Bản án 39/2018/HS-ST ngày 30/01/2018 về tội tham ô tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN

BẢN ÁN 39/2018/HS-ST NGÀY 30/01/2018 VỀ TỘI THAM Ô TÀI SẢN

Ngày 30 tháng 01 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 27/2017/HSST ngày 22 tháng 11 năm 2017 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 27/2018/QĐXXST-HS ngày 03 tháng 01 năm 2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên đối với các bị cáo:

1. Ma Văn C (Tên gọi khác: Không) - Sinh ngày: 15/11/1966, tại huyện B, tỉnh Lào Cai.

Nơi cư trú: Bản H, xã N, huyện P, tỉnh Điện Biên; nghề nghiệp trước khi bị bắt: Nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã N, huyện P, tỉnh Điện Biên; trình độ văn hóa: 07/10; dân tộc: Mông; Con ông: Ma A H (Tên gọi khác: Ma Seo H) (Đã chết) và bà: Giàng Thị G (Đã chết); có vợ: Giàng Thị A - Sinh năm 1965 và 4 con, con lớn nhất sinh năm 1996, con nhỏ nhất sinh năm 2004; tiền sự: Không; tiền án: Không; bị bắt tạm giam ngày 09/3/2017, có mặt.

2. Khoàng Văn T (Tên gọi khác: Không) - Sinh ngày: 03/6/1986, tại huyện P, tỉnh Điện Biên.

Nơi cư trú: Bản K, xã N, huyện P, tỉnh Điện Biên; nghề nghiệp trước khi bị bắt: Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã N, huyện P, tỉnh Điện Biên; trình độ văn hóa: 12/12; dân tộc: Kháng; Con ông: Khoàng Văn A - Sinh năm: 1960 và bà Lý Thị D - Sinh năm: 1964; có vợ: Thùng Thị N - Sinh năm: 1985 và 02 con, con lớn sinh năm 2005, con nhỏ sinh năm 2007; tiền sự: Không; tiền án: Không; bị bắt tạm giam ngày 09/3/2017, có mặt.

3. Ngô Tiến Q (Tên gọi khác: Không) - Sinh ngày: 14/01/1983, tại huyện H, tỉnh Bắc Giang.

Nơi cư trú: Bản Y, xã H, huyện P, tỉnh Điện Biên; nghề nghiệp trước khi bị bắt: Công chức; trình độ văn hóa: 12/12; dân tộc: Kinh; Con ông: Ngô Văn B - Sinh năm: 1957 và bà: Trần Thị K - Sinh năm: 1959; có vợ: Lê Thị H - Sinh năm: 1985 và 03 con, con lớn nhất sinh năm 2010 con nhỏ nhất sinh năm 2017; tiền sự: Không; tiền án: Không; bị bắt tạm giam ngày 09/3/2017, có mặt.

4. Ngô Văn K (Tên gọi khác: Không) - Sinh ngày: 24/02/1987, tại huyện H, tỉnh Bắc Giang.

Nơi cư trú: Bản Y, xã H, huyện P, tỉnh Điện Biên; nghề nghiệp: Thợ cơ khí; trình độ văn hóa: 12/12; dân tộc: Kinh; Con ông: Ngô Văn B - Sinh năm: 1957 và bà: Trần Thị K - Sinh năm: 1959; có vợ: Phạm Thị Kim A - Sinh năm: 1986 và 01 con sinh năm 2017; tiền sự: Không; tiền án: Không; bị bắt tạm giam ngày 25/5/2017, có mặt.

- Người bào chữa cho bị cáo Ma Văn C: Ông Đỗ Thế Đ - Luật sư thuộc Văn phòng Luật sư Đ, Đoàn Luật sư tỉnh Điện Biên, có mặt.

- Người bào chữa cho bị cáo Khoàng Văn T: Bà Trần Thị S - Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Điện Biên, có mặt.

- Người bào chữa cho bị cáo Ngô Tiến Q: Ông Phùng Việt H - Luật sư thuộc Văn phòng Luật sư H, Đoàn Luật sư tỉnh Điện Biên, có mặt.

