trong xăng và tạo thành dung dịch sau khi pha có màu vàng.

Tại Kết luận định giá số 20/HĐĐGTS ngày 17/3/2021, Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kết luận chất lỏng không phù hợp tiêu chuẩn xăng trị giá 687.508.920 (= 46.018 lít x 14.940 đồng/lít).

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 173/2022/HS-ST ngày 29/12/2022, Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu quyết định:

Tuyên bố: Bị cáo Lê Văn N, Nguyễn Đình N1 phạm tội “Sản xuất hàng giả”.

Áp dụng điểm a khoản 3 Điều 192; khoản 2 Điều 51; Điều 17; Điều 38 Bộ luật Hình sự.

Xử phạt: Lê Văn N 09 (chín) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày 29/01/2021. Áp dụng điểm a khoản 3 Điều 192; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 17; Điều 38 Bộ luật Hình sự.

Xử phạt: Nguyễn Đình N1 07 (bảy) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày 29/01/2021.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về trách nhiệm hình sự của bị cáo Nguyễn Văn N3, bị cáo Đỗ Hồng S, đồng thời quyết định về xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Sau khi xét xử sơ thẩm:

- Ngày 16/01/2023, bị cáo Lê Văn N kháng cáo kêu oan, không chấp nhận tội danh và hình phạt mà Tòa án cấp sơ thẩm tuyên vì cho rằng bị cáo không có hành vi sản xuất, mua bán hàng giả tại kho hàng 89 (cụ thể là xăng giả) mà bị cáo chỉ là người cho thuê kho.

- Ngày 18/01/2023, bị cáo Nguyễn Đình N1 kháng cáo xin giảm hình phạt vì mức hình phạt Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng đối với bị cáo, là quá nặng.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Các bị cáo vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.

Bị cáo Lê Văn N cho rằng mình không phạm tội sản xuất xăng giả vì Diệp Bảo T3 chứ không phải là N chỉ đạo các bị cáo N3, S và N1 pha chế xăng giả. Tại C3, N nhận tội chỉ đạo các bị cáo khác pha chế xăng giả là muốn khép lại vụ án một cách nhanh nhất, đây là sai lầm của bị cáo. Về giám định chỉ ghi chất lượng xăng chưa phù hợp với tiêu chuẩn theo quy định, chứ không khẳng định là xăng giả. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận kháng cáo kêu oan của bị cáo.

Bị cáo Nguyễn Đình N1 cho rằng khi bị bắt quả tang, bị cáo đang bơm khoảng 22m3 xăng giả, nhưng bị cáo mới vào làm thuê được 10 ngày, thực hiện việc pha chế xăng theo chỉ đạo của các bị cáo khác, chứ bị cáo không biết đó là hành vi sản xuất xăng giả, mức hình phạt 07 năm tù là quá nặng, nên đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm giảm hình phạt cho bị cáo.

Kiểm sát viên phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh về việc giải quyết vụ án:

Lê Văn N đã có hành vi lên kế hoạch sử dụng kho hàng 89 làm nơi để pha chế xăng giả để bán. Để thực hiện kế hoạch, N đã mua 03 bồn chứa trong đó có 01 bồn 60m3 chứa xăng giả, 2 máy bơm, có ống dẫn nối lên các bồn chứa. Sau đó, Lê Văn N chỉ đạo Nguyễn Đình N1 cùng các bị cáo Nguyễn Văn N3 và Đỗ Hồng S pha chế xăng giả. Lời khai ban đầu của N tại C3 với lời khai của các bị cáo N3, S, N1, phù hợp với các chứng cứ khách quan khác trong vụ án. Cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm truy tố, xét xử hai bị cáo Lê Văn N và Nguyễn Đình N1 phạm tội “Sản xuất hàng giả”, tội danh và hình phạt quy định tại điểm a khoản 3 Điều 192 Bộ luật hình sự, là đúng pháp luật, không oan. Do đó, không có căn cứ chấp nhận kháng cáo kêu oan của bị cáo Lê Văn N. Bị cáo N là người chỉ đạo, giữ vai trò chính trong vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt 09 năm tù, là phù hợp. Sau khi phạm tội, bị cáo Nguyễn Đình N1 thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải nên Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng điểm s khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự, xử phạt Nguyễn Đình N1 07 (bảy) năm tù, là có căn cứ. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo N1 thay đổi lời khai, cho rằng mình không pha chế xăng giả, chứng tỏ bị cáo không thành khẩn khai báo. Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Lê Văn N và bị cáo Nguyễn Đình N1; giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Luật sư Bùi Thành L2 bào chữa theo yêu cầu cho bị cáo Lê Văn N trình bày quan điểm:

Thứ nhất: Tòa án cấp sơ thẩm kết luận bị cáo N phạm tội “Sản xuất hàng giả” với vai trò cầm đầu, chủ mưu khi chưa đủ chứng cứ, chứng minh. Nguyên không trực tiếp mua hóa chất, dụng cụ để pha chế xăng giả.

