Bản án 26/2018/DS-ST ngày 11/10/2018 về tranh chấp hợp đồng tín dụng

TÒA ÁN NHÂN DÂN QUẬN S, THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

BẢN ÁN 26/2018/DS-ST NGÀY 11/10/2018 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG

Trong các ngày 08,11 tháng 10 năm 2018 tại trụ sở Tòa án nhân dân quận S xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số 10/2017/TLST – DS ngày 08/02/2017 về việc “Tranh chấp hợp đồng tín dụng” theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số 10/2018/QĐXXST – DS ngày 30 tháng 8 năm 2018 và Quyết định hoãn phiên tòa số 57/2018/QĐ-TA ngày 18 tháng 9 năm 2018 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ngân hàng K

Địa chỉ: 40, 42, 44 Phạm Hồng Thái, phường Vĩnh Thanh Vân, TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.

Đại diện theo ủy quyền: Bà Lê Thị Kim L, sinh năm: 1964, chức vụ: Giám đốc Ngân hàng K- Chi nhánh Đà Nẵng theo Giấy ủy quyền số 1930/UQ-NHKL ngày 23/12/2016 của Tổng giám đốc Ngân hàng K.

Người được ủy quyền: Ông Đinh Mạnh H, chức vụ: Phó phòng kinh doanh Ngân hàng K– chi nhánh Đà Nẵng theo Giấy ủy quyền số: 306/UQ-CNĐN ngày 15/8/2018 của Ngân hàng K– chi nhánh Đà Nẵng. Có mặt.

- Bị đơn: Ông Trần Thanh B – Sinh năm: 1964; Vắng mặt, Bà Đỗ Thị Q –

Sinh năm: 1962; Cùng trú tại: K82/26 Nguyễn Duy Hiệu, phường A, quận S, TP Đà Nẵng;

Người được ủy quyền của bà Đỗ Thị Q: Ông Nguyễn Trọng K, sinh năm: 1990. Trú tại: K104 Châu Thị Vĩnh Tế, Quận N, TP. Đà Nẵng. Có mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Đỗ Thị Q: Ông Trần Khánh L, công ty Luật TNHH LDL, thuộc đoàn Luật sư TP. Đà Nẵng. Có mặt.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Đà Nẵng. Địa chỉ: 57 Quang Trung, quận H, TP. Đà Nẵng.

Đại diện theo ủy quyền: Bà Phạm Thị T, chức vụ: Giám đốc chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai quận S – TP. Đà Nẵng. Vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Trong đơn khởi kiện ngày 23 tháng 12 năm 2016 nộp cho Tòa án nhân dân quận S ngày 18/01/2017, bản tự khai và tại phiên tòa hôm nay nguyên đơn Ngân hàng Ktrình bày: Bà Đỗ Thị Q và ông Trần Thanh B, địa chỉ tại K82/26 Nguyễn Duy Hiệu, phường A, quận S, Thành phố Đà Nẵng đã dùng tài sản là ngôi nhà và đất ở tại K82/26 Nguyễn Duy Hiệu, phường A, quận S, thành phố Đà Nẵng theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AC 149796 do UBND quận S Tp Đà Nẵng cấp ngày 20/07/2005 để đảm bảo cho khoản vay với số tiền: 660.000.000đ, cụ thể như sau:

1. Hợp đồng tín dụng số 00258/HĐTD ngày 06/04/2009

- Số tiền vay: 400.000.000 đồng (Bốn trăm triệu đồng )

- Mục đích vay vốn: Sửa chữa và mua sắm đồ dùng gia đình

- Ngày giải ngân: 10/04/2009, ngày đến hạn: 10/04/2012 

- Thời hạn vay vốn: 36 tháng

- Lãi suất vay: 0.71%/tháng

- Lãi suất nợ quá hạn: 150% lãi suất cho vay ngay trước thời điểm nợ quá hạn

- Hình thức thanh toán: vốn vay trả cuối kỳ, lãi tiền vay trả cuối kỳ.

2. Hợp đồng tín dụng số 000411/HĐTD ngày 30/09/2009

- Số tiền vay: 260.000.000 đồng (Hai trăm sáu mươi triệu đồng)

- Mục đích vay vốn: Sửa chữa và mua sắm đồ dùng gia đình

- Ngày giải ngân: 09/10/2009, ngày đến hạn: 08/10/2012

- Thời hạn vay vốn: 36 tháng

- Lãi suất vay: 0,785%/tháng

- Lãi suất nợ quá hạn: 150% lãi suất cho vay ngay trước thời điểm nợ quá hạn

- Hình thức thanh toán: vốn vay trả cuối kỳ, lãi tiền vay trả cuối kỳ.

Trong quá trình thực hiện hợp đồng vay, khách hàng đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán nợ theo hợp đồng tín  dụng đã ký với Ngân hàng K – Chi nhánh Đà Nẵng.

Đến ngày 08/10/2018, tổng số tiền nợ của khách hàng cụ thể chi tiết như sau:

Khoản mục

Hợp đồng tín dụng số

000258/HĐTD

Hợp đồng tín dụng số

000411/HĐTD

Vốn gốc

369.862.549 đ

260.000.000 đ

Lãi trong hạn

13.632.000 đ

22.178.867 đ

Tiền phạt chậm trả lãi

0 đ

55.802.029 đ

Lãi quá hạn

313.789.494 đ

223.489.500 đ

Tổng cộng:

697.284.043 đ

561.470.396 đ

Tổng số tiền nợ của 02 hợp đồng là: 1.258.754.439 đồng. Bằng chữ: (Một tỷ, hai trăm năm mươi tám triệu bảy trăm năm mươi bốn ngàn bốn trăm ba mươi chín đồng).

Tại phiên tòa hôm nay, nguyên đơn kính đề nghị Tòa án nhân dân quận S buộc bà Đỗ Thị Q và ông Trần Thanh B phải thanh toán dứt điểm khoản nợ trên và tiền lãi phát sinh của hợp đồng tín dụng nêu trên kể từ ngày 11/04/2012 của hợp đồng tín dụng số 000258/HĐTD và ngày 19/11/2011 của hợp đồng tín dụng số 000411/HĐTD cho đến ngày thanh toán dứt nợ.

Trường hợp bà Đỗ Thị Q và ông Trần Thanh B không thực hiện nghĩa vụ trả nợ, Ngân hàng kính đề nghị Quý Tòa xử lý tài sản thế chấp thuộc quyền sử dụng, sở hữu của khách hàng là tài sản là ngôi nhà và đất ở tại K82/26 Nguyễn Duy Hiệu, phường A, quận S, Thành phố Đà Nẵng theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu đất số AC 149796 do UBND Quận S Tp Đà Nẵng cấp ngày 20/07/2005.

