TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC
BẢN ÁN 25/2020/DS-PT NGÀY 05/03/2020 VỀ TRANH CHẤP BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DANH DỰ, NHÂN PHẨM VÀ UY TÍN BỊ XÂM PHẠM
Trong ngày 05 tháng 3 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 172/2019/TLPT-DS ngày 30/12/2019 về việc “Tranh chấp bồi thường thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín”.
Do Bản án dân sự sơ thẩm số 10/2019/DS-ST ngày 06/06/2019 của Tòa án nhân dân huyện B, tỉnh Bình Phước bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 19/2020/QĐXXPT-DS ngày 13 tháng 02 năm 2020, giữa các đương sự:
Nguyên đơn: Bà Đỗ Thị D, sinh năm 1970; Địa chỉ nơi cư trú hiện nay:
Thôn B, xã P, huyện B, tỉnh Bình Phước (có mặt) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn bà Đỗ Thị D:
- Luật sư Phạm Đình B, sinh năm 1976 thuộc Công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên N và cộng sự; Địa chỉ: Số 76/1A L, phường L, quận T, thành phố Hồ Chí Minh (vắng mặt)
- Luật sư Bùi Nguyễn Quỳnh N, sinh năm 1985 thuộc Công ty Luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên N và cộng sự; Địa chỉ: Số 45, tổ 8, ấp P, xã P, huyện L, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu (có mặt)
Bị đơn: Bà Mai Thị A, sinh năm 1966; Địa chỉ nơi cư trú: Thôn B, xã P, huyện B, tỉnh Bình Phước (có mặt)
Người đại diện theo ủy quyền của bà A: Ông Nguyễn H, sinh năm 1965; Trú tại: Thôn B, xã P, huyện B, tỉnh Bình Phước (có mặt)
Người kháng cáo: Bị đơn bà Mai Thị A.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa nguyên đơn bà Đỗ Thị D trình bày như sau:
Bà Đỗ Thị D và bà Mai Thị A cùng là đồng nghiệp giáo viên dạy học tại Trường tiểu học H, xã P, huyện B, tỉnh Bình Phước.
Vào ngày 05/ 10/ 2015 bà Đỗ Thị D làm hồ sơ thủ tục nhận cháu Đỗ Đăng K, sinh ngày 26/ 9/ 2015 (Là con đẻ của bà Bùi Thị V, sinh năm 1991, địa chỉ: Thôn 3, xã Đ, huyện B, tỉnh Bình Phước) làm con nuôi và đã được Ủy ban nhân dân xã Tiến T, thị xã Đ, tỉnh Bình Phước cấp Giấy chứng nhận nuôi con nuôi số 02/2015 ngày 05/ 10/ 2015 cho bà D và Giấy khai sinh số 307/2015 ngày 05/ 10/ 2015 mang tên Đỗ Đăng K. Khi đó bà D có đưa cho bà Vân số tiền 19.000.000 đồng hỗ trợ bà Vân khi sinh đẻ cháu K.
Sau đó bà D làm hồ sơ thủ tục xin hưởng chế độ nghỉ thai sản do nhận nuôi con nuôi cháu K tại Trường tiểu học H và vào ngày17/ 03/ 2016 Trường tiểu học H đã gửi hồ sơ danh sách đề nghị giải quyết hưởng chế độ nghỉ thai sản của bà D đến Bảo hiểm xã hội huyện B, tỉnh Bình Phước để giải quyết. Bảo hiểm xã hội huyện B đã có các Danh sách giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe ngày 01/ 4/ 2016, ngày 07/ 10/ 2016 cho bà Đỗ Thị D được hưởng chế độ nghỉ thai sản nuôi con nuôi cháu Đỗ Đăng K trong thời gian 05 tháng 21 ngày, từ ngày 05/ 10/ 2015 đến ngày 23/ 3/ 2016 và chi trả cho bà D số tiền hưởng thai sản là 35.346.930 đồng.
