Bản án 34/2017/HSST ngày 05/07/2017 về tội trốn thuế

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐĂK NÔNG

BẢN ÁN 34/2017/HSST NGÀY 05/07/2017 VỀ TỘI TRỐN THUẾ

Ngày 05 tháng 7 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Đăk Nông mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự thụ lý số: 23/2017/HSST ngày 25 tháng 4 năm 2017 đối với các bị cáo:

1. Trịnh Thị V, sinh năm 1966 tại tỉnh Thanh Hóa; nơi đăng ký NKTT: Tổ 5, phường P, thị xã B, tỉnh Bình Phước; tạm trú: Thôn 9, xã E, huyện H, tỉnh Đăk Lăk; trình độ học vấn: 07/10; nghề nghiệp: Kinh doanh; con ông Trịnh Đình T1 và bà X; có chồng là Trần Minh C và có 03 con; bị bắt tạm giam từ ngày 06/9/2014 đến ngày 14/10/2014, hiện đang tại ngoại – Có mặt.

Ngƣời bào chữa cho bị cáo Trịnh Thị V: Luật sư Hoàng Minh H, Văn phòng luật sư A, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội – Có mặt.

2. Võ Thị T, sinh năm 1959 tại tỉnh Bình Dương; nơi đăng ký NKTT: Thôn 7, xã N, huyện G, tỉnh Bình Phước; tạm trú: Phường U, TP M, tỉnh Bình Dương; trình độ học vấn: 10/10; nghề nghiệp: Kinh doanh; con ông Võ Văn L và bà Phan Thị Đ; có chồng là Trần Hữu P và có 02 con; bị bắt tạm giam từ ngày 01/8/2014 đến ngày 09/01/2015, hiện tại ngoại – Có mặt.

Ngƣời bào chữa cho bị cáo Võ Thị T: Luật sư Phan Ngọc N, Văn phòng luật sư V, Đoàn luật sư tỉnh Đắk Lắk – Có mặt.

Nguyên đơn dân sự: Chi cục Thuế huyện H, tỉnh Đăk Lăk

Người đại diện theo pháp luật: Ông Trần Ngọc T2, Chi cục trưởng Chi cục thuế huyện H, tỉnh Đăk Lăk – Có đơn xét xử vắng mặt.

Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

- Chi cục Thuế huyện Đ, tỉnh Đăk Nông; địa chỉ: Xã S, huyện Đ, tỉnh Đăk Nông.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Hải N – Chi cục trưởng Chi cục thuế huyện Đ, tỉnh Đắk Nông – Có đơn xét xử vắng mặt.

- Hợp tác xã NLN TM-DV I; địa chỉ: Tổ 1, khu phố R, phường L, thị xã K, tỉnh Bình Phước.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Từ Trọng V - Chủ nhiệm hợp tác xã NLN – TM – DV I – Có đơn xét xử vắng mặt.

NHẬN THẤY

Các bị cáo bị Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đăk Nông truy tố về hành vi phạm tội như sau:

Vào khoảng tháng 2 năm 2011, Võ Thị T rủ ông Lê Văn P1 cùng thành lập công ty để kinh doanh mủ cao su và các mặt hàng nông sản khác thì ông P1 đồng ý. T nói ông P1 chỉ cần đứng tên thành lập công ty và sau này thực hiện việc nhận mủ, giao mủ theo chỉ đạo của T, còn mọi hoạt động kinh doanh khác do T thực hiện. Theo yêu cầu của T ông P1 đưa sổ hộ khẩu và chứng minh nhân dân của mình để T tự làm thủ lục. Đến tháng 4/2011 Công ty trách nhiệm hữu hạn D (Công ty D) được thành lập, do ông P1 làm Giám đốc, ngành nghề kinh doanh chính là chế biến mủ cao su và chế biến hạt điều xuất khẩu. Hoạt động của công ty chủ yếu là mua mủ cao su của người dân và các đại lý nhỏ, sau đó bán lại cho Cơ sở thu mua mủ cao su của ông T3 tại huyện Q, tỉnh Bình Phước và Công ty Y tại huyện Ô, tỉnh Bình Dương nhưng không xuất hoá đơn giá trị gia tăng. Sau khi hoạt động khoảng 01 tháng, thấy việc kinh doanh không có lãi nên P1 rút vốn khỏi công ty. Đến ngày 01/5/2011, T soạn thảo quyết định bổ nhiệm mình làm Phó giám đốc đưa cho ông P1 ký tên  tự mình đứng tên điều hành mọi hoạt động của công ty, T đã tự viết giấy uỷ quyền mọi hoạt động của công ty sang cho mình điều hành và tự ký giả chữ ký ông P1 và đóng dấu công ty.