Đại diện theo ủy quyền của bị đơn bà Đỗ Thị Q, ông Nguyễn Trọng K trình bày:

Ngày 17 tháng 03 năm 2017, Tòa án nhân dân quận S đã thụ lý vụ án số 10/2017/TLST về tranh chấp "yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trả tiền" giữa nguyên đơn là Ngân hàng K, bị đơn là bà Đỗ Thị Q và ông Trần Thanh B. Theo đó, nội dung nguyên đơn yêu cầu bà Đỗ Thị Q và ông Trần Thanh B trả số tiền 1.258.754.439 đồng. Bằng chữ: (Một tỷ, hai trăm năm mươi tám triệu bảy trăm năm mươi bốn ngàn bốn trăm ba mươi chín đồng).

Bị đơn bà Đỗ Thị Q yêu cầu Tòa án bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Đồng thời bà Đỗ Thị Q đã có đơn phản tố và Tòa án Nhân dân Quận S cũng đã ra thông Bo về việc thụ lý yêu cầu phản tố số 10-1/TB-TLVA ngày 14/06/2017. Theo đó bà Đỗ Thị Q yêu cầu Tòa án giải quyết những vấn đề sau:

- Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng Kvề tranh chấp hợp đồng tín dụng đối với ông Trần Thanh B và bà Đỗ Thị Q.

- Đề nghị Tòa án tuyên bố: Hợp đồng thế chấp số 0227/HĐTC ngày 07/04/2009, phụ lục số 01 ngày 07/10/2009, các hợp đồng tín dụng số 000258/HĐTD ngày 06/04/2009 và Hợp đồng tín dụng số 00411/HĐTD ngày30/09/2009, các hợp đồng cầm cố tài sản đối với 02 sổ tiết kiệm số CA 110113 ngày  10/04/2009 và số CA 110844 ngày 09/10/2009 là vô hiệu.

- Buộc Ngân hàng Kphải thanh lý hợp đồng vay, tất toán các khoản nợ vay của ông B, bà Q đồng thời buộc Ngân hàng Kgiải quyết tài sản bảo đảm và giao bản chính Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất số CA149796 cấp ngày 20/07/2005 tại UBND quận S đứng tên bà Đỗ Thị Q cho vợ chồng ông B, bà Q.

Bị đơn tóm tắt việc vay tài sản giữa ông Trần Thanh B, bà Đỗ Thi Quýt và Ngân hàng K diễn ra theo hình thức như sau:

Ông Trần Thanh B có quan hệ lao động với Ngân hàng K, cụ thể là quan hệ lao động của ông B với Ngân hàng K được xác lập bắt đầu bằng hợp đồng cộng tác viên tín dụng số 2008/HĐTC-2009 ngày 10/04/2009. Trong thời gian làm việc thì Ngân hàng Kcũng đã thực hiện việc đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ cho ông B. Mặt khác để thực hiện công việc cộng tác viên tín dụng, Ngân hàng K đã yêu cầu ông Trần Thanh B phải thực hiện biện pháp bảo đảm để ràng buộc trách nhiệm của ông Trần Thanh B đối với ngân hàng. Cụ thể Ngân hàng đã buộc ông Trần Thanh B, bà Đỗ Thị Q phải ký hợp đồng tín dụng số 000258/HĐTD ngày 06/04/2009 và Hợp đồng tín dụng số 00411/HĐTD ngày 30/09/2009, hợp đồng thế chấp Hợp đồng thế chấp số 0227/HĐTC ngày 07/04/2009, phụ lục số 01 ngày 07/10/2009, hợp đồng cầm cố tài sản sổ tiết kiệm số CA 110113 ngày 10/04/2009 và số CA 110844 ngày 09/10/2009. Tất cả các hợp đồng ký trên đều nhằm mục đích bảo đảm cho việc làm của ông B tại Ngân hàng K. Như vậy ông B, bà Q không có nhu cầu vay vốn cũng như thực tế không nhận tiền vay từ Ngân hàng K. Đồng thời bà Q không ký tên trên giấy đề nghị giải ngân kiêm khế ước nhận nợ, không ký tên trên phiếu chi tiền khi Ngân hàng giải ngân.

Bị đơn đề nghị Tòa án bác toàn bộ yêu cầu của Nguyên đơn và có yêu cầu phản tố bởi những lý do sau:

Thứ nhất, bản chất của mối quan hệ của ông Trần Thanh B với Ngân hàng K là quan hệ lao động, không phải là quan hệ tín dụng vay vốn.

Cơ sở để xác định đây là một dạng Hợp đồng lao động: Tại Điều 15 Bộ luật lao động đã quy định:

“Điều 15. Hợp đồng lao động

Hợp đồng lao động là sự thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.”

Đối chiếu với Bản Hợp đồng số 2008/HĐTC-2009 ngày 10/04/2009 nêu trên đã quy định rất cụ thể: Công việc ông B phải thực hiện “Điều tra, thẩm định những hộ vay trước và sau khi phát vay; bảo đảm cho vay đúng đối tượng, đúng quy trình của pháp luật và quy định của Ngân hàng K; thu hồi đầy đủ công nợ trong phạm vi khách hàng mình phụ trách” ; Tiếp theo về thời giờ làm việc theo nội quy của Ngân hàng K; Quyền và nghĩa vụ của cá bên được quy định rất rõ trong hợp đồng.

Như vậy, mấu chốt là nội dung hợp đồng đã thỏa thuận việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của công ty và cộng tác viên. Tức là người lao động sẽ được trả lương cho quá trình lao động. Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa “Người sử dụng lao động – Người lao động” đã được ghi nhận trong hợp đồng thông qua quyền quản lý của Ngân hàng K đối với ông B, thể hiện qua Điều 3 – Nghĩa vụ của Cộng tác viên “Trong công việc chịu sự điều hành trực tiếp của Giám đốc Chi nhánh; Chấp hành nghiêm túc nội quy, quy chế của Ngân hàng K, kỹ luật lao động…”

Như vậy, những dấu hiệu trên đã thể hiện đầy đủ bản chất của một hợp đồng lao động; phát sinh mối quan hệ giữa người sử dụng lao động (Ngân hàng K) và người lao động (ông Trần Thanh B).