Trong quá trình bà D đang nghỉ chế độ thai sản nuôi cháu K thì vào ngày 14/ 12/ 2015 bà Bùi Thị V (Mẹ đẻ của cháu K) đến gặp bà D xin nhận lại con Đỗ Đăng K về nuôi, thì bà D đồng ý trả lại cháu K cho bà Vân nuôi và bà Vân có đưa cho bà D số tiền 60.000.000 đồng để trả công cho bà D đã nuôi dưỡng cháu K trong thời gian qua và hỗ trợ cho bà D để đi tìm người con nuôi khác. Việc bà D trả lại cháu K cho bà Vân nuôi thì hai người không làm thủ tục gì về hủy bỏ việc nuôi con nuôi tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nên nay bà D vẫn là mẹ nuôi của cháu K.
Hết thời gian nghỉ chế độ thai sản nuôi con nuôi cháu Đỗ Đăng K thì bà D đi dạy học trở lại tại Trường tiểu học H. Do trước đó vào năm 2014 giữa gia đình bà D và gia đình bà A có mâu thuẫn với nhau về việc tranh chấp đất tại nơi cư trú Thôn B, xã P, huyện B, tỉnh Bình Phước nên tại Cuộc họp Hội đồng sư phạm ngày 19/ 5/ 2016 của Trường tiểu học H thì bà Mai Thị A đã có lời nói quát to, chửi bới xúc phạm, sỉ nhục bà D là không có con và làm hồ sơ giả nhận nuôi con nuôi cháu Đỗ Đăng K để hưởng tiền bảo hiểm chế độ nghỉ thai sản nuôi con nuôi không đúng trước tập thể giáo viên, công nhân viên Nhà trường có mặt tham dự cuộc họp.
Trước việc bà A xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của bà D nên bà D có đề nghị Trường tiểu học H xem xét giải quyết và tại Cuộc họp về việc lấy ý kiến xem xét kỷ luật viên chức ngày 15/ 8/ 2016 do Trường tiểu học H tổ chức xem xét kỷ luật bà Mai Thị A và ông Nguyễn H (Chồng bà A, làm Nhân viên hợp đồng thư viện của Trường tiểu học H) về một số sai phạm của bà A, ông H trong hoạt động của Trường tiểu học H, thì bà A tiếp tục nói bà D làm hồ sơ giả xin con nuôi trước mặt các giáo viên tham dự cuộc họp này.
Sau đó Trường tiểu học H đã tổ chức các Cuộc họp xem xét xử lý kỷ luật về việc giáo viên vi phạm luật viên chức ( lần 1) vào ngày 23/ 8/ 2016, ( lần 2) vào ngày 26/ 8/ 2016, ( lần 3) vào ngày 29/ 8/ 2016 và các Cuộc họp lấy ý kiến giáo viên bỏ phiếu xem xét xử lý kỷ luật ngày 15/ 8/ 2016, ngày 19/ 8/ 2016 đối với những sai phạm của bà Mai Thị A trong đó có việc bà A đã xúc phạm, vu khống bà D làm hồ sơ giả để hưởng chế độ nhận nuôi con nuôi. Đồng thời Trường tiểu học H đã ban hành Quyết định số 02/QĐ-THHD ngày 08/ 9/ 2016 về việc xử lý kỷ luật viên chức đối với bà Mai Thị A bằng hình thức buộc thôi việc.
Tuy nhiên, đến ngày 12/ 9/ 2016 bà Mai Thị A làm Đơn trình báo gửi Công an xã P, huyện B, tỉnh Bình Phước tiếp tục xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của bà D bằng việc tố cáo bà D không còn nuôi cháu Đỗ Đăng K nữa, nay cháu K đã bị mất tích và làm rõ minh bạch việc bà D không nuôi con nuôi mà vẫn kê khai hưởng tiền chế độ bảo hiểm nghỉ thai sản. Sau đó Công an xã P đã tiến hành điều tra, xác minh và có kết quả trả lời tại Thông báo số 03/TB-CAX ngày 15/ 11/ 2016 việc bà D nhận nuôi con nuôi cháu K là đúng pháp luật, bà D đã giao lại cháu K cho bà Vân nuôi dưỡng và bà D hưởng chế độ nghỉ thai sản nuôi con nuôi là hợp pháp. Từ năm 2015 đến nay bà D vẫn nhận đủ các khoản tháng tiền lương do Trường Tiểu học H trả mà không bị mất thu nhập gì.
