TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC
BẢN ÁN 37/2018/DS-PT NGÀY 20/08/2018 VỀ TRANH CHẤP CHIA DI SẢN THỪA KẾ
Ngày 20 tháng 8 năm 2018 tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 13/2018/TLPT-DS ngày 08 tháng 5 năm 2018 về việc tranh chấp chia di sản thừa kế. Do bản án dân sự sơ thẩm số 07/2018/DS-ST ngày 14 tháng 3 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện Yên Lạc bị kháng cáo. Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 48/2018/QĐ-PT ngày 09 tháng 7 năm 2018 giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Bà Vũ Thị S, sinh năm 1949
Địa chỉ: Xã L, huyện Y, tỉnh Vĩnh Phúc (có mặt)
2. Bị đơn: Bà Vũ Thị Đ1, sinh năm 1956 (có mặt)
Ông Nguyễn Văn C, sinh năm 1947 (có mặt)
Cùng địa chỉ: Xã T, huyện Y, tỉnh Vĩnh Phúc
Người đại diện theo ủy quyền của bà Vũ Thị Đ: Ông Nguyễn Văn C, sinh năm 1947
Địa chỉ: Xã T, huyện Y, tỉnh Vĩnh Phúc (có mặt)
3. Người kháng cáo: Bà Vũ Thị S.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện và các lời khai tiếp theo, nguyên đơn bà Vũ Thị S trình bày:
Bố mẹ bà là cụ Vũ Văn N và cụ Nguyễn Thị Đ2, lúc còn sống, cụ N và cụ Đ2 sinh được hai người con gái là bà và bà Vũ Thị Đ. Năm 1973, cụ N lấy vợ hai là cụ Nguyễn Thị T. Cụ N và cụ T sinh được một người con trai là anh Vũ Văn Đ3. Hiện nay, cụ T và anh Đ3 đang sinh sống tại miền Nam. Năm 1970, bà lấy chồng ở xã L và sinh sống tại quê chồng, bà Đ1 lấy ông C là người cùng thôn với bố mẹ bà và sinh sống tại thôn B, xã T, huyện Y, Vĩnh Phúc. Quá trình chung sống, cụ N và cụ Đ2 tạo lập được 01 thửa đất ở thôn B, xã T. Vào khoảng năm 1980 hay 1981, cụ N đã chia bằng miệng thửa đất của cụ N và cụ Đ2 tạo lập được ra làm 03 thửa. Chia cho cụ T một thửa, cụ Đ2 một thửa và bà một thửa. Thửa đất của cụ T được chia là thửa ở phía trên, hiện nay cụ T đang sử dụng và đã được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thửa đất của cụ Đ2 được chia là thửa số 125 diện tích 318m2 còn thửa đất của bà được chia là thửa số 126 diện tích 290m2. Khi cụ Đ2 còn sống thì cụ Đ2 là người nộp thuế sử dụng đất, sau khi cụ Đ2 chết thì ai tiếp tục nộp thuế thì bà không biết. Từ năm 2011 đến năm 2015, bà là người nộp thuế sử dụng thửa đất số 126, nhưng bà chưa có thời gian nào được quản lý sử dụng thửa đất 126.
Ngày 23/12/1990 (âm lịch) cụ N chết, trước khi chết cụ N không để lại di chúc. Khi cụ N chia thửa đất số 126 cho bà, cụ N không lập bằng văn bản nên năm 1990 Nhà nước đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên cụ Đ2. Bà có biết nhưng vì đất vẫn đứng tên cụ Đ2 nên bà không có ý kiến thắc mắc gì.