Vì thế, việc Ngân hàng Kquy định yêu cầu người lao động là ông Trần Thanh B thực hiện biện pháp bảo đảm thông qua hợp đồng cầm cố số 0372/HDCC-GN ngày 09/10/2009 là vi phạm điều cấm của pháp luật lao động.

Thứ hai, về quan hệ tín dụng giữa ông B, bà Q và Ngân hàng K thì ông B, bà Q không có nhu cầu sử dụng vốn, không tồn tại giao dịch vay tài sản.

Mục đích vay vốn theo hồ sơ ngân hàng cung cấp của cả 02 lần vay là để sửa chữa nhà và mua sắm đồ dùng gia đình với tổng số tiền lên đến 660 triệu đồng. Tuy nhiên, trên thực tế căn nhà thế chấp vẫn giữ nguyên hiện trạng từ trước khi vay đến nay, không có bất kỳ thay đổi nào về kết cấu, trang trí nội thất. Khoản vay lần thứ nhất vào tháng 4/2009 với số tiền 400 triệu đồng, với giá cả thời điểm này, số tiền vay có thể xây dựng được một căn nhà 02 tầng mới hoàn toàn. Vậy Ngân hàng đã giám sát mục đích sử dụng vốn như thế nào, mà đến tháng 9/2009 lại tiếp tục cho vay 260 triệu đồng cùng với mục đích như lần thứ nhất? Trên thực tế, việc ông B, bà Q ký các hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp, hợp đồng cầm cố tài sản là chỉ để nhằm bảo đảm, bảo lãnh cho công việc của ông B tại Ngân hàng K. Cụ thể hơn, số tiền trong hai sổ tiết kiệm số CA 110113 ngày 10/04/2009 và số CA 110844 ngày 09/10/2009 dùng để bảo đảm cho công việc của ông B. Nếu ông B không ký kết các hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp để cầm cố hai sổ tiết kiệm trên thì ông B sẽ không được làm việc tại Ngân hàng K. Căn cứ vào  khoản 2 điều 20 Bộ luật lao động 2012 quy định về những hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động:

1. Giữ bản chính giấy tờ tuỳ thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.

2. Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động

Ở đây Ngân hàng K xác lập quan hệ lao động với ông B thì đã buộc ông B, bà Q ký các hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp. Rồi sau đó giải ngân số tiền vay vào hai sổ tiết kiệm số A 110113 ngày 10/04/2009 và số CA 110844 ngày 09/10/2009 để ông B ký hợp đồng cầm cố hai sổ tiết kiệm trên. Như vậy giữa ông B, bà Q không tồn tại quan hệ vay vốn theo quy định của pháp luật. Cụ thể hơn việc ông B, bà Q ký các hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp nhằm để cho ông B ký được hợp đồng cầm cố với ngân hàng để bảo đảm cho công việc của ông B. Theo Điều 326 – Bộ luật Dân sự 2005 có quy định: “Cầm cố tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự”. Đối chiếu với hợp đồng cầm cố tài sản số 0372/HĐCC-GN ngày 09/10/2009 tại khoản 4 điều 3 của hợp đồng cầm cố có ghi rõ về nghĩa vụ của bên cầm cố đó là thực hiện nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi suất quá hạn (nếu có) thay cho khách hàng nếu khách hàng trả nợ không đúng kỳ hạn (mỗi ngày). Như vậy như đã phân tích ở trên công việc của ông B tại Ngân hàng Knhư một nhân viên thẩm định nên kết quả thẩm định khách hàng sẽ ảnh hưởng tới việc thanh toán nợ vay hàng tháng cho ngân hàng. Nói rõ hơn nếu thẩm định khách hàng tốt, khách quan thì mới đánh giá được khả năng thanh toán của họ. Hợp đồng cầm cố bản chất là dùng để bảo đảm các nghĩa vụ phát sinh từ công việc của ông B tại Ngân hàng. Do đó việc Ngân hàng cho vay như trên là vi phạm Điều 9 Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với Ngân hàng Ban hành kèm theo Quyết định số 1627/QĐ – NHNN ngày 31/12/2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Thứ ba, về việc giao nhận tiền của ông B, bà Q:

Ông B, bà Q không nhận tiền vay từ Ngân hàng K. Thể hiện qua việc họ không ký tên trên giấy đề nghị giải ngân kiêm khế ước nhận nợ, không ký nhận tiền trên phiếu chi tiền của Ngân hàng K. Nếu Ngân hàng K thực hiện việc giải ngân khác như chuyển khoản cho ông B, bà Q thì phải có chứng từ chứng minh. Đồng thời ông B, bà Q muốn dùng số tiền vay thì phải giao dịch với Ngân hàng K như là nhận tiền mặt hoặc rút tiền ATM, điều đó đáng lẽ Ngân hàng Kphải rõ và quản lý. Nhưng ở đây Ngân hàng K không chứng minh được việc ông B, bà Q đã nhận tiền vay. Ở các giấy tờ giải ngân, chứng từ chi thì ông B, bà Q không ký tên. Như vậy căn cứ điều 471, Bộ luật dân sự 2005 thì bản chất của việc vay mượn là bên vay nhận tiền thì mới phát sinh trách nhiệm trả nợ cho bên cho vay. Ông B, bà Q không nhận tiền từ Ngân hàng K thì ông B, Bà Q không có trách nhiệm trả nợ gốc, lãi cho Ngân hàng. Việc xác lập hợp đồng cầm cố giữa Ngân hàng K và ông Trần Thanh B gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người khác. Cụ thể là Bà Đỗ Thị Q.

Trong hợp đồng xác lập giữa ông B và Ngân hàng K, tài sản cầm cố đó là Sổ tiết kiệm số CA 110844 có giá trị 260 triệu. Lúc này, đây là khoản tiền có nguồn gốc từ hợp đồng tín dụng số 411 mà ông B và bà Q đã vay từ Ngân hàng K. Được xác định là tài sản chung hợp nhất của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, việc định đoạt cần phải có sự đồng ý của cả hai; ông B một mình đem tài sản này cầm cố cho Ngân hàng để đảm bảo cho hợp đồng cộng tác tín dụng mà không được sự đồng ý của bà Q là vi phạm quy định của Bộ luật Dân sự về việc sử dụng, định đoạt tài sản chung của vợ chồng, vi phạm chế độ tài sản chung mà Luật Hôn nhân gia đình đã quy đinh gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của bà Q. Bộ luật dân sự 2005 quy định về “Sở hữu chung hợp nhất” và “Định đoạt tài sản chung”.

