Bản án 64/2019/HSPT ngày 20/02/2019 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐĂK LĂK

BẢN ÁN 64/2019/HSPT NGÀY 20/02/2019 VỀ TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Ngày 20 tháng 02 năm 2019, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Đăk Lăk xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 49/2019/TLPT-HS ngày 15 tháng 01 năm 2019 đối với bị cáo Ngô Minh Đ. Do có kháng cáo của bị cáo đối với bản án hình sự sơ thẩm số 30/2018/HSST ngày 27/11/2018 của Tòa án nhân dân huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk.

Bị cáo có kháng cáo: Họ và tên: Ngô Minh Đ, sinh năm 1985, tại: tỉnh Bình Định; Nơi cư trú: Thôn C, xã T, huyện B, tỉnh Đắk Lắk; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Thiên chúa giáo, trình độ văn hóa: 12/12; nghề nghiệp: Giáo viên. Con ông: Ngô Minh H, sinh năm 1959 và bà Lê Thị P, sinh năm 1957; vợ là Nguyễn Thị Kiều N, sinh năm 1988 (đã ly hôn); có 01 con chung sinh năm 2014.Tiền án, tiền sự: Không; Bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú, bị cáo có mặt tại phiên tòa.

Người bị hại:

- Bà Nguyễn ThịThanh T, sinh năm 1968 (Vắng mặt)

Địa chỉ: Thôn M, xã T, huyện B, tỉnh Đắk Lắk

- Bà Lê Thị Thu H, sinh năm 1968 (Vắng mặt)

Địa chỉ: Buôn M, xã N, huyện B, tỉnh Đắk Lắk

- Ông Vương Văn T, sinh năm 1971 (Vắng mặt)

Địa chỉ: Thôn T, xã T, huyện B, tỉnh Đắk Lắk

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Ngô Minh Đ là giáo viên dạy Mỹ thuật- Âm nhạc tại trường Trung học cơ sở NT thuộc xã T, huyện B, tỉnh Đắk Lắk. Mặc dù Đ không có mối quan hệ thân quen cũng như không có khả năng xin việc cho sinh viên học ngành sư phạm mới tốt nghiệp ra trường, lợi dụng lòng tin của một số hộ gia đình có con đã tốt nghiệp các trường ngành sư phạm, Đ đã đưa thông tin gian dối nói với nhiều người dân là Đ có khả năng xin việc làm trong các trường mầm non trên địa bàn huyện B cụ thể như sau:

Khoảng đầu tháng 6/2016 Đ hứa sẽ xin cho con bà Nguyễn Thị Thanh T là cháu Bùi Thị Tuyết H vào dạy trường mầm non trong huyện B và yêu cầu bà T làm hồ sơ xin việc, đồng thời Đ đưa ra mức giá xin việc là 140.000.000 đồng (Một trăm bốn mươi triệu đồng). Đ yêu cầu bà T đưa cho Đ trước 10.000.000 đồng (Mười triệu đồng) khi nào xin được việc sẽ đưa đủ số tiền còn lại là 130.000.000 đồng (Một trăm ba mươi triệu đồng). Ngày 20/6/2016 bà T đưa cho Đ một bộ hồ sơ xin việc và số tiền 10.000.000 đồng.

Ngày 20/6/2016 Đ hứa xin cho con bà Lê Thị Thu H là cháu Nguyễn Lê Thùy A vào dạy một trường mầm non trên địa bàn huyện B sẽ có quyết định vào khoảng tháng 10/2016 với số tiền xin việc là 140.000.000 đồng (Một trăm bốn mươi triệu đồng), bà H đưa trước cho Đ số tiền 10.000.000 đồng (Mười triệu đồng), số tiền còn lại sẽ giao đủ khi nhận được quyết định tuyển dụng. Sau khi nhận hồ sơ và số tiền 20.000.000 đồng từ bà T và bà H, Đ đã mang hai bộ hồ sơ xin việc đến nhà ông Trần Trung K để nhờ ông K xin việc, ông K từ chối nhận hồ sơ nhưng Đ vẫn để hồ sơ ở nhà ông K và đi về, sau đó ông K đã gọi điện cho Đ đến lấy hồ sơ về nhưng Đ không đến lấy hồ sơ.

