TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN TỊNH BIÊN, TỈNH AN GIANG
BẢN ÁN 36/2018/DS-ST NGÀY 19/07/2018 VỀ ĐÒI LẠI TÀI SẢN LÀ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT
Trong ngày 19 tháng 07 năm 2018 tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Tịnh Biên xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 89/2017/TLST-DS, ngày 12 tháng 05 năm 2017 về “Đòi lại tài sản là QSDĐ” theo Quyết định đưa vụ án raxét xử số: 41/2018/QĐXX-ST ngày 11 tháng 06 năm 2018 giữa các đương sự:
1. Đồng nguyên đơn: Ông Nguyễn Văn H, sinh năm: 1939.
Ông Nguyễn Văn Q, sinh năm 1966.
Cùng địa chỉ: Tổ 14, ấp P, xã A, huyện T, tỉnh An Giang.
2. Bị đơn: Bà Nguyễn Thị Ph, sinh năm: 1947 (vắng)
Địa chỉ: Tổ 03, ấp P, xã A, huyện T, tỉnh An Giang.
3. Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan: Ông Nguyễn Văn D, sinh năm: 1966 (vắng)
Địa chỉ: Tổ 15, ấp P, xã A, huyện T, tỉnh An Giang.
3.2 Ủy ban nhân dân huyện T; Do ông Nguyễn Văn T – Phó Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện T và ông Nguyễn Thanh T – Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã A làm đại diện theo ủy quyền.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện nguyên đơn trình bày:
- Ông Nguyễn Văn H:
Nguồn gốc đất là của ông Nguyễn Văn D đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00434/hK ngày 31/8/1990, vào năm 2001 ông D sang nhượng toàn bộ diện tích đất ruộng 2.895m2 cho ông với giá 2,1 lượng vàng 24k (hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày 16/4/2001), vào ngày 07/6/2001 hai bên đã thực hiện chuyển quyền sử dụng đất thuộc tờ bản đồ số 01, gồm 06 thửa: thửa 1447 diện tích 810m2; thửa 1448 diện tích: 360m2 ; thửa 1449 diện tích: 466m2; thửa 1450 diện tích: 467m2; thửa 1451 diện tích: 360m2; thửa 1452 diện tích: 432m2, nhưng ông để lại cho con ông là Nguyễn Văn Q đứng tên theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00434QSDĐ/hK ngày 07/6/2001. Đến tháng 11 năm 2004 bà Ph và ông D ngang nhiên lấn chiếm diện tích đất 810m2 tại thửa 1447.
- Ông Nguyễn Văn Q trình bày:
Nhà ở kinh V bị giải tỏa không có chổ ở, nên vào năm 2001 cha anh là ông H có sang nhượng lại diện tích đất 2.895m2 của ông D cho anh đứng tên, vào khoảng 2004-2005 bà Phvà con là ông D đến cất nhà tại vị trí trí thửa đất số 1447 có diện tích là 810m2 và lấn chiếm cho đến nay, hiện nay căn nhà không còn nữa, anh yêu cầu bà Ph, ông D phải trả lại cho anh diện tích đất 810m2 tại thửa 1447 để anh sử dụng.
Bị đơn:
- Bà Nguyễn Thị Ph vắng mặt tại phiên tòa có lời trình bày trong quá trình giải quyết vụ án: Nguồn gốc đất 810m2 tại thửa 1447 nầy là của ông, bà để lại, không nằm trong diện tích mà ông D được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, khi ông H sang nhượng đất của ông D cũng chưa xác định mốc ranh, vị trí đất cụ thể chỉ căn cứ vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông D để sang nhượng, nên bà không đồng ý trả đất lại cho ông Hvà ông D.
Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:
- Anh Nguyễn Văn D vắng mặt tại phiên tòa có lời trình bày trong quá trình giải quyết vụ án:
Đất là của ông, bà để lại, thửa đất nầy là đất trồng cây lâu năm, gia đình anh đã sử dụng và trồng cây từ rất lâu, anh cho rằng diện tích đất nầy không thuộc diện tích đất trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông D, theo anh thì ông D được thừa hưởng diện tích đất từ thửa 1448,1449,1450,1451,1452 và 01 thửa đất không số nằm giáp với thửa 1452, còn thửa 1447 là thửa đất của gia đình anh và thửa đất nầy là thửa đất trồng cây lâu năm chứ không phải là đất trồng lúa như thể hiện trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông D, anh Q, nên anh không đồng ý trả lại đất theo như yêu cầu của ông H, anh Q.
- Ủy ban nhân dân huyện T:
+ Ông Nguyễn Thanh T – Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã A làm đại diện theo ủy quyền trình bày: Đối với việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông D, ông Q là đúng quy trình cấp giấy, tuy nhiên khi lập thủ tục cấp giấy cũng như chuyển quyền cho các đương sự ở thời điểm nầy thì không đến thực địa để xem xét diện tích thực tế và hiện trạng sử dụng mà chỉ dựa vào sự kê khai của các đương sự nên dẫn đến có sai sót mục đích sử dụng tại thửa 1447.
+ Ông Nguyễn Văn T trình bày: Vào năm 1990, nhà nước quy hoạch chung toàn bộ diện tích đất tại địa bàn nầy là mục đích sử dụng là 1 lúa (01 vụ), trong quá trình sử dụng do đất được cấp sát lộ, nên người sử dụng đất đã tự ý trồng các cây lâu năm trên đất, làm thay đổi mục đích sử dụng của đất. Ông khẳng định việc UBND huyện T cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho ông D, anh Q là đúng trình tự, không sai mục đích sử dụng, không sai hay trùng lấp vị trí thửa đất.
Phát biểu của Kiểm sát viên về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án:
- Về tố tụng: Thẩm phán, Hội đồng xét xử; việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng.
+ Thẩm phán: Chấp hành đúng các quy định của pháp luật về tố tụng từ khi thụ lý đến khi đưa vụ án ra xét xử theo quy định tại Điều 203 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Tuy nhiên Thẩm phán còn để án quá thời hạn chuẩn bị xét xử.
+ Hội đồng xét xử: Đảm bảo đúng quy định của pháp luật gồm một thẩm phán và hai hội thẩm nhân dân.
+ Người tham gia tố tụng: Các đương sự đã thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ theo quy định trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa.
- Về nội dung: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Tại phiên tòa hôm nay các đương sự vẫn giữ nguyên ý kiến của mình;
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa , căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ; ý kiến của những người tham gia tố tụng, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về thẩm quyền:
Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu bị đơn phải trả lại tài sản là QSDĐ, đối tượng tài sản đang tranh chấp là diện tích đất tọa lạc tại ấp P, xã A, huyện Tịnh Biên, đồng thời bị đơn cũng có nơi cư trú tại Huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang nên căn cứ khoản 9 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Tòa án nhân dân huyện Tịnh Biên thụ lý giải quyết là đúng thẩm quyền.
[2] Về thời hiệu khởi kiện: do đây là vụ án tranh chấp đòi lại tài sản là quyền sử dụng đất nên không xem xét về thời hiệu.
[3] Về việc vắng mặt của đương sự: Xét bà Ph, anh D đã được triệu tập hợp lệ nhưng vắng mặt, vì vậy căn cứ điểm b khoản 2 Điều 227 và khoản 3 Điều 228 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.
