Bản án 45/2018/DS-PT ngày 23/10/2018 về tranh chấp kiện đòi tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC

BẢN ÁN 45/2018/DS-PT NGÀY 23/10/2018 VỀ TRANH CHẤP KIỆN ĐÒI TÀI SẢN

Trong các ngày 20 tháng 9 và ngày 23 tháng 10 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số:09/2018/TLPT-DS ngày 13/4/2018, về việc tranh chấp kiện đòi tài sản. Do Bảnán dân sự sơ thẩm số 01/2018/DS-ST ngày 28/02/2018 của Toà án nhân dân huyện T, tỉnh Vĩnh Phúc bị kháng cáo. Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 43/2018/QĐ-PT ngày 12/6/2018 giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Cụ Vũ Thị K, sinh năm 1934; nơi cư trú: Thôn K1, xã T1, huyện T, tỉnh Vĩnh Phúc, vắng mặt.

Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn: Ông Nguyễn Văn H, sinhnăm 1980; nơi cư trú: Xóm Ch, xã Đ, thành phố V1, tỉnh Vĩnh Phúc, có mặt.

Bị đơn: Ông Cao Văn M, sinh năm 1960; nơi cư trú: Thôn K1, xã T1, huyện T, tỉnh Vĩnh Phúc, có mặt.

Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:

- Bà Lại Thị V, sinh năm 1962; anh Cao Văn Th, sinh năm 1983; đều cưtrú: Thôn K1, xã T1, huyện T, tỉnh Vĩnh Phúc, vắng mặt.

- Bà Cao Thị Ph, sinh năm 1952; bà Cao Thị G, sinh năm 1952; ông Cao Văn N, sinh năm 1966; đều cư trú: Thôn K1, xã T1, huyện T, tỉnh Vĩnh Phúc, vắng mặt.

- Ông Cao Văn U, sinh năm 1976; nơi cư trú: Thôn K1, xã T1, huyện T, tỉnh Vĩnh Phúc, có mặt.

- Bà Cao Thị B, sinh năm 1966; nơi cư trú: Làng A, xã T1, huyện T, tỉnhVĩnh Phúc, vắng mặt.

- Bà Cao Thị Ch, sinh năm 1968; nơi cư trú: thôn Y, xã H1, huyện T2, tỉnhVĩnh Phúc, vắng mặt.

- Bà Cao Thị Ng, sinh năm 1980; nơi cư trú: Khu 8, xã H2, thành phố V2, tỉnh Phú Thọ, vắng mặt.

Người kháng cáo: Ông Nguyễn Văn H là người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện đề ngày 16 tháng 4 năm 2015 và những lời khai trong quá trình làm việc cũng như tại phiên toà, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn trình bày:

Cụ Cao Văn R và cụ Vũ Thị Q kết hôn với nhau và có với nhau 05 người con chung. Đến năm 1960 cụ R có đón cụ Vũ Thị K (em gái của cụ Q) từ quê về sống cùng gia đình cụ R và thống nhất với nhau hai người chỉ có quan hệ tình cảm chứ không có quan hệ gì về tài sản. Quá trình chung sống cụ K và cụ R có với nhau được 05 người con chung. Trước khi chung sống với cụ K, cụ R có tạo lập được khối tài sản riêng là quyền sử dụng đất số 41, 42 tại Thôn K1, xã T1, huyện T.

Khi về chung sống với cụ R, cụ K tự tạo lập cho mình khối tài sản là quyền sử dụng đất đối với diện tích 1.837m2 thửa đất số 43, tờ bản đồ 01 tại Thôn K1, xã T1, huyện T, tỉnh Vĩnh Phúc. Sau khi tạo lập được thửa đất đó, cụ K đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với nhà nước trong việc sử dụng đất và không hề có bất kỳ tranh chấp với ai.

Đến năm 1984 do tuổi già sức yếu, không thể tự chăm sóc bản thân nên cả gia đình có thống nhất để cụ K sang ở cùng gia đình con trai ruột là anh Cao Văn U, giao thửa đất trên cho ông M trông giữ và quản lý giúp.