Đầu tháng 7/2016 do biết ông Vương Văn T có con gái là Vương Thị H vừa tốt nghiệp ngành sư phạm mầm non nên Đ chủ động đến gặp ông T và nói mình có khả năng xin việc cho con ông T làm giáo viên mầm non tại các trường mầm non trên địa bàn huyện B. Nghe Đ nói vậy nên ông T đã nhờ Đ xin việc cho con gái mình, Đ đưa ra giá xin việc là 150.000.000 đồng (Một trăm năm mươi triệu đồng) đồng thời yêu cầu ông T làm hồ sơ xin việc và đưa trước cho Đ số tiền 45.000.000 đồng (Bốn mươi lăm triệu đồng) khi nào xin được việc sẽ đưa tiếp số tiền còn lại theo thỏa thuận là 105.000.000 đồng (Một trăm lẻ năm triệu đồng). Ngày 09/7/2016 ông T đã đưa cho Đ một bộ hồ sơ xin việc mang tên Vương Thị H và số tiền 45.000.000 đồng. Sau khi nhận được hồ sơ và tiền, Đ không đi xin việc cho con ông T mà cất giữ hồ sơ tại nhà mình, không liên hệ với bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào để xin việc và đã chiếm đoạt số tiền trên chi tiêu vào mục đích cá nhân.

Sau khi nhận các khoản tiền của ba người nói trên tổng cộng là 65.000.000 đồng, Đ đã sử dụng chi tiêu cá nhân mà không làm gì để xin việc như đã hứa hẹn với bà T, bà H và ông T và cũng không trả lại số tiền đã nhận cho những người này mặc dù họ đã đòi tiền nhiều lần. Vào tháng 3/2018 bà T, bà H và ông T làm đơn tố cáo hành vi lừa đảo của Đ tới cơ quan điều tra công an huyện Buôn Đôn. Trong giai đoạn điều tra Đ chỉ mới trả lại cho bà Nguyễn Thị Thanh T số tiền 10.000.000 đồng.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 30/2018/HSST ngày 27/11/2018 Tòa án nhân dân huyện Buôn Đôn đã quyết định:

Tuyên bố bị cáo Ngô Minh Đ phạm tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Áp dụng điểm e khoản 2 Điều 139 Bộ luật hình sự 1999; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự 2015.

Xử phạt bị cáo Ngô Minh Đ 02 (hai) năm tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt đi thi hành án.

Ngoài ra, bản án còn quyết định về trách nhiệm dân sự, án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 10/12/2018, bị cáo Ngô Minh Đ kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và được hưởng án treo.

Tại phiên toà phúc thẩm, bị cáo đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình đúng như nội dung bản cáo trạng và bản án sơ thẩm đã nêu cũng như lời khai của bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm, tại cơ quan điều tra.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã phân tích, đánh giá tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo và cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử bị cáo Ngô Minh Đ về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điểm e khoản 2 Điều 139 Bộ luật hình sự năm 1999 là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Khi quyết định hình phạt Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng đầu đủ các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự 2015. Bị cáo phạm tội thuộc trường hợp nhiều lần nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không áp dụng điểm g khoản 1 Điều 52 BLHS 2015 là thiếu sót cần nghiêm túc rút kinh nghiệm. Mức hình phạt 02 năm tù mà cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo là thấp nhất của khung hình phạt, phù hợp, tương xứng với tính chất mức độ hành vi phạm tội bị cáo gây ra. Tại phiên tòa bị cáo không cung cấp thêm tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nào mới. Do đó, không có căn cứ chấp nhận đơn kháng cáo của bị cáo.

Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm a khoản 1 Điều 355; Điều 356 của Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015 – Giữ nguyên bản án hình sự sơ thẩm 30/2018/HS-ST Ngày 27-11-2018 của Tòa án nhân dân huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk về hình phạt.

Căn cứ điểm e khoản 2 Điều 139 BLHS 1999; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điểm g khoản 1 Điều 52 BLHS 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.

