TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ TĨNH, TỈNH HÀ TĨNH
BẢN ÁN 41/2018/HS-ST NGÀY 26/07/2018 VỀ TỘI TRỐN THUẾ
Ngày 26 tháng 7 năm 2018 tại Trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số 38/2018/TLST-HS ngày 25/6/2018 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 42/2018/QĐXXST-HS ngày 16 tháng 7 năm 2018 đối với các bị cáo:
1. Nguyễn Văn L, sinh ngày 16/8/1963 tại xã S, huyện H, tỉnh Hà Tĩnh; Nơi cư trú: đường T, phường N, thành phố H, tỉnh Hà Tĩnh; Nghề nghiệp: Phó giám đốc Công ty cổ phần A (Nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm giám đốc Công ty); Là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam (hiện đang bị đình chỉ sinh hoạt); Trình độ học vấn: 10/10; Dân tộc: Kinh; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông Nguyễn Văn L1 và bà Nguyễn Thị B (đều đã chết); Có vợ: Dương Thị C và 02 con; Tiền án, tiền sự: Không; Bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú; Có mặt.
2. Nguyễn Xuân T, sinh ngày 16/5/1965 tại xã D, huyện X, tỉnh Hà Tĩnh; Nơi cư trú: Xóm N, xã B, huyện X, tỉnh Hà Tĩnh; Nghề nghiệp: Kế toán trưởng Công ty cổ phần A; Là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam (hiện đang bị đình chỉ sinh hoạt); Trình độ học vấn: 10/10; Dân tộc: Kinh; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông Nguyễn Xuân T1 và bà Bùi Thị T1 (đều đã chết); Có vợ: Đặng Thị Thành V và 02 con; Tiền án, tiền sự: Không; Nhân thân: Năm 1990 bị Tòa án nhân dân huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận xử phạt 12 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 24 tháng về tội “Tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa” (hồ sơ tài liệu đã bị mục nát không thu thập được Bản án và các tài liệu liên quan); Bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú; Có mặt.
- Nguyên đơn dân sự: Cục Thuế tỉnh Hà Tĩnh; Người đại diện theo pháp luật: Ông Đinh Nho H - Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Hà Tĩnh; Người đại diện được cử: Ông Nguyễn Ngọc D – Chức vụ: Trưởng phòng kiểm tra thuế số 1 – Có mặt
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Công ty cổ phần A; Địa chỉ: đường E, thành phố H, tỉnh Hà Tĩnh; Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Ngọc T3 – Chức vụ: Tổng giám đốc Công ty; Người đại diện theo ủy quyền: Ông Kiều Công T4
- Chức vụ: Trưởng phòng tổ chức hành chính - Có mặt
- Người làm chứng:
1. Ông Trần Xuân H; Sinh năm: 1976; Nơi cư trú: đường L, thành phố H, tỉnh Hà Tĩnh; Nghề nghiệp: Cửa hàng trưởng Cửa hàng xăng dầu giao thông A – Có mặt;
2. Bà Lê Thị T5; Sinh năm: 1979; Nơi cư trú: Tổ dân phố 1, phường S, thị xã K, tỉnh Hà Tĩnh; Nghề nghiệp: Kế toán Cửa hàng xăng dầu giao thông A – Vắng mặt;
3. Ông Cù Minh T6; Sinh năm: 1963; Nơi cư trú: đường Q, phường N, thành phố H, tỉnh Hà Tĩnh; Nghề nghiệp: Cán bộ phòng vật tư Công ty cổ phần A – Có mặt;
4. Bà Hồ Thị L2; Sinh năm: 1972; Nơi cư trú: Tổ 12, phường B, thành phố H, tỉnhHà Tĩnh; Nghề nghiệp: Kế toán Công ty cổ phần A – Vắng mặt;
5. Bà Cao Thị Huyền O; Sinh năm: 1956; Nơi cư trú: đường Y, xã K, thành phố V, tỉnh Nghệ An; Nghề nghiệp: Giám đốc Công ty TNHH thương mại V - Vắng mặt;
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Công ty cổ phần A (sau đây viết tắt là Công ty A) có mã số thuế: 3000103307, được Sở kế hoạch đầu tư tỉnh Hà Tĩnh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp ngày 27/5/2010, đăng ký thay đổi lần 3 ngày 04/8/2014, có trụ sở chính tại số X, đường E, thành phố H, tỉnh Hà Tĩnh, là doanh nghiệp cổ phần có 100% vốn ngoài quốc doanh, có hoạt động và đăng ký kinh doanh trên nhiều lĩnh vực, trong đó có hoạt động kinh doanh buôn bán xăng dầu. Để thực hiện việc kinh doanh xăng dầu, Công ty A đã xây dựng Cửa hàng xăng dầu giao thông tại phường S, thị xã K, tỉnh Hà Tĩnh. Từ trước tới nay, Cửa hàng là điểm đại lý bán hàng cho Công ty Cổ phần xăng dầu, dầu khí V ở thị xã K, tỉnh Hà Tĩnh.