Ngày 23/02/2000 (âm lịch) cụ Đ chết, trước khi chết cụ Đ2 không để lại di chúc. Khi cụ Đ2 còn sống, bà chưa bao giờ nghe thấy cụ Đ2 nói về việc tặng cho vợ chồng ông C, bà Đ1 02 thửa đất số 125; 126. Vì vậy, toàn bộ giấy tờ tặng cho của cụ Đ2 mà vợ chồng ông C bà Đ1 xuất trình cho Tòa án đều là giấy tờ giả mạo. Tuy bà biết các văn bản tặng cho của cụ Đ2 lập vào các ngày 10/10/1996 và ngày 27/9/1999, là giả mạo nhưng bà không có căn cứ gì để chứng minh rằng các văn bản đó là giả mạo nên bà không yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định chữ ký và vân tay điểm chỉ của cụ Đ2 ở trong các văn bản tặng cho đất của cụ Đ2.
Bà xác định hiện tại 02 thửa đất số 125; 126 vẫn đứng tên của cụ Đ2 chưa sang tên cho ai thì vẫn là tài sản riêng của cụ Đ2 để lại không liên quan gì đến cụ T và anh Đ3. Hiện nay vợ chồng ông C bà Đ1 đang là người trực tiếp đang quản lý sử dụng di sản của cụ Đ2 cho nên bà yêu cầu Tòa án chia tài sản thừa kế 02 thửa đất số 125 và 126 của cụ Đ2 để lại đối với vợ chồng ông C bà Đ1. Bà xin được chia bằng hiện vật để làm nơi thờ tự cho bố mẹ. Còn các tài sản trên 02 thửa đất số 125; 126 bà chỉ yêu cầu Tòa án chia ngôi nhà cấp 04 bốn gian của cụ Đ2 để lại, còn cây cối lâm lộc và các tài sản khác trên đất bà không yêu cầu chia vì bà xác định những tài sản đó không phải là tài sản của cụ Đ2 để lại mà là tài sản do vợ chồng ông C bà Đ1 tạo lập ra.
Bị đơn là bà Vũ Thị Đ1 và ông Nguyễn Văn C trình bày: Ông bà thừa nhận về hàng thừa kế của cụ N và cụ Đ2 như lời trình bày trên của bà S là đúng.
Về nguồn gốc thửa đất số 125; 126 của cụ Đ2: Ông C bà Đ xác định là tài sản riêng của cụ Đ2 được cụ N, cụ Đ2 và cụ T chia tại văn bản chia đất lập vào ngày 10/01/1989. Căn cứ vào văn bản chia đất, năm 1990 cụ Đ 2 và cụ T được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đến ngày 23/12/1990 (âm lịch) cụ N chết. Sau khi cụ N chết, cụ Đ2 ở đất của cụ Đ2, cụ T ở đất của cụ T. Cụ T ở được một thời gian thì chuyển vào miền Nam sinh sống cùng con trai cho nên việc chia đất của cụ N, cụ Đ2 và cụ T năm 1989 ông bà không có ý kiến thắc mắc gì.
Quá trình sử dụng 02 thửa đất số 125; 126 cụ Đ2 đã tách thửa đất của cụ Đ2 được chia năm 1989 ra thành 02 thửa số 125 và số 126. Năm 1996, cụ Đ2 có ý định bán 01 thửa để chi tiêu thì ông C không muốn cho cụ Đ2 bán đất ra ngoài nên ông C đã trực tiếp mua lại của cụ Đ2 thửa đất cụ Đ2 định bán để giữ đất sau này có chỗ thờ cúng tổ tiên. Còn 01 thửa thì cụ Đ2 thừa kế lại cho ông C nhưng với điều kiện, vợ chồng ông bà phải có trách nhiệm trông nom, chăm sóc cụ Đ2 đến khi cụ Đ2 chết.
