Bản án 324/2020/HS-PT ngày 25/11/2020 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA

BẢN ÁN 324/2020/HS-PT NGÀY 25/11/2020 VỀ TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Ngày 25 tháng 11 năm 2020, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Thanh Hóa xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số: 275/2020/TLPT- HS ngày 23 tháng 10 năm 2020 đối với bị cáo Phan Thị X và các bị cáo khác do có kháng cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 40/2020/HSST ngày 15 tháng 9 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện Nga Sơn.

* Bị cáo kháng cáo: Ngô Thị M, sinh năm: 1969; tại: huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa; nơi cư trú: Thôn 6, xã T, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ văn hoá: 10/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nữ; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Ngô Văn Đ (đã chết) và bà Đào Thị C; có chồng là Trịnh Văn C và 02 con; Tiền án, tiền sự: không; Bị cáo tại ngoại; có mặt.

- Bị hại: Chị Mai Thị H- Sinh năm 1978; địa chỉ: Tiểu khu 2, thị trấn Nga Sơn, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa (vắng mặt).

- Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan: Anh Mai Văn V - Sinh năm 1975; địa chỉ: Thôn 6, xã T, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa (vắng mặt).

* Bị cáo không kháng cáo, kháng nghị: Phan Thị S.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo Cáo trạng và bản án sơ thẩm, nội dung vụ án được tóm tắt như sau: Ngày 29/02/2020, chị Mai Thị H bị một số người phụ nữ tự giới thiệu tên là Nga ở xã T và Thủy ở tiểu khu L, thị trấn Nga Sơn lừa bán cho chị 100 kg bột sắn với số tiền chiếm đoạt là 10.000.000đ.

Ngày 02/3/2020, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Nga Sơn đã nhận được đơn tố giác của chị H. Qua xác minh, trích xuất hình ảnh từ camera tại chùa Kim Quy, xác định được người phụ nữ đến gặp chị H để nhờ giới thiệu người mua bột sắn chính là Phan Thị S và đã triệu tập S cùng các đối tượng liên quan là Phan Thị X và Ngô Thị M lên làm việc. Phan Thị S, Phan Thị X, Ngô Thị M đều thừa nhận có trao đổi với nhau, tạo tình huống người bán, người mua bột sắn để bán bột sắn cho chị H.

Ngày 09/3/2020, chị H đã tự nguyện giao nộp cho cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện Nga Sơn 90 kg bột sắn. Ngày 10/3/2020, Phan Thị S đã giao nộp số tiền 10.000.000đ cho Cơ quan điều tra để trả lại cho bị hại.

Về nguồn gốc số bột sắn: Vào tháng 2/2020, S cùng Phan Thị X (em gái) và Ngô Thị M mua bột sắn của Đỗ Thị N với giá 25.000đ/1 kg, sau đó đem bán cho người khác để hưởng chênh lệch. Quá trình bán, S nghĩ ra cách lừa dối người khác bằng cách dùng tên giả, địa chỉ giả, tiếp cận, làm quen với người nào đó rồi giới thiệu mình có bột sắn cần bán và nhờ người đó giới thiệu hàng để S bán. S cho người mới quen số điện thoại (sim rác) để liên lạc. Sau đó, S nói với X tìm cách tiếp cận với người S đã làm quen từ trước, để hỏi mua bột sắn. Khi có người tin tưởng X, rồi gọi điện cho người có bột sắn mang hàng đến, thông báo lại cho X biết là đã có hàng để X đến nhận. Sau đó, X lấy lý do bận chưa đến lấy hàng được và bảo người đã nhận hàng cứ trả tiền đi rồi X sẽ đến lấy hàng đã đặt và trả tiền. Khi nhận được tiền thì S và X sẽ vứt bỏ sim điện thoại đã dùng liên lạc với người đó nhằm cắt liên lạc, cùng nhau chia số tiền đã chiếm đoạt.

