TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH HÀ GIANG
BẢN ÁN 39/2022/HS-PT NGÀY 30/09/2022 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH KHAI THÁC, BẢO VỆ RỪNG VÀ LÂM SẢN
Ngày 30/9/2022, tại Phòng xử án hình sự Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang xét xử phúc thẩm công khai Vụ án hình sự thụ lý số 36/2022/TLPT-HS ngày 17/8/2022. Do có kháng cáo của bị cáo Hoàng Văn K đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 11/2022/HS-ST ngày 07/7/2022 của Tòa án nhân dân huyện Q, tỉnh Hà Giang.
- Bị cáo có kháng cáo:
Hoàng Văn K, sinh năm 1970, tại huyện Q, tỉnh Hà Giang; nơi cư trú: Thôn B, xã H, huyện Q, tỉnh Hà Giang; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ văn hoá: 05/10; dân tộc: Tày; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; Giấy CMND số 073075875 do Công an tỉnh Hà Giang cấp ngày 20/9/2016; con ông Hoàng Văn Võ và bà Dương Thị C; có vợ là Hứa Thị K và 05 con; tiền án, tiền sự: Không; bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú”; có mặt.
- Người bào chữa cho bị cáo: Bà Chu Thị Minh Châu - Luật sư của Trung tâm tư vấn pháp luật và Trợ giúp pháp lý cho người chưa thành niên thuộc Hội Luật gia Việt Nam, Chi nhánh tại tỉnh Yên Bái; có mặt.
- Nguyên đơn dân sự: Ủy ban nhân dân huyện Q.
- Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Văn Đ, sinh năm 1976; nơi cư trú: Tổ 3, thị trấn Y, huyện Q, tỉnh Hà Giang. Chức vụ: Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã T, huyện Q, tỉnh Hà Giang; vắng mặt.
- Người làm chứng:
1. Ông Đặng Văn N, sinh năm 1975; có mặt.
2. Ông Nguyễn Mạnh T, sinh năm 1979; có mặt.
3. Ông Nguyễn Bá T, sinh năm 1986; có mặt.
4. Ông Dương Đình D, sinh năm 1984; vắng mặt.
5. Bà Hứa Thị K, sinh năm 1968; vắng mặt.
6. Ông Đặng Văn T, sinh năm 1983; vắng mặt.
7. Ông Đặng Văn V, sinh năm 1979; vắng mặt.
8. Ông Nông Chiến T, sinh năm 1988; vắng mặt.
9. Ông Nông Hiến C, sinh năm 1985; vắng mặt.
10. Ông Hoàng Văn T, sinh năm 1990; vắng mặt.
11. Ông Đặng Văn N, sinh năm 1993; vắng mặt.
12. Ông Đặng Văn L, sinh năm 1988; vắng mặt.
13. Ông Hoàng Văn S, sinh năm 1975; vắng mặt.
14. Ông Lý Thanh B, sinh năm 1964; vắng mặt.
15. Ông Hoàng Văn T, sinh năm 1968; vắng mặt.
16. Ông Nguyễn Trọng K, sinh năm 1982; vắng mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Năm 2020, Hoàng Văn K muốn khai thác cây rừng trên một phần diện tích đất vườn rừng được giao cho hộ gia đình theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) số O 912266 ngày 20/12/2000 của Ủy ban nhân dân huyện B, tỉnh Hà Giang, để chuyển đổi cây trồng và sử dụng một phần cây gỗ để sửa nhà, còn một phần bán ra thị trường. Địa chỉ ghi trong GCNQSDĐ là thôn B, xã H, huyện B, tỉnh Hà Giang (nay là thôn B, xã H, huyện Q, tỉnh Hà Giang). Tuy nhiên, trên thực tế thì diện tích đất vườn rừng này thuộc về thôn T, xã T, huyện Q, tỉnh Hà Giang (bút lục 04-05, 49) và theo Quyết định số 1619/QĐ- UBND ngày 30/7/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang về quy hoạch, phát triển rừng T giai đoạn 2016 -2025 thì diện tích đất vườn rừng của gia đình Hoàng Văn K được quy hoạch là rừng tự nhiên, với chức năng là rừng sản xuất.