Năm 2006 cụ Cao Văn R chết không để lại di chúc, sau khi cụ R chết, tất cả gia đình cụ K gồm cả các con của cụ R chưa có bất kỳ một thỏa thuận nào về việc phân chia di sản của cụ R để lại.

Khi nhờ ông M quản lý cụ K có nói bằng miệng với ông M về việc giao cho ông M quản lý, sử dụng diện tích đất này. Khi đó trên đất chỉ có nhà và tre trồng trên đất. Tuy nhiên ông M đã phá bỏ hết các bụi tre, hiện nay không còn tàisản gì trên đất. Việc kê khai để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là do ông M làm, ông M tự ý kê khai toàn bộ diện tích tranh chấp để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Cụ K không biết việc ông M đi kê khai làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cũng không biết việc ông M được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích này chưa.

Theo xác minh tại Ủy ban nhân dân xã T1, huyện T thì tại tờ bản đồ 299 đo vẽ năm 1987 hiện đang lưu trữ Ủy ban nhân dân xã T1 thì thửa đất hiện đang tranh chấp giữa cụ K và ông M được thể hiện trên bản đồ là T, số thửa 43, tờ bản đồ số 01, diện tích 1.837m2 tại Thôn K1, xã T1, huyện T. Theo sổ mục kê của Ủy ban nhân dân xã thì người sử dụng không ghi tên ai. Tuy nhiên được thể hiện cụ thể như sau: Số thửa 43, người sử dụng bỏ trống, không ghi tên ai, diện tích 1.837m2 (đất ở 400m2, đất trồng cây lâu năm 1.437m2). Theo bản đồ năm 2012 thì thửa đất đang tranh chấp thể hiện người sử dụng là ông Cao Văn M và anh Cao Văn Th.

Đối với Đơn xin chuyển nhượng đất thổ cư giữa cụ K và ông M ngày29/7/1991 theo quan điểm của cụ K là không có việc chuyển nhượng này, chữ ký và chữ viết trong đơn không phải của cụ K vì cụ K không biết chữ, do vậy cụ K đề nghị Tòa án tuyên hủy đơn xin chuyển nhượng đất thổ cư giữa cụ K và ông M ngày 29 tháng 7 năm 1991, không có việc cụ nhận tiền của ông M.

Đối với bản di chúc của cụ R năm 1996 cụ chưa bao giờ biết cho đến khi ông M xuất trình bản di chúc này, theo cụ K bản di chúc này là giả mạo chữ ký của cụ R, hơn nữa bản di chúc ghi ngày 16/4/1996 ở dưới phần xác nhận lại xác nhận là ngày 15/4/1996 do đó cụ K không nhất trí với bản di chúc này.

Nay cụ K yêu cầu ông M phải trả lại diện tích đất 1.837m2 tại thửa đất số 43, tờ bản đồ 01 tại Thôn K1, xã T1, huyện T cho cụ K, đề nghị Tòa án tuyên hủy Đơn xin chuyển nhượng đất thổ cư giữa cụ K và ông M ngày 29 tháng 7 năm 1991 vì thực tế cụ K không biết chữ, chữ ký và chữ viết trong đơn không phải của cụ K. Quá trình giải quyết vụ án và tại phiên Tòa nguyên đơn không yêu cầu giám định chữ ký, chữ viết của nguyên đơn. Ngoài ra, cụ K không có yêu cầu gìkhác.

Bị đơn ông Cao Văn M trình bày:

Về nguồn gốc diện tích đất tranh chấp 1.837m2 tại thửa đất số 43, tờ bản đồ01 tại Thôn K1, xã T1, huyện T nằm trong tổng diện tích đất của bố đẻ ông là cụ Cao Văn R khai hoang từ năm 1940. Năm 1945 thì cụ R kết hôn với cụ Q và hai cụ chung sống với nhau trên thửa đất này sinh được 5 người con gồm có: Cao Văn O (đã hy sinh, không có con), Cao Thị Ph, Cao Thị G, ông Cao Văn M, Cao Thị B.

