Bản án 35/2019/HSST ngày 06/08/2019 về tội vi phạm quy định khai thác bảo vệ rừng và lâm sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN EA SÚP, TỈNH ĐẮK LẮK

BẢN ÁN 35/2019/HSST NGÀY 06/08/2019 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH KHAI THÁC BẢO VỆ RỪNG VÀ LÂM SẢN

Ngày 06 tháng 8 năm 2019, tại Phòng xử án - Toà án nhân dân huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk mở phiên tòa xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 30/2019/HSST ngày 27 tháng 6 năm 2019, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm số: 32/2019/QĐXXST-HS ngày 11 tháng 7 năm 2019; Quyết định hoãn phiên tòa số: 50/2019/QĐST-HS ngày 25/7/2019 đối với các bị cáo:

1. Họ và tên: Vi Văn T; Tên gọi khác: C; Sinh năm 1984, tại tỉnh Tuyên Quang; Giới tính: Nam; Nơi cư trú: Buôn N, xã H, huyện K, tỉnh Đắk Lắk; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Tày; Tôn giáo: Không; Nghề nghiệp: Làm nông; Trình độ học vấn: 5/12; Con ông: Vi Văn L, sinh năm 1943; Con bà: Nguyễn Thị D, sinh năm 1957; Vợ: H’R Byă, sinh năm 1989; Bị cáo có 02 con: con lớn sinh năm 2007, con nhỏ sinh năm 2010. Hiện vợ và con bị cáo đang cư trú tại: Buôn N, xã H, huyện K, tỉnh Đắk Lắk. Tiền sự: Không; Tiền án: Không; Bị cáo bị bắt tạm giữ, tạm giam ngày 31/10/2018. Có mặt tại phiên tòa.

2. Họ và tên: Nguyễn Văn H; Tên gọi khác: Không; Sinh năm 1983, tại tỉnh Quảng Nam; Giới tính: Nam; Nơi cư trú: Thôn P, xã E, huyện K, tỉnh Đắk Lắk; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Không; Nghề nghiệp: Làm nông; Trình độ học vấn: 5/12; Con ông: Nguyễn Văn S, sinh năm 1952 (hiện đã chết); Con bà: Trần Thị T, sinh năm 1951; bị cáo có vợ: Nguyễn Thị Dương, sinh năm 1983; Bị cáo có 03 con: con lớn sinh năm 2009, con nhỏ nhất sinh năm 2015. Hiện vợ và con bị cáo đang cư trú tại: Thôn P, xã E, huyện K, tỉnh Đắk Lắk. Tiền sự: Không; Tiền án: Không; Bị cáo bị bắt tạm giữ, tạm giam ngày 30/8/2018 đến ngày 08/9/2018, bị cáo được cơ quan Viện kiểm sát nhân dân huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi trú. Có mặt tại phiên tòa.

Người bào chữa cho bị cáo Vi Văn T: Ông Nguyễn Hữu H - Trợ giúp viên pháp lý – Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Đắk Lắk, có mặt

- Nguyên đơn dân sự: Vườn quốc gia Y.

Địa chỉ: Xã K, huyện B, tỉnh Đắk Lắk.

Đại diện theo pháp luật: Ông Phạm Tuấn L – Chức vụ: Phó Giám đốc phụ trách.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Triệu Quang T – Chức vụ: Phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Y, có mặt.

- Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:

+ Anh Trần Văn S, sinh năm 1990, vắng mặt

Địa chỉ: Buôn C, thị trấn E, huyện E, tỉnh Đắk Lắk.

+ Chị Nguyễn Thị D, sinh năm 1983, có mặt

Địa chỉ: Thôn P, xã E, huyện K, tỉnh Đắk Lắk

+ Chị H R Byă, sinh năm 1989, có mặt

Địa chỉ: Buôn N, xã H, huyện K, tỉnh Đắk Lắk

- Người làm chứng:

+ Ông Phạm Văn T, sinh năm 1978, vắng mặt

Địa chỉ: Trạm trưởng trạm kiểm lâm số 8 Vườn quốc gia Y.

