Bản án 44/2020/DS-PT ngày 16/09/2020 về tranh chấp thừa kế tài sản

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG

BẢN ÁN 44/2020/DS-PT NGÀY 16/09/2020 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ TÀI SẢN

Ngày 16 tháng 9 năm 2020, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Hải Dương xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 33/2020/TLPT-DS ngày 09 tháng 6 năm 2020 về việc tranh chấp về thừa kế tài sản;

Do Bản án dân sự sơ thẩm số 01/2020/DS-ST ngày 14 tháng 02 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương bị kháng cáo;

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 45/2020/QĐPT-DS ngày 22 tháng 7 năm 2020, Thông báo về việc thay đổi thời gian mở phiên tòa số 01/TB-TA ngày 13 tháng 8 năm 2020, Thông báo về việc mở phiên tòa số 05/TB-TA ngày 07 tháng 9 năm 2020 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Ông Lê Văn T, sinh năm 1965; Địa chỉ: Thôn P, xã A, huyện K, tỉnh Hải Dương.

2. Bị đơn: Cụ Nguyễn Thị L, sinh năm 1931; Địa chỉ: Thôn P, xã A, huyện K, tỉnh Hải Dương.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

3.1. Bà Lê Thị X1, sinh năm 1958; Địa chỉ: Thôn P, xã A, huyện K, tỉnh Hải Dương.

3.2. Bà Lê Thị X2, sinh năm 1960; Địa chỉ: Đội 7, thôn D, xã KX, huyện K, tỉnh Hải Dương.

3.3. Bà Lê Thị X3, sinh năm 1968; Địa chỉ: Thôn P, xã A, huyện K, tỉnh Hải Dương.

3.4. Bà Lê Thị X4, sinh năm 1973; Địa chỉ: Thôn P, xã A, huyện K, tỉnh Hải Dương.

3.5. Bà Lê Thị X5, sinh năm 1975; Địa chỉ: Đội 8, xã S, huyện Y, tỉnh Hải Dương.

Người đại diện theo ủy quyền của bà Lê Thị X1, bà Lê Thị X2, bà Lê Thị X4, bà Lê Thị X5: Bà Lê Thị X3, sinh năm 1968; Địa chỉ: Thôn P, xã A, huyện K, tỉnh Hải Dương.

3.6. Ông Lê Văn V, sinh năm 1963, chết ngày 24/02/2019.

Người kế thừa quyền lợi, nghĩa vụ của ông Lê Văn V:

- Bà Bùi Thị N, sinh năm 1967 (là vợ của ông V); chết ngày 21/6/2020.

- Anh Lê Văn P1, sinh năm 1987 (là con của ông V); Địa chỉ: Thôn P, xã A, huyện K, tỉnh Hải Dương.

- Chị Lê Thị P2, sinh năm 1989 (là con của ông V); Địa chỉ: Thôn HL, xã MĐ, huyện KĐ, tỉnh Hưng Yên.

- Cụ Nguyễn Thị L, sinh năm 1931 (là mẹ của ông V); Địa chỉ: Thôn P, xã A, huyện K, tỉnh Hải Dương.

Người kế thừa quyền lợi, nghĩa vụ của bà Bùi Thị N:

- Anh Lê Văn P1, sinh năm 1987 (là con của bà N); Địa chỉ: Thôn P, xã A, huyện K, tỉnh Hải Dương.

- Chị Lê Thị P2, sinh năm 1989 (là con của bà N); Địa chỉ: Thôn HL, xã MĐ, huyện KĐ, tỉnh Hưng Yên.

- Cụ Bùi Viết H (là bố của bà N); Địa chỉ: thôn D, xã KX, huyện K, tỉnh Hải Dương.

Người đại diện theo ủy quyền của cụ H, chị P2: Anh Lê Văn P1, sinh năm 1987; Địa chỉ: Thôn P, xã A, huyện K, tỉnh Hải Dương 3.7. Bà Vũ Thanh B, sinh năm 1971; Địa chỉ: Thôn P, xã A, huyện K, tỉnh Hải Dương.

Ngưi đại diện theo ủy quyền của bà B: Ông Lê Văn T, sinh năm 1965; Địa chỉ: Thôn P, xã A, huyện K, tỉnh Hải Dương.

4. Người kháng cáo: Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Lê Thị X1, bà Lê Thị X2, bà Bùi Thị N, bà Lê Thị X3, bà Lê Thị X4, bà Lê Thị X5.