Như vậy, việc xác lập giao dịch này đã vi phạm một trong các nguyên tắc cơ bản của Bộ luật dân sự, cụ thể tại Điều 10 BLDS 2005 quy định:

“Điều 10. Nguyên tắc tôn trọng lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác

(Việc xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác)

Căn cứ vào Khoản 4 Điều 3, Điều 210, Điều 218 Bộ luật dân sự 2015; Điều 15, Điều 20 Bộ luật Lao động 2012; Áp dụng Điều 123, Điều 124 Bộ luật dân sự 2015 tuyên bố Hợp đồng Cộng tác tín dụng số 208/HĐ-CT-2009 ngày 10/04/2009, Hợp đồng cầm cố tài sản số 0372/HDDCC-GN ngày 09/10/2009 giữa Ngân hàng Kvà Ông Trần Thanh B vô hiệu.

Bị đơn khẳng định, giữa bị đơn và nguyên đơn không tồn tại giao dịch vay tài sản. Mà đó là giao dịch nhằm bảo đảm cho công việc của ông B tại Ngân hàng K. Bởi lẽ, Điều 471 Bộ luật Dân sự 2005 quy định: "Hợp đồng vay tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.". Theo đó, Bên vay trở thành chủ sở hữu tài sản vay kể từ thời điểm nhận tài sản đó. (Điều 472 BLDS 2005) .Ở giao dịch này, bà Q không hề trở thành chủ sở hữu tài sản vay bởi lẽ như đã nói ở trên thì ông B, bà Q không nhận tiền từ Ngân hàng K

Từ những phân tích trên việc yêu cầu đòi trả nợ của Ngân hàng K là không có cơ sở. Đề nghị HĐXX không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Thứ tư, về bản chất của giao dịch vay và yêu cầu phản tố tuyên vô hiệu toàn bộ hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp, hợp đồng cầm cố của ồng Bá, bà Q với Ngân hàng K và yêu cầu HĐXX xử lý hệ quả của giao dịch dân sự vô hiệu. Cơ sở để bị đơn đề nghị Tòa án tuyên các hợp đồng nói trên vô hiệu, bởi lẽ:

Đối với hai Hợp đồng tín dụng số 258 và 411:

Việc Ngân hàng Kcho ông bà Bá, Quýt vay tín dụng theo hai hợp đồng số 258 và 411 vi phạm quy định về Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng tại Quyết định 1627/2001:

Cho vay sai mục đích và rơi vào trường hợp nhu cầu vốn không được cho vay:

 “Điều 7. Điều kiện vay vốn

Tổ chức tín dụng xem xét và quyết định cho vay khi khách hàng có đủ các điều kiện sau: …

1. Mục đích sử dụng vốn vay hợp pháp…”

 “Điều 9. Những nhu cầu vốn không được cho vay

1.Tổ chức tín dụng không được cho vay các nhu cầu vốn sau đây: …

b) Để thanh toán các chi phí cho việc thực hiện các giao dịch mà pháp luật cấm;

c) Để đáp ứng các nhu cầu chính của các giao dịch mà pháp luật cấm…”.

Trong hai hợp đồng tín dụng mà phía Ngân hàng K thể hiện mục đích cho vay:

Sửa chửa, mua sắm gia đình. Thế nhưng các khoản vay này khi giải ngân đều không được sử dụng đúng mục đích trong thỏa thuận và thực tế tiền chưa ra khỏi Ngân hàng K. Cụ thể vào ngày 09/10/2009 ông B đề nghị giải ngân các khoản vay theo hai hợp đồng tín dụng nêu trên, cũng trong ngày đó ông B lập hợp đồng cầm cố hai sổ tiết kiệm đó cho phía Ngân hàng để đãm bảo cho hợp đồng Cộng tác tín dụng của ông.

Theo Điều 25 của QĐ 1627 quy định quyền và nghĩa vụ của Tổ chức tín dụng cho vay lúc này tổ chức tín dụng cần phải “Kiểm tra, giám sát quả trình vay vốn, sử dụng vốn vay và trả nợ của khách hàng;” Nhưng phía Ngân hàng K đã không tiến hàng mà còn đồng ý để cho ông B cầm cố hai sổ tiết kiệm bảo đãm cho Hợp đồng cộng tác tín dụng. Ngay từ đầu, ý chí phía Ngân hàng K đã lập hợp đồng tín dụng này thực chất để đãm bảo cho việc ông B ký kết hợp đồng cộng tác chứ không nhằm hổ trợ vốn vay phục vụ cho vợ chồng ông B bà Q như trong nội dung hợp đồng đã thỏa thuận.

Và việc bảo đảm cho hợp đồng cộng tác (Một dạng của hợp đồng lao động). Đây là một giao dịch vi phạm quy định của Bộ luật lao động vì pháp luật lao động nghiêm cấm việc yêu cầu người lao động thực hiện bảo đãm cho hợp đồng lao động.

Như vậy Ngân hàng K đã vi phạm rỏ ràng quy chế cho vay của các tổ chức tín dụng trong việc cung cấp vốn cho ông B bà Q:

- Có yếu tố giả tạo, che dấu một giao dịch khác trong vụ án này – Vô hiệu theo các quy định của Bộ luật dân sự 2005:

- Hai hợp đồng tín dụng số 258 và 411 được giao kết thực chất không phải nhằm mục đích sửa chữa và mua sắm gia đình như đã nêu mà nhằm mục đích làm căn cho việc xác lập Hợp đồng cộng tác tín dụng của ông B. Việc này ý chí phía Ngân hàng K và ông B đã biết ngay từ đầu.

Như vậy, việc hai bên ký Hợp đồng tín dụng rõ ràng chỉ là hình thức nhằm che dấu cho hợp đồng cộng tác tín dụng; Căn cứ vào Bộ luật dân sự 2005 thì hai giao dịch này vô hiệu hoàn toàn, cụ thể:

“Điều129.Giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo

Khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch khác thì giao dịch giả tạo vô hiệu, còn giao dịch bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch đó cũng vô hiệu theo quy định của Bộ luật này. Trong trường hợp xác lập giao dịch giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thì giao dịch đó vô hiệu.”

