TOÀ ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
BẢN ÁN 35/2020/DS-PT NGÀY 29/06/2020 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG THUÊ KHOÁN TÀI SẢN, BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG
Ngày 29 tháng 6 năm 2020, tại trụ sở Toà án nhân dân thành phố Hải Phòng, xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 03/2020/TLPT-DS ngày 03 tháng 01 năm 2020 về việc tranh chấp hợp đồng thuê khoản tài sản.
Do Bản án dân sự sơ thẩm số 02/2019/DS-ST ngày 19/11/2019 của Tòa án nhân dân huyện KT, thành phố Hải Phòng bị kháng cáo và kháng nghị.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 62/2020/QĐ-PT ngày 01 tháng 4 năm 2020 và Thông báo thay đổi lịch phiên tòa số 1327/TB-TA ngày 29 tháng 5 năm 2020, giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Ông Nguyễn Đình T, sinh năm 1967; nơi cư trú: Số 413, đường TL, khu 2, phường VN, quận LC, thành phố Hải Phòng - Là đại diện hộ kinh doanh cá thể Nguyễn Đình T; có mặt.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Ông Nguyễn Quang C - Luật sư của Công ty Luật Tiên Phong thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hải Phòng; địa chỉ: Số 1, đường Bến Bính, phường Minh Khai, quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng; có mặt.
2. Bị đơn: Ủy ban nhân dân xã DL, huyện KT, thành phố Hải Phòng; địa chỉ:
Xã DL, huyện KT, thành phố Hải Phòng;
Người đại diện hợp pháp của bị đơn:
- Ông Đào Xuân H - Chủ tịch UBND xã DL, huyện KT, thành phố Hải Phòng, cư trú tại: Thôn 1, xã DL, huyện KT, thành phố Hải Phòng là người đại diện theo pháp luật; có mặt.
- Ông Phạm Duy K, cư trú tại: Thôn 5, xã DL, huyện KT, thành phố Hải Phòng là người đại diện theo ủy quyền của bị đơn (theo Văn bản ủy quyền số 16/UQ-UBND ngày 29 tháng 6 năm 2020); có mặt.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Ông Nguyễn Xuân L và ông Nguyễn Sỹ C - Đều là Luật sư của Văn phòng Luật sư Lam Sơn thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hải Phòng; địa chỉ giao dịch huyện KT: Số 30, Hồ Sen, thị trấn NĐ, huyện KT, thành phố Hải Phòng; đều có mặt.
3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Công ty Cổ phần CN HP; địa chỉ trụ sở: Số 54, đường ĐTH, phường HVT, quận HB, thành phố Hải Phòng.
Người đại diện hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
- Ông Trịnh Anh T1, sinh năm 1971, chức vụ: Phó Tổng giám đốc; ông Phạm Quang T2, sinh năm 1978; chức vụ: Trưởng phòng Khách hàng; ông Võ Quốc T3, sinh năm 1975; chức vụ: Phó trưởng phòng khách hàng của Công ty Cổ phần CN HP (theo Văn bản ủy quyền ngày 02 tháng 12 năm 2019); đều có mặt.
Những người làm chứng: Bà Nguyễn Thị T4, ông Đào Mạnh T5, ông Phạm Viết K, ông Phạm Minh H1, ông Nguyễn Đình S, ông Cao Văn T6 là các trưởng, phó thôn của 06 thôn thuộc xã DL; đều có mặt. Ông Hoàng Ngọc C, cư trú tại thôn 5, xã DL, huyện KT, thành phố Hải Phòng: vắng mặt.
- Người kháng cáo: Nguyên đơn là ông Nguyễn Đình T; bị đơn là UBND xã DL và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Công ty Cổ phần CN HP.
- Viện kiểm sát kháng nghị: Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Tóm tắt nội dung vụ án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm, nội dung kháng cáo:
Theo đơn khởi kiện, đơn khởi kiện bổ sung, trong quá trình giải quyết vụ án nguyên đơn là ông Nguyễn Đình T và Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn thống nhất trình bày:
Ngày 06/10/2009, ông Nguyễn Đình T đại diện hộ kinh doanh cá thể và Ủy ban nhân dân (viết tắt là UBND) xã DL, huyện KT, thành phố Hải Phòng do ông Nguyễn Đức T7 là Chủ tịch UBND xã và là người đại diện theo pháp luật của xã đã thống nhất ký Hợp đồng kinh tế số 02/HĐ-KT về việc đầu tư xây dựng vận hành Hệ thống cấp nước nhà máy nước tại thôn 4, xã DL cung cấp nước sạch phục vụ các hộ dân xã DL. Thực hiện hợp đồng này, ông T đã đầu tư xây dựng hệ thống bể lắng, bể lọc, lắp đặt máy bơm, hệ thống ống nước trục chính, ống nhánh,…từ nhà máy nước tới các địa bàn 06 thôn trong xã với tổng số vốn đầu tư trên 4,4 tỷ đồng và đã đi vào khai thác sử dụng cấp nước sạch phục sinh hoạt ổn định cho 979 hộ dân xã DL với số lượng nước tiêu thụ khoảng 10.000 m3/tháng, doanh thu khoảng 60.000.000 đồng/tháng. Ông T thuê ông Phạm Văn Đ, sinh năm 1959 (chết đầu năm 2019) cư trú tại đội 5, thôn HL, xã TT, huyện KT trực tiếp quản lý, vận hành hoạt động của nhà máy nước và đi thu tiền lắp đặt đồng hồ, đấu nối đường ống phi 21 từ đường ống nhánh của nhà máy vào các hộ dân đều không có hóa đơn, phiếu thu tiền, không lập hợp đồng lao động bằng văn bản với ông Đ. Khi bán nước sinh hoạt cho các hộ dân cũng không lập hợp đồng bằng văn bản do ông T chỉ là người đại diện hộ kinh doanh cá thể. Ông T thuê ông Hoàng Ngọc C, sinh năm 1952, cư trú tại thôn 5, xã DL, huyện KT đi ghi chỉ số nước và thu tiền nước hàng tháng của các hộ sử dụng nước, có hóa đơn thu tiền nước nhưng cũng không lập hợp đồng lao động bằng văn bản với ông C. Chất lượng nước và dịch vụ cấp nước luôn luôn đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn 02/BYT của Bộ Y tế về nước sinh hoạt nông thôn. Hàng tháng, hàng quý đều được Trung tâm Y tế dự phòng Hải Phòng lấy mẫu kiểm nghiệm và có kết quả đạt tiêu chuẩn cho phép. Từ năm 2016 đến nay, do tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng phục vụ nên chất lượng nước cung cấp luôn có kết quả đạt tiêu chuẩn 01/BYT của Bộ Y tế, tiêu chuẩn này bằng với tiêu chuẩn nước ăn, uống của thành phố; tăng công suất máy bơm 24/24h, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ nhân dân thực hiện tốt các điều, khoản theo Hợp đồng đã ký. Tại khoản 2 Điều 4 Hợp đồng số 02/HĐ-ĐT, ngày 06/10/2009 đã ghi rõ “… UBND xã DL cam kết không cho bất cứ đơn vị nào khác cấp nước trên địa bàn xã”. Tuy nhiên, từ tháng 5 năm 2016, UBND xã DL đã cho Công ty Cổ phần CN HP vào khảo sát, đầu tư, lắp đặt đường ống để cấp nước sạch cho nhân dân trên địa bàn xã DL. Như vậy, UBND xã DL đã vi phạm khoản 2 Điều 4 của Hợp đồng số 02/HĐ-KT đã ký với ông T. Vi phạm các quy định tại Nghị định số 117/2007/NĐ- CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ, Nghị định số 124/2011/NĐ-CP ngày 28/12/2011 của Chính phủ và văn bản hợp nhất hai Nghị định này về “Sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch” của Chính phủ ngày 30/7/2014, cụ thể gồm: Khoản 1 Điều 32 Nghị định số 117/2007/NĐ-CP quy định “…Mỗi vùng phục vụ cấp nước chỉ do 1 đơn vị phục vụ cấp nước thực hiện dịch vụ cấp nước”; khoản 2 Điều 29 Nghị định số 117/2007/NĐ-CP quy định “Đối với địa bàn đã có tổ chức, cá nhân đang thực hiện dịch vụ cấp nước, thì tổ chức, cá nhân đó được chỉ định là đơn vị thực hiện dịch vụ cấp nước”. Vi phạm điểm a, khoản 1 Chỉ thị số 35/CT- TTg ngày 27/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả khai thác và sử dụng bền vững công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung. Vi phạm điểm 1 Công văn số 317/VP-TL ngày 20/01/2017 của UBND thành phố nêu rõ: “Đối với những công trình cấp nước do các tổ chức, cá nhân đang thực hiện dịch vụ cấp nước nhưng yêu cầu phải đầu tư, cải tạo, nâng cấp thì tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đang quản lý, khai thác nếu có đủ năng lực về tài chính, kinh nghiệm và đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật thì được chỉ định làm chủ đầu tư thực hiện đầu tư, cải tạo, nâng cấp…”. Ngày 10/6/2016, ông T có đơn khiếu nại yêu cầu UBND xã DL chấm dứt và khắc phục việc vi phạm Hợp đồng. Ngày 24/11/2016, ông T có đơn tố cáo gửi các cơ quan chức năng về việc UBND xã DL vi phạm Hợp đồng số 02 đã ký. Các cơ quan chức năng của huyện KT lại chuyển đơn về cho xã giải quyết, nhưng UBND xã DL không trả lời, không giải quyết. Ngày 20/01/2017, Công ty Luật TNHH Tiên Phong tiếp tục gửi UBND xã DL Công văn số 78/2016/CV-CTL ngày 18/12/2016 và Công văn số 01/2017/CV-CTL ngày 03/01/2017 đề nghị UBND xã DL giải quyết việc vi phạm Hợp đồng số 02 nhưng UBND xã DL không hợp tác giải quyết.
Vì vậy, ông T có đơn khởi kiện đối với UBND xã DL và Công ty Cổ phần CN HP để yêu cầu Tòa án giải quyết như sau: Buộc UBND xã DL phải chấm dứt ngay hành vi vi phạm Hợp đồng số 02/HĐ-KT ngày 06/10/2009 đã ký kết với ông T bằng việc thu hồi và hủy bỏ ngay các văn bản đã cho phép Công ty Cổ phần CN HP vào khảo sát, đầu tư, đào đường, hè thi công công trình cấp nước. Buộc UBND xã DL và Công ty Cổ phần CN HP phải trưng mua lại toàn bộ hệ thống cấp nước mà ông T đã đầu tư hoặc ngừng ngay việc cấp nước cho nhân dân, trả lại vùng cấp nước cho ông T tiếp tục kinh doanh theo quy định. Nếu không trưng mua lại toàn bộ hệ thống cấp nước của ông T thì UBND xã DL và Công ty Cổ phần CN HP phải bồi thường toàn bộ giá trị còn lại đối với hệ thống cấp nước của ông T theo Kết luận của Hội đồng định giá tài sản ngày 25/9/2019 là 1.355.947.000 đồng và số tiền 232.391.000 đồng là tiền bồi thường thiệt hại do bị giảm doanh thu từ tháng 4/2017 đến ngày 07/7/2019 do nhà máy nước Mini xã DL thu không đủ chi đã phải ngừng hoạt động, tính từ khi Công ty cổ phần CN HP cung cấp nước cho các hộ dân trên địa bàn xã DL. Ông T có yêu cầu bồi thường với số tiền số tiền 232.391.000 đồng nhưng do ông T là đại diện hộ kinh doanh cá thể nên khi đầu tư xây dựng Hệ thống cấp nước ông T không lập hồ sơ thiết kế, thẩm định, dự toán công trình, không lập hợp đồng mua bán vật tư, vật liệu xây dựng, nhân công thi công, không có hệ thống sổ theo dõi thu, chi, không thuê kế toán hạch toán thu chi hàng tháng từ khi khởi công đến năm 2016 nên không cung cấp được cho Tòa án đầy đủ các tài liệu, chứng cứ bằng văn bản. Đến nay, ông T chỉ cung cấp được hồ sơ hoàn công, danh sách các khoản thu, chi của nhà máy từ năm 2017 đến năm 2019, một số hóa đơn tiền điện, hóa đơn thuế trong các năm từ 2015 đến 2017 vì từ năm 2009 đến 2014 không nộp thuế do không thấy Cơ quan thuế đến thu thuế, năm 2018, 2019 không nộp thuế do thu không đủ chi để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện như đã nêu trên. Vì vậy, đề nghị Tòa án xem xét giải quyết theo các tài liệu, chứng cứ đã nộp được cho Tòa án, ngoài ra không yêu cầu gì thêm.