Tại phiên tòa có mặt ông T, bà X3, bà X5, anh P1; vắng mặt cụ L, bà X1, bà X2, bà X4, chị P2, cụ H, bà B.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo bản án dân sự sơ thẩm và các tài liệu trong hồ sơ, vụ án có nội dung tóm tắt như sau:

Bố mẹ đẻ ông Lê Văn T là cụ Lê Văn S và cụ Nguyễn Thị L. Hai cụ sinh được 8 người con gồm: Lê Thị X1, Lê Thị X2, Lê Văn V, Lê Văn T, Lê Thị X3, Lê Thị X4, Lê Thị X5, Lê Văn E. Hai cụ không có con nuôi, con riêng khác. Cụ S chết ngày 03/5/2005, không để lại di chúc. Anh E chết ngày 20/02/1991, không có vợ con, không để lại di chúc.

Quá trình chung sống, cụ L và cụ S tạo dựng được khối tài sản chung là thửa đất số 416, tờ bản đồ số 05, diện tích 310m2 và thửa đất số 494, tờ bản đồ số 05, diện tích 32m2 đều tại thôn P, xã TH (nay là xã A), huyện K, tỉnh Hải Dương, đã được UBND huyện Kim Thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số U116743 ngày 29/6/2004 mang tên cụ S và cụ L. Trên đất, hai cụ xây dựng một nhà cấp 4 bốn gian khoảng 40m2. Đến năm 1992, vợ chồng ông T và bà B về sinh sống cùng hai cụ trên mảnh đất này, hai cụ đã phá 1 gian nhà khoảng 10m2 để vợ chồng ông T xây dựng nhà ống cấp 4 để ở, căn nhà còn lại khoảng 30m2 hai cụ vẫn sinh sống. Sau khi cụ S chết, cụ L vẫn sinh sống tại căn nhà cũ. Đến năm 2015, do nhà cũ dột nát, xuống cấp, không thể sử dụng, được sự đồng ý của cụ L, ông T đã phá căn nhà cũ, xây lại nhà mái bằng cấp 4 bằng tiền của ông T và bà B để cụ L ở đến nay.

Nay ông T khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế là quyền sử dụng đất của cụ S theo quy định pháp luật. Ông T xin hưởng toàn bộ đất và trả cho những người được hưởng thừa kế bằng tiền.

Bị đơn là cụ Nguyễn Thị L trình bày:

Cụ xác định hoàn cảnh huyết thống gia đình, tài sản chung của cụ và cụ S như ông T trình bày là đúng. Vợ chồng ông T về sinh sống cùng hai cụ từ năm 1992 đến nay. Vợ chồng ông T hai lần xây nhà ở như ông T trình bày là đúng. Việc xây nhà ở lần hai là sau khi cụ S đã chết, khi xây nhà phải phá nhà cũ của hai cụ đã xuống cấp, được sự đồng ý của cụ. Hiện cụ vẫn sinh sống tại ngôi nhà mới xây. Nay ông T yêu cầu chia thừa kế tài sản của cụ S để lại là ½ diện tích đất của hai cụ thì cụ đồng ý. Cụ tự nguyện cho ông T phần tài sản cụ được hưởng thừa kế của cụ S. Đối với ½ tài sản của cụ là quyền sử dụng đất trong khối tài sản chung với cụ S, cụ tự nguyện cho ông T, đề nghị Tòa án ghi nhận.

Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Lê Thị X1, bà Lê Thị X2, bà Lê Thị X3, bà Lê Thị X4, bà Lê Thị X5 cùng trình bày:

Về huyết thống gia đình, di sản thừa kế của cụ S và tài sản của cụ L các bà xác định đúng như cụ L và ông T khai, nhưng việc ông T phá 3 gian nhà cũ của cụ L và cụ S vào năm 2015 để xây nhà mới cho cụ L không được sự thống nhất của anh chị em trong gia đình nên mới nảy sinh mâu thuẫn từ thời điểm đó (việc vợ chồng ông T xây hết bao nhiêu tiền thì bà không rõ). Vợ chồng ông T, bà B về sống cùng cụ S, cụ L từ khoảng năm 1992. Khoảng năm 1994, cụ S và cụ L đồng ý cho phá 01 gian nhà ngói ngoài cùng để gia đình ông T xây nhà ống để ở. Mọi người trong gia đình đều đồng ý với quyết định của các cụ, diện tích cụ thể đều không biết. Nay ông T yêu cầu chia thừa kế diện tích đất của cụ S trong ½ diện tích đất chung với cụ L, các bà không đồng ý, không cho ông T phần thừa kế của các bà. Quan điểm của các bà là để lại phần đất của cụ S dùng làm nơi thờ cúng bố mẹ. Còn tài sản của cụ L thì do cụ tự quyết định. Các bà có ý kiến từ chối tới Tòa án giải quyết thừa kế theo đơn khởi kiện của ông T, không nhận văn bản của Tòa án, đề nghị Tòa án giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật vắng mặt các bà.