Năm 1960 cụ R đưa cụ K là em gái của cụ Q về chung sống với cụ R và vẫn ở chung nhà cùng cụ R và cụ Q. Cụ R và cụ K sinh được 05 người con gồm: Cao Thị Y (đã chết không có con), Cao Văn N, Cao Văn U, Cao Thị Ng và Cao Thị Ch.

Đến năm 1977 cụ R làm nhà lá vách đất cho cụ K và các con ra ở trên một phần diện tích đất tranh chấp để cụ K và các con chung của cụ R và cụ K ở. Đến năm 1982 cụ K cùng các con chuyển ra ngoài đồi ở. Cụ K và các con của cụ K ở từ đó cho đến nay, hiện mảnh đất này đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khi chuyển đi cụ K có dỡ nhà và cây cối đem lên đồi dựng nhà mới. Cụ R và cụ K có giao toàn bộ thửa đất, trong đó có cả diện tích đất đang tranh chấp cho ông và mẹ ông là cụ Q quản lý, sử dụng. Từ năm 1973 cụ R là người đóng thuế đất. Năm 1978 thửa đất của cụ R khai hoang được chia làm 03 thửa đất là thửa 41, 42, 43 tờ bản đồ 01 tại Thôn K1, xã T1, huyện T. Cụ R vẫn thường xuyên ở trên thửa 41, 42, 43 và nộp thuế đất từ năm 1973 đến năm 1981 sau đó ông nộp thuế đất từ năm 1982 đối với cả 03 thửa 41, 42, 43 nhưng ghi tên người nộp thuế đất là cụ R đối với thửa 41, 42 còn ông ghi tên ông là người nộp thuế đất đối với thửa 43. Năm 1991 cụ K còn viết giấy chuyển nhượng cho ông diện tích đất này. Do nghĩ là đất của cụ K nên ông đã trả tiền cho cụ K có sự chứng kiến của ông N, bà G, bà B. Năm 1996 cụ R biết việc mua bán đất giữa ông và cụ K, cụ R có nói với ông đó là đất của cụ R, cụ R chưa cho cụ K nên cụ R đã viết giấy chuyển giao thổ cư (di chúc) ngày 16 tháng 4 năm 1996 để di chúc cho ông thửa đất tranh chấp, có xác nhận của văn phòng Ủy ban nhân dân xã ký và đóng dấu. Năm 2000 ông là người kê khai để làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với cả 03 thửa đất này, Cụ R và cụ K có biết việc ông đi kê khai và các cụ không có ý kiến gì, tuy nhiên do lần thì chưa đến đợt, lần thì điểu chỉnh vì mất hồ sơ nên ông chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông khẳng định ông là người nộp thuế từ năm 1982 cho đến nay và đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất tranh chấp.

Đến năm 2012 khi đơn vị đo đạc lại bản đồ ông đề nghị đơn vị đo đạc tách tổng 03 thửa đất 41, 42, 43 thành 03 thửa cụ thể: thửa 68 diện tích 1.592,6m2 đứng tên con trai ông là Cao Văn Th, thửa 44 diện tích 2.563,5m2 đứng tên ông, thửa 36 diện tích 2.848,7m2 đứng tên mẹ ông là Vũ Thị Q (cụ Q đã chết năm 2013). Việc tách các thửa mới này là do ông là người chủ động yêu cầu đơn vị đo đạc tách nhưng vẫn chưa làm bất kì thủ tục gì tại chính quyền địa phương.

Nay cụ K yêu cầu trả lại diện tích đất 1.837m2 tại thửa đất số 43, tờ bản đồ 01 tại Thôn K1, xã T1, huyện T ông không đồng ý.

Đối với yêu cầu đề nghị Tòa án tuyên hủy Đơn xin chuyển nhượng đất thổ cư của cụ K ông không đồng ý vì thực tế chữ ký chữ viết trong đơn là của cụ Khơn nữa đã có xác nhận của chính quyền địa phương thời kỳ đó, đề nghị Tòa án không chấp nhận yêu cầu của cụ K vì không có căn cứ. Ngoài ra ông cũng đãđược cụ R tách đất di chúc để lại cho ông được toàn quyền sử dụng thửa đất tranh chấp theo đơn tách đất ngày 16 tháng 4 năm 1996, di chúc của cụ R là hoàn toàn hợp pháp.

Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trình bày:

*Ông Cao Văn U, bà Cao Thị Ch, bà Cao Thị Ng thống nhất lời trình bày của cụ K, đề nghị Tòa án chấp nhận yêu cầu khởi kiện của cụ K.

*Bà Lại Thị V, anh Cao Văn Th, bà Cao Thị B, bà Cao Thị Ph, bà Cao Thị G: Nhất trí toàn bộ lời trình bày, quan điểm của ông M, đề nghị Tòa án không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của cụ K.

*Ông Cao Văn N trình bày: Ông là con thứ 2 của cụ Cao Văn R và cụ Vũ Thị K. Nguồn gốc thửa đất số 43 mà các bên đang tranh chấp là của bố ông khai hoang khoảng từ năm 1940. Năm 1945 bố ông lấy cụ Q, cuối năm 1960 cụ R có đưa cụ K về ở cùng, năm 1977 cụ R có làm nhà cho cụ K ra ở cạnh. Năm 1982 ông M đi bộ đội về cụ K đã bán cho ông M toàn bộ diện tích đất tranh chấp mà cụ R làm nhà cho cụ K để cụ K chuyển ra ngoài đồi ở, ông M có trả tiền cho cụ K làm 03 lần tổng số tiền là 1.800.000 đồng ông đều được chứng kiến cả 03 lần ông M trả tiền. Năm 1996 cụ R có viết di chúc cho ông M được sử dụng tất cả thửa đất số 43 vì cụ R chưa cho cụ K. Hơn nữa ông M còn là người đóng thuế đất từ năm 1982 cho đến nay, ông khẳng định chữ ký, chữ viết trong giấy trả tiền chuyển nhượng đất thổ cư là của ông. Nay cụ K khởi kiện yêu cầu ông M phải trả lại thửa đất số 43 tại Thôn K1, xã T1, huyện T quan điểm của ông là đất đã chuyển nhượng cho ông M là đất của ông M đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

Với nội dung như trên, tại Bản án số 08/2015/DSST ngày 11 tháng 11 năm 2015 Tòa án nhân dân huyện T đã áp dụng các Điều 164, 170, 256 của Bộ luật dân sự; Pháp lệnh về án phí, lệ phí Tòa án. Xử:

Không chấp nhận yêu cầu của cụ Vũ Thị K đòi lại diện tích đất 1.837m2 tạithửa đất số 43, tờ bản đồ 01 tại Thôn K1, xã T1, huyện T, tỉnh Vĩnh Phúc.

Ngoài ra bản án còn tuyên án phí và quyền kháng cáo của các đương sự theo quy định của pháp luật.

Ngày 19/11/2015 Đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn ông Nguyễn Văn H có đơn kháng cáo không nhất trí với quyết định của bản án sơ thẩm, đề nghị Tòa cấp phúc thẩm hủy toàn bộ bản án sơ thẩm vì có nhiều vi phạm về đường lối giải quyết vụ án và có vi phạm nghiêm trọng về tố tụng.

Ngày 26/11/2015 Viện kiểm sát nhân dân huyện T có Quyết định kháng nghị số 516/VKS-KN với nội dung: Đề nghị cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm với các căn cứ: Tòa án không đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (các con của cụ R với cụ Q và cụ R với cụ K) tham gia tố tụng dẫn đến việc xác minh thu thập đánh giá chứng cứ chưa đúng. Theo ông M xác định năm 1991 cụ K đã viết giấy chuyển nhượng cho ông 1.837m2 đất và ông đã trả tiền cho cụ K. Như vậy, ông M thừa nhận diện tích đất trên là của cụ K. Theo quy định của pháp luật việc chuyển nhượng trên là trái pháp luật và vô hiệu.