Trong quá trình giải quyết vụ án người đại diện theo ủy quyền của bị đơn trình bày:
Dự án đầu tư xây dựng hệ thống cung cấp nước sạch giai đoạn 2007 đến 2010 do UBND thành phố Hải Phòng giao Trung tâm nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn Hải Phòng là chủ đầu tư theo Quyết định số 611/QĐ-UBND ngày 13/4/2007. Gồm 03 nguồn vốn, thành phố hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà máy gồm phần xây dựng cơ bản như hồ chứa nước, bể nước, nhà để máy bơm, hệ thống tường bao, sân, cổng, máy và thiết bị. UBND xã DL giao 1.222 m2 đất 5% để xây dựng nhà máy nước Mini xã DL. Sau khi xây dựng xong các hạng mục nêu trên, chủ đầu tư và đại diện UBND xã thời điểm đó do ông Nguyễn Đức T7 là Chủ tịch UBND xã ký biên bản nghiệm thu. Ngày 06/10/2009, UBND xã DL, huyện KT do ông Nguyễn Đức T7 là Chủ tịch UBND xã và là người đại diện theo pháp luật đã ký Hợp đồng kinh tế số 02/HĐ-KT với ông Nguyễn Đình T - đại diện hộ kinh doanh cá thể về việc đầu tư xây dựng vận hành hệ thống cấp nước của nhà máy nước đặt tại thôn 4, xã DL để cung cấp nước sạch phục vụ các hộ dân trên địa bàn xã DL. Ông T bỏ vốn đầu tư xây dựng, lắp đặt thêm bể lắng, bể lọc, lắp đặt máy bơm, ống nước trục chính, ống nhánh từ nhà máy nước tới 06 thôn trên địa bàn xã. Ông T đầu tư hết tổng bao nhiêu tiền UBND xã không nắm được vì ông T không lập hồ sơ thiết kế, hồ sơ dự toán và cũng không cung cấp cho UBND xã bất cứ tài liệu gì liên quan đến việc ông T đầu tư. Theo ông T trình bày, do là hộ kinh doanh cá thể nên cứ có tiền là chi mua vật tư, máy, thiết bị, thuê nhân công không lấy hóa đơn, chứng từ, không lập hợp đồng bằng văn bản. Ông T thuê ông Phạm Văn Đ (chết đầu năm 2019) đi thu tiền lắp đặt đồng hồ và kinh doanh nước sinh hoạt đối với các hộ dân trong xã đều không có hóa đơn, phiếu thu, không lập hợp đồng bằng văn bản. Thời gian đầu, hệ thống nước mặt cung cấp cho nhà máy nước Mini do ông T là chủ kinh doanh chưa bị ô nhiễm và nhu cầu sử dụng của nhân dân chưa nhiều nên công suất đáp ứng được. Thời gian sau, do nhu cầu sử dụng của nhân dân tăng cao, vì vậy công suất đã không đáp ứng được, nhất là vào giờ cao điểm. Đồng thời, nguồn nước mặt cung cấp cho nhà máy nước Mini bị ô nhiễm và có nguy cơ phát tán dịch bệnh có thể xảy ra. Nguyên nhân do nguồn nước từ bãi rác thải tập trung của xã thải ra kênh mương cách trung tâm nhà máy nước 300 m. Nước thải từ nghĩa trang nhân dân cách nhà máy nước 700 m. Nước thải từ các trang trại lợn của xã Ngũ Phúc xả thải ra mương đầu tuyến dẫn nước thô vào nhà máy nước Mini. Nguồn nước thô từ khu vực kênh có chợ thủy sản xã Kiến Quốc xả thải xuống kênh chảy lên có nhiều cá chết nổi trên mặt nước màu đen và bốc mùi hôi thối. Là tuyến mương đầu dẫn nước vào 2 khu đồng dộc thuộc thôn 4, khi mùa vụ nhân dân bơm thuốc trừ sâu Rigan và thuốc trừ cỏ trút xuống với lượng thuốc sâu bà con bơm phòng trừ trút xuống kênh mương dẫn nước thô vào nhà máy nước. Tại các cuộc tiếp xúc cử tri của các cấp thành phố, huyện, xã, nhân dân có ý kiến rất nhiều về chất lượng nước, công suất đều không Đ bảo. Tại các kỳ tiếp xúc với cử tri nhân dân trên địa bàn xã chuẩn bị cho kỳ họp Hội đồng nhân dân xã cư trú đều có những ý kiến tham gia với Hội đồng nhân dân xã DL về vấn đề chất lượng nước của nhà máy nước Mini, đặc biệt trong các năm 2014, 2015 nhân dân các thôn trên địa bàn xã DL đã làm đơn tập thể đề nghị với các cấp chính quyền về chất lượng nước và công suất bơm nước của nhà máy nước Mini, đồng thời có ý kiến mong muốn đề nghị được nhà máy nước Cầu Nguyệt thuộc Công ty Cổ phần CN HP vào khảo sát, đầu tư, lắp đặt hệ thống nước sạch đảm bảo vệ sinh, sức khỏe cho nhân dân. Mặt khác, do thực hiện các văn bản chỉ đạo của UBND thành phố và UBND huyện KT như Công văn số 125/CV-CNHP-CNCNTT ngày 04/3/2016 của Công ty Cổ phần CN HP về việc khảo sát cấp nước tại huyện KT; Công văn số 273/UBND-VP ngày 09/3/2016 của UBND huyện KT về việc tạo điều kiện phối hợp với Công ty cổ phần CN HP để cung cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt trên địa bàn huyện; Thông báo kết luận số 594/TB-UBND ngày 14/10/2016 UBND huyện KT; Thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND huyện Phạm Phú X tại cuộc họp giải quyết những khó khăn vướng mắc trong việc cấp nước sạch sinh hoạt nông thôn. Từ thực trạng trên, ngày 03/7/2016 người đại diện theo pháp luật của UBND xã DL là ông Đào Xuân H đã ký Văn bản thỏa thuận dịch vụ cấp nước với đại diện theo ủy quyền của Công ty Cổ phần CN HP để khảo sát, thi công hệ thống cung cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt cho các hộ dân trên địa bàn xã DL. Khi cho chi nhánh cấp nước Cầu Nguyệt vào khảo sát, UBND xã đã mời 02 đơn vị là Nhà máy nước Mini xã DL và Công ty Cổ phần CN HP để cùng nhau bàn bạc, thương thảo với mục đích vì sức khỏe nhân dân, cộng đồng và tài sản mà nhà máy nước Mini đầu tư ra nhưng không đạt được kết quả.
Hiện nay, ông T cho rằng UBND xã DL vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 4 của Hợp đồng và Nghị định 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007, Nghị định 124/2011/NĐ-CP ngày 28/12/2011 của Chính phủ và văn bản hợp nhất hai Nghị định này cùng một số văn bản khác. Vì vậy, ông T có đơn khởi kiện gửi đến Tòa án, buộc UBND xã DL phải thực hiện 03 yêu cầu như đã nêu trên, quan điểm của UBND xã DL như sau:
Thứ nhất: UBND xã DL không có các văn bản cho phép Công ty Cổ phần CN HP vào khảo sát, đầu tư, đào đường, hè thi công công trình cấp nước. Việc này là thực hiện theo Công văn số 125/CV-CNHP-CNCNTT, ngày 04/3/2016 của Công ty cổ phần CN HP “V/v khảo sát cấp nước tại huyện KT” với nội dung “Thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư thành ủy - Chủ tịch UBND thành phố về việc thiết kế quy hoạch để triển khai xây dựng Hệ thống cung cấp nước sạch cho các xã trên địa bàn thành phố, trong đó có huyện KT, hiện nay Công ty Cổ phần CN HP đang bắt đầu triển khai, khảo sát tại khu vực các xã trong đó có xã DL”. Căn cứ vào Công văn số 273/UBND-VP ngày 09/3/2016 của UBND huyện KT v/v tạo điều kiện phối hợp Công ty cổ phần Cấp nước trên địa bàn huyện. Tại công văn, UBND huyện có ý kiến giao cho Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế - Hạ tầng, UBND các xã trong đó có xã DL tạo điều kiện phối hợp với Công ty Cổ phần CN HP để tiến hành khảo sát cấp nước trên địa bàn huyện đảm bảo theo tiến độ lập quy hoạch nước sạch nông thôn. Căn cứ vào Thông báo kết luận số 245/TB-UBND ngày 27/4/2016 của UBND huyện KT và Thông báo kết luận của Chủ tịch UBND huyện tại phiên họp thường kỳ tháng 4 của UBND huyện, tại Thông báo này, Chủ tịch UBND huyện giao cho đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện Phạm Văn Th chỉ đạo: “Tiếp tục chỉ đạo các xã, trong đó có xã DL phối hợp với Công ty Cổ phần CN HP đẩy nhanh tiến độ cấp nước cho nhân dân”. Căn cứ vào Thông báo kết luận số 594/TB-UBND, ngày 14/10/2016 UBND huyện KT; Thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND huyện Phạm Phú Xuất tại cuộc họp giải quyết những khó khăn vướng mắc trong việc cấp nước sạch sinh hoạt nông thôn, tại kết luận này, đồng chí Phó chủ tịch UBND huyện giao cho UBND các xã, thị trấn tạo điều kiện để các nhà máy nước Mini trên địa bàn nâng cấp hệ thống nhà máy, nâng cao chất lượng nước đảm bảo theo tiêu chuẩn để phục vụ người dân. Đối với các nhà máy không đầu tư nâng cấp hệ thống, chất lượng nước không Đ bảo theo tiêu chuẩn thì kiên quyết cho tạm dừng hoạt động, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị có đủ tiêu chuẩn vào cung cấp nước, đảm bảo không gián đoạn việc cung cấp nước phục vụ cho người dân. Như vậy, UBND xã DL không vi phạm Hợp đồng số 02/HĐ-KT ngày 06/10/2009.