Nay bà Đỗ Thị D yêu cầu Tòa án nhân dân huyện B giải quyết những nội dung như sau:
Buộc bà Mai Thị A phải công khai xin lỗi bà Đỗ Thị D tại địa điểm Trường tiểu học H, xã P, huyện B, tỉnh Bình Phước.
Yêu cầu bà A bồi thường thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín cho bà D gồm các khoản:
- Khoản tiền bù đắp tổn thất tinh thần bằng 35.000.000 đồng (Trong đó có khoản tiền mua thuốc 3.377.612 đồng bà D đi khám chữa bệnh viêm dạ dày tại Bệnh viện Bình Dân ở thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 05/ 05/ 2017);
- Khoản tiền 30.000.000 đồng chi phí thuê Luật sư Phạm Đình B, Luật sư Bùi Nguyễn Quỳnh N thuộc Công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên Như Bắc và cộng sự theo Hợp đồng dịch vụ số 04/2018/HĐDV ngày 22/4/2018 mà bà D đã ký kết với Công ty này để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Doãn tại Tòa án ND huyện B và Tòa án ND tỉnh Bình Phước khi giải quyết vụ án.
- Khoản mất thu nhập tiền lương dạy học trong 12 ngày của bà D do phải đi đến Tòa án làm việc (Gồm 08 ngày làm việc trong năm 2017, năm 2018 khi xét xử sơ thẩm lần đầu tiên tại Tòa án ND huyện B và 04 ngày làm việc trong năm 2018 khi xét xử phúc thẩm vụ án tại Tòa án ND tỉnh Bình Phước): 12 ngày x 450.000 đồng/ 01 ngày = 5.000.000 đồng.
Tổng cộng các khoản tiền nêu trên là 70.000.000 đồng, ngoài ra bà D không còn yêu cầu khởi kiện nào khác. Đồng thời bà D không chấp nhận toàn bộ yêu cầu phản tố của bà A.
Bị đơn Đỗ Thị Ái trình bày tại phiên tòa và tại các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án như sau:
Bà Mai Thị A và Bà Đỗ Thị D vừa là đồng nghiệp giáo viên dạy học cùng Trường tiểu học H, vừa là hàng xóm ở gần nhà nhau tại Thôn B, xã P, huyện B, tỉnh Bình Phước (Nhà bà D cách nhà bà A khoảng 07 mét) nên bà A biết việc bà Đỗ Thị D nhận cháu Đỗ Đăng K làm con nuôi và bà D đã làm thủ tục hồ sơ xin nghỉ chế độ thai sản 06 tháng và hưởng số tiền bảo hiểm thai sản là 35.346.930 đồng do nuôi cháu K.
Tuy nhiên vào buổi chiều ngày 14/ 12/ 2015 khi bà A vừa đi dạy học về đến nhà thì bà A thấy và nghe bên nhà bà D có tiếng 01 người đàn ông và 01 người phụ nữ đang cãi nhau với bà D về tiền bạc gì đó 60, 70 triệu đồng liên quan đến việc cháu Đỗ Đăng K đang do bà D nuôi dưỡng và sau ngày này bà A không còn thấy cháu K ở nhà bà D nữa và không còn thấy bà D tiếp tục nuôi cháu K, nhưng vẫn thấy bà D phơi quần áo của trẻ em. Thấy vậy bà A có gặp bà D hỏi về cháu K thì bà D vẫn nói dối là còn đang nuôi cháu K nên bà A đã nghi ngờ bà D bán cháu K cho người khác và cho rằng bà D mới nuôi cháu K được hơn 02 tháng, nay không còn nuôi cháu K nữa mà bà D vẫn tiếp tục nghỉ dạy học 06 tháng và hưởng toàn bộ tiền chế độ bảo hiểm thai sản nuôi con nuôi cháu K là có sự gian dối nên bà A cho rằng bà D đã làm hồ sơ nhận nuôi con nuôi cháu K để hưởng tiền bảo hiểm thai sản không đúng.