Từ 2008 – 2010, giữa Võ Thị T và Trịnh Thị V, Giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn D1 (công ty D1) đã từng có mối quan hệ làm ăn và T còn nợ lại tiền của V. Để có tiền trả nợ cho V và có thêm vốn kinh doanh nên T và V thoả thuận việc T sẽ xuất hoá đơn khống của công ty D cho V sử dụng kê khai làm chứng từ đầu vào hợp thức hoá lượng hàng Công ty D1 đã thu mua lẻ trong dân còn T sẽ chịu nợ thuế tại cơ quan nơi đăng ký kinh doanh. Hai bên thoả thuận số tiền thuế giá trị gia tăng 5% được khấu trừ, V hưởng 1,5%, T hưởng 3,5%.

Sau khi thoả thuận, trong khoảng thời gian từ tháng 6 năm 2011 đến tháng 3 năm 2012, T đã xuất 68 hóa đơn GTGT khống (không có hàng hóa kèm theo) của Công ty D cho Công ty D1.V chỉ đạo kế toán Công ty là chị Trương Thị Xuân H1 sử dụng để kê khai hợp thức hóa lượng mủ cao su mua vào không có hóa đơn trong các tháng 7,8, 9, 10, 11 năm 2011 và tháng 2, 3 năm 2012 đồng thời lập 06 hợp đồng kinh tế và 68 phiếu xuất kho kèm theo 68 tờ hóa đơn GTGT trên với tổng số lượng hàng hóa là 2.290.713 kg mủ cao su nguyên liệu, doanh số chưa thuế là 85.682.716.500đ, thuế GTGT là 4.264.135.825đ. Đồng thời, để có chứng từ thanh toán tiền qua ngân hàng theo 68 tờ hóa đơn, T đã mở tài khoản tại Ngân hàng X1 tại thị xã B1, tỉnh Đăk Lăk, là nơi Công ty D1 đã có tài khoản và mua 06 cuốn séc rồi ký sẵn đưa cho V. Sau khi có Séc của Công ty D, V chỉ đạo chị H1 làm thủ tục chuyển tiền từ tài khoản của Công ty D1 sang tài khoản của Công ty D rồi dùng Séc của Công ty D rút lại. Tổng cộng chị H1 đã chuyển vào tài khoản Công ty D số tiền 92.574.500.000đ, sau đó rút ra số tiền 89.587.000.000đ đưa lại cho  V và chuyển vào tài khoản cá nhân của V 1.587.000.000đ. Số tiền 1.400.500.000đ còn lại, T rút ra, một phần đóng thuế cho Công ty D tại Chi cục thuế huyện Đ, còn lại sử dụng cá nhân.

Công ty D1 sau khi kê khai 68 tờ hóa đơn GTGT của Công ty D, được Chi cục thuế huyện H, tỉnh Đăk Lăk khấu trừ thuế số tiền thuế 4.264.135.825đ. Theo thỏa thuận, T được nhận 3,5% số tiền thuế là 2.984.895.077đ, nhưng thực tế T nhận được 1.400.500.000đ, số tiền 1.584.395.077đ còn lại V không chuyển cho T mà cấn trừ số nợ trước đó.

Tại Thông báo kết luận giám định ngày 06/10/2014 của Trưởng phòng thanh tra thuế -Cục Thuế tỉnh Đăk Nông kết luận: Tổng số tiền thuế GTGT Công ty D1 đã được khấu trừ là 4.264.135.825đ. Như vậy, T và V đã chiếm đoạt số tiền thuế 4.264.135.825đ, trong đó V chiếm đoạt  2.863.635.825đ  và  T chiếm đoạt 1.400.500.000đ.