Đặng Văn N, trú tại thôn S, xã H, huyện Q, biết tin Hoàng Văn K muốn khai thác cây rừng nên trong khoảng tháng 7 năm 2020 đã đến nhà gặp Hoàng Văn K hỏi mua cây rừng. Đặng Văn N hỏi thì Hoàng Văn K nói là khu rừng nằm trong diện tích GCNQSDĐ của gia đình K, một phần là cây gia đình K trồng. Đặng Văn N gọi điện thoại nói cho Nguyễn Mạnh T, trú tại thôn Y, xã T, huyện Q biết có người muốn bán một đồi gỗ. Nguyễn Mạnh T hỏi là vườn rừng của ai, có sổ đỏ không, loại gỗ gì. Đặng Văn N trả lời là rừng của K, có sổ đỏ, loại gỗ tạp. Nguyễn Mạnh Tbảo Đặng Văn N đi xem rừng. Đặng Văn N tự tìm đến khu rừng của K xem rồi gọi điện thoại cho Nguyễn Mạnh T bảo là "vườn rừng này mua được" và hẹn Nguyễn Mạnh T hôm sau sẽ cùng vào nhà K để thống nhất mua bán. Hôm sau Nguyễn Mạnh T và Đặng Văn N đến nhà K, hai bên thống nhất là Hoàng Văn K bán toàn bộ cây gỗ tại phần rừng mà K mô tả với giá 50 triệu đồng, Nguyễn Mạnh T và Đặng Văn N đặt cọc trước 10 triệu đồng; sau khi Nguyễn Mạnh T, Đặng Văn N cưa hạ tập kết gỗ thì K có thể sẽ mua lại một phần gỗ tốt để sửa nhà. Nguyễn Mạnh T hỏi K khu rừng mua bán có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không thì K nói có. Nguyễn Mạnh T, Đặng Văn N thống nhất cùng mua rừng; Nguyễn Mạnh T sẽ bỏ tiền đặt cọc và tiền mua rừng, còn Đặng Văn N sẽ tìm người trực tiếp khai thác, gỗ khai thác được sẽ bán cho Nguyễn Bá T, trú tại thôn Y, xã T, huyện Q, là chủ xưởng chế biến gỗ (xưởng bóc). Thống nhất xong Nguyễn Mạnh T gọi điện thoại nói cho Nguyễn Bá T biết đã mua được rừng của K (do Nguyễn Bá T là người cấp tiền vốn cho Nguyễn Mạnh T đi mua gỗ nên khi mua được gỗ, T phải báo cho Nguyễn Bá T biết). Hôm sau Đặng Văn N đến nhà Nguyễn Mạnh T lấy số tiền 10 triệu đồng đưa cho K đặt cọc tiền mua gỗ rừng như đã thỏa thuận. Việc mua bán, đưa tiền không làm giấy tờ gì.
Thời gian tiếp theo, Đặng Văn N thuê Đặng Văn T, Đặng Văn V, cùng trú tại thôn S, xã H, huyện Q khai thác gỗ. Trong 03 ngày, Đặng Văn N, Đặng Văn T, Đặng Văn V dùng cưa xăng hạ được toàn bộ 92 cây gỗ, cắt khúc vận chuyển gỗ xuống chân lô. Sau đó Đặng Văn N gọi cho Nguyễn Mạnh T vào chở gỗ đi xưởng bóc của Nguyễn Bá T. Nguyễn Mạnh T trực tiếp lái xe công nông (loại xe Hoa Mai) vào chỗ tập kết gỗ, chở 01 xe gỗ tròn về xưởng chế biến gỗ của Nguyễn Bá Tưởng. Mấy hôm sau Đặng Văn N gọi Nguyễn Mạnh T vào tiếp tục chở gỗ thì T trả lời xe ô tô không ở nhà. Đặng Văn N gọi cho Nguyễn Bá T biết. Nguyễn Bá T thuê Nông Chiến T, Nông Hiến C, cùng trú tại thôn Y, xã T, huyện Q dùng xe tự chế (xe tắc tơ) chở được 03 xe gỗ tròn lẫn củi cành về xưởng bóc của Nguyễn Bá T. Toàn bộ số gỗ đã chở về xưởng của Nguyễn Bá T đã phân loại một phần dùng máy bóc thành ván, phần gỗ không bóc được thì bán thành củi. Số gỗ đã khai thác còn lại chưa kịp vận chuyển về xưởng chế biến gỗ của Nguyễn Bá T thì bị Hạt Kiểm lâm huyện Q phát hiện tạm đình chỉ việc vận chuyển, khai thác. K gọi điện thoại báo cho Đặng Văn N biết để dừng lại. Còn Nguyễn Bá T cũng được cán bộ K lâm thông báo dừng việc mua gỗ.
Thấy việc tạm đình chỉ khai thác, vận chuyển gỗ trực tiếp ảnh hưởng đến bản thân, đồng thời nghĩ đến Đặng Văn N là chỗ làm ăn với nhau đã lâu, Nguyễn Bá T đã gọi điện thoại cho Hoàng Văn K để K mang bản phô tô giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của khu rừng đã khai thác cho Nguyễn Bá T xem. Xem xong Nguyễn Bá T cho rằng việc tạm đình chỉ của Hạt Kiểm lâm là sai, đã nói với K và gọi điện thoại cho Đặng Văn N bảo mình sẽ đứng ra giúp. Nguyễn Bá T hướng dẫn K khai bán gỗ cho T, hướng dẫn Đặng Văn N khai là khai thác gỗ thuê cho T.