Ông Lê Văn V trình bày:

Về hàng thừa kế, tài sản thừa kế ông xác định như các đương sự khác đã trình bày. Vợ chồng ông T về sống cùng cụ S và cụ L từ năm 1994 tại thửa đất trên. Khi đó, trên đất có ngôi nhà 04 gian lợp ngói. Đến năm 1997, cụ S và cụ L đồng ý phá dỡ 01 gian nhà ngói ngoài cùng để vợ chồng ông T xây nhà ống, ông không biết diện tích cụ thể. Năm 2005, cụ S chết, gia đình ông T vẫn ở cùng cụ L trên thửa đất đó. Lúc này, mọi người trong gia đình vẫn bình thường, không có mâu thuẫn, tranh chấp gì. Đến năm 2015, ông T quyết định phá dỡ nốt 03 gian nhà mái ngói còn lại của bố mẹ để xây nhà mới cho cụ L, các anh chị em khác không có sự đồng thuận. Ông có ý kiến, nếu xây nhà cho cụ L thì anh chị em góp tiền, góp sức, nhưng ông T không đồng ý và đã bỏ tiền ra xây nhà. Nay, ông T yêu cầu chia di sản thừa kế của cụ S là diện tích đất thì ông không đồng ý. Ông muốn để lại kỷ phần thừa kế của ông để anh chị em làm nơi thờ cúng bố mẹ.

Ngày 24/02/2019, ông V chết, không để lại di chúc. Người kế thừa quyền lợi, nghĩa vụ của ông V gồm: cụ L (là mẹ ông V), bà N (là vợ ông V), anh P1 và chị P2 (đều là con ông V) đều có quan điểm, phần thừa kế ông V được hưởng từ cụ S sẽ để lại cho bà N hưởng và quyết định. Bà N có ý kiến phần thừa kế của ông V để làm nơi thờ cúng tổ tiên như quan điểm của ông V.

Bà Vũ Thanh B trình bày: Bà nhất trí với quan điểm của ông T. Bà đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định pháp luật.

Ngày 16/10/2018, Hội đồng định giá kết luận: Thửa đất số 416, tờ bản đồ số 05 tại thôn P, xã A, huyện K, tỉnh Hải Dương hiện trạng còn 274m2 (diện tích hiện trạng nhỏ hơn diện tích trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do sai số do đo đạc và quá trình mở rộng làm đường thôn), trị giá 411.000.000 đồng. Tài sản trên đất: Nhà ở mái bằng 01 tầng, diện tích 42,68m2 trị giá 78.368.000 đồng, nhà mái bằng, diện tích 64m2 trị giá 271.213.000 đồng, nhà bếp trị giá 27.158.000 đồng, nhà tắm trị giá 8.580.000 đồng, bể nước trị giá 4.609.000 đồng, bể lọc nước trị giá 151.000 đồng, tường bao trị giá 5.933.000 đồng, sân bê tông trị giá 5.312.000 đồng, 02 trụ cổng trị giá 1.169.000 đồng, cánh cổng sắt trị giá 2.736.000 đồng, 01 cây vú sữa trị giá 750.000 đồng, 01 cây khế trị giá 500.000 đồng, 03 cây cau trị giá 600.000 đồng (mỗi cây 200.000đ).

Đối với thửa đất số 494, diện tích 32m2 (đất trồng cây lâu năm) hiện do hộ gia đình ông V1, bà V2 quản lý, sử dụng do đã mua của cụ S và cụ L từ lâu. Cụ L thừa nhận khi cụ S còn sống, hai cụ đã bán đất cho ông V1, bà V2. Những người thừa kế của cụ S đều thừa nhận. Ông T rút và không yêu cầu chia thừa kế đối với thửa đất này, các đương sự khác đều nhất trí.

