Bản án 45/2020/HS-PT ngày 07/05/2020 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG

BẢN ÁN 45/2020/HS-PT NGÀY 07/05/2020 VỀ TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Ngày 07 tháng 5 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số 67/2020/TLPT-HS ngày 13/4/2020 đối với bị cáo Phạm Hồng Q, do có kháng cáo của bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 11/2020/HS-ST ngày 06/02/2020 của Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh Hải Dương.

Bị cáo kháng cáo: Phạm Hồng Q, sinh năm 1999; Nơi ĐKHKTT và chỗ ở: thôn L, xã T, huyện T, tỉnh Hải Dương; trình độ văn hoá: 09/12; Nghề nghiệp: Lao động tự do; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Phạm Văn K và bà Nguyễn Thị D; Tiền án, tiền sự: Không; Bị cáo tại ngoại, có mặt.

- Bị hại không kháng cáo: Công ty TNHH G Việt Nam, địa chỉ: Thôn T, xã C, huyện T, tỉnh Hải Dương do ông Đào Xuân K - Trưởng phòng Hành chính nhân sự là đại diện theo uỷ quyền.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Phạm Hồng Q là nhân viên Công ty G từ tháng 7/2017, công việc của Q làm tại bộ phận kiểm tra chất lượng sản phẩm (gọi tắt là QC) và được giao công việc khi nhận các yêu cầu lĩnh sản phẩm (roboot đồ chơi trẻ em) của khách hàng thì đem các sản phẩm đi kiểm định chất lượng tại Hải Phòng trước khi bán cho khách hàng.

Quy trình nhận và đem hàng đi kiểm định như sau:

Khi công ty nhận được yêu cầu lĩnh hàng của khách hàng gửi qua email, người được giao nhiệm vụ đem hàng đi kiểm định sẽ kiểm tra xem yêu cầu lĩnh hàng này gồm bao nhiêu sản phẩm, mã sản phẩm là gì, đem sản phẩm đi đâu. Sau đó làm đơn lĩnh hàng và đem đến cho người chủ quản bộ phận QC ký xác nhận. Sau khi chủ quản bộ phận QC ký xác nhận, đơn lĩnh hàng này được chuyển cho bộ phận yêu cầu sản xuất mẫu (gọi tắt là PMC); bộ phận PMC sau khi thấy đơn lĩnh hàng hợp lệ sẽ ký xác nhận vào đơn lĩnh hàng; tiếp theo đơn lĩnh hàng này được chuyển đến bộ phận sản xuất để xác nhận vào đơn lĩnh hàng. Sau đó đơn lĩnh hàng sẽ được chuyển đến cho bộ phận bảo mật (gọi tắt là IP), bộ phận IP sẽ kiểm tra đơn lĩnh hàng có phù hợp với yêu cầu lĩnh hàng hay không, nếu đúng thì bộ phận IP sẽ ký xác nhận vào đơn lĩnh hàng, sau đó được chuyển xuống cho bộ phận kho hoặc chuyền sản xuất để nhận hàng. Sau khi nhận được hàng (sản phẩm), người có nhiệm vụ nhận hàng sẽ làm giấy ra cổng, trên giấy phải điền đầy đủ thông tin: Sản phẩm gì, số lượng bao nhiêu, đem đi đâu và giấy ra cổng sẽ do bộ phận chủ quản QC ký, sau đó đến bộ phận IP, bộ phận IP sẽ kiểm tra xem đơn lĩnh hàng, sản phẩm có đúng với giấy ra cổng hay không và ký xác nhận; cuối cùng giấy ra cổng này sẽ được chuyển cho giám đốc công ty ký đồng ý cho ra ngoài.

Trong thời gian này, qua mạng xã hội Facebook, Q quen một người có nickname Nguyễn Trọng T, T đặt vấn đề mua các con roboot đồ chơi trẻ em (mã E4216). Do cần tiền chi tiêu cá nhân nên Q đồng ý.

