TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK NÔNG
BẢN ÁN 32/2021/HS-PT NGÀY 14/04/2021 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH BẢO VỆ ĐỘNG VẬT NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM
Ngày 14 tháng 4 năm 2021, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Đắk Nông xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 33/2021/TLPT-HS ngày 03 tháng 3 năm 2021 đối với bị cáo Nguyễn Thị T do có kháng cáo của bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 07/2021/HS-ST ngày 26-01-2021 của Toà án nhân dân huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đăk Nông.
Bị cáo kháng cáo: Nguyễn Thị T, sinh năm 1977 tại tỉnh Nghệ An; Nơi cư trú: Thôn 5, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Đắk Nông; nghề nghiệp: Làm nông; trình độ văn hóa: 7/10; dân tộc: Kinh; giới tính: Nữ; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Nguyễn Hữu K (đã chết) và con bà Nguyễn Thị L; có chồng là chị Nguyễn Phước N, sinh năm 1976 và 02, con lớn nhất sinh năm 1997, con nhỏ nhất sinh năm 2007; bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú – Có mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Vào lúc 12 giờ 30 ngày 06/09/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đ, phát hiện bắt quả tang thu giữ tại nhà Nguyễn Thị T: 01 cá thể Tê tê java (còn sống) cất giữ tại phòng tắm và 01 cá thể Mèo rừng, 02 cá thể Cheo cheo, 02 cá thể Kỳ đà hoa, 01 cá thể Dúi mốc lớn, 01 cá thể động vật rừng không xác định được tên, loài, có khối lượng 1,5kg đều đã bị chết, cất giữ trong chiếc tủ đông lạnh nhãn hiệu H, để tại phòng bếp.
Tại Kết luận giám định lập ngày 08/9/2020 kết luận: 01 (một) cá thể động vật rừng bốn chân, có đuôi, có vảy màu xám, tình trạng còn sống, khối lượng 04kg, đựng trong 03 bao lưới, là cá thể Tê tê java, tên khoa học Manisjavanica, nhóm lâm sản IB, giá T 6.800.000 đồng (sáu triệu tám trăm ngàn đồng) thuộc Danh mục động vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; 01 (một) cá thể động vật rừng 4 chân, có đuôi, tình trạng đã chết, đông đá, phần lông có màu đen - vàng - trắng, khối lượng 2,5kg, còn nguyên nội tạng, đựng trong một bao nilon màu trắng là Mèo rừng, tên khoa học Prionailurus bengalensis, nhóm lâm sản IIB, giá trị thiệt hại về lâm sản là 400.000 đồng (bốn trăm ngàn đồng); 02 (hai) cá thể động vật rừng 4 chân, có đuôi, tình trạng đã chết, đông đá, có vảy, còn nguyên nội tạng, đựng trong bao nilon màu trắng, là Kỳ Đà hoa, tên khoa học Varanussalvator, nhóm lâm sản IIB. Trong đó, cá thể thứ nhất có khối lượng là 2,1kg, giá trị thiệt hại về lâm sản là 525.000 đồng (năm trăm hai mươi lăm ngàn đồng); cá thể thứ hai có khối lượng 1,5kg, giá trị thiệt hại về lâm sản là 375.000 đồng (ba trăm bảy mươi lăm ngàn đồng); 02 (hai) cá thể động vật rừng 4 chân, có đuôi, tình trạng đã chết, đông đá, phần lông có màu vàng, nâu, trắng, còn nguyên phần nội tạng, là Cheo Cheo, tên khoa học Tragulus javanicus, nhóm lâm sản IIB. Trong đó, cá thể thứ nhất có khối lượng là 1,1kg, giá trị thiệt hại về lâm sản là 176.000 đồng (một trăm bảy mươi sáu ngàn đồng); cá thể thứ hai có khối lượng 1,4kg, giá trị thiệt hại về lâm sản là 224.000 đồng (hai trăm hai mươi bốn ngàn đồng); 01 (một) cá thể động vật rừng 4 chân, có đuôi, khối lượng 1,5kg, tình trạng đã chết, đông đá, đã bị cạo hết lông, mổ bỏ phần nội tạng, đựng trong bao nilon màu xanh, không có đủ cơ sở để xác định tên, loài, không xác định được giá trị thiệt hại của lâm sản; 01 (một) cá thể động vật rừng, 4 chân, có đuôi, khối lượng 0,7kg tình trạng đã chết, đông đá, phần lông có màu xám, còn nguyên nội tạng, đựng trong bao nilon màu trắng, là Dúi mốc lớn, tên khoa học Rhizomys pruinosus, nhóm lâm sản thông thường, giá trị thiệt hại về lâm sản là 245.000 đồng (hai trăm bốn mươi lăm ngàn đồng).