Do đó tại Cuộc họp Hội đồng sư phạm ngày 19/ 5/ 2016 của Trường tiểu học H, bà A có hỏi bà D vì sao không còn nuôi cháu K mà bà D vẫn hưởng chế độ tiền bảo hiểm thai sản, ý nói là bà D làm giấy tờ nuôi con giả để trục lợi hưởng chế độ bảo hiểm thai sản nuôi con nuôi, thì bà D mắng lại bà A là người nhiều chuyện, vô ý thức nên bà A tức giận có nói lại bà D là làm hồ sơ giả để nuôi con nuôi rồi giữa bà D và bà A xảy ra cãi nhau. Còn bà A không có lời nói chửi bới, xúc phạm gì bà D như nội dung Biên bản cuộc họp Hội đồng sư phạm ngày 19/ 5/ 2016 đã ghi. Cũng như bà A không nói gì xúc phạm bà D tại Cuộc họp về việc lấy ý kiến xem xét kỷ luật viên chức ngày 15/ 8/ 2016 do Trường tiểu học H tổ chức.
Vì nghi ngờ cháu Đỗ Đăng K bị mất tích do bà D bán con nuôi cho người khác và bà D vi phạm pháp luật nên bà A đã là Đơn trình báo ngày 12/ 9/ 2016 gửi đến Công an xã P, huyện B, tỉnh Bình Phước đề nghị điều tra, xác minh làm rõ việc cháu K bị mất tích và việc bà D không còn nuôi con nuôi mà vẫn kê khai hưởng tiền chế độ bảo hiểm nghỉ thai sản. Bà A cho rằng việc làm này của bà A là thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân khi có nghi ngờ, phát hiện vi phạm pháp luật của bà D và nhằm bảo vệ tính mạng của cháu K. Còn việc trước đó vào năm 2014 giữa gia đình bà D và gia đình bà A có tranh chấp đất với nhau tại nơi cư trú Thôn B, xã P, huyện B, tỉnh Bình Phước thì đã được UBND xã P giải quyết xong và bà A không có mâu thuẫn gì với bà D về việc này. Từ năm 2015 đến nay bà A vẫn nhận đủ các khoản tháng tiền lương do Trường Tiểu học H trả mà không bị mất thu nhập gì.
Nay bà Mai Thị A không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Đỗ Thị D,vì bà A không xúc phạm gì đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của bà D nên bà A không phải bồi thường gì cho bà D.
Đồng thời bà A có Đơn phản tố ngày 16/ 7/ 2018 và Đơn đính chính ngày giờ công trong đơn phản tố ngày 16/ 7/ 2018 đối với bà Đỗ Thị D và yêu cầu Tòa án ND huyện B giải quyết nội dung như sau:
- Yêu cầu bà Đỗ Thị D phải bồi thường cho bà Mai Thị A số tiền 10.000.000 đồng do bà D đã khởi kiện bà A tại Tòa án ND huyện B và tố cáo, vụ khống bà A là tội phạm tại Công an huyện B, tỉnh Bình Phước không đúng làm mất giá trị danh dự, nhân phẩm, uy tín người giáo viên của bà A;
- Khoản mất thu nhập tiền lương dạy học trong 10 ngày do Tòa án ND huyện B triệu tập bà A đến làm việc giải quyết vụ án, gồm : 09 ngày làm việc trong năm 2017 vào các ngày 28/ 02/ 2017, ngày 29/ 03/ 2017, ngày 04/ 04/ 2017, ngày 17/ 05/ 2017, ngày 24/ 05/ 2017, ngày 07/ 06/ 2017, ngày 15/ 06/ 2017, ngày 19/ 06/ 2017, ngày 18/ 07/ 2017 và 01 ngày làm việc trong năm 2018 ( không nhớ ngày, tháng), trong đó có 04 buổi bà A phải nhờ các giáo viên khác là bà Mai Thị Phương, ông Nguyễn Văn Thiên, bà Trần Thị Liên, bà Lai Thị Loan của Trường Tiểu học H dạy thay cho bà A và bà A phải trả tiền công cho những người này là 300.000 đồng/ 01buổi/ 01 người, cụ thể là: 09 ngày lương năm 2017 x 362.717 đồng/ 01 ngày = 3.264.453 đồng và 01 ngày lương năm 2018 là 418.951 đồng;
Tổng cộng các khoản tiền nêu trên là 13.683.404 đồng, ngoài ra bà A không còn yêu cầu nào khác.
Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 10/2019/DSST ngày 06/6/2019 của Tòa án nhân dân huyện B đã quyết định:
Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Đỗ Thị D đối với bị đơn bà Mai Thị A;
- Buộc bị đơn bà Mai Thị A phải thực hiện việc công khai xin lỗi bà Đỗ Thị D tại Trụ sở Trường tiểu học H, xã P, huyện B, tỉnh Bình Phước;
- Bà Mai Thị A phải bồi thường thiệt hại cho bà Đỗ Thị D khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần là 13.900.000 đồng ( Mười ba triệu chín trăm nghìn đồng).
Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu phản tố của bị đơn bà Mai Thị A đối với nguyên đơn bà Đỗ Thị D Ngày 18/6/2019 bị đơn bà Mai Thị A có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm không đồng ý với quyết định của bản án sơ thẩm buộc bà A phải công khai xin lỗi bà Đỗ Thị D, buộc bà phải bồi thường cho bà D khoản tiền bù đắp tinh thần 13.900.000 đồng và không chấp nhận yêu cầu phản tố của bà A. Ngoài ra, bà A còn kháng cáo đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại thời hiệu yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng và xem xét lại lời khai của những người làm chứng vì không khách quan.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
Bị đơn bà Mai Thị A vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.
Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước:
- Về việc tuân thủ pháp luật tố tụng: Quá trình giải quyết vụ án của Tòa án từ khi thụ lý đến khi xét xử phúc thẩm của Thẩm phán, Thư ký Tòa án, Hội đồng xét xử và các đương sự đã tuân thủ đúng theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.
- Về nội dung giải quyết vụ án: tại phiên tòa phúc đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn bà Mai Thị A, giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Về tố tụng:
Tại phiên tòa phúc thẩm, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà D là luật sư Phạm Đình B vắng mặt nhưng bà D và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp là bà Như vẫn đồng ý đề nghị Hội đồng xét xử tiếp tục xét xử vụ án. Ngoài ra, người làm chứng là ông Nguyễn Đình B, ông Vũ Giáp L, ông Mai Văn T, ông Hoàng Văn G, bà Tạ Thị V, bà Nguyễn Thị Mai H, bà La Thị T, bà Nguyễn Thị T, ba Mai Thị P, ông Nguyễn Văn T, bà Trần Thị L, bà Lai Thị L đã có lời khai, có đơn xin xét xử vắng mặt nên Hội đồng xét xử phúc thẩm vẫn tiến hành xét xử vắng mặt những người làm chứng nêu trên theo quy định pháp luật.
Về thời hiệu khởi kiện: Theo quy định tại Điều 607 Bộ luật dân sự 2005 thì thời hiệu yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là 02 năm kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm. Bà D cho rằng ngày 19/5/2016 bà A có lời nói xúc phạm bà D, ngày 12/9/2016 bà A có đơn trình báo tại công an xã P, ngày 19/12/2016 Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình có văn bản giải quyết chế độ thai sản đối với bà Đỗ Thị D, ngày 17/01/2017 bà A đã nộp đơn khởi kiện tại Tòa án nhân dân huyện B. Như vậy, việc bà A khởi kiện là còn thời hiệu theo quy định pháp luật.