Với thủ đoạn trên, S tiếp cận chị H tại chùa Kim Quy. Sau khi tạo được lòng tin, S giới thiệu với chị H tên là Nga (ở Nga Tân). S nói mình là người bán bột sắn nên nhờ chị H giới thiệu ai có nhu cầu dùng bột sắn thì giới thiệu, giá bán từ 120.000đ đến 130.000đ/1 kg; nếu chị H lấy thì chỉ giá 100.000đ/1 kg. Sau khi được chị H đồng ý, S cho chị số điện thoại. Tối cùng ngày chị H điện thoại cho S mua 02 kg bột sắn cho người ở chùa. Sáng ngày 29/02/2020, S mang bột sắn đến chùa cho chị H, chị H thanh toán 240.000đ nhưng S lấy giá 100.000đ/ 1 kg (2 kg = 200.000đ). Đồng thời, S gọi điện cho Phan Thị X (em gái) và Ngô Thị M (hàng xóm) rủ đi “chợ”, nghĩa là đi bán bột sắn, X và M đồng ý. Địa điểm hẹn gặp nhau tại nhà Đỗ Thị N, ở xã T. Tại đây, S nói với X đến khu vực chùa Kim Quy gặp chị H, là người thường đến chùa làm lễ để hỏi mua bột sắn. Đến 14 giờ cùng ngày, X đến chùa Kim Quy hỏi thăm và biết nhà chị H, X đã gặp bà Nghiêm Thị Quế (mẹ đẻ chị H), xin số điện thoại và điện cho chị H, khi đó chị H đang ở chùa nên X đã đến chùa gặp chị H. Qua làm quen, X giới thiệu mình tên là Thủy (ở tiểu khu Hưng Long, thị trấn Nga Sơn). Tại đây, X có ý nhờ chị H tìm giúp mình mua bột sắn với số lượng lớn. Chị H đồng ý và nói có biết người bán bột sắn với giá 130.000đ/1 kg, X đồng ý và đặt mua 150kg. Chị H điện thoại cho Nga (tức S), thông báo cho S biết có người đặt mua 150kg bột sắn. Sau đó, S được X điện thoại thông báo vừa đặt mua chị H số bột sắn trên. Biết mẹ con chị H thật thà, dễ tin nên S điện thoại cho chị H nói nhà không còn nhiều bột sắn, có chị dâu có bột sắn nhưng bán và phải thanh toán tiền luôn vì nhà có việc gấp. Chị H đồng ý.

Đến 16 giờ cùng ngày, S điện cho Ngô Thị M đến nhà Đỗ Thị N, S hỏi mua 90kg bột sắn, đóng vào hai bao 70kg và 20kg, giá 25.000đ/1kg; tổng tiền là 2.250.000đ. Đồng thời, S điện thoại cho X thông báo đang cùng với M mang bột sắn đến giao cho chị H để X biết tránh mặt. Khi đi gặp chị H, S là người điều khiển xe mô tô nhãn hiệu MAJESTY dán tem Dream II, BKS 36H7- 0120 chở M cùng khối lượng bột sắn đến chùa Kim Quy và điện thoại cho chị H để đón S và M tại nhà chị. Gặp chị H, S giới thiệu M là chị dâu của mình, nói đây là 1 tạ bột sắn, giá bán là 100.000đ/1kg, tổng tiền thanh toán là 10.000.000đ. Khi nhận hàng từ S đem đến, chị H điện thoại cho Thủy (tức X) đến lấy bột sắn và thanh toán tiền cho người bán. Do X được S thông báo trước nên X lấy lý do có việc bận nên X nói với chị H cứ thanh toán tiền cho người bán đi, X đến sẽ đến nhận hàng và thanh toán tiền sau. S và M nói có việc gấp nên giục chị H thanh toán tiền, do không có tiền chị H hỏi vay bà Quế 10.000.000đ đưa cho S, nhận tiền chị H đưa, S đưa cho M cầm. Sau đó S và M rời khỏi nhà chị H. S gọi điện thoại thông báo cho X biết và hẹn cùng gặp nhau tại khu vực chợ huyện Nga Sơn. Số tiền 10.000.000đ, S giữ lại 2.250.000đ để thanh toán tiền mua hàng cho chị N, chia cho M và X mỗi người 2.500.000đ, còn S hưởng 2.750.000đ. Sau đó, S và X cùng hủy sim đã dùng liên lạc với chị H.