Tại Bản án số 01/2020/DS-ST ngày 14/02/2020, Tòa án nhân dân huyện Kim Thành đã quyết định: Căn cứ các điều 357, 611, 612, 613, 623, 649, 650, 651, 660 Bộ luật Dân sự năm 2015; điểm b khoản 2 Điều 227, khoản 3 Điều 228, Điều 147, Điều 157, Điều 158, Điều 165, Điều 166 Bộ luật Tố tụng dân sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

- Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Lê Văn T.

- Xác định thời điểm mở thừa kế của cụ Lê Văn S là ngày 03/5/2005.

- Xác nhận hàng thừa kế thứ nhất của cụ S gồm: cụ Nguyễn Thị L, bà Lê Thị X1, bà Lê Thị X2, ông Lê Văn V, ông Lê Văn T, bà Lê Thị X3, bà Lê Thị X4, bà Lê Thị X5.

- Xác nhận di sản thừa kế của cụ S là ½ tài sản 274m2 đất trong khối tài sản chung với cụ L = 137m2, trị giá 205.500.000 đồng, tại thửa đất số 416, tờ bản đồ số 5, địa chỉ: Thôn P, xã A, huyện K, tỉnh Hải Dương; chia cho 8 kỷ phần. Mỗi kỷ phần được hưởng 17,13m2 trị giá 25.687.000 đồng.

- Ghi nhận sự tự nguyện của cụ L giao kỷ phần thừa kế được hưởng cho ông T. Ghi nhận sự tự nguyện của cụ L giao quyền sử dụng đất là tài sản của cụ L ½ giá trị tài sản trong khối tài sản chung với cụ S = 137m2 cho ông T được quản lý, sử dụng.

- Về giao hiện vật:

Giao cho ông T được sử dụng 274m2 đất tại thửa đất số 416, tờ bản đồ số 05, địa chỉ: Thôn P, xã A, huyện K, tỉnh Hải Dương (trên phần đất được giao có 02 nhà ở và công trình phụ, cây cối của gia đình ông T, bà B trị giá 407.088.000 đồng). Quyền lợi của bà B về tài sản chung với ông T trên thửa đất ông T được giao do ông T với bà B tự giải quyết.

Ông T có nghĩa vụ trả kỷ phần thừa kế cho bà Lê Thị X1, bà Lê Thị X2, ông Lê Văn V, bà Lê Thị X3, bà Lê Thị X4 và bà Lê Thị X5, mỗi người 25.687.000 đồng. Phần di sản thừa kế ông Lê Văn V được hưởng, giao cho bà Bùi Thị N (là vợ) được hưởng.

Ngoài ra bản án còn tuyên về lãi suất chậm trả, chi phí thẩm định tại chỗ và định giá tài sản, án phí sơ thẩm dân sự, quyền kháng cáo và quyền yêu cầu thi hành án.

Ngày 12/3/2020, bà Lê Thị X1, bà Lê Thị X2, bà Bùi Thị N, bà Lê Thị X3, bà Lê Thị X4, bà Lê Thị X5 kháng cáo với nội dung: không đồng ý việc giao toàn bộ diện tích đất là di sản thừa kế cho ông T, không đồng ý nhận kỷ phần thừa kế bằng tiền do ông T trả là 25.687.000 đồng/người. Đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm chia cho bà X1, bà X2, bà N, bà X3, bà X4, bà X5 kỷ phần thừa kế bằng diện tích đất liền một khu đất trong di sản để làm nơi thờ cúng, ông T không phải trả kỷ phần thừa kế cho mỗi người bằng tiền.

Ngày 21/6/2020, bà Bùi Thị N chết, không để lại di chúc. Bà N có chồng là ông Lê Văn V (chết năm 2019) và có hai con là anh Lê Văn P1 và chị Lê Thị P2. Bà N có bố là cụ Bùi Viết H và mẹ là cụ Đỗ Thị H1 (chết ngày 11/01/2019). Cụ H và chị P2 có quan điểm để anh P1 được hưởng toàn bộ kỷ phần thừa kế mà cụ H và chị P2 được chia trong vụ án.

Tại biên bản xem xét thẩm định tại chỗ ngày 15/7/2020 thể hiện: Hiện trạng tài sản trên đất đã thay đổi. Sau khi xét xử sơ thẩm, ông T đã phá nhà tắm, bếp để xây khu công trình phụ mái bằng, tường 20, nền lát gạch ceramic gồm bếp, nhà tắm, nhà vệ sinh liền nhau. Ông T phá phần mui bể nước, đổ bê tông cốt thép mặt bể làm thành bể nước ngầm trong lòng khu công trình phụ.