- Nguyên đơn dân sự: Ủy ban nhân dân xã N, huyện P, tỉnh Điện Biên.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Sùng A L, chức vụ: Quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã N, huyện P, tỉnh Điện Biên, vắng mặt.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án:

1. Ông Thào A T - Sinh năm: 1972,

Nơi cư trú: Bản C, xã N, huyện P, tỉnh Điện Biên, vắng mặt.

2. Ông Lê Văn H - Sinh năm: 1975,

Nơi cư trú: Bản K, xã N, huyện P, tỉnh Điện Biên; chức vụ: Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã N, huyện P, tỉnh Điện Biên, có mặt.

3. Bà Nguyễn Thị G - Sinh ngày: 15/5/1991,

Nơi cư trú: Bản K, xã N, huyện P, tỉnh Điện Biên, có mặt.

4. Ông Thùng Văn Q - Sinh năm: 1982,

Nơi cư trú: Bản K1, xã N, huyện P, tỉnh Điện Biên, có mặt.

5. Ông Nguyễn Thái H - Sinh ngày: 18/10/1974,

Nơi ở hiện nay: Bản Y1, xã H, huyện P, tỉnh Điện Biên, vắng mặt.

6. Ông Đỗ Văn N - Sinh năm: 1989, Chỗ ở hiện nay: Bản Y2, xã H, huyện P, tỉnh Điện Biên, có mặt.

7. Bà Đặng Thị Tuyết M - Sinh ngày: 27/9/1976

Nơi ĐKHKTT: Xã M, huyện M, tỉnh Điện Biên, vắng mặt.

8. Ông Phạm Thanh L - Sinh ngày: 30/10/1992

Nơi ĐKHKTT: Số nhà 1, tổ 2, phường T, thành phố Đ, tỉnh Điện Biên, vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Năm 2015 và 2016, Ma Văn C cùng Khoàng Văn T, Ngô Tiến Q và Ngô Văn K đã cùng nhau thống nhất lập khống hồ sơ thanh toán hai công trình sửa chữa nước sinh hoạt tại bản D và bản E chiếm đoạt số tiền là 324.765.811 đồng (Ba trăm hai mươi bốn triệu bảy trăm sáu mươi lăm nghìn tám trăm mười một đồng), cụ thể:

Lần thứ nhất: Khoảng đầu tháng 5 năm 2015, khi nắm được chủ trương của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Điện Biên phân bổ nguồn vốn duy tu bảo dưỡng cơ sở hạ tầng cho UBND huyện P, Ma Văn C, Khoàng Văn T và Ngô Tiến Q thống nhất lập hồ sơ khống xin kinh phí sửa chữa công trình nước sinh hoạt bản D để lấy tiền chia nhau. Ngày 04/5/2015, Q và C thống nhất mức kinh phí sửa chữa là 180.000.000 đồng. Ngày 28/5/2015, UBND huyện P ra quyết định duyệt dự toán sửa chữa công trình nước sinh hoạt bản D với số tiền là 170.000.000 đồng. Đến đầu tháng 9 năm 2015, C và Q nhất trí để Ngô Văn K (Em trai của Q) thi công công trình với số tiền là 40.000.000 đồng, sau khi thi công xong UBND xã N cùng K có trách nhiệm làm hồ sơ để thanh toán, K nhận tiền về được hưởng 40.000.000 đồng còn lại phải đưa cho C, K đồng ý. Khoảng 01 tuần sau K thi công công trình tổng cộng hết 3.870.000 đồng.

Sau khi thi công xong, K thông báo cho C, C không tiến hành kiểm tra mà bảo Q hoàn thiện hồ sơ thanh toán, Q tự lập hồ sơ khớp với kinh phí được giao để sửa chữa công trình. Khoảng 5 ngày sau, Q mang hồ sơ cho K ký vào phần đơn vị thi công, Khoàng Văn T ký vào phần đại diện chủ đầu tư, Nguyễn Thị G ký vào phần kế toán, Thùng Văn H - Chủ tịch Hội đồng nhân dân (HĐND) xã ký phần đại diện ban giám sát. Ngày 25/9/2015, K đến Kho bạc nhà nước huyện P nhận 170.000.000 đồng tiền thanh toán sửa chữa công trình. Sau khi nhận được tiền K đưa toàn bộ số tiền trên cho C, C nhận tiền đưa lại cho K 40.000.000 đồng, còn 130.000.000 đồng được C, T và Q thống nhất chia như sau: Nguyễn Thái H 30.000.000 đồng, Thùng Văn H 20.000.000 đồng, Nguyễn Thị G 3.000.000 đồng, Khoàng Văn T 25.000.000 đồng, Ma Văn C và Ngô Tiến Q mỗi người 26.000.000 đồng.

