Bản án 276/2018/DS-PT ngày 24/10/2018 về tranh chấp dân sự - quyền tài sản và đòi lại tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG THÁP

BẢN ÁN 276/2018/DS-PT NGÀY 24/10/2018 VỀ TRANH CHẤP DÂN SỰ - QUYỀN TÀI SẢN VÀ ĐÒI LẠI TÀI SẢN

Trong các ngày 27/9/2018 và ngày 24/10/2018 tại Trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Tháp xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 115/2018/TLPT- DS ngày 02 tháng 7 năm 2018 về Tranh chấp “V/v Tranh chấp về dân sự – Quyền tài sản và đòi lại tài sản” Do Bản án dân sự sơ thẩm số 14/2018/DS-ST ngày 23/05/2018 của Toà án nhân dân huyện N bị kháng cáo. Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 233/2018/QĐ-PT ngày 20 tháng 9 năm 2018 giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Lê Văn T, sinh năm 1951;

Địa chỉ: ấp H, xã S, huyện N, tỉnh Đồng Tháp.

Người đại diện theo ủy quyền của ông T: Bà Đoàn Thị H2, sinh năm1960 (có mặt). Địa chỉ: ấp H, xã S, huyện  N, tỉnh Đồng Tháp (Văn bản ủy quyền vào ngày 06/6/2018).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Luật sư Thái Quang T2 – Văn phòng Luật sư C thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Tháp (có mặt).

Bị đơn: 1.Nguyễn Văn K, sinh năm 1950 (vắng mặt);

2. Nguyễn Thị E, sinh năm 1963 (có mặt);

Cùng địa chỉ: số nhà 02, ấp 4, xã B, huyện N, tỉnh Đồng Tháp.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Luật sư Võ Thị T3 – Văn phòng Luật sư Xuân Hương, Chi nhánh Cao Lãnh thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Tháp (có mặt).

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Đoàn Thị H2, sinh năm 1960 (có mặt).

Địa chỉ: ấp H, xã S, huyện N, tỉnh Đồng Tháp.

2. Nguyễn T4, sinh năm 1984 (có mặt);

3. Nguyễn Thị T5, sinh năm 1986 (có mặt);

Cùng địa chỉ: số nhà 02, ấp 4, xã B, huyện N, tỉnh Đồng Tháp.

4. Lê Thị D, sinh năm 1983 (vắng mặt);

5. Lê Văn P, sinh năm 1996 (vắng mặt).

Cùng địa chỉ: ấp H, xã S, huyện N, tỉnh Đồng Tháp.

- Người kháng cáo: Ông Lê Văn T là nguyên đơn của vụ án.

NỘI DUNG VỤ ÁN

* Tại Đơn khởi kiện ngày 15/7/2015; Bản tự khai ngày 15/7/2015 và Đơn khởi kiện bổ sung ngày 13/10/2016 của ông Lê Văn T, trong quá trình thu thập chứng cứ của vụ án, tại phiên hòa giải và tại phiên tòa, ông T có bà Đoàn Thị H2 đại diện theo ủy quyền trình bày:

Vào năm 1994, ông Nguyễn Văn Q có chuyển nhượng cho ông Lê Văn T diện tích 3,7 ha (đo đủ 37 công) đất tràm với giá là 4.400.000 đồng.

Cũng cùng thời gian này, ông T được Ban quản lý tập đoàn cấp thêm diện tích đất năng khoảng 3.000m2, giáp đất tràm và một phần đất thổ cư còn lại của ông T.

Đến năm 1996, ông T chuyển nhượng lại cho ông Nguyễn Văn K toàn bộ diện tích 3,7 ha đất tràm với giá 17 (Mười bảy) chỉ vàng 24k mà trước đây đã chuyển nhượng của ông Q.

Đối với diện tích đất năng gắn liền với đất tràm, ông T chuyển nhượng của ông Q. Khi chuyển nhượng toàn bộ đất tràm, ông T và vợ chồng ông K thỏa thuận miệng: nếu sau này có điều kiện kinh tế, vợ chồng ông K, bà E sẽ chuyển nhượng cả diện tích đất năng. Từ năm 1995, do vợ chồng ông T và bà Đoàn Thị H2 đi làm ăn xa (đi ghe) nên không canh tác diện tích đất năng. Ông K và bà E đã khai phá và canh tác sau khi ông T, bà H2 đi làm ăn cho đến nay. Ông T, bà H2 không có ý kiến và không có tranh chấp từ năm 1995 cho đến nay đối với việc sử dụng đất năng của ông K, bà E.