Tại bản cáo trạng số 24/CTr–VKS–P3 ngày 24/4/2017 của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đăk Nông quyết định truy tố các bị cáo Trịnh Thị V và Võ Thị T về tội “Trốn thuế” theo quy định tại khoản 3 Điều 161 của Bộ luật hình sự.

Tại phiên toà, bị cáo Võ Thị T thừa nhận bị truy tố về hành vi trốn thuế là đúng nhưng không nhận có thỏa thuận ăn chia từ trước số tiền thuế GTGT như kết luận điều tra, đồng thời thừa nhận đã chiếm đoạt số tiền 2.984.895.077 đồng, trong đó nhận chuyển khoản 1.400.500.000 đồng, nhận trực tiếp từ bị cáo V và Công ty D1 1.584.395.077 đồng và lấy 992.000.000 đồng từ 1.400.500.000 đồng qua chuyển khoản để nộp thuế tại Chi cục thuế huyện Đ và đề nghị Hội đồng xét xử khấu trừ số tiền này cho bị cáo trong số tiền chiếm đoạt.

Bị cáo Trịnh Thị V không thừa nhận đã chiếm đoạt số tiền như Viện kiểm sát đã truy tố nhưng thừa nhận đã chiếm đoạt số tiền 1.279.240.748 đồng từ số tiền 5% thuế GTGT được Chi cục thuế huyện H, tỉnh Đăk Lăk khấu trừ.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đăk Nông, sau khi phân tích các tình tiết của vụ án, đề nghị HĐXX:

Tuyên bố bị cáo Trịnh Thị V và bị cáo Võ Thị T phạm tội “Trốn thuế”. Áp dụng khoản 3 Điều 161; điểm b, p khoản 1 Điều 46; Điều 60 Bộ luật hình sự xử phạt mỗi bị cáo từ 02 năm đến 02 năm 06 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Về trách nhiệm dân sự: Buộc bị cáo Võ Thị T trả lại số tiền 2.984.895.077 đồng, bị cáo Trịnh Thị V trả lại 1.279.240.748 đồng cho cho Chi cục thuế huyện H, tỉnh Đắk Lắk, được khấu trừ số tiền các bị cáo đã khắc phục hậu quả và số tiền thuế đã nộp 992.000.000 đồng vào Chi cục thuế huyện Đ.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Trịnh Thị V trình bày luận cứ: Trong quá trình giải quyết vụ án, bị cáo Trịnh Thị V đã có thái độ ăn năn hối cải về hành vi của mình; tích cực khắc phục hậu quả đã gây ra thể hiện qua việc hai lần tự nguyện nộp tiền khắc phục hậu quả với số tiền 220.000.000 đồng; bị cáo V có nhân thân tốt, có nơi cư trú rõ ràng; công ty của bị cáo đóng thuế cho địa phương hàng năm hơn 22 tỷ đồng, tạo ra hàng trăm việc làm cho người dân địa phương; đồng thời bản thân bị cáo và lãnh đạo công ty D1 cũng đã đóng góp bê tông hóa đường nông thôn, giúp đỡ người dân nghèo địa phương; bị cáo được công nhân công ty D1 yêu mến, có đơn đề nghị xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo; gia đình bị cáo có nhiều người có công với cách mạng. Do đó, đồng tình với quan điểm của đại diện Viện Kiểm sát, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận theo đề nghị của đại diện Viện kiểm sát và áp dụng thêm khoản 2 Điều 46; Điều 47 Bộ luật hình sự năm 1999 xử phạt bị cáo 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Về trách nhiệm dân sự: Đề nghị Hội đồng xét xử căn cư khoản Điều 146 hủy bỏ biện pháp kê biên tài sản của Trịnh Thị V vì đây là tài sản chung vợ cH1 bị cáo và đã có thỏa thuận cho con bị cáo để lo việc thờ cúng. Việc thỏa thuận này là phù hợp với truyền thống của người V Nam; do vậy đối với việc chuyển quyền sở hữu theo quy định pháp luật chỉ là vấn đề về thời gian; hơn nữa bị cáo tự nguyện nộp khắc phục hậu quả số tiền 220.000.000 đồng cộng với số tiền 8.000.000 đồng đã thu giữ của bị cáo nên số tiền mà bị cáo phải nộp chỉ còn khoảng 01 tỷ đồng. Do đó, không cần thiết phải kê biên mảnh đất có giá trị lớn lên đến 28.000.000 mét vuông, ảnh hưởng đến quyền lợi của bị cáo và gia đình bị cáo; trong trường hợp cần thiết HĐXX có thể áp dụng các biện pháp khác như phong tỏa tài khoản tại ngân hàng cũng đủ để đảm bảo thi hành hành án.