Thứ hai: Tòa án cấp sơ thẩm chỉ căn cứ vào lời khai ban đầu của N và các bị cáo khác, mà không xem xét đến tính phù hợp của các lời khai sau của họ. Các bị cáo có lời khai mâu thuẫn với nhau về tỉ lệ pha xăng giả. N3 khai tỉ lệ 7/3, Nguyên khai tỉ lệ 10/10.

Thứ ba: Tòa án cấp sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng khi xác định tư cách pháp lý của Diệp Bảo T3 là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Diệp Bảo Thắng có liên quan đến vụ án nhưng đã bỏ trốn.

Thứ tư: Hành vi phạm tội của N chỉ có dấu hiệu của tội “Che giấu tội phạm”, quy định tại điểm g khoản 1 Điều 389 Bộ luật hình sự.

Luật sư không đồng ý với quan điểm của đại diện Viện kiểm sát về việc cho rằng lời khai ban đầu của bị cáo N phù hợp với lời khai của các bị cáo khác và thực tế khách quan của vụ án.

Đề nghị: Sửa bản án hình sự sơ thẩm nêu trên theo hướng tuyên bố bị cáo N phạm tội “Che giấu tội phạm”.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đối đáp: Giữ nguyên quan điểm đã kết luận.

Bị cáo N không bào chữa bổ sung.

Bị cáo N1 trình bày quan điểm tranh luận: Bị cáo không cùng với các bị cáo khác sản xuất xăng giả.

Bị cáo N nói lời sau cùng: Bị cáo sai lầm khi ở Đồn Biên phòng đã nhận tội thay cho Diệp Bảo T3; bị cáo không chủ mưu, không cầm đầu, không chỉ đạo các bị cáo khác sản xuất xăng giả. Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm xét xử đúng người, đúng tội và xin giảm hình phạt.

Bị cáo N1 nói lời sau cùng: Bị cáo không biết hành vi của mình là sản xuất xăng giả, xin được giảm hình phạt.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, ý kiến của Đại diện Viện kiểm sát, ý kiến tranh luận của Luật sư bào chữa cho bị cáo; Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1]. Về tố tụng: Đơn kháng cáo của bị cáo Lê Văn N và bị cáo Nguyễn Đình N1 là hợp lệ, nên được xem xét theo thủ tục phúc thẩm.

[2]. Về nội dung: Xét kháng cáo kêu oan của các bị cáo Lê Văn N và kháng cáo xin giảm hình phạt của bị cáo Nguyễn Đình N1: [2.1]. Xét kháng cáo kêu oan của bị cáo Lê Văn N: Lê Văn N là Giám đốc Công ty TNHH T10. N đã bàn bạc với Nguyễn Văn N3 về việc thành lập Công ty để kinh doanh xăng dầu, N3 đồng ý. Ngày 27/9/2017, N và N3 thành lập Công ty TNHH T6, trụ sở tại địa chỉ số G P, phường A, thành phố V để xây dựng kho hàng. Sau khi xây dựng xong, N, N3 chuẩn bị công cụ, phương tiện và cùng các bị cáo khác thực hiện hành vi sản xuất xăng giả, cụ thể như sau:

Lê Văn N mua 02 bồn chứa, chất tạo màu, 02 máy bơm, thông qua Diệp Bảo T3 mua 01 bồn 60m3 rồi chỉ đạo Nguyễn Văn N3, Đỗ Hồng S, Nguyễn Đình N1 thực hiện việc pha chế xăng giả theo công thức mà Diệp Bảo T3 cung cấp, cụ thể: 12m3 xăng + 08m3 Methyl Tert B (MTBE) + 16m3 Toluen + 04 muỗng chất bột màu vàng lên bồn 60m3 và dùng máy bơm trộn đều hỗn hợp trên từ 40 đến 50 phút, để tạo ra xăng giả và bán ra thị trường.

Nguyễn Văn N3 mua 21 bồn chứa; Đỗ Hồng S được N thuê để quản lý và điều khiển xe ô tô 51D-457.23 đi nhận xăng, hoá chất và chở xăng giả đi tiêu thụ; Nguyễn Đình N1 được N thuê để quản lý kho hàng. Ba người này trực tiếp thực hiện việc pha chế xăng giả theo sự chỉ đạo của Lê Văn N. Tại thời điểm bị bắt quả tang, thu giữ 81.226 lít gồm: xăng thật, xăng giả, hóa chất có tổng trị giá 1.196.092.470 đồng. Tất cả các chất lỏng được sử dụng vào mục đích sản xuất xăng giả. Mặc dù Cơ quan điều tra chưa chứng minh được các bị cáo đã bán cụ thể cho những ai và khối lượng bao nhiêu nhưng căn cứ tài liệu thu thập được trong hồ sơ vụ án thể hiện 04 bị cáo Lê Văn N, Nguyễn Văn N3, Đỗ Hồng S, Nguyễn Đình N1 đã có hành vi sản xuất 46.018 lít xăng giả trị giá 687.508.920 đồng (tương đương với giá trị xăng thật tại thời điểm định giá) nhằm mục đích bán kiếm lời.