+ Ông Y P Niê, sinh năm 1979, có mặt

Địa chỉ: Trạm kiểm lâm số 8 Vườn quốc gia Y.

+ Ông Nguyễn Tố U, sinh năm 1976, vắng mặt

Địa chỉ: Trạm kiểm lâm số 8 Vườn quốc gia Y.

- Người phiên dịch cho bị cáo T: Bà Trương Thị H, vắng mặt

Địa chỉ: Thôn A, thị trấn E, huyện E, tỉnh Đắk Lắk

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Vi Văn T quen biết với Nguyễn Văn H nên vào đầu tháng 8/2018, T rủ H đến địa bàn huyện E để khai thác cây gỗ Giáng hương tại khu vực vườn quốc gia Y, thuộc địa phận xã E, huyện E bán lấy tiền tiêu xài, H đồng ý. Sau đó, T và H đi xe buýt đến Bệnh viện đa khoa huyện E, rồi T lấy 01 chiếc xe mô tô (của T gửi trước đó) chở H đi vào thôn G, xã C và đến ngủ nhờ ở nhà anh rể của T tên Hoàng Văn H. Sáng ngày hôm sau, T và H đi đến điểm thu mua phế liệu (không xác định được địa điểm cụ thể) mua một khung sắt xe đạp mang đến tiệm sửa chữa xe đạp gần đó mua thêm một số dụng cụ lắp thành một chiếc xe đạp thồ rồi quay về nhà anh Nguyễn Văn H lấy đồ đạc để đi vào khu vực Trạm kiểm lâm số 08, thuộc vườn Quốc gia Y, xã E. Tới nơi, do trời đã tối nên T và H dựng lán nấu cơm ăn và ngủ.

Đến sáng ngày hôm sau, T cùng H đi tìm cây gỗ hương để cưa. Đến chiều cùng ngày, cả hai phát hiện có 01 cây gỗ hương đường kính khoảng 50cm, cao khoảng 20 mét nhưng do trời còn sáng sợ bị phát hiện nên T và H đi về lán nấu cơm ăn. Đến khoảng 17 giờ cùng ngày T và H mang theo cưa lốc quay lại chỗ cây gỗ phát hiện trước đó, tại đây T khởi động cưa lốc cắt cây còn H đứng cảnh giới. Sau đó, T cưa cây đổ xuống, lúc này trời đã tối, H dùng đèn pin soi và đánh dấu kích thước dài 02 mét để cho T cắt được 02 lóng và xẻ lấy được 02 phách, mỗi phách có kích thước dài 02 mét, rộng 30 cm và dày 07cm. Sau khi xẻ gỗ, T và H khiêng 02 phách gỗ về để ở gần lán và ngủ, đến sáng ngày hôm sau cả hai đi xe máy ra xã I mục đích để tìm người bán 02 phách gỗ đã cắt được. Tại đây, T và H gặp được Trần Văn S là người đang có nhu cầu mua gỗ, sau khi thỏa thuận, T và H đồng ý bán và về lán chở 02 phách gỗ đã cắt được mang đến bán cho Sang với giá 5.000.000 đồng. Sau khi nhận tiền, T chia cho H 2.000.000 đồng, T giữ 2.000.000 đồng còn lại 1.000.000 đồng cả hai dùng để tiêu xài chung. Sau đó, cả hai đi xe máy ra trung tâm huyện và gửi ở Bến xe huyện E rồi đi về. Khoảng 10 ngày sau, T và H tiếp tục đi xe buýt xuống huyện E, lấy xe máy rồi đi vào khu vực cắt cây gỗ hương lần trước. Đến nơi, trời đã tối nên cả hai nấu cơm ăn và ngủ tại lán, sáng ngày hôm sau cả hai tiếp tục đi tìm cây gỗ hương để cắt thì thấy 01 cây gỗ hương ở cách cây đã cắt hạ trước đó khoảng 100 mét. Do trời còn sáng nên cả hai quay về lán chờ đến tối ra H tiếp tục soi đèn pin cho T cắt và xẻ ra làm đôi thì phát hiện cây này bị sam nên T và H không lấy. Lúc này, T và H phát hiện gần đó có 01 thân cây gỗ hương đã bị cắt hạ trước đó đã khô và bị lấy đi một đoạn, H dùng đèn pin soi để T tiếp tục cắt khúc và bổ lấy được 02 phách gỗ có kích thước (dài 02 mét, rộng 30 cm và dày 07cm), xong, H và T khiêng về gần lán để. Đến sáng ngày hôm sau, T và H tiếp tục đến quán cà phê gặp S thỏa thuận và bán cho S 02 phách gỗ này với giá 5.000.000 đồng. Sau khi nhận và chia tiền như lần trước T và H đi xe máy về gửi ở Bến xe E và về nhà. Đến ngày 25/8/2018, cả hai tiếp tục quay lại chỗ cắt hạ cây gỗ hương đi cùng T và H có Hoàng Văn H và Vương Văn H (hai người này theo H, T khai đi theo để bẫy thú rừng). Khoảng 10 giờ cùng ngày anh Hoàng Văn H và Vương Văn H đi về nhà còn T Và H đang nấu ăn tại lán thì bị lực lượng Kiểm lâm vườn Quốc gia Y phát hiện bắt giữ được H, còn T bỏ chạy. Vụ việc được chuyển đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Ea Súp xử lý. Sau đó, T bị khởi tố và bị bắt theo quyết định truy nã của Cơ quan điều tra.

