Bản án 30/2017/DS-ST ngày 29/09/2017 về tranh chấp thừa kế tài sản

TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN XUÂN TRƯỜNG, TỈNH NAM ĐỊNH

BẢN ÁN 30/2017/DS-ST NGÀY 29/09/2017 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ TÀI SẢN

Ngày 29 tháng 9 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định xét xử sơ thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 15/2017/TLST-DS, ngày 19 tháng 10 năm 2016 về việc “ Tranh chấp về thừa kế tài sản” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 16/2017/QĐXXST-DS ngày 01/9/2017, giữa:

1. Nguyên đơn: Bà Ngô Thị Đ, sinh năm 1961; địa chỉ: Xóm 14, xã X, huyện X, tỉnh Nam Định; có mặt.

2. Bị đơn:

2.1. Ông Ngô Gia V, sinh năm 1954; có mặt tại phiên tòa nhưng vắng mặt khi tuyên án không có lý do chính đáng.

2.2. Bà Huỳnh Thị H, sinh năm 1966; có mặt tại phiên tòa nhưng vắng mặt khi tuyên án không có lý do chính đáng.

Cùng địa chỉ: Xóm 14, xã X, huyện X, tỉnh Nam Định.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

3.1. Ông Đoàn Văn H, sinh năm 1961; có mặt.

Người đại diện theo ủy quyền của ông H: Bà Ngô Thị Đ, sinh năm 1961 (Văn bản ủy quyền ngày 07/11/2016); có mặt.

3.2. Bà Ngô Thị O, sinh năm 1972; có mặt.

3.3. Bà Ngô Thị H1, sinh năm 1971; vắng mặt.

3.4. Ông Ngô Văn N, sinh năm 1975; vắng mặt.

3.5. Bà Ngô Thị K, sinh năm 1982; vắng mặt.

Cùng địa chỉ: Xóm 14, xã X, huyện X, tỉnh Nam Định.

3.6. Bà Ngô Thị M1, sinh năm 1958; địa chỉ: Xóm 11A, xã X, huyện X, tỉnh Nam Định; vắng mặt.

3.7. Bà Ngô Thị M2, sinh năm 1959; địa chỉ: Thôn T, xã H, huyện S, tỉnh Tuyên Quang; vắng mặt.

3.8. Bà Ngô Thị Q, sinh năm 1965; địa chỉ: Thôn 3, xã E, thành phố B, tỉnhĐắk Lắk; vắng mặt.

Người đại diện hợp pháp của bà Q: Bà Ngô Thị Đ, sinh năm 1961; địa chỉ: Xóm 14, xã X, huyện X, tỉnh Nam Định; là người đại diện theo ủy quyền (Văn bản ủy quyền ngày 03/01/2017); có mặt.

3.9. Bà Ngô Thị C, sinh năm 1968; địa chỉ: Buôn B, xã E, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk; vắng mặt.

Người đại diện hợp pháp của bà C: Bà Ngô Thị Đ, sinh năm 1961; địa chỉ: Xóm 14, xã X, huyện X, tỉnh Nam Định; là người đại diện theo ủy quyền (Văn bản ủy quyền ngày 03/01/2017); có mặt.

3.10. Bà Ngô Thị H2, sinh năm 1979; địa chỉ: Số nhà 38, Tổ 6, phường N, thành phố H, tỉnh Hà Giang; vắng mặt.

4. Người làm chứng:

4.1. Ông Đoàn Đức C, sinh năm 1956; địa chỉ: Xóm 14, xã X, huyện X, tỉnh Nam Định; có mặt.

4.2. Chị Đoàn Thị L, sinh năm 1989; địa chỉ: Xóm 14, xã Xuân Kiên, huyệnXuân  Trường, tỉnh Nam Định; có mặt.

4.3. Bà Đoàn Thị V, sinh năm 1947; địa chỉ: Xóm 14, xã X, huyện X, tỉnh Nam Định; vắng mặt.

NHẬN THẤY

Tại đơn khởi kiện đề ngày 07/10/2016 và lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn bà Ngô Thị Đ trình bày:

Bố mẹ bà là cụ Ngô Văn L và cụ Trần Thị T (tên gọi khác là Ngô Thị L) có 07 người con gồm: Ông Ngô Gia V, bà Ngô Thị M1, bà Ngô Thị M2, bà Ngô Thị Đ, bà Ngô Thị Q, bà Ngô Thị C và bà Ngô Thị O.