Đầu năm 2016, tình hình tài chính Công ty A gặp nhiều khó khăn, không có tiền trả cho Công ty cổ phần dầu khí V nên nhiều ngày liên tục Cửa hàng xăng dầu phải đóng cửa vì không có hàng để bán. Trước tình hình đó, Nguyễn Văn L là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty A đã liên lạc với bà Cao Thị Huyền O là Giám đốc Công ty TNHH thương mại V (sau đây viết tắt là Công ty V) để ký kết hợp đồng mua bán xăng dầu giữa 2 công ty. Theo hợp đồng, Công ty V cung cấp xăng dầu cho Công ty A theo giá thị trường và xuất hóa đơn giá trị gia tăng cho số hàng hóa bán ra, việc thanh toán được chuyển qua tài khoản Công ty hoặc tiền mặt, thống nhất để Công ty A nợ tiền hàng, sau khi bán hết hàng mới thanh toán.
Trong năm 2016, Công ty A đã nhập tổng số 1.642.678 lít xăng A92 và 630.309 lít dầu Diezen (tương ứng số tiền 29.631.454.116 đồng) từ Công ty V và Công ty cổ phần xăng dầu, dầu khí V và đã bán hết. Số tiền thu được, Nguyễn Văn L sử dụng một phần để đầu tư vào các công trình giao thông mà Công ty đang thi công nên nhiều chuyến hàng cửa hàng không có tiền để trả cho Công ty V. Chuyến hàng nào chưa trả tiền thì Công ty V không giao hóa đơn giá trị gia tăng cho Công ty A. Trong số hàng hóa nêu trên có 648.088 lít xăng A92 Công ty V không xuất hóa đơn giá trị gia tăng cho Công ty cổ phần A. Ngoài ra, tháng 6 năm 2016, do cần gấp xăng để bán nên Công ty A đã mua 12.705 lít xăng A92 (tương ứng số tiền 198.579.150 đồng) không có hóa đơn giá trị gia tăng từ Doanh nghiệp tư nhân B và đã bán hết.
