Bản án 33/2018/DS-ST ngày 16/11/2018 về tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN VĨNH THUẬN, TỈNH KIÊN GIANG

BẢN ÁN 33/2018/DS-ST NGÀY 16/11/2018 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Ngày 16 tháng 11 năm 2018 tại Tòa án nhân dân huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số 31/2013/TLST-DS ngày 04 tháng 6 năm 2013 về việc “Tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 133/2018/QĐXXST-DS ngày 15/10/2018 và Quyết định hoãn phiên tòa số 68/2018/QĐ-TA ngày 01/11/2018, giữa các đương sự:

* Nguyên đơn: Bà P, sinh năm 1958; địa chỉ ấp P, xã N, huyênT, tỉnh Kiên Giang (có mặt).

* Bị đơn: Ông S, sinh năm 1983; địa chỉ: ấp A, xã T, huyên T, tỉnh Kiên Giang (có mặt).

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

- Ông H, sinh năm 1971 (có đơn xin vắng mặt).

- Ông T, sinh năm 1972 (vắng mặt).

- Bà H (vắng mặt).

Cùng địa chỉ: ấp A, xã T, huyện T, tỉnh Kiên Giang.

- Bà T1; địa chỉ: khu phố 7, phường T, Quận A, Thành phố Hồ Chí Minh (vắng mặt).

- Bà T2; địa chỉ: khu phố 5, phường T, Quận A, Thành phố Hồ Chí Minh (vắng mặt).

- Ông K, sinh năm 1975; địa chỉ: ấp 4, xã P, huyện A, tỉnh Bình Dương (có đơn xin vắng mặt).

- Bà K1; địa chỉ: ấp Q, xã Đ, huyện H, tỉnh Vĩnh Long (vắng mặt).

- Bà G, sinh năm 1960; địa chỉ: Ấp 1, thị trấn M, huyện T, tỉnh Hậu Giang.

- Bà T3, sinh năm 1961; địa chỉ: ấp C, xã P, huyện T, tỉnh Kiên Giang.

- Bà N, sinh năm 1962; địa chỉ: ấp T, xã N, huyện T, tỉnh Kiên Giang.

Người đại diện hợp pháp của bà G, bà T3, bà N là bà P, sinh năm 1958; địa chỉ: ấp P, xã N, huyênT, tỉnh Kiên Giang, theo văn bản ủy quyền của bà G ngày 21/5/2018, của bà T3 ngày 03/8/2017, của bà N ngày 09/4/2018 (bà P có mặt).

- Ông G1, sinh năm 1967; địa chỉ: ấp P, xã N, huyện T, tỉnh Kiên Giang (có đơn xin vắng mặt).

- Bà N1, sinh năm 1989 (vợ ông S); địa chỉ: ấp A, xã T, huyên T, tỉnh Kiên Giang (có mặt).

- Bà N, sinh năm 1945 (vợ ông T4); địa chỉ : ấp A, xã T, huyên T, tỉnh Kiên Giang (vắng mặt).

- Ngân hàng Thương mại cổ phần L; địa chỉ: đường T, phường V, thành phố G, tỉnh Kiên Giang.

Người đại diện là ông D - Giám đốc Phòng giao dịch huyện T; địa chỉ: Khu phố 2, thị trấn T, huyện T, tỉnh Kiên Giang (có mặt).

- Ủy ban nhân dân huyện T; địa chỉ: Khu phố 2, thị trấn T, huyện T, tỉnh Kiên Giang (vắng mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

* Theo đơn khởi kiện ngày 15/5/2013 và các lời khai tại Tòa án, nguyên đơn bà P trình bày: Cha bà là ông T4, sinh năm 1934, có 03 người vợ, tổng cộng 13 người con gồm: P, G, T3, N, G1, H, T, H1, T1, T2, K, K1, S. Ngoài ra không có người con nào khác. Cụ thể như sau: Ông T4 kết hôn với bà B và được bà nội là bà V cho số tài sản là 50 công đất ruộng và 07 công đất vườn. Quá trình chung sống cha và mẹ bà có chung 4 người con gồm: P, G, T3, N.

