TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH LAI CHÂU
BẢN ÁN 31/2018/HS-ST NGÀY 03/07/2018 VỀ TỘI THAM Ô TÀI SẢN
Trong ngày 03 tháng 7 năm 2018, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Lai Châu mở phiên toà công khai xét xử sơ thẩm vụ án hình sự thụ lý số 33/2018/TLST-HS ngày 04 tháng 5 năm 2018 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 33/2018/QĐXXST- HS ngày 17 tháng 5 năm 2018, đối với bị cáo:
NGUYỄN THỊ V, sinh năm 1991 tại huyện T, tỉnh L;
Nơi ĐKNKTT và chỗ ở hiện nay: thị trấn T, huyện T, tỉnh L; nghề nghiệp: nguyên thủ quỹ, giao dịch viên Bưu điện huyện S; trình độ văn hóa: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: nữ; tôn giáo: không; quốc tịch: Việt Nam; con ông: Nguyễn Văn O, sinh năm 1966 và con bà Nguyễn Thị Th, sinh năm 1965; có chồng là: Nguyễn Anh T, sinh năm 1988 (hiện đã ly hôn) và có 02 con, con lớn sinh năm 2013, con nhỏ sinh ngày 03/01/2018; tiền án, tiền sự: không có; bị áp dụng biện pháp ngăn chặn là Cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 08/06/2017 đến nay; bị cáo có mặt tại phiên toà.
- Bị hại:
Bưu điện huyện S, tỉnh L – Đại diện hợp pháp là Ông Trần Văn Th – Phó Giám đốc phụ trách Bưu điện huyện S, tỉnh L (có mặt);
- Những người được Tòa án triệu tập đến phiên tòa:
+ Bà Đặng Thị Hải Y – là người đại diện theo ủy quyền (Ông Nguyễn Đăng D – Giám đốc Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt Chi nhánh L ủy quyền cho bà Đặng Thị Hải Y tham gia tố tụng) (có mặt);
+ Ông Nguyễn Quốc Ng – là người đại diện theo ủy quyền (ông Nguyễn Văn T - Giám đốc Bưu điện tỉnh L ủy quyền cho ông Nguyễn Quốc Ng tham gia tố tụng) (có mặt);
+ Ông Nguyễn Trường A – nhân viên phòng Kế hoạch kinh doanh Bưu điện tỉnh L (nguyên Giám đốc Bưu điện huyện S, tỉnh L) (vắng mặt);
+ Bà Hoàng A – nhân viên Bưu điện huyện S (nguyên là kế toán Bưu điện huyện S) (có mặt);
+ Bà Nguyễn Thị L – nhân viên Bưu điện huyện T, tỉnh L (nguyên là kiểm soát viên Bưu điện huyện S) (có mặt);
+ Ông Nguyễn Văn T – nhân viên Bưu điện huyện S (nguyên là kiểm soát viên Bưu điện huyện S) (vắng mặt);
+ Bà Trần Thị Nh, sinh năm 1961; trú tại: khu 2, thị trấn S, huyện S, tỉnh L (vắng mặt);
+ Bà Nguyễn Thị D, sinh năm 1970; trú tại: khu 3, thị trấn S, huyện S, tỉnh L (vắng mặt);
+ Bà Nguyễn Thị L1, sinh năm 1974; trú tại: xã P, huyện S, tỉnh L (vắng mặt);
+ Bà Bùi Thị L2, sinh năm 1968; trú tại: bản Th, xã T, huyện S, tỉnh L (vắng mặt);
+ Bà Nguyễn Thị Th, sinh năm 1969; trú tại: khu 2, thị trấn S, huyện S, tỉnh L (có mặt);
- Người bào chữa cho bị cáo:
Ông Nguyễn Chí Đại – Luật sư, Văn phòng Luật sư Việt Bắc; địa chỉ: số nhà 241, đường Trần Hưng Đạo, thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu. (vắng mặt lần thứ 2 và có đơn xin xét xử vắng mặt, gửi bản bào chữa đến phiên tòa)
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Về hành vi phạm tội của bị cáo