Thời gian khoảng giữa tháng 10 năm 2020, Dương Đình D, trú tại thôn N, xã K, huyện L, tỉnh Y, là bạn thân của Nguyễn Bá T sang nhà chơi, Nguyễn Bá T kể lại toàn bộ sự việc khai thác, mua bán gỗ cho Dương Đình D nghe và nói rừng có GCNQSDĐ, hàng năm không nhận được bất cứ khoản tiền hỗ trợ nào của Nhà nước, đồng thời đưa bản phô tô giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do K đưa trước đó do Dương Đình D xem. Dương Đình D bảo việc khai thác mua bán gỗ là không sai. Nguyễn Bá T hỏi Dương Đình D có cách nào giúp không, làm thế nào để Dương Đình D vào cuộc được. Dương Đình D nói có cách giúp nhưng phải viết giấy mua bán. Nguyễn Bá T gọi điện thoại để K đến gặp Dương Đình D. Sau khi hỏi han, Dương Đình D nói với Nguyễn Bá T với nội dung là D sẽ giúp T được, cứ bảo K viết giấy mua bán gỗ cho D. Nguyễn Bá T lấy giấy bút ra vị trí bàn uống nước đưa cho K. Dương Đình D đưa chứng minh thư nhân dân ra và trực tiếp đọc, hướng dẫn cho K viết "Giấy mua bán" với nội dung thể hiện là ngày 28/06/2020, Hoàng Văn K có bán cho Dương Đình D với số gỗ trên diện tích đất trên sổ khoảng 03 ha; Dương Đình D tự quyết định khai thác với số gỗ trên diện tích đã thỏa thuận, tự lo thủ tục khai thác; với số tiền đã thỏa thuận là 50.000.000 đồng, khai thác khoảng 70% thì Dương Đình D phải thanh toán số tiền đã thỏa thuận trên cho Hoàng Văn K. Khi K chưa viết xong thì Dương Đình D ra về. K viết xong và ký vào bên bán rồi để lại giấy mua bán tại nhà Nguyễn Bá T và đi về. Sau khi lập được giấy mua bán giả, K, Nguyễn Bá T, Dương Đình D bắt đầu thống nhất cách khai báo. Cụ thể, Hoàng Văn K, Nguyễn Bá T, Dương Đình D khai khoảng tháng 6 năm 2020, Hoàng Văn K bán các cây trong rừng nằm trong GCNQSDĐ của gia đình trong cho Nguyễn Bá T với giá 50.000.000 triệu đồng. Sau khi mua được đồi cây của Hoàng Văn K, Nguyễn Bá T đã bán lại cho Dương Đình D và thuê người khai thác gỗ. Khi Cơ quan điều tra yêu cầu Dương Đình D nộp giấy tờ mua bán thì Dương Đình D mới đến nhà Nguyễn Bá T lấy giấy mua bán giả trong ngăn tủ, ký tên vào phần người mua gỗ và giao nộp.
Từ đó, Hoàng Văn K, Nguyễn Bá T, Dương Đình D đã bị khởi tố, điều tra, truy tố về tội "Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản" theo điểm b khoản 1 Điều 232 của Bộ luật hình sự, với khối lượng gỗ khai thác trái phép là 14,871m3 gỗ thông thường từ nhóm VI đến nhóm VIII, thuộc rừng sản xuất là rừng tự nhiên.
Trong phiên tòa sơ thẩm, Hoàng Văn K, Nguyễn Bá T, Dương Đình D giữ nguyên lời khai như K, T, D đã thống nhất cách khai báo trước đó trong quá trình điều tra, truy tố. Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 12/2021/HS-ST ngày 13/7/2021, Tòa án nhân dân huyện Q tuyên phạt bị cáo Hoàng Văn K 07 tháng tù, bị cáo Nguyễn Bá T 08 tháng tù, bị cáo Dương Đình D 07 tháng tù về tội "Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản". Sau đó, các bị cáo kháng cáo kêu oan.
Trong phiên tòa phúc thẩm, Hoàng Văn K, Nguyễn Bá T, Dương Đình D đều thay đổi toàn bộ lời khai theo hướng K đã bán gỗ ở vườn rừng của mình cho Đặng Văn N và Nguyễn Mạnh T chứ không phải bán cho Nguyễn Bá T và Dương Đình D như đã khai trong quá trình điều tra, xét xử sơ thẩm trước đó; T và D không liên quan đến vụ án này, không được mua bán cây gỗ tạp với bị cáo K nhưng do nghĩ rằng bị cáo K có quyền khai thác vườn rừng của mình mà lại bị đình chỉ không được khai thác nên đứng ra nhận là mua gỗ từ K để có thể giúp K; vì vậy, T và D mới khai báo không đúng sự thật, không nghĩ tới là sẽ bị xử lý hình sự.
Bản án hình sự phúc thẩm số 24/2021/HS-PT ngày 05/10/2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang quyết định hủy Bản án hình sự sơ thẩm số 12/2021/HS- ST ngày 13/7/2021 của Tòa án nhân dân huyện Q, giao hồ sơ cho Viện kiểm sát nhân dân huyện Q để điều tra lại theo thủ tục sơ thẩm.
Kết quả điều tra lại, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Q đã ra Quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với Nguyễn Bá T và Dương Đình D về tội "Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản"; tách hành vi khai báo gian dối của Nguyễn Bá T, Dương Đình D để điều tra trong một vụ án khác.
Về loại rừng, khối lượng lâm sản: Kết quả điều tra xác định diện tích vườn rừng gia đình Hoàng Văn K bán cây gỗ cho Đặng Văn N, Nguyễn Mạnh T thuộc lô 320469, khoảnh 5, tiểu khu 329, hiện trạng rừng hỗn giao gỗ tre nứa tự nhiên núi đất, chức năng là rừng sản xuất, thuộc thôn T, xã T, huyện Q. Tổng khối lượng gỗ mua bán, khai thác trái phép là 14,871m3 gỗ thông thường từ nhóm VI đến nhóm VIII.