Khoảng năm 1973 bà B chết (lúc này bà P khoảng 11 tuổi). Khoảng năm 1975 ông T4 sống chung với bà H2 và có chung một người con tên G1. Anh G1 được 10 tháng tuổi thì bà H2 chết, quá trình chung sống ông T4 và bà H2 không tạo lập được phần tài sản nào.

Khoảng 03 tháng sau (kể từ khi bà H2 chết), ông T4 chung sống với bà N2 và có chung 08 người con, gồm: H, T, K, H1, T1, K1, S, T2. Ông T4 và bà N2 cũng không tạo lập được tài sản gì khác. Lúc còn sống ông T4 có cho đất các con gồm: Ông H 05 công, T 03 công, K 03 công. Do làm ăn thất bại nên ông T4 và bà N2 có bán cho ông T5 13 công đất (đều là đất ruộng).

Khoảng năm 2005 (sau khi bán đất cho ông T5), ông T4 và bà N2 xảy ra mâu thuẫn nên sống riêng (không làm thủ tục ly hôn, bà N2 cất nhà ở riêng), còn ông S thì chung sống với ông T4, lúc này ông T4 có chia cho bà N2 06 công đất ruộng và cho ông S 06 công đất ruộng. Sau khi bán đất và chia đất thì ông T4 còn lại 14 công đất ruộng và 07 công đất vườn. Mấy người con gái thì ông T4 chưa cho đất. Ông T4 nói phần đất còn lại sau này cho các con của vợ trước (gồm: P, G, T3, N), chỉ nói chứ chưa làm giấy tờ gì. Đất có giấy chứng nhận quyền sử dụng do ông T4 đứng tên.

Ngày 22/12/2011 (dương lịch) nhằm ngày 28/11/2011 (âm lịch) ông T4 đột ngột chết không để lại di chúc, phần đất ông T4 để lại do ông S sử dụng cho đến nay.

Theo đơn khởi kiện bà P yêu cầu chia cho bà 03 công đất ruộng và phần đất vườn ngang 10 mét, dài 90 mét.

Tại phiên tòa bà P trình bày và yêu cầu: Các phần đất ông S đã chuyển nhượng cho người khác bà không yêu cầu chia, chỉ yêu cầu chia đối với phần đất còn lại là 19.384,7 m2 cho 13 người con của ông T4. Bà nhận một kỷ phần, bà thống nhất nhận bằng giá trị mỗi công đất tầm lớn giá 01 lượng vàng (có vườn và ruộng). Nếu bà N2 được chia 01 phần thì bà cũng thống nhất.

* Tại các đơn khởi kiện ngày 31/7/2013 của bà T3, bà G, bà N, ông G1 trình bày nội dung giống nội dung bà P trình bày.

Tại phiên tòa, bà P là người đại diện theo ủy quyền của bà G, bà N, bà T3 trình bày và yêu cầu: Các phần đất ông S đã chuyển nhượng cho người khác không yêu cầu chia, chỉ yêu cầu chia đối với phần đất còn lại 19.384,7 m2 cho 13 người con của ông T4. Mỗi người nhận một kỷ phần, thống nhất nhận giá trị như bà P và giao cho bà P đại diện nhận phần của 04 chị em (bà P, bà N, bà T3, bà G). Thống nhất chia cho bà N2 một phần theo quy định.

* Ông G1 có đơn rút yêu cầu khởi kiện đề ngày 16/02/2017.