Thứ hai: Khi cho Chi nhánh cấp nước Cầu Nguyệt vào khảo sát, UBND xã đã mời 02 đơn vị là nhà máy nước Mini và Công ty Cổ phần CN HP để cùng nhau bàn bạc, thương thảo với mục đích vì sức khỏe nhân dân, cộng đồng và tài sản mà nhà máy nước Mini đầu tư ra. Tại hội nghị, Công ty Cổ phần CN HP đồng ý hỗ trợ cho nhà máy nước Mini với điều kiện phải có: Hồ sơ dự toán thiết kế nhà máy nước Mini được phê duyệt; Hồ sơ quyết toán công trình nhà máy nước Mini, sơ đồ mạng lưới cấp nước trên địa bàn xã, các hợp đồng ký kết với các hộ dùng nước; Hóa đơn mua máy móc, công cụ, vật tư của nhà máy nước nhưng nhà máy nước Mini không cung cấp được những thủ tục trên với lý do có đến đâu làm đến đó. Vật tư của nhà máy nước Mini kém, không đạt hiệu quả về áp lực để phục vụ sản xuất, vì vậy đơn vị Công ty Cổ phần CN HP không hỗ trợ được nguồn kinh phí cho nhà máy nước Mini, không có biên bản cuộc họp. Như vậy tại hội nghị, hai bên đã không thỏa thuận được việc trưng mua lại toàn bộ hệ thống cấp nước của ông T đầu tư.
Thứ ba: UBND xã DL không chấp dứt Hợp đồng với nhà máy nước Mini, việc để cho Công ty Cổ phần CN HP vào khảo sát lắp đặt hệ thống nước sạch cho nhân dân là do thực hiện theo các văn bản chỉ đạo của thành phố cũng như của huyện và căn cứ vào nhu cầu chính đáng của nhân dân tại các kỳ họp tiếp xúc cử tri cũng như các hộ dân đã có đơn kiến nghị tập thể gửi lên UBND xã. Do vậy, việc ông T yêu cầu UBND xã DL và Công ty Cổ phần CN HP bồi thường số tiền thiệt hại từ doanh thu bị sụt giảm là không thỏa đáng bởi đây là quyền lợi của khách hàng là nhân dân trên địa bàn.
Trong quá trình giải quyết vụ án những người đại diện của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Công ty Cổ phần CN HP thống nhất trình bày:
Ông Nguyễn Đình T yêu cầu UBND xã DL thu hồi, hủy bỏ các văn bản đã cho phép Công ty Cổ phần CN HP (viết tắt là Công ty CN) vào khảo sát, đầu tư, đào mương, hè thi công công trình cấp nước là không có cơ sở, bởi vì: Công ty CN tiến hành khảo sát, thiết kế và thi công hệ thống cấp nước cho nhân dân xã DL là thực hiện đúng chủ trương của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố đảm bảo mục tiêu người dân khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch chất lượng như khu vực thành thị và theo đúng các quy định của pháp luật. Từ tháng 4/2017 Công ty CN ký Hợp đồng dịch vụ bằng văn bản với nội dung cung cấp nước sinh hoạt cho 823 hộ dân trong xã DL sử dụng với khối lượng 7414 m3, trung bình 01 hộ sử dụng 09 m3/tháng. Đến tháng 9/2019 có 1.173 hộ sử dụng với khối lượng 18.503 m3, trung bình 01 hộ sử dụng 15,77 m3/tháng với giá 9.000 đồng/m3 + thuế GTGT 450 đồng/m3 = 9.450 đồng/m3, có hóa đơn thu tiền nước hàng tháng đối với mỗi hộ dân. Công ty thực hiện đúng cam kết với nhân dân và UBND xã DL về chất lượng dịch vụ cấp nước phù hợp Quy chuẩn 01:2009/BYT về chất lượng nước ăn uống, thời gian cung cấp 24/7, áp lực cuối nguồn các tuyến ống chính đạt 15m cột nước.
Ông T đưa ra yêu cầu thứ hai, Công ty CN cho rằng không phù hợp với quy định của pháp luật, bởi các lí do: Công ty CN đầu tư cấp nước phục vụ nhân dân xã DL là trên cơ sở nguyện vọng của nhân dân, thực hiện theo đúng chủ trương của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, UBND thành phố và được các cấp chính quyền địa phương ủng hộ. Theo một số thông tư của Bộ Tài chính mà Công ty đã trình bày tại bản tự khai thì Công ty không có thẩm quyền để thực hiện việc định giá và trưng mua các công trình cấp nước của các đơn vị cấp nước nông thôn. Theo hợp đồng đã ký với UBND xã DL không có điều khoản buộc Công ty trưng mua lại toàn bộ hệ thống cấp nước của ông T.
Yêu cầu thứ 3 của ông T: Công ty CN cũng bác bỏ vì Công ty không ký hợp đồng với ông T, việc cấp nước cho nhân dân xã DL không vi phạm pháp luật và nhân dân địa phương sử dụng nước của Công ty CN là tự nguyện.
Những người làm chứng là bà Nguyễn Thị T4, ông Đào Mạnh T5, ông Phạm Viết K, ông Phạm Minh H1, ông Nguyễn Đình S, ông Cao Văn T6 là các trưởng, phó thôn của 06 thôn thuộc xã DL; ông Hoàng Ngọc C và những người làm chứng khác đều trình bày: Trước khi có nước do nhà máy nước Mini xã DL bán, các hộ dân trong xã đều dùng bể, téc chứa nước mưa để dùng cho sinh hoạt ăn uống hàng ngày, nước dùng cho các sinh hoạt khác thì dùng nước giếng khoan, giếng khơi. Khi có dự án đầu tư xây dựng công trình cung cấp nước sạch giai đoạn 2007 đến 2010 do UBND thành phố Hải Phòng giao Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn Hải Phòng là chủ đầu tư theo Quyết định số 611/QĐ-UBND ngày 13/4/2007 thành phố hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà máy gồm phần xây dựng cơ bản như bể lọc, bể chứa, nhà để máy bơm, hệ thống tường rào, sân và cổng, máy và thiết bị; sau khi xây dựng xong, đại diện UBND xã DL do ông Nguyễn Đức T7 là Chủ tịch UBND đã ký hợp đồng với ông Nguyễn Đình T, ông T đã đầu tư san lấp, xây dựng, lắp đặt thêm một số hạng mục, hệ thống ống nước trục chính, ống nhánh từ nhà máy nước đến các hộ dân sử dụng nước trên địa bàn xã, nhưng không biết ông T đầu tư thêm bao nhiêu tiền. UBND xã giao đất để xây dựng nhà máy nước Mini tại xã DL, không rõ diện tích bao nhiêu. Sau khi hoàn thiện toàn bộ các hạng mục công trình của nhà máy, ông T cung cấp dịch vụ nước sinh hoạt cho các hộ dân. Ông T giao cho ông Phạm Văn Đ đại diện cho ông T quản lý, vận hành hoạt động của nhà máy và thỏa thuận cung cấp nước sinh hoạt cho các hộ dân bằng lời nói, không lập hợp đồng bằng văn bản. Ông Đ là người trực tiếp đi thu tiền lắp đặt 01 đồng hồ và 5 m đường ống nước phi 21 đấu nối từ đường ống nước nhánh của nhà máy đến mỗi hộ dân với số tiền từ 1.250.000 đồng (đợt 1 có giảm giá) đến 1.700.000 đồng (từ đợt 2 trở đi) tùy theo thời điểm và khoảng cách đấu nối từ đường ống nhánh vào đến trong nhà dân, số tiền này là tiền cứng để nộp cho nhà máy nước Mini, ngoài ra người dân còn phải trả thêm một số tiền để mua thêm đường ống phi 21 cho khoảng cách quá 5 m hoặc thiết bị riêng khác nếu có nhu cầu, các khoản thu này đều không có hóa đơn, phiếu thu. Ông C làm kế toán thôn 5, xã DL từ năm 1987 đến năm 2015 và phụ giúp một số công việc của cán bộ địa chính xã DL từ năm 2007 đến năm 2016. Ông C với ông T thỏa thuận với nhau bằng lời nói để thực hiện các công việc, không thỏa thuận với nhau về mức lương, không ký hợp đồng bằng văn bản. Năm 2009, ông C có trách nhiệm chỉ vị trí chỗ đặt đường ống dẫn nước đến những hộ dân để những người ông T thuê tiến hành lắp đặt đường ống và đồng hồ đo nước. Công việc này diễn ra trong 2 đến 3 tháng, ông C được trả chi phí mỗi tháng 1.000.000 đồng. Về sau công việc này do ông Đ thực hiện. Năm 2010, ông C là người trực tiếp đi ghi chỉ số nước của các hộ dân đã dùng, tính thành tiền để thu, có hóa đơn thu tiền nước. Số tiền thu được mỗi tháng ông C đều chuyển trực tiếp lại cho ông T tại nhà ông C, có viết giấy giao, nhận tiền. Nhưng do đã bị thất lạc nên hiện ông C chỉ còn giữ được các giấy lập trong các năm 2015, 2016 và tháng 6/2019 khi nhận tiền ông T đều ký vào giấy do ông C lập đã cung cấp cho Tòa án. Ông C làm cho T từ năm 2009 đến tháng 7/2019 thì kết thúc vì nhà máy ngừng hoạt động. Ông C được trả mức lương từ 1.000.000 đồng/tháng cho đến thời điểm cao nhất được 3.800.000 đồng/tháng. Ông C thu tiền nước là 5.000 đồng/01 m3 trong vòng 02 năm, từ năm 2010 đến năm 2012, sau đó là 6.000 đồng/01 m3 từ năm 2012 đến khi nhà máy ngừng hoạt động. Ông C do bận nhiều việc nên đã thuê bà Nguyễn Thị T4 là Phó trưởng thôn 2, xã DL đi ghi chỉ số nước và thu tiền của các hộ dân trên địa bàn thôn 1 và thôn 2. Còn ông C thực hiện công việc trên tại các thôn 3, 4, 5 và thôn Quán Bơ. Số tiền thu được hàng tháng bà T4 chuyển lại cho ông C, ông C tổng hợp với số tiền của ông C thu được để chuyển lại cho ông T. Bà T4 làm công việc ông C giao từ năm 2010 đến năm 2017. Số tiền ông C trả cho bà T4 từ 400.000 đồng/tháng đến 800.000 đồng/tháng, ngoài ra ông C không thuê ai khác. Từ khoảng năm 2018, do bà T4 không làm việc nữa nên ông T có thuê anh Vũ Văn Tuyền là người có địa chỉ ở tỉnh Quảng Ninh để làm việc đi ghi chỉ số nước và thu tiền nước tại các thôn 1, 2 xã DL thay cho bà T4, ông C vẫn đi ghi chỉ số nước và thu tiền nước tại các thôn 3, 4, 5 và thôn Quán Bơ (thôn 6) sau đó ông C nộp lại toàn bộ số tiền thu được hàng tháng cho anh T8 để anh T8 nộp lại cho ông T, cụ thể việc giao lại tiền cho ông T thế nào, có lập văn bản giao nhận tiền không thì ông C không biết. Trong quá trình đi thu tiền nước của các hộ dân, đến khoảng cuối năm 2012 đã có một số hộ dân có phàn nàn về chất lượng nước của nhà máy chưa đảm bảo sạch, công suất yếu đã đề nghị cải thiện chất lượng và công suất bơm nước cho bà con. Từ sau thời gian đó chất lượng nước kém dần, cả về chất lượng và công suất bơm nước vào giờ cao điểm. Nếu để nước ra chậu, thùng, téc vài tiếng hoặc để qua đêm thì nước có hiện tượng đóng cặn, đổi sang màu vàng hoặc nâu và bốc mùi khó chịu, tanh hoặc hôi mùi bùn. Do chưa có hệ thống nước nào của chủ đầu tư khác cung cấp và do lượng nước mưa chứa trong bể của các hộ dân có hạn nên vẫn phải sử dụng nguồn nước do ông T cung cấp để rửa xe, rửa sân, tưới cây, chăn nuôi, chứ không dám dùng để ăn, uống, tắm rửa. Nguyên nhân dẫn đến việc nước không Đ bảo chất lượng do nguồn nước thô lấy từ kênh vào có một đầu là bãi rác cách khoảng 200 m, một đầu kênh nằm cách bãi tha ma khoảng 600 m. Ngoài ra, nước lấy từ kênh có phía đầu nguồn là chợ hải sản đầu mối ở xã KQ hàng ngày xả nước thải từ chợ xuống kênh, nhiều khi còn thấy xác động vật như lợn, gà, chó…chết nổi lên mặt kênh. Mặc dù các hộ dân liên tục kiến nghị tại các hội nghị tiếp xúc cử tri của Hội đồng nhân dân xã về chất lượng nước do ông T cung cấp nhưng ông T cũng không có biện pháp gì khắc phục để đảm bảo nguồn nước. Như vậy do nhà máy nước Mini xã DL cung cấp nước không Đ bảo; theo ý kiến, nguyện vọng của các hộ dân trong xã DL muốn được sử dụng nước sạch và cho biết các hộ dân ở xã AT, huyện AL đã sử dụng nước của nhà máy nước Cầu Nguyệt từ nhiều năm vẫn đảm bảo về chất lượng nước sạch, công suất bơm nước vào giờ cao điểm. Khoảng tháng 7/2016, UBND xã DL đã ký văn bản thỏa thuận dịch vụ cấp nước với Công ty Cổ phần CN HP để cho Công ty vào khảo sát, thi công hệ thống cung cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt cho các hộ dân trên địa bàn xã DL. Từ khoảng tháng 4/2017, Công ty ký hợp đồng bán nước sạch sinh hoạt cho các hộ dân với giá 9.450 đồng/m3 đã bao gồm 450 đồng thuế GTGT. Vì vậy, trên địa bàn xã DL tồn tại song song hai hệ thống cấp nước cho các hộ dân. Nước của Công ty Cổ phần CN HP người dân sử dụng trong sinh hoạt ăn, uống, tắm, giặt,..; nước của nhà máy nước Mini xã DL, người dân chỉ sử dụng để rửa sân, rửa xe, chăn nuôi, trồng trọt,... Do đó khối lượng nước mà người dân sử dụng của ông T bị giảm đi, nên cứ 2 đến 3 tháng bà T4 mới đi thu tiền nước một lần. Từ khoảng tháng 6/2019 nhà máy nước Mini xã DL đã tự dừng hẳn hoạt động trong khi các hộ dân vẫn đang sử dụng. Ông C, bà T4 đều đề nghị Tòa án không triệu tập tham gia phiên tòa vì tuổi cao, đang điều trị bệnh khớp nên đi lại rất khó khăn.
Quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm: Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 02/2019/DS-ST ngày 19/11/2019 của Tòa án nhân dân huyện Kiến, thành phố Hải Phòng đã: Căn cứ vào khoản 3 Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39; khoản 1, khoản 4 Điều 91 của Bộ luật Tố tụng dân sự; Căn cứ vào các Điều 13, 116, 117, 360, 361, 363, 364, 385, 386, 388, 419, 429, 483, 584, 585, 587 và khoản 2 Điều 589 của Bộ luật Dân sự; Tuyên xử:
1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Đình T:
- Buộc Ủy ban nhân dân xã DL, huyện KT, thành phố Hải Phòng phải bồi thường cho ông Nguyễn Đình T tổng số tiền 488.120.950 đồng.
- Buộc Công ty Cổ phần CN HP phải bồi thường cho ông Nguyễn Đình T số tiền 81.336.850 đồng.
Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.
- Ông Nguyễn Đình T và UBND xã DL, huyện KT, thành phố Hải Phòng tự chịu trách nhiệm và giải quyết với nhau về tài sản đã đầu tư và tài sản cho thuê khoán để thực hiện Hợp đồng số 02/HĐ-KT ngày 06/10/2009 theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn tuyên án phí, quyền kháng cáo và lãi suất chậm thi hành án.
Nội dung kháng nghị: Ngày 19/12/2019, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng đã ban hành Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 06/QĐKNPT-VKS-DS kháng nghị đối với Bản án dân sự sơ thẩm số 02/2019/DS- ST ngày 19/11/2019 của Tòa án nhân dân huyện KT, thành phố Hải Phòng. Đề nghị Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng xét xử phúc thẩm sửa một phần bản án sơ thẩm theo hướng: Không buộc Ủy ban nhân dân xã DL, huyện KT, thành phố Hải Phòng phải bồi thường cho ông Nguyễn Đình T một phần giá trị tài sản còn lại của hệ thống cấp nước, không giải quyết đối với tài sản đã đầu tư và tài sản cho thuê khoán theo Hợp đồng số 02/HĐ-KT ngày 06/10/2009.
Nội dung kháng cáo:
- Ngày 02/12/2019, bị đơn là UBND xã DL, huyện KT, thành phố Hải Phòng kháng cáo đề nghị hủy toàn bộ Bản án sơ thẩm vì: Việc Tòa án cấp sơ thẩm buộc UBND xã DL phải bồi thường số tiền 488.120.950 đồng là không có cơ sở, Tòa án chưa xử lý tài sản của ông T và Nhà nước trong Bản án; Tòa án không áp dụng các quy định về hợp đồng thuê khoán tài sản để xử lý vụ án “tranh chấp về hợp đồng thuê khoán tài sản”; chưa xử lý việc ông T không nộp tiền thuê khoán tài sản cho UBND xã DL từ năm 2009 - 2019. Đồng thời, ngày 13/12/2019, UBND xã DL có kháng cáo bổ sung, đề nghị hủy Bản án sơ thẩm do bản án sơ thẩm có thêm một số điều luật và phần quyết định của Bản án so với bản án đã tuyên và trích lục có một số nội dung khác nhau về việc xử lý hợp đồng và áp dụng điều luật không chính xác dẫn đến thiệt hại cho UBND xã DL.
- Ngày 03/12/2019, nguyên đơn là ông Nguyễn Đình T kháng cáo về phần lỗi của các đương sự theo Tòa án cấp sơ thẩm nhận định là chưa phù hợp. Đề nghị sửa Bản án sơ thẩm theo hướng xác định lỗi của UBND xã DL và Công ty Cổ phần CN HP có lỗi 70% với phần thiệt hại giá trị các công trình đầu tư còn lại, ông T chỉ có lỗi 30%.
- Ngày 03/12/2019, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Công ty Cổ phần CN HP kháng cáo đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm sửa Bản án dân sự sơ thẩm theo hướng tuyên Công ty CN không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho ông Nguyễn Đình T do Công ty không vi phạm Nghị định 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch.
Kháng cáo của nguyên đơn, bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đều trong thời hạn luật định nên được xem xét, giải quyết.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp cho nguyên đơn trình bày: Ông T đã có đề nghị thanh lý Hợp đồng số 02 thể hiện tại Đơn kêu cứu gửi Tòa án nhân dân huyện KT, việc Tòa án cấp sơ thẩm không làm rõ đề nghị thanh lý Hợp đồng này là thiếu sót của Hội đồng xét xử sơ thẩm, Viện kiểm sát kháng nghị về nội dung này là có căn cứ. Bị đơn và Viện kiểm sát cho rằng việc ông T tự ý đóng cửa nhà máy nước là lỗi của ông T, không phải của UBND xã DL là không có căn cứ, vì: Việc UBND xã DL và Công ty CN biết rõ quy định “một vùng cấp nước chỉ được do 1 đơn vị cấp nước thực hiện” nhưng vẫn ký thỏa thuận cấp nước gây thiệt hại lớn về kinh tế cho ông T, khiến ông T phải tạm dừng việc cấp nước khiến cho doanh thu của ông T liên tục sụt giảm, từ tháng 4/2017 đến tháng 7/2019, ông T đã bị thiệt hại do giảm sút doanh thu, nếu ông T tiếp tục thực hiện Hợp đồng, thực hiện việc cấp nước thì số tiền lỗ do giảm sút doanh thu ngày càng tăng. Mặt khác, việc cho rằng Hợp đồng số 02 không có điều khoản bồi thường nên không có cơ sở để buộc UBND xã DL phải bồi thường là không có cơ sở, do việc bồi thường thiệt hại do vi phạm Hợp đồng đã được quy định tại các Điều 13, 360, 361, 419 của Bộ luật Dân sự và tại Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước thì UBND xã DL và các cá nhân là lãnh đạo phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho ông T do các hành vi trái pháp luật của mình gây ra. Tại phiên tòa nguyên đơn khẳng định đã đề nghị Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết cho nguyên đơn được thanh lý tức là chấm dứt Hợp đồng số 02 và giải quyết hậu quả của việc chấm dứt tức là bồi thường giá trị tài sản còn lại của ông T đầu tư vào Nhà máy nước mini xã DL và phần giảm sút thu nhập.
Về hiệu lực của Hợp đồng số 02: Hợp đồng số 02 đã đáp ứng các quy định của pháp luật và không vô hiệu do sau khi ký Hợp đồng, ông T đã đầu tư xây dựng hơn 4 tỷ đồng, cấp nước cho hơn 900 hộ dân trong vùng và hàng tháng đều có kiểm tra chất lượng nước. Theo Điều 117 Bộ luật Dân sự, hộ kinh doanh cá thê và Chủ tịch xã là người có năng lực hành vi dân sự, tự nguyện giao kết hợp đồng, mục đích của Hợp đồng không vi phạm điều cấm của pháp luật nên không thuộc trường hợp vô hiệu. UBND xã giao đất công ích để thực hiện công trình công ích của địa phương, không phải giao đất để thực hiện việc kinh doanh nên quan điểm của bị đơn về việc giao đất trái thẩm quyền là không có căn cứ, ngoài ra, theo Nghị định 124 thì đơn vị cấp nước được miễn tiền sử dụng đất.
Về lỗi của các bên: Việc Tòa án cấp sơ thẩm xác định ông T có lỗi 70% là không công bằng, không đúng bản chất của vụ án, trong khi đó, chưa xác định lỗi của Công ty CN là thiếu khách quan. Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định UBND xã DL có 7 lỗi, đều là các lỗi lớn vi phạm hợp đồng dẫn đến thiệt hại cho ông T. UBND xã DL không T hành thanh lý hợp đồng, lập biên bản làm việc giữa Công ty CN và ông T mà đã ký thỏa thuận cấp nước ngay với Công ty CN với lý do để tự do cạnh tranh là vi phạm quy định của pháp luật về việc cấp nước.