Ngày 19/4/2019, mặc dù không có yêu cầu lĩnh hàng của khách hàng, nhưng Q đã gian dối và tự làm đơn lĩnh 20 con roboot đồ chơi trẻ em mã E4216 (hàng bảo mật chưa bán ra thị trường) để đem đi kiểm định, Q ký vào đơn lĩnh hàng, sau đó đem đến bộ phận PMC ký, sau đó đến bộ phận thống kê vào sổ theo dõi, chủ quản của bộ phận sản xuất ký, cuối cùng là bộ phận IP xác nhận, sau đó đến chuyền sản xuất ký và giao 20 con roboot đồ chơi mã E4216 cho Q. Sau khi nhận được hàng, Q làm giấy ra cổng, nhưng trên giấy ra cổng Q ghi tên một mã sản phẩm khác (mã 129943K) thay cho mã hàng E4216 và đưa cho chủ quản QC ký; sau khi chủ quản QC ký, Q đem giấy ra cổng cho bộ phận IP; bộ phận IP thấy tem giấy ra cổng ghi một mã hàng khác (không phải mã bảo mật E4216) nên đã đóng dấu đồng ý cho Q mang hàng ra khỏi cổng.

Sau khi đem được số sản phẩm trên ra khỏi công ty, Q mang đến bưu điện C, xã C, huyện T gửi cho Nguyễn Trọng T theo địa chỉ: số 79/4 ngõ B, phường P, quận 1, TP Hồ Chí Minh và bán với giá 20.000.000 đồng. Tiếp tục đến ngày 26/4/2019, cũng bằng thủ đoạn trên, Q đã lấy 10 sản phẩm mã E4216 của Công ty G và bán cho Nguyễn Trọng T với giá 12.000.000 đồng. Tháng 5/2019, Công ty phát hiện việc Q không đem sản phẩm mã E4216 đi kiểm định mà đem bán lấy tiền chi tiêu cá nhân, nên đã có đơn trình báo Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an huyện T.

Kết luận định giá tài sản kết luận: Roboot biến hình, mã hàng E4216, kích thước 50 x 25 x 10cm, số lượng 30 sản phẩm chưa qua sử dụng trị giá 16.400.000 đồng, trong đó: ngày 19/4/2019 lấy 10 sản phẩm trị giá 5.466.640 đồng và ngày 26/4/2019 lấy 20 sản phẩm trị giá 10.933.280 đồng (tổng 16.400.000 đồng).

Tổng hai lần phạm tội Q bán được 32.000.000đ; bị cáo đã bồi thường cho Công ty số tiền 27.960.000 đồng; còn lại 4.040.000 đồng bị cáo đã chi tiêu cá nhân.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 11/2020/HS-ST ngày 06/02/2020, Tòa án nhân dân (TAND) huyện T đã áp dụng khoản 1 Điều 174; điểm b, s khoản 1 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52; điểm b khoản 1 Điều 47 của Bộ luật Hình sự; điểm b khoản 2 Điều 106 Bộ luật tố tụng Hình sự. Phạt Phạm Hồng Q 15 tháng tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; Truy thu số tiền 4.040.000 đồng nộp Ngân sách. Ngoài ra bản án còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo theo pháp luật.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 10/02/2020 bị cáo đã nộp khoản tiền truy thu 4.040.000 đồng. Ngày 21/02/2020, bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo.

Tại phiên toà phúc thẩm, bị cáo thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình và giữ nguyên nội dung kháng cáo. Kiểm sát viên tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến: Đánh giá tính chất vụ án, căn cứ vào nhân thân bị cáo, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo giảm hình phạt cho bị cáo mức từ 3 đến 5 tháng tù; không chấp nhận cho bị cáo hưởng án treo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1]. Về tố tụng: Giai đoạn sơ thẩm, các cơ quan tiến hành tố tụng đã thực hiện đúng và đầy đủ các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự (Viết tắt: BLTTHS) trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử đối với bị cáo.