* Trong quá trình giải quyết vụ án bị đơn ông S trình bày: Cha ông là ông T4, mẹ là bà N2 có 08 người con chung, gồm: S, H, T, K, H1, T1, K1, T2, hiện đã có gia đình ở riêng, không biết địa chỉ cụ thể. Ngoài ra ông S không biết ông T4 có vợ và con nào khác. Ngày 28/11/2011 ông T4 chết không để lại di chúc. Khi chết có để lại toàn bộ phần đất ông không biết diện tích bao nhiêu, sau đó ông đi đăng ký làm thủ tục chuyển tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông theo thủ tục thừa kế; ngày 26/9/2012 ông được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại thửa 61, tờ bản đồ số 3, diện tích 27.496 m2; thửa số 142, tờ bản đồ số 3, diện tích 4.630 m2; thửa số 269, tờ bản đồ số 3, diện tích 7.983 m2, cả ba phần đất đều thuộc ấp A, xã T, huyện T, tỉnh Kiên Giang; các phần đất này liền kề với nhau.

Trước khi ông đi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì phần đất vườn các anh em đều thống nhất chia cho ông H, ông T, ông K, ông G1 mỗi người ngang 09 mét, dài 90 mét. Trong phần đất tại thửa số 61, tờ bản đồ số 3, diện tích 27.496 m2, năm 2013 ông có chia cho bà T2 01 công, bà T1 01 công, bà K1 01 công, bà H1 01 công, cùng năm 2013 bà T2, bà T1, bà K1 đã bán phần đất này lại cho ông.

Tại phiên tòa, ông S không chấp nhận yêu cầu của bà P, bà T3, bà N, bà G, vì cho rằng ông không biết những người này có mối quan hệ như thế nào với ông T4; ông G1 chỉ là con nuôi ông T4. Ông chỉ biết ông T4 có 01 vợ là bà N2 và 08 người con chung với bà N2.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông H, ông K trình bày: Cha ông là ông T4 có 03 người vợ, 13 người con gồm P, G, T3, N, G1, H, T, H1, T1, T2, K, K1, S. Ngoài ra không có người con nào khác. Hiện tại ông H và ông K không có yêu cầu chia tài sản của ông T4.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà N1 trình bày: Cha chồng bà là ông T4, mẹ chồng là bà N2, chồng bà có 08 anh chị em như ông S trình bày. Khi bà về sống chung với ông S thì ông T4 đã chết, phần đất ông T4 để lại vợ chồng bà đang sử dụng nhưng không biết rõ diện tích bao nhiêu. Nay bà P, bà G, bà T3, bà N yêu cầu chia đất bà không thống nhất vì không biết những người này là ai.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà N2 trình bày: Trước khi sống với bà, ông T4 có vợ và có con nhưng bà không biết mấy người. Khoảng năm 1975 bà chung sống với ông T4 và có chung 08 người con, ông T4 có cho bà 05 công đất nhưng bà không biết vị trí nào. Khi ông T4 chết không để lại di chúc, toàn bộ phần đất ông T4 để lại ông S sử dụng và đứng tên. Nay phần đất ông T4 cho bà thống nhất để cho ông S sử dụng, trong vụ kiện này bà không yêu cầu gì.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Ngân hàng Thương mại cổ phần L (Đại diện là ông D) trình bày: Ngày 23/4/2018 vợ chồng ông S, bà N1 có vay của Ngân hàng số tiền 170.000.000 đồng, có thế chấp quyền sử dụng đất tại thửa số 61, tờ bản đồ số 03, diện tích 15.170,2 m2, tọa lạc tại ấp A, xã T, huyện T, tỉnh Kiên Giang, thời hạn vay 12 tháng (hạn trả nợ ngày 23/4/2019). Nay hợp đồng này chưa đến hạn trả nợ, Ngân hàng không yêu cầu gì trong vụ án, nhưng nếu chia thừa kế bằng quyền sử dụng đất thì yêu cầu ưu tiên trả nợ cho Ngân hàng trước.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Ủy ban nhân dân huyện T vắng mặt, không có ý kiến.