Ông Lê Văn T, có bà H2 đại diện theo ủy quyền cho rằng: diện tích đất tranh chấp thuộc quyền sử dụng của ông T, bà H2 nhưng hiện nay Ủy ban nhân dân huyện N đã thu hồi, có bồi thường cho ông K và bà E. Ông K và bà E đã nhận số tiền bồi hoàn nói trên. Vì vậy, ông T yêu cầu ông K, bà E có trách nhiệm trả lại số tiền bồi thường cho ông với giá trị của diện tích đất là3.533,6m2, thành tiền là 106.008.000 đồng (tương đương số tiền  30.000.000 đồng/1000m2).

* Theo Tờ Tường trình ngày 27/5/2016 và Tờ tự khai ngày 04/02/2017 của ông Nguyễn Văn K và bà Nguyễn Thị E, trong quá trình thu thập chứng cứ của vụ án, tại phiên hòa giải và tại phiên tòa, ông K và bà E trình bày:

Vào năm 1995, ông Lê Văn T có chuyển nhượng cho vợ chồng ông K, bà E diện tích 3,7 ha đất tràm với giá 17 (Mười bảy) chỉ vàng 24k. Hai bên có làm giấy tay. Khi thỏa thuận chuyển nhượng không đo đạc đất thực tế, chỉ giao kết là khoảng 3,7 ha.

Diện tích đất hai bên thỏa thuận chuyển nhượng cụ thể: Đông giáp đất anh B2; Tây giáp đất ông út R; Mặt tiền xuống giáp kênh B.

Sau khi chuyển nhượng đất của ông T, ông K và bà E có chuyển nhượng thêm diện tích đất thuộc phần hậu kênh B3 khoảng hơn 1.000m2. Từ đó đến nay, ông K và bà E canh tác và sử dụng ổn định toàn bộ các diện tích đã chuyển nhượng nói trên. Vào năm 1996, ông K và bà E đốn tràm, khai mở và bắt đầu sản xuất lúa. Đến năm 1999, ông K và bà E tiến hành kê khai đăng ký quyền sử dụng và được Ủy ban nhân dân huyện N cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Ông K và bà E xác định: từ khi ông T chuyển nhượng diện tích đất 3,7 ha cho ông K và bà E, gia đình ông T không sử dụng phần diện tích đất liền kề (giáp lộ) mà ông T cho là đất năng. Ông T cũng không có tranh chấp phần đất dư mà hiện nay ông T khởi kiện từ khi ông K, bà E đăng ký quyền sử dụng.

Nay ông Nguyễn Văn K và bà Nguyễn Thị E không đồng ý trả lại choông Lê Văn T số tiền 106.008.000 đồng (tương đương số tiền 30.000.000 đồng/1000m2) mà ông, bà được bồi thường đối với diện tích đất là  3.533,6m2 tại một phần các thửa đất số 691, 692, tờ bản đồ số 3 do ông K, bà E đứng tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bởi vì, ông K và bà E xác định diện tích đất ông T tranh chấp 3.533,6m2 thuộc quyền sử dụng của ông, bà

* Tại Tờ tường trình ngày 20/12/2016 của chị Nguyễn T4 và chị Nguyễn Thị T5, trong quá trình thu thập chứng cứ của vụ án, chị T4 và chị T5 trình bày:

Chị Nguyễn T4 và chị Nguyễn Thị T5 là con ruột của ông K và bà E. Chị T4 và chị T5 thống nhất với nội dung lời trình bày của ông K và bà E, không trình bày và bổ sung thêm ý kiến, nội dung nào khác.

* Tại Đơn xin không tham gia tố tụng ngày 28/11/2017 củahị Lê Thị D và anh Lê Văn P, chị D và anh P trình bày:

Chị Lê Thị D và anh Lê Văn P là con ruột của ông T và bà H2. Ông T và bà H2 đang có tranh chấp diện tích đất là 3.533,6m2 tại một phần các thửa đất số 691, 692, tờ bản đồ số 3 do ông K, bà E đứng tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chị D và anh P không có ý kiến. Chị D và anh P không yêu cầu Tòa án giải quyết đối với quyền lợi của anh, chị. Tranh chấp nói trên tùy vào quyết định của ông T và bà H2.