Tài sản của hai cụ tạọ lập được gồm có Thửa đất diện tích 1265m2 (đo thực tế là 1302,5m2) tại Xóm 14, xã X, huyện X, tỉnh Nam Định đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 31/8/1998 đứng tên cụ Ngô Thị L. Tài sản trên đất của bố mẹ có căn nhà cấp 4 lợp ngói hai gian (vợ chồng ông V đang ở) và 01 bếp (vợ chồng ông V đã phá rỡ).

Năm 1984 cụ L chết không để lại di chúc, nhà đất do cụ T và bà O quản lý sử dụng. Ngày 16/8/2011 cụ T đã lập di chúc cho vợ chồng bà 587m2  đất ao, có xác nhận của UBND xã X. Ngày 22/3/2013 cụ T chết, vợ chồng ông V từ Miền Nam về quê đưa tang mẹ rồi ở nhà, được một thời gian ngắn thì bà O và ông V xảy ra mâu thuẫn, ông V đánh đuổi bà O không cho ở nhà đất của bố mẹ nên bà O phải sang ở nhờ nhà bà. Năm 2014 bà O đã làm đơn khởi kiện chia thừa kế di sản của bố mẹ để lại, bà đã xuất trình bản di chúc của cụ T nhưng sau đó Tòa án đình chỉ vụ án vì bà O rút đơn do được Tòa giải thích đã hết thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế của cụ L.

Nay bà yêu cầu Tòa án chia thừa kế di sản của cụ Trần Thị T theo di chúc ngày 16/8/2011, phần di sản của cụ T không định đoạt trong di chúc yêu cầu chia theo pháp luật, phần của bà và bà C, bà Q được hưởng nhường cho bà O sử dụng không yêu cầu thanh toán giá trị. Trong quá trình giải quyết vụ án, bà Đ đã bổ sung yêu cầu khởi kiện không áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với di sản của cụ Ngô Văn L và đề nghị Tòa án chia di sản thừa kế của cụ Ngô Văn L theo pháp luật, phần của bà và bà C, bà Q được hưởng nhường cho bà O sử dụng không yêu cầu thanh toán giá trị.

Tại đơn đề nghị ngày 05/11/2016 và lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, bị đơn ông Ngô Gia V trình bày:

Ông V thống nhất với trí lời khai của nguyên đơn về quan hệ huyết thống gia đình, về nguồn gốc tài sản của cụ L, cụ T để lại và thời điểm cụ L, cụ T chết. Trước đây ông đi bộ đội đóng quân tại biên giới Tây Nam. Sau khi ra quân thì ông ở lại Miền Nam làm ăn sinh sống, lập gia đình riêng và do điều kiện đường xá xa xôi kinh tế khó khăn nên ít có điều kiện về quê. Khi cụ L chết ông không về được, đến năm 2012 cụ T ốm thì ông có về thăm, năm 2013 trước khi cụ T chết khoảng 01 tháng ông có về chăm sóc và ở nhà lo đám tang cho mẹ. Sau khi cụ T chết thì vợ chồng ông về ở nhà của bố mẹ để trông coi thờ cúng. Vợ chồng ông có xây thêm công trình phụ, chuồng chăn nuôi, tường bao và trồng cây cối hoa màu trên đất. Sau đó xảy ra mâu thuẫn do các em gái là bà O, bà Đ đòi chia đất của bố mẹ để lại nên ông có đuổi bà O ra khỏi nhà. Bà O đã kiện ra Tòa sau đó Tòa án đã đình chỉ giải quyết. Bà Đ đã đưa ra bản di chúc nói của cụ T lập cho đất ao vợ chồng bà Đ nhưng ông không nhất trí vì trước đây cụ T còn sống không nói cho các con biết việc lập di chúc, cụ T cũng không biết chữ, di chúc không có các con và hàng xóm láng giềng ký chứng kiến, UBND xã X đã xác nhận di chúc là không đúng pháp luật nên ông không chấp nhận di chúc của cụ T do bà Đ đưa ra.

Ông không chấp nhận yêu cầu của bà Đ, bà O đòi chia đất đai, tài sản của cụ L, cụ T để lại với lý do ông là con trai trưởng có toàn quyền quản lý tài sản đất đai của bố mẹ để thờ cúng tổ tiên, các em gái đã đi lấy chồng và có chỗ ở khác thì không có quyền đòi chia đất. Đối với bà O không có chồng và chưa có chỗ ở nếu chấp nhận xin lỗi vợ chồng ông thì ông sẽ cắt cho một phần đất để làm nhà.

Bị đơn bà Huỳnh Thị H (là vợ ông V) thống nhất với lời trình bày của ông V.