* Kiểm sát viên phát biểu ý kiến:

- Về tố tụng: Thẩm phán, Hội đồng xét xử và những người tiến hành tố tụng đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Các đương sự đã thực hiện đúng các quyền, nghĩa vụ của mình khi tham gia tố tụng và chấp hành nội quy phiên tòa. Tuy nhiên, vụ án đã quá thời hạn chuẩn bị xét xử theo quy định tại Điều 203 của Bộ luật tố tụng dân sự.

- Về nội dung vụ án: Ông T4 lúc sinh thời có sống chung cùng bà B có 04 người con gồm P, G, T3, N, năm 1973 bà B chết. Năm 1975 ông T4 sống chung với bà H2 và có chung một người con tên G1. Khi ông G1 được 10 tháng tuổi thì bà H chết. Khoảng 03 tháng sau (kể từ khi bà H2 chết) thì ông T4 chung sống với bà N2 và có chung 8 người con gồm: H, T, K, H1, T1, K1, S, T2.

Khi còn sống ông T4 và bà N2 có cho đất các con gồm H 05 công, T 03 công, K 03 công và bán cho ông T5 13 công đất (đều là đất ruộng). Năm 2005 ông T4 chia cho bà N2 06 công đất ruộng và cho ông S 06 công đất ruộng. Sau khi chia và bán đất thì ông T4 còn lại 14 công đất ruộng và 07 công đất vườn. Ngày 22/12/2011(dương lịch) nhằm ngày 28/11/2011(âm lịch) ông T4 chết không để lại di chúc, phần đất còn lại ông S sử dụng cho đến nay. Tại phiên tòa bà P yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật phần tài sản của cha để lại cho 13 người con, bà xin nhận giá trị, tương đương 01 công tầm lớn 01 lượng vàng 24 kara. Theo quy định tại Điều 676 của Bộ luật dân sự năm 2005, thì hàng thừa kế thứ nhất còn lại của ông T4 là vợ và các con của ông T4. Các đương sự chỉ yêu cầu chia thừa kế đối với phần đất còn lại theo đo đạc thực tế là 19.384,7 m2. Tuy nhiên, đây là tài sản chung của ông T4 và bà N2 nên di sản của ông T4 chỉ có 50% là diện tích đất 9.692,35 m2. Di sản của ông T4 được chia thành 14 kỷ phần thì mỗi kỷ phần là 692,31 m2. Từ những phân tích và nhận định trên, thấy rằng yêu cầu chia thừa kế tại phiên tòa của nguyên đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là có cơ sở nên đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về thủ tục tố tụng:

Về thẩm quyền giải quyết vụ án và quan hệ tranh chấp: Các đương sự tranh chấp chia di sản thừa kế là quyền sử dụng đất tọa lạc tại ấp A, xã T, huyện T, tỉnh Kiên Giang nên Tòa án nhân dân huyện Vĩnh Thuận thụ lý giải quyết là đúng thẩm quyền theo quy định tại Điều 26, 35, 39 của Bộ luật tố tụng dân sự. Nguyên đơn yêu cầu chia di sản là quyền sử dụng đất nhưng có tranh chấp nên xác định quan hệ pháp luật vụ án là “Tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất”.

Về thời hiệu khởi kiện: Ông T4 chết ngày 22/12/2011, ngày 20/5/2013 bà P nộp đơn khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế của ông T4 là còn thời hiệu theo quy định tại Điều 645 của Bộ luật dân sự năm 2005.

Về người tham gia tố tụng: Theo bà P trình bày ông T4 có tất cả 03 người vợ, hiện tại chỉ còn sống là bà N2 và 13 người con nên ngoài bà P (nguyên đơn) và ông S (bị đơn) thì Tòa án đã đưa bà N2 (vợ ông T4) và 11 người con còn lại vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Hiện nay, một số người con của ông T4 không rõ địa chỉ, không liên hệ được nên căn cứ điểm a khoản 3 Điều 6 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP ngày 05/5/2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án vẫn giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật, phần tài sản của người vắng mặt chưa có đơn yêu cầu sẽ tạm giao cho người đang quản lý tiếp tục quản lý, sử dụng, khi nào có đơn yêu cầu sẽ giải quyết bằng vụ án khác.