Bưu điện huyện S là đơn vị trực thuộc Bưu điện tỉnh L, theo quy chế tổ chức và hoạt động Bưu điện huyện S được: cung ứng các dịch vụ quản lý người hưởng và chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp theo hợp đồng giữa Bưu điện tỉnh và Bảo hiểm xã hội tỉnh L; cung ứng dịch vụ ngân hàng theo hợp đồng với Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt. Nguyễn Thị V là lao động theo hợp đồng của Bưu điện huyện S được giao nhiệm vụ là giao dịch viên phòng giao dịch Bưu điện thực hiện các nghiệp vụ ngân hàng, làm thủ quỹ của Bưu điện huyện S, phát lương hưu, tiền trợ cấp thất nghiệp, tiền bảo trợ xã hội. Trong quá trình quản lý quỹ tiền mặt, V thường xuyên lấy tiền trong quỹ để sử dụng cá nhân dẫn đến thâm hụt quỹ. Để bù vào số tiền thâm hụt, V nảy sinh ý định tất toán khống sổ tiết kiệm của khách hàng, ký khống các chứng từ chi trả chế độ bảo hiểm xã hội, không thực hiện thu và chi các khoản tiền kinh doanh theo quy định để chiếm đoạt tài sản của Bưu điện huyện S, cụ thể:
- Với nhiệm vụ là giao dịch viên phòng giao dịch Bưu điện, Nguyễn Thị V trực tiếp thực hiện các giao dịch, tiếp xúc khách hàng, làm các thủ tục nhận, rút tiền gửi tiết kiệm của khách hàng. Do biết mật khẩu truy cập hệ thống dữ liệu phần mềm gửi tiết kiệm trên máy tính của của Giao dịch viên và Kiểm soát viên nên V đã tự mình làm các thủ tục, nhập thông tin khách hàng, ký giả, nhờ ký giả chữ ký khách hàng tất toán khống 08 sổ tiết kiệm của 05 khách hàng để chiếm đoạt số tiền 605.989.764 đồng của Bưu điện huyện S, bao gồm:
+ Ngày 08/11/2016, V tất toán khống 03 sổ tiết kiệm mang tên Nguyễn Thị L1 chiếm đoạt 100.091.111 đồng (chứng từ số 18TT01161080014 với 60.073.333 đồng, số 18TT01611080026 với số tiền 30.015.000 đồng, số 18TT011611080040 với số tiền 10.002.778 đồng);
+ Ngày 21/12/2016, V tất toán khống 01 sổ tiết kiệm tên Nguyễn Thị D số 18TT01161221054 với số tiền 115.000.000 đồng;
+ Ngày 22/12/2016, V tất toán khống 01 sổ tiết kiệm tên Bùi Thị L2 số 18TT011612221028 với số tiền 175.194.722 đồng;
+ Ngày 28/12/2016, V tất toán khống 02 sổ tiết kiệm mang tên Trần Thị Nh chiếm đoạt 115.700.042 đồng (chứng từ số 18TT01161281020 với số tiền 85.572.468 đồng, số 18TT011612280034 với số tiền 30.127.574 đồng;
+ Ngày 10/01/2017, V tất toán khống 01 sổ tiết kiệm tên Nguyễn Thị Th số 18TT011701100023 với số tiền 100.013.889 đồng.
- Với nhiệm vụ phát tiền chi trả bảo hiểm xã hội, khoảng tháng 01/2017, V trực tiếp rút tiền lương hưu và bảo trợ xã hội để nhập quỹ thực hiện việc chi trả cho người thụ hưởng. Thấy có nhiều người còn chưa đến nhận tiền, V đã ký giả tên của 29 người là cán bộ hưu trí trong danh sách chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội tháng 1, 2 năm 2017 gồm các ông bà: Nguyễn Trọng S, Nguyễn Thị Ng, Vàng Văn X, Lò Văn P, Lê Thị Th, Ngô Quyết Ch, Phạm Thị H, Chẻo Y Ph, Vũ Thị H, Tẩn Mý L, Quàng Văn Ư, Phạm Thị Đ, Hà Thị L, Phạm Thị D, Vũ Thị H, Đào Hoàng Th, Nguyễn Khắc T, Giàng A P, Phan Thị X, Thào A S, Thào A S1, Nguyễn Văn M, Bùi Thị S, Đèo Xuân Ph, Nguyễn Quỳnh M, Bùi Quang M, Trần Thị H để chiếm đoạt tổng số tiền 151.308.150 đồng. Những cá nhân là khách hàng đứng tên trong sổ tiết kiệm, được chi trả lương hưu, trợ cấp xã hội đều không biết việc mình bị Nguyễn Thị V ký giả tên để chiếm đoạt tiền.