Vật chứng: Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã thu giữ:

- 01 chiếc lam cưa xăng, 01 cái dũa cưa, 02 chiếc dép, 02 thanh kim loại tròn; 19 lóng gỗ và 03 hộp gỗ giáng hương; 01 điện thoại di động hiệu Goly của bị can H; 02 cái bạc, 04 cái võng, 03 can nhựa, 01 chiếc xe đạp; Đối với 04 phách gỗ bị can H và T bán cho anh Trần Văn S, hiện anh S đã bán cho người khác không xác định được nơi ở nên không thu giữ được. Đối với chiếc xe máy, đèn pin, chiếc cưa xăng không thu giữ được.

Tại kết luận giám định ngày 09/9/2018 của Chi cục kiểm lâm xác định: Khối lượng gỗ của 02 cây tại hiện trường: Khối lượng còn lại là: 1,994m3 gỗ tròn trong đó gỗ xẻ quy tròn là 0,202m3; cụ thể cho từng cây (Khối lượng của cây số 01 “tọa độ 0398462, 1448183” là: 0,916m3 gỗ tròn, khối lượng của cây số 02 “tọa độ 0398454, 1448134” là 1,078m3 gỗ tròn). Gỗ Giáng hương, thuộc nhóm IIA, thuộc rừng đặc dụng.

Tại kết luận giám định ngày 31/01/2019 của Chi cục kiểm lâm (giám định thêm gốc cây) xác định: Khối lượng gốc cây tại hiện trường có tọa độ (0398462, 14481183), có khối lượng là: 0,169m3 gỗ tròn chủng loại gỗ Giáng hương, thuộc nhóm IIA.

Khối lượng gỗ hương phần bị lấy đi của cây số 01 có tọa độ (0398462, 1448183), Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát đã trưng cầu giám định nhiều lần nhưng các Giám định viên Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk đều từ chối không kết luận khối lượng (việc không kết luận khối lượng khi cơ quan tiến hành tố tụng đã trưng cầu rõ kích thước là không làm hết trách nhiệm). Nhận thấy: Nếu không kết luận xử lý trách nhiệm hình sự và buộc bồi thường đầy đủ sẽ gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước và căn cứ các tài liệu chứng cứ thu thập được (kết quả khám nghiệm hiện trường xác định được đường kính gốc và đường kính ngọn, chiều dài tấm bìa để lại dài hoàn toàn phù hợp với lời khai các bị can và người mua gỗ, hơn nữa đây không thuộc trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định theo quy định tại Điều 206 của Bộ luật tố tụng hình sự và thuộc trường hợp tính toán được theo công thức toán học nên Viện kiểm sát tính rõ khối lượng gỗ phần bị lấy đi của cây số 01 có tọa độ 0398462, 1448183 với kích thước là: Đường kính gốc có mặt cắt nhỏ nhất là 0.50m, đường kính ngọn có mặt cắt nhỏ nhất là 0,35m và chiều dài tổng của hai lóng gỗ ngắn nhất là 4m tương ứng với mức thấp nhất theo nguyên tắc có lợi trừ đi khối lượng 0,045m3 là tấm bìa gỗ tròn đã tính khối lượng trong giám định tại bút lục 74) là: 0,522m3