Hiện tại quyền sử dụng đất ông S đứng tên và đang thế chấp tại Ngân hàng Thương mại cổ phần L; mặt khác bà P cho rằng việc Ủy ban nhân dân huyện T cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông S không đúng quy định, vì không có ý kiến của chị em bà P. Do đó, Tòa án cũng đã đưa Ngân hàng Thương mại cổ phần L và Ủy ban nhân dân huyện T vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong v ụ án.

Các đương sự không yêu cầu định giá tài sản và thống nhất giá trị đất theo chiều dọc có vườn và ruộng mỗi công tầm 03 mét giá 01 lượng vàng 24 kara (loại vàng 98%) nên Hội đồng xét xử thống nhất áp dụng giá thỏa thuận để giải quyết vụ án, không cần định giá tài sản.

Tòa án đã tổ chức hòa giải nhiều lần nhưng bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đều vắng mặt; ngày 06/8/2018 bà P có đơn yêu cầu không tiến hành hòa giải nên vụ án không tiến hành hòa giải được theo Điều 207 của Bộ luật tố tụng dân sự và Tòa án tiến hành đưa vụ án ra xét xử theo quy định.

[2] Về di sản của ông T4: Ông T4 trước sau có tất cả 03 người vợ. Mặc dù tài sản được hình thành khi sống chung với bà B, nhưng khoảng năm 1975-1976 ông T4 cưới bà N2, trong quá trình chung sống với bà N2 đến năm 2006 ông T4 đã xác nhập tài sản thành tài sản chung của vợ chồng ông T4 và bà N2 nên đã đăng ký tài sản là quyền sử dụng đất đứng tên ông T4, bà N2. Ngày 22/12/2011 ông T4 chết có để lại di sản trong phần diện tích đất theo giấy chứng nhận quyền sử dụng là 23.801,1 m2, thửa 31072.03.61 và 6.160 m2, thửa 31072.03.142, tờ bản đồ 03, do ông T4 và bà N2 đứng tên. Sau khi ông T4 chết ông S đã chuyển nhượng cho người khác một số đất, chỉ còn lại phần đất theo đo đạc thực tế là 19.384,7 m2, phần đất này mọi người đều thừa nhận là tài sản của ông T4 để lại nên không cần chứng minh theo Điều 92 của Bộ luật tố tụng dân sự. Bà P, bà G, bà N, bà T3 chỉ yêu cầu chia đối với diện tích đất còn lại là 19.384,7 m2, không yêu cầu đối với phần đất ông S đã chuyển nhượng cho người khác.

Tuy nhiên, năm 2006 ông T4 đã nhập tài sản thành tài sản chung của ông T4 và bà N2, quyền sử dụng đất đã đăng ký cho cả ông T4 và bà N2 đứng tên. Do đó, trong phần diện tích đất đo thực tế thì di sản ông T4 chỉ còn lại là 50% trong 19.384,7 m2, còn lại 50% là của bà N2.

[3] Đối với những người được hưởng thừa kế:

Ông T4 chết không để lại di chúc, theo quy định tại Điều 676 của Bộ luật dân sự năm 2005, thì hàng thừa kế thứ nhất còn lại của ông T4 là vợ và các con của ông T4 (cha mẹ ông T4 đều đã chết).

Ông S không thừa nhận bà P, bà G, bà T3, bà N, ông G1 là con của ông T4. Tuy nhiên, theo xác minh thì tất cả những người thân, kể cả bà N2, một số người con của bà N2 là anh chị ruột của ông S cũng đều thừa nhận ông T4 có 03 người vợ và 13 người con, trong đó có bà P, bà G, bà T3, bà N, ông G1. Chính quyền địa phương nơi ông T4 sinh sống cũng xác định bà P, bà G, bà T3, bà N là con ông T4.