[2]. Về hành vi phạm tội của bị cáo: Tại phiên toà, bị cáo khai như tại phiên tòa sơ thẩm, phù hợp với lời khai của bị cáo trong giai đoạn điều tra, lời khai của bị hại, những người làm chứng cũng như các tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án. Như vậy có căn cứ kết luận: Phạm Hồng Q là nhân viên bộ phận kiểm định chất lượng sản phẩm của Công ty G, có trụ sở tại xã C, huyện T, tỉnh Hải Dương. Mặc dù không có yêu cầu lĩnh hàng của khách hàng nhưng do có ý định chiếm đoạt sản phẩm đồ chơi trẻ em có mã E4216 để bán lấy tiền chi tiêu cá nhân từ trước nên vào các ngày 19/4/2019 và 26/4/2019, Q đã có hành vi tự tạo ra các đơn lĩnh hàng của khách hàng, lợi dụng sơ hở của các chủ quản, nhân viên bảo mật không kiểm tra yêu cầu lĩnh hàng và số sản phẩm lĩnh thực tế. Sau khi lấy được sản phẩm mã hàng E4216, Q đã sửa mã hàng trong giấy ra cổng công ty từ hàng bảo mật chưa được bán ra thị trường (mã hàng E4216) sang loại hàng không bảo mật để đưa 30 con roboot trẻ em đem đi bán với số tiền chiếm đoạt ngày 19/4/2019 là 10 con roboot trị giá 5.466.640 đồng; ngày 26/4/2019, 10 con roboot 10.933.280 đồng. Tổng giá trị tài sản chiếm đoạt 16.400.000 đồng. Hành vi của bị cáo đã cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo khoản 1 Điều 174 BLHS. Nên Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử và quyết định hình phạt đối với bị cáo là có căn cứ và đúng pháp luật.

[3]. Xét kháng cáo của bị cáo:

- Đối với kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt: Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo thành khẩn nhận tội và đã thực hiện bồi thường khắc phục hậu quả là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b, s khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự. Và đã được Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng cho bị cáo được hưởng. Tại cấp phúc thẩm, bị cáo đã tự nguyện nộp tại Cơ quan thi hành án huyện T khoản thu lợi bất chính 4.040.000 đồng và 200.000đ tiền án phí hình sự theo quyết định của bản án sơ thẩm. Đây là tình tiết mới, thể hiện thái độ ăn năn hối cải nên Hội đồng xét xử coi đó là tình tiết giảm nhẹ theo khoản 2 Điều 51 BLHS và áp dụng cho bị cáo được hưởng. Bị cáo có thêm tình tiết giảm nhẹ, có nhân thân tốt, chưa có tiền án tiền sự, nên xem xét giảm một phần hình phạt cho bị cáo.

- Đối với kháng cáo xin hưởng án treo: Trong hai ngày 19 và 26/4/2019, bị cáo hai lần thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mỗi hành vi đều đủ yếu tố cấu thành tội phạm là phạm tội nhiều lần. Theo quy định tại khoản 5, Điều 3 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP, ngày 15/05/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65 BLHS về án treo thì bị cáo thuộc trường hợp không cho hưởng án treo. Nên nội dung kháng cáo này không được chấp nhận.

[4]. Bị cáo không thuộc trường hợp được hoãn thi hành án theo quy định tại Điều 67 BLHS nên cần bắt tạm giam bị cáo ngay tại phiên tòa theo quy định tại Điều 347 BLTTHS để đảm bảo công tác thi hành án hình sự.

[5]. Về án phí: Bị cáo kháng cáo được chấp nhận một phần nên không phải chịu án phí phúc thẩm hình sự theo quy định.

[6]. Các Quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị nên cấp phúc thẩm không xem xét và đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355; điểm c khoản 1 Điều 357 của Bộ luật Tố tụng hình sự;

Chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo; sửa bản án hình sự sơ thẩm số 11/2020/HS-ST ngày 06/02/2020 của Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh Hải Dương về hình phạt đối với bị cáo.

Áp dụng khoản 1 Điều 174; điểm b, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52; Điều 38 của Bộ luật Hình sự; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 về án lệ phí Toà án.

Xử phạt Phạm Hồng Q 09 (Chín) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày tuyên án phúc thẩm (07/5/2020) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Quyết định bắt, tạm giam bị cáo ngay tại phiên tòa để đảm bảo thi hành án.

Ghi nhận bị cáo đã nộp khoản tiền truy thu 4.040.000 đồng và 200.000đ án phí hình sự sơ thẩm theo biên lai thu tiền số AA/2011/06604 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện T theo quyết định của bản án sơ thẩm để sung quỹ nhà nước.

Phạm Hồng Q không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án (07/5/2020).

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

330
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 45/2020/HS-PT ngày 07/05/2020 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Số hiệu:45/2020/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hải Dương
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 07/05/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký



  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;