Khoảng 04 tháng sau, Ma Văn C biết được việc K sửa chữa nhầm từ công trình nước sinh hoạt bản D sang công trình nước sinh hoạt bản D2 nên đã thông báo với Q là K đã sửa chữa nhầm và yêu cầu K chủ động sửa chữa công trình nước sinh hoạt bản D nhưng K không thực hiện. Ngày 13/12/2017, ông Thào A T đã gửi đơn đến UBND huyện P về việc UBND xã N không thực hiện sửa chữa công trình nước sinh hoạt bản D. Ngày 17/12/2016, khi biết cơ quan chức năng đang kiểm tra, K đã mua 15 van khóa nước, 01 tạ xi măng, 08 khớp nối để khắc phục, khi đang tiến hành sửa chữa thì bị cơ quan chức năng yêu cầu dừng thi công để phục vụ cho công tác kiểm tra xác minh.

Lần thứ hai: Khoảng tháng 5 năm 2016, Ngô Tiến Q biết được chủ trương của UBND huyện P phân bổ vốn để sửa chữa một số công trình ở các xã; Q, C và T thống nhất lập hồ sơ sửa chữa công trình nước sinh hoạt tại bản E khống để lấy tiền chia nhau. Ngày 06/6/2016, Q và C thống nhất lập tờ trình xin mức phí sửa chữa công trình là 160.000.000 đồng và được UBND huyện P phê duyệt. Giữa tháng 8 năm 2016, Q lập hồ sơ sự toán sửa chữa công trình nước sinh hoạt bản E, trong hồ sơ tờ trình do Ma Văn C ký, biên bản kiểm tra hiện trạng ông Lê Văn H - Chủ tịch HĐND xã N ký tại phần Ban giám sát, T ký vào mục đại diện UBND xã và ký giả mạo tên ông Hờ A V - Trưởng bản E rồi chuyển lại cho Q để gửi hồ sơ đến Phòng Tài chính kế hoạch huyện P thẩm định. Ngày 23/9/2016 hồ sơ dự toán được Phòng Tài chính kế hoạch huyện P phê duyệt.

Khoảng đầu tháng 11 năm 2016, C để K thực hiện sửa chữa công trình nước sinh hoạt tại bản E với số tiền là 40.000.000 đồng, sau khi sửa chữa xong UBND xã N cùng với K có trách nhiệm làm hồ sơ để thanh toán, khi nhận tiền về K được hưởng số tiền 40.000.000 đồng phần còn lại đưa cho C, K đồng ý và thực hiện công trình. Đến giữa tháng 11, K thông báo cho C biết đã sửa chữa xong công trình, C gọi điện bảo Q hoàn thiện hồ sơ thanh toán để rút tiền đầu tư, Q đã lập hồ sơ đưa cho K ký vào các phần của đơn vị thi công, đưa C ký vào các phần của đại diện chủ đầu tư, G ký vào phần kế toán xã, Lê Văn H ký vào phần giám sát HĐND. Ngày 15/12/2016, K đến Kho bạc nhận toàn bộ số tiền thanh toán sửa chữa công trình nước sinh hoạt tại bản E là 160.000.000 đồng. Rút được tiền, K đưa toàn bộ số tiền cho C, C nhận tiền đưa lại cho K 40.000.000 đồng, K đưa lại cho C 2.000.000 đồng để cảm ơn, số tiền còn lại được chia như sau: Ông Nguyễn Thái H 40.000.000 đồng, Q 20.000.000 đồng, ông Đỗ Văn N 5.000.000 đồng, bà Đặng Thị Tuyết M 1.000.000 đồng, ông Phạm Thanh L 1.000.000 đồng, ông Thùng Văn Q 4.000.000 đồng, ông Lê Văn H 10.000.000 đồng, Khoàng Văn T 20.000.000 đồng, Nguyễn Thị G 3.000.000 đồng, Ma Văn C 16.000.000 đồng.