* Tại Quyết định bản án sơ thẩm số 14/2018/DS – ST, ngày 23/5/2018 của Tòa án nhân dân huyện N đã tuyên xử:

1/- Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Lê Văn T đối với ông Nguyễn Văn K và bà Nguyễn Thị E về việc tranh chấp số tiền bồi hoàn đất có tổng diện tích 3.533,6m2, thuộc một phần thửa 691, 692 tờ bản đồ số 3 do ông Nguyễn Văn K và bà Nguyễn Thị E đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

2/- Về chi phí đo đạc đất số tiền là 13.762.000 đồng (Mười ba triệu bảy trăm sáu mươi hai nghìn đồng) ông Lê Văn T chịu. Ông Lê Văn T đã nộp xong.

3/- Về án phí:

- Ông Lê Văn T phải chịu số tiền 5.300.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm. Tuy nhiên, ông Lê Văn T được miễn nộp tiền án phí do thuộc trường hợp người cao tuổi (từ đủ 60 tuổi trở lên), ông Lê Văn T được nhận lại tiền tạm ứng án phí đã nộp theo các biên lai thu số: 031661 ngày 12/11/2015, 01492 ngày 17/10/2016 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện N, tỉnh Đồng Tháp.

Ngoài ra bản án sơ thẩm còn tuyên thời hạn, quyền kháng cáo và quyền, ngh a vụ, thời hiệu thi hành án của các đương sự.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 05/6/2018, ông Lê Văn T kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ, được kiểm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, lời phát biểu của kiểm sát viên, Hội đồng xét xử nhận định:

Ông Lê Văn T là nguyên đơn của vụ án đã kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Ông T yêu cầu ông K và bà E có trách nhiệm trả lại số tiền bồi hoàn mà ông K, bà E đã nhận với giá trị của diện tích đất 3.533,6m2, thành tiền là 106.008.000 đồng (30.000.000 đồng/1000m2). Bà H2 xác định, diện tích đất màông T yêu cầu ông K,  bà E tranh chấp không phải diện tích tại các vị trí mốc 1 – 2– 3 – 4 – 5 – 6 – 1. Diện tích đất tranh chấp tại vị  trí ghi chú là Mương lộ theo Sơ đồ đo đạc khu đất tranh chấp ngày 13/4/2016 của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện N.

Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Lê Văn T có bà Đoàn Thị H2 đại diện theo ủy quyền có Đơn yêu cầu tiếp tục giám định. Bà H2 yêu cầu tiếp tục giám định chữ ký của ông T tại “Đơn sang nhượng đất” ngày 25/02/1993 do ông K và bà E cung cấp tại Phân viện khoa học hình sự - Bộ Công an thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Văn K và bà Nguyễn Thị E không đồng ý với yêu cầu khởi kiện và kháng cáo của ông Lê Văn T.

Qua chứng cứ thể hiện tại hồ sơ, lời trình bày của các bên đương sự tại phiên tòa cho thấy:

[1] Ông Lê Văn T, có bà Đoàn Thị H2 đại diện theo ủy quyền trình bày: Nguồn gốc của diện tích đất ông T đang tranh chấp tổng cộng là 3.533,6m2 (giáp tuyến dân cư thuộc tỉnh lộ 855) là do ông T cùng bà H2 xin Tập đoàn cho khai phá sản xuất khoảng 1,5 công (chiều ngang 33 mét, chiều dài tính từ ngoài vào khoảng 40-50 mét). Diện tích đất do ông T khai phá nối tiếp với phần đất tràm của ông Nguyễn Văn Q (phần diện tích 18,5 công). Năm 1994, sau khi chuyển nhượng hết diện tích 3,7 ha đất của ông Q, ông T xin Tập đoàn khai phá tiếp phần đất trống còn lại. Sau khi được cho khai phá, ông T được Tập đoàn cấp cho cả hai phần đất khai phá nói trên vào ngày 24/7/1994.

Đối với diện tích đất tràm là 3,7 ha, ông T và bà H2 chuyển nhượng từ ông Q, qua quá trình tố tụng và tài liệu, chứng cứ có tại hồ sơ có căn cứ xác định: 3,7 ha đất tràm nói trên, ông T chuyển nhượng lại cho ông K vào năm1995.