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 11/2022/HS-ST ngày 07/7/2022 của Tòa án nhân dân huyện Q, tỉnh Hà Giang đã quyết định:
1. Về tội danh: Tuyên bố bị cáo Hoàng Văn K phạm tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”.
2. Về hình phạt: Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 232, điểm i khoản 1, khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo Hoàng Văn K 07 (bảy) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bị cáo đi chấp hành án.
Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về phần xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Ngày 15/7/2022, bị cáo Hoàng Văn K có đơn kháng cáo kêu oan.
Tại phiên tòa, bị cáo K giữ nguyên nội dung kháng cáo kêu oan, bị cáo trình bày: Khi gia đình bị cáo nhận diện tích đất vườn rừng theo sổ lâm bạ, GCNQSDĐ thì trên đất không có cây cối mà là đất đồi; toàn bộ khối lượng gỗ bị cáo bán cho anh N, anh T khai thác là các loại cây do bị cáo tự trồng, nguồn gốc của các loại cây gỗ đó bị cáo vào rừng thuộc đất của các hộ liền kề tự nhổ và mang về vườn của gia đình bị cáo trồng từ năm 1998, 2000, gia đình tự chăm sóc, không phải là cây gỗ mọc tự nhiên; do đó bị cáo có quyền khai thác cây trên vườn rừng của gia đình bị cáo mà không cần đề nghị với Cơ quan có thẩm quyền cho phép, nên bị cáo không phạm tội.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Giang, sau khi phân tích đánh giá chứng cứ, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nhân thân của bị cáo, quá trình xét hỏi tại phiên tòa có ý kiến, quan điểm: Tòa án nhân dân huyện Q, tỉnh Hà Giang xét xử bị cáo Hoàng Văn K về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”, quy định tại điểm b khoản 1 Điều 232 Bộ luật Hình sự là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không oan. Quá trình xét xử phúc thẩm, bị cáo K không xuất trình thêm tài liệu, chứng cứ mới để xem xét nội dung kêu oan của bị cáo. Đề nghị HĐXX, không chấp nhận nội dung kháng cáo của bị cáo.
Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 356 Bộ luật Tố tụng hình sự, giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm số 11/2022/HS-ST ngày 07/7/2022 của Tòa án nhân dân huyện Q, tỉnh Hà Giang. Bị cáo K phải chịu tiền án phí hình sự phúc thẩm.
Luật sư bào chữa cho bị cáo có ý kiến: Không nhất trí với quan điểm của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa; chưa đủ căn cứ để xác định diện tích đất vườn rừng bị cáo Kiểm khai thác thuộc rừng sản xuất là rừng tự nhiên. Vụ án đã kéo dài gần hai năm, nhưng tại các phiên tòa bị cáo K đều kêu oan. Từ năm 1998 đến nay, bị cáo được Nhà nước giao đất trồng rừng; không có văn bản nào của Nhà nước thu hồi rừng hay điều chỉnh hoặc hạn chế quyền đối với diện tích rừng gia đình bị cáo K đang sử dụng, cho thấy việc sử dụng đất vườn rừng theo GCNQSDĐ cấp cho hộ gia đình bị cáo K năm 2000 là hợp pháp. Điểm 9 khoản 2 Luật Lâm nghiệp xác định “Chủ rừng là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng; giao đất, cho thuê đất để trồng rừng; tự phục hồi, phát triển rừng; nhận chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế rừng theo quy định của pháp luật”. Điểm 10 và 11 Điều này quy định “Quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt của chủ rừng đối với cây trồng, vật nuôi và tài sản khác gắn liền với rừng do chủ rừng đầu tư trong thời hạn được giao, được thuê để trồng rừng” và “Quyền sử dụng rừng là quyền của chủ rừng được khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ rừng”. Từ khi bị cáo K được cấp GCNQSD đất vườn rừng gia đình bị cáo K không được nhận bất kỳ sự hỗ trợ nào của Nhà nước về trồng rừng và bảo vệ rừng. Toà án cấp sơ thẩm căn cứ vào nội dung trong sổ lâm bạ ghi “diện tích có rừng” bị cáo K nhận đất thì trên đó đã có rừng tự nhiên là 2,2 ha, bởi chính trong cuốn sổ lâm bạ này, ngay dòng bên dưới có nội dung “Phân ra: - rừng tự nhiên (m2); - rừng đã trồng (m2) thì không hề có số liệu nào. Đến năm 2000, hộ bị cáo K được giao 6,6 ha chỉ ghi là “vườn rừng”. Cả sổ lâm bạ lẫn GCNQSDĐ đều không có dòng chữ nào ghi là “rừng tự nhiên”, không những thế GCNQSDĐ cũng chỉ ghi là „vườn rừng”, điều đó cho thấy bị cáo K khai khi nhận đất chỉ có đất trống, đồi trọc và nương ót là hoàn toàn phù hợp; các cây K khai thác là do K trồng. Nguồn gốc đất trước khi K được giao không phải là rừng tự nhiên mà là rừng trồng đã được Lâm trường V khai thác hết, đã được người dân làm nương rẫy nên không có cây trên đất, khi K nhận là nương ót là có cơ sở. Do đó nội dung trình bày của bị cáo K tại phiên tòa cho rằng, các cây bị cáo bán để khai thác là do gia đình bị cáo K đi nhổ từ khu vườn rừng khác về trồng là có căn cứ.