Việc cung cấp nước của các nhà máy nước mini tại UBND xã DL và UBND Ngũ Phúc, huyện KT là có sự tương đồng nhau, cùng địa bàn, cùng thời điểm ký hợp đồng, cùng lấy nước ở một nơi, đại diện UBND xã Ngũ Phúc đã có biên bản thỏa thuận bồi thường, hỗ trợ với đơn vị cấp nước để bàn giao lại nhà máy cấp nước cho đơn vị khác thực hiện việc cấp nước. Việc không thỏa thuận như UBND xã Ngũ Phúc đã khiến vụ việc kéo dài, gây mất thời gian, công sức của các bên.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn trình bày: Hợp đồng số 02 ngày 6/10/2009 giữa ông Nguyễn Đình T và UBND xã DL là Hợp đồng vô hiệu bởi vì: Hợp đồng viện dẫn Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế và Nghị định số 17 ngày 16/01/1990 là 2 văn bản đã hết hiệu lực nên không thể áp dụng để làm căn cứ ký kết hợp đồng. Theo khoản 5 Điều 67 Luật Đất đai 2003, Chủ tịch UBND cấp xã chỉ được giao đất có thời hạn là 05 năm, loại đất là đất công ích nên Điều 4 Hợp đồng số 02 lại quy định thời hạn hợp đồng lần 1 là 20 năm là vượt thẩm quyền, trái với quy định của Luật Đất đai. Nghĩa vụ tài chính trong Hợp đồng cũng không nêu bên sử dụng đất phải nộp nghĩa vụ tài chính theo quy định của Luật Đất đai là vi phạm pháp luật. Nội dung Hợp đồng không tuân thủ quy định Hợp đồng thuê khoán tài sản tại Điều 483, 486, 487, 488 Bộ luật Dân sự là vi phạm nội dung hợp đồng theo quy định của BLDS. Tại khoản 2 Điều 4 Hợp đồng có thỏa thuận việc UBND xã cam kết không cho bất kỳ đơn vị nào khác cấp nước trên địa bàn xã là vi phạm Luật Cạnh tranh. Hợp đồng không quy định chế tài xử lý khi các bên vi phạm hợp đồng phải chịu nên không có căn cứ để nguyên đơn yêu cầu khởi kiện. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hải Phòng chưa có biên bản bàn giao cho UBND xã DL về toàn bộ công trình nước sạch mà Sở đã đầu tư nên UBND xã DL chưa phải là chủ sở hữu của công trình này, chưa có thẩm quyền ký Hợp đồng; thực tế, ông Nguyễn Đức T7- nguyên chủ tịch UBND xã DL thừa nhận việc UBND xã chưa được bàn giao công trình mà chỉ có biên bản nghiệm thu công trình, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố Hải Phòng cũng không trả lời việc UBND xã có được bàn giao công trình không; như vậy, khẳng định không có việc UBND xã DL được bàn giao công trình. Tòa án cấp sơ thẩm xác định ông T có lỗi phần lớn chiếm 70%, còn UBND xã DL có lỗi chiếm 30%, tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm không thể hiện rõ điều luật nào để xác định lỗi của các bên; đồng thời ông T có lỗi khi không lập hồ sơ thiết kế, dự toán, đầu tư…nhưng khi giải quyết Tòa án cấp sơ thẩm lại căn cứ lời khai của nguyên đơn và tiến hành định giá để chia lỗi là không có căn cứ pháp lý và thiếu tính thuyết phục; Hợp đồng cũng không có điều khoản nào quy định việc phải bồi thường khi xảy ra tranh chấp.
Tòa án cấp sơ thẩm chưa phân biệt được tiền doanh thu và lợi nhuận, số tiền ông T yêu cầu doanh thu bị giảm dút không phải hoàn toàn là lợi nhuận. Bản án sơ thẩm xác định quan hệ tranh chấp là tranh chấp hợp đồng thuê khoán tài sản nhưng lại xem xét cả yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là vi phạm khoản 3 Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự bởi ông T khởi kiện buộc UBND xã DL và Công ty CN chấm dứt hành vi vi phạm hợp đồng dẫn đến thiệt hại và giảm sút doanh thu, không yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nhưng Tòa án vẫn giải quyết bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là chưa nắm rõ quan hệ tranh chấp. Theo Quyết định số 131/2009-QĐ-TTg ngày 02/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ, tại điểm b Điều 6 có quy định: “Các tổ chức, cá nhân được giao quản lý, khai thác cơ sở nước sạch được đầu tư từ Ngân sách Nhà nước hoặc có nguồn ngân sách từ Nhà nước có trách nhiệm nộp khấu hao tài sản cố định đối với tài sản được đầu tư…” Tuy nhiên Tòa án cấp sơ thẩm không đề cập đến nội dung này, không định giá tài sản Nhà nước đã đầu tư để buộc ông T phải nộp khấu hao tài sản trong 10 năm ông T đã sử dụng để nộp vào Ngân sách Nhà nước.
Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố hủy Hợp đồng, hợp đồng vô hiệu, hậu quả hợp đồng vô hiệu được xử lý theo quy định của pháp luật. UBND xã DL không phải chịu trách nhiệm bồi thường cho ông T như Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên. Ngoài ra đề nghị Hội đồng xét xử kiến nghị cơ quan có thẩm quyền truy thu tiền sử dụng đất, tiền thuê tài sản (phần Nhà nước đầu tư) trong thời gian ông T sử dụng là 10 năm để nộp Ngân sách Nhà nước. Đồng thời, Tòa án cấp sơ thẩm ra 2 Quyết định khác nhau, Trích lục Bản án có nội dung khác với phần Quyết định của Bản án là vi phạm nghiêm trọng Điều 268 Bộ luật Tố tụng dân sự, đề nghị xem xét hủy 1 trong 2 quyết định trên.
Người đại diện hợp pháp cho người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Công ty Cổ phần CN HP trình bày:
Hợp đồng số 02 ngày 06/10/2009 giữa ông Nguyễn Đình T và UBND xã DL không có nội dung xác định Công ty CN có liên quan đến việc thực hiện Hợp đồng. Việc cấp nước của Công ty CN tại xã DL là thực hiện đúng chỉ đạo của UBND huyện KT và nguyện vọng của người dân. Trong khi đó, việc cấp nước của ông T là không đúng quy định của pháp luật vì chủ đầu tư của Nhà máy nước mini xã DL là Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường; theo Quyết định số 611, Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường chưa bàn giao cho UBND xã DL quản lý trạm cấp nước sạch theo Chương trình nước sạch nông thôn nên UBND xã DL không có quyền giao cho ông Nguyễn Đình T vận hành và khai thác trạm cấp nước sạch. Mặt khác, Nhà máy nước mini được hình thành từ nguồn vốn Ngân sách Nhà nước (đã được UBND thành phố Hải Phòng giao cho Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn làm chủ đầu tư), đất của UBND xã DL, tiền đầu tư của ông Nguyễn Đình T và tiền đóng góp của các hộ dân xã DL, tuy nhiên, Bản án cấp sơ thẩm chưa đưa Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, các hộ dân có đóng góp vào tham gia tố tụng là vi phạm nghiêm trọng về tố tụng. Bản án sơ thẩm đã xác định, việc đầu tư của ông T không Đ bảo các quy định của pháp luật; việc cấp nước phải có biên bản thỏa thuận nhưng ông T và UBND xã DL không có thỏa thuận nào về việc thực hiện dịch vụ cấp nước, ông T cũng không ký hợp đồng dịch vụ cấp nước với các hộ dân theo quy định của pháp luật, cố tình chuyển hợp đồng thành thỏa thuận. Như vậy, Hợp đồng số 02/HĐ-KT ngày 06/10/2009 giữa ông T và UBND xã DL là vô hiệu, việc ông T đã đầu tư thực hiện hoạt động dịch vụ cấp nước là hoàn toàn không đúng quy định của pháp luật. Việc Công ty Cổ phần CN HP thực hiện việc cấp nước cho nhân dân xã DL là phù hợp với quy định pháp luật, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, phù hợp với chỉ đạo của Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng, huyện ủy và UBND huyện Thủy Nguyên. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét chấp nhận kháng cáo của Công ty, không buộc Công ty phải bồi thường cho ông T.
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm và phát biểu ý kiến về kháng nghị:
- Về việc tuân theo pháp luật tố tụng dân sự: Trong quá trình giải quyết vụ án theo thủ tục phúc thẩm, Hội đồng xét xử đã chấp hành đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Những người tham gia tố tụng đã thực hiện đúng các quy định về quyền và nghĩa vụ của mình.
- Về nội dung kháng cáo, kháng nghị của Viện kiểm sát:
Ngày 06/10/2009, ông Nguyễn Đình T (bên B) đại diện cho hộ kinh doanh cá thể và Ủy ban nhân dân xã DL (UBND xã), huyện KT (bên A) ký Hợp đồng số 02/HĐ-ĐT về việc đầu tư xây dựng vận hành hệ thống cấp nước sạch phục vụ cho các hộ dân xã DL, nội dung: Bên A giao cho bên B diện tích đất 1.222m2 để bên B đầu tư xây dựng và quản lý trạm cấp nước sạch xã DL gồm các hạng mục sau: Đầu tư đổ mặt bằng, đầu tư xây dựng hồ Lắng, nhà điều hành và nâng công suất trạm; bên B đầu tư xây dựng hệ thông đường ống trục chính, ống nhánh vào nhà dân trên địa bàn xã; Vận hành khai thác sử dụng trạm cấp nước sạch dảm bảo công tác phục vụ dân sinh hoạt động trên địa bàn xã, bên B chủ động nguồn vốn và được quyền thu phần đóng góp kinh phí của các hộ sử dụng nước máy để thu hồi vốn và phục vụ công tác quản lý thiết kế lắp đặt…kinh phí đóng góp một lần duy nhất là 1.000.000 đồng/hộ, kinh phí đóng góp tính theo từng thời điểm…UBND xã cam kết không cho bất cứ đơn vị nào khác cấp nước trên địa bàn xã. Thời hạn hợp đồng lần 1 là 20 năm… Việc UBND xã DL và ông T ký Hợp đồng trên là không đúng quy định của pháp luật, bởi lẽ:
Theo quy định tại Điều 1 Hợp đồng trên, UBND xã giao cho ông T diện tích đất 1.222m2 để bên B đầu tư xây dựng và quản lý trạm cấp nước sạch xã DL…là không đúng quy định của Luật Đất đai 2003. Theo quy định tại Điều 33, Điều 34 Luật Đất đai 2003 về giao đất thì việc ông T sử dụng đất để đầu tư xây dựng và quản lý trạm cấp nước sạch xã DL không thuộc các trường hợp được giao đất, mà thuộc trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất để xây dựng công trình công cộng có mục đích kinh doanh là trường hợp Nhà nước cho thuê đất có thu tiền thuê đất hàng năm theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 35 Luật Đất đai 2003. Mặt khác, theo Điều 37 Luật Đất đai 2003 thì chỉ có UBND cấp tỉnh và UBND cấp huyện mới có thẩm quyền giao đất, UBND xã chỉ có quyền cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã phường, thị trấn. Như vậy, việc UBND xã DL giao đất cho ông T để đầu tư xây dựng và quản lý trạm cấp nước sạch là không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng được giao đất.
Theo khoản 3 Điều 1, UBND xã giao cho ông T vận hành khai thác sử dụng trạm cấp nước sạch… là không đúng, vì: Theo Chương trình Quốc gia về nước sạch nông thôn được UBND thành phố Hải Phòng quyết định đầu tư tại Quyết định số 611/QĐ-UBND ngày 13/4/2007 về phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình nước sạch nông thôn Hải Phòng giai đoạn 2007-2010, theo đó UBND thành phố Hải Phòng giao cho trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Hải Phòng làm chủ đầu tư. Sau khi hoàn thành công trình trạm cấp nước xã DL, trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Hải Phòng chưa có văn bản bàn giao công trình cho UBND xã DL quản lý. Do đó UBND xã không có quyền giao cho ông T vận hành, khai khác sử dụng trạm cấp nước sạch.