 [2] Lời trình bày của bà H2, ông K và bà E cùng chứng cứ thể hiện tại hồ sơ cho thấy: ông Lê Văn T yêu cầu ông Nguyễn Văn K và bà Nguyễn Thị E có trách nhiệm trả lại số tiền bồi thường mà ông K, bà E đã nhận với giá trị của diện tích đất 3.533,6m2, thành tiền là 106.008.000 đồng (tương đương số tiền 30.000.000 đồng/1000m2) là không có cơ sở và không phù hợp bởi các chứng cứnhư sau:

 - Thời gian có diện tích đất tranh chấp:

Vào ngày 20/7/1994, ông T chuyển nhượng của ông Nguyễn Văn Q diện tích đất tràm là 3,7ha (chiều ngang là 66 mét, chiều dài đất không nhớ). Cũng cùng thời gian này, theo ông T và bà H2 trình bày, ông bà còn được Ban quản lý tập đoàn cấp thêm diện tích đất khoảng 03 công đất năng. Khi Ban quản lý tập đoàn cấp thêm đất năng chỉ nói miệng, không có giấy tờ, không nói cụ thể diện tích được cấp là bao nhiêu.

+ Ông T và bà H2 trình bày: ông, bà có xin tập đoàn khai phá đất để sản xuất (khai phá ban đầu một phần, sau khi chuyển nhượng đất của ông Q khai phá thêm một phần).

+ Ông Trần Văn L (thời điểm từ năm 1980 đến năm 2011 ông L là tập đoàn trưởng) xác định: Tập đoàn cấp thẩm quyền cấp đất cho dân để dân ở vì lúc đó không có ai về ở. Nhà nước khuyến khích người dân về địa phương sinh sống, làm ăn nên tập đoàn thực hiện chủ trương Nhà nước.

Khoảng 1994 – 1995, Nhà nước thi công lộ D2 (nay là lộ ĐT855) đã trưng dụng đất của các hộ dân trong khu vực, trong đó có một phần của gia đình bà H2 được Tập đoàn cấp năm 1994. Sau khi thi công lộ hoàn thành, phần diện tích lấy đắp lộ trở thành mương lộ.

Theo trình bày của bà H2 tại Biên bản đối thoại ngày 14/01/2015 giữa Ủy ban nhân dân huyện N (chủ tịch là ông Nguyễn Văn Na) và người khiếu nại(bà Lê Thị E và bà Đoàn Thị H2), diện tích đất mà bà E và bà H2 yêu  cầu được nhận tiền bồi thường mương lộ ĐT855 là 1.485m2. Và tại Quyết định số 04/QĐ-UBND-NC  ngày 13/02/2015 của Ủy ban nhân dân huyện N đã công nhận cho bà H2 diện tích đất là 267m2 (diện tích thực tế đang tranh chấp).

Nếu có diện tích 03 công đất năng tại vị trí mà ông T, bà H2 xác định, thì ông bà đã cắm mốc giao diện tích đất tràm cho ông K, bà E khi chuyển nhượng 3,7 ha (chuyển nhượng năm 1996, thời gian này đã có thi công làm lộ) để xác định, phân biệt với diện tích đất còn lại.

- Diện tích đất tranh chấp giữa ông Lê Văn T, bà Đoàn Thị H2 và ông Nguyễn Văn K, bà Nguyễn Thị E: ông T và bà H2 trình bày:

+ Tại Biên bản hòa giải ngày 08/4/2015 của Ủy ban nhân dân xã B, ông T có bà H2 đại diện theo ủy quyền yêu cầu ông K và bà E trả lại cho bà diện tích đất là 1.000m2 hoặc số tiền tương đương khi ông K, bà E nhận bồi thường theo giá Nhà nước.

+ Tại Đơn khởi kiện ngày 15/7/2015 và Bản tự khai ngày 15/7/2015 của ông Lê Văn T yêu cầu ông K và bà E trả lại cho ông diện tích đất là 2.634,9m2 tại thửa 691 và 692, tờ bản đồ số 3 do ông K và bà E đứng tên quyền sử dụng đất.

+ Tại Đơn khởi kiện bổ sung ngày 13/10/2016, ông Lê Văn T yêu cầu ông K và bà E trả lại cho ông diện tích đất là 3.533,6m2 tại thửa 691 và 692, tờ bản đồ số 3 do ông K và bà E đứng tên quyền sử dụng đất.