Trong thực tế và theo quy định của pháp luật, không cá nhân, tổ chức nào đi giao diện tích đất có rừng cho cá nhân, tổ chức sử dụng, mà nếu có sẵn rừng tự nhiên thì tổ chức hay cá nhân chỉ được giao để bảo quản, chăm sóc theo hình thức khoán của Nhà nước, có nhận tiền thù lao trả cho công chăm sóc, bảo vệ, phát triển rừng hàng năm. Trong trường hợp này thì người nhận trông nom không có quyền định đoạt gì vì họ không thể có đủ 5 quyền như Luật Đất đai trước đây và 8 quyền như Luật Đất đai hiện hành. Còn đối với gia đình bị cáo K từ khi nhận đất làm vườn rừng đến khi khai thác năm 2020 là 22 năm và kể cả đến nay, vườn rừng đều do gia đình bị cáo K tự đầu tư, chăm sóc, phát triển bằng nguồn vốn, công sức của gia đình mình thì việc được hưởng thành quả là đương nhiên.
Đối chiếu với trường hợp của bị cáo K, khi được Nhà nước cấp GCNQSDĐ là mặc nhiên bị cáo và những người trong hộ gia đình có đầy đủ các quyền theo quy định pháp luật. Trường hợp của bị cáo K được giao 2,2 ha đất rừng từ năm 1998, được cấp GCNQSDĐ đất từ năm 2000 diện tích 6,6 ha đất với thời hạn được giao là 50 năm, như vậy bị cáo K có đầy đủ các quyền của chủ rừng thì bất cứ chủ thể nào có nhu cầu mua, thuê, thu hồi…đều phải đảm bảo các trình tự pháp luật quy định, việc thu hồi phải có căn cứ theo quy định của pháp luật, không thể thực hiện trên giấy tờ sau đó niêm yết và cho rằng đã truyên truyền, thông báo nên các hộ dân khác trong đó có gia đình anh K buộc phải biết để thực hiện mà không có quyết định, lý do thu hồi hay thực hiện các biện pháp đảm bảo bồi thường thỏa đáng tài sản trên đất thuộc sở hữu của anh K là trái với quy định pháp luật hiện hành.
Ngoài ra, người bào chữa còn đề cập đến vật chứng trong vụ án, hiện nay đã được tách ra để tiếp tục điều tra làm rõ hành vi của các đối tượng khác; tư cách tham gia tố tụng của nguyên đơn dân sự và một số vấn đề khác. Từ những quan điểm nêu trên, Người bào chữa đề nghị Hội đồng xét xử: Áp dụng Điều 359, khoản 2 Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự; Hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án.
Tranh luận: Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Giang đối đáp với ý kiến của người bào chữa, kết thúc tranh luận; đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm của Toà án nhân dân huyện Q.
Lời nói sau cùng: Bị cáo K không nhất trí với quan điểm đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Giang, bị cáo bị xét xử oan.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Về tính hợp pháp của đơn kháng cáo: đơn kháng cáo của bị cáo làm trong hạn luật định là hợp lệ, đúng theo quy định tại các Điều 331, Điều 332 và Điều 333 của Bộ luật Tố tụng hình sự nên được chấp nhận để xem xét theo thủ tục phúc thẩm.
[2] Tại phiên tòa vắng mặt một số người làm chứng, nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan; sau khi nghe ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo; xét thấy những người này đã có lời khai trong hồ sơ vụ án. Căn cứ Điều 292, Điều 293 Bộ luật Tố tụng hình sự, Hội đồng xét xử thảo luận và quyết định tiếp tục tiến hành xét xử vụ án theo quy định của pháp luật.
[3] Xét nội dung kháng cáo kêu oan của bị cáo Hoàng Văn K, bị cáo cho rằng toàn bộ khối lượng gỗ bị cáo bán cho anh N, anh T khai thác là các loại cây do bị cáo tự trồng, nguồn gốc của các loại cây gỗ đó bị cáo vào rừng của các hộ liền kề tự nhổ và mang về vườn của gia đình bị cáo trồng từ năm 1998, năm 2000; sau đó gia đình tự chăm sóc, không phải là cây gỗ mọc tự nhiên trên diện tích đất được giao; do đó bị cáo có quyền khai thác cây trên vườn rừng của gia đình bị cáo mà không phải đề nghị với Cơ quan có thẩm quyền cho phép, nên bị cáo không phạm tội, xét thấy: Căn cứ vào các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, lời khai của bị cáo K trong quá trình điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm. Ngày 01/5/1998, gia đình bị cáo K được giao diện tích đất vườn rừng, nội dung trong Sổ lâm bạ có ghi "Diện tích đất có rừng (ha) 2,2ha" (bút lục 375), đến năm 2000 gia đình bị cáo được cấp GCNQSDĐ là 6,6 ha. Trong giai đoạn điều tra bị cáo K thừa nhận trên đất có cây gỗ nhỏ mọc dải rác, sau khi được giao rừng gia đình bị cáo đã trồng xen kẽ những cây như Mỡ, Trám, Xoan Đào (bút lục 203, 204 ) nhưng chăm sóc không thường xuyên nên một số cây đã bị chết, chỉ còn một số cây sống sinh trưởng đến nay, những cây còn lại trong rừng do mọc tự nhiên. Lời khai của bị cáo K trong giai đoạn điều tra phù hợp với lời khai của vợ bị cáo bà Hứa Thị K, lời khai của các hộ giáp ranh liền kề ông Hoàng Văn S, Lý Thanh B, Hoàng Văn T thể hiện, khi gia đình bị cáo K được giao đất vườn rừng thì có các cây gỗ nhỏ, cây vầu tái sinh... (bút lục 17-18, 804, 816-817), sau đó gia đình bị cáo K có trồng một số cây như Mỡ, Trám, Bồ đề. Theo lời khai của người làm chứng là ông Hoàng Văn T thì khu rừng của gia đình bị cáo K khi nhận có rất nhiều cây cối, chủ yếu là cây gỗ (bút lục 820-821).