Tại biên bản lấy lời khai ngày 11/11/2016, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan bà Ngô Thị O trình bày:

Bà thống nhất với lời trình bày của bà Đ về quan hệ huyết thống, về nguồn gốc tài sản của cụ L, cụ T để lại và thời điểm cụ L, cụ T chết. Khi cụ T còn sống thì bà sống chung với mẹ nhưng hay đi làm ăn xa, bà có nghe cụ T nói lại đã di chúc cho vợ chồng bà Đ một nửa thổ đất, nửa còn lại cụ T nói sau này để cho bà sử dụng. Đến khi cụ T chết thì vợ chồng ông V về quê và ở nhà bố mẹ, sau đó anh em xảy ra mâu thuẫn về đất đai nên bà và bà Đ đã yêu cầu chia nhà đất của bố mẹ để lại thì ông V không đồng ý, vợ chồng ông V đã đánh đuổi bà ra khỏi nhà nên bà và con nhỏ phải đến nhà bà Đ cùng Xóm để ở nhờ. Năm 2014 bà đã khởi kiện đến Tòa án yêu cầu chia thừa kế tài sản của bố mẹ nhưng sau đó rút đơn do Tòa án giải thích đã hết thời hiệu khởi kiện chia thừa kế di sản của cụ L. Nay bà nhất trí với yêu cầu khởi kiện của bà Đ chia thừa kế cụ T và cụ L theo di chúc và theo pháp luật, bà nhận chia đất để mẹ con bà có chỗ làm nhà ở.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Ngô Thị C, bà Ngô Thị Q do bà Ngô Thị Đ đại diện theo ủy quyền thống nhất trình bày: Thống nhất với lời trình bày của nguyên đơn và đều đồng ý nhường phần hưởng thừa kế của mình theo pháp luật cho bà Ngô Thị O, không yêu cầu thanh toán giá trị.

Tại biên bản lấy lời khai ngày 20/12/2016  và bản tự khai ngày 27/12/2016, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan bà Ngô Thị M2 trình bày:

Bà thống nhất lời trình bày của bà Đ, ông V về quan hệ huyết thống, về nguồn gốc tài sản của cụ L, cụ T để lại và thời điểm cụ L, cụ T chết. Bà không được cụ T nói việc lập di chúc cho đất vợ chồng bà Đ nên bà không công nhận. Bà yêu cầu Tòa án giải quyết giao đất đai của bố mẹ bà cho vợ chồng ông V sử dụng để thờ cúng, bà không yêu cầu quyền lợi gì. Nếu Tòa án chia thừa kế tài sản của cụ T thì bà nhường phần hưởng thừa kế theo pháp luật cho ông V sử dụng và xin được vắng mặt trong toàn bộ quá trình tố tụng.

Tại các biên bản lấy lời khai ngày 03/02/2017 và 11/4/2017; người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là bà Ngô Thị H1, ông Ngô Văn N, bà Ngô Thị K và bà Ngô Thị H2 thống nhất trình bày:

Các ông bà là con của cụ Ngô Văn L và cụ Đoàn Thị V. Các ông bà không liên quan gì đến việc tranh chấp đất đai giữa các con bà T (là vợ cả cụ L) và không có yêu cầu đòi hỏi gì về quyền lợi khi chia thừa kế di sản của cụ L, cụ T nên các ông bà không tham gia tố tụng, yêu cầu được vắng mặt.

Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là bà Ngô Thị M1 vắng mặt trong toàn bộ quá trình tố tụng mặc dù đã được Tòa án triệu tập hợp lệ và không có ý kiến gì về yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Xuân Trường tại phiên tòa phát biểuquan  điểm:

Về tố tụng: Thẩm phán, Hội đồng xét xử và Thư ký phiên tòa đã thực hiện đúng trình tự, thủ tục do Bộ luật tố tụng dân sự quy định. Các đương sự chỉ có người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà M1 không chấp hành đúng quyền, nghĩa vụ tham gia tố tụng, vắng mặt tại phiên tòa đến lần thứ hai không có lý do nên Tòa án xét xử vắng mặt bà M1 là đúng quy định pháp luật; các đương sự khác đều chấp hành đúng quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