Tại bản án dân sự phúc thẩm số: 37/2016/DSPT ngày 18/5/2016, Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã căn cứ vào khoản 3 Điều 275, Điều 277 Bộ luật tố tụng dân sự quyết định: Hủy bản án dân sự sơ thẩm số: 08/2015/DSST ngày 11 tháng 11 năm 2015 của Tòa án nhân dân huyện T.Tòa án nhân dân huyện T đã tiến hành thụ lý, giải quyết lại vụ án theo quy định của pháp luật.

Quá trình giải quyết lại vụ án tại Tòa án nhân dân huyện T nguyên đơn,người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là bà Vĩnh, anh Thanh giữ nguyên quanđiểm như quá trình giải quyết vụ án lần trước; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Ngự, bà Phương, bà G, ông N, bà B, bà Chăm, bà Nga trình bày như đã nêu trên.

Với nội dung trên, tại Bản án dân sự sơ thẩm số 01/2018/DS-ST ngày 28/02/2018 của Tòa án nhân dân huyện T đã quyết định: Áp dụng các Điều 164,170, 256 của Bộ luật dân sự; Pháp lệnh về án phí, lệ phí Tòa án.

Không chấp nhận yêu cầu của cụ Vũ Thị K yêu cầu Tòa án tuyên hủy Đơn xin chuyển nhượng đất thổ cư ngày 29 tháng 7 năm 1991 và yêu cầu đòi lại diện tích đất 1.837m2 tại thửa đất số 43, tờ bản đồ 01 tại Thôn K1, xã T1, huyện T, tỉnh Vĩnh Phúc.

Ngoài ra án sơ thẩm còn tính án phí, tuyên quyền kháng cáo cho các đương sự.

Sau khi án sơ thẩm xử xong, ngày 05/3/2018 người đại diện theo ủy quyềncủa cụ K là anh Nguyễn Văn H kháng cáo bản án sơ thẩm, nội dung kháng cáo yêu cầu hủy bản án sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Lý do kháng cáo: Bản án sơ thẩm đã xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn.

Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh Vĩnh Phúc.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu toàn bộ các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ cũng như lời khai của các đương sự có mặt tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về hình thức: Kháng cáo của người đại diện theo quỷ quyền của cụ K được làm trong hạn luật định, đơn hợp lệ được chấp nhận xem xét.

[2] Đối với lời trình bày của ông H và ông Cao Văn U cho rằng ngoài những người con của cụ R với cụ Q và cụ K thì cụ R còn có những người con khác hiện đang sinh sống tại xã T1. Khi tòa án tiến hành xác minh tại Ủy ban nhân dân xã T1 và Công an xã T1 thì địa phương xác định cụ R có chung sống với cụ Q và cụ K là hai chị em gái. Chính quyền địa phương không còn lưu giữ sổ đăng ký nhân khẩu gia đình cụ R nên không nắm được cụ R có bao nhiêu người vợ và bao nhiêu người con. Ngoài ra, khi trình bày nội dung này thì ông Ngự và ông H không đưa ra được tài liệu nào khác để chứng minh. Mặt khác tranh chấp trong vụ án này chưa phải là yêu cầu chia di sản thừa kế của cụ R, do đó việc nguyên đơn yêu cầu xác định rõ người thừa kế (Con ngoài giá thú) của cụ R và xác định họ là đương sự trong vụ án là chưa cần thiết.

[3] Về nội dung kháng cáo:

Cụ Vũ Thị K khởi kiện yêu cầu ông Cao Văn M phải trả lại diện tích1.837m2 đất tại thửa số 43, tờ bản đồ 01 tại Thôn K1, xã T1, huyện T cho cụ K và yêu cầu Tòa án tuyên hủy đơn xin chuyển nhượng đất thổ cư giữa cụ K và ông M ngày 29 tháng 7 năm 1991.