Tuy nhiên, tại các yêu cầu nói trên của ông T và bà H2 không có kích thước cụ thể của diện tích đất mà ông, bà yêu cầu ông K và bà E trả lại giá trị. Khi Tòa án cấp sơ thẩm tiến hành xE xét, thẩm định diện tích đất tranh chấp thì ông T, bà H2 cũng không xác định được diện tích đất tranh chấp tại vị trí nào.

- Tại Biên bản lấy lời khai ngày 03/6/2016 của Tòa án nhân dân huyện N đối với bà Đoàn Thị H2, là người đại diện theo ủy quyền của ông Lê Văn T. Bà H2 trình bày: Ông T và bà H2 ngoài diện tích đất tràm chuyển nhượng cho ông K và bà E, ông bà còn có khoảng 03 công đất năng mà Tập đoàn cấp tiếp giáp với đất thổ cư của bà Lê Thị E. Đất thổ cư khoảng hơn 01 công đất (chiều ngang 33 mét, chiều dài không nhớ) tiếp giáp với kênh D2. Năm 1990, ông T và bà H2 cất nhà trên đất thổ cư, không sử dụng tiếp tục nên ông bà giao lại cho ông L (Tập đoàn trưởng) quản lý. Sau đó, ông L chuyển nhượng lại cho Lê Thị Ghi phần đất thổ này.

Sau khi chuyển nhượng đất tràm cho ông K và bà E xong, ông T và bà H2 đi buôn bán làm ăn xa, không còn ở địa phương. Ông T và bà H2 không biết việc ông K, bà E đăng ký quyền sử dụng đất cả phần đất năng của ông bà. Sau khi đền bù mương lộ thì gia đình ông T mới biết ông K, bà E đăng ký đất của ông bà nên phát sinh tranh chấp.

Hội đồng xét xử xét thấy: Qua lời trình bày của ông T và bà H2, toàn bộ các diện tích đất nói trên được tính cụ thể như sau:

+ Hơn 1.000m2 đất thổ cư: chiều ngang 33 mét tương ứng sẽ có chiều dài là 38,95 mét: Diện tích đất thổ 1.285,3m2.

+ Diện tích đất năng tiếp giáp đất thổ là 3.000m2, tương ứng: chiều ngang 66 mét sẽ có chiều dài là 45,5 mét. Diện tích đất năng là 3.003m2.

+ Diện tích đất tràm tiếp giáp đất năng là 3,7 ha (37.000m2), tương ứng: chiều ngang 66 mét sẽ có chiều dài là 561 mét. Diện tích đất tràm là 37.026m2.

Chiều dài tổng cộng của 03 diện tích đất nói trên là 645,45 mét.

Chiều dài tổng diện tích đất qua xem xét, thẩm định tại chỗ: phần tính từ vị trí giáp phần đất tuyến dân cư bình quân là 640,8 mét. Nhưng thể hiện tại các đơn, cùng trình bày của ông T, bà H2 chiều dài diện tích đất của ông K và bà E là 610 mét. Sau khi khấu trừ từ hai diện tích đất sẽ chênh lệch chiều ngang 66 mét, chiều dài 4,65 mét (diện tích là 306,9m2).

Diện tích đất giữa đo đạc thực tế và trình bày của ông T, bà H2 có chênh lệch như sau:

+ Diện tích đất tranh chấp tương ứng: chiều ngang là 66 mét và chiều dài là 30,8 mét, diện tích là 2.032,8m2.

+ Diện tích nói trên chưa tính diện tích đất do Nhà nước thu hồi làm đường ĐT 855, cụ thể: mặt đường là 07 mét, thân đường được tính từ tim vào là 7,5 mét, vành đai an toàn giao thông được tính từ tim đường vào là 18 mét. Như vậy, chiều dài đất bị thu hồi làm đường là 17,5 mét.

Tính cụ thể như sau: chiều dài đất 30,8 mét trừ mặt đường ĐT855 là 21,5 mét, chiều dài còn lại sẽ là 9,3 mét. Diện tích thừa sẽ là (chiều ngang 66. chiều dài 9,3 mét = 613,8m2). Bà H2 đã nhận bồi thường diện tích đất theo Quyết định 04/QĐ-UBND-NC ngày 13/02/2015 là 267m2. Như vậy, diện tích đất mà ông T, bà H2 tranh chấp với ông K, bà E chỉ có thể còn lại là 346,8m2.