Tất cả mọi người đều xác định bà P, bà G, bà T3, bà N, ông G1 là con ông T4, chỉ riêng vợ chồng ông S không thừa nhận. Ông S nại ra việc không biết ông T4 có những người con này và cho rằng họ không có trong hộ khẩu của ông T4 nên không phải là con ông T4 là không có cơ sở, vì pháp luật không bắt buộc con phải chung hộ khẩu với cha mẹ.

Do đó, xác định người thừa kế của ông T4 là 14 người, gồm: Vợ ông T4 là bà N2 và 13 người con của ông T4 là P, G, T3, N, G1, H, T, H1, T1, T2, K, K1, S.

[4] Tài sản của ông T4 được chia như sau: Do các đương sự chỉ yêu cầu chia thừa kế đối với phần đất còn lại theo đo đạc thực tế là 19.384,7 m2. Tuy nhiên, đây là tài sản chung của ông T4 và bà N2 nên di sản của ông T4 chỉ 50% là 9.692,35 m2. Di sản của ông T4 được chia thành 14 kỷ phần thì mỗi kỷ phần là 692,31 m2.

Do bà G, T3, N giao cho bà P đại diện nhận phần thừa kế nên bà P được nhận 04 kỷ phần là 2.769,24 m2.

Xét thấy diện tích đất của từng người được nhận quá nhỏ, không thể canh tác đúng mục đích sử dụng; bản thân bà P, đồng thời bà P là người đại diện cho bà G, bà T3, bà N thống nhất nhận giá trị đất mỗi công tầm 03 mét (tức một công là 1.296 m2) bằng 01 lượng vàng 24 kara nên Hội đồng xét xử thống nhất buộc ông S trả bằng giá trị. Diện tích đất 2.769,24 m2 bằng 2,13 công tầm 03 mét. Do đó, ông S có nghĩa vụ trả giá trị chung cho bà P, bà G, bà T3, bà N là 2,13 lượng vàng 24 kara.

[5] Đối với các kỷ phần còn lại, đương sự chưa có yêu cầu chia nên tiếp tục tạm giao cho ông S quản lý, khi nào có yêu cầu sẽ giải quyết bằng vụ án khác.

[6] Đối với Ngân hàng Thương mại cổ phần L, do ông S có nghĩa vụ trả giá trị tài sản cho bà P, bà T3, bà G, bà N nên chưa ảnh hưởng đến tài sản thế chấp, Ngân hàng không yêu cầu gì nên không xét.

[7] Ông T4 chết không để lại di chúc, ngày 26/9/2012 Ủy ban nhân dân huyện T cấp chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông S số BG 099670, diện tích 27.496 m2, thửa đất số 61, tờ bản đồ số 3, tọa lạc tại ấp A, xã T, huyện T, tỉnh Kiên Giang, nhưng chưa có ý kiến của tất cả những người đồng thừa kế của ông T4 là chưa đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, ông S không phải giao đất mà chỉ trả giá trị cho bà P, bà G, bà T3, bà N nên không cần phải hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho ông S.

[8] Ông G1 rút yêu cầu khởi kiện nên Tòa án đã đình chỉ giải quyết và đã xử lý tiền tạm ứng án phí theo Quyết định số 02/2017/QĐ-TA ngày 01/3/2017 của Tòa án nhân dân huyện Vĩnh Thuận.

[9] Chi phí xem xét thẩm định tại chỗ là: 2.449.000 đồng và chi phí nhắn tin là 2.100.000 đồng, bà P tự nguyện chịu và đã nộp xong.