Luật sư Phan Ngọc N trình bày luận cứ: Bị cáo T xuất thân là người dân laođộng nhận thức pháp luật còn hạn chế; bị cáo đã ăn năn hối cải về hành vi phạmtội của mình; tích cực khắc phục hậu quả đã gây ra; bản thân bị cáo đang bị bệnh suy tim độ 3, cao huyết áp. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận theo đề nghị của đại diện Viện kiểm sát, áp dụng thêm khoản 2 Điều 46, Điều 47 Bộ luật hình sự đối với bị cáo và cho bị cáo được hưởng án treo. Các bị cáo không bào chữa, tranh luận bổ sung gì thêm, chỉ xin Hội đồng xét xử cho các bị cáo được hưởng án treo.

Căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra công khai tại phiên toà; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, luật sư, các bị cáo và những người tham gia tố tụng khác,

XÉT THẤY

Tại cơ quan điều tra, mặc dù bị cáo Trịnh Thị V khẳng định việc xuất 68 hóa đơn GTGT của Công ty D cho công ty D1 không phải là xuất hóa đơn khống mà là có hàng hóa kèm theo theo; không có việc thỏa thuận với Võ Thị T về số % được hưởng từ việc được khấu trừ 05% thuế GTGT và cũng không có khoản nợ nào giữa bị cáo và T. Tuy nhiên, căn cứ vào lời khai của bị cáo Võ Thị T là người trực tiếp xuất hóa đơn đã thừa nhận toàn bộ 68 tờ hóa đơn GTGT của Công ty D xuất cho Công ty D1 đều là hóa đơn khống, không có hàng hóa kèm theo, mục đích xuất hóa đơn là để cho V sử dụng kê khai thuế cho lượng hàng mua vào không có hóa đơn để khấu trừ thuế GTGT. Đồng thời bị cáo T có đơn tường trình về việc đã nhận của V tổng số tiền là 2.984.895.077 đồng, bao gồm: 1.400.500.000 đồng nhận chuyển qua tài khoản ngân hàng và 1.584.395.077 đồng do trong những lần giao hàng và giao hóa đơn cho V thì V có cho T ứng tiền nhiều lần và T đã chuyển trả lại số tiền này cho V. Lời khai của bị cáo T là phù hợp với lời khai của chị Trương Thị Xuân H1 kế toán của công ty D1; các nhân viên khác của công ty D và công ty D1 và tài liệu chứng cứ khác được lưu trong hồ sơ vụ án. Trong đó, chị H1 thừa nhận sau khi có các hóa đơn của Công ty D V chỉ đạo H1 dùng hóa đơn GTGT của Công ty D để hợp thức hóa số lượng cao su mua vào không có hóa đơn; việc thanh toán tiền qua Ngân hàng là hợp thức hóa, Công ty D1 chuyển tiền vào tài khoản của Công ty D rồi lại rút ra đưa cho V.

Tại phiên tòa các bị cáo cho rằng không có việc thỏa thuận tỷ lệ % ăn chia trong số 5% số tiền thuế GTGT đã chiếm đoạt như kết luận điều tra nhưng sau khi đối chiếu lại, bị cáo T khai nhận đã chiếm đoạt số 2.984.895.077 đồng; bị cáo V chiếm đoạt số tiền 1.279.240.748 đồng từ số tiền 5% thuế GTGT được khấu trừ (4.264.135.825đ).

Tại khoản 1 Điều 1 Thông tư liên tịch 13/2013/TTLT-BTP-BCA- TANDTC-VKSNDTC-BTC ngày 26/3/2013 của Bộ tư pháp, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ tài chính hướng dẫn như sau:“Người phạm tội trốn thuế là người thực hiện một trong các hành vi được quy định tại Điều 108 của Luật quản lý thuế, đồng thời thỏa mãn các dấu hiệu được quy định tại Điều 161 của Bộ luật hình sự”.