Qua xác minh tại Ủy ban nhân dân xã T1 và các chứng cứ khác có trong hồ sơ thể hiện diện tích đất 1.837m2 tại thửa đất số 43, tờ bản đồ 01 tại Thôn K1, xã T1, huyện T, tỉnh Vĩnh Phúc đang tranh chấp giữa các đương sự có nguồn gốc của cụ Cao Văn R khai hoang từ những năm 1940. Tổng diện tích đất thời điểm cụ R khai hoang gồm các thửa 41, 42 và 43 tờ bản đồ 01 tại Thôn K1, xã T1, huyện T. Quá trình sử dụng đất cụ R và gia đình sinh sống ổn định trên các thửa đất khai hoang. Khi cụ R và cụ Q kết hôn với nhau từ năm 1945 các cụ vẫn sinh sống trên thửa đất tranh chấp. Năm 1960 cụ K (em gái cụ Q) về sống cùng nhà với cụ R và cụ Q. Lúc đầu cụ K ở tại 01 gian buồng trong ngôi nhà 05 gian của cụ R và cụ Q sau đó được cụ R xây nhà trên thửa đất đang tranh chấp nhưng vẫn thuộc tổng diện tích đất cụ R khai hoang trên. Khi cụ R cho cụ K cùng các con riêng của cụ R và cụ K ở trên thửa đất tranh chấp từ đó đến khi cụ R chết, cụ R không làm bất kỳ thủ tục gì tại chính quyền địa phương để thể hiện cụ R có đứng ra tách đất cho cụ K đối với diện tích đất 1.837m2 tại thửa đất số 43, tờ bản đồ 01Thôn K1, xã T1, huyện T, tỉnh Vĩnh Phúc. Không có tài liệu nào thế hiện thửa đất tranh chấp là của riêng cụ Vũ Thị K.

Quá trình giải quyết vụ án người đại diện theo ủy quyền của cụ K trình bày cụ K có đứng tên trong sổ mục kê tại chính quyền địa phương đối với thửa đấtnày và cụ R có làm thủ tục tách đất cho cụ K nhưng không đưa ra được bất kỳ tài liệu, chứng cứ gì thể hiện việc cụ K xác lập quyền sử dụng đối với diện tích đất đang tranh chấp.

Đơn xin chuyển nhượng đất thổ cư của cụ K ngày 29/7/1991, quá trình giải quyết vụ án, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn cho rằng: Chữ ký và chữ viết trong đơn không phải là của cụ K vì cụ K không biết chữ nhưng không yêu cầu Tòa án giám định chữ ký, nét chữ của cụ K. Theo lời trình bày của ông M do ông nghĩ diện tích đất đang tranh chấp thời điểm đó là của cụ K nên ông giao tiền cho cụ K, thực chất đất vẫn là của cụ R chứ không phải của cụ K. Việc giao tiền của ông theo các nhân chứng trình bày là có thực, đặc biệt là ông Cao Văn N là con trai cụ K khẳng định việc ông M giao tiền cho cụ K. Sau khi ông M giao tiền cho cụ K và sử dụng đất công khai nhưng không ai phản đối; ngoài ra chưa có đủ cơ sở xác định cụ K có quyền sử dụng đối với diện tích đất đang tranh chấp, ông M không yêu cầu cụ K phải hoàn lại số tiền đã nhận, do đó không có căn cứ đề tuyên hủy đơn xin chuyển nhượng đất thổ cư mà ông M xuất trình.

Đối với giấy giao thổ cư ngày 16/4/1996 của cụ R có ý kiến của trưởng khu hành chính, xác nhận của văn phòng ủy ban nhân dân xã thời điểm năm 1996 phía nguyên đơn cho rằng đó là di chúc giả mạo. Tuy nhiên người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn không đề nghị giám định chữ ký, chữ viết của cụ R. Mặt khác, trong quá trình giải quyết vụ án các đương sự không yêu cầu chia di sản thừa kế của cụ R nên việc làm rõ tính hợp pháp của giấy giao thổ cư ngày16/4/1996 sẽ được xem xét sau khi các đương sự có yêu cầu về chia di sản thừa kế. Từ những phân tích nêu trên thấy yêu cầu đòi lại diện tích dất 1.837m2 tại thửa đất số 43, tờ bản đồ 01 tại Thôn K1, xã T1, huvện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc của cụ Vũ Thị K và yêu cầu Tòa án tuyên hủy đơn xin chuyến nhượng đất thổ cư ngày 29/7/1991 của cụ K là không có căn cứ, Hội đồng xét xử sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của cụ K là phù hợp.