Tại Công văn số 01/CV-HĐĐGTS ngày 05/8/2020, Hội đồng định giá tài sản huyện Kim Thành giải thích kết quả định giá các tài sản tranh chấp, theo đó xác định giá trị bể nước đáy gạch là 2.191.000 đồng; tường bao 16.376.000 đồng.

Tại phiên tòa phúc thẩm: Bà X3, bà X5, anh P1 giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, đề nghị chia thừa kế bằng hiện vật cho những người kháng cáo là diện tích đất không có công trình để xây nhà thờ làm nơi thờ cúng, 6 người cùng sử dụng chung diện tích đất mà không chia theo phần. Ông T đồng ý chia cho bà X1, bà X2, bà X3, bà X4, bà X5, anh P1 phần đất có nhà mái bằng số 1, phần đất này có chiều ngang giáp đường bê tông xóm, chiều dài hết đất, đồng thời trả cho ông giá trị các công trình mà vợ chồng ông đã xây dựng trên phần đất được chia. Vợ chồng ông T tự nguyện không yêu cầu bà X1, bà X2, bà X3, bà X4, bà X5, anh P1 trả giá trị tường bao, sân và công sức duy trì, tôn tạo thửa đất.

Đại diện VKSND tỉnh Hải Dương phát biểu ý kiến: Thẩm phán, HĐXX, Thư ký phiên tòa đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Về việc giải quyết vụ án: áp dụng khoản 2 Điều 308, Điều 147 Bộ luật Tố tụng dân sự, Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

- Chấp nhận đơn kháng cáo của bà Lê Thị X1, bà Lê Thị X2, bà Bùi Thị N, bà Lê Thị X3, bà Lê Thị X4, bà Lê Thị X5.

- Sửa Bản án dân sự sơ thẩm số 01/2020/DS-ST ngày 14/02/2020 của Tòa án nhân dân huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương: Chia dọc thửa đất, chia cho bà X1, bà X2, bà X3, bà X4, bà X5, anh P1 được sử dụng chung phần diện tích đất ở 105,4m2, trên đất có các tài sản của ông T và bà B là 01 nhà chính số 1, tường bao, trụ cổng, cổng sắt, sân, 03 cây cau, 01 cây vú sữa. Chấp nhận sự tự nguyện của ông T và bà B không yêu cầu những người được chia đất trả giá trị tường bao, sân. Bà X1, bà X2, bà X3, bà X4, bà X5, anh P1 mỗi người phải trả cho ông T giá trị chênh lệch di sản thừa kế và giá trị công trình trên đất là 14.462.000 đồng.

- Các đương sự không phải chịu án phí phúc thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, được thẩm tra công khai tại phiên toà, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, cña đương sự, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về tố tụng: Kháng cáo của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà X1, bà X2, bà X3, bà X4, bà X5, bà N trong thời hạn luật định. Bà X3, bà X4, bà N, bà X5 đã nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm, còn bà X1 và bà X2 được Tòa án cấp sơ thẩm xét miễn nộp tạm ứng án phí nên là kháng cáo hợp lệ. Tòa án đã triệu tập hợp lệ nhưng cụ L có đơn đề nghị xét xử vắng mặt; bà X1, bà X2, bà X4, chị P2, cụ Hả, bà B đã có người đại diện theo ủy quyền có mặt nên căn cứ khoản 2 Điều 296 Bộ luật tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vụ án vắng mặt những người trên.

[2] Về xác định đương sự trong vụ án: Sau khi kháng cáo, bà N chết, không để lại di chúc. Bà N có chồng là ông Lê Văn V (chết năm 2019) và có hai con là anh Lê Văn P1 và chị Lê Thị P2. Bà N có bố là cụ Bùi Viết H và mẹ là cụ Đỗ Thị H1 (cụ H1 chết trước bà N). Do vậy, Hội đồng xét xử xác định những người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của bà N là cụ H, anh P1, chị P2.

[3] Về nội dung: Các đương sự đều thừa nhận cụ S chết không để lại di chúc nên việc chia di sản thừa kế theo pháp luật là phù hợp quy định tại Điều 649 và Điều 650 của Bộ luật Dân sự năm 2015. Các đương sự đều thừa nhận về hàng thừa kế và không có kháng cáo, kháng nghị về nội dung này nên Hội đồng xét xử không xem xét.

[4] Về các nội dung kháng cáo:

Xét kháng cáo của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: bà Lê Thị X1, bà Lê Thị X2, bà Bùi Thị N, bà Lê Thị X3, bà Lê Thị X4, bà Lê Thị X5.