Ngày 10/10/1996, cụ Đ2 đã lập 02 văn bản chuyển nhượng quyền sử dụng đất 02 thửa đất số 125, 126 của cụ Đ2 cho ông C được sự chứng kiến của ông Nguyễn Văn Cao là trưởng khu 9 thôn B thời kỳ đó xác nhận. Sau đó ông C là người đến Ủy ban nhân dân xã T để xin chứng thực văn bản tặng cho của cụ Đ2. Ông Nguyễn Phương N là Phó chủ tịch xã T và ông Đỗ Văn K là cán bộ ruộng đất thời kỳ đó yêu cầu ông C phải đưa cụ Đ2 đến trụ sở Ủy ban xã T để làm thủ tục tặng cho. Tại Trụ sở Ủy ban nhân dân xã T cụ Đ2 đã thể hiện quan điểm tặng cho của mình và ký tên vào văn bản tặng cho ông C 02 thửa đất số 125; 126 dưới sự chứng kiến của ông N và ông K. Đến năm 1999, cụ Đ2 sợ ông C không tốt với bà Đ1 nên cụ Đ2 lại thay đổi di nguyện và lập thêm 02 văn bản tặng cho bà Đ1 02 thửa đất của cụ Đ2 đã cho ông C năm 1996 dưới sự chứng kiến của ông Nguyễn Văn C1 là trưởng khu 9 thôn B và anh em nội tộc bên nội của cụ N. Ông C bà Đ1 xác định, cụ Đ2 có biết chữ. Lý do văn bản tặng cho bà Đ1 đất năm 1999 cụ Đ2 điểm chỉ không ký vào giấy chuyển quyền sử dụng đất là do cụ Đ2 nghĩ điểm chỉ cho chắc chắn nên không ký tên nữa.
Khi còn sống, cụ Đ2 ở một mình trên đất nhưng hàng ngày vợ chồng ông bà là người trực tiếp nuôi dưỡng và chăm sóc. Bà S lấy chồng ở xã L, thỉnh thoảng mới về thăm cụ. Sau khi cụ Đ2 lập văn bản cho đất, cụ Đ2 đã giao đất và nhà cho vợ chồng ông bà quản lý nên khi nhà ở của cụ Đ2 xuống cấp, ông bà sửa sang nâng cấp lại cho cụ Đ2 ở. Ngoài ra còn xây dựng tường cổng các công trình phụ cho cụ Đ2 sử dụng và trồng cây cối lâm lộc trên đất, hàng năm ông bà là người đóng thuế sử dụng đất của cụ Đ2. Việc này bà S, anh em nội tộc trong gia đình cùng với chính quyền địa phương và hàng xóm trong thôn đều biết. Khi cụ Đ2 còn sống, hàng năm đến ngày giỗ ngày tết của gia đình cụ Đ2, vợ chồng ông bà là người đứng ra lo liệu. Khi cụ Đ2 chết ông bà cũng là người đứng ra lo liệu, bà S không có trách nhiệm gì.
Nay bà S khởi kiện ông bà không đồng ý chia thừa kế đối với 02 thửa đất số 125; 126 và ngôi nhà cấp 4 xây dựng trên 02 thửa đất số 125,126 đứng tên cụ Đ2 đồng thời ông bà đề nghị Tòa án công nhận quyền sử dụng đất của ông bà đối với 02 thửa đất số 125; 126 của cụ Đ2 tặng cho ông bà tại văn bản tặng cho quyền sử dụng đất lập vào các ngày 10/10/1996 và ngày 27/9/1999.
Tại bản án số 07/2018/DS-ST ngày 14 tháng 3 năm 2018, Tòa án nhân dân huyện Yên Lạc đã áp dụng các điều 129; 611; 623 của Bộ luật dân sự năm 2015; các điều 722; 723; 724; 725 của Bộ luật dân sự năm 2005; Điều 100 của Luật đất đai; Điều 144 Bộ luật tố tụng dân sự; Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án.
Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện chia thừa kế của bà Vũ Thị S.