Tại Cơ quan điều tra và phiên tòa sơ thẩm, Nguyễn Thị T khai nhận: Bắt đầu từ năm 2018, T bắt đầu thu mua các cá thể động vật như: Kỳ đà, Cheo cheo, Cầy vòi hương, Dúi mốc lớn…của một số người dân săn bắt được để bán lại nhằm kiếm lời. Khoảng 08 giờ sáng ngày 05/9/2020, khi T đang ở nhà, thì có một người nữ giới và một người nam giới đi trên 01 xe mô tô (T không biết tên, địa chỉ của 02 người này) mang theo 01 cá thể Mèo rừng, trong tình trạng đã chết, có khối lượng 2,5 kg đựng trong 01 bao nilon màu trắng và 01 cá thể Tê tê java, trong tình trạng còn sống, có khối lượng 04kg, đựng trong 03 bao lưới đến bán cho T. Sau khi thỏa thuận, T đồng ý mua cá thể Mèo rừng, với giá 300.000 đồng (ba trăm ngàn đồng) và mua cá thể Tê tê java với giá 3.200.000 đồng (ba triệu hai trăm ngàn đồng). Sau đó, T mang cá thể Mèo rừng cho vào tủ đông lạnh nhãn hiệu H, để tại phòng bếp để cất giữ, bảo quản cùng với 02 cá thể Cheo cheo, 02 cá thể Kỳ đà hoa, 01 cá thể Dúi mốc lớn, 01 cá thể động vật rừng không xác định được tên, loài, mà T đã mua trước đó của một số người dân, còn cá thể Tê tê java, T cất giữ trong phòng tắm của gia đình để khi nào có người hỏi mua sẽ bán để kiếm lời.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đ thu giữ: 01 cá thể Tê tê java (còn sống) và 01 cá thể Mèo rừng, 02 cá thể Cheo cheo, 02 cá thể Kỳ đà hoa, 01 cá thể Dúi mốc lớn, 01 cá thể động vật rừng không xác định được tên, loài (đều đã bị chết); 02 lồng sắt hình hộp chữ nhật, kích thước mỗi lồng là (dài 0,7m x cao 0,5m x rộng 0,5m); 04 bao lưới; 01 tủ đông lạnh nhãn hiệu H, màu trắng, kích thước (dài 1,3m x cao 0,9m x rộng 0,6m); 01 cân đồng hồ hiệu N, loại cân 15kg là các dụng cụ Nguyễn Thị T sử dụng để phục vụ hoạt động mua bán động vật rừng.
Bản án hình sự sơ thẩm số: 07/2021/HS-ST ngày 26-01-2021 của Toà án nhân dân huyện Đắk R’lấp. Đã quyết định: Tuyên bố bị cáo Nguyễn Thị T phạm tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”. Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 244; điểm s khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo Nguyễn Thị T 01 năm 03 tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án.
Ngoài ra Toà án cấp sơ thẩm còn quyết định về xử lý vật chứng, án phí và thông báo quyền kháng cáo.
Ngày 03-02-2021, bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Thị T thừa nhận bị Tòa án nhân dân huyện Đ kết án về về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” là đúng, không oan.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Nông sau khi phân tích các tình tiết của vụ án, đề nghị Hội đồng xét xử: Căn cứ điểm a, khoản 1 Điều 355, Điều 356 của Bộ luật Tố tụng hình sự, không chấp nhận các nội dung kháng cáo của bị cáo Nguyễn Thị T, giữ nguyên bản án hình sự sơ thẩm số: 07/2021/HS-ST ngày 26-01-2021 của Toà án nhân dân huyện Đ, tỉnh Đắk Nông.
Bị cáo không có ý kiến bào chữa, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung của vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1]. Về tội danh: Vào lúc 12 giờ 30 ngày 06/09/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đắk R'lấp, phát hiện bắt quả tang tại nhà Nguyễn Thị T ở thôn 5, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Đắk Nông thu giữ: 01 cá thể Tê tê java, tên khoa học Manisjavanica, nhóm lâm sản IB, giá trị 6.800.000 đồng thuộc Danh mục động vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (ban hành kèm theo Nghị định 160/2013/NĐ-CP và được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 64/2019/NĐ-CP ngày 16/7/2019) mà bị cáo T mua trước đó cất giữ trong nhà nhằm bán lại cho người khác để kiếm lời. Do vậy, hành vi của Nguyễn Thị T đã đủ yếu tố cấu thành tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”, tội phạm và hình phạt quy định tại điểm a khoản 1 Điều 244 của Bộ luật Hình sự . Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo về tội danh nêu trên là có căn cứ, đúng pháp luật.
[2]. Xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo, Hội đồng xét xử xét thấy: Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng đầy đủ tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và xử phạt bị cáo 01 năm 03 tháng tù, là tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo. Tại giai đoạn phúc thẩm, bị cáo không cung cấp thêm tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nào mới theo quy định của pháp luật. Do đó, không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của bị cáo, cần giữ nguyên bản án sơ thẩm về phần hình phạt. Xét đề nghị của viện kiểm sát là có căn cứ chấp nhận.
[3]. Về án phí: Do kháng cáo không được chấp nhận nên bị cáo phải chịu án phí hình sự phúc thẩm theo quy định của pháp luật.
[4]. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 356 của Bộ luật Tố tụng hình sự,
1. Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nguyễn Thị T, giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm số: 07/2021/HS-ST ngày 26-01-2021 của Toà án nhân dân huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông.
Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 244; điểm s khoản 1 Điều 51của Bộ luật Hình sự: Xử phạt bị cáo Nguyễn Thị T 01 (một) năm 03 (ba) tháng tù về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án và được khấu trừ thời gian tạm giữ, tạm giam từ ngày 06/9/2020 đến ngày 10/9/2020.
2. Về án phí: Áp dụng khoản 2 Điều 21; điểm b khoản 2 Điều 23 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án, buộc bị cáo Nguyễn Thị T phải chịu 200.000đ (hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự phúc thẩm.
3. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
4. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 32/2021/HS-PT về tội vi phạm quy định bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm
Số hiệu: | 32/2021/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Đăk Nông |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 14/04/2021 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về