Theo chỉ đạo của Nguyễn Xuân T, hàng tháng bà Lê Thị T5 (kế toán cửa hàng xăng dầu giao thông) lập 3 bảng thống kê gồm: Bảng kê theo dõi bán hàng trong tháng (thống kê chung); Bảng kê theo dõi bán hàng của số lượng hàng có hóa đơn và Bảng kê theo dõi bán hàng của số lượng hàng không có hóa đơn đưa cho ông Trần Xuân H (Cửa hàng trưởng Cửa hàng xăng dầu giao thông) và ông Cù Minh T6 (cán bộ phòng kế hoạch vật tư) ký xác nhận rồi đưa cả 3 bảng kê trình Nguyễn Văn L và Nguyễn Xuân T. L và T chỉ ký vào bảng kê theo dõi bán hàng có hóa đơn rồi bà T5 nộp cho bà Hồ Thị L2 (nhân viên phòng kế toán Công ty A) để đưa vào sổ sách kế toán và kê khai thuế, còn bảng kê tổng hợp và bảng kê theo dõi bán hàng không có hóa đơn thì L và T không ký mà chỉ xem để nắm số liệu, bà Hồ Thị L cũng không nhận vì chưa có chữ ký của L và T nên T chỉ đạo T5 lưu tại Cửa hàng xăng dầu. Đối với phần hàng hóa không có hóa đơn đầu vào, Công ty A chỉ xuất hóa đơn giá trị gia tăng đầu ra khớp với số liệu có trong hóa đơn giá trị gia tăng đầu vào. L và T biết việc mua bán xăng không xuất hóa đơn nhưng không chỉ đạo Phòng kế toán Công ty yêu cầu Công ty V và Doanh nghiệp tư nhân B cung cấp đầy đủ hóa đơn giá trị gia tăng, không chỉ đạo Phòng kế toán Công ty đưa số liệu này vào sổ kế toán để hạch toán và kê khai nộp thuế và để tình trạng này kéo dài đến hết năm 2016. Đối với số tiền hàng không có hóa đơn này, sau đó L và T chỉ đạo nhân viên cửa hàng xăng dầu thanh toán cho Công ty V bằng tiền mặt qua lái xe, nhân viên giao hàng và chuyển khoản qua tài khoản cá nhân của nhân viên Công ty V.
Tổng cộng số lượng hàng hóa Công ty A mua và bán không có hóa đơn giá trị gia tăng trong năm 2016 là 660.793 lít xăng A92, thu được lợi nhuận 556.808.548 đồng. Số lợi nhuận này Công ty 474 đã sử dụng để tái đầu tư vào hoạt động kinh doanh xăng dầu và các hoạt động khác của Công ty.
Ngày 27/4/2017, Cục thuế tỉnh Hà Tĩnh tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thuế đối với Công ty A, Cục thuế không phát hiện ra việc Công ty A không kê khai số hàng hóa không có hóa đơn nói trên. Sau khi kết thúc việc kiểm tra, Nguyễn Văn L và Nguyễn Xuân T không chỉ đạo Phòng kế toán Công ty đưa vào sổ sách kế toán kê khai bổ sung theo quy định nhằm mục đích trốn thuế.
Tại Bản kết luận giám định số 343/KL-CT ngày 27/02/2018 của Cục thuế tỉnh Hà Tĩnh kết luận: Hành vi mua, bán kinh doanh số lượng xăng A92 không xuất hóa đơn nêu trên tại Cửa hàng xăng dầu của Công ty cổ phần A là hành vi trốn thuế. Số tiền thuế giá trị gia tăng năm 2016 tại cửa hàng xăng dầu của Công ty cổ phần A trốn là 959.781.851 đồng; Số thuế thu nhập doanh nghiệp ấn định phải nộp đối với Công ty cổ phần A là 16.316.291đồng. Tổng số tiền thuế tại cửa hàng xăng dầu của Công ty cổ phần A trốn là 976.098.142 đồng. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, không ai có ý kiến hay khiếu nại gì về Kết luận giám định của Cục thuế tỉnh Hà Tĩnh.
Bị cáo Nguyễn Văn L đã tự nguyện nộp 300.000.000đ, Nguyễn Xuân T đã tự nguyện nộp 30.000.000đ thay Công ty A để khắc phục hậu quả.
Quá trình điều tra và tại phiên tòa: Các bị cáo Nguyễn Văn L và Nguyễn Xuân T khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình như đã nêu trên; Cục thuế Hà Tĩnh đề nghị Hội đồng xét xử đối với số tiền trốn thuế của Công ty A phải nộp vào Ngân sách Nhà nước tài khoản 7111 tại Kho bạc Nhà nước Hà Tĩnh; Người đại diện hợp pháp của Công ty A đồng ý với sự tự nguyện nộp thay Công ty số tiền 330.000.000đ của các bị cáo và nhận trách nhiệm nộp số tiền thuế còn lại vào Ngân sách Nhà nước.