[4] Về yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn:
[4.1] Diện tích đất đang tranh chấp tại thửa 1447 có diện tích 810m2 theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00434-QSDĐ/hK ngày 07/6/2001 do anh Nguyễn Văn Q đứng tên có nguồn gốc từ việc ông H sang nhượng của ông D vào năm 2001, sau khi sang nhượng ông H (là cha anh) đã cho anh Q (là con ruột) để làm thủ tục chuyển quyền sang tên và đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như hiện nay. Tổng diện tích đất ông D sang nhượng lại cho ông H là 2.895m2 gồm 06 thửa: thửa 1447 diện tích 810m2; thửa 1448 diện tích: 360m2; thửa 1449 diện tích: 466m2; thửa 1450 diện tích: 467m2; thửa 1451 diện tích: 360m2; thửa 1452 diện tích: 432m2. Vào năm 2005 bà Ph và con ruột là ông D cho rằng diện tích đất 810m2 tại thửa 1447 là của ông, bà để lại không phải là đất của ông D đã sang nhượng cho ông H nên tự ý cất nhà và lấn chiếm, từ đó phát sinh tranh chấp. Mặc khác phía bà Ph, ông D còn cho rằng vị trí đất mà ông D được thừa hưởng là 06 thửa trong đó không có thửa 1447, mà có thửa giáp với thửa 1452, hiện nay là thửa đất không số theo như nhận định tại Quyết định giám đốc thẩm số 400/2011/DS-GĐT ngày 24/5/2011 của Tòa án nhân dân tối cao.
Qua xác minh thu thập chứng cứ được thể hiện ông D, bà Ph, ông M, bà Kh là anh, chị, em ruột, đều được cha mẹ phân chia đất và đi kê khai để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Phần bà Ph được cha, mẹ phân chia khoảng hơn 02 công đất, ông M (là em thứ 4 của bà) cũng được phân chia hơn 02 công đất, ông M không sử dụng nên cho bà Ph, vào năm 1990 bà Ph đi kê khai và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00424QSDĐ/hK ngày 31/8/1990 với diện tích 4.338m2, gồm 08 thửa: thửa 1455 diện tích 490m2; thửa 1456 diện tích 259m2; thửa 1457 diện tích 720m2;thửa 1458 diện tích 748m2; thửa 1459 diện tích 405m2; thửa 1460 diện tích 576m2; thửa 1461 diện tích 504m2; thửa 1462 diện tích 576m2. Vào năm 2004 bà Ph sang nhượng lại cho ông Nguyễn Văn Q 3.702m2 gồm các thửa: thửa 1455 diện tích 490m2; thửa 1456 diện tích 259m2; thửa 1457 diện tích 720m2; thửa 1458 diện tích 748m2; thửa 1459 diện tích 405m2; thửa 1460 diện tích 576m2; thửa 1461 diện tích 504m2 (theo hợp đồng chuyển nhượng số 144/HĐ.CN ngày 22/11/2004), sau khi nhận chuyển nhượng anh Q đã làm thủ tục sang tên và đứng tên trong giấy chứng nhận QSDĐ số H0050hK ngày 03/01/2005, trong 07 thửa đất chuyển nhượng từ bà Phấn sau khi làm thủ tục sang tên được gộp chung lại thành một thửa 1455 diện tích 3.702m2. Phần diện tích của bà Ph còn lại tại thửa 1462 diện tích 576m2 bà Ph làm hợp đồng chuyển nhượng lại cho anh D là con của bà (theo hợp đồng chuyển nhượng số 145 ngày 22/11/2004) và anh D cũng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số H0049hK ngày 03/01/2005.
Phần diện tích đất của bà Kh được phân chia bà Kh đã chuyển nhượng cho anh Q diện tích 2.301m2, anh Q cũng đã được cấp giấy chứng nhận QSDĐ số H00010/hK ngày 09/12/2004, phần diện tích đất của bà Khcòn lại 1.803m2 bà đã cho lại anh D, anh D cũng đã được cấp giấy chứng nhận QSDĐ số AB231583 ngày 09/12/2004 thửa 1453 diện tích 1.803m2 anh đang sử dụng hiện nay. Qua kết quả đo đạc theo bản gốc trích đo hiện trạng sử dụng đất ngày 07/01/2014 của Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh Tịnh Biên thì thửa đất giáp với thửa 1452 chính là một phần diện tích của thửa 1455 mà anh Q đã sang nhượng của bà Phấn vào năm 2004. Vào thời điểm Tòa án nhân dân huyện Tịnh Biên xét xử sơ thẩm năm 2006 bà Ph và ông D lại cho rằng thửa 1447 nầy có sự nhằm lẫn của cơ quan chuyên môn, lẽ ra thửa 1462 có diện tích 576m2 là của ông D, nhưng lại cấp thửa 1447 cho ông D là sai, tuy nhiên qua thực tế cho thấy thửa 1462 nầy nằm trong giấy chứng nhận QSDĐ của bà Ph được cấp năm 1990, sau khi sang nhượng lại cho anh Q, phần thửa 1462 còn lại nầy bà cũng đã làm thủ tục sang nhượng lại cho anh D, hai thửa này có vị trí cách xa nhau, nên không có sự nhầm lẫn, hay cấp trùng được.