Căn cứ vào điều 121, 127, 471 Bộ luật dân sự 2005. Bị đơn kính đề nghị HĐXX tuyên các Hợp đồng thế chấp số 0227/HĐTC ngày 07/04/2009, phụ lục số 01 ngày 07/10/2009, các hợp đồng tín dụng số 000258/HĐTD ngày 06/04/2009 và Hợp đồng tín dụng số 00411/HĐTD ngày 30/09/2009, các hợp đồng cầm cố tài sản đối với 02 sổ tiết kiệm số CA 110113 ngày 10/04/2009 và số CA 110844 ngày 09/10/2009 là vô hiệu. Căn cứ vào điều 137 BLDS 2005 Buộc Ngân hàng K phải thanh lý hợp đồng vay, tất toán các khoản nợ vay, tất toán các khoản nợ vay của ông B, bà Q đồng thời buộc Ngân hàng K giải chấp tài sản bảo đảm và giao bản chính Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất số CA149796 cấp ngày 20/07/2005 tại UBND quận S đứng tên bà Đỗ Thị Q cho vợ chồng ông B, bà Q.

Đồng thời, kính đề nghị Hội đồng xét xử xem xét áp dụng các Điều 121, 127,137, 471, Điều 472 Bộ luật Dân sự 2005 tuyên bác yêu cầu khởi kiện của

Nguyên đơn. Đề nghị HĐXX tuyên xử:

- Bác yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn

- Chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn:

- Tuyên các các hợp đồng tín dụng số 000258/HĐTD ngày 06/04/2009 và Hợp đồng tín dụng số 00411/HĐTD ngày 30/09/2009 là vô hiệu;

- Tuyên bố Hợp đồng thế chấp số 0227/HĐTC ngày 07/04/2009, phụ lục số 01 ngày 07/10/2009, các hợp đồng cầm cố tài sản đối với 02 sổ tiết kiệm số CA 110113 ngày 10/04/2009 và số CA 110844 ngày 09/10/2009 là vô hiệu.

- Buộc Ngân hàng K phải thanh lý hợp đồng vay, tất toán các khoản nợ vay, tất toán các khoản nợ vay của ông B, bà Q đồng thời buộc Ngân hàng Kgiải chấp tài sản bảo đảm và giao bản chính Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất số CA149796 cấp ngày 20/07/2005 tại UBND quận S đứng tên bà Đỗ Thị Q cho vợ chồng ông B, bà Q.

- Buộc Ngân hàng K giải quyết hệ quả của các giao dịch vô hiệu, trả lại cho bà Q số tiền 172.808.489 triệu đồng.

* Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân quận S phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng dân sự kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án và phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án.

Việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử vụ án, Thư ký phiên tòa trong quá trình giải quyết vụ án, kể từ khi thụ lý cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án:

* Việc tuân theo pháp luật trong thời gian chuẩn bị xét xử:

* Việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán: Qua kiểm sát việc giải quyết vụ án từ khi thụ lý vụ án thời điểm này thấy rằng:

- Thụ lý vụ án đúng thẩm quyền luật định; đảm bảo về thời hạn giải quyết vụ án theo quy định tại Điều 203 BLTTDS;

- Xác định đúng về các mối quan hệ tranh chấp và tư cách những người tham gia tố tụng;

- Tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải theo đúng quy định của BLTTDS 2015;

- Quyết định đưa vụ án ra xét xử và các thủ tục tố tụng khác theo quy định tại Điều 48 BLTTDS;

- Tiến hành thu thập chứng cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 97 BLTTDS;

- Đã thực hiện đầy đủ việc cấp, tống đạt các văn bản tố tụng của Tòa án theo quy định của pháp luật cho đương sự, Viện kiểm sát.

* Việc tuân theo pháp luật của Hội đồng xét xử:

Qua xem xét về Thành phần HĐXX (qua Quyết định đưa vụ án ra xét xử) thấy đúng theo quy định tại Điều 63 BLTTDS về phiên tòa sơ thẩm.

* Việc tuân theo pháp luật của thư ký:

- Thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình được quy định tại khoản 5 Điều 51 BLTTDS.

Việc tuân theo pháp luật tố tụng của người tham gia tố tụng dân sự trong quá trình giải quyết vụ án, kể từ khi thụ lý cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án:

* Nguyên đơn: Ngân hàng K:Từ khi thụ lý vụ án đến thời điểm hiện nay nguyên đơn đã thực hiện quyền và nghĩa vụ được quy định tại Điều 70, 71 BLTTDS 2015: cung cấp bản tự khai cho TA, tham gia đầy đủ các buổi hòa giải và phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ, tham gia phiên tòa.Tuy nhiên việc giao nộp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án Ngân hàng K vẫn chưa được phía nguyên đơn thực hiện đầy đủ tài liệu

* Bị đơn: Ông Trần Thanh B: Từ khi thụ lý vụ án đến thời điểm hiện nay ông B đã không thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ được quy định tại Điều 70, 72 BLTTDS 2015 như: không cung cấp bản tự khai cho Tòa án, không tham gia bất kỳ các buổi hòa giải và phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ, tham gia phiên tòa dù đã được Tòa án triệu tập hợp lệ.

Đại diện cho bị đơn bà Đỗ Thị Q là ông Nguyễn Trọng K: Từ khi thụ lý vụ án đến thời điểm hiện nay đã thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ được quy định tại Điều 70, 72 BLTTDS 2015: cung cấp bản tự khai cho TA, tham gia đầy đủ các buổi hòa giải và phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ, tham gia phiên tòa.

Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan: Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Đà Nẵng: chưa thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan được quy định tại Điều 70, 73  Bộ Luật tố tụng dân sự 2015: không cung cấp bản tự khai cho Tòa, không tham gia phiên hòa giải và phiên họp kiểm tra việc giao nộp chứng cứ ngày 13/10/2017, ngày 15/01/2018; ngày 15/3/2018,

* Đối với những người tham gia tố tụng khác: Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn: đã thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình được quy định tại Điều 77, 86 BLTTDS 2015.

Về ý kiến giải quyết vụ án:

Để thực hiện hợp đồng cộng tác viên tín dụng, Ngân hàng K đã yêu cầu ông Trần Thanh B phải thực hiện biện pháp bảo đảm để ràng buộc trách nhiệm của ông Trần Thanh B đối với ngân hàng. Cụ thể Ngân hàng đã buộc ông Trần Thanh B, bà Đỗ Thị Q phải ký hợp đồng tín dụng số 000258/HĐTD ngày 06/04/2009 và Hợp đồng tín dụng số 00411/HĐTD ngày 30/09/2009, hợp đồng thế chấp Hợp đồng thế chấp số 0227/HĐTC ngày 07/04/2009, phụ lục số 01 ngày 07/10/2009

- Sau khi ký xong 02 Hợp đồng tín dụng số 000258/HĐTD ngày 06/4/2009 và Hợp đồng tín dụng số 000411/HĐTD ngày 30/9/2009, vào ngày 10/4/2009 và ngày 9/10/2009, Ngân hàng lập Giấy đề nghị giải ngân kiêm khế ước nhận nợ. Tuy nhiên trong 02 Giấy đề nghị giải ngân kiêm khế ước nhận nợ mà Ngân hàng cung cấp này, theo Kết luận giám định chữ ký của phân viện Khoa học hình sự tại TP. Đà Nẵng đã kết luận: “Chữ ký, chữ viết mang tên Đỗ Thị Q dưới mục người vay trên tài liệu cần giám định A1, A2, A3 (Giấy đề nghị giải ngân kiêm khế ước nhận nợ) so với chữ ký, chữ viết trên tài liệu mẫu so sánh M1, M2 (Biên bản làm việc nợ quá hạn) không phải do cùng một người viết và ký ra”. Đồng thời tại phiếu chi được lập cùng ngày lập Giấy đề nghị giải ngân kiêm kế ước nhận nợ do Ngân hàng cung cấp, chỉ có một mình ông B ký vào phần người nhận tiền.