Điều 108 Luật quản lý thuế quy định như sau: “Người nộp thuế có một trong các hành vi trốn thuế, gian lận thuế sau đây thì phải nộp thuế đủ số tiền theo quy định của pháp luật và bị phạt từ 01 đến 03 lần số tiền thuế phải nộp:

4) Sử dụng hóa đơn, chứng từ bất hợp pháp để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm hoặc số tiền thuế được khấu trừ, số tiền được hoàn.

5) Sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn.

Điều 161 Bộ luật hình sự quy định:

1. Người nào trốn thuế với số tiền từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 153, 154, 155, 156, 157, 158, 159, 160, 164, 193, 194, 195, 196, 230, 232, 233, 236 và 238 của Bộ luật này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ một lần đến năm lần số tiền trốn thuế hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm.

3. Phạm tội trốn thuế với số tiền từ sáu trăm triệu đồng trở lên hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

Vì vậy, có đủ căn cứ để kết luận: Với mục đích chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước, Võ Thị T đã có hành vi xuất hóa đơn khống 68 hóa đơn GTGT của Công ty D cho Công ty D1 để Trịnh Thị V chỉ đạo nhân viên của mình sử dụng các hóa đơn này để làm thủ tục khấu trừ thuế với số tiền 4.264.135.825đ. Trong đó T chiếm đoạt 2.984.895.077đ và V chiếm đoạt 1.279.240.748đ. Như vậy, hành vi của các bị cáo Trịnh Thị V và Võ Thị T đã phạm vào tội: “Trốn thuế” theo quy định tại khoản 3 Điều 161 của Bộ luật hình sự.

Xét tính chất.vai trò của từng bị cáo trong vụ án Hội đồng xét xử xét thấy: Các bị cáo phạm tội với tính chất đồng phạm giản đơn, đều có vai trò thực hành tích cực. Tuy nhiên, xét thấy bị cáo V là người trực tiếp chỉ đạo kế toán công ty hợp thức hóa chứng từ làm thủ tục khấu trừ thuế để nhằm mục đích chiếm đoạt số tiền 5% tiền thuế GTGT nhưng chiếm đoạt số tiền ít hơn; trong khi đó bị cáo T là người chiếm đoạt số tiền nhiều hơn bị cáo V. Do đó, cần xử phạt bị cáo T với mức án cao hơn bị cáo V khi quyết định hình phạt.

Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Đối với bị cáo T sau khi thực hiện hành vi phạm tội đã có thái độ thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi của mình và tự ra đầu thú tại cơ quan điều tra sau khi bị truy nã; bản thân bị cáo và gia đình đã nộp 70.000.000 đồng tại Cục thi hành án dân sự tỉnh Đắk Nông để khắc phục hậu quả; do đó cần áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại các điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự. Đối với bị cáoV tại phiên tòa thừa nhận hành vi phạm tội của mình về việc chiếm đoạt số tiền 1.279.240.748 đồng từ 5% thuế GTGT được khấu trừ, lời khai của bị cáo phù hợp với các tình tiết của vụ án, do đó cần áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm p khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự đối với bị cáo. Ngoài ra, bị cáo và gia đình đã tự nguyện nộp khoản tiền 220.000.000 đồng tại Cục thi hành án dân sự tỉnh Đắk Nông để khắc phục hậu quả nên cũng cần áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự đối với bị cáo. Tại phiên tòa bị cáo đã xuất trình được tài liệu và khai gia đình có công với cách mạng; bản thân bị cáo có những đóp góp tích cực cho địa phương, được tổ chức công đoàn người lao động công ty có đơn đề nghị xem xét cho hưởng bị cáo, do đó cần áp dụng thêm khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự.

Các bị cáo Trịnh Thị V và Võ Thị T đều có nơi cư trú cụ thể, rõ ràng, ổn định; không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 48 của Bộ luật hình sự và có 02 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại khoản 1 Điều 46 của Bộ luật hình sự; ngoài ra bị cáo còn có các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự tại khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự; cần áp dụng Điều 60 của Bộ luật hình sự cho các bị cáo hưởng án treo là phù hợp.