Bản cáo trạng số 24/CT-KSĐTngày 13/6/2018 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Tĩnh truy tố các bị cáo Nguyễn Văn L, Nguyễn Xuân T về tội “Trốn thuế” quy định tại điểm b khoản 2 điều 200 Bộ luật hình sự năm 2015.
Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Tĩnh giữ quyền công tố tại phiên tòa đề nghị Hội đồng xét xử: Tuyên bố các bị cáo Nguyễn Văn L, Nguyễn Xuân T phạm tội “Trốn thuế”; Áp dụng điểm b khoản 2 Điều 200; điểm b, i, s, v khoản 1 Điều 51; Điều 58; Điều 65 Bộ luật Hình sự năm 2015, xử phạt Nguyễn Văn L từ 24 đến 30 tháng tù, cho hưởng án treo, thời gian thử thách từ 48 đến 60 tháng tính từ ngày tuyên án; Áp dụng điểm b khoản 2 Điều 200; điểm b, s, v, x khoản 1 Điều 51; Điều 58; Điều 65 Bộ luật Hình sự năm 2015, xử phạt Nguyễn Xuân T từ 18 đến 24 tháng tù, cho hưởng án treo, thời gian thử thách từ 36 đến 48 tháng tính từ ngày tuyên án; Không áp dụng hình phạt bổ sung; Buộc Công ty cổ phần A phải nộp số tiền trốn thuế là 976.098.142 đồng, chấp nhận sự tự nguyện của các bị cáo nộp thay cho Công ty A số tiền 330.000.000đ, Công ty A còn phải nộp 646.098.142 đồng; Các tài liệu chứng cứ thu giữ tại Cửa hàng xăng dầu và Công ty A tịch thu lưu hồ sơ vụ án.
Tại phiên tòa, các bị cáo, nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có ý kiến tranh luận gì với quan điểm của đại diện Viện kiểm sát. Trong lời nói sau cùng, các bị cáo trình bày đã biết sai, rất hối hận và xin giảm nhẹ hình phạt.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Tĩnh, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, các bị cáo và những người tham gia tố tụng khác không có người nào có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.
[2] Xét lời khai của các bị cáo tại phiên tòa phù hợp với lời khai tại cơ quan điều tra và lời khai của những người tham gia tố tụng khác, phù hợp với Kết luận giám định của Cục thuế Hà Tĩnh và các tài liệu chứng cứ có tại hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa. Có đủ cơ sở kết luận: Năm 2016, Nguyễn Văn L làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty A và Nguyễn Xuân T làm Kế toán trưởng Công ty A không chỉ đạo Phòng kế toán Công ty A ghi chép trong sổ kế toán và kê khai thuế, không xuất hóa đơn giá trị gia tăng khi bán hàng hóa đối với 660.793 lít xăng A92 nhằm mục đích trốn thuế với tổng số tiền trốn thuế là 976.098.142 đồng (trong đó thuế giá trị gia tăng 959.781.851 đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp 16.316.291đồng). Hành vi của các bị cáo đã vi phạm các khoản 2, 3 Điều 108 Luật Quản lý Thuế. Các bị cáo có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự, thực hiện hành vi với lỗi cố ý. Căn cứ khoản 1 Điều 1 Thông tư liên tịch số 10/2013/TTLT-BTP-BCA- TANDTC-VKSNDTC-BTC ngày 26/6/2013 về hướng dẫn áp dụng một số điều của Bộ luật hình sự về các tội phạm trong lĩnh vực thuế, tài chính - kế toán và chứng khoán, Hội đồng xét xử có đầy đủ căn cứ kết luận các bị cáo Nguyễn Văn L, Nguyễn
Xuân T phạm tội “Trốn thuế” quy định tại khoản 3 Điều 161 Bộ luật hình sự năm 1999. Tuy nhiên, tại điểm b khoản 2 điều 200 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định khung hình phạt nhẹ hơn đối với hành vi phạm tội của các bị cáo. Căn cứ khoản 3 Điều 7 Bộ luật Hình sự năm 2015 và điểm b khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc Hội áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội, Hội đồng xét xử xác định hành vi trốn thuế của các bị cáo vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 điều 200 Bộ luật hình sự năm 2015. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã truy tố các bị cáo về tội danh và điều luật nêu trên là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
[3] Hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến chế độ quản lý thuế của Nhà nước, làm thất thu Ngân sách Nhà nước. Xét các bị cáo phạm tội mang tính chất đồng phạm giản đơn, không có sự bàn bạc từ trước. Bị cáo Nguyễn Văn L là người đại diện theo pháp luật của Công ty, điều hành và quyết định mọi hoạt động của
Công ty nên giữ vai trò chính trong vụ án. Nguyễn Xuân T là người chỉ đạo nghiệp vụ kế toán của Công ty giữ vai trò thứ yếu.