- Sau đó Ngân hàng K liền lập hai sổ tiết kiệm đứng tên một mình ông B bằng đúng với số tiền Ngân hàng đã cho ông B, bà Q vay.

- Sau khi lập 02 sổ tiết kiệm nêu trên, Ngân hàng K và ông B tiến hành lập Hợp đồng cầm cố tài sản, mục đích là để thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho các khách hàng vay trả góp tại Ngân hàng K do ông B thẩm định, bảo lãnh khi khách hàng không trả đúng, trả đủ theo Hợp đồng vay vốn dưới bất cứ hình thức nào, tài sản cầm cố là hai sổ tiết kiệm nêu trên.

- Như vậy giữa ông B, bà Q không tồn tại quan hệ vay vốn theo quy định của pháp luật, thực chất ông B, bà Q không nhận tiền vay từ 02 hợp đồng tín dụng nêu trên. Hiện nay hai sổ tiết kiệm nêu trên, Ngân hàng K đã tất toán cho mọi khoản nợ của ông B tại Ngân hàng.

- Trên thực tế ông B, bà Q không có nhu cầu vay vốn cũng như nhận tiền vay từ Ngân hàng K.

- Do đó việc Ngân hàng cho vay như trên là vi phạm Điều 9 Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với Ngân hàng Ban hành kèm theo quyết định số 1627/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

- Việc này cũng phù hợp với kết luận của Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng như sau: “Hoạt động cho vay giữa ông B và Chi nhánh Ngân hàng K nhằm để thực hiện giao dịch khác là HĐ cộng tác viên tín dụng, các quan hệ phát sinh trong giao kết các hoạt động trên đều là quan hệ dân sự, không có dấu hiệu hình sự; Xét thấy các tài liệu của Chi nhánh Ngân hàng K có một số văn bản, thủ tục không đảm bảo. Tuy nhiên dấu hiệu của việc gây hậu quả thiệt hại đối với Ngân hàng này chưa xảy ra.”.

* Đối với yêu cầu phản tố của bị đơn bà Đỗ Thị Q thì thấy: Việc ký các 02 Hợp đồng tín dụng vay mượn nêu trên, thực chất là để ngụy tạo cho một giao dịch khác, đó là để đảm bảo cho hợp đồng lao động của ông B tại Ngân hàng K. Như vậy việc ký 02 hợp đồng tín dụng trên là giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo theo quy định tại Điều 192 BLDS năm 2005. Giữa bị đơn và nguyên đơn không tồn tại giao dịch vay tài sản. Mà đó là giao dịch nhằm bảo đảm cho công việc của ông B tại Ngân hàng K.

Vì vậy yêu cầu của bà Đỗ Thị Q về việc tuyên bố Hợp đồng tín dụng số 000258/HĐTD ngày 06/4/2009 và Hợp đồng tín dụng số 00411/HĐTD ngày 30/9/2009, Hợp đồng thế chấp tài sản số 0227/HĐTC ngày 07/4/2009, Phụ lục hợp đồng số 01 ngày 07/10/2009, Các hợp đồng cầm cố tài sản đối với 02 sổ tiết kiệm số CA 110113 ngày 10/4/2009 và số CA 110844 ngày 09/10/2009vô hiệu là có cơ sở, cần chấp nhận yêu cầu của bị đơn bà Q;

- Đề nghị HĐXX không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn.

- Chấp nhận các yêu cầu phản tố của bị đơn về việc: Tuyên các các hợp đồng tín dụng số 000258/HĐTD ngày 06/04/2009 và Hợp đồng tín dụng số 00411/HĐTD ngày 30/09/2009 là vô hiệu; Tuyên bố Hợp đồng thế chấp số 0227/HĐTC ngày 07/04/2009, phụ lục số 01 ngày 07/10/2009, các hợp đồng cầm cố tài sản đối với 02 sổ tiết kiệm số CA 110113 ngày 10/04/2009 và số CA 110844 ngày 09/10/2009 là vô hiệu.

- Buộc Ngân hàng K phải thanh lý hợp đồng vay, tất toán các khoản nợ vay, tất toán các khoản nợ vay của ông B, bà Q đồng thời buộc Ngân hàng K giải quyết tài sản bảo đảm và giao bản chính Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất số CA149796 cấp ngày 20/07/2005 tại UBND quận S đứng tên bà Đỗ Thị Q cho vợ chồng ông B, bà Q.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên toà và căn cứ kết quả tranh luận tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về phần thủ tục:

Đơn khởi kiện của Ngân hàng K nộp tại tòa án là đúng thủ tục và đúng thẩm quyền được quy định tại khoản 3 điều 26; điểm a khoản 1 điều 35 và điểm a khoản 1 điều 39 của Bộ luật tố tụng dân sự.

Bị đơn - ông Trần Thanh B mặc dù đã được Tòa án triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai nhưng vẫn vắng mặt tại phiên tòa. Vì vậy, Hội đồng xét xử căn cứ điểm b khoản 2 điều 227 Bộ luật tố tụng dân sự để xét xử vắng mặt ông Trần Thanh B.

[2] Về nội dung vụ án:

Ông Trần Thanh B và bà Đỗ Thị Q có kí với Ngân hàng K02 hợp đồng tín dụng số 000258/HĐTD ngày 6/4/2009, số 000411/HĐTD ngày 30/9/2009 và 01 Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất số 0227/HĐTC ngày 06/04/2009, phụ lục Hợp đồng thế chấp ngày 30/9/2009. Trong đó ông B, bà Q đã dùng tài sản là ngôi nhà và đất ở tại K82/26 Nguyễn Duy Hiệu, P. An Hải Đông, quận S, TP. Đà Nẵng theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AC 149796 do UBND quận S, TPĐN cấp ngày 20/7/2005 để đảm bảo cho khoản vay với số tiền 660.000.000đ.