Như vậy, tổng khối lượng gỗ Giáng hương được quy tròn bị can H và T khai thác trái phép là: 2,685m3. Trong đó (cây số 01, tọa độ 0398462, 1448183 là: 1,607m3, cây số 2, tọa độ 0398454, 1448134 là: 1,078m3)

Tại kết luận định giá tài sản số 31, ngày 17/10/2018 của Hội đồng định giá tài sản kết luận: Giá trị 1,994m2 gỗ tròn, chủng loại giáng hương, nhóm IIA, có giá trị là 53.052.600 đồng.

Tại kết luận định giá tài sản số 04, ngày 08/3/2019 của Hội đồng định giá tài sản kết luận: Giá trị 0,169m2 gỗ tròn, chủng loại giáng hương, nhóm IIA, có giá trị là 7.605.000 đồng.

Tổng giá trị của 2,163m3 gỗ Giáng hương được quy tròn bị can H và T khai thác có giá trị là: 60.657.000 đồng.

Tại bản kết luận định giá tài sản số: 22, ngày 27/6/2019 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện E, kết luận: Khối lượng 0,522m3 gỗ Giáng hương, có giá trị là: 18.270.000 đồng (Đây là giá trị của phần cây gỗ đã bị lấy đi, buộc các bị can phải có trách nhiệm liên đới bồi thường cho Nhà nước số tiền này).

Như vậy xác định được, tổng khối lượng gỗ các bị can đã khai thác của 02 cây gỗ Giáng hương là: 2,685m3, trong đó cây số 01 có tọa độ tọa độ 0398462, 1448183 là: 1,607m3, cây số 2, tọa độ 0398454, 1448134 là: 1,078m3, có tổng giá trị là: 78.927.000 đồng.

Tại bản Cáo trạng số 29/CT-VKS, ngày 27 tháng 6 năm 2019 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Ea Súp truy tố ra trước Tòa án nhân dân huyện Ea Súp để xét xử đối với các bị cáo Vi Văn T, Nguyễn Văn H về tội “Vi phạm quy định về khai thác bảo vệ rừng và lâm sản” theo điểm e khoản 1 Điều 232 Bộ luật Hình sự.

Tại phiên tòa, các bị cáo đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình như nội dung bản cáo trạng đã truy tố và phù hợp với lời khai của các bị cáo tại cơ quan điều tra cũng như các chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án.

Tại phiên tòa người đại diện ủy quyền của Hạt kiểm lâm vườn Quốc gia Y trình bày vào đầu tháng 8 năm 2018 Trạm kiểm lâm số 8 của vườn Quốc gia Y đã phát hiện và bắt giữ H và T đã khai thác gỗ giáng hương nhóm IIA tái phép tại vườn có tổng khối lượng gỗ được quy tròn là: 2,685m3, trong đó cây số 01 có tọa độ tọa độ 0398462, 1448183 là: 1,607m3, cây số 2, tọa độ 0398454, 1448134 là: 1,078m3, có tổng giá trị là: 78.927.000 đồng và yêu cầu các bị cáo có trách nhiệm về việc khai thác các cây gỗ giáng hương nói trên và đề nghị xử lý theo quy định của pháp luật.