- Thông qua việc kiểm tra quỹ tiền mặt, ngày 14/01/2017 Bưu điện tỉnh L đã xác định V làm thâm hụt quỹ 135.631.899 đồng, số tiền này V chiếm đoạt để sử dụng vào mục đích cá nhân.
- Trong quá trình thực hiện việc quản lý, sử dụng tiền kinh doanh thuộc quỹ của Bưu điện huyện S, mặc dù trên chứng từ, sổ sách theo dõi đều phản ánh việc thu, chi đầy đủ, đúng quy định nhưng thực tế V không thực hiện mà đã chiếm đoạt 104.818.212 đồng.
Như vậy, tổng số tiền V chiếm đoạt của Bưu điện huyện S là: 605.989764 đồng + 151.308.150 đồng + 135.631.899 đồng + 104.818.212 đồng = 997.748.025 đồng. Số tiền này là của Bưu điện huyện S và thuộc sở hữu Nhà nước.
Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Thị V thừa nhận hành vi phạm tội của bản thân, lời nhận tội của bị cáo phù hợp với lời khai của những người tham gia tố tụng khác, các kết luận giám định cùng các tài liệu chứng cứ được thu thập hợp pháp trong quá trình điều tra, cụ thể như sau: Nguyễn Thị V là lao động theo hợp đồng của Bưu điện huyện S được giao nhiệm vụ là giao dịch viên phòng giao dịch Bưu điện thực hiện các nghiệp vụ ngân hàng, làm thủ quỹ của Bưu điện huyện S, phát lương hưu, tiền trợ cấp thất nghiệp, tiền bảo trợ xã hội. Trong quá trình quản lý quỹ tiền mặt, V thường xuyên lấy tiền trong quỹ để sử dụng cá nhân dẫn đến thâm hụt quỹ. Để bù vào số tiền thâm hụt, V nảy sinh ý định tất toán khống sổ tiết kiệm của khách hàng, ký khống các chứng từ chi trả chế độ bảo hiểm xã hội, không thực hiện thu và chi các khoản tiền kinh doanh theo quy định để chiếm đoạt 997.748.025 đồng. Số tiền này là của Bưu điện huyện S và thuộc sở hữu Nhà nước.
Về các vấn đề khác của vụ án
Trên cơ sở các văn bản pháp lý quy định và đại diện cho Bưu điện huyện S và Bưu điện tỉnh L đều khẳng định: Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và Bưu điện tỉnh L là đơn vị hạch toán phụ thuộc của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, còn Bưu điện huyện S là đơn vị trực thuộc Bưu điện tỉnh L. Toàn bộ số tiền Nguyễn Thị V chiếm đoạt là 997.748.025 đồng đều thuộc sở hữu của Nhà nước và do Bưu điện huyện S quản lý. Số tiền này hiện đã được bị cáo V bồi thường, khắc phục đầy đủ (Văn bản số 481/BĐLC, ngày 05/6/2018 của Bưu điện tỉnh L), quyền lợi của các khách hàng, Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt và người hưởng bảo hiểm xã hội đều đã được đảm bảo kịp thời. Tại phiên tòa, đại diện cho Bưu điện huyện S, Bưu điện tỉnh L, Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt chi nhánh L đều không có yêu cầu bị cáo V bồi thường thiệt hại.
Trong giai đoạn xét xử, Tòa án đã trả hồ sơ điều tra bổ sung 02 lần theo hướng xem xét trách nhiệm hình sự của các đối tượng có liên quan khác nhưng quá trình điều tra, truy tố đều cho rằng chưa đủ căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự của các đối tượng có liên quan khác.
Tại bản cáo trạng số 06/CT-VKSLC-P2 ngày 23/04/2018 của VKSND tỉnh Lai Châu truy tố Nguyễn Thị V về tội "Tham ô tài sản” theo điểm a khoản 3 Điều 353 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Tại phiên toà, vị đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm a khoản 3 Điều 353, điểm b, s khoản 1 Điều 51, điểm g khoản 1 Điều 52, Điều 54 của Bộ luật hình sự năm 2015 và xử phạt bị cáo từ 08 – 09 năm tù.