Theo phía nguyên đơn là do ông B thiếu đôn đốc những khách hàng mà ông thẩm định để cho vay tín chấp đã không trả nợ đúng hạn, đồng thời ông B không có thiện chí cùng Ngân hàng K đi đòi nợ những khách hàng trên nên Ngân hàng K đã khấu trừ số tiền mà ông B đã thế chấp bằng 02 sổ tiết kiệm 660.000.000đ để đảm bảo các khoản vay của khách hàng và đã tất toán 02 sổ tiết kiệm trên. Nếu các khách hàng của ông B trả nợ đầy đủ, đúng hạn thì giữa Ngân hàng K và ông B, bà Q sẽ không phát sinh số nợ trên.Sau khi không đôn đốc được việc khách hàng trả nợ ông B đã tự ý nghỉ việc.

Vì vậy Ngân hàng K đề nghị Tòa án buộc ông B, bà Q phải thanh toán dứt điểm khoản nợ trên và tiền lãi phát sinh tính tới thời điểm ngày 08/10/2018 là 1.258.754.439 đồng (Một tỷ, hai trăm năm mươi tám triệu bảy trăm năm mươi bốn ngàn bốn trăm ba mươi chín đồng). Trường hợp ông B, bà Q không thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì Ngân hàng K đề nghị Tòa án xử lý tài sản thế chấp thuộc quyền sử dụng, sở hữu của ông B, bà Q là nhà và đất tại K82/26 Nguyễn Duy Hiệu, P. An Hải Đông, quận S, TP. Đà Nẵng theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AC 149796 do UBND quận S, ĐN cấp ngày 20/7/2005.

[3]Xét yêu cầu của nguyên đơn thì thấy:

Thực chất của việc ký 02 Hợp đồng tín dụng số 000258/HĐTD ngày 06/4/2009 và Hợp đồng tín dụng số 000411/HĐTD ngày 30/9/2009 là để đảm bảo cho việc làm của ông B tại Ngân hàng K vì ông B là nhân viên cộng tác tín dụng của Ngân hàng K theo Hợp đồng cộng tác viên tín dụng số 2008/HĐTC-2009 ngày 10/4/2009. Vì do không có nhu cầu vay vốn và trên thực tế ông B, bà Q cũng không nhận tiền vay của Ngân hàng, do đó bà Q không ký tên trên Giấy đề nghị giải ngân kiêm khế ước nhận nợ, không ký nhận tiền trên phiếu chi tiền khi ngân hàng giải ngân.

Sau khi ký 02 Hợp đồng tín dụng trên, trong cùng 01 ngày Ngân hàng K đã tiến hành làm 02 Sổ tiết kiệm đứng tên một mình ông Trần Thanh B, là sổ tiết kiệm số CA110113 ngày 10/4/2009 với số tiền 400.000.000đ và sổ tiết kiệm CA110884 ngày 09/10/2009 với số tiền 260.000.000đ, bằng đúng với số tiền ông B và bà Q đã ký trong 02 Hợp đồng tín dụng.

Sau khi lập 02 sổ tiết kiệm nêu trên, cũng trong cùng một ngày, giữa ông B và Ngân hàng K có ký 02 Hợp đồng cầm cố tài sản số 01/HĐCC-GN ngày 10/4/2009 và Hợp đồng cầm cố tài sản số 0372/HĐCC-GN ngày 09/10/2009. Tài sản cầm cố của 02 HĐ cầm cố này là 02 sổ tiết kiệm vừa lậpnêu trên. Mục đích của việc cầm cố sổ tiết kiệm là để:“thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay (gốc và lãi) cho tất cả các khách hàng vay trả góp tại Ngân hàng K do ông Trần Thanh B thẩm định, bảo lãnh khi khách hàng không trả đúng và đủ theo Hợp đồng vay vốn với bất kỳ lý do gì, kể cả phát sinh do tiêu cực hoặc do ông B chiếm dụng”.

Tại phiên tòa, đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn cũng xác nhận: Việc ông B bà Q vay tiền của ngân hành sau đó ông B cầm cố tài sản là sổ tiết kiệm lại cho ngân hàng là nhằm đảm bảo các khoản vay tín chấp của khách hàng mà ông B cho vay. Hiện nay các khách hàng trên vẫn còn hợp đồng vay với ngân hàng nhưng do ông B không hợp tác đi đòi nợ cùng ngân hàng nên ngân hàng mới kiện ông B. Còn nếu khách hàng trả đủ thì 02 sổ tiết kiệm trên sẽ được tất toát thay cho khoản nợ vay của vợ chồng ông B, bà Q.

Như vậy việc ký kết các hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp, hợp đồng cầm cố là giả tạo, chỉ để che dấu mục đích thực sự đó là Ngân hàng ràng buộc trách nhiệm với những cộng tác viên ngân hàng. Số tiền trong sổ tiết kiệm được xem như một khoản tiền ký quỹ đảm bảo cho công việc của cộng tác viên. Hiện nay danh sách những khách hàng vay tiền của Ngân hàng K do ông B phụ trách vẫn còn thì Ngân hàng K có quyền khởi kiện những người này để yêu cầu trả nợ.

Căn cứ Điều 127, 129, BLDS năm 2005 thì yêu cầu đòi trả nợ của Ngân hàng K là không có cơ sở, HĐXX không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng K về việc buộc ông B, bà Q phải trả số tiền 1.258.754.439 đồng (Một tỷ, hai trăm năm mươi tám triệu bảy trăm năm mươi bốn ngàn bốn trăm ba mươi chín đồng)

[4]Về yêu cầu phản tố của bị đơn:

Đối với yêu cầu phản tố của bị đơn bà Đỗ Thị Q thì thấy: Việc ký các 02 hợp đồng tín dụng vay mượn nêu trên, thực chất là để ngụy tạo cho một giao dịch khác, đó là để đảm bảo cho hợp đồng lao động của ông B tại Ngân hàng K. Như vậy việc ký 02 hợp đồng tín dụng trên là giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo theo quy định tại Điều 192 BLĐS năm 2005. Giữa bị đơn và nguyên đơn không tồn tại giao dịch vay tài sản. Mà đó là giao dịch nhằm bảo đảm cho công việc của ông B tại Ngân hàng K.