Từ các chứng cứ nêu trên đã cho thấy tiếp giáp với thửa 1452 không có thửa nào là thửa không số. Toàn bộ các diện tích đất mà ông D, ông M, bà Ph, bà Kh được cha, mẹ cho đều đã được kê khai và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tại thời điểm cấp giấy không có sự khiếu nại nào của các đương sự, đồng thời các diện tích đất cũng đã chuyển nhượng lại cho người khác, nên không thể có việc diện tích đất 810m2 tại thửa 1447 đã cấp cho ông D, sau đó sang nhượng lại cho anh Q là có sự nhằm lẫn được, việc ông D được cấp giấy chứng nhận là hợp pháp, anh Q sang nhượng lại của ông D cũng là hợp pháp, nên căn cứ vào điểm d khoản 2 Điều 106 Luật đất đai năm 2013 nên công nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00434-QSDĐ/hK, tờ bản đồ 01, gồm các thửa 1447,1448,1449,1450,1451,1452 diện tích 2.895m2 được UBND huyện Tịnh Biên cấp ngày 07/6/2001 do anh Nguyễn Văn Q đứng tên là hợp pháp, bà Ph, anh D cho rằng là đất của mình không đồng ý giao trả lại cho anh Q là không có cơ sở chấp nhận.
[4.2] Đối với diện tích đất đang tranh chấp tại bản đồ hiện trạng lập ngày 19/02/2009 của Trung Tâm quan trắc và kỷ thuật môi trường tỉnh An Giang đo đạc được thể hiện diện tích đất của thửa 1447 là 967,3m2, nhưng tại kết quả đo đạc theo bản gốc trích đo hiện trạng sử dụng đất ngày 07/01/2014 của Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh Tịnh Biên lại thể hiện diện tích đất của thửa 1447 là 810m2. Tòa án cũng đã có công văn số 31/CV-TA ngày 08/3/2018 để làm rỏ vấn đề nầy thì được các cơ quan chuyên môn cho biết việc đo đạc do 02 đơn vị thực hiện ở 02 thời điểm chỉ dẫn ranh giới, mốc giới khác nhau trên cùng một vị trí nên có ít nhiều chênh lệch về diện tích. Về vấn đề nầy HĐXX nhận thấy tại thời điểm Trung Tâm quan trắc và kỷ thuật môi trường tỉnh An Giang đo đạc là vào năm 2009, đến năm 2014 Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh Tịnh Biên đo đạc lại thì diện tích đất đương nhiên có sự thay đổi nên công nhận theo bản gốc trích đo hiện trạng sử dụng đất ngày 07/01/2014 của Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh Tịnh Biên là bản vẽ sau cùng để xác định diện tích đất tranh chấp tại thửa 1447 là 810m2 là phù hợp.
[4.3] Về phía bà Ph, ông D cho rằng UBND huyện Tịnh Biên đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại thửa 1447 cho ông D, anh Q là sai mục đích sử dụng, bởi lẽ đây là đất trồng cây lâu năm nhưng lại cấp là đất 1 lúa, người đại diện theo ủy quyền của UBND huyện Tịnh Biên anh T thì cho rằng khi cấp đất chỉ căn cứ vào bảng khai của các đương sự mà không kiểm tra thực địa nên dẫn đến sai sót, anh T có bổ sung thêm ý kiến đất đã được quy hoạch là đất 01 lúa, tuy nhiên trong quá trình sử dụng người sử dụng đất đã tự ý trồng cây lâu năm làm thay đổi mục đích đất như hiện nay. Hội đồng xét xử thấy rằng trong việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ của UBND huyện Tịnh Biên sai mục đích sử dụng là đúng, do khi xem xét thẩm định tại chổ đất nầy không sử dụng trồng lúa mà chỉ trồng cây lâu năm, tuy nhiên sai sót nầy là không đáng kể, không ảnh hưởng đến việc tranh chấp đất, mặc khác đất cũng đã được ông D chuyển nhượng hợp pháp cho anh Q, nếu cần thì phía anh Q sẽ có yêu cầu điều chỉnh sau.