Hội đồng xét xử xét thấy các đương sự không kháng cáo về di sản thừa kế, đều xác định di sản thừa kế của cụ S là ½ giá trị quyền sử dụng thửa đất số 416, tờ bản đồ số 05 là 137m2 trị giá 205.500.000 đồng. Tại bản án sơ thẩm đã xác định 01 bể nước 12,4m3 trị giá 2.191.000 đồng là tài sản của ông T và bà B. Tuy nhiên, tại cấp phúc thẩm, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đều đề nghị xác định 01 bể nước 12,4m3 là tài sản chung của cụ L và cụ S để tính thêm di sản thừa kế nên di sản thừa kế của cụ S còn là ½ giá trị bể nước = 1.095.500 đồng, do vậy cần sửa án sơ thẩm, xác định di sản thừa kế của cụ S trị giá 206.595.500 đồng. Di sản của cụ S được chia 8 kỷ phần cho cụ L, bà X1, bà X2, ông V, ông T, bà X3, bà X4, bà X5, mỗi kỷ phần được hưởng 25.824.400 đồng (làm tròn).

Cụ L cho ông T kỷ phần cụ được hưởng nên ông T được hưởng 2 kỷ phần thừa kế là 51.648.800 đồng. Tại cấp sơ thẩm, do ông V chết nên những người kế thừa quyền, nghĩa vụ của ông V là cụ L, bà N, anh P1, chị P2 đề nghị phần thừa kế của ông V được hưởng từ cụ S sẽ để lại cho bà N. Tại cấp phúc thẩm, bà N chết, những người kế thừa quyền, nghĩa vụ của bà N là cụ H, anh P1, chị P2 đề nghị kỷ phần thừa kế của ông V sẽ để cho anh P1 được quyền sử dụng, sở hữu nên chấp nhận sự tự nguyện này.

Bà X1, bà X2, bà X3, bà X4, bà X5, anh P1 đề nghị chia thừa kế bằng hiện vật cho 6 người là diện tích đất không có công trình để các bà sẽ xây nhà thờ làm nơi thờ cúng, 6 người cùng sử dụng chung diện tích đất mà không chia theo phần. Ông T đồng ý chia cho bà X1, bà X2, bà X3, bà X4, bà X5, anh P1 phần đất có nhà mái bằng số 1, phần đất này có chiều ngang giáp đường bê tông xóm, chiều dài hết đất. Hội đồng xét xử xét thấy bà X1, bà X2, bà X3, bà X4, bà X5, anh P1 đều có chỗ ở riêng, tuy nhiên nhu cầu cần có diện tích đất làm nơi thờ cúng là hợp lý, phù hợp với truyền thống đạo đức của dân tộc nên cần chấp nhận chia di sản thừa kế bằng hiện vật. Bà X1, bà X2, bà X3, bà X4, bà X5, anh P1 đề nghị chia phần đất không có công trình, tuy nhiên xem xét lại sơ đồ đo vẽ theo biên bản thẩm định ngày 16/10/2018 thì trên diện tích đất có nhiều công trình xây dựng, không thể chia ngang thửa đất vì không đảm bảo giá trị sử dụng cho 2 ngôi nhà. Do vậy, cần chia dọc thửa đất, chia cho bà X1, bà X2, bà X3, bà X4, bà X5, anh P1 được sử dụng chung phần đất diện tích 105,4m2 trị giá 158.100.000 đồng có tứ cận: phía Bắc giáp ông Z, phía Nam giáp đường bê tông xóm, phía Đông giáp phần đất chia cho ông T, phía Tây giáp đường bê tông ngõ; trên đất có các tài sản của ông T và bà B là 01 nhà chính số 1, tường bao, trụ cổng, cổng sắt, sân, 03 cây cau, 01 cây vú sữa. Ông T và bà B không yêu cầu những người được chia đất trả giá trị tường bao, sân nên chấp nhận sự tự nguyện này. Tổng giá trị kỷ phần thừa kế mà bà X1, bà X2, bà X3, bà X4, bà X5, anh P1 được hưởng là 154.946.400 đồng, nhiều hơn giá trị kỷ phần được chia nên bà X1, bà X2, bà X3, bà X4, bà X5, anh P1 phải trả cho ông T giá trị chênh lệch bằng tiền là 158.100.000 đồng - 154.946.400 đồng = 3.153.600 đồng và giá trị công trình trên đất gồm 01 nhà mái bằng 78.368.000 đồng, 02 trụ cổng 1.169.000 đồng, 02 cánh cổng sắt 2.736.000 đồng, 01 cây vú sữa 750.000 đồng, 03 cây cau 600.000 đồng (giá trị công trình trên đất là 83.623.000 đồng). Tổng các khoản là 86.776.600 đồng. Như vậy, bà X1, bà X2, bà X3, bà X4, bà X5, anh P1 mỗi người phải trả cho ông T 14.463.000 đồng (làm tròn).