Về nội dung: Căn cứ các tài liệu có trong hồ sơ và lời khai của các đương sự có đủ căn cứ xác định di chúc của cụ T lập ngày 16/8/2011 là hợp pháp. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn chia di sản thừa kế của cụ T là 1/2 thửa đất diện tích 1302,5m2 cho bà Đ, ông H 587m2 đất theo di chúc, phần di sản còn lại của cụ T chưa định đoạt trong di chúc chia theo pháp luật cho 07 người con của cụ T; ghi nhận việc bà Đ, bà C, bà Q nhường quyền hưởng di sản cho bà O, bà M nhường quyền hưởng di sản cho ông V. Đối với phần di sản của cụ L đã hết thời hiệu khởi kiện chia thừa kế đề nghị công nhận cho ông V và bà O là người thừa kế đang quản lý di sản, mỗi người được hưởng 1/2 di sản của cụ L. Chấp nhận yêu cầu chia hiện vật của bà Đ, ông V và bà O và chia cho ông V phần đất có căn nhà cấp 4 vợ chồng ông V đang ở. Các đương sự phải chịu án phí đối với di sản được hưởng theo quy định pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về tố tụng: Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Ngô Thị M vẫn đang cư trú tại Xóm 11A, xã X, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định nhưng thường xuyên đi làm ăn xa không rõ địa chỉ. Tòa án đã thông báo, tống đạt hợp lệ các văn bản tố tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự mặc dù bà M vẫn đi về nơi cư trú nhưng không chấp hành yêu cầu triệu tập của Tòa án để tham gia tố tụng. Xét thấy bà M đã vắng  mặt tại phiên tòa đến lần thứ hai không có lý do nên Tòa án xét xử vụ án vắng mặt bà M theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 227, khoản 3 Điều 228 Bộ luật Tố tụng Dân sự là phù hợp.

[2] Về quan hệ pháp luật: Yêu cầu khởi kiện của bà Ngô Thị Đ về chia thừa kế di sản của cụ Trần Thị T theo di chúc và chia di sản thừa kế của cụ Ngô Văn L theo pháp luật là quan hệ pháp luật “ Tranh chấp về thừa kế tài sản”, thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện Xuân Trường theo định tại Khoản 5 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng Dân sự.

[3] Về thời hiệu khởi kiện: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì “Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản…kể từ thời điểm mở thừa kế…”. Cụ Trần Thị T chết ngày 22/3/2013, đến ngày 07/10/2016 nguyên đơn khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế của cụ T là quyền sử dụng đất nên thời hiệu khởi kiện vẫn còn hiệu lực. Cụ Ngô Văn L chết ngày 19/11/1984, tính đến ngày 19/11/2014 là 30 năm kể từ thời điểm mở thừa kế, đến ngày 07/10/2016 nguyên đơn khởi kiện chia di sản thừa kế của cụ L là hết thời hiệu khởi kiện.

[4] Về di sản thừa kế: Căn cứ lời khai thống nhất của các đương sự và các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án thì cụ L, cụ T có tài sản chung là thửa đất số 164, tờ bản đồ số 15 lập năm 1992 (nay là thửa số 156, tờ bản đồ số 30 lập năm 2012) tại Xóm 14, xã X, huyện X, tỉnh Nam Định đã cấp giấy chứng nhận ngày 31/8/1998 đứng tên hộ cụ Ngô Thị L (tức Trần Thị T) có diện tích 1265m2 (trong đó đất ở 321m2, đất vườn 490m2, đất ao 454m2); trên đất có 01 căn nhà cấp 4, 01 bếp (đã phá rỡ) của hai cụ. Nguồn gốc đất là do nhận chuyển nhượng của người khác. Năm 1984 cụ L chết, cụ T và bà O quản lý, sử dụng nhà đất. Năm 2013 cụ T chết, vợ chồng ông V, bà Hà về ở nhà đất của bố mẹ và đuổi bà O ra khỏi nhà, bà O đã đến ở nhờ nhà bà Đ cùng xóm.

Theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp ngày 31/8/1998 ghi tên chủ sử dụng đất là hộ bà Ngô Thị L, tại thời điểm cấp giấy chứng nhận trên thì cụ Ngô Văn L đã chết nhưng cụ T đã kê khai, đăng ký xin cấp giấy chứng nhận trong khi chưa khai nhận hưởng thừa kế di sản của cụ L là chưa đúng trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật. Tuy nhiên đến nay các thừa kế của cụ L, cụ T đều thừa nhận giấy chứng nhận đã cấp cho cụ L, cụ T nên có cơ sở xác định thửa đất trên là tài sản chung của vợ chồng cụ L, cụ T. Theo kết quả đo đạc thực tế ngày 08/3/2017 thì diện tích thực tế thửa đất là 1302,5m2  có tăng 37,2m2  so với giấy chứng nhận đã cấp nhưng chính quyền địa phương xác nhận không có giao dịch chuyển quyền hay tranh chấp ranh giới thửa đất, chỉ là sai số do kỹ thuật đo đạc.