Công nhận quyền sử dụng thửa đất số 125, tờ bản đồ số 07 diện tích đo đạc thực tế là 450.4m2 (Bốn trăm năm mươi phảy tư mét vuông), theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số A 366995 và thửa đất số 126, tờ bản đồ số 07 diện tích đo đạc thực tế là 269,8m2 (Hai trăm sáu chín phảy tám mét vuông), theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số A 366994 do Ủy ban nhân dân huyện V (cũ) nay là huyện Yên Lạc cấp cho cụ Nguyễn Thị Đ2 ngày 15/10/1990 cho vợ chồng ông Nguyễn Văn C bà Vũ Thị Đ1. (Đất có các cạnh tiếp giáp như sơ đồ kèm theo).
Ngoài ra bản án còn tuyên về án phí, lệ phí và quyền kháng cáo cho các đương sự.
Ngày 26/3/2018 bà Vũ Thị S có đơn kháng cáo không nhất trí với quyết định của bản án sơ thẩm, đề nghị Tòa án chia di sản thừa kế của cụ Nguyễn Thị Đ2 để lại theo quy định pháp luật.
Tại phiên tòa Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc: Đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về tố tụng: Đơn kháng cáo của bà Vũ Thị S làm trong hạn luật định hợp lệ được chấp nhận.
[2] Về nội dung: Trên cơ sở các tài liệu có trong hồ sơ xác định cụ Vũ Văn N và cụ Nguyễn Thị Đ1 sinh được hai người con gái là bà Vũ Thị S và bà Vũ Thị Đ1. Năm 1973, cụ N lấy vợ hai là cụ Nguyễn Thị T. Cụ N và cụ T sinh được một người con trai là anh Vũ Văn Đ3. Cụ N và cụ Đ2 tạo lập được 01 thửa đất ở tọa lạc tại thôn B, xã T. Tại văn bản chia đất lập vào ngày 10/01/1989 các cụ thống nhất nội dung cụ Đ2 được chia thửa đất số 125; 126 hiện nay vợ chồng ông C bà Đ1 đang trực tiếp quản lý sử dụng, cụ T được chia thửa đất phía trên diện tích khoảng 01 sào 05 thước ở vị trí lối cổng đi sau nhà cụ Đ2. Ngày 15/10/1990 Ủy ban nhân dân huyện V (cũ) nay là huyện Yên Lạc đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số: A 366994 thửa đất số 126 có diện tích 290m2 và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số: A 366995 thửa đất số 125 có diện tích 318m2 tại thôn B, xã T, huyện Y, tỉnh Vĩnh Phúc cho cụ Nguyễn Thị Đ2. Trên đất mang tên cụ Đ2 có 01 nhà cấp 4.
Như vậy nhà và 02 thửa đất trên là tài sản riêng của cụ Đ2 không phải là tài sản chung của cụ Đ2 và cụ N và là di sản thừa kế do cụ Đ2 để lại. Hàng thừa kế thứ nhất được xác định là Vũ Thị S và Vũ Thị Đ1.
Cấp sơ thẩm đã thu thập chứng cứ, đánh giá chứng cứ và xác định di sản thừa kế đã được chia nên không còn di sản vì vậy không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà S, công nhận quyền sử dụng đất đối với bà Đ1, ông C do đó bà S kháng cáo.
Xét kháng cáo của bà S nhận thấy quá trình giải quyết vụ án và trong đơn kháng cáo bà S cho rằng vào khoảng năm 1980 hay 1981, cụ N đã chia bằng miệng thửa đất của cụ N và cụ Đ2 tạo lập được ra làm 03 thửa cụ thể chia cho cụ T một thửa, cụ Đ2 một thửa và bà một thửa nhưng bà S không có căn cứ chứng minh. Phía bà Đ1, ông C xuất trình tài liệu là “Giấy phân chia đất ở” đề ngày 01/02/1989 và “Giấy chuyển quyền sử dụng đất thổ cư” đề ngày 10/10/1996 đối với thửa đất số 125 có diện tích 318m2; “Giấy chuyển quyền sử dụng đất thổ cư” đề ngày 10/10/1996 đối với thửa đất số 126 có diện tích 290m2 và 02 “Giấy chuyển nhượng quyền thừa kế đất thổ cư” đề ngày 27/9/1999 nhưng bà S không thừa nhận. Tuy nhiên bà S cũng không yêu cầu trưng cầu giám định đối với các tài liệu chứng cứ trên.