[2] Về nội dung:
[2.1] Căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án thể hiện: nguyên đơn bà D có nhận cháu Đỗ Đăng K, sinh ngày 26/9/2015 làm con nuôi, bà D đã được UBND xã Tiến T, thị xã Đ, tỉnh Bình Phước (nay là Thành phố Đ) cấp Giấy chứng nhận nuôi con nuôi. Sau khi được cấp Giấy chứng nhận nuôi con nuôi, bà D đã được Bảo hiểm xã hội huyện B và Trường tiểu học H giải quyết cho hưởng chế độ ốm đau, thai sản theo quy định pháp luật. Sau khi nuôi dưỡng cháu K được 02 tháng thì bà D đã giao cháu K lại cho bố mẹ ruột là bà Vân, ông Chính nuôi dưỡng theo thỏa thuận giữa hai bên, điều này được bà Vân thừa nhận. Tại Công văn số 720 ngày 19/12/2017 của Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Phước đã trả lời việc bà D nhận nuôi con nuôi và hưởng chế độ thai sản là đúng theo quy định pháp luật. Do đó, có căn cứ xác định việc bà D nhận nuôi con nuôi, hưởng chế độ thai sản cũng như việc giao cháu K lại cho bố mẹ ruột chăm sóc nuôi dưỡng là đúng theo quy định pháp luật.
Nguyên đơn bà D cho rằng do có mâu thuẫn từ trước nên tại cuộc họp ngày 19/5/2016 tại trường tiểu học H bà A đã có lời nói xúc phạm bà D về việc làm hồ sơ giả nhận nuôi con nuôi để hưởng chế độ thai sản, ngoài ra bà A còn gửi đơn trình báo tại Công an xã P đề nghị xác minh việc bà D nhận nuôi con nuôi, những lời nói và việc làm của bà A đã ảnh hưởng lớn đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của bà D.
Qua xem xét các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án thấy rằng tại biên bản xác minh ngày 22/4/2019 tại UBND xã P (bút lục 549) thể hiện vào năm 2014 giữa gia đình bà D và gia đình bà A có tranh chấp với nhau về đất đai, sự việc đã được UBND xã P xác minh và tiến hành hòa giải nhưng không thành, điều này phù hợp lời khai của những người làm chứng là đồng nghiệp của bà A, bà D gồm ông Mai Văn T, ông Hoàng Văn G, bà Vũ Thị C, bà Nguyễn Thị Mai H, bà Tạ Thị V, ông Vũ Giáp L, bà Nguyễn Thị T là giữa bà A và bà D đã có mâu thuẫn đất đai từ trước. Những người làm chứng nêu trên cũng xác định tại cuộc họp hội đồng sư phạm trường tiểu học H ngày 19/5/2016 thì giữa bà A và bà D đã có lời nói qua lại cụ thể: khi bà D nói mọi người có ý kiến nhanh rồi về vì quá giờ trưa, thì phía bà A đã quát to và nói là “bà D không có con, bà D về thì về, bà D mới nghĩ thai sản đây mới ra họp được mấy bữa mà nhăn nhăn, bà D làm hồ sơ giả xin nuôi con bà A còn chưa nói”, lời trình bày của những người làm chứng cũng phù hợp nội dung được ghi trong biên bản họp ngày 19/5/2016 tại trường tiểu học H (bút lục 279 - 281). Quá trình giải quyết vụ án bà A cho rằng lời khai của những người làm chứng không khách quan vì những người nêu trên là con cháu, phe cánh của bà Bùi Thị Phương Minh (trước đây là hiệu trưởng trường tiểu học H), tuy nhiên ngoại trừ bà Bùi Thị Phương Minh là có mâu thuẫn với bà A trong vụ án tranh chấp bồi thường danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm đã được xét xử tại bản án dân sự phúc thẩm số 29 ngày 29/01/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước thì bà A không có tài liệu, chứng cứ nào chứng minh những người làm chứng thuộc phe cánh của bà Minh nên lời trình bày của bà A cho rằng lời khai những người làm chứng không đúng, không khách quan là không có cơ sở.