Việc UBND xã ký Hợp đồng về việc đầu tư xây dựng vận hành hệ thống cấp nước sạch với ông T là không đúng quy định của pháp luật. Điều 29 Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 cuả Chính phủ quy định:…UBND xã…lựa chọn đơn vị cấp nước do mình quản lý…Điều 31 Nghị định trên quy định: “1. Thoả thuận thực hiện dịch vụ cấp nước là văn bản pháp lý được ký kết giữa Ủy ban nhân dân hoặc cơ quan được ủy quyền với đơn vị cấp nước thực hiện dịch vụ cấp nước trên địa bàn.”. Theo đó, UBND chỉ được lựa chọn và ký thỏa thuận dịch vụ cấp nước với ông T. Ngoài ra, Hợp đồng giữa UBND xã và ông T không có quy định về định hướng kế hoạch phát triển cấp nước, giá nước, lộ trình, các nguyên tắc điều chỉnh giá nước, các điều kiện dịch vụ (chất lượng nước, áp lực, lưu lượng và tính liên tục), lộ trình cải thiện các điều kiện dịch vụ là không Đ bảo các nội dụng cơ bản của thỏa thuận dịch vụ cấp nước theo quy định tại khoản 2 Điều 31 Nghị định này.
Như vậy, Hợp đồng số 02/HĐ-ĐT ngày 06/10/2009 về việc đầu tư xây dựng vận hành hệ thống cấp nước sạch được ký kết giữa ông T và UBND xã DL vô hiệu theo quy định tại Điều 122, Điều 127, Điều 128, Điều 410 BLDS năm 2005. Tuy nhiên, nguyên đơn không yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu, bị đơn không có yêu cầu phản tố. Tài liệu có trong hồ sơ chỉ có duy nhất tại đơn kêu cứu của ông T ngày 8/7/2019 có nội dung đề nghị: Buộc UBND xã DL chấm dứt ngay hành vi vi phạm Hợp đồng số 02/HĐ-ĐT ngày 6/10/2009 ký kết giữa UBND xã DL và ông T bằng việc thu hồi và hủy bỏ ngay các văn bản đã cho phép Công ty CN HP vào khảo sát, đầu tư và khai thác sử dụng công trình cấp nước… Hoặc thanh lý hợp đồng số 02 và bồi thường toàn bộ số vốn mà chúng tôi đã đầu tư là 4,4, tỷ đồng. Tuy nhiên, trong các đơn khởi kiện, đơn khởi kiện bổ sung, các bản khai, trình bày cũng như các biên bản làm việc với Tòa án của ông T đều không yêu cầu thanh lý, hủy hợp đồng hay tuyên bố hợp đồng vô hiệu. Hợp đồng số 02/HĐ-ĐT ngày 06/10/2009 chưa được thanh lý nên các bên vẫn thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo hợp đồng đã ký kết, không có căn cứ xác định thiệt hại là giá trị còn lại của hệ thống cấp nước. Việc ông T tự ý cho nhà nước máy mini xã DL dừng hoạt động là lỗi của ông T không phải lỗi của UBND xã DL. Hợp đồng cũng không có điều khoản nào thể hiện khi các bên xảy ra tranh chấp Bên A phải có nghĩa vụ bồi thường toàn bộ giá trị tài sản cho Bên B. Vì vậy, không có cơ sở để buộc UBND xã DL, huyện KT, thành phố Hải Phòng phải bồi thường cho ông Nguyễn Đình T giá trị tài sản còn lại của hệ thống cấp nước như bản án sơ thẩm đã tuyên. Ngoài ra bản án tuyên UBND xã DL phải bồi thường cho ông T một phần giá trị tài sản còn lại của hệ thống cấp nước như trên nhưng lại buộc hai bên tự chịu trách nhiệm giải quyết với nhau về tài sản đã đầu tư và tài sản cho thuê khoán theo Hợp đồng số 02/HĐ-KT ngày 6/10/2009 là không Đ bảo cho việc thi hành án, bởi lẽ: Hợp đồng số 02/HĐ-KT ngày 6/10/2009 được ký trong thời hạn 20 năm, đến thời điểm tranh chấp vẫn chưa hết thời hạn của hợp đồng, nhà máy nước mini xã DL ông T vẫn quản lý và vận hành. Tòa án cấp sơ thẩm chỉ tuyên buộc UBND xã DL phải bồi thường giá trị còn lại của hệ thống cấp nước cho ông T mà không tuyên về trách nhiệm của các bên sau khi nhận được bồi thường tài sản cũng như việc quản lý hệ thống cấp nước sau đó như thế nào là thiếu sót. Do đó, kháng nghị của VKS thành phố Hải Phòng theo hướng sửa một phần bản án sơ thẩm theo hướng: không buộc UBND xã DL, huyện KT, thành phố Hải Phòng phải bồi thường cho ông Nguyễn Đình T một phần giá trị tài sản còn lại của hệ thống cấp nước, không giải quyết đối với tài sản đã đầu tư và tài sản cho thuê khoán theo Hợp đồng 02/HĐ-KT ngày 06/10/2009 là có căn cứ.
Mặt khác, Công ty Cổ phần CN HP ký kết thoả thuận thực hiện dịch vụ cấp nước với UBND xã DL trong đó UBND xã lựa chọn đơn vị cấp nước và ký thỏa thuận là đúng thẩm quyền, văn bản thỏa thuận có đầy đủ các nội dung cơ bản theo quy định tại Điều 29, Điều 31 Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ. Mặc dù theo quy định tại Điều 32 Nghị định này, mỗi vùng phục vụ cấp nước chỉ do một đơn vị cấp nước thực hiện dịch vụ cấp nước, nhưng việc lựa chọn đơn vị cấp nước nào là thẩm quyền của UBND xã, UBND xã lựa chọn và ký thỏa thuận với Công ty CN theo đúng quy định của pháp luật, nên Công ty CN không phải chịu trách nhiệm về sai phạm của UBND xã. Vì vậy, không có cơ sở buộc Công ty CN phải liên đới cùng UBND xã bồi thường số tiền giảm sút doanh thu của Nhà máy nước mini.
Từ những phân tích nêu trên cho thấy kháng cáo của ông T đề nghị Tòa án xác định UBND xã DL và Công ty CN có lỗi và phải bồi thường 70% phần gía trị thiệt hại của các công trình đầu tư còn lại của ông T là không có cơ sở. Kháng cáo của UBND xã DL và Công ty CN đề nghị Tòa án tuyên UBND xã và Công ty CN không phải chịu trách nhiệm bồi thường cho ông T và không phải chịu án phí DSST là có căn cứ chấp nhận. Ngoài ra, kháng cáo của UBND xã DL đề nghị Tòa án xử lý việc ông T không nộp tiền thuê khoán tài sản cho UBND xã từ năm 2009- 2019 là không có cơ sở, vì Hợp đồng ký kết giữa ông T và UBND xã không có điều khoản nào quy định ông T có nghĩa vụ phải nộp tiền thuê khoán tài sản cho UBND xã, hơn nữa trong quá trình giải quyết vụ án, không có đương sự nào yêu cầu buộc ông T phải thanh toán tiền thuê khoán tài sản. Kháng cáo của ông T đề nghị hủy án sơ thẩm do bản án sơ thẩm có thêm vào môt số điều luật và phần quyết định của bản án so với bản án tuyên tại phiên tòa và trích lục bản án có thêm nội dung “ông T và UBND xã DL, huyện KT tự chịu trách nhiệm giải quyết với nhau về tài sản đã đầu tư và tài sản đã thuê khoán để thực hiện hợp đông số 02/HĐ-KT ngày 6/10/2009 theo quy định của pháp luật” . Việc bản án cấp sơ thẩm thêm phần nội dung trên so với trích lục bản án là không đúng quy định, tuy nhiên đây không phải là vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng. Ngoài ra, kháng nghị của VKS cũng đề nghị không giải quyết đối với tài sản đã đầu tư và tài sản cho thuê khoán theo Hợp đồng số 02/HĐ-KT ngày 06/10/2009 nên không có cơ sở để chấp nhận kháng cáo của ông T đề nghị hủy bản án sơ thẩm.
Như vậy, cần thiết phải sửa một phần bản án sơ thẩm theo hướng: Không buộc Ủy ban nhân dân xã DL, huyện KT, thành phố Hải Phòng phải bồi thường cho ông T 30% giá trị tài sản còn lại của hệ thống cấp nước; không buộc Công ty CN phải có trách nhiệm bồi thường cho ông Nguyễn Đình T một phần giảm sút doanh thu. Trách nhiệm bồi thường phần giảm sút doanh thu của Nhà máy nước mini chỉ thuộc về UBND xã DL, do ký kết hợp đồng giữa Ủy ban và ông T hai bên đều có lỗi nên UBND xã DL có trách nhiệm bồi thường 50% giá trị tiền giảm sút doanh thu của Nhà máy.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi xem xét các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ đã được xem xét tại phiên tòa, kháng cáo của các đương sự, kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng tham gia phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
- Về thủ tục tố tụng:
[1] Về thẩm quyền giải quyết: Ông Nguyễn Đình T là đại diện hộ kinh doanh cá thể Nguyễn Đình T ngành nghề kinh doanh “Khai thác, lọc nước phục vụ sinh hoạt; ...” tại Hệ thống cấp nước sinh hoạt tại xã DL, huyện KT, thành phố Hải Phòng; địa chỉ: Thôn 4, xã DL, huyện KT, thành phố Hải Phòng theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hộ kinh doanh cá thể số: 02I800 2366; đăng ký lần đầu ngày 14/5/2009; đăng ký thay đổi lần thứ nhất ngày 03 tháng 4 năm 2018, khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết về việc Tranh chấp hợp đồng thuê khoán tài sản là Nhà máy nước mini phục vụ cho mục đích sinh hoạt của nhân dân và bồi thường thiệt hại đối với UBND xã DL, huyện KT, thành phố Hải Phòng. Tòa án nhân dân huyện KT xác định đây là vụ án dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện KT là đúng quy định của pháp luật.
[2] Về quan hệ tranh chấp: Ngoài yêu cầu khởi kiện giải quyết tranh chấp về hợp đồng thuê khoán tài sản, ông T còn đề nghị Tòa án buộc UBND xã DL và Công ty Cổ phần CN HP liên đới bồi thường cho ông T giá trị còn lại của hệ thống cấp nước và thiệt hại do giảm doanh thu từ việc Công ty CN thực hiện việc cấp nước trên địa bàn xã DL. Do đó, xác định đây là tranh chấp “hợp đồng thuê khoán tài sản” và “bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”. Việc Tòa án cấp sơ thẩm chỉ mới chỉ xác định quan hệ tranh chấp là tranh chấp “hợp đồng thuê khoán tài sản” là thiếu sót, tuy nhiên, trong quá trình giải quyết vụ án Tòa án huyện KT vẫn áp dụng các quy định về tranh chấp hợp đồng thuê khoán tài sản và bồi thường thiệt hại để giải quyết vụ án.
[3] Xét đối với kháng cáo của bị đơn về việc Bản án phát hành và Trích lục Bản án có sự khác nhau về điều luật áp dụng làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Trích lục Bản án là bản tóm tắt nội dung Bản án, Bản án sơ thẩm đã phát hành phù hợp về nội dung với bản án sơ thẩm đã được thông qua phòng Nghị án (Bản án gốc) và được tuyên án. Việc Trích lục và Bản án không giống nhau, có bổ sung thêm một số nội dung về điều luật áp dụng là có sai phạm nhưng không phải vi phạm nghiêm trọng tố tụng để làm căn cứ hủy Bản án sơ thẩm.