Nhưvậy tài sản chung của cụ L và cụ T là 1302,5m2 đất, theo kết quả định giá có trị giá là 586.125.000 đồng (giá đất là 450.000 đồng/m2), trên đất có 01 căn nhà cấp 4 diện tích 39m2 trị giá 1.000.000 đồng cùng các công trình xây dựng khác. Các công trình xây dựng trên đất các đương sự không yêu cầu chia, chỉ yêu cầu chia thừa kế quyền sử dụng đất. Theo quy định của pháp luật thì cụ L và cụ T có phần quyền ngang nhau đối với khối tài sản chung vợ chồng mỗi người có quyền đối với 1/2 tài sản chung là 651,25m2 đất trị giá 293.062.000 đồng (hai trăm chín mươi ba triệu không trăm sáu mươi hai nghìn đồng). Do cụ L và cụ T đều đã chết nên phần tài sản của mỗi người chuyển thành di sản thừa kế.

[5] Về công sức duy trì, bảo quản di sản: Các đương sự không đưa ra được chứng cứ chứng minh đã có công sức duy trì, bảo quản di sản, công sức chăm sóc người để lại di sản và đều không có yêu cầu gì về công sức nên không xem xét.

[6] Về di chúc của cụ Trần Thị T: Nguyên đơn bà Ngô Thị Đ xuất trình bản di chúc của cụ Trần Thị T lập ngày 16/8/2011 có nội dung cụ T cho vợ chồng bà Đ, ông H 587m2  đất ao. Bị đơn ông V không thừa nhận bản di chúc của cụ T nhưng ông cũng không yêu cầu giám định bản di chúc. Các thừa kế khác của cụ T có bà M không công nhận bản di chúc; còn bà O, bà C và bà Q công nhận bản di chúc của cụ T đã cho đất vợ chồng bà Đ.

Xét hình thức di chúc được lập thành văn bản, có điểm chỉ dấu vân tay của cụ T, có chứng thực của UBND xã X ngày 16/8/2011 nhưng không có chữ ký xác nhận của người làm chứng là chưa đúng trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Dân sự. Tuy nhiên chính quyền địa phương xác nhận bản di chúc do cụ T đã viết sẵn mang ra xã để chứng thực, trước khi chứng thực cán bộ chuyên môn (địa chính và tư pháp) của xã đã kiểm tra và đọc lại nội dung cho cụ T nghe vì cụ T không biết chữ, cụ T đã xác nhận nội dung di chúc và điểm chỉ dấu vân tay vào bản di chúc, khi đó cụ T còn minh mẫn, nói chuyện, đi lại bình thường nhưng khi chứng thực đã sơ suất không đề nghị có người làm chứng ký xác nhận vào bản di chúc. Ông Đoàn Đức C nguyên là xóm trưởng Xóm 14 thời kỳ 2002 đến tháng 12/2016 cũng xác nhận khi cụ T còn sống đã mời cán bộ địa chính xã (ông N) và ông đến đo giao mốc giới đất ao cho bà Đ, có vẽ sơ đồ giao đất nhưng ông không biết cụ T có di chúc. Như vậy có cơ sở khẳng định bản di chúc ngày 16/8/2011 do cụ T trực tiếp điểm chỉ và nội dung di chúc đã phản ánh đúng ý nguyện của cụ T cho đất vợ chồng bà Đ, ông H; việc không có người làm chứng ký xác nhận khi chứng thực di chúc của cụ T là do sai sót của cơ quan chứng thực. Vì vậy di chúc của cụ T lập ngày 16/8/2011 là hợp pháp phù hợp quy định tại Điều 630 Bộ luật Dân sự năm 2015. Do đó yêu cầu khởi kiện của bà Ngô Thị Đ chia di sản thừa kế của cụ Trần Thị T theo di chúc là có căn cứ.

Tuy nhiên bản di chúc của cụ T mới định đoạt 587m2 đất nên phần tài sản của cụ T chưa được định đoạt trong di chúc còn lại là 64,25m2  đất sẽ được chia theo pháp luật theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 650 Bộ luật Dân sự năm 2015.

[7] Về người thừa kế: Theo di chúc của cụ T chỉ định người thừa kế là bà Ngô Thị Đ và ông Đoàn Văn H. Cụ T không có người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc nên di sản thừa kế của cụ T được chia theo di chúc, bà Đ và ông H được hưởng 587m2 đất trị giá là 264.150.000 đồng.

Các đương sự đều khai thống nhất cụ T và cụ L có 07 người con là ông Ngô Gia V, bà Ngô Thị M, bà Ngô Thị M, bà Ngô Thị Đ, bà Ngô Thị Q, bà Ngô Thị C và bà Ngô Thị O. Theo quy định tại Điều 613, 651 và 652 của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì hàng thừa kế thứ nhất theo pháp luật của cụ T là ông V, bà M, bà M, bà Đ, bà Q, bà C và bà O.