Trong giai đoạn sơ thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Lê Văn N không thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Tuy nhiên, hồ sơ vụ án thể hiện ban đầu Nguyên khai Nguyên chỉ đạo các bị cáo khác pha chế xăng giả theo công thức pha chế của T3. Sau đó, N thay đổi lời khai cho rằng người gửi chất lỏng T4 tại Kho hàng 89 là Diệp Bảo T3, T3 cũng là người chỉ đạo N3, S và N1 pha chế xăng giả, N không biết gì về những việc xảy ra tại kho hàng. Xét thấy lời khai ban đầu của N phù hợp với lời khai ban đầu của các bị cáo Nguyễn Văn N3, bị cáo Đỗ Hồng S và bị cáo Nguyễn Đình N1, phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án, phù hợp với vật chứng thu giữ khi kiểm tra hành chính kho hàng 89, có cơ sở xác định Lê Văn N là người trực tiếp liên hệ với Diệp Bảo T3 để mua các bồn chứa dùng pha chế và N cũng là người liên hệ T3 và các Công ty hóa chất để mua Toluen; các chất phụ gia và chất tạo màu, để làm xăng giả. N cũng là người trực tiếp chỉ đạo N3, S và N1 pha chế xăng giả theo công thức.

Với hành vi phạm tội nêu trên, Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo Lê Văn N và bị cáo Nguyễn Đình N1 phạm tội “Sản xuất hành giả” theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 192 Bộ luật hình sự, đồng thời xác định vai trò cầm đầu, chủ mưu của N trong vụ án, là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Không có căn cứ chấp nhận kháng cáo kêu oan của bị cáo Lê Văn N. Do đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm giữ nguyên về tội danh và hình phạt đối với bị cáo Lê Văn N. [2.2]. Xét kháng cáo xin giảm hình phạt của bị cáo Nguyễn Đình N1: Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo N1 khai nhận bị cáo biết việc làm của mình là cùng với các bị cáo khác pha chế xăng giả, bị cáo chỉ là người làm thuê, mới tham gia sản xuất xăng giả được 10 ngày thì bị bắt, phạm tội lần đầu, với vai trò không đáng kể, nên Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải) quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51 và Khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự đối với bị cáo, là đúng pháp luật. Đồng thời, Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo N1 07 (bảy) năm tù, bằng mức khởi điểm của khung hình phạt, và mức hình phạt là thấp nhất so với các bị cáo khác trong cùng vụ án.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo xin giảm hình phạt, nhưng cho rằng không biết việc làm của mình là cùng với các bị cáo khác sản xuất xăng giả, thái độ khai báo quanh co, chối tội, đồng thời không cung cấp được tình tiết nào mới, làm căn cứ giảm hình phạt cho bị cáo. Do đó, không có căn cứ chấp nhận kháng cáo xin giảm hình phạt; giữ nguyên mức hình phạt mà Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng đối với bị cáo Nguyễn Đình N1. [3]. Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, được chấp nhận.

[4]. Quan điểm của luật sư bào chữa cho bị cáo Lê Văn N, không được chấp nhận.

[5]. Các quyết định khác của bản án hình sự sơ thẩm nêu trên không bị kháng cáo, kháng nghị, có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

[6]. Về án phí phúc thẩm hình sự: Do kháng cáo của các bị cáo Lê Văn N và Nguyễn Đình N1 không được chấp nhận, nên các bị cáo phải chịu án phí phúc thẩm theo quy định.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Áp dụng điểm a Khoản 1, Khoản 2 Điều 355; Điều 356 và Điều 343 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIV quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;

Tuyên xử:

1. Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Lê Văn N và bị cáo Nguyễn Đình N1. 2. Giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm số 04/2023/HS-ST ngày 12/01/2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

2.1. Tuyên bố: Bị cáo Lê Văn N, bị cáo Nguyễn Đình N1 phạm tội “Sản xuất hàng giả”;

2.2. Áp dụng điểm a khoản 3 Điều 192; khoản 2 Điều 51; Điều 17; Điều 38 Bộ luật hình sự, xử phạt Lê Văn N 09 (chín) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày 29/01/2021.

2.3. Áp dụng điểm a khoản 3 Điều 192; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 17; Điều 38 Bộ luật hình sự, xử phạt Nguyễn Đình N1 07 (bảy) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày 29/01/2021.

3. Các quyết định khác của bản án hình sự sơ thẩm nêu trên không bị kháng cáo, kháng nghị, có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

4. Án phí hình sự phúc thẩm: Bị cáo Lê Văn N và bị cáo Nguyễn Đình N1 mỗi người phải chịu 200.000 đồng.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

350
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 460/2023/HS-PT về tội sản xuất hàng giả

Số hiệu:460/2023/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 18/07/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;