Tại phiên tòa phúc thẩm, ông H cho rằng năm 1988 ông N và ông Ngự là con của cụ R và cụ K xảy ra mâu thuẫn tranh chấp với nhau đối với thửa đất hiện cụ K đang yêu cầu ông M trả lại và đây là một trong những căn cứ xác lập quyền sử dụng đất của cụ K. Khi đối chiếu các quy định của pháp luật thì đây không phải là căn cứ xác lập quyền sử dụng đất, do vậy luận điểm này không có cơ sở chấp nhận.

Ngoài ra ông H còn cho rằng diện tích đất mà cụ K đang yêu cầu ông Mphải trả lại có nguồn gốc do cụ K khai hoang; đơn xin chuyển nhượng đất ngày29/7/1991 có xác nhận của chính quyền địa phương nên đây là chứng cứ để chứng minh cụ K có căn cứ xác lập quyền sử dụng đối với diện tích đất này. Tuy nhiên, khi xem xét toàn bộ các tài liệu có trong hồ sơ vụ án thì cụ K không có bất kỳ giấy tờ nào theo quy định tại Điều 50 của Luật đất đai năm 2003 hay Điều 100 của Luật đất đai năm 2013. Đơn ngày 29/7/1991 không phải là một trong các giấy tờ được quy định tại hai điều luật nêu trên. Cho nên đủ cơ sở xác định cụ K không có giấy tờ chứng minh là cụ có quyền sử dụng đối với thửa đất đang tranh chấp.

Khi giải quyết tranh chấp kiện đòi tài sản của cụ K đối với ông M thì Tòa án chỉ xem xét các căn cứ xác lập quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai và Bộ luật dân sự. Theo đó cụ K không xuất trình được các căn cứ, giấy tờ do pháp luật quy định. Hội đồng xét xử hai cấp chưa xác định diện tích đất này thuộc quyền sử dụng của ai, không giải quyết chia di sản thừa kế; việc xác định diện tích đất đang tranh chấp là của ai, có phải là di sản của cụ R hay không cũng như xem xét tính hợp pháp di chúc của cụ R .v.v. không thuộc phạm vi giải quyết trong vụ án này.

Từ các phân tích trên thì không có cơ sở chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, cần giữ nguyên bản án sơ thẩm. Như vậy đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc tại phiên tòa là có cơ sở, được chấp nhận.

[3] Án phí: Do kháng cáo không được chấp nhận nên cụ K phải chịu án phí dân sự phúc thẩm theo quy định của pháp luật.

[4] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ khi hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên,

Căn cứ khoản 1 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự.

QUYẾT ĐỊNH

[1] Không chấp nhận kháng cáo của cụ Vũ Thị K. Giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 01/2018/DS-ST ngày 28/02/2018 của Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh Vĩnh Phúc.

[2] Áp dụng các Điều 164, 170, 256 của Bộ luật dân sự; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH của Ủy ban thường vụ Quốc Hội về án phí, lệ phí Tòa án.

Không chấp nhận yêu cầu của cụ Vũ Thị K yêu cầu Tòa án tuyên hủy Đơn xin chuyển nhượng đất thổ cư ngày 29/7/1991 và buộc ông Cao Văn M phải trả lại diện tích đất 1.837m2 tại thửa đất số 43, tờ bản đồ 01 tại Thôn K1, xã T1, huyện T, tỉnh Vĩnh Phúc.

[3] Về án phí: Cụ Vũ Thị K phải chịu 300.000 đồng án phí dân sự phúc thẩm nhưng được trừ vào số tiền 300.000 đồng tạm ứng án phí đã nộp tại biên lai thu số AA/2016/0003033 ngày 19/3/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện T, tỉnh Vĩnh Phúc.

 [4] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ khi hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

446
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 45/2018/DS-PT ngày 23/10/2018 về tranh chấp kiện đòi tài sản

Số hiệu:45/2018/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Vĩnh Phúc
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 23/10/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;