[4] Theo lời khai của bị cáo K, vợ bị cáo và những người làm chứng thì bị cáo có trồng trên đất vườn rừng được giao các cây như Mỡ, Trám, Bồ đề, Xoan đào, nhưng theo Biên bản khám nghiệm hiện trường (bút lục 100-162), thì những cây đã bị khai thác trong vụ án này ngoài Xoan Đào và Trám ra còn có Ràng Ràng tía, Sồi, Chẹo Tía, Kháo, Máu Chó, Ngát, Mã, Sữa, Đỏ ngọn, Sung rừng, Quế, Thẩu Tấu, Bứa núi. Đây không phải là những loại cây mà gia đình bị cáo K đã trồng. Biên bản làm việc giữa Hạt Kiểm lâm huyện Q và Ủy ban nhân dân xã T, huyện Q (bút lục 591) thể hiện các nhóm cây Ràng Ràng tía, Sồi, Chẹo Tía, Kháo, Máu Chó, Ngát, Mã, Sữa..... là những cây bản địa mọc tự nhiên, không có trong danh sách giống cây trồng tại các nhà vườn trên địa bàn huyện và các chương trình trồng và phát triển rừng trên địa bàn huyện.
[5] Quá trình điều tra lại, theo Biên bản xác định hiện trạng rừng (bút lục 675-682), Công văn số 167a/HKL ngày 23/12/2021 của Hạt Kiểm lâm huyện Q (bút lục 726-727), căn cứ độ tàn che của các loại cây rừng, diện tích liền vùng, chiều cao trung bình của cây rừng, trữ lượng rừng... thì khu vực rừng của nhà bị cáo K bị khai thác gỗ trong vụ án này đạt tiêu chí là rừng tự nhiên. Trong số gỗ đã khai thác có 03 loại gỗ là Mỡ nhóm IV, Xoan Đào nhóm VI, Trám nhóm VII với khối lượng 2,878m3 là các loại gỗ được gia đình bị cáo K trồng phân tán trên diện tích rừng được giao; các loại gỗ còn lại như Ràng Ràng tía, Sồi, Chẹo Tía, Kháo, Máu Chó, Ngát, Mã, Sữa, Đỏ ngọn, Sung rừng, Quế, Thẩu Tấu.... có khối lượng 14,871m3 là gỗ tái sinh tự nhiên và chưa đủ điều kiện khai thác theo quy định hiện hành của Nhà nước. Theo quy định tại khoản 6 Điều 2 của Luật Lâm nghiệp thì "Rừng tự nhiên là rừng có sẵn trong tự nhiên hoặc phục hồi bằng tái sinh tự nhiên hoặc tái sinh có trồng bổ sung".
[6] Đối chiếu khu vực tọa độ các gốc cây bị cáo K bán và khai thác trong vụ án này với bản đồ (bút lục 308) điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng và đất lâm nghiệp xã T, giai đoạn 2016 - 2025 được UBND tỉnh Hà Giang phê duyệt tại Quyết định số 1619/QĐ-UBND ngày 30/7/2018, khu vực khai thác thuộc lô 320469, khoảnh 5, tiểu khu 329 hiện trạng là rừng hỗn giao gỗ tre nứa tự nhiên núi đất, chức năng là rừng sản xuất (bút lục 04, 05 và 22), nằm trong diện tích rừng hộ gia đình bị cáo Hoàng Văn K đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
[7] Ngoài các tài liệu, chứng cứ nêu trên, tại phiên tòa sơ thẩm đại diện Hạt Kiểm lâm đã cung cấp chứng cứ xác định việc công bố số liệu điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng và đất lâm nghiệp theo Quyết định số 1619/QĐ-UBND ngày 30/7/2018 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Giang tại địa bàn xã T, huyện Q và địa bàn xã H, huyện Q đã được thực hiện đúng quy định, niêm yết công khai tại trụ sở xã, thôn, đã tiến hành kiểm tra ngẫu nghiên 30% các lô rừng, kết quả rà soát phù hợp với số liệu điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng; quá trình niêm yết không có hộ, gia đình cá nhân nào có ý kiến thắc mắc về việc điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng (bút lục 430-431).
[8] Tại Biên bản tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật và ký cam kết của các hộ gia đình trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng và quản lý lâm sản năm 2020 có kèm theo danh sách hộ dân cư trú tại thôn B, xã H được tham gia tuyên truyền. Như vậy, hàng năm công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, quản lý lâm sản có được tuyên truyền, phổ biến cho bà con nhân dân được biết, việc tham gia các cuộc họp tại thôn, nghe tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật liên quan đến công tác bảo vệ rừng và lâm sản vừa là quyền cũng vừa là nghĩa vụ của các hộ dân được Nhà nước giao đất, giao rừng, nếu bị cáo không tham gia đồng nghĩa với việc bị cáo tự tước bỏ quyền lợi của mình nhưng không được miễn trừ mà vẫn phải chịu trách nhiệm đối với hành vi, vi phạm quy định khai thác bảo vệ rừng và lâm sản theo quy định của pháp luật.