Ông T và bà B đề nghị giao số tiền mà bà X1, bà X2, bà X3, bà X4, bà X5, anh P1 trả giá trị công trình trên đất là 83.623.000 đồng cho ông T, giữa ông T và bà B sẽ tự giải quyết về số tiền này và các tài sản của vợ chồng ông T trên diện tích đất chia cho ông T nên Hội đồng xét xử không xem xét.

Trên đất còn có 02 cây đu đủ, 01 cây đào, 02 cây quất các đương sự không yêu cầu giải quyết nên Hội đồng xét xử không xem xét.

[5] Tài sản của cụ L là ½ giá trị tài sản trong khối tài sản chung với cụ S, được xác định là quyền sử dụng 137m2 đất ở và ½ giá trị bể nước. Cụ L cho ông T được quản lý, sử dụng những tài sản này nên Tòa án ghi nhận sự tự nguyện của cụ L.

[6] Ngoài những nội dung các đương sự kháng cáo, Hội đồng xét xử thấy bản án sơ thẩm còn có sai sót: Ngoài 7 người con đã nêu tại bản án sơ thẩm, cụ L và cụ S còn một người con là anh Lê Văn E sinh năm 1971, chết năm 1991, không có vợ con, không để lại di chúc nhưng cấp sơ thẩm không ghi là thiếu.

[7] Về lệ phí xem xét, thẩm định tại cấp phúc thẩm: Ông T tự nguyện chịu toàn bộ nên chấp nhận sự tự nguyện của ông T.

[8] Về án phí: Do sửa bản án sơ thẩm, giá trị di sản phân chia có sự thay đổi nên Hội đồng xét xử tính lại án phí dân sự sơ thẩm. Các đương sự kháng cáo được chấp nhận nên không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm. Bà X1 là người cao tuổi nên được miễn án phí.

[9] Các nội dung khác của bản án không có kháng cáo, kháng nghị, không được Hội đồng xét xử xem xét giải quyết có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 2 Điều 308, Điều 148, Điều 165, Điều 166, khoản 2 Điều 296 của Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 29 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Chấp nhận kháng cáo của bà Lê Thị X1, bà Lê Thị X2, bà Bùi Thị N, bà Lê Thị X3, bà Lê Thị X4, bà Lê Thị X5. Sửa Bản án dân sự sơ thẩm số 01/2020/DS-ST ngày 14/02/2020 của Tòa án nhân dân huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương.

Căn cứ các điều 357, 468, 611, 612, 613, 623, 649, 650, 651, 660 Bộ luật Dân sự năm 2015; Điều 166, Điều 170 Luật đất đai năm 2013, Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Xử:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Lê Văn T.

2. Xác định di sản thừa kế của cụ Lê Văn S là giá trị quyền sử dụng 137m2 đất ở tại số thửa 416, tờ bản đồ số 05, địa chỉ: Thôn P, xã A, huyện K, tỉnh Hải Dương trị giá 205.500.000 đồng và ½ giá trị bể nước là 1.095.500 đồng, tổng giá trị di sản là 206.595.500 đồng.

- Di sản thừa kế của cụ S chia theo pháp luật, cụ Nguyễn Thị L, bà Lê Thị X1, bà Lê Thị X2, ông Lê Văn V, ông Lê Văn T, bà Lê Thị X3, bà Lê Thị X4, bà Lê Thị X5 mỗi người được hưởng kỷ phần thừa kế là 25.824.400 đồng.

- Ghi nhận sự tự nguyện của cụ L cho ông T kỷ phần thừa kế mà cụ L được hưởng từ cụ S là 25.824.400 đồng. Ghi nhận sự tự nguyện của cụ L cho quyền sử dụng 137m2 đất ở trị giá 205.500.000 đồng và quyền sở hữu ½ giá trị bể nước là 1.095.500 đồng, tổng là 206.595.500 đồng trong khối tài sản chung với cụ S cho ông T được sở hữu, sử dụng.

