TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BẢN ÁN 334/2021/DS-PT NGÀY 09/04/2021 VỀ TRANH CHẤP BỒI THƯỜNG DANH DỰ, NHÂN PHẨM
Ngày 09 tháng 4 năm 2021 tại trụ sở Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 675/2020/TLPT-DS ngày 21 tháng 12 năm 2020 về việc “Tranh chấp yêu cầu bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm”.
Do bản án dân sự sơ thẩm số 227/2020/DS-ST ngày 24/08/2020 của Tòa án nhân dân quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 941/2021/QĐ-PT ngày 08 tháng 3 năm 2021 giữa các đương sự:
Nguyên đơn: Bà H, sinh năm 1972, Địa chỉ: 69 đường P, phường B, quận B, Thành phố Hồ Chí Minh. (địa chỉ mới cung cấp: 18 đường D, phường B, quận B, Thành phố Hồ Chí Minh)
Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Ông N, sinh năm 1971; Địa chỉ thường trú: 86/40/8 đường T, Phường N, quận P, Thành phố Hồ Chí Minh, (địa chỉ mới cung cấp 12A Đường B, Phường B, quận G, Thành phố Hồ Chí Minh) là người đại diện theo ủy quyền (theo văn bản ủy quyền số chứng thực 000427, quyển số 03-SCT/CK, CĐ lập ngày 25/3/2020 tại Văn phòng công chứng C).
Bị đơn: Ông T, sinh năm 1983, Địa chỉ thường trú: 643/1B đường X, Phường H, quận B, Thành phố Hồ Chí Minh; Địa chỉ tạm trú/nơi làm việc: Lô 051 – Khu nhà V, đường Q, khu phố 5, phường H, quận T, Thành phố Hồ Chí Minh.
Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Ông T1, sinh năm 1981; Địa chỉ: 45 đường T, Phường M, Quận T, Thành phố Hồ Chí Minh là người đại diện theo ủy quyền (theo văn bản ủy quyền số công chứng 008224, quyển số 07/ TP/CC- SCC/HĐGD lập ngày 24/7/2020 tại Văn phòng Công chứng N).
Người kháng cáo: Bà H – Nguyên đơn
NỘI DUNG VỤ ÁN
Tại cấp sơ thẩm, theo đơn khởi kiện và quá trình tham gia tố tụng nguyên đơn bà H trình bày:
Nguyên đơn bà H cho rằng ngày 12/3/2020, bị đơn ông T có nộp đơn khởi kiện bổ sung cho Tòa án nhân dân quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh, tại phần đơn khởi kiện bổ sung ông T có đưa bà H vào thành phần tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Trong phần nội dung đơn khởi kiện ông T trình bày việc thỏa thuận vay mượn giữa ông T với ông D là có sự chứng kiến và đồng ý của bà H. Ông T yêu cầu Tòa án nhân dân quận Bình Tân buộc ông D và bà H trả toàn bộ số nợ 2.500.000.000 đồng và tiền lãi. Hành vi trên của ông T là vụ khống, bịa đặt, loan truyền những điều hoàn toàn sai sự thật, đã gây tổn hại nghiêm trọng về danh dự, nhân phẩm và uy tín của bà H. Do vậy, bà H khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc ông T chấm dứt hành vi xâm phạm đến nhân phẩm, danh dự qua việc đưa bà H vào tham gia tố tụng về tranh chấp tiền bạc giữa ông T với ông D; Buộc ông T phải xin lỗi, cải chính công khai ba (03) kỳ liên tiếp trên ít nhất trên ba tờ báo phố biến tại Thành phố Hồ Chí Minh (báo Sài Gòn giải phóng, báo Tuổi Trẻ và báo Thanh Niên với nội dung: “Tôi, T, CCCD số ; Địa chỉ: Lô 051, Khu nhà V, Đường QL 13, phường H, quận T, Tp. Hồ Chí Minh. Thành thật xin lỗi cô H – Trưởng Khoa M – Trường đại học K vì đã có hành vi xâm phạm đến nhân phẩm, danh dự của cô trong thời gian vừa qua”; Buộc ông T bồi thường thiệt hại về tinh thần với số tiền 1.000 đồng (một nghìn đồng). Tại phiên tòa sơ thẩm, nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện như trên. Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn xác định bà H và ông D là vợ chồng, chưa ly hôn nhưng đã sống ly thân nhiều năm, có cuộc sống riêng, các giao dịch dân sự, vay mượn tiền riêng. Do vậy, việc bị đơn khởi kiện bổ sung buộc bà H cùng D liên đới trả số tiền 2.500.000.000 đồng và tiền lãi là xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của bà H.