[10] Án phí sơ thẩm: Căn cứ Điều 5, Điều 27 của Pháp lệnh về án phí, lệ phí Tòa án năm 2009, bà P, bà G, bà T3, bà N phải chịu án phí đối với tài sản được nhận. Tổng tài sản bà P, bà G, bà T3, bà N được nhận là 2,13 lượng vàng 24 kara nên phải chịu án phí là 3.621.000 đồng. Bà P, bà G, bà T3, bà N thỏa thuận giao cho bà P chịu toàn bộ án phí và đại diện nhận lại tiền tạm ứng án phí đã nộp.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ các Điều 26, 35, 39, 92, 147, 157, 227, 228, 271, 273 của Bộ luật tố tụng dân sự; Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP ngày 05/5/2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao;

Căn cứ Điều 634, 635, 639, 645, 674, 675, 676 của Bộ luật dân sự số 33/2005/QH11; Điều 100 của Luật đất đai số 45/2013/QH13; Điều 5, Điều 27 của Pháp lệnh về án phí, lệ phí Tòa án năm 2009;

1. Xác định di sản của ông T4 hiện tại còn lại là diện tích đất 9.692,35 m2, thuộc thửa số 61, tờ bản đồ 03, tọa lạc tại ấp A, xã T, huyện T, tỉnh Kiên Giang.

2. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà P, bà G, bà T3, bà N đối với ông S về việc yêu cầu chia di sản thừa kế của ông T4. Diện tích đất của bà P, bà G, bà T3, bà N được hưởng chung là 2.769,24 m2, có giá trị là 2,13 lượng vàng 24 kara. Buộc ông S trả giá trị đất cho bà P, bà G, bà T3, bà N, tổng cộng của 04 người là 2,13 (hai phẩy mười ba) lượng vàng 24 kara (loại vàng 98%), bà P được đại diện nhận thay cho bà G, bà T, bà N.

Diện tích đất còn lại ông S đang quản lý nên tạm giao cho ông S tiếp tục quản lý, sử dụng.

3. Chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ và chi phí nhắn tin: Bà P tự nguyện chịu và đã nộp xong.

4. Án phí sơ thẩm: Bà P đại diện nộp toàn bộ án phí cho cả bốn chị em (bà P, bà T3, bà G, bà N) là 3.621.000 đồng (Ba triệu sáu trăm hai mươi mốt nghìn đồng), được trừ vào tiền tạm ứng án phí đã nộp là 2.588.000 đồng (Hai triệu năm trăm tám mươi tám nghìn đồng) theo biên lai tạm thu án phí, lệ phí Tòa án số 03750 ngày 21/5/2013. Bà P phải nộp thêm là 1.033.000 đồng (Một triệu không trăm ba mươi ba nghìn đồng).

Bà P được đại diện nhận lại tiền tạm ứng án phí của những người đã tạm nộp, gồm: Bà G số tiền 1.425.000 đồng (Một triệu bốn trăm hai mươi lăm nghìn đồng) theo biên lai tạm thu án phí, lệ phí Tòa án số 08229 ngày 08/8/2013; bà T3 số tiền 1.425.000 đồng (Một triệu bốn trăm hai mươi lăm nghìn đồng) theo biên lai tạm thu án phí, lệ phí Tòa án số 08228 ngày 08/8/2013; bà N số tiền 1.425.000 đồng (Một triệu bốn trăm hai mươi lăm nghìn đồng) theo biên lai tạm thu án phí, lệ phí Tòa án số 08227 ngày 08/8/2013; các biên lai đều của Chi cục Thi hành án dân sự huyện T.

5. Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 của Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 của Luật Thi hành án dân sự.

6. Các đương sự có mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án; đương sự vắng mặt phiên tòa có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được tống đạt hợp lệ./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

328
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 33/2018/DS-ST ngày 16/11/2018 về tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất

Số hiệu:33/2018/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Vĩnh Thuận - Kiên Giang
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 16/11/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;