[4] Các bị cáo không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Bị cáo Nguyễn Văn L đã tự nguyện nộp 300.000.000đ tiền thuế thay Công ty A để khắc phục một phần hậu quả, phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, quá trình điều tra và tại phiên tòa thành khẩn khai báo, năm 2009 có thành tích xuất sắc trong công tác được Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải tặng Bằng khen nên được hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại các điểm b, i, s, v khoản 1 điều 51 Bộ luật Hình sự. Bị cáo Nguyễn Xuân T đã tự nguyện nộp 30.000.000đ tiền thuế thay Công ty A để khắc phục một phần hậu quả, quá trình điều tra và tại phiên tòa thành khẩn khai báo, năm 2007 có thành tích xuất sắc trong công tác được Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải tặng Bằng khen và là con liệt sỹ nên được hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại các điểm b, s, v, x khoản 1 điều 51 Bộ luật Hình sự.
[5] Xét các bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, bị cáo L có nhân thân tốt, bị cáo T bị kết án năm 1990 đã được xóa án tích, lần này phạm tội ít nghiêm trọng, các bị cáo đều có nơi cư trú rõ ràng, nơi làm việc ổn định nên không cần cách ly các bị cáo ra khỏi đời sống xã hội mà cho hưởng án treo là phù hợp.
[6] Các bị cáo công tác và nắm giữ nhiều cổ phần tại Công ty A, Công ty làm ăn thua lỗ nhiều năm liền, thu nhập không ổn định nên không áp dụng hình phạt bổ sung đối với các bị cáo.
[7] Công ty A thuộc loại hình doanh nghiệp Công ty cổ phần. Theo quy định tại điều 8 Luật doanh nghiệp thì Công ty A có nghĩa vụ có nghĩa vụ kê khai thuế, nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật. Công ty A được hưởng lợi từ việc phạm tội của các bị cáo. Vì vậy, đối với số tiền trốn thuế 976.098.142 đồng buộc Công ty A có nghĩa vụ nộp Ngân sách nhà nước. Bị cáo Nguyễn Văn L đã tự nguyện nộp thay cho Công ty 300.000.000đ, bị cáo Nguyễn Xuân T đã tự nguyện nộp thay cho Công ty 30.000.000đ. Vì vậy, cần chấp nhận sự tự nguyện của các bị cáo. Còn lại số tiền 646.098.142 đồng buộc Công ty A có nghĩa vụ nộp Ngân sách nhà nước. Cục thuế tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu Công ty A nộp số tiền trốn thuế vào Ngân sách Nhà nước tài khoản số 7111 tại Kho bạc Nhà nước Hà Tĩnh là có căn cứ, được chấp nhận.
[8] Về xử lý vật chứng: Các tài liệu thu giữ từ Cửa hàng xăng dầu và Công ty A là các tài liệu, chứng cứ làm căn cứ để chứng minh hành vi phạm tội của các bị cáo. Vì vậy, cần áp dụng khoản 1 Điều 106 của Bộ luật Tố tụng Hình sự tịch thu lưu hồ sơ vụ án.
[9] Xét luận tội của Kiểm sát viên là có căn cứ, đúng pháp luật, về mức án đề nghị là thỏa đáng.