Qua phần tranh luận tại phiên tòa, Kiểm sát viên đưa ra các chứng cứ buộc tội và đánh giá tính chất mức, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội do bị cáo gây ra. Đồng thời vẫn giữ nguyên toàn bộ nội dung bản cáo trạng đã truy tố đối với các bị cáo nói trên và đề nghị Hội đồng xét xử:

Áp dụng điểm e khoản 1 Điều 232; các điểm b, i, s khoản 1, 2 Điều 51; Bộ luật hình sự. Xử phạt bị cáo Nguyễn Văn H từ 06 tháng đến 09 tháng tù, cho hưởng án treo thời gian thử thách từ 12 đến 18 tháng, thời gian thi hành án kể từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Áp dụng điểm e khoản 1 Điều 232; các điểm b, i, s khoản 1, 2 Điều 51; Bộ luật hình sự. Xử phạt bị cáo Vi Văn T từ 10 tháng đến 13 tháng tù, thời gian thi hành án được tính từ ngày bị cáo bị bắt tạm giữ, tạm giam ngày 31/10/2018.

- Về xử lý vật chứng: Áp dụng Điều 46; 47 Bộ luật hình sự; Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự. Tuyên tịch thu xung công quỹ 19 lóng gỗ và 03 hộp gỗ giáng hương nhóm IIA (Kèm theo lý lịch) ;

Tuyên tịch thu tiêu hủy 01 chiếc lam cưa xăng xách tay dài 80 cm, 01 cái dũa cưa, 02 chiếc dép, 02 T kim loại tròn, 02 cái bạc, 04 cái võng, 03 can nhựa, 01 chiếc xe đạp độ chế không còn giá trị.

Tuyên trả cho Nguyễn Văn H 01 điện thoại di động hiệu Goly là chủ sở hữu hợp pháp.

- Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 48 Bộ luật hình sự; Các Điều 584, 585 và 591 Bộ luật dân sự, Tuyên truy thu số tiền thu lời 1.000.000 đồng của Trần Văn S do mua bán 04 phách gỗ giáng hương với H và T. Tuyên truy thu số tiền 10.000.000 đồng do H và T bán 04 phát gỗ giáng hương cho Trần Văn S mà có, cụ thể mỗi bị cáo là 5.000.000 đồng.

Tuyên buộc các bị cáo phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại về 02 lóng gỗ giáng hương có khối lượng là 0,522m3, giá trị là: 18.270.000 đồng.

Đối với số tiền chị Nguyễn Thị D và chị H R Byă nộp để khắc phục một phần hậu quả cho bị cáo H và T họ không có yêu cầu gì nên không xem xét giải quyết.

Tranh luận của người bào chữa cho bị cáo Vi Văn T: Việc Viện kiểm sát nhân dân huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk truy tố bị cáo Vi Văn T và Nguyễn Văn H về tội “Vi phạm quy định về khai thác bảo vệ rừng và lâm sản” theo điểm e khoản 1 Điều 232 Bộ luật Hình sự là phù hợp với quy định của pháp luật, nhưng với mức hình phạt mà Viện kiểm sát đề nghị đối với Vi Văn T từ 10 đến 13 tháng tù là quá nghiêm khắc nên đề nghị Hội đồng xét xử cần xem xét điều kiện hoàn cảnh của bị cáo T gia đình thuộc diện hộ nghèo theo quy định của chính phủ, sau khi phạm tội bị cáo thành khẩn khai báo ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình, bị cáo phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, bị cáo tác động đến gia đình bồi thường 1.000.000 đồng để khắc phục hậu quả, bị cáo là người dân tộc thiểu số nên sự hiểu biết về pháp luật còn hạn chế, nên đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm b, i, s khoản 1, 2 Điều 51, khoản 3 Điều 54 Bộ luật hình sự xét xử dưới mức thấp nhất của khung hình phạt hoặc chuyển sang một hình phạt khác mà Viện kiểm sát đề nghị hoặc áp dụng khoản 5 Điều 328 Bộ luật tố tụng hình sự trả tự do cho bị cáo tại phiên tòa. Về án phí bị cáo thuộc diện hộ nghèo nên đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội, quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án miễn tiền án phí hình sự và dân dự cho bị cáo.