Trong đó bà Ngô Thị Đ, bà Ngô Thị Q và bà Ngô Thị C tự nguyện nhường quyền hưởng thừa kế đối với di sản thừa kế của cụ T chia theo pháp luật cho bà Ngô Thị O không yêu cầu thanh toán giá trị. Bà Ngô Thị M tự nguyện nhường quyền hưởng thừa kế đối với di sản của cụ T chia theo pháp luật cho ông Ngô Gia V.

Như vậy di sản thừa kế của cụ T được chia theo pháp luật là 64,25m2 đất có trị giá 28.912.000 đồng. Bà Ngô Thị O được chia 4/7 giá trị di sản thừa kế theo pháp luật của cụ T là 16.521.000 đồng (phần của bà O, bà Đ, bà C, bà Q); ông Ngô Gia Vđược chia 2/7 giá trị di sản thừa kế theo pháp luật của cụ T là 8.261.000 đồng (phần của ông V, bà M); bà Ngô Thị M được chia 1/7 giá trị di sản thừa kế theo pháp luật của cụ T là 4.130.000 đồng.

[8] Về yêu cầu chia di sản của cụ Ngô Văn L: Theo phân tích ở trên thì thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế của cụ Ngô Văn L đã hết. Mặc dù bà Đ và bà O có yêu cầu không áp dụng thời hiệu khởi kiện nhưng ông V không đồng ý, ông V yêu cầu được sử dụng toàn bộ di sản của bố mẹ để lại nên không có cơ sở chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn về chia di sản thừa kế của cụ L. Tuy nhiên khoản 1 Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định “ Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó…”. Theo lời trình bày thống nhất của các đương sự và xác minh tại chính quyền địa phương thì sau khi cụ L chết (năm 1984) thì cụ T và bà O trực tiếp quản lý sử dụng nhà đất tranh chấp. Đến khi cụ T chết (ngày 22/3/2013) thì vợ chồng ông V ở Miền Nam về quê ở và quản lý sử dụng nhà đất của bố mẹ cùng với bà O. Sau đó bà O và ông V xảy ra mâu thuẫn, ông V đã đuổi bà O ra khỏi nhà nên bà O phải đến ở nhờ nhà bà Đ, ông H ở cùng Xóm. Bà O bị ông V đuổi ra khỏi nhà nên đã không trực tiếp quản lý sử dụng đất nhưng bà O không từ bỏ quyền quản lý của mình. Như vậy sau khi di sản thừa kế của cụ Ngô Văn L hết thời hiệu khởi kiện (ngày 19/11/2014) thì bà Ngô Thị O và ông Ngô Gia V cùng quản lý di sản của cụ L nên căn cứ khoản 1 Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì bà O và ông V được hưởng chung di sản thừa kế của cụ L đã hết thời hiệu khởi kiện, mỗi người được hưởng 1/2 di sản là 325,625m2 có trị giá 146.531.000 đồng.

[9] Về yêu cầu phân chia bằng hiện vật:

Theo kết quả xem xét, thẩm định tại chỗ ngày 08/3/2017 thì trên đất tranh chấp có căn nhà cấp 4 diện tích 39m2 vợ chồng ông V, bà Hà đang ở quay hướng Nam, còn lại là các công trình xây dựng tạm đã cũ nát, tường rào ông V mới xây dựng thêm sau khi xảy ra tranh chấp. Bà Đ, ông V, bà O đều có yêu cầu được sử dụng đất. Xét bà O chưa có chỗ ở, diện tích thửa đất cũng lớn đủ đảm bảo để chia cho các đương sự sử dụng vì vậy chấp nhận yêu cầu chia hiện vật cho bà Đ, ông V và bà O. Các đương sự có trách nhiệm thanh toán chênh lệch tài sản cho nhau theo giá trị tài sản được hưởng. Đối với phần xây dựng là tường rào ông V, bà Hà đã xây dựng thêm khi các bên đang xảy ra tranh chấp nên nếu thuộc phần đất của ai được chia thì người đó được sử dụng, không phải thanh toán giá trị cho ông V, bà Hà.

[10] Về án phí và chi phí tố tụng:

Về án phí: Các đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với giá trị tài sản được hưởng theo quy định tại khoản 7 Điều 27 Pháp lệnh án phí và lệ phí Tòa án ngày 27/02/2009 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 12.