[10] Đối với hành vi không xuất hóa đơn giá trị gia tăng khi bán hàng của Công ty V, Công an tỉnh Nghệ An đang điều tra xử lý nên không xem xét xử lý trong vụ án này là phù hợp. Đối với hành vi bán hàng không xuất hóa đơn của Doanh nghiệp tư nhân B chưa đến mức xử lý hình sự, Chi cục thuế thị xã K, tỉnh Hà Tĩnh đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính và truy thu thuế là phù hợp quy định pháp luật. Đối với ông Trần Xuân H, bà Lê Thị T5, ông Cù Minh T6 được giao nhiệm vu quản lý hoạt động kinh doanh của cửa hàng, theo dõi việc nhập và xuất bán xăng dầu tại cửa hàng, hàng tháng lập bảng kê, ký xác nhận báo cáo kết quả kinh doanh về Công ty nhưng họ thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ của mình, đúng chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên. Cửa hàng xăng dầu hoạt động theo phương thức báo sổ, không trực tiếp kê khai, quyết toán thuế. Việc Công ty A có đưa số liệu bán hàng có hóa đơn và không có hóa đơn vào kê khai hay quyết toán thuế hay không thì H, T5 và T6 không được biết và cũng không phải trách nhiệm của những người này nên không xử lý hình sự đối với những người này là phù hợp. Đối với bà Hồ Thị L2 là cán bộ Phòng kế toán Công ty A, được giao nhiệm vụ theo dõi hoạt động kinh doanh của cửa hàng xăng dầu. Theo nhiệm vụ của mình, bà L2 chỉ nhận những số liệu, chứng từ có ký xác nhận của Giám đốc và Kế toán trưởng để đưa vào sổ kế toán. Phần thống kê hàng hóa chưa có hóa đơn do kế toán cửa hàng xăng dầu lập thì Giám đốc và Kế toán trưởng không ký nên L2 không nhận và không đưa vào sổ sách kế toán là thực hiện đúng nguyên tắc công việc theo chức năng, nhiệm vụ của mình nên không xử lý hình sự là đúng quy định pháp luật.
[11] Các bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm, Công ty A phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
- Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 200; điểm b, i, s, v khoản 1 Điều 51, điều 65 Bộ luật Hình sự năm 2015:
Tuyên bố: Nguyễn Văn L phạm tội “Trốn thuế”.
Xử phạt Nguyễn Văn L 24 (hai mươi bốn) tháng tù, cho hƣởng án treo. Thời gian thử thách 48 tháng tính từ ngày tuyên án.
Giao Nguyễn Văn L cho UBND phường N, thành phố H, tỉnh Hà Tĩnh giám sát giáo dục trong thời gian thử thách.
- Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 200; điểm b, s, v, x khoản 1 Điều 51,điều 65 Bộ luật Hình sự năm 2015:
Tuyên bố: Nguyễn Xuân T phạm tội “Trốn thuế”.
Xử phạt Nguyễn Xuân T 18 (mười tám) tháng tù, cho hƣởng án treo. Thời gian thử thách 36 tháng tính từ ngày tuyên án.
Giao Nguyễn Xuân T cho UBND xã B, huyện X, tỉnh Hà Tĩnh giám sát giáo dục trong thời gian thử thách.
Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.
Trường hợp các bị cáo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 điều 69 của Luật thi hành án hình sự.
- Căn cứ Điều 48 Bộ luật Hình sự năm 2015, điều 8 Luật doanh nghiệp buộc Công ty cổ phần A nộp 976.098.142 (Chín trăm bảy mươi sáu triệu không trăm chín mươi tám nghìn một trăm bốn mươi hai) đồng tiền thuế vào Ngân sách Nhà nước tài khoản số 7111 tại Kho bạc Nhà nước tỉnh Hà Tĩnh nhưng được trừ số tiền 300.000.000đ (ba trăm triệu đồng chẵn) bị cáo Nguyễn Văn L đã nộp thay Công ty cổ phần A theo biên lai thu tiền số AA/2016/0002028 ngày 05/7/2018 của Chi cục thi hành án dân sự thành phố Hà Tĩnh và số tiền 30.000.000đ (ba mươi triệu đồng chẵn) bị cáo Nguyễn Xuân T đã nộp thay Công ty cổ phần A theo biên lai thu tiền số AA/2016/0002029 ngày 17/7/2018 của Chi cục thi hành án dân sự thành phố Hà Tĩnh.