Các chứng cứ có trong hồ sơ thể hiện ngày 10/10/1996, cụ Đ2 đã có văn bản tặng cho ông C 02 thửa đất 125; 126, ngày 27/9/1999 cụ Đ2 tiếp tục có văn bản tặng cho bà Đ1 02 thửa đất 125; 126. Việc tặng cho của cụ Đ2 được sự chứng kiến của nhiều người, trong đó có sự chứng kiến của các cán bộ đại diện chính quyền xã T là ông Nguyễn Văn C1 là trưởng khu 9 thôn B, ông Đỗ Văn K cán bộ ruộng đất và ông Nguyễn Phương N Phó chủ tịch xã T thời kỳ đó và các thành viên trong nội tộc gia đình cụ Đ2. Những người làm chứng đều xác định khi lập văn bản cụ Đ2 minh mẫn và các văn bản đều thể hiện ý chí của cụ. Sau khi cụ Đ2 tặng cho đất, vợ chồng ông C, bà Đ1 đã công khai sử dụng ổn định, tu bổ kiến thiết thêm một số tài sản trên đất nhiều năm, hàng năm đóng thuế đất đầy đủ. Họ hàng anh em trong nội tộc, chính quyền địa phương và cả bà S đều biết nhưng bà S không có ý kiến gì. Từ năm 2011 đến năm 2015, chị em xảy ra mâu thuẫn, bà S đóng thuế sử dụng đất. Năm 2017, bà S đã có đơn khởi kiện, yêu cầu Tòa án chia tài sản chung đối với 02 thửa đất của cụ Đ2, sau đó lại rút đơn khởi kiện. Mặc dù, từ năm 2011 đến năm 2015 bà S có căn cứ chứng minh là người nộp tiền thuế sử dụng 200m2 đất nhưng thực tế bà S không có thời gian nào trực tiếp quản lý sử dụng đất của cụ Đ2, mà vợ chồng ông C bà Đ1 vẫn là người trực tiếp quản lý sử dụng đất từ đó đến nay.
Về mặt hình thức, các hợp đồng tặng cho của cụ Đ2 đều chưa tuân thủ đúng theo quy định tại khoản 1 Điều 725 của Bộ luật dân sự năm 2005 đó là người được tặng cho quyền sử dụng đất chưa đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để đăng ký quyền sử dụng theo quy định của Luật đất đai. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hợp đồng, khi cụ Đ2 và vợ chồng ông C, bà Đ1 đã thực hiện việc giao đất, sau khi cụ Đ2 chết vợ chồng ông C bà Đ1, quản lý sử dụng liên tục, công khai, ổn định hàng năm đóng thuế đất cho 02 thửa đất của cụ Đ2 tặng cho. Do vậy căn cứ Điều 129 Bộ luật dân sự năm 2015 xác định các bản hợp đồng tặng cho của cụ Đ2 tính đến thời điểm hiện tại đã thực hiện xong. Trong 05 bản hợp đồng tặng cho của cụ Đ2 thì có 02 bản hợp đồng được chính quyền địa phương chứng thực, còn 03 bản thì chỉ có xác nhận của ông Nguyễn Văn Cao vì vậy xét về mặt hình thức chỉ có 02 bản hợp đồng tặng cho của cụ Đ2 được chính quyền địa phương chứng thực được coi là có hiệu lực và không rơi vào các trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu về hình thức theo quy định tại Điều 122 Bộ luật dân sự 2015. Còn các văn bản còn lại không có chứng thực của chính quyền địa phương thì chỉ được coi là tài liệu khẳng định thêm việc cụ Đ2 thể hiện ý trí tặng cho vợ chồng ông C, bà Đ1 02 thửa đất số 125, 126.