Bị đơn ông T vắng mặt không có lý do khi được Tòa án triệu tập lấy lời khai, tham gia phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải, không có văn bản thể hiện ý kiến đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Tại phiên tòa sơ thẩm,người đại diện theo ủy quyền của bị đơn ông T1 cho rằng: Việc ông T nộp đơn khởi kiện bổ sung tại Tòa án nhân dân quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh là đúng theo trình tự thủ tục của Bộ luật tố tụng dân sự. Việc Tòa án nhân dân quận Bình Tân đưa bà H vào tham gia tố tụng là vì giữa bà H và ông D có quan hệ vợ chồng cần phải triệu tập với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, không phải là hành vi trái pháp luật, cũng không xâm phạm gì đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của bà H. Việc Tòa án nhân dân quận Bình Tân đưa bà H vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án là theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Ông T không có hành vi nào xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín và gây thiệt hại tinh thần cho bà H. Do vậy, đề nghị Tòa án bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Bản án dân sự sơ thẩm số 227/2020/LĐ-ST ngày 24 tháng 8 năm 2020 của Tòa án nhân dân quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh đã xử:
Căn cứ vào Điều 5, Điều 6, khoản 6 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 91, Điều 186, Điều 227, Điều 228, Điều 233, Điều 235, Điều 266, Điều 273, Điều 280, Điều 482 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; Điều 584, 585 và Điều 592 Bộ luật dân sự năm 2015; Luật phí và lệ phí số 97/2015/QH13 ngày 25/11/2015; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án; Luật Thi hành án dân sự năm 2008, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2014;
Tuyên xử:
1. Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà H về việc buộc ông T phải xin lỗi, cải chính công khai ba (03) kỳ liên tiếp trên ít nhất trên ba tờ báo phố biến tại Thành phố Hồ Chí Minh (báo Sài Gòn giải phóng, báo Tuổi Trẻ và báo Thanh Niên với nội dung: “Tôi, T, CCCD số ; Địa chỉ: Lô 051, Khu nhà V, Đường QL 13, phường H, quận T, Tp. Hồ Chí Minh. Thành thật xin lỗi cô H – Trưởng Khoa M – Trường đại học K vì đã có hành vi xâm phạm đến nhân phẩm, danh dự của cô trong thời gian vừa qua”; Buộc ông T bồi thường thiệt hại về tinh thân với số tiền 1.000 đồng (một nghìn đồng).
2. Về án phí dân sự sơ thẩm: Bà H được miễn nộp tiền án phí theo quy định điểm d khoản 1 Điều 12 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30/12/2016.
Ngoài ra án sơ thẩm còn tuyên về quyền kháng cáo và quy định về thi hành án cho các bên đương sự.
Ngày 07/9/2020 nguyên đơn nộp đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm đối với lý do: Kết luận trong bản án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn; Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng làm cho nguyên đơn không được bảo vệ đúng quy định. Đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm sửa toàn bộ bản án sơ thẩm.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
Người kháng cáo, đại diện theo uỷ quyền của nguyên đơn trình bày: Cấp sơ thẩm đã có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án. Nguyên đơn có yêu cầu Cấp sơ thẩm cho đối chất giữa ông T và D (chồng bà H) nhưng không được chấp nhận. Trước phiên tòa, nguyên đơn có cung cấp tài liệu là thể hiện ông T phát tờ rơi tại Trường Đại học K; tại phiên tòa sơ thẩm, nguyên đơn có đề nghị Hội đồng xét xử sơ thẩm tạm ngừng phiên để xác minh về tài liệu này nhưng cấp sơ thẩm không chấp nhận và vẫn tiếp tục giải quyết vụ án. Căn cứ quy định tại điểm c khoản 1 Điều 259 Bộ luật tố tụng dân sự về xác minh chứng cứ thì đây là việc vi phạm tố tụng của Cấp sơ thẩm. Việc ông T vu khống là bà H có chứng kiến việc ông T cho D mượn tiền là không đúng; ông T yêu cầu bà H chịu trách nhiệm trả nợ trong khi bà H với D ly thân từ lâu là không có cơ sở; Việc ông T phát tờ rơi làm ảnh hưởng đến danh dự của bà H tại Trường Đại học K đã gây hậu quả nghiêm trọng đến tinh thần của bà H. Đề nghị Hội đồng xét xử sửa án sơ thẩm theo hướng chấp nhận toàn bộ các yêu cầu của nguyên đơn.