Về trách nhiệm dân sự: Buộc bị cáo Trịnh Thị V phải trả lại cho Chi cụcThuế  huyện H, tỉnh Đăk  Lăk số tiền 1.279.240.748đ, được khấu trừ số tiền 220.000.000đ đã nộp khắc phục hậu quả, còn phải nộp 1.059.240.748 đồng.

Đối với bị cáo Võ Thị T tại cơ quan điều tra và tại phiên tòa đều khai nhận số tiền 992.000.000 đồng bị cáo đã nộp thuế tại Chi cục thuế huyện Đ là số tiền bị cáo đã chiếm đoạt từ 5% tiền thuế GTGT và đề nghị Hội đồng xét xử xem xét khấu trừ số tiền này cho bị cáo trong tổng số tiền chiếm đoạt. Xét thấy, số tiền bị cáo đã nộp thuế tại Chi cục thuế huyện Đ là tiền do phạm tội mà có nên cần yêu cầu Chi cục thuế huyện Đ phải trả lại số tiền 992.000.000 đồng cho Chi cục thuế huyện H, tỉnh Đăk Lăk. Do đó, buộc bị cáo Võ Thị T phải trả lại cho Chi cục thuế huyện  H, tỉnh Đăk Lăk số tiền 2.984.895.077đ đã chiếm đoạt, được khấu trừ đi số tiền đã tự nguyện khắc phục 70.000.000 đồng và số tiền 992.000.000 đồng nộp thuế tại Chi cục thuế huyện Đ, tỉnh Đắk Nông, bị cáo còn phải trả lại số tiền 1.922.895.077 đồng.

Tiếp tục kê biên quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 39 ngày 06/5/2004 của Uỷ ban nhân dân huyện G, tỉnh Bình Phước cấp cho Võ Thị T, thửa đất số 01 tại thôn 8, xã G, tỉnh Bình Phước để đảm bảo thi hành án.

Tiếp tục tạm giữ số tiền 8.000.000đ  và kê biên của Trịnh Thị V quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất diện tích 127m2 theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BU280768 thửa đất số 551, tờ bản đồ số 10 tại khu phố U1, phường P, thị xã B, tỉnh Bình Phước; quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất trên diện tích 28.569m2 theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất BA800897 thửa đất số 39, tờ bản đồ số 64 Thôn 9, xã E, huyện H, tỉnh Đắk Lắk.

Đối với Trương Thị Xuân H1 - Kế toán của Công ty D1, là người thực hiện việc hợp thức các chứng từ liên quan đến 68 tờ hóa đơn GTGT của Công ty D để được khấu trừ tiền thuế, khi thực hiện không biết hóa đơn là khống, thực hiện theo chỉ đạo của Giám đốc công ty D1, không được hưởng lợi trong việc này. Do đó hành vi của H1 không cấu thành tội phạm.

Đối với Lê Văn P1 là người đứng tên với tư cách Giám đốc công ty D nhưng mọi hoạt động kinh doanh của công ty do T đứng ra quản lý điều hành. Việc P1 rút 200.000.000 đồng trong tài khoản công ty D là do T nhờ Phù rút ra và đưa lại cho T. Việc xuất 68 hóa đơn GTGT khống của công ty D cho công ty D1 P1 hoàn toàn không biết và không hưởng lợi từ việc này nên P1 không phải chịu trách nhiệm liên quan nên không đề cập giải quyết.

Đối với 118 số hóa đơn GTGT của Công ty D xuất cho Công ty X1 tại xã C1, huyện Q1, tỉnh Bình Phước và Cơ sở thu mua mủ Đ1 tại xã M1, huyện Q, tỉnh Bình Phước, chưa có căn cứ chứng minh nên tách ra xử lý sau là phù hợp.

Về án phí: Các bị cáo Trịnh Thị V, Võ Thị T phải chịu án phí hình sự sơ thẩm và án phí dân sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

1. Tuyên bố: Các bị cáo Trịnh Thị V và Võ Thị T phạm tội “Trốn thuế”

Áp dụng khoản 3 Điều 161; điểm b, p khoản 1, 2 Điều 46; khoản 1, khoản 2 Điều 60 của Bộ luật hình sự: Xử phạt bị cáo Trịnh Thị V 02 (hai) năm tù nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách 04 (bốn) năm, tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Giao bị cáo Trịnh Thị V cho Uỷ ban nhân dân phường P, thị xã B, tỉnh Bình Phước giám sát, giáo dục. Gia đình bị cáo có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương trong việc giám sát giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách. Trong trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật thi hành án hình sự.