Ở giao dịch này, bà Q, ông B không hề trở thành chủ sở hữu tài sản vay bởi lẽ như đã phân tích ở trên thì ông B, bà Q không nhận tiền từ Ngân hàng K. Như vậy Ngân hàng K tạo ra giao dịch vay vốn với ông B, bà Q là giao dịch dân sự giả tạo, đó không phải là giao dịch dân sự vay mượn như quy định tại điều 121, 127, điều 471 Bộ luật dân sự 2005. Cụ thể ông B, bà Q ký hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp với mục đích là để Ngân hàng K giải ngân số tiền vay vào 02 sổ tiết kiệm để ông B ký hợp đồng cầm cố với Ngân hàng để bảo đảm cho công việc của ông B khi làm công tác viên cho ngân hàng.

Vì vậy yêu cầu của bà Đỗ Thị Q về việc tuyên bố Hợp đồng tín dụng số 000258/HĐTD ngày 06/4/2009 và Hợp đồng tín dụng số 00411/HĐTD ngày 30/9/2009, Hợp đồng thế chấp tài sản số 0227/HĐTC ngày 07/4/2009, Phụ lục hợp đồng số 01 ngày 07/10/2009, Các hợp đồng cầm cố tài sản đối với 02 sổ tiết kiệm số CA 110113 ngày 10/4/2009 và số CA 110844 ngày 09/10/2009 vô hiệu là có cơ sở, cần chấp nhận yêu cầu của bị đơn bà Q;

* Về xử lý hậu quả do Hợp đồng vô hiệu:

Theo quy định tại Điều 137 BLDS năm 2005 quy định về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu thì:

1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập.

2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường.

Như vậy theo quy định tại điều 137 BLDS, đối với yêu cầu TAND quận S buộc Ngân hàng K phải thanh lý hợp đồng vay, tất toán các khoản nợ vay của ông B, bà Q đồng thời buộc Ngân hàng K giải chấp tài sản đảm bảo và giao bản chính Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CA 149796 cấp ngày 20/7/2005 tại UBND quận S đứng tên bà Đỗ Thị Q cho vợ chồng ông B, bà Q là có cơ sở, cần chấp nhận yêu cầu phản tố của bà Q.

[5] Đối với yêu cầu của bị đơn tại phiên tòa, buộc Ngân hàng K giải quyết hệ quả của các giao dịch vô hiệu, trả lại cho bà Q số tiền 172.808.489đ thì thấy: từ khi ký hợp đồng vay tiền của Ngân hàng K đến nay bà Q và ông B chưa nộp vào ngân hàng đồng tiền lãi và gốc nào, số tiền trên là do Ngân hàng khấu trừ trong số tiền của 02 sổ tiết kiệm 660.000.000đ mà ông B cầm cố cho ngân hàng để đảm bảo khoản nợ vay của khách hàng, đồng thời yêu cầu trên là vượt quá yêu cầu trong đơn phản tố nên HĐXX không xem xét yêu cầu này. Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích cho bị đơn bà Đỗ Thị Q, ông Trần Khánh L thống nhất như lời trình bày của ông Nguyễn Trọng K đại diện theo ủy quyền của bà Q.

[6] Do không được chấp nhận yêu cầu nên Ngân hàng K phải chịu án phí DSST 49.762.633 đ và án phí do chấp nhận yêu cầu phản tố của bà Q là 300.000đ. Sau khi khấu trừ số tạm ứng án phí đã nộp số tiền án phí còn lại phải chịu là 27.749.394đ ; hoàn trả cho bà Q số tiền tạm ứng án phí đã nộp 300.000đ.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ các Điều 121, 127,137, 471, Điều 472 Bộ luật Dân sự 2005, Điều 7, 9 Quy chế cho vay của các tổ chức tín dụng.

1.Tuyên xử: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Ngân hàngK về việc buộc ông Trần Thanh B và bà Đỗ Thị Quyết phải thanh toán số tiền 1.258.754.439 đồng (trong đó tiền gốc là:  629.862.549đ và tiền lãi tính đến ngày 08/10/2018 là: 628.891.890đ) và yêu cầu xử lý tài sản thế chấp là ngôi nhà và đất ở tại K82/26 Nguyễn Duy Hiệu, phường A, quận S, Thành phố Đà Nẵng theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu đất số AC 149796 do UBND Quận S Tp Đà Nẵng cấp ngày 20/07/2005.

2. Chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của bị đơn. 

Tuyên, các các hợp đồng tín dụng số 000258/HĐTD ngày 06/04/2009 và Hợp đồng tín dụng số 00411/HĐTD ngày 30/09/2009 giữa Ngân hàng Kvới ông Trần Thanh B và bà Đỗ Thị Q là vô hiệu; Tuyên bố Hợp đồng thế chấp số 0227/HĐTC ngày 07/04/2009, phụ lục số 01 ngày 07/10/2009, các hợp đồng cầm cố tài sản đối với 02 sổ tiết kiệm số CA 110113 ngày 10/04/2009 và số CA 110844 ngày 09/10/2009 là vô hiệu.

- Buộc Ngân hàng K phải thanh lý hợp đồng vay, tất toán các khoản nợ vay, tất toán các khoản nợ vay của ông Trần Thanh B và bà Đỗ Thị Q đồng thời buộc Ngân hàng K giao lại bản chính Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất số CA149796 cấp ngày 20/07/2005 tại UBND quận S đứng tên bà Đỗ Thị Q cho vợ chồng ông B, bà Q.

3. Án phí DSST: Ngân hàng K phải chịu án phí DSST là 50.062.633đ, sau khi khấu trừ số tiền tạm ứng án phí 22.313.239đ đã nộp tại biên lai thu số 0001507 ngày 08/02/2017 tại Chi cục thi hành án dân sự quận S, TP. Đà Nẵng, số tiền án phí còn lại phải chịu là 27.749.394đ (Hai mươi bảy triệu bảy trăm bốn mươi chín nghìn ba trăm chín mươi tư đồng). hoàn trả cho bà Q số tiền tạm ứng án phí đã nộp 300.000đ theo biên lai thu số 0001747 ngày 14/6/2017 tại Chi cục thi hành án dân sự quận S, TP. Đà Nẵng.

Báo cho nguyên đơn, bị đơn biết có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án sơ thẩm. Riêng người vắng mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được cấp tống đạt hoặc nhận bản sao bản án hợp lệ.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

823
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 26/2018/DS-ST ngày 11/10/2018 về tranh chấp hợp đồng tín dụng

Số hiệu:26/2018/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Quận Sơn Trà - Đà Nẵng
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 11/10/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;