[4] Về pháp luật áp dụng: Hợp đồng số 02/HĐ-KT ngày 6/10/2009 giữa ông Nguyễn Đình T và UBND xã DL, huyện KT được ký kết vào ngày 06/10/2009, thời điểm Bộ luật Dân sự 2005 có hiệu lực pháp luật. Do Hợp đồng giữa các bên vẫn đang được thực hiện, ông T chỉ mới có đề nghị tạm dừng thực hiện Hợp đồng chưa thanh lý, chấm dứt hợp đồng; nội dung và hình thức phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự 2015. Vì vậy, việc tòa án cấp sơ thẩm áp dụng Bộ luật Dân sự 2015 để giải quyết là có căn cứ, nhưng cần viện dẫn quy định về điều khoản chuyển tiếp là điểm b khoản 1 Điều 688 Bộ luật Dân sự 2015.
- Xét nội dung:
[5] Xét về quá trình giao kết và hiệu lực của Hợp đồng số 02/HĐ-KT ngày 06/10/2009 giữa ông Nguyễn Đình T và UBND xã DL: Ngày 06/10/2009, ông Nguyễn Đình T và UBND xã DL, huyện KT, thành phố Hải Phòng đã ký Hợp đồng số 02/HĐ-KT về việc đầu tư xây dựng vận hành hệ thống cấp nước nhà máy nước mini có địa chỉ tại thôn 4, xã DL về việc cung cấp nước sạch phục vụ các hộ dân xã DL. Phần Hợp đồng đã viện dẫn Pháp lệnh hợp đồng kinh tế và Nghị định số 17/HĐBT ngày 16/01/1990 đã hết hiệu lực pháp luật tại thời điểm giao kết Hợp đồng. Tuy nhiên, theo Điều 402 Bộ luật Dân sự 2005 về nội dung của hợp đồng dân sự thì viện dẫn pháp luật không phải là nội dung chính của hợp đồng. Tại Điều 1 Hợp đồng có thỏa thuận: Bên A giao cho bên B diện tích đất là 1.222m2 bao gồm cả diện tích trong chỉ giới giao thông thủy để bên B đầu tư xây dựng và quản lý vận hành trạm cấp nước sạch xã DL. Theo đó, UBND xã DL không cho ông T thuê đất để đầu tư, sử dụng đất mà chỉ giao cho ông phần diện tích đất của trạm cấp nước sạch xã DL để ông T đầu tư xây dựng và quản lý nhà máy nước. Mặt khác, Hợp đồng giữa các bên là Hợp đồng thuê khoán tài sản nên thực tế, quyền sử dụng, quản lý đất vẫn thuộc về UBND xã DL.
[6] Việc bị đơn đề nghị tuyên Hợp đồng số 02/HĐ-KT ngày 06/10/2009 vô hiệu là không có căn cứ và trái với các quy định của pháp luật trong lĩnh vực sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch khu vực nông thôn được quy định tại các Nghị định, Chỉ thị được quy định tại Điều 6 Văn bản số 03/VBHN-BXD ngày 30/7/2014 của Bộ xây dựng “... Đơn vị cấp nước được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với công trình cấp nước bao gồm: Công trình khai thác, xử lý nước, đường ống và công trình trên mạng lưới đường ống cấp nước; các công trình hỗ trợ quản lý, vận hành hệ thống cấp nước ...” và quy định tại Bộ luật Dân sự như đã viện dẫn ở trên nên yêu cầu này của bị đơn không được chấp nhận.
[7] Xét về thẩm quyền giao kết hợp đồng: Mặc dù Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn Hải Phòng làm chủ đầu tư xây dựng theo Quyết định 611/QĐ-UBND thành phố Hải Phòng ngày 17/7/20007 về việc phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình Cấp nước sạch nông thôn Hải Phòng giai đoạn 2007- 2010, tuy nhiên, tại Quyết định này không có quy định về việc Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn Hải Phòng phải thực hiện thủ tục bàn giao lại công trình cho UBND xã quản lý, các bên đã ký biên bản nghiệm thu công trình. Mặt khác, khi ký Hợp đồng số 02/HĐ-KT ngày 06/10/2009, UBND xã DL không đề cập đến việc chưa được bàn giao công trình, Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường Nông thôn Hải Phòng là chủ đầu tư, là cơ quan Nhà nước quản lý trong lĩnh vực nước sạch kể từ khi nghiệm thu công trình với UBND xã DL cũng không có ý kiến gì về việc ông T sử dụng nhà máy nước để kinh doanh trong suốt thời gian từ năm 2009 đến nay. Nếu UBND xã DL chưa được bàn giao nên không được xem là chủ sử dụng thì Trung tâm phải có trách nhiệm quản lý, kiểm tra việc sử dụng nhà máy nước, nhưng trong một thời gian dài, ông T khai thác, sử dụng Nhà máy nước, Trung tâm không có ý kiến gì, vẫn kiểm định tiêu chuẩn, chất lượng nước hàng năm nên có thể coi là Trung tâm không phản đối việc ký hợp đồng của UBND xã DL và ông Nguyễn Đình T. Mặt khác tại các Biên bản làm việc của Tòa án với những người đại diện là các trưởng thôn, phó thôn…trong xã DL đều đã được Chủ tịch UBND xã xác nhận Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường Nông thôn Hải Phòng đã bàn giao Nhà máy nước mini xã DL cho UBND xã DL. Do đó, việc UBND xã DL ký hợp đồng với ông Nguyễn Đình T vẫn có hiệu lực pháp luật và không vô hiệu. Nguyên đơn không có yêu cầu xem xét hiệu lực của Hợp đồng, bị đơn và người liên quan cũng không có yêu cầu phản tố hay yêu cầu độc lập về việc xem xét hiệu lực của Hợp đồng mà chỉ trình bày quan điểm. Mặt khác, Hợp đồng đã được các bên thực hiện, trong quá trình thực hiện cũng không có ý kiến gì về nội dung và hình thức. Do đó, Hợp đồng vẫn có hiệu lực pháp luật như nhận định của Tòa án cấp sơ thẩm đã nhận định.
[8] Đối với yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và kháng nghị của Viện kiểm sát về việc xác định lỗi của các bên đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại:
[8.1] + Về việc xác định lỗi để bồi thường toàn bộ giá trị tài sản còn lại đối với hệ thống cấp nước: Việc nguyên đơn đề nghị bị đơn phải trưng mua lại toàn bộ hệ thống cấp nước hoặc bồi thường toàn bộ giá trị còn lại đối với hệ thống cấp nước thể hiện đề nghị thanh lý hợp đồng tại đơn kêu cứu ngày 08/7/2019 của ông Nguyễn Đình T thể hiện yêu cầu thanh lý Hợp đồng số 02/HĐ-KT ngày 06/10/2009 và bồi thường toàn bộ số vốn đã đầu tư. Mặt khác tại phiên tòa ông T cũng thể hiện ý chí từ giai đoạn xét xử sơ thẩm là được chấm dứt Hợp đồng số 02/HĐ-KT ngày 06/10/2009. Trong việc chấm dứt hợp đồng, ông T và UBND xã DL đều có lỗi trong quá trình thực hiện hợp đồng. Công ty CN không tham gia Hợp đồng số 02/HĐ-KT ngày 06/10/2009 nên không xem xét lỗi của Công ty CN đối với việc các bên chấm dứt Hợp đồng.
[8.2] + Cụ thể lỗi của các bên được xác định như sau: Đối với ông T: Trong quá trình thực hiện, ông T tiến hành việc xây dựng nhưng không có hồ sơ thiết kê, hồ sơ dự toán sau thẩm tra, không cung cấp được hợp đồng mua bán vật tư, hợp đồng chi phí nhân công xây dựng, lắp đặt hệ thống cấp nước. Không đầu tư nâng cấp hệ thống lọc và bơm nước khiến chất lượng nước không được đảm bảo... Đối với UBND xã DL: Kể từ thời điểm giao kết Hợp đồng số 02/HĐ-KT ngày 06/10/2009 đã không ký bổ sung phụ lục hợp đồng để xác định rõ trách nhiệm của các bên trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện Hợp đồng số 02/HĐ-KT ngày 06/10/2009. Không kịp thời phản ánh các kiến nghị của người dân về chất lượng nước và áp lực nước, không thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, yêu cầu ông T phải đảm bảo đúng chất lượng như đã cam kết. Không chủ động phối hợp với cơ quan kiểm định để đảm bảo chất lượng nước; không thực hiện sự chỉ đạo tại các văn bản của UBND thành phố, UBND huyện để giải quyết dứt điểm kiến nghị của người dân. Ký văn bản thỏa thuận dịch vụ cấp nước với Công ty CN khi chưa thanh lý Hợp đồng số 02/HĐ-KT ngày 06/10/2009 với ông T làm giảm thu nhập của ông T (ông T không có lợi nhuận để bổ sung, nâng cấp chất lượng). Như vậy, việc Tòa án cấp sơ thẩm xác định lỗi của các bên, theo đó, ông T chịu lỗi 70% còn UBND xã DL chịu 30% lỗi là không thỏa đáng. Bởi lẽ, như đã phân tích trên, lỗi của UBND xã DL phải chịu là 70%, còn ông T phải chịu 30%.
[9] Theo Kết luận định giá tài sản, thể hiện giá trị tài sản còn lại đối với phần ông T đầu tư vào Nhà máy nước mini xã DL là 1.355.947.000 đồng; theo Biên bản thẩm định tại chỗ ngày 14/5/2020 của Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng thể hiện các tài sản ông T đề nghị định giá đều là các tài sản do ông T đầu tư vào Nhà máy nước mini xã DL, do đó, UBND xã DL phải bồi thường cho ông T số tiền: 1.355.947.000 x 70% = 949.162.900 đồng.
[10] Tòa án cấp sơ thẩm khi xem xét yêu cầu bồi thường đã buộc UBND xã DL phải bồi thường nhưng lại không giải quyết việc thanh lý, chấm dứt Hợp đồng số 02/HĐ-KT ngày 06/10/2009 giữa các bên mà để các bên tự chịu trách nhiệm và giải quyết về tài sản đã đầu tư, tài sản cho thuê là không đúng quy định. Bởi lẽ: Hợp đồng giữa các bên là Hợp đồng thuê khoán tài sản, UBND xã DL đã bồi thường cho ông T giá trị còn lại của các tài sản ông T đã đầu tư nên các tài sản còn lại của Nhà máy nước mini phải thuộc quyền quản lý của UBND xã DL. Theo UBND xã DL và ý kiến của các hộ dân cho biết: Các hộ dân vẫn có nhu cầu sử dụng nguồn nước của nhà máy nước mini để tưới tiêu, rửa sân, trồng trọt, chăn nuôi (không sử dụng vào mục đích nước ăn uống), do giá thành nước rẻ. Mặt khác, các công trình đã xây dựng của Nhà máy nước mini vẫn còn giá trị sử dụng, việc không giải quyết dứt điểm và bàn giao tài sản còn lại cho ai gây thất thoát, lãng phí tài sản của Nhà nước và tài sản của nhân dân. Vì vậy, cần bàn giao lại toàn bộ tài sản của Nhà máy nước mini cho UBND xã DL quản lý, sử dụng; UBND xã DL có thể tiếp tục đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng để cho đơn vị khác thuê lại, cung cấp nước cho người dân trong khu vực. Do đó, chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn và không chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng.