Từ đó cho thấy lời trình bày và yêu cầu của ông T và bà H2 là không phù hợp và không có căn cứ.

[3] Tính hợp lý và hợp pháp của hợp đồng chuyển nhượng diện tích đất giữa ông T, bà H2 và ông K, bà E:

Diện tích đất tranh chấp phát sinh từ hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông T và ông K vào năm 1995, diện tích thỏa thuận chuyển nhượng là 3,7 ha đất tràm với giá 17 chỉ vàng 24k. Hai bên có làm giấy tay chuyển nhượng. Đến năm 1999, ông K và bà E kê khai và đi đăng ký quyền sử dụng đất và được Ủy ban nhân dân huyện N cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ông Nguyễn Văn K được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất diện tích 19.050m2, thuộc thửa 691, tờ bản đồ số 3 và bà Nguyễn Thị E được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất diện tích 20.831m2, thuộc thửa 692, tờ bản đồ số 3 vào ngày 09/01/1999.

Bà H2 cho rằng: ông T chỉ chuyển nhượng cho ông K diện tích đất tràm là 3,7 ha, còn diện tích đất năng gắn liền với đất tràm mà Ban quản lý tập đoàn cấp cho ông T, ông T không chuyển nhượng. Nhưng sau khi ông T được Tập đoàn cấp đất, gia đình ông bà cũng không sử dụng, cũng không kê khai đăng ký quyền sử dụng đất.

Theo lời trình bày của bà H2 cùng người làm chứng thể hiện tại hồ sơ: Diện tích đất tràm ông T chuyển nhượng cho ông K có đo đạc bằng dây câu, tuy nhiên trình bày nói trên không giấy tờ, không có căn cứ chứng minh. Khi gia đình ông T và gia đình ông K thỏa thuận chuyển nhượng đất chỉ làm giấy tờ chuyển nhượng 3,7 ha đất, không thể hiện cụ thể chiều ngang, chiều dài và toàn bộ tứ cận của diện tích đất (còn một cạnh hướng tỉnh lộ 855 hiện nay không thể hiện).

Bên cạnh đó, chứng cứ thể hiện tại hồ sơ có cơ sở xác định: tổng diện tích đất của ông K và bà E, ngoài diện tích đất chuyển nhượng của ông T, ông K và bà E còn chuyển nhượng thêm diện tích đất giáp kênh B3 khoảng 1.000m2. Như vậy, việc ông K và bà E tiến hành kê khai đăng ký toàn bộ diện tích đất mà ông bà có (trong đó có diện tích ông T, bà H2 đang tranh chấp), ông T, bà H2 không tranh chấp (từ năm 1995 – 2014) nên ông K và bà E kê khai, đăng ký và được Ủy ban nhân dân huyện N cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng là có căn cứ và phù hợp với quy định của Luật đất đai.

Về quá trình sử dụng đất: hai bên đương sự thống nhất, khi thống nhất chuyển nhượng đất trồng tràm và nhận đất xong, từ năm 1995 ông K và bà E đã cải tạo, chuyển mục đích sử dụng sang đất trồng lúa đến nay, ông T phát sinh tranh chấp từ năm 2015. Xét thấy, ông K và bà E quản lý, sử dụng ổn định từ năm 1995 đến năm 2014.

Bên cạnh đó, Tập đoàn giao đất cho dân để dân ở theo chủ trương chung của Nhà nước, khuyến khích người dân về địa phương sinh sống, làm ăn. Nhưng khi được giao đất (theo lời trình bày của ông T và bà H2), ông T và bà H2 đã bỏ đi làm ăn (ở ghe), bỏ hoang đất. Gia đình ông T, bà H2 không thực hiện việc đăng ký quyền sử dụng đối với diện tích đất được Tập đoàn giao theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, hồ sơ thể hiện: Diện tích đất tranh chấp hiện nay qua lời trình bày của bà H2, được sử ủy quyền của ông T cũng không còn. Bởi vì, vào thời điểm ông T và ông K thỏa thuận chuyển nhượng đất 1995 là thời điểm Nhà nước đã tiến hành làm đường ĐT855.