Tại phiên tòa các bị cáo khai nhận khi đưa tiền không có người chứng kiến và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đều không thừa nhận việc các bị cáo đã đưa tiền cho họ (Riêng bà Nguyễn Thị G có nhận được 6.000.000 đồng nhưng không biết đây là tiền do các bị cáo phạm tội mà có) và các bị cáo đều chấp nhận hoàn trả lại toàn bộ số tiền các bị cáo đã tham ô. Như vậy, qua việc lập hồ sơ khống đối với hai công trình sửa chữa nước sinh hoạt tại bản D và bản E, Ma Văn C được hưởng số tiền là 126.000.000 đồng, Khoàng Văn T được hưởng 65.000.000 đồng, Ngô Tiến Q được hưởng 53.000.000 đồng, Ngô Văn K được hưởng 74.765.811 đồng.

Tại Bản kết luận định giá tài sản trong tố tụng hình sự số 1327/KL-HĐĐGTS ngày 01/9/2017 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự, Sở Tài chính tỉnh Điện Biên kết luận: Thi công lắp đặt van khóa nước và quét xi măng bể nước 01 lớp tại bản D, xã N, huyện P (Thời điểm năm 2015) gồm: 08 van khóa nước bằng kim loại bạc có cần gạt phi 20 nhãn hiệu SANO, 07 van khóa nước bằng kim loại bạc có cần gạt phi 20 nhãn hiệu DALIM, quét nước xi măng một lớp loại PCB300 diện tích 86,4m2  có tổng giá trị là 1.638.477 đồng. Thi công lắp đặt van khóa nước và quét nước xi măng bể nước bản E, xã N, huyện P quét một lớp loại PCB300 (Thời điểm năm 2016) gồm: 08 van khoá nước bằng kim loại màu bạc có cần gạt phi 20 nhãn hiệu SANO, 07 van khóa nước bằng kim loại màu bạc có cần gạt phi 20 nhãn hiệu MINH HOA, quét nước xi măng diện tích 182,4m2 tổng giá trị là 3.595.712 đồng. Trong quá trình thực hiện việc sửa chữa hai công trình trên, Ngô Văn K đưa vào sửa chữa công trình nước sinh hoạt bản D là 1.638.477 đồng, sửa chữa công trình nước sinh hoạt bản E là 3.595.712 đồng, tổng cộng là 5.234.189 đồng.

Trong quá trình điều tra, các bị cáo và người đại diện cho gia đình của các bị cáo đã nộp lại số tiền các bị cáo đã chiếm đoạt là 326.000.000 đồng, trong đó: Của bị cáo Ma Văn C là 128.000.000 đồng, của bị cáo Khoàng Văn T là 65.000.000 đồng, của bị cáo Ngô Tiến Q là 53.000.000 đồng, của bị cáo Ngô Văn K là 80.000.000 đồng. Nguyễn Thị G nộp lại 6.000.000 đồng, ông Nguyễn Thái H nộp 400.000 đồng (Tiền quà tết Ma Văn C đưa cho). Ngày 19/9/2017, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Điện Biên đã chuyển số tiền 332.400.000 đồng nêu trên vào tài khoản tại Kho bạc Nhà nước tỉnh Điện Biên.

Tại Bản cáo trạng số 36/QĐ-VKS-P2 ngày 20/11/2017 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Điện Biên đã quyết định truy tố các bị cáo Ma Văn C, Khoàng Văn T, Ngô Tiến Q và Ngô Văn K về tội “Tham ô tài sản” theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 278 Bộ luật Hình sự năm 1999 (Sửa đổi, bổ sung năm 2009).

Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố luận tội và tranh luận: Giữ nguyên quyết định truy tố đối với các bị cáo Ma Văn C, Khoàng Văn T, Ngô Tiến Q, Ngô Văn K về tội “Tham ô tài sản”,

Đề nghị:

Áp dụng Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 đối với các bị cáo.