Về mặt nội dung của các bản hợp đồng tặng cho của cụ Đ2 được chính quyền địa phương chứng thực đã thỏa mãn các điều kiện được quy định tại Điều 723 Bộ luật dân sự năm 2005. Căn cứ Điều 100 của Luật đất đai; Điều 82 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định về việc thi hành một số điều của Luật đất đai năm 2013. Vì vậy văn bản tặng cho quyền sử dụng đất của cụ Đ2 lập vào ngày 10/10/1996 được chính quyền địa phương chứng thực có đủ điều kiện để công nhận quyền sử dụng đối với 02 thửa đất số 125, 126 của cụ Đ2 tặng cho cho vợ chồng ông C, bà Đ1. Do vậy cần xác định ông C, bà Đ1 được sử dụng đất là hợp pháp nên di sản thừa kế của cụ Đ2 không còn để chia thừa kế theo pháp luật, cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu chia thừa kế của bà S là có căn cứ, cần giữ nguyên bản án sơ thẩm.
[3] Về án phí và các chi phí tố tụng: Bà Vũ Thị S được miễn toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch và án phí dân sự phúc thẩm do thuộc trường hợp người cao tuổi theo quy định tại Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Vì vậy bà S được hoàn trả lại số tiền án tạm ứng án phí đã nộp là 9.120.000 đồng (Chín triệu , một trăm hai mươi nghìn đồng ) theo biên lai thu tiên sô : AA/2016/0001664 ngày 15 tháng 10 năm 2017 của Chi cuc Thi hanh an dân sư huyên Yên Lạc .
Về chi phí tố tụng: Ghi nhận sự tự nguyện của bà Vũ Thị S về việc tự nguyện nộp 2.000.000 đồng (Hai triệu đồng) tiền lệ phí thẩm định, định giá tài sản.
[4] Ý kiến của Kiểm sát Viên tại phiên tòa là có cơ sở được chấp nhận. Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 129; 611; 623 của Bộ luật dân sự năm 2015; các Điều 722; 723; 724; 725 của Bộ luật dân sự năm 2005; Điều 100 của Luật đất đai; Điều 144 Bộ luật tố tụng dân sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
1. Không chấp nhận kháng cáo của bà Vũ Thị S. Giữ nguyên bản án số 07/2018/DS-ST ngày 14 tháng 3 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện Yên Lạc.
Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện chia thừa kế của bà Vũ Thị S.
Công nhận quyền sử dụng thửa đất số 125, tờ bản đồ số 07 diện tích đo đạc thực tế là 450.4m2 (Bốn trăm năm mươi phảy tư mét vuông), theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số A 366995 và thửa đất số 126, tờ bản đồ số 07 diện tích đo đạc thực tế là 269,8m2 (Hai trăm sáu chín phảy tám mét vuông), theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số A 366994 do Ủy ban nhân dân huyện V (cũ) nay là huyện Y cấp cho cụ Nguyễn Thị Đ2 ngày 15/10/1990 cho vợ chồng ông Nguyễn Văn C bà Vũ Thị Đ1. (Đất có các cạnh tiếp giáp như sơ đồ kèm theo).
2. Về án phí và chi phí tố tụng: Ghi nhận sự tự nguyện của bà Vũ Thị S về việc tự nguyện nộp 2.000.000 đồng (Hai triệu đồng) tiền lệ phí thẩm định, định giá tài sản.
Bà Vũ Thị S được miễn toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm và án phí dân sự phúc thẩm. Bà S được hoàn trả lại số tiền án tạm ứng án phí đã nộp là 9.120.000 đồng (Chín triệu, một trăm hai mươi nghìn đồng) theo biên lai thu tiền số : AA/2016/0001664 ngày 15 tháng 10 năm 2017 của Chi cục Thi hành án huyện Yên Lạc .
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 37/2018/DS-PT ngày 20/08/2018 về tranh chấp chia di sản thừa kế
Số hiệu: | 37/2018/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Vĩnh Phúc |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 20/08/2018 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về