Bị cáo Vi Văn T, bị cáo Nguyễn Văn H và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan không có tranh luận gì khác Tranh luận của Viện kiểm sát: Các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ viện kiểm sát đã áp dụng đầy đủ theo quy định của pháp luật, sau khi phạm tội bị cáo bỏ trốn bị bắt theo lệnh truy nã nên viện kiểm sát giữ nguyên quan điểm truy tố.

Không ai có tranh luận gì thêm Các bị cáo trình bày lời nói sau cùng: Các bị cáo xin Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt

NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

 Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận thấy như sau:

[1] Về tố tụng: Hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an, Điều tra viên huyện Ea Súp, Viện kiểm sát nhân dân huyện Ea Súp, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo, người đại diện hợp pháp của nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan không có người nào có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2] Về nội dung: Vào tháng 8/2018 Vi Văn T rủ Nguyễn Văn H vào rừng Quốc gia Y tìm gỗ để cắt hạ bán lấy tiền tiêu dùng T và H đã vào vườn Quốc gia Y 02 lần cắt hạ 02 cây gỗ giáng hương có khối lượng là: 2,685m3, trong đó: Cây số 01 có tọa độ tọa độ 0398462, 1448183 là: 1,607m3, cây số 2, tọa độ 0398454, 1448134 là: 1,078m3, giá trị thiệt hại là: 78.927.000 đồng mà không được cấp có thẩm quyền cho phép.

Hành vi trên của Vi Văn T và Nguyễn Văn H đã đủ yếu tố cấu thành tội “Vi phạm quy định về khai thác bảo vệ rừng và lâm sản” theo điểm e khoản 1 Điều 232 Bộ luật Hình sự.

Điều 232 Bộ luật Hình sự quy định như sau:

“1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, nếu không thuộc trượng hợp quy định tại điều 243 của luật này, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 năm đến 03 năm:

e) Khai thác trái phép rừng đặc dụng là rừng tự nhiên từ 03 mét khối (m3) đến dưới 08 mét khối (m3) gỗ loài thực vật thông thường hoặc từ 01 mét khối (m3) đến dưới 03 mét khối (m3)gỗ thuộc danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm nhóm IIA;

Xét lời luận tội của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa đối với các bị cáo là có căn cứ, nên cần chấp nhận.

Xét hành vi dùng cưa xăng khai thác trái phép 02 cây gỗ giáng hương có khối lượng là 2,685m3, trong đó cây số 01 có tọa độ tọa độ 0398462, 1448183 là: 1,607m3, cây số 2, tọa độ 0398454, 1448134 là: 1,078m3, tổng giá trị là: 78.927.000 đồng mà không được cấp có thẩm quyền cho phép của Vi Văn T và Nguyễn văn H là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm trực tiếp đến môi trường, làm ảnh hưởng đến sự quản lý trật tự xã hội, xâm phạm tài sản của nhà nước là vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng. Các bị cáo là những người có đầy đủ năng lực hành vi và tố chất để nhận thức được rằng tài nguyên rừng thuộc quyền quản lý của nhà nước không ai được quyền xâm phạm khi chưa được sự cho phép của cấp có thẩm quyền, nhưng bị cáo đã tự ý đưa dụng cụ vào rừng Quốc gia Y 02 lần cắt hạ 02 cây gỗ giáng hương có khối lượng là 2,685m3, tổng giá trị là: 78.927.000 đồng, các bị cáo phạm tội thuộc trường hợp tình tiết tăng nặng phạm tội nhiều lần được quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự, nên cần xử phạt các bị cáo với mức án đủ nghiêm tương xứng với hành vi phạm tội của các bị cáo và nhằm răn đe phòng ngừa tội phạm chung.