Áp dụng điểm d khoản 2 Điều 353; điểm b, điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 17; khoản 1 Điều 54 Bộ luật Hình sự năm 2015 (Sửa đổi năm 2017) xử phạt bị cáo Ma Văn C từ 04 đến 05 năm tù.

Áp dụng điểm d khoản 2 Điều 353; điểm b, điểm s, điểm v khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 17; khoản 1 Điều 54 Bộ luật Hình sự năm 2015 (Sửa đổi năm 2017) xử phạt bị cáo Khoàng Văn T từ 03 đến 04 năm tù.

Áp dụng điểm d khoản 2 Điều 353; điểm b, điểm s  khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 17; khoản 1 Điều 54 Bộ luật Hình sự năm 2015 (Sửa đổi năm 2017) xử phạt bị cáo Ngô Tiến Q từ 04 đến 05 năm tù.

Áp dụng điểm d khoản 2 Điều 353; điểm b, điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 17; khoản 1 Điều 54 Bộ luật Hình sự năm 2015 (Sửa đổi năm 2017) xử phạt bị cáo Ngô Văn K từ 02 năm 06 tháng đến 03 năm tù.

Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với các bị cáo.

Áp dụng Điều 48 Bộ luật Hình sự năm 2015 (Sửa đổi năm 2017); Điều 584; Điều 585; Điều 589 Bộ luật Dân sự, buộc các bị cáo phải hoàn trả số tiền đã tham ô, tổng số tiền là 324.765.811 đồng (Trong đó Ma Văn C 126.000.000 đồng, Ngô Tiến Q 53.000.000 đồng, Ngô Văn K 74.765.811 đồng, Khoàng Văn T 65.000.000 đồng), tịch thu của Nguyễn Thị G 6.000.000 đồng. Hoàn trả cho bị cáo Ma Văn C 2.000.000 đồng, bị cáo Ngô Văn K 5.234.189 đồng và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Nguyễn Thái H 400.000 đồng.

Các bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

Tại phiên tòa các bị cáo khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội như nội dung bản cáo trạng và bản luận tội của đại diện Viện kiểm sát và không có ý kiến tranh luận gì. Đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) xem xét giảm nhẹ hình phạt tù cho các bị cáo để các bị cáo sớm được trở về với gia đình và xã hội.

Những người bào chữa cho các bị cáo Ma Văn C, Khoàng Văn T và Ngô Tiến Q: Không ai có ý kiến tranh luận gì về tội danh và điều luật áp dụng như bản cáo trạng và bản luận tội của đại diện Viện kiểm sát, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét đến điều kiện hoàn cảnh và vai trò của từng bị cáo trong vụ án và xét đến nhân thân của các bị cáo, xử phạt các bị cáo ở mức thấp nhất của khung hình phạt liền kề để các bị cáo sớm được trở về cùng gia đình và xã hội.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án có mặt tại phiên tòa: Ông Thùng Văn Q, ông Lê Văn H, ông Đỗ Văn N đều không thừa nhận việc các bị cáo đã đưa tiền cho họ và không có đề nghị gì, bà Nguyễn Thị G thừa nhận có nhận được của bị cáo Ma Văn C số tiền là 6.000.000 đồng nhưng không biết đó là số tiền do bị cáo phạm tội mà có, nhất trí hoàn trả lại toàn bộ số tiền đã nhận là 6.000.000 đồng và không có đề nghị gì.

NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an tỉnh Điện Biên Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Điện Biên, Điều tra viên, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luât Tố tụng hình sự. Bị cáo, người bào chữa cho bị cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, nguyên đơn dân sự không co ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi , quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng cua cơ quan tiến hành tố tụng người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2] Tại phiên tòa các bị cáo khai nhận: Do nắm bắt được chủ trương của Nhà nước về việc đầu tư sửa chữa các công trình nước sinh hoạt phục vụ nhân dân tại xã N, huyện P, tỉnh Điện Biên. Ma Văn C (Nguyên Chủ tịch xã), Khoàng Văn T (Nguyên Phó Chủ tịch xã), Ngô Tiến Q (Nguyên kế toán phòng Tài chính - Kế hoạch) và Ngô Văn K (Em ruột của Ngô Tiến Q) đã cùng nhau bàn bạc lập tờ trình xin kinh phí để sửa chữa.