Áp dụng khoản 3 Điều 161; điểm b, p khoản 1, 2 Điều 46; khoản 1, khoản 2 Điều 60 của Bộ luật hình sự: Xử phạt bị cáo Võ Thị T 02 (hai) năm 06 (sáu) tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách 05 (năm) năm, tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Giao bị cáo Võ Thị T cho Uỷ ban nhân xã N, huyện G, tỉnh Bình Phước giám sát, giáo dục. Gia đình bị cáo có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương trong việc giám sát giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách. Trong trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật thi hành án hình sự.

2. Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 42 của Bộ luật hình sự:

Buộc bị cáo Trịnh Thị V phải trả lại cho Chi cục Thuế huyện H, tỉnh Đăk Lăk số 1.279.240.748đ, được khấu trừ số tiền 220.000.000đ đã nộp khắc phục hậu quả, bị cáo còn phải trả lại số tiền 1.059.240.748 đồng.

Buộc bị cáo Võ Thị T phải trả lại cho Chi cục Thuế huyện H, tỉnh Đăk Lăk số tiền số tiền 2.984.895.077đ đã chiếm đoạt, được khấu trừ đi số tiền đã tự nguyện khắc phục 70.000.000 đồng và số tiền 992.000.000 đồng nộp thuế tại Chi cục thuế huyện Đ, tỉnh Đắk Nông, bị cáo còn phải trả lại số tiền 1.922.895.077 đồng.

Yêu cầu Chi cục thuế huyện Đ, tỉnh Đắk Nông làm thủ tục hoàn trả lại cho Chi cục thuế H, tỉnh Đăk Lăk số tiền 992.000.000 đồng là số tiền bị cáo Võ Thị T đã nộp thuế.

Tiếp tục kê biên quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất theo Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất số 39 ngày 06/5/2004 của Ủy ban nhân dân huyện G, tỉnh Bình Phước cấp cho Võ Thị T, thửa đất số 01 tại thôn 8, xã G, tỉnh Bình Phước để đảm bảo thi hành án.

Tiếp tục tạm giữ số tiền 8.000.000đ thu giữ của bị cáo Trịnh Thị V; tiếp tục kê biên của Trịnh Thị V quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất diện tích 127m2 theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BU280768 thửa đất số 551, tờ bản đồ số10 tại khu phố U1, phường P, thị xã B, tỉnh Bình Phước; quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất trên diện tích 28.569m2 theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất BA800897 thửa đất số 39, tờ bản đồ số 64 tại thôn 9, xã E, huyện H, tỉnh Đắk Lắk để đảm bảo thi hành án.

3. Về án phí: Căn cứ khoản 2 Điều 99 Bộ luật tố tụng hình sự; áp dụng khoản 1, 3 Điều 21; Điều 23; Điều 24 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH của Ủy ban thường vụ Quốc hội:

Buộc bị cáo Trịnh Thị V phải chịu 200.000đ (hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự sơ thẩm và 43.777.222 đồng (Bốn mươi ba triệu bảy trăm bảy mươi bảy nghìn hai trăm hai mươi hai đồng) án phí dân sự sơ thẩm.

Buộc bị cáo Võ Thị T phải chịu 200.000 (hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự sơ thẩm và 69.686.852 đồng (Sáu mươi chín triệu sáu trăm T3 mươi sáu nghìn T3 trăm năm mươi hai đồng)án phí dân sự sơ thẩm.

4. Về quyền kháng cáo:

Các bị cáo có quyền kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án.

Nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại phiên toà có quyền kháng cáo phần bản án có liên quan đến việc bồi thường thiệt hại trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được bản án hoặc niêm yết bản án.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại Điều 6, Điều 7, Điều 7a, Điều 7b và Điều 9 Luật thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1935
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 34/2017/HSST ngày 05/07/2017 về tội trốn thuế

Số hiệu:34/2017/HSST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Đăk Nông
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 05/07/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;