Tại bản bào chữa gửi đến phiên tòa, người bào chữa đề nghị Hội đồng xét xử khi xem xét quyết định hình phạt cần lưu ý đến nhân thân chưa có tiền án tiền sự của bị cáo quá trình điều tra và xét xử, bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của bản thân, bị cáo đã cố gắng vay mượn và tác động gia đình khắc phục toàn bộ hậu quả xảy ra; bị cáo phạm tội lần đầu, hiện là bà mẹ đơn thân phải nuôi 02 con nhỏ (01 con sinh năm 2013, 01 con sinh năm 2018), hoàn cảnh rất khó khăn nên đề nghị Tòa xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo. Đối với tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự (phạm tội từ 02 lần trở lên) mà Viện kiểm sát đề nghị là chưa thỏa đáng vì bị cáo đã chịu trách nhiệm hình sự về tổng số tiền đã chiếm đoạt nên việc áp dụng thêm tình tiết này là bất lợi cho bị cáo.
Tại lời nói sau cùng, bị cáo đề nghị Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo được hưởng lượng khoan hồng của pháp luật để sớm trở về với gia đình và xã hội.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lai Châu, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lai Châu, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình chuẩn bị xét xử và xét xử tại phiên tòa, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác đều không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.
[2] Về tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội: Nguyễn Thị V là lao động theo hợp đồng của Bưu điện huyện S được giao nhiệm vụ là giao dịch viên phòng giao dịch Bưu điện thực hiện các nghiệp vụ ngân hàng, làm thủ quỹ của Bưu điện huyện S, phát lương hưu, tiền trợ cấp thất nghiệp, tiền bảo trợ xã hội.
Trong quá trình quản lý quỹ tiền mặt, V thường xuyên lấy tiền trong quỹ để sử dụng cá nhân dẫn đến thâm hụt quỹ. Để bù vào số tiền thâm hụt, V nảy sinh ý định tất toán khống sổ tiết kiệm của khách hàng, ký khống các chứng từ chi trả chế độ bảo hiểm xã hội, không thực hiện thu và chi các khoản tiền kinh doanh theo quy định để chiếm đoạt các số tiền cụ thể như sau:
Với nhiệm vụ là giao dịch viên phòng giao dịch Bưu điện, trong thời gian từ ngày 08/11/2016 đến ngày 10/01/2017 Nguyễn Thị V truy cập hệ thống dữ liệu phần mềm gửi tiết kiệm trên máy tính của Giao dịch viên và Kiểm soát viên để tự mình làm các thủ tục, nhập thông tin khách hàng, ký giả, nhờ ký giả chữ ký khách hàng tất toán khống 08 sổ tiết kiệm của 05 khách hàng để chiếm đoạt số tiền 605.989.764 đồng.
Với nhiệm vụ phát tiền chi trả bảo hiểm xã hội, khoảng tháng 01/2017, Nguyễn Thị V đã ký giả tên của 29 người là những đối tượng được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội để chiếm đoạt số tiền 151.308.150 đồng.
Với nhiệm vụ là thủ quỹ quản lý quỹ tiền mặt, Nguyễn Thị V đã chiếm đoạt 240.450.111 đồng trong quỹ..
Tổng số tiền V chiếm đoạt là 997.748.025 đồng. Số tiền này là của Bưu điện huyện S và thuộc sở hữu Nhà nước.
Bị cáo Nguyễn Thị V là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, đạt độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, bị cáo lợi dụng chức vụ, quyền hạn được phân công là thủ quỹ, giao dịch viên để làm trái các nguyên tắc, chế độ về quản lý tài sản do mình quản lý; bị cáo đã lấy tiền mặt trong quỹ, tất toán khống các sổ tiết kiệm của khách hàng, ký khống các chứng từ sổ sách … để chiếm đoạt tài sản của Bưu điện huyện S. Hành vi này là nguy hiểm cho xã hội, với tính chất đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm vào sự hoạt động đúng đắn và chế độ sở hữu về tài sản của Nhà nước. Hành vi đó của bị cáo đã đủ các yếu tố cấu thành tội phạm và đã phạm vào tội “Tham ô tài sản” và lẽ ra hành vi của bị cáo thỏa mãn ở điểm a khoản 4 Điều 278 của Bộ luật hình sự năm 1999 với mức hình phạt cao nhất của khung là tử hình, nhưng theo Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 thì bị cáo được hưởng quy định có lợi nên hành vi của bị cáo đã phạm vào tội “Tham ô tài sản” - tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm a khoản 3 Điều 353 của Bộ luật hình sự năm 2015.