Ngoài ra, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án cũng thể hiện ngày 12/9/2016 bà A có đơn trình báo gửi Công an xã P (bút lục 09) với nội dung: sau cuộc họp ngày 19/5/2016 thì bà D có mâu thuẫn, xúc phạm bà A nên bà A có nêu việc hưởng chế độ thai sản xin nuôi con nuôi của bà D là chưa đúng nên đề nghị công an xã xác minh làm rõ cháu K ở đâu, bà D cho ai, hay gia đình chuộc lại để làm rõ việc kê khai hưởng bảo hiểm của bà D, để làm rõ việc phản ánh của bà là đúng hay sai. Sau khi nhận được đơn của bà A thì ngày 15/11/2019 Công an xã P cũng đã có văn bản trả lời là việc bà A nhận nuôi con, trả lại con nuôi cho bố mẹ ruột là có thật, tuy nhiên trong văn bản trả lời của Công an xã P có nội dung đề nghị bà D phải có trách nhiệm liên hệ Bảo hiểm xã hội Bù Gia Mập để trả lại số tiền thai sản trong thời gian không nuôi con nuôi con, nhưng việc trả lời của công an xã P đã vượt quá thẩm quyền, dẫn đến việc Bảo hiểm xã hội Bù Gia Mập ban hành thông báo đến lãnh đạo trường tiểu học H thu hồi số tiền hưởng chế độ nuôi con trong thời gian không nuôi con của bà D, tuy nhiên tại văn bản trả lời của Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Phước đã xác định hiện nay chưa có hồ sơ của cơ quan có thẩm quyền về việc chấm dứt nuôi con nuôi của bà D nên việc Bảo hiểm xã hội Bù Gia Mập ban hành thông báo thu hồi là chưa đủ cơ sở pháp lý. Bà A cho rằng việc bà A gửi đơn trình báo là thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân về phòng ngừa, tố giác tội phạm, thực hiện việc bảo vệ chăm sóc trẻ em nhưng lời trình bày của bà A là không phù hợp bởi lẽ, bà A thừa nhận do ở gần nhà bà D nên sau 02 tháng bà D nhận nuôi cháu K thì bà A đã thấy người vào nhà bà D cãi nhau, rồi từ đó bà A không thấy tiếng khóc trẻ em mà vẫn thấy bà D phơi quần áo cháu K và đi làm rẫy nên bà A đã nghi ngờ nhưng ngay lúc đó bà A đã không báo chính quyền địa phương, công an xã mà sau khi bà D hết thời gian nghỉ thai sản (từ ngày 05/10/2015 đến ngày 23/3/2016) và trở lại làm việc thì tại cuộc họp ngày 19/5/2016 bà A mới có lời nói cho rằng bà D làm hồ sơ giả xin nuôi con để hưởng chế độ thai sản và ngày 12/9/2016 mới làm đơn trình báo tại công an xã. Hơn nữa, bà D và bà A cùng sinh sống tại một địa phương, cùng công tác tại trường tiểu học H nhưng bà A đã không tìm hiểu, xác thực mà tại cuộc họp ngày 19/5/2016 mới có lời nói cho rằng bà D làm hồ sơ giả xin nuôi con nuôi để hưởng chế độ thai sản và làm đơn trình báo đến công an xã P.
Do bà D không có con, lại công tác trong ngành giáo dục nên lời nói, việc làm của bà A đã làm cho cơ quan nhà nước, đồng nghiệp nghi ngờ bà D gian dối trong việc nhận nuôi con nuôi và hưởng bảo hiểm, là hành vi cố ý xâm phạm đến danh dự, nhâm phẩm và uy tín của bà D gây tổn thất về tinh thần, danh dự, uy tín của bà D. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ Điều 604, 605, 611 Bộ luật dân sự 2005, Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao áp dụng một số quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà D, buộc bà A phải công khai xin lỗi bà D tại trường tiểu học H và bồi thường tổn thất về tinh thần do bà D gánh chịu bằng 10 tháng lương tối thiểu với số tiền 13.900.000 đồng là phù hợp quy định pháp luật.