[11] Xét về xác định lỗi của các bên trong Hợp đồng dẫn đến việc giảm sút lợi nhuận, phát sinh trách nhiệm bồi thường:
[11.1] + Về lỗi của ông Nguyễn Đình T: Là người trực tiếp cung cấp nước cho các hộ dân, ông T không lập hợp đồng bằng văn bản với các hộ dân. Khi có ý kiến về chất lượng nước, không chủ động trực tiếp làm việc với UBND xã và đại diện các hộ dân để giải quyết ý kiến, ông T không đầu tư nâng cấp cải tạo chất lượng nước đảm bảo chất lượng và tăng công suất máy bơm đảm bảo áp lực nước. Do đó, ông T cũng có một phần lỗi trong việc để chất lượng nước và áp lực nước giảm sút, không đáp ứng được nhu cầu của các hộ dân, dẫn đến việc một số hộ dân sử dụng nguồn nước cung cấp khác, từ đó, làm giảm doanh thu của ông T.
[11.2] + Về lỗi của UBND xã DL: Với vai trò là cơ quan Nhà nước giao cho ông T sử dụng một phần tài sản của Nhà nước để đầu tư, xây dựng hệ thống cung cấp nước cho các hộ dân, UBND xã DL đã chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình; cụ thể: UBND xã DL kể từ thời điểm giao kết Hợp đồng số 02/HĐ-KT ngày 06/10/2009 không ký bổ sung phụ lục hợp đồng để xác định rõ trách nhiệm của các bên trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng. Khi nhận được các ý kiến của nhân dân về chất lượng và áp lực nước, UBND xã đã không thông báo và mời ông T và các hộ dân cùng làm việc, dẫn tới việc ông T không nắm được các phản ánh của người dân. UBND xã không có văn bản yêu cầu ông T thực hiện đúng các giao kết trong hợp đồng như yêu cầu ông T nâng cấp, cải tạo chất lượng nước, áp lực máy bơm. Không chủ động phối hợp với cơ quan kiểm định để đảm bảo chất lượng nước; không thực hiện sự chỉ đạo tại các văn bản của UBND thành phố, UBND huyện để giải quyết dứt điểm kiến nghị của người dân. Mặt khác, UBND xã DL cũng có lỗi khi ký văn bản thỏa thuận với Công ty CN khiến một số hộ dân lựa chọn hệ thống cấp nước khác, ảnh hưởng đến doanh thu của ông T. UBND xã DL chưa thanh lý Hợp đồng 02/HĐ-KT ngày 06/10/2009 với ông Nguyễn Đình T mà đã ký văn bản thỏa thuận dịch vụ cấp nước với Công ty CN dẫn đến việc tồn tại song song 2 hệ thống cấp nước tại xã DL, vi phạm Hợp đồng 02/HĐ-KT ngày 06/10/2009, Nghị định 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 và các quy định khác tại Chỉ thị 35/CY-TTg ngày 27/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ, Công văn 317/VP-TL ngày 20/01/2017 của UBND thành phố.
[11.3] Như vậy, UBND xã DL cũng có lỗi trong việc để giảm sút doanh thu của Nhà máy nước mini của ông T do chất lượng nước cũng như áp lực nước giảm sút, nếu UBND xã DL có thông báo các nội dung kiến nghị của người dân cho ông T biết và có văn bản nhắc nhở, đôn đốc, yêu cầu ông T phải thực hiện đúng tiêu chuẩn, chất lượng nước đã cam kết thì UBND xã đã làm hết trách nhiệm, quyền hạn của mình thì không có lỗi trong việc để giảm sút doanh thu do chất lượng nước không Đ bảo. Đồng thời, UBND xã DL cũng có lỗi trong việc để 1 đơn vị cấp nước khác hoạt động trên địa bàn xã DL khiến cho một số hộ dân lựa chọn hệ thống cấp nước khác, ảnh hưởng đến doanh thu của ông T [12] Xét về lỗi của Công ty CN: Công ty CN không có lỗi trong việc làm giảm sút doanh thu của ông T, bởi: Công ty CN ký kết thỏa thuận thực hiện dịch vụ cấp nước với UBND xã DL, trong đó UBND xã lựa chọn đơn vị cấp nước và ký thỏa thuận là đúng thẩm quyền, văn bản thỏa thuận có đầy đủ nội dung cơ quan theo Điều 20, 31 Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007. Mặc dù, theo Nghị định 117, mỗi vùng phục vụ cấp nước chỉ do 1 đơn vị cấp nước thực hiện dịch vụ cấp nước nhưng lựa chọn đơn vị cấp nước nào là thẩm quyền của UBND xã, UBND xã lựa chọn và ký thỏa thuận với Công ty CN đúng theo quy định pháp luật. Việc UBND xã DL vi phạm Hợp đồng số 02/HĐ-KT ngày 06/10/2009 là lỗi của UBND xã DL, Công ty CN không biết việc vi phạm và không phải chịu trách nhiệm về việc vi phạm Hợp đồng của UBND xã DL. Mặt khác, việc làm giảm sút doanh thu của Nhà máy nước mini do chất lượng nước, áp lực nước không Đ bảo không phải là lỗi của Công ty CN. Như vậy, Công ty CN không có lỗi nên không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do giảm sút thu nhập của ông T.
[13] Do đó, chỉ xác định UBND xã DL và ông T cùng có lỗi trong việc để giảm sút doanh thu của ông T. Trong đó, lỗi phần lớn thuộc về UBND xã DL (có lỗi trong việc để chất lượng nước không Đ bảo và lỗi trong việc để 02 đơn vị cấp nước cùng hoạt động trên 1 địa bàn), ông T chỉ có một phần lỗi trong việc để chất lượng nước không Đ bảo. Việc Tòa án cấp sơ thẩm xác định lỗi của Công ty CN và UBND xã DL cùng có lỗi chiếm 70% là chưa phù hợp, cần phải xác định lại lỗi của ông T chỉ chiếm 30%, lỗi của UBND xã DL chiếm 70%, Công ty CN không có lỗi. Như vậy, tổng số tiền UBND xã DL, huyện KT, thành phố Hải Phòng phải bồi thường cho ông Nguyễn Đình T về giá trị tài sản còn lại của Nhà máy nước mini xã DL và bồi thường giảm sút doanh thu của ông T là: 1.355.947.000 x 70% + 232.391.000 x 70% = 1.111.836.600 đồng.
[14] Trong quá trình giải quyết vụ án Tòa án cấp sơ thẩm chưa giải quyết yêu cầu thanh lý, chấm dứt Hợp đồng của ông T là thiếu sót, việc Tòa án cấp sơ thẩm tuyên để các đương sự tự giải quyết với nhau về tài sản đã đầu tư và tài sản cho thuê khoán để thực hiện Hợp đồng số 02/HĐ-KT ngày 06/10/2009 là chưa đảm bảo việc giải quyết dứt điểm vụ án. Do đó, khi buộc UBND xã DL phải bồi thường toàn bộ giá trị còn lại của hệ thống cấp nước cho ông T thì ông T phải có trách nhiệm bàn giao lại toàn bộ tài sản còn lại của Nhà máy nước mini xã DL, huyện KT, thành phố Hải Phòng cho UBND xã DL quản lý, sử dụng.
[15] Từ những phân tích trên Hội đồng xét xử xét thấy cần chấp nhận một phần kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng, kháng cáo của nguyên đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và không chấp nhận kháng cáo của bị đơn.
- Về án phí dân sự: Căn cứ Điều 147, Điều 148 Bộ luật Tố tụng dân sự; căn cứ Điều 26, Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/10/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
[16] Án phí dân sự sơ thẩm: Bị đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với phần yêu cầu của nguyên đơn đối với bị đơn được Tòa án chấp nhận, vì vậy, UBND xã DL phải chịu số tiền 45.355.098 đồng án phí dân sự sơ thẩm. Nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với phần yêu cầu không được Tòa án chấp nhận nên ông Nguyễn Đình T phải chịu số tiền 23.060.056 đồng án phí dân sự sơ thẩm.
[17] Về án phí dân sự phúc thẩm: Kháng cáo của bị đơn không được chấp nhận nhưng Bản án bị sửa nên bị đơn không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm; kháng cáo của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được chấp nhận nên không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào khoản 3 Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39; khoản 1, khoản 4 Điều 91; Điều 147; Điều 148, khoản 2 Điều 308; Điều 309 của Bộ luật Tố tụng dân sự;
Căn cứ vào các điều 13, 116, 117, 360, 361, 363, 364, 385, 386, 388, 419, 429, 483, 584, 585, 587, khoản 2 Điều 589, điểm b khoản 1 Điều 688 của Bộ luật Dân sự;
Căn cứ vào Điều 26, Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội;
Xử:
1. Chấp nhận một phần kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng; kháng cáo của nguyên đơn và kháng cáo của người có quyền, lợi nghĩa vụ liên quan; không chấp nhận kháng cáo của bị đơn.
2. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Đình T, cụ thể:
- Chấm dứt Hợp đồng số 02/HĐ-KT ngày 06/10/2009 kể từ ngày xét xử sơ thẩm. Ông Nguyễn Đình T phải bàn giao toàn bộ tài sản còn lại của Nhà máy nước mini cho UBND xã DL, huyện KT, thành phố Hải Phòng quản lý và sử dụng.
- Buộc Ủy ban nhân dân xã DL, huyện KT, thành phố Hải Phòng phải trả (bồi thường) cho ông Nguyễn Đình T tổng số tiền 1.111.836.600 (Một tỷ, một trăm mười một triệu, tám trăm ba mươi sáu nghìn, sáu trăm) đồng.
Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.
3. Về án phí:
- Án phí dân sự sơ thẩm:
+ Ủy ban nhân dân xã DL, huyện KT, thành phố Hải Phòng phải nộp 45.355.098 đồng án phí dân sự sơ thẩm.
+ Ông Nguyễn Đình T phải nộp án phí 23.060.056 đồng án phí dân sự sơ thẩm nhưng được trừ 5.741.400 đồng tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm tại Biên lai thu tiền số 0006131 ngày 18/10/2017 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện KT; ông T còn phải nộp 17.318.656 đồng - Án phí dân sự phúc thẩm: Các đương sự không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.
Trả lại cho Công ty Cổ phần CN HP số tiền 300.000 đồng tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm đã nộp tại Biên lai thu tiền số 0008774 ngày 11/12/2019 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện KT.
Trả lại cho ông Nguyễn Đình T số tiền 300.000 đồng tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm đã nộp tại Biên lai thu tiền số 0008766 ngày 09/12/2019 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện KT nhưng tạm giữ lại để đảm bảo phần thi hành án.
Trả lại cho Ủy ban nhân dân xã DL, huyện KT, thành phố Hải Phòng 300.000 đồng án phí dân sự phúc thẩm đã nộp tại Biên lai thu tiền số 0008765 ngày 09/12/2019 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện KT nhưng tạm giữ lại để đảm bảo phần thi hành án.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án Dân sự thì người được thi hành, người phải thi hành án có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 35/2020/DS-PT ngày 29/06/2020 về tranh chấp hợp đồng thuê khoán tài sản, bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
Số hiệu: | 35/2020/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hải Phòng |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 29/06/2020 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về