[9] Tổng hợp, đánh giá toàn diện các tài liệu, chứng cứ nêu trên, xét thấy đủ cơ sở pháp lý và cơ sở khoa học, đủ các điều kiện cần và đủ để xác định khu vực rừng của nhà bị cáo K bán và khai thác gỗ trong vụ án này thuộc rừng sản xuất là rừng tự nhiên; có nghĩa là bị cáo K đã thực hiện hành vi khai thác rừng sản xuất là rừng tự nhiên.
[10] Bị cáo Kiểm cho rằng mình có quyền khai thác rừng mà không phải xin phép với lý do toàn bộ cây gỗ bị cáo bán cho N, T và khai thác là do gia đình bị cáo tự trồng: Căn cứ lời khai của Nguyễn Bá T và Dương Đình D khai với nội dung, không liên quan đến vụ án này, không được mua bán cây gỗ tạp với bị cáo K nhưng nghĩ rằng bị cáo K có quyền khai thác vườn rừng của mình, không cần phải xin phép nhưng lại bị đình chỉ không được khai thác nên đứng ra nhận là mua gỗ từ K để có thể giúp K. Tuy nhiên, tại bút lục 204, 213 bị cáo K khai:“…đã thuê người khai thác gỗ tại rừng của gia đình tôi khi chưa được sự đồng ý của cơ quan chức năng” và "Tôi không xin phép ai cả vì khi giao dịch mua bán gỗ với anh T anh có nói là giấy tờ thủ tục anh tự lo nên tôi không xin phép ai cả". Tại giấy thỏa thuận mua bán cây với Dương Đình D (bút lục 184) mà bị cáo K, Nguyễn Bá T, Dương Đình D đều khai là bị cáo K ghi theo hướng dẫn của Dương Đình D tại nhà Nguyễn Bá T, có ghi "Cho ông Dương Đình D tự quyết định khai thác với số gỗ trên diện tích đã thỏa thuận, ông D tự lo thủ tục khai thác". Từ đó, thấy rằng dù bị cáo K, Nguyễn Bá T, Dương Đình D khai tại phiên tòa phúc thẩm lần 1 ngày 29/9/2021, ngày 05/10/2021 và quá trình điều tra lại cũng như tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm lần 2 là thực tế thì bị cáo K bán gỗ cho N và T, còn việc trước đó K khai bán gỗ cho T, D là khai báo không đúng sự thật, thì vẫn thể hiện là bản thân bị cáo K cũng như Nguyễn Bá T, Dương Đình D hoàn toàn nhận thức được việc khai thác gỗ trong vườn rừng của nhà bị cáo K là phải được sự cho phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì mới được khai thác, chứ không phải như bị cáo K cũng như Nguyễn Bá T, Dương Đình D đã khai cho rằng bị cáo K không cần phải xin phép khi khai thác gỗ gia đình K đã được cấp GCNQSDĐ.
[11] Khối lượng gỗ thuộc rừng sản xuất là rừng tự nhiên bị khai thác trong vụ án là 14,871m3, ngoài ra có một số gỗ đã được Nguyễn Mạnh T, Nông Chiến T, Nông Hiến C chở về xưởng gỗ bóc của Nguyễn Bá T, được bán đi dưới dạng củi hoặc chế biến thành gỗ ván bóc, không thu hồi được nên không xác định được khối lượng đối với số gỗ này; do đó, theo nguyên tắc có lợi cho bị cáo, Toà án cấp sơ thẩm xác định khối lượng gỗ bị khai thác là 14,871m3 là đúng pháp luật. Bị cáo K là chủ rừng nhưng đã thực hiện hành vi khai thác thông qua việc bán cho các đối tượng khác để khai thác khi chưa có đề nghị và được sự chấp thuận của Ủy ban nhân dân huyện Q, tỉnh Hà Giang. Hành vi của bị cáo đã vi phạm quy định tại Điều 58 của Luật Lâm nghiệp (về điều kiện khai thác lâm sản trong rừng sản xuất là rừng tự nhiên) và là một trong các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại khoản 1 Điều 9 của Luật Lâm nghiệp (gồm các hành vi là chặt, phá, khai thác, lấn, chiếm rừng trái quy định của pháp luật), đã xâm phạm đến các quy định của Nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng. Theo quy định tại Điều 7 của Luật Lâm nghiệp về sở hữu rừng thì Nhà nước là đại diện chủ sở hữu đối với rừng thuộc sở hữu toàn dân, trong đó có bao gồm rừng tự nhiên và tại Điều 74 của Luật Lâm nghiệp quy định thì chủ rừng có nghĩa vụ “Quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng bền vững theo Quy chế quản lý rừng, quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan”.