[2.2] Ngoài ra, việc Tòa án cấp sơ thẩm tuyên không chấp nhận yêu cầu phản tố của bà A về việc yêu cầu Tòa án buộc bà D bồi thường danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm là phù hợp quy định pháp luật vì như đã phân tích phía trên việc bà D khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc bà A phải công khai xin lỗi, bồi thường danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm là có căn cứ, đối với yêu cầu của bà D đề nghị chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xem xét hành vi của bà A có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không là quyền của bà D được pháp luật cho phép để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
[2.3] Đối với kháng cáo của bà A cho rằng quá trình giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm không công khai lời khai của những người làm chứng là ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bà. Qua xem xét thấy rằng Tòa án cấp sơ thẩm có thực hiện việc công khai chứng cứ theo quy định pháp luật, tuy nhiên trong biên bản công khai chứng cứ không thể hiện việc công khai chứng cứ là biên bản lấy lời khai người làm chứng, tuy nhiên thiếu sót trên đã được Tòa án cấp phúc thẩm khắc phục tại phiên tòa phúc thẩm nên chỉ nêu ra để Tòa án cấp sơ thẩm rút kinh nghiệm.
Từ những phân tích như trên, thấy rằng yêu cầu kháng cáo của bà A là không có căn cứ nên không được chấp nhận, cần giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm.
Quan điểm của Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước tại phiên tòa là có căn cứ nên được Hội đồng xét xử chấp nhận.
Vì các lẽ nêu trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bà Mai Thị A.
Áp dụng Điều 604, Điều 605, Điều 606, Điều 611 Bộ luật dân sự năm 2005; Điều 3 Nghị định số 72/2018/NĐ-CP ngày 15/ 5/ 2018 của Chính phủ quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; Điều 688 Bộ luật dân sự năm 2015; Điều 26, Điều 35, Điều 39, Điều 147, Điều 186, Điều 200, Điều 271, Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án; Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Đỗ Thị D đối với bị đơn bà Mai Thị A;
Buộc bị đơn bà Mai Thị A phải thực hiện việc công khai xin lỗi bà Đỗ Thị D tại Trụ sở Trường tiểu học H, xã P, huyện B, tỉnh Bình Phước.
Bà Mai Thị A phải bồi thường thiệt hại cho bà Đỗ Thị D khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần là 13.900.000 đồng ( Mười ba triệu chín trăm nghìn đồng).
Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu phản tố của bị đơn bà Mai Thị A đối với nguyên đơn bà Đỗ Thị D.
Án phí dân sự sơ thẩm:
- Nguyên đơn bà Đỗ Thị D không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm .
- Bị đơn bà Mai Thị A phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 695.000 đồng, được trừ vào số tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm bà A đã nộp 370.000 đồng theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0018423 ngày 02/8/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện B, tỉnh Bình Phước, số tiền còn lại bà A phải nộp là 325.000 đồng.
Án phí dân sự phúc thẩm:
Bị đơn bà Mai Thị A phải chịu 300.000 đồng, được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm bà A đã nộp theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0019844 ngày 25/6/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện B.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, nếu người phải thi hành án không thực hiện nghĩa vụ trả tiền của mình thì hàng tháng còn phải trả số tiền lãi theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm chậm thanh toán, tương ứng với số tiền và thời gian chưa thi hành án.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.
Bản án 25/2020/DS-PT ngày 05/03/2020 về tranh chấp bồi thường thiệt hại danh dự, nhân phẩm và uy tín bị xâm phạm
Số hiệu: | 25/2020/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Bình Phước |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 05/03/2020 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về