Về chi phí tố tụng: Chi phí đo đạc và định giá tài sản tổng cộng là 2.804.000 đồng, bà Đ đã nộp tạm ứng đủ và tại phiên tòa bà Ngô Thị Đ tự nguyện nhận chịu toàn bộ chi phí tố tụng.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào các Điều 357, 468, 612, 613, 623, 630, 643, 650, 651, 659 và 660 của Bộ luật Dân sự năm 2015;Điều 95 của Luật Đất đai năm 2013; Các Điều 26, 35, 39, 147, 271 và 273 của Bộ luật Tố tụng Dân sự; Khoản 7 Điều 27 Pháp lệnh án phí và lệ phí Tòa án ngày 27/02/2009 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội khóa 12;

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Ngô Thị Đ đối với ông Ngô Gia V và bà Huỳnh Thị H.

2. Xác nhận thửa đất số 156, tờ bản đồ số 30 lập năm 2012 tại Xóm 14, xã X, huyện X, tỉnh Nam Định diện tích 1302,5m2 trị giá 586.125.000 đồng (năm trăm tám mươi sáu triệu một trăm hai mươi lăm nghìn đồng) và 01 căn nhà cấp 4 diện tích 39m2 trên đất là tài sản chung của cụ Ngô Văn L và cụ Trần Thị T (tên gọi khác Ngô Thị L).

Ghi nhận sự tự nguyện của bà Ngô Thị Đ và bà Ngô Thị O không yêu cầu chia thừa kế giá trị căn nhà cấp 4 vợ chồng ông V, bà Hà đang sử dụng.

3. Xác nhận di sản thừa kế của cụ Trần Thị T là 1/2 thửa đất số 156 có diện tích là 651,25m2 trị giá 293.062.000 đồng (hai trăm chín mươi ba triệu không trăm sáu mươi hai nghìn đồng).

3.1. Công nhận di chúc của cụ Trần Thị T lập ngày 16/8/2011 là hợp pháp.

3.2. Xác nhận người thừa kế theo di chúc của cụ Trần Thị T là bà Ngô Thị Đ và ông Đoàn Văn H.

3.3. Xác nhận người thừa kế theo pháp luật hàng thứ nhất của cụ Trần Thị T là ông Ngô Gia V, bà Ngô Thị M1, bà Ngô Thị M2, bà Ngô Thị Đ, bà Ngô Thị Q, bà Ngô Thị C và bà Ngô Thị O.

Ghi nhận sự tự nguyện của bà Ngô Thị Đ, bà Ngô Thị Q và bà Ngô Thị C nhường quyền hưởng di sản thừa kế theo pháp luật của cụ T cho bà Ngô Thị O. Bà Ngô Thị M2 nhường quyền hưởng di sản thừa kế theo pháp luật của cụ T cho ông Ngô Gia V.

3.4. Di sản của cụ Trần Thị T chia theo di chúc cho bà Ngô Thị Đ và ông Đoàn Văn H được hưởng 587m2 đất trị giá là 264.150.000 đồng (hai trăm sáu mươi bốn triệu một trăm năm mươi nghìn đồng).

3.5. Di sản của cụ Trần Thị T chưa được định đoạt trong di chúc là 64,25m2 đất có trị giá 28.912.000 đồng chia theo pháp luật cho bà Ngô Thị O được hưởng

4/7 giá trị di sản là 16.521.000 đồng (phần của bà O, bà Đ, bà C, bà Q); ông Ngô Gia V được hưởng  2/7 giá trị di sản là 8.261.000 đồng (phần của ông V, bà M2) và bà Ngô Thị M1 được hưởng 1/7 giá trị di sản là 4.130.000 đồng.

4.Xác nhận di sản của cụ Ngô Văn L là 1/2 thửa đất số 156 có diện tích là 651,25m2 có trị giá 293.062.000 đồng (hai trăm chín mươi ba triệu không trăm sáu mươi hai nghìn đồng) đã hết thời hiệu khởi kiện do ông Ngô Gia V và bà Ngô Thị O là người thừa kế đang quản lý di sản;

Công nhận bà Ngô Thị O và ông Ngô Gia V, mỗi người được quyền sử dụng  1/2 di sản hết thời hiệu khởi kiện của cụ Ngô Văn L có trị giá là 146.531.000 đồng  (một trăm bốn mươi sáu triệu năm trăm ba mươi mốt nghìn đồng).

5. Chia hiện vật:

5.1. Giao cho bà Ngô Thị Đ và ông Đoàn Văn H được quyền sử dụng 587m2 đất thuộc thửa đất số 156, tờ bản đồ số 30 lập năm 2012 tại Xóm 14, xã X, huyện X, tỉnh Nam Định có trị giá 264.150.000 đồng (hai trăm sáu mươi bốn triệu một trăm năm mươi nghìn đồng) và được sở hữu, sử dụng công trình xây dựng trên đất.

Ranh giới đất như sau: Phía Đông giáp đường dong xóm gồm hai đoạn dài 1,7m và 15,35m; phía Tây giáp mương dài 22,59m; phía Nam giáp đường bờ ruộng dài 26,58m; phía Bắc giáp đất chia cho bà O dài 33,96m;

Có sơ đồ cụ thể kèm theo.