Vì vậy, tại phiên tòa phúc thẩm, bà H2 xác định: phần diện tích tranh chấp là mương lộ, là diện tích đất thuộc quyền sử dụng của ông T, bà H2 nên ông T yêu cầu nhận tiền bồi thường là chưa có căn cứ chấp nhận.

[4] Đối với yêu cầu của bà Đoàn Thị H2, yêu cầu tiếp tục giám định chữ ký của ông Lê Văn T tại “Đơn sang nhượng đất” ngày 25/02/1993.

Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 24/10/2018, bà H2 rút yêu cầu không tiếp tục yêu cầu giám định chữ ký của ông Lê Văn T.

Hội đồng xét xử xét thấy: việc bà H2 rút yêu cầu giám định chữ ký của ông Lê Văn T là tự nguyện, phù hợp và có căn cứ nên chấp nhận.

Từ nhận xét trên, Hội đồng xét xử xét thấy: ông Lê Văn T kháng cáo yêu cầu ông K, bà E trả lại cho ông số tiền bồi thường số tiền 106.008.000 đồng là giá trị của diện tích 3.533,6m2 (tương ứng số tiền 30.000.000 đồng/1.000m2) là không có căn cứ và không phù hợp nên không chấp nhận.

Giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Các phần khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Do giữ nguyên bản án sơ thẩm nên ông T phải chịu án phí dân sự phúc thẩm theo quy định tại Khoản 1 Điều 148 Bộ luật Tố tụng dân sự.

Tuy nhiên, theo quy định tại điểm đ Khoản 1 Điều 12 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Q hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án quy định: Miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, lệ phí Tòa án đối với người cao tuổi theo quy định của pháp luật. Ông T là đối tượng được xem xét miễn nộp án phí Tòa án theo quy định nói trên.

Xét lời trình bày của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn là bà H2 và ông T là chưa phù hợp, không có căn cứ nên không chấp nhận.

Xét lời trình bày của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn là bà E và ông K là phù hợp, có căn cứ nên chấp nhận.

Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Tháp phát biểu về việc tuân thủ pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử và các đương sự trong quá trình giải quyết vụ án đảm bảo đúng quy định của pháp luật và đề xuất hướng giải quyết là giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Đề nghị của Viện kiểm sát là có căn cứ nên chấp nhận.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào Khoản 1 Điều 148, Điều 293 và Khoản 1 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự. Điều 115 và Điều 189 của Bộ luật dân sự; Điều 26, Điều 77, Điều 166 và Điều 203 Luật đất đai 2013; Luật Phí và lệ phí số 97/2015/QH13 ngày 25 tháng 11 năm 2015 và Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Q hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

- Không chấp nhận kháng cáo của ông Lê Văn T.

Giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 14/2017/DS-ST ngày 23 tháng 5 năm 2018 của Toà án nhân dân huyện N.

1.Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Lê Văn T đối với ông Nguyễn Văn K và bà Nguyễn Thị E về việc tranh chấp số tiền bồi hoàn đất có tổng diện tích 3.533,6m2, thuộc một phần thửa 691, 692 tờ bản đồ số 3 do ông Nguyễn Văn K và bà Nguyễn Thị E đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

2.Về chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ tổng cộng là 13.762.000 đồng (Mười ba triệu bảy trăm sáu mươi hai nghìn đồng) ông Lê Văn T chịu. Ông Lê Văn T đã tạm ứng và chi phí xong.

3.Về án phí:

Ông Lê Văn T được miễn án phí dân sự sơ thẩm.

Ông Lê Văn T được nhận lại số tiền tạm ứng án phí mà ông T đã nộp số tiền là 1.318.000 đồng (Một triệu ba trăm mười tám nghìn đồng) theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 031661 ngày 12/11/2015 và số tiền là 786.000 đồng (Bảy trăm tám mươi sáu nghìn đồng) theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 01492 ngày 17/10/2016 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện N, tỉnh Đồng Tháp.

Ông Lê Văn T được miễn án phí dân sự phúc thẩm.

Các phần khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án,  tự nguyệnthi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7, 7a, 7b  và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

556
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 276/2018/DS-PT ngày 24/10/2018 về tranh chấp dân sự - quyền tài sản và đòi lại tài sản

Số hiệu:276/2018/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Đồng Tháp
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 24/10/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;