Tại quyết định số 1006/QĐ-UBND ngày 28/5/2015 về việc bổ sung dự toán chi ngân sách địa phương năm 2015 trong đó bổ sung dự toán chi Chương trình 30A duy tu bảo dưỡng cơ sở hạ tầng năm 2015 đối với việc sửa chữa nước sinh hoạt bản D, duyệt dự toán là 170.000.000 đồng. Quyết định số 765/QĐ-UBND ngày 30/5/2016 của Ủy ban nhân dân huyện P về việc phân bố chi tiết nguồn vốn sự nghiệp Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2016 phê duyệt nguồn vốn Chương trình 135 cho UBND xã N số tiền 160.000.000 đồng để sửa chữa công trình nước sinh hoạt bản E, xã N.

Sau khi có các quyết định của UBND huyện P về việc phê duyệt nguồn vốn trên Ma Văn C, Khoàng Văn T và Ngô Tiến Q đã thống nhất giao cho Ngô Văn K (Em ruột Q) thực hiện việc sửa chữa nhưng Ngô Văn K không làm các thủ tục khảo sát thiết kế nghiệm thu công trình theo luật định mà chỉ sửa chữa một số hạng mục nhỏ như sửa van khóa nước, quét xi măng mặt ngoài bể nước, thay một số đoạn ống nước bị hỏng. Trong đó, sửa chữa công trình tại bản D là 1.638.477 đồng và công trình bản E là 3.595.712 đồng, tổng cộng là 5.234.189 đồng nhưng đã cùng với Ma Văn C, Khoàng Văn T, Ngô Tiến Q lập khống toàn bộ hồ sơ để quyết toán toàn bộ hai công trình sửa chữa nước sinh hoạt tại bản D chiếm đoạt số tiền là 168.361.523 đồng và công trình sửa chữa nước sinh hoạt tại bản E chiếm đoạt số tiền là 156.404.288 đồng, tổng cộng là 324.765.811 đồng để chi dùng cá nhân. Trong đó, bị cáo Ma Văn C được hưởng số tiền là 126.000.000 đồng, bị cáo Khoàng Văn T được hưởng số tiền là 65.000.000 đồng, bị cáo Ngô Tiến Q được hưởng số tiền là 53.000.000 đồng, bị cáo Ngô Văn K được hưởng số tiền là 74.765.811 đồng để chi dùng cá nhân.

Hành vi đó của các bị cáo đã xâm phạm vào sự hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước, xâm phạm vào sở hữu tài sản của Nhà nước. Bởi vậy, các bị cáo đã phạm vào tội tham ô tài sản như cáo trạng và kết luận của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa là đúng người, đúng tội, không oan sai, phù hợp với lời khai nhận tội của các bị cáo tại phiên tòa.

Về tình tiết định khung hình phạt: Do các bị cáo đã chiếm đoạt số tiền là 324.765.811 đồng nên đã vi phạm tình tiết định khung được quy định tại điểm a khoản 3 Điều 278 Bộ luật Hình sự năm 1999 (Sửa đổi, bổ sung năm 2009).

Theo Công văn 276/TANDTC-PC ngày 13/9/2016 của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật Hình sự năm 2015, theo yêu cầu của Nghị quyết số 144/2016/QH13 ngày  29/6/2016, Nghị Quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc Hội; Hội đồng xét xử thấy rằng hành vi phạm tội của các bị cáo đã phạm vào tình tiết định khung quy định tại điểm d khoản 2 Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015 (Sửa đổi năm 2017) (Khoản 2 Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm tù. Điểm d quy định chiếm đoạt tài sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng). Xét về hành vi phạm tội của từng bị cáo, HĐXX thấy rằng, vụ án này là vụ án có đồng phạm nhưng ở mức độ đồng phạm giản đơn, không có sự tổ chức chặt chẽ trong đó bị cáo Ma Văn C, Ngô Tiến Q giữ vai trò chính trong vụ án, các bị cáo còn lại có vai trò đồng phạm giúp sức. Bởi vậy, HĐXX sơ thẩm thấy rằng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Điện Biên truy tố các bị cáo Ma Văn C, Khoàng Văn T, Ngô Tiến Q, Ngô Văn K đã phạm vào tội “Tham ô tài sản” và đề nghị áp dụng điểm d khoản 2 Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015 (Sửa đổi năm 2017) là hoàn toàn chính xác, các bị cáo không bị truy tố oan sai.