Đại diện theo uỷ quyền của bị đơn trình bày: Bị đơn không chấp nhận nội dung trình bày kháng cáo của nguyên đơn. Cấp sơ thẩm không có vi phạm tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án. Giữa D và bà H đến nay vẫn còn tồn tại quan hệ vợ chồng dù hai bên nói rằng đã ly thân từ lâu nhưng không được pháp luật công nhận, nên việc Tòa án nhân dân quận Bình Tân đưa bà H tham gia tố tụng theo yêu cầu của ông T là phù hợp với quy định tại khoản 4 Điều 68 Bộ luật tố tụng dân sự. Việc nguyên đơn cho rằng ông T rải truyền đơn, tờ rơi, gửi email là không có căn cứ, ông T xác định mình không thực hiện những việc này. Nguyên đơn không có tài liệu chứng cứ để chứng minh việc này. Nội dung tài liệu mà nguyên đơn đã cung cấp cho Tòa án không có liên quan gì đến ông T, ông T không biết về tờ rơi này. Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến:
Về hình thức: Đơn kháng cáo của nguyên đơn nằm trong hạn luật định nên được chấp nhận hợp lệ. Việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán; Hội đồng xét xử; việc chấp hành pháp luật của những người tham gia tố tụng trong giai đoạn xét xử phúc thẩm kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm nghị án đúng theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Về nội dung, sau khi phân tích những tình tiết có liên quan đến vụ án, trên cơ sở Bộ luật dân sự, xét thấy: Cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là có căn cứ. Việc nguyên đơn suy luận là họ tên, điện thoại, nơi làm việc được ghi trong tờ rơi chỉ có ông T biết là không có căn cứ. Tài liệu nguyên đơn cung cấp không có giá trị chứng cứ và chứng minh cho lời trình bày của mình. Qua kiểm sát toàn bộ hồ sơ vụ án sơ thẩm, nhận thấy Cấp sơ thẩm không có vi phạm tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án. Việc Tòa án nhân dân quận Bình Tân đưa bà H tham gia tố tụng theo yêu cầu của ông T là đúng quy định của pháp luật vì hiện nay bà H và D vẫn còn quan hệ vợ chồng. Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Về tố tụng: Kháng cáo của bị đơn nằm trong hạn luật định phù hợp khoản 1 Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 nên được chấp nhận.
Tòa án nhân dân quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh thụ lý và giải quyết vụ án là thực hiện đúng quy định tại khoản 6 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39.
Nguyên đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm với lý do Tòa án nhân dân quận Thủ Đức có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án khi không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn về việc xác minh chứng cứ. Qua kiểm tra toàn bộ hồ sơ vụ án được Tòa án nhân dân quận Thủ Đức lập, Hội đồng xét xử nhận thấy Tòa án nhân dân quận Thủ Đức đã thực hiện đúng các thủ tục tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án.
Chứng cứ mà nguyên đơn yêu cầu xác minh thể hiện hình ảnh chụp lại việc trao đổi thư điện tử giữa địa chỉ email là … đến địa chỉ email là … có nội dung là hình ảnh một tờ rơi có nội dung: “em xem hồ sơ và ghi nội dung thêm giúp anh”. Tài liệu do nguyên đơn cung cấp không thể hiện được nội dung có liên quan đến ông T, không thể hiện được khoản nợ cụ thể có liên quan đến khoản tiền D đã vay của ông T hay không, thông tin về họ tên, địa chỉ, số điện thoại của D và bà H không chỉ một mình cá nhân ông T biết. Căn cứ quy định tại Điều 95 Bộ luật tố tụng dân sự về chứng cứ, tài liệu nay không có gía trị chứng cứ để chứng minh, Tòa án không cần xác minh về tài liệu này. Tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện nguyên đơn có đề nghị Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm tạm ngừng phiên tòa để xác minh chứng cứ chứng minh việc ông T trực tiếp gửi email đến nhà trường về việc đòi tiền bà H và trực tiếp rãi truyền đơn. Đề nghị này không được Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm không chấp nhận vẫn tiếp tục phiên tòa. Việc không chấp nhận tạm ngừng phiên tòa của Cấp sơ thẩm là phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 91, Điều 95 và khoản 4 Điều 96 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
Khoản 1 Điều 91 về nghĩa vụ chứng minh quy định “Đương sự có yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp”. Và khoản 4 Điều 96 về giao nộp tài liệu chứng cứ quy định “Thời hạn giao nộp tài liệu, chứng cứ do Thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc ấn định nhưng không được vượt quá thời hạn chuẩn bị xét xử theo thủ tục sơ thẩm, thời hạn chuẩn bị giải quyết việc dân sự theo quy định của Bộ luật này.” Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn vẫn không cung cấp được tài liệu chứng cứ nào khác. Do đó lý do kháng cáo này của nguyên đơn là không có cơ sở để chấp nhận.