Công ty cổ phần A còn phải nộp 646.098.142đ (sáu trăm bốn mươi sáu triệu không trăm chín mươi tám nghìn một trăm bốn mươi hai đồng). Đối với số tiền các bị cáo đã nộp thay Công ty cổ phần A, nếu sau này các bị cáo yêu cầu Công ty cổ phần A trả lại thì sẽ giải quyết bằng vụ án khác.
- Về xử lý vật chứng: Căn cứ khoản 1 Điều 106 của BLTTHS, tịch thu lưu hồ sơ vụ án các tài liệu thu giữ tại Cửa hàng xăng dầu giao thông và Công ty cổ phần A gồm: Tập Bảng kê theo dõi bán hàng năm 2016 (được tổng hợp theo từng tháng) của cửa hàng xăng dầu; Bảng tổng hợp Doanh thu – Chi phí – Không hóa đơn (năm 2016) của Cửa hàng xăng dầu; Bảng tổng hợp Doanh thu – Chi phí – Hoa hồng, Bảng kê theo dõi Xuất – Nhập – Tồn kho (từ tháng 1 đến tháng 12 năm 2016) của Cửa hàng xăng dầu; Bảng tổng hợp nhập xuất bán xăng dầu năm 2016 do Công ty A lập trong Báo cáo tài chính năm 2016; Bảng kê tổng hợp báo cáo doanh thu, chi phí năm 2016 do Công ty A lập trong Báo cáo tài chính năm 2016; Bảng tổng hợp Doanh thu – Chi phí – Hoa hồng năm 2016; Bảng kê chứng từ TK 1331 – Thuế GTGT được khấu trừ năm 2016; Báo cáo tài chính năm 2016 của Công ty 474; Biên bản giao nhận hàng giữa Công ty V và Cửa hàng xăng dầu trong năm 2016; Hóa đơn GTGT do Công ty V xuất cho Công ty A trong năm 2016; Tập Giấy biên nhận tiền (nhân viên Công ty V nhận tiền mặt từ Công ty A) năm 2016; Giấy nộp tiền mặt vào tài khoản Công ty V trong năm 2016; Hợp đồng mua bán số 13/VO-474/2016 ngày 01/01/2016 giữa Công ty A và Công ty V; Sổ quỹ tiền mặt của cửa hàng xăng dầu; Báo cáo chi phí trong khoản lãi kinh doanh xăng dầu ngoài và các hồ sơ, chứng từ chi; Tập Bảng kê chứng từ cửa hàng xăng dầu nộp tiền mặt về Công ty A và về tài khoản Công ty A năm2016; Bảng kê chứng từ Công ty A trả tiền mua xăng dầu cho Công ty V.
- Về án phí: Căn cứ khoản 2 Điều 135, khoản 2 Điều 136 của Bộ luật Tố tụng Hình sự, điểm a khoản 1 điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội buộc các bị cáo Nguyễn Văn L, Nguyễn Xuân T mỗi người phải chịu 200.000đ án phí hình sự sơ thẩm. Căn cứ khoản 2 Điều 135 của Bộ luật Tố tụng Hình sự, điểm c khoản 1 điều 23; khoản 2 điều 26 Nghị quyết số 326 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội buộc Công ty cổ phần 474 phải chịu 29.843.926đ án phí dân sự sơ thẩm.
Các bị cáo, nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền kháng cáo bản án này trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.
Bản án 41/2018/HS-ST ngày 26/07/2018 về tội trốn thuế
Số hiệu: | 41/2018/HS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Thành phố Hà Tĩnh - Hà Tĩnh |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 26/07/2018 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về