[3] Xét về các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự và nhân thân của các bị cáo:

Các bị cáo đều không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các bị cáo đều thành khẩn khai báo về hành vi phạm tội và hoàn trả toàn bộ số tiền mà các bị cáo đã tham ô. Do vậy, cần áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm b, điểm s khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015 (Sửa đổi năm 2017) đối với các bị cáo. Trong quá trình học tập bị cáo Khoàng Văn T được tặng bằng khen nên được áp dụng điểm v khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015 (Sửa đổi năm 2017). Bị cáo Ma Văn C và Khoàng Văn T trong quá trình công tác được tặng nhiều giấy khen, các bị cáo Ngô Tiến Q và Ngô Văn K có bố đẻ được tặng thưởng huân chương nên được áp dụng khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015 (Sửa đổi năm 2017).

Xét về nhân thân của các bị cáo thấy rằng các bị cáo đều có nhân thân tốt, ngoài lần phạm tội này các bị cáo đều chưa bị xử lý hành chính, xét xử về một tội danh nào khác.

Do các bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ được quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015 (Sửa đổi 2017) và không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Căn cứ vào hành vi phạm tội, vai trò của từng bị cáo, các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự, nhân thân của các bị cáo Hội đồng xét xử thấy rằng cần áp dụng khoản 1 Điều 54 Bộ luật Hình sự năm 2015 (Sửa đổi năm 2017), xử phạt các bị cáo ở mức tù có thời hạn để cải tạo giáo dục các bị cáo và phòng ngữa chung cho xã hội.

[4] Về hình phạt bổ sung: Theo quy định tại khoản 5 Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015 (Sửa đổi năm 2017), người phạm tội còn bị cấm đảm nhận chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Hội đồng xét xử xét thấy sau khi thực hiện hành vi phạm tội các bị cáo đã nộp lại toàn bộ số tiền phạm tội mà có, điều kiện kinh tế của các bị cáo hiện còn gặp nhiều khó khăn do vậy Hội đồng xét xử quyết định không áp dụng khoản 5 Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015 (Sửa đổi năm 2017) đối với các bị cáo.

[5] Về trách nhiệm dân sự: Tại các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và tại phiên tòa các bị cáo khai nhận đã hoàn trả lại toàn bộ số tiền do phạm tội mà có hiện đang gửi tại tài khoản tạm giữ tại Cục thi hành án dân sự tỉnh Điện Biên số tiền này cần xử lý như sau:

Tịch thu để hoàn trả ngân sách Nhà nước số tiền là 324.765.811 đồng (Trong đó của bị cáo Ma Văn C 126.000.000 đồng, bị cáo Ngô Tiến Q 53.000.000 đồng, bị cáo Khoàng Văn T 65.000.000 đồng, bị cáo Ngô Văn K 74.765.811 đồng và của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Nguyễn Thị G 6.000.000 đồng).

Đối với nguyên đơn dân sự Ủy ban nhân dân xã N, huyện P, tỉnh Điện Biên đã được triệu tập tham gia phiên tòa lần thứ 2 nhưng vắng mặt, đồng thời không có văn bản nêu ý kiến về phần trách nhiệm dân sự, do đó HĐXX không xem xét giải quyết.

[6] Về án phí: Áp dụng khoản 2 Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án các bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm.