5.2. Giao cho ông Ngô Gia V được quyền sử dụng 461,5m2 đất thuộc thửa đất số 156, tờ bản đồ số 30 lập năm 2012 tại Xóm 14, xã X, huyện X, tỉnh Nam Định có trị giá 207.675.000 đồng (hai trăm linh bảy triệu sáu trăm bảy mươi lăm nghìn đồng) và được sở hữu, sử dụng 01 căn nhà cấp 4 diện tích 39m2 cùng công trình xây dựng khác trên đất.

Ranh giới đất như sau: Phía Đông giáp đường dong xóm dài 13,2m; phía Tây giáp mương dài 7,6m; phía Nam giáp đất chia cho bà O dài 36,48m; phía Bắc giáp đất ông Nguyễn và ông Chính gồm bốn đoạn dài 2,84m, dài 2,6m, dài 19,78m và dài 17,75m;

Có sơ đồ cụ thể kèm theo.5.3. Giao cho bà Ngô Thị O được quyền sử dụng 254m2 đất thuộc thửa đất số 156, tờ bản đồ số 30 lập năm 2012 tại Xóm 14, xã X,huyện X, tỉnh Nam Định có trị giá 114.300.000 đồng (một trăm mười bốn triệu ba trăm nghìn đồng) và được sở hữu, sử dụng công trình xây dựng trên đất.

Ranh giới đất như sau: Phía Đông giáp đường dong xóm dài 07m; phía Tây giáp mương dài 7,4m; phía Nam giáp đất chia cho bà Đ, ông H dài 33,96m; phía Bắc giáp đất chia cho ông V dài 36,48m;

Có sơ đồ cụ thể kèm theo.

5.4. Ông Ngô Gia V và bà Huỳnh Thị H có trách nhiệm thu dọn cây cối, hoa màu trên đất và giao lại quyền sử dụng đất được chia cho bà Ngô Thị Đ, ông Đoàn Văn H và bà Ngô Thị O.

5.5. Các đương sự có trách nhiệm kê khai, đăng ký và tách quyền sử dụng đất được giao sử dụng theo quyết định của bản án tại cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật đất đai.

6. Về thanh toán giá trị chênh lệch tài sản:

Ông Ngô Gia V có trách nhiệm thanh toán chênh lệch tài sản cho bà Ngô Thị M1 là 4.131.000 đồng (bốn triệu một trăm ba mươi mốt nghìn đồng) và cho bà Ngô Thị O là 48.752.000 đồng (bốn mươi tám triệu bảy trăm năm mươi hai nghìn đồng).

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

7. Về án phí dân sự sơ thẩm và chi phí tố tụng:

7.1. Về án phí dân sự sơ thẩm:

Bà Ngô Thị Đ và ông Đoàn Văn H phải nộp 13.207.000 đồng; được trừ vào số tiền bà Đ đã nộp tạm ứng án phí là 200.000 đồng theo biên lai thu tiền số 09194 ngày 19/10/2016 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định; bà Đ, ông H còn phải nộp thêm 13.007.000 đồng (mười ba triệu không trăm linh bảy nghìn đồng).

Ông Ngô Gia V phải nộp 7.739.000 đồng (bảy triệu bảy trăm ba mươi chín nghìn đồng).

Bà Ngô Thị O phải nộp là 8.152.000 đồng (tám triệu một trăm năm mươi hai nghìn đồng).

Bà Ngô Thị M1 phải nộp 206.000 đồng (hai trăm linh sáu nghìn đồng).

7.2. Về chi phí tố tụng: Chi phí đo đạc và định giá tài sản là 2.804.000 đồng, bà Ngô Thị Đ nhận chịu toàn bộ và đã nộp đủ.

9. Về quyền kháng cáo: Bà Ngô Thị Đ, ông Ngô Gia V, bà Huỳnh Thị H, bà Ngô Thị O, ông Đoàn Văn H, bà Ngô Thị Q và bà Ngô Thị C có quyền làm đơn kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án;

Bà Ngô Thị M1, bà Ngô Thị M2, bà Ngô Thị H1, ông Ngô Văn N, bà Ngô Thị H2 và bà Ngô Thị K vắng mặt tại phiên tòa có quyền làm đơn kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày được tống đạt bản án hợp lệ.

Trong trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7a, 7b và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1085
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 30/2017/DS-ST ngày 29/09/2017 về tranh chấp thừa kế tài sản

Số hiệu:30/2017/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Xuân Trường - Nam Định
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 29/09/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;