[2] Xét yêu cầu kháng cáo của bị đơn, nhận thấy: [2.1] Về quan hệ tranh chấp thể hiện:
Ngày 30/9/2016, ông D (chồng của bà H, là nguyên đơn) có vay của ông T số tiền 2.500.000.000 đồng.
Ngày 12/3/2020, bị đơn ông T có nộp đơn khởi kiện bổ sung cho Tòa án nhân dân quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh, tại phần đơn khởi kiện bổ sung ông T có đưa bà H vào thành phần tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan với yêu cầu Tòa án nhân dân quận Bình Tân buộc ông D và bà H trả toàn bộ số nợ và tiền lãi.
Bà H cho rằng: bà H và ông D là vợ chồng, chưa ly hôn nhưng đã sống ly thân nhiều năm, có cuộc sống riêng, các giao dịch dân sự, vay mượn tiền riêng. Việc bị đơn khởi kiện bổ sung buộc bà H cùng D liên đới trả số tiền 2.500.000.000 đồng và tiền lãi là xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của bà H. Nên bà H khởi kiện ông T tại Tòa án nhân dân quận Thủ Đức với yêu cầu bồi thường thiệt hại về danh dự nhân phẩm.
[2.2] Cấp sơ thẩm nhận định: Do giữa bà H và D hiện nay vẫn còn tồn tại quan hệ hôn nhân hợp pháp nên việc Tòa án nhân dân quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh đưa bà H tham gia vụ kiện với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan theo là quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Hành vi này của ông T không trái pháp luật, không có lỗi, không xâm phạm về nhân phẩm, danh dự, uy tín và gây ra thiệt hại về tinh thần cho bà H. Nên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà H.
Cấp sơ thẩm căn cứ vào quy định tại Điều 186 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 và Điều 584, Điều 585 và Điều 592 Bộ luật dân sự năm 2015 để xem xét giải quyết yêu cầu của đương sự là có cơ sở và phù hợp với quy định của pháp luật.
[3] Hội đồng xét xử thống nhất với đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tại phiên tòa, không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
[4] Án phí dân sự sơ thẩm: Cấp sơ thẩm căn cứ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12, khoản 1 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 xác định nguyên đơn không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là đúng quy định.
[5] Về án phí dân sự phúc thẩm: Người kháng cáo phải chịu án phí lao động phúc thẩm theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12, khoản 1 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016.
Vì các lẽ trên:
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào khoản 1 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015;
- Về hình thức: Chấp nhận đơn kháng cáo hợp lệ của nguyên đơn, bà H.
- Về nội dung: Không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, bà H, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Căn cứ vào Điều 5, Điều 6, khoản 6 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 91, Điều 186, Điều 227, Điều 228, Điều 233, Điều 235, Điều 266, Điều 273, Điều 280, Điều 482 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; Điều 584, Điều 585 và Điều 592 Bộ luật dân sự năm 2015; Luật phí và lệ phí số 97/2015/QH13 ngày 25/11/2015; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án; Luật Thi hành án dân sự năm 2008, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2014;
Tuyên xử:
1. Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà H về việc buộc ông T phải xin lỗi, cải chính công khai ba (03) kỳ liên tiếp trên ít nhất trên ba tờ báo phố biến tại Thành phố Hồ Chí Minh (báo Sài Gòn giải phóng, báo Tuổi Trẻ và báo Thanh Niên với nội dung: “Tôi, T, CCCD số ; Địa chỉ: Lô 051, Khu nhà V, Đường QL 13, phường H, quận T, Tp. Hồ Chí Minh. Thành thật xin lỗi cô H – Trưởng Khoa M – Trường đại học K vì đã có hành vi xâm phạm đến nhân phẩm, danh dự của cô trong thời gian vừa qua”; Buộc ông T bồi thường thiệt hại về tinh thân với số tiền 1.000 đồng (một nghìn đồng).
2. Về án phí dân sự sơ thẩm: Bà H được miễn nộp tiền án phí theo quy định điểm d khoản 1 Điều 12 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30/12/2016.
3. Án phí dân sự phúc thẩm: Người kháng cáo, bà H được miễn nộp tiền án phí theo quy định điểm d khoản 1 Điều 12 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30/12/2016.
4. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 334/2021/DS-PT ngày 09/04/2021 về tranh chấp bồi thường danh dự, nhân phẩm
Số hiệu: | 334/2021/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 09/04/2021 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về