Đối với những người có nghĩa vụ liên quan bà Nguyễn Thị G đã nhận của bị cáo Ma Văn C tổng số tiền là 6.000.000 đồng và ông Nguyễn Thái H đã nhận của Ma Văn C số tiền là 400.000 đồng nhưng đều không biết số tiền đó do bị cáo phạm tội mà có và đã hoàn trả số tiền đó. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Điện Biên đã có văn bản số 02/KN-VKS ngày 20/11/2017 về việc kiến nghị công tác quản lý nguồn vốn sửa chữa công trình dân sinh tại UBND huyện P; ngày 22/11/2017 UBND huyện P đã có văn bản số 1240/UBND-VP về việc trả lời Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Điện Biên và không đặt vấn đề xem xét trong vụ án. Do vậy, Hội đồng xét xử không xem xét giải quyết.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

1. Tuyên bố các bị cáo Ma Văn C, Khoàng Văn T, Ngô Tiến Q và Ngô Văn K đều phạm tội “Tham ô tài sản”.

Áp dụng điểm d khoản 2 Điều 353; điểm b, điểm s, khoản 1; khoản 2 Điều 51; Điều 17; khoản 1 Điều 54 Bộ luật Hình sự năm 2015 (Sửa đổi năm 2017) xử phạt bị cáo Ma Văn C 42 (Bốn mươi hai) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày 09/3/2017.

Áp dụng điểm d khoản 2 Điều 353; điểm b, điểm s, khoản 1; khoản 2 Điều 51; Điều 17; khoản 1 Điều 54 Bộ luật Hình sự năm 2015 (Sửa đổi năm 2017) xử phạt bị cáo Ngô Tiến Q 42 (Bốn mươi hai) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày 09/3/2017.

Áp dụng điểm d khoản 2 Điều 353; điểm b, điểm s, điểm v khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 17; khoản 1 Điều 54 Bộ luật Hình sự năm 2015 (Sửa đổi năm 2017)xử phạt bị cáo Khoàng Văn T 30 (Ba mươi) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày 09/3/2017.

Áp dụng điểm d khoản 2 Điều 353; điểm b, điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 17; khoản 1 Điều 54 Bộ luật Hình sự năm 2015 (Sửa đổi năm 2017), xử phạt bị cáo Ngô Văn K 24 (Hai mươi bốn) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày 25/5/2017.

2. Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 48 Bộ luật Hình sự năm 2015 (Sửa đổi năm 2017), các Điều 584, Điều 585 và Điều 589 Bộ luật Dân sự năm 2015; buộc các bị cáo và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Nguyễn Thị G phải hoàn trả số tiền 324.765.811 đồng (Ba trăm hai mươi bốn triệu, bảy trăm sáu mươi lăm nghìn, tám trăm mười một đồng) để sung Ngân sách Nhà nước. Trong đó: Bị cáo Ma Văn C phải hoàn trả số tiền là 126.000.000 đồng, bị cáo Khoàng Văn T phải hoàn trả số tiền là 65.000.000 đồng, bị cáo Ngô Tiến Q phải hoàn trả số tiền là 53.000.000 đồng, bị cáo Ngô Văn K phải hoàn trả số tiền là 74.765.811 đồng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Nguyễn Thị G phải hoàn trả số tiền là 6.000.000 đồng.

Trả lại cho bị cáo Ma Văn C 2.000.000 đồng, trả lại cho bị cáo Ngô Văn K số tiền là 5.234.189 đồng, trả lại người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan ông Nguyễn Thái H số tiền 400.000 đồng (Toàn bộ số tiền trên đã được chuyển vào tài khoản tạm giữ của Cục thi hành án dân sự tỉnh Điện Biên, theo quyết định số 266/QĐ- STC ngày 20/11/2017 của Sở Tài chính tỉnh Điện Biên).

3. Về án phí: Áp dụng khoản 2 Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, mỗi bị cáo phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm.

4. Về quyền kháng cáo đối với bản án: Bị cáo được quyền kháng cáo Bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có mặt được quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vắng mặt (Ông Thào A T, ông Nguyễn Thái H, bà Đặng Thị Tuyết M, ông Phạm Thanh L) được quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản sao bản án hoặc niêm yết đối với phần quyền và nghĩa vụ liên quan đến mình. Nguyên đơn dân sự Ủy ban nhân dân xã N, huyện P, tỉnh Điện Biên vắng mặt có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản sao bản án hoặc niêm yết đối với phần trách nhiệm dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

628
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 39/2018/HS-ST ngày 30/01/2018 về tội tham ô tài sản

Số hiệu:39/2018/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Thành phố Điện Biên Phủ - Điện Biên
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 30/01/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;