[12] Hành vi của bị cáo Hoàng Văn K là nguy hiểm cho xã hội, đã gây ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng của nước ta, cần được nghiêm trị. Quá trình điều tra, truy tố, xét xử, bị cáo còn câu kết với Nguyễn Bá T, Dương Dình D khai báo gian dối, cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật, gây hậu quả nghiêm trọng, làm sai lệch kết quả điều tra, dẫn đến vụ án bị hủy để điều tra lại, hơn nữa đến nay bị cáo chưa ăn năn hối cải, thể hiện thái độ bị cáo cố ý chống đối, coi thường pháp luật, coi thường kỷ cương phép nước. Bản án hình sự sơ thẩm số 11/2022/HS-ST ngày 07/7/2022 của Tòa án nhân dân huyện Q, tỉnh Hà Giang đã xét xử bị cáo Hoàng Văn K phạm tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” theo điểm b, khoản 1 Điều 232 của Bộ luật Hình sự, với tình tiết “Khai thác trái phép rừng sản xuất là rừng tự nhiên từ 10 mét khối (m3) đến dưới 20 mét khối (m3) …….” có khung hình phạt là phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm; xử phạt bị cáo Hoàng Văn K 07 tháng tù là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không oan.
[13] Về vật chứng của vụ án, 01 (một) máy cưa xăng, nhãn hiệu HUSQVARNA-365 có vỏ màu vàng cam, đã qua sử dụng và 1.200 tờ ván bóc, khối lượng 1,092m3; Tòa án cấp sơ thẩm đã giao lại cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Q để tiếp tục điều tra trong vụ án khác về hành vi cung cấp tài liệu sai sự thật, khai báo gian dối của các đối tượng Nguyễn Bá T, Dương Đình D, đã được tách ra xử lý trong vụ án khác nên không xem xét trong vụ án này.
[14] Ý kiến, quan điểm của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Giang tại phiên tòa là có căn cứ nên cần được chấp nhận.
[15] Quan điểm của người bào chữa cho bị cáo K tại phiên tòa đề nghị áp dụng Điều 359 Bộ luật Tố tụng hình sự; hủy Bản án sơ thẩm số 11/2022/HS-ST ngày 07/7/2022 của Tòa án nhân dân huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang và đình chỉ vụ án không được HĐXX chấp nhận.
[16] Trong vụ án này, có có các đối tượng liên quan: Đặng Văn N, Nguyễn Mạnh T đã có hành vi mua, khai thác gỗ trong rừng sản xuất là rừng tự nhiên, nhưng xét thấy khi thỏa thuận mua bán chủ rừng là Hoàng Văn K không nói rõ về nguồn gốc rừng, nên Cơ quan điều tra chưa cần thiết phải xử lý bằng trách nhiệm hình sự là phù hợp. Còn Đặng Văn T, Đặng Văn V, Nông Chiến T, Nông Hiến C và một số người khác là những người đi khai thác, bốc và vận chuyển gỗ thuê, không biết nguồn gốc rừng cũng như việc thỏa thuận mua bán khai thác rừng, nên không xem xét xử lý hình sự là phù hợp.
[17] Về án phí: Do kháng cáo của bị cáo K không được Hội đồng xét xử chấp nhận, nên bị cáo phải chịu tiền án phí hình sự phúc thẩm.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 356 Bộ luật Tố tụng hình sự; không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Hoàng Văn K; giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm số 11/2022/HS-ST ngày 07/7/2022 của Tòa án nhân dân huyện Q, tỉnh Hà Giang:
- Về tội danh: Tuyên bố bị cáo Hoàng Văn K phạm tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”.
- Về hình phạt: Áp dụng điểm b khoản 1 Điều 232, điểm i khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự; xử phạt bị cáo Hoàng Văn K 07 (Bẩy) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bị cáo đi chấp hành án.
- Về vật chứng: Căn cứ Điều 47 của Bộ luật Hình sự và Điều 106 của Bộ luật Tố tụng hình sự;
+ Tịch thu sung vào ngân sách nhà nước 14,871m3 gỗ rừng tự nhiên từ nhóm VI đến nhóm VIII gồm 69 đoạn đang được bảo quản tại hiện trường thuộc thôn T, xã T, huyện Q, tỉnh Hà Giang (chi tiết vật chứng thể hiện trong Biên bản về việc giao nhận vật chứng, tài sản ngày 13/4/2021 giữa Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Q và Chi cục Thi hành án dân sự huyện Q).
+ Giao lại cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Q để tiếp tục điều tra trong vụ án khác những vật chứng sau: 01 (một) máy cưa xăng, nhãn hiệu HUSQVARNA-365 có vỏ màu vàng cam, đã qua sử dụng và 1.200 tờ ván bóc, khối lượng 1,092m3 (chi tiết vật chứng thể hiện trong 02 Biên bản về việc giao nhận vật chứng, tài sản ngày 09/4/2021 và ngày 13/4/2021 giữa Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Q và Chi cục Thi hành án dân sự huyện Q).
- Về án phí: Căn cứ Điều 136 của Bộ luật Tố tụng hình sự, Điều 21, Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án; bị cáo Hoàng Văn K phải chịu 200.000 đồng (Hai trăm nghìn đồng) tiền án phí hình sự sơ thẩm và 200.000đ (Hai trăm nghìn đồng) tiền án phí hình sự phúc thẩm.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.
Bản án 39/2022/HS-PT về tội vi phạm quy định khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản
Số hiệu: | 39/2022/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hà Giang |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 30/09/2022 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về