Đây là vụ án đồng phạm giản đơn, không có sự bàn bạc phân công vai trò của từng bị cáo:

Bị cáo Vi Văn T vừa là người khởi xướng vừa là người thực hành dùng cưa xăng cắt hạ hai cây gỗ giáng hương có khối lượng là 2,685m3, bị cáo Nguyễn Văn H là người đồng phạm với vai trò giúp sức cảnh giới soi đèn pin cho T cắt và xẻ gỗ sau đó cả hai cùng đem bán lấy tiền chia nhau tiêu xài cá nhân, do vậy nên khi quyết định hình phạt bị cáo T phải chịu hình phạt nặng hơn bị cáo H Tuy nhiên sau khi phạm tội, trong quá trình điều tra và tại phiên tòa, các bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình. Các bị cáo phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, bị cáo Nguyễn Văn H đã nộp 3.000.000 đồng, bị cáo Vi Văn T 1.000.000 đồng tiền bồi thường khắc phục hậu quả, các bị cáo có hoàn cảnh kinh tế khó khăn gia đình thuộc diện hộ nghèo theo quy định của chính phủ, bị cáo T là người dân tộc thiểu số nên ít nhiều hiểu biết pháp luật còn hạn chế. Như vậy cần cho bị cáo T được hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại các điểm các điểm b, i, s khoản 1, 2 Điều 51 Bộ luật hình sự, bị cáo Nguyễn Văn H được hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại các điểm các điểm b, i, s khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự, Xét thấy bị cáo Nguyễn Văn H có nhiều tình tiết giảm nhẹ và có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự và có nơi cư trú rõ ràng. Nên không cần thiết phải cách ly bị cáo ra ngoài đời sống xã hội mà chỉ cần giao bị cáo về chính quyền địa phương nơi bị cáo cư trú xã E, huyện K, tỉnh Đắk Lắk; giám sát, giáo dục và gia đình bị cáo phối hợp với chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục bị cáo cũng đủ tác dụng trừng trị, răn đe đối với bị cáo nên cần áp dụng khoản 1, 2 Điều 65 Bộ luật hình sự cho bị cáo.

[3] Về xử lý vật chứng: Áp dụng Điều 46; 47 Bộ luật hình sự; Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự. Tuyên tịch thu xung công quỹ 19 lóng gỗ và 03 hộp gỗ giáng hương nhóm IIA (Kèm theo lý lịch) ;

Tuyên tịch thu tiêu hủy 01 chiếc lam cưa xăng xách tay dài 80 cm, 01 cái dũa cưa, 02 chiếc dép, 02 thanh kim loại tròn, 02 cái bạc, 04 cái võng, 03 can nhựa, 01 xe đạp độ chế không còn giá trị.

Tuyên trả cho Nguyễn Văn H 01 điện thoại di động hiệu Goly là chủ sở hữu hợp pháp.

- Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 48 Bộ luật hình sự; Các Điều 584, 585 và 591 Bộ luật dân sự, Tuyên truy thu số tiền thu lời 1.000.000 đồng của Trần Văn S do mua bán 04 phách gỗ giáng hương với H và T mà có. Tuyên truy thu số tiền 10.000.000 đồng do H và T bán 04 phát gỗ giáng hương cho Trần Văn S mà có, cụ thể mỗi bị cáo là 5.000.000 đồng.

Tuyên buộc các bị cáo phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại về 02 lóng gỗ giáng hương có khối lượng là 0,522m3, có giá trị là: 18.270.000 đồng cụ thể bị cáo T phải chịu 2/3 là 12.180.000 đồng, bị cáo H chịu 1/3 là 6.090.000 đồng. Được khấu trừ số tiền bị cáo H đã nộp 3.000.000 đồng, bị cáo T đã nộp 1.000.000 đồng tại Chi cục thi hành án dân sự huyện E, tỉnh Đắk Lắk theo biên lai thu số 17364 và 17365 cùng nộp ngày 06/8/2019, số tiền còn lại bị cáo H phải bồi thường 3.090.000 đồng, bị cáo T 11.180.000 đồng.