Do đó, quan điểm xử lý trách nhiệm hình sự của vị đại diện Viện kiểm sát tại phiên toà đối với bị cáo là có cơ sở, không oan sai, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Về ý kiến của người bào chữa cho rằng áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự (phạm tội từ 02 lần trở lên) là không thỏa đáng, Tòa thấy rằng bị cáo đã nhiều lần thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản và mỗi lần đều độc lập về mặt thời gian nên việc áp dụng tình tiết tăng nặng này là có căn cứ nên cần bác ý kiến của người bào chữa về vấn đề này.
[3] Về nhân thân và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo:
Bị cáo Nguyễn Thị V từ nhỏ được gia đình nuôi dưỡng và được học hành, bản thân chưa có tiền án tiền sự. Trong quá trình điều tra và xét xử bị cáo đều đã thể hiện sự ăn năn hối cải, thành khẩn khai báo, đây là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo - theo điểm s khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự năm 2015; bị cáo là phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đã ly hôn chồng và một mình nuôi hai con còn nhỏ (01 con sinh năm 2013, 01 con sinh năm 2018), nhưng bị cáo đã tích cực và tác động gia đình (bố mẹ đẻ) tự nguyện bồi thường thiệt hại, khắc phục toàn bộ hậu quả đã xảy ra, đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo – theo điểm b khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự năm 2015. Bên cạnh đó, bị cáo phạm tội từ 02 lần trở lên, đây là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự cho bị cáo – theo điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật hình sự năm 2015.
Trên cơ sở các quy định của Bộ luật hình sự, tính chất mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân và các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự cho bị cáo. Xét thấy, bị cáo được hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ (thật thà khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường thiệt hại, khắc phục toàn bộ hậu quả) và chỉ có một tình tiết tăng nặng (phạm tội từ 02 lần trở lên) nên cần quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt cũng đủ sức răn đe, giáo dục, cải tạo bị cáo thành người có ích cho xã hội và răn đe, phòng ngừa chung.
[4] Kiến nghị: Trong giai đoạn xét xử, Tòa án đã tiến hành trả hồ sơ điều tra bổ sung 02 lần để Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát làm rõ dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự của các đối tượng có liên quan khác, nhưng đều không làm rõ được. Do đó, Hội đồng xét xử kiến nghị Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát tiếp tục làm rõ hành vi của các đối tượng có liên quan đến hành vi phạm tội của bị cáo nhằm tránh lọt người, lọt tội.
[5] Về hình phạt bổ sung: Để phòng ngừa riêng đối với bị cáo và nhằm tránh những hậu quả nguy hại có thể xảy ra, Tòa cần cấm bị cáo đảm nhận các chức vụ thủ quỹ hoặc giao dịch viên trong thời hạn 03 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù; xét thấy bị cáo có hoàn cảnh khó khăn như phân tích ở trên và bản thân bị cáo cùng bố mẹ đẻ khắc phục toàn bộ thiệt hại xảy ra nên hiện không còn tài sản, do đó Tòa không phạt tiền và tịch thu tài sản đối với bị cáo như quy định tại khoản 5 Điều 353 của Bộ luật hình sự năm 2015.
[6] Về án phí hình sự: Áp dụng Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy Ban thường vụ Quốc Hội, Hội đồng xét xử cần quyết định bị cáo phải chịu 200.000 đồng tiền án phí HSST.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
1/- Tuyên bố bị cáo Nguyễn Thị V phạm tội “Tham ô tài sản”.
Áp dụng điểm a khoản 3 Điều 353; điểm b, s khoản 1 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52; Điều 54 của Bộ luật hình sự năm 2015, xử phạt bị cáo Nguyễn Thị V 09 năm tù, thời hạn tù tính từ ngày vào trại chấp hành hình phạt.
2/- Về hình phạt bổ sung: Áp dụng khoản 5 Điều 353 của Bộ luật hình sự năm 2015, cấm Nguyễn Thị V làm thủ quỹ hoặc giao dịch viên, thời hạn cấm là 03 năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.
3/- Án phí: Áp dụng Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy Ban thường vụ Quốc Hội: bị cáo phải chịu 200.000đ tiền án phí HSST.
Báo cho bị cáo, bị hại biết được quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.
Bản án 31/2018/HS-ST ngày 03/07/2018 về tội tham ô tài sản
Số hiệu: | 31/2018/HS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Lai Châu |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 03/07/2018 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về