Tại Quyết định trưng cầu giám định số 41/QĐ-CSĐT, ngày 29/5/2020 Cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện Nga Sơn trưng cầu Viện khoa học hình sự Bộ Công an giám định chất dạng bột màu trắng, vón cục thu giữ tại nhà chị Mai Thị H(lấy mỗi bao 1 kg), bỏ trong hộp cátton, niêm phong (ký hiệu M1, M2) gửi giám định có thành phần tinh bột không? Có cùng loại, thành phần với chất dạng bột màu trắng, vón cục thu giữ tại nhà Đỗ Thị N không? Trong mẫu vật gửi giám định có chứa độc tố hay không? Là loại độc tố gì (nếu có).

Tại kết luận giám định số 3301/C09-P4 ngày 25/6/2020 của Viện khoa học hình sự Bộ Công an kết luận: chất màu trắng dạng cục (ký hiệu M1, M2) ghi thu nhà Mai Thị Hgửi giám định đều là tinh bột sắn (khoai mỳ), đều cùng loại với mẫu tinh bột sắn ghi thu tại nơi ở của Đỗ Thị N gửi làm mẫu so sánh. Ngoài ra, trong tất cả các mẫu gửi giám định đều không tìm thấy chất độc.

* Về trách nhiệm dân sự: Ngày 31/5/2020, Cơ quan công an huyện Nga Sơn đã trả lại cho chị Mai Thị H số tiền 10.000.000đ, chị H nhận lại tài sản và không yêu cầu gì thêm.

Về số tiền 10.000.000đ, các bị cáo đã sử dụng như sau: Trả tiền mua bột sắn của chị N là 2.250.000đ; số tiền còn lại 7.750.000đ, bị cáo S hưởng 2.750.000đ; X hưởng 2.500.000đ; M hưởng 2.500.000đ. Sau đó, bị cáo S và X tự nguyện mỗi người bỏ ra 5.000.000đ để trả lại cho bị hại. Sau này, bị cáo M đã trả lại cho bị cáo S và X số tiền là 2.500.000đ.

Bản án số 40/2020/HS-ST ngày 15 tháng 9 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện Nga Sơn đã quyết định:

* Căn cứ vào: khoản 1 Điều 174; điểm b (đối với bị cáo S và X); điểm i (đối với bị cáo M), điểm s khoản 1 Điều 51; Điều 17; Điều 58; Điều 38 của Bộ luật hình sự.

* Tuyên bố: Bị cáo Ngô Thị M phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

* Xử phạt: Bị cáo Ngô Thị M 06 (sáu) tháng tù; thời hạn tù tính từ ngày bắt giam thi hành án.

Bản án còn xử phạt Phan Thị S 09 (chín) tháng tù, Phan Thị X 07 (bảy) tháng tù.

Ngoài ra, Bản án sơ thẩm còn tuyên về xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Trong các ngày 21, 24/9/2020, các bị cáo Phan Thị X và Ngô Thị M kháng cáo đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét cho các bị cáo được hưởng án treo.

Ngày 23/11/2020, bị cáo Phan Thị X rút toàn bộ nội dung kháng cáo. Tòa án đã đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với bị cáo X.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo M giữ nguyên nội dung kháng cáo.

Ý kiến của Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thanh Hóa: Căn cứ điểm e khoản 1 Điều 357 BLTTHS. Chấp nhận kháng cáo của bị cáo Ngô Thị M; đề nghị giữ nguyên mức hình phạt nhưng cho bị cáo được hưởng án treo, ấn định thời gian thử thách theo quy định.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1]. Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, lời khai nhận tội của bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử có căn cứ kết luận:

Lợi dụng việc cả tin của bị hại, các bị cáo đã dùng thủ đoạn gian dối đưa ra thông tin giả, S nói mình bán bột sắn và nhờ chị H biết thì giới thiệu sản phẩm. Phan Thị S cùng Phan Thị X và Ngô Thị M đã tạo được niềm tin đối với chị H, bằng việc X đóng vai là người đến nhờ chị H giới thiệu người bán bột sắn với số lượng lớn. Phan Thị S và Ngô Thị M là người đưa hàng (bột sắn) cho chị H. Sau khi thống nhất việc giao hàng, nhận hàng, tiền thanh toán, Phan Thị S và đồng phạm đã chiếm đoạt của chị Mai Thị H số tiền 10.000.000đ. Mặc dù các bị cáo có thống nhất việc giao hàng, nhận tiền, nhận hàng nhưng các bị cáo không câu kết chặt chẽ nên là đồng phạm giản đơn.

Với hành vi trên, Tòa án cấp sơ thẩm tuyên bố bị cáo Ngô Thị M phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 174 BLHS là đúng người, đúng tội.

Tại phiên tòa phúc thẩm các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội của bị cáo, đồng ý với tội danh mà bản án sơ thẩm đã tuyên và xin Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo được hưởng án treo.

[2]. Xét kháng cáo xin hưởng án treo của bị cáo:

Hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, gây mất trật tự trị an, trực tiếp xâm phạm quyền sở hữu của người khác. Khi quyết định hình phạt án sơ thẩm đã xem xét đến các tình tiết giảm nhẹ TNHS là thành khẩn khai báo, phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng. Cấp sơ thẩm áp dụng điểm i, s khoản 1 Điều 51 BLHS khi xem xét, quyết định mức hình phạt đối với bị cáo.

Tại cấp phúc thẩm, bị cáo xuất trình tình mới là: Bị cáo có đơn xin xác nhận ngày 16/11/2020 và được Công an xã xác nhận từ trước đến nay sinh sống tại địa phương chưa phát hiện có vi phạm pháp luật, chấp hành đúng chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, quy định của địa phương nên cũng cần xem xét đối với nội dung kháng cáo của bị cáo. Do đó, trên cơ sở xem xét đánh giá nội dung, tính chất, hành vi, các tình tiết giảm nhẹ giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, cấp sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo về tội danh là có căn cứ. Tuy nhiên trong vụ án này, bị cáo chỉ là đồng phạm với vai trò giúp sức và có vị trí thứ yếu trong vụ án và bị cáo có các tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 BLHS, có nơi cư trú rõ ràng, có khả năng cải tạo tại địa phương nên cần chấp nhận kháng cáo của bị cáo, cho bị cáo được hưởng án treo để bị cáo thấy được sự khoan hồng của pháp luật.

[3]. Các quyết định khác của án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết kháng cáo, kháng nghị.

[4]. Về án phí: Kháng cáo của bị cáo M được chấp nhận nên bị cáo không phải chịu án phí HSPT; căn cứ điểm d khoản 2 Điều 23 NQ 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào: Điểm b khoản 1 Điều 355; điểm e khoản 1 Điều 357 của Bộ luật Tố tụng hình sự . Điểm d khoản 2 Điều 23 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội.

1. Chấp nhận kháng cáo của bị cáo Ngô Thị M.

Sửa bản án hình sự sơ thẩm số 40/2020/HS-ST ngày 15 tháng 9 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện Nga Sơn về giữ nguyên hình phạt tù và cho hưởng án treo đối với Ngô Thị M.

Căn cứ vào Khoản 1 Điều 174; điểm i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; khoản 1, 2 Điều 65 của Bộ luật hình sự.

Xử phạt: Bị cáo Ngô Thị M 06 (sáu) tháng tù, nhưng cho hưởng án treo về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Thời gian thử thách là 12 tháng tính từ ngày tuyên án phúc thẩm.

Giao bị cáo cho Ủy ban nhân dân xã T, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa để giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách.

Trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật Thi hành án hình sự.

Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.

2. Các quyết định khác của án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết kháng cáo, kháng nghị.

3. Về án phí hình sự phúc thẩm: Bị cáo Ngô Thị M không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

4. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

222
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 324/2020/HS-PT ngày 25/11/2020 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Số hiệu:324/2020/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Thanh Hoá
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 25/11/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký



  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;