[5] Về án phí: Các bị cáo thuộc diện hộ nghèo theo quy định của Chính phủ nên đước miễn tiền án phí Hình sự sơ thẩm và dân sự theo qui định của pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Tuyên bố: Các bị cáo Vi Văn T và Nguyễn Văn H phạm tội “Vi phạm quy định về khai thác bảo vệ rừng và lâm sản

[1] - Về hình phạt: Áp dụng điểm e khoản 1 Điều 232; các điểm b, i, s khoản 1 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52; khoản 1, 2 Điều 65 Bộ luật hình sự Xử phạt bị cáo Nguyễn Văn H 09 tháng tù, cho hưởng án treo thời gian thử thách là 18 tháng, thời gian thi hành án kể từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Áp dụng điểm e khoản 1 Điều 232; các điểm b, i, s khoản 1, 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự. Xử phạt bị cáo Vi Văn T 09 (Chín) tháng 06 (sáu) ngày tù, thời gian thi hành án kể từ ngày bị cáo bị bắt tạm giữ, tạm giam ngày 31/10/2019. Tuyên trả tự do ngay cho bị cáo Vi Văn T tại phiên tòa nếu bị cáo không bị tạm giam về một tội khác.

Giao bị cáo Nguyễn Văn H về chính quyền địa phương nơi bị cáo cư trú Ủy ban nhân dân xã E, huyện K, tỉnh Đắk Lắk; giám sát, giáo dục và gia đình bị cáo có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương giám sát, giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách.

Trường hợp bị cáo Nguyễn Văn H thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật thi hành án hình sự.

Trong thời gian thử thách, bị cáo Nguyễn Văn H cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.

[2]- Về xử lý vật chứng: Áp dụng Điều 46; 47 Bộ luật hình sự; Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự. Tuyên tịch thu xung công quỹ 19 lóng gỗ và 03 hộp gỗ giáng hương nhóm IIA (Kèm theo lý lịch) ;

Tuyên tịch thu tiêu hủy 01 chiếc lam cưa xăng xách tay dài 80 cm, 01 cái dũa cưa, 02 chiếc dép, 02 thanh kim loại tròn, 02 cái bạc, 04 cái võng, 03 can nhựa, 01 xe đạp đọ chế không còn giá trị.

Tuyên trả cho Nguyễn Văn H 01 điện thoại di động hiệu Goly là chủ sở hữu hợp pháp.

Vật chứng có đặc điểm như biên bản bàn giao, nhận vật chứng giữa Công an huyện Ea Súp và Chi cục thi hành án dân sự huyện E ngày 19/7/2019

[3]- Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 48 Bộ luật hình sự ; Các Điều 584, 585 và 591 Bộ luật dân sự, Tuyên truy thu số tiền thu lời 1.000.000 đồng của Trần Văn S do mua bán 04 phách gỗ giáng hương với H và T mà có. Tuyên truy thu số tiền 10.000.000 đồng do H và T bán 04 phát gỗ giáng hương cho Trần Văn Sang mà có, cụ thể mỗi bị cáo là 5.000.000 đồng.

Tuyên buộc các bị cáo phải chịu trách nhiệm bồi thường số tiền thiệt hại về 02 lóng gỗ giáng hương có khối lượng là 0,522m3, có giá trị là: 18.270.000 đồng, cụ thể số tiền còn lại bị cáo H phải bồi thường 3.090.000 đồng, bị cáo T 11.180.000 đồng.

[4]- Về án phí: Áp dụng khoản 2 Điều 136 Bộ luật tố tụng hình sự; điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội, quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Tuyên các bị cáo Vi Văn T và Nguyễn Văn H được miễn tiền án phí Hình sự sơ thẩm, án phí dân sự.

[5]- Về quyền kháng cáo: Bị cáo, Nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có mặt, có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

502
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 35/2019/HSST ngày 06/08/2019 về tội vi phạm quy định khai thác bảo vệ rừng và lâm sản

Số hiệu:35/2019/HSST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Ea Súp - Đăk Lăk
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 06/08/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;