[4.4] Đối với cây trồng và vật kiến trúc trên đất, qua kết quả xem xét thẩm định tại chổ ngày 17/01/2018 của TAND huyện Tịnh Biên thì căn nhà mà bà Ph, ông D cất vào năm 2004 đã được tháo dỡ không còn nữa, hiện tại trên đất chỉ còn các cây lâu năm như: 01 gốc cây bình linh; 25 bụi tầm vong; 02 bụi tre; 01 cây thốt nốt; 03 gốc nhãn; 18 bụi mãn cầu; 02 cây ván hương; 13 cây lồng mức rừng; 180 cây bạch đàn; 01 cây xoài. Theo lời trình bày của ông H khi sang nhượng đất của ông D trên đất đã có 01 cây bình linh, 01 cây xoài, 01 cây thốt nốt, 01 bụi tre, còn những cây trồng phát sinh trên đất sau nầy là do bà Ph trồng thêm (ông D hiện nay đã chết), tại biên bản xác minh ngày 17/7/2007 ông Nguyễn Văn D cán bộ địa chính xã A cho biết: Lúc đất còn thuộc quyền của ông D đất nầy là đất ruộng, chỉ có một gò nhỏ vài tầm vuông sát lộ là trồng hoa màu, khi phát sinh tranh chấp bà Ph mới trồng cây bạch đàn và cất nhà tạm, cũng tại biên bản định giá ngày 05/02/2018 thể hiện các cây trồng lâu năm đều có độ tuổi cao nhất là dưới 15 năm tuổi, đều nầy cho thấy các cây trồng nầy đã phát sinh sau khi tranh chấp năm 2004 đến nay năm 2018 là do bà Ph, ông D trồng. Tuy nhiên khi tranh chấp ông H, anh Q cũng đã có đơn yêu cầu ngăn chặn việc cất nhà cũng như trồng cây của bà Ph, anh D, nhưng bà Ph và anh D không chấp hành mà ngang nhiên trồng cây trên đất của người khác là không hợp pháp, là do lỗi của bà Ph và anh D, nên phía ông H, anh Q không phải có nghĩa vụ bồi thường cây trồng trên đất, mà buộc bà Ph, anh D phải có nghĩa vụ tự di dời các cây trồng trên đất nói trên để trả đất lại cho anh Q là hoàn toàn phù hợp.
[4.5] Đối với yêu cầu phản tố của bà Ph, ông D ngày 27/11/2017, đơn phản tố nầy không đảm bảo về mặt hình thức, lẫn nội dung, TAND huyện Tịnh Biên đã ra thông báo số 98/TB-TA ngày 21/12/2017 yêu cầu bà Ph, ông D sửa đổi lại đơn phản tố của mình, nhưng bà Ph, ông D không chấp hành là xem như từ bỏ quyền phản tố đó. Sau khi nhận được Quyết định đưa vụ án ra xét xử của Tòa án nhân dân huyện Tịnh Biên, bà Ph, anh D lại tiếp tục có đơn phản tố đề ngày 10/6/2018 nội dung đơn phản tố yêu cầu đưa những người đã tiến hành tố tụng tại hai cấp sơ thẩm, phúc thẩm trước đây vào xử chung cùng một vụ án. Tại Điều 200 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định:
“2. Yêu cầu phản tố của bị đơn đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập được chấp nhận khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Yêu cầu phản tố để bù trừ nghĩa vụ với yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập;
b) Yêu cầu phản tố được chấp nhận dẫn đến loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập;
c) Giữa yêu cầu phản tố và yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có sự liên quan với nhau và nếu được giải quyết trong cùng một vụ án thì làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh hơn.
3. Bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.”
Những người trong đơn phản tố của bà Ph, không phải là đương sự trong vụ án, không có liên quan gì đến việc tranh chấp trong vụ án, họ là những người thực thi pháp luật, nếu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, có căn cứ cho rằng họ cố tình làm trái ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình, thì bà Ph, anh D có quyền khởi kiện bằng một vụ kiện yêu cầu bồi thường nhà nước khác. Do đó yêu cầu nầy của bà Ph, anh D không được Hội đồng xét xử chấp nhận bởi lẽ đây không phải là yêu cầu phản tố và cũng không còn thời gian phản tố theo luật pháp quy định.
Từ những căn cứ trên, Hội đồng xét xử xét thấy chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông H, ông Q, buộc bà Ph, anh D (con của bà Ph) phải có nghĩa vụ tự di dời toàn bộ các cây trồng trên đất để trả lại diện tích đất 810m2 tại thửa 1447 cho anh Q .
Về các chi phí tố tụng như định giá, đo đạc ông H tự nguyện chịu, không có yêu cầu nào khác, nên HĐXX không xét đến.
Về án phí: Do yêu cầu của ông H, anh Q được chấp nhận, nên bà Ph, anh D phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo mức không có giá ngạch.
Ông H, anh Q không phải chịu án phí , được hoàn lại tiền tạm ứng án phí đã nộ p .
Vì các lẽ trên.
QUYẾT ĐỊNH
Áp dụng khoản 9 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm b khoản 2 Điều 227 và khoản 3 Điều 228 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Điều 166 Bộ luật Dân sự năm 2015; Điều 106 và Điều 166 Luật đất đai năm 2013; khoản 2 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án .
Xử:
Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Văn H và ông Nguyễn Văn Q.
Buộc bà Nguyễn Thị Ph và anh Nguyễn Văn D phải có trách nhiệm tự di dời các cây trồng trên đất gồm:
- 01(một) gốc cây bình linh; 25 (hai mươi lăm) bụi tầm vong; 02 (hai) bụi tre; 01 (một) cây thốt nốt; 03 (ba) gốc nhãn; 18 (mười tám) bụi mãn cầu; 02 (hai ) cây ván hương; 13 (mười ba) cây lồng mức rừng; 180 (một trăm tám mươi) cây bạch đàn; 01(một) cây xoài, để trả lại cho anh Nguyễn Văn Q diện tích đất 810m2 tọa lạc tại ấp P, xã A, huyện T tại thửa 1447 thuộc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00434/hK ngày 07/6/2001 do Ủy ban nhân dân huyện Tịnh Biên cấp cho anh Nguyễn Văn Q đứng tên.
Theo Bản gốc trích đo hiện trạng sử dụng đất ngày 07/01/2014 của Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh Tịnh Biên từ các mốc sau: 5-4=4,48;4-10=53,32;10-26=4,17;26-12=25,56;12- 14=19,3014-27=31,85;27-5=1,88.
Ông Nguyễn Văn H tự nguyện chịu các chi phí tố tụng khác như :chi phí đo đạc, chi phí định giá.(ông đã nộp xong).
Về án phí dân sự sơ thẩm: Bà Nguyễn Thị Ph, anh Nguyễn Văn D phải chịu án phí dân sự sơ thẩm không giá ngạch là 300.000đ (ba trăm ngàn đồng).
Ông Nguyễn Văn H và anh Nguyễn Văn Q không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm. Hoàn trả cho ông Nguyễn Văn H số tiền tạm ứng án phí 525.000 đ(năm trăm hai mươi lăm ngàn đồng) theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 038303 ngày 10/01/2006 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Tịnh Biên.
“Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo qui định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo qui định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo qui định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự”.
Các đương sự có quyền làm đơn kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án, đương sự vắng mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày nhận được bản án hoặc được tống đạt hợp lệ.
Bản án 36/2018/DS-ST ngày 19/07/2018 về đòi lại tài sản là quyền sử dụng đất
Số hiệu: | 36/2018/DS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Tịnh Biên - An Giang |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 19/07/2018 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về