Xử phạt bị cáo Ngô Minh Đ 02 (hai) năm tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt đi thi hành án.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bị cáo không có ý kiến tranh luận gì chỉ đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Tại phiên toà phúc thẩm, bị cáo đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình, phù hợp với lời khai của các bị cáo tại cơ quan điều tra, tại phiên tòa sơ thẩm và phù hợp với lời khai của người bị hại và những người tham gia tố tụng khác, phù hợp với các tài liệu, chứng cứ đã được thu thập có trong hồ sơ vụ án. Như vậy, đã có đủ cơ sở pháp lý để khẳng định: Tuy không có khả năng xin việc cho người khác nhưng trong khoảng thời gian từ tháng 6/2016 đến tháng 7/2016, bị cáo Đ đã đã dùng thủ đoạn gian dối nói mình có khả năng xin việc làm cho người khác để chiếm đoạt của bà Nguyễn Thị Thanh T số tiền 10.000.000 đồng, chiếm đoạt của bà Lê Thị Thu H số tiền 10.000.000 đồng và chiếm đoạt của ông Vương Văn T số tiền 45.000.000 đồng. Tổng cộng số tiền bị cáo chiếm đoạt được là 65.000.000 đồng. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử bị cáo Ngô Minh Đ về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 139 Bộ luật hình sự năm 1999 là có căn cứ, đúng người, đúng tội.

[2] Xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo của bị cáo, Hội đồng xét xử thấy rằng: Mức hình phạt 02 năm tù mà Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên đối với bị cáo là phù hợp. Bởi lẽ, hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, bị cáo phạm tội nhiều lần, xâm phạm đến quyền sở hữu về tài sản của công dân được pháp luật bảo vệ, gây mất trự tự trị an, gây dư luận xấu trong quần chúng nhân dân. Bị cáo là người có đầy đủ năng lực hành vi, nhận thức được hành vi của mình là sai trái, bị luật pháp nghiêm cấm nhưng vì mục đích tư lợi, để có tiền tiêu xài cá nhân bị cáo đã lợi dụng sự tin tưởng của các bị hại nhằm chiếm đoạt tổng số tiền là 65.000.000 đồng. Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo cho rằng sau khi xét xử sơ thẩm bị cáo có trả thêm cho các bị hại một phần số tiền bị cáo chiếm đoạt để khắc phục hậu quả nhưng không có tài liệu chứng cứ gì để chứng minh, xét thấy bị cáo không cung cấp thêm tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nào mới nên không có căn cứ chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin hưởng án treo của bị cáo. Cần giữ nguyên mức hình phạt của án sơ thẩm.

Về việc áp dụng pháp luật, tại phiên tòa phúc thẩm đại diện Viện kiểm sát cho rằng bị cáo phạm tội nhiều lần nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không áp dụng điểm g khoản 1 Điều 52 BLHS 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 là thiếu sót. Hội đồng xét xử thấy rằng, bị cáo Đ 03 lần thực hiện hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” tuy nhiên tổng số tiền mà bị cáo chiếm đoạt của cả 03 lần mới trên 50.000.000 đồng đủ yếu tố định khung hình phạt quy định tại điểm c khoản 2 Điều 309 BLHS 1999. Nên không thể coi đó là tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự nữa. Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm không áp dụng điểm g khoản 1 Điều 52 BLHS 2015 là có cơ sở.

[3] Về án phí: Do kháng cáo không được chấp nhận, nên bị cáo phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

[4] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo kháng nghị.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

[1] Căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 355; Điều 356 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.

Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Ngô Minh Đ – Giữ nguyên bản án hình sự sơ thẩm số 30/2018/HSST ngày 27/11/2018 của Tòa án nhân dân huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk về hình phạt.

Tuyên bố bị cáo Ngô Minh Đ phạm tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Áp dụng điểm e khoản 2 Điều 139 Bộ luật hình sự 1999; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự 2015.

Xử phạt bị cáo Ngô Minh Đ 02 (hai) năm tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt đi thi hành án.

[2] Về án phí hình sự phúc thẩm: Bị cáo Ngô Minh Đ phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự phúc thẩm.

[3] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

[4] Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

630
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 64/2019/HSPT ngày 20/02/2019 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Số hiệu:64/2019/HSPT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Đăk Lăk
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 20/02/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;