- Ghi nhận sự tự nguyện của cụ L, cụ H, chị P2 giao toàn bộ kỷ phần thừa kế của ông V cho anh P1 được hưởng có giá trị là 25.824.400 đồng.

3. Về chia hiện vật:

- Giao cho ông Lê Văn T được quyền sử dụng 168,6m2 đất ở tại thửa số 416, tờ bản đồ số 5, địa chỉ: Thôn P, xã A, huyện K, tỉnh Hải Dương, được giới hạn bởi các điểm mốc A, A1, A2, A3, A4, A13, A12 (vị trí, hình thể và kích thước các cạnh theo sơ đồ kèm theo). Tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất gồm: 01 nhà mái bằng diện tích 64m2, khu công trình phụ diện tích 42,4m2, 01 bể nước, 01 bể lọc, sân bê tông, tường bao, 01 cây khế.

- Giao cho Lê Thị X1, bà Lê Thị X2, anh Lê Văn P1, bà Lê Thị X3, bà Lê Thị X4, bà Lê Thị X5 được quyền sử dụng chung đối với 105,4m2 đất ở tại thửa số 416, tờ bản đồ số 05, địa chỉ: Thôn P, xã A, huyện K, tỉnh Hải Dương, được giới hạn bởi các điểm mốc A13, A5, A6, A7, A8, A9, A10, A11, A12 (vị trí, hình thể và kích thước các cạnh theo sơ đồ kèm theo) và sở hữu chung các tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất gồm: 01 nhà mái bằng diện tích 42,68m2, 02 trụ cổng, 02 cánh cổng sắt, tường bao, sân, 03 cây cau, 01 cây vú sữa.

- Ông T có trách nhiệm tháo dỡ phần mái đua và hiên nhà của nhà chính số 2 nằm trên phần đất chia cho bà X1, bà X2, bà X3, bà X4, bà X5, anh P1.

4. Chấp nhận sự tự nguyện của ông T, bà B không yêu cầu bà X1, bà X2, bà X3, bà X4, bà X5, anh P1 phải trả giá trị tường bao, sân trên diện tích đất 105,4m2 được chia cho bà X1, bà X2, bà X3, bà X4, bà X5, anh P1 và công sức duy trì, tôn tạo thửa đất.

Bà X1, bà X2, bà X3, bà X4, bà X5, anh P1 mỗi người phải trả cho ông T tiền chênh lệch di sản thừa kế và tiền công trình, cây cối trên đất là 14.463.000 đồng.

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật và người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi thi hành án xong đối với số tiền trên, người phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

5. Quyền lợi của bà B về tài sản chung với ông T trên diện tích đất được chia cho ông T và số tiền bà X1, bà X2, bà X3, bà X4, bà X5, anh P1 trả giá trị công trình, cây cối trên đất là 83.623.000 đồng do ông T và bà B tự giải quyết.

Các đương sự phải có trách nhiệm thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai, làm thủ tục tại cơ quan có thẩm quyền để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

6. Về lệ phí xem xét, thẩm định tại chỗ tại cấp phúc thẩm: Chấp nhận sự tự nguyện của ông T chịu toàn bộ lệ phí xem xét, thẩm định tại chỗ tại cấp phúc thẩm là 3.000.000 đồng (đã nộp).

7. Về án phí: Ông T phải nộp án phí dân sự sơ thẩm là 2.582.000 đồng, được trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 2.500.000 đồng theo biên lai số AA/2016/0000960 ngày 17/7/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Ông T còn phải nộp 82.000 đồng án phí.

Bà X2, bà X3, bà X4, bà X5, anh P1 mỗi người phải nộp án phí dân sự sơ thẩm là 1.291.000 đồng và không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm. Trả lại cho bà X3, bà X4, bà X5, bà N (do anh P1 nhận) mỗi người 300.000 đồng tạm ứng án phí phúc thẩm lần lượt tại các biên lai số AA/2018/0001382, AA/2018/0001386, AA/2018/0001384, AA/2018/0001385 cùng ngày 12/3/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương (bà X3 đã nộp thay tạm ứng án phí phúc thẩm cho bà X4, bà X5, bà N).

Miễn án phí dân sự sơ thẩm cho bà X1.

8. Các nội dung khác của bản án không có kháng cáo, không bị kháng nghị có hiệu lực thi hành, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6,7 và 9 Luật thi hành án dân sự, thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

237
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 44/2020/DS-PT ngày 16/09/2020 về tranh chấp thừa kế tài sản

Số hiệu:44/2020/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hải Dương
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 16/09/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký



  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;