Bản án 24/2017/DS-ST ngày 19/09/2017 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do sức khỏe bị xâm phạm

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN HỒNG NGỰ, TỈNH ĐỒNG THÁP

BẢN ÁN 24/2017/DS-ST NGÀY 19/09/2017 VỀ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG DO SỨC KHỎE BỊ XÂM PHẠM

Ngày 19 tháng 9 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Hồng Ngự, xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 68/2017/TLST-DS ngày 15 tháng 5 năm 2017, về tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do sức khỏe bị xâm phạm, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 58/2017/QĐXXST-DS ngày 28 tháng 8 năm 2017, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Chị Đỗ Thị P, sinh năm 1980; Người đại diện hợp pháp cho nguyên đơn chị Đỗ Thị P theo ủy quyền là bà Trần Thị Đ (tên khác: D), sinh năm 1952 (Văn bản ủy quyền ngày 16/8/2017); Cùng địa chỉ cư trú: ấp Long T, xã T, huyện N, tỉnh ĐT. Có mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn chị Đỗ Thị P ông Lê Phi T là Luật sư cộng tác viên của Chi nhánh trợ giúp pháp lý số 02 thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh ĐT; Địa chỉ: ấp 1, xã P, huyện T, tỉnh ĐT. Có mặt.

2. Bị đơn: Anh Nguyễn Trần K, sinh năm 1975; Chị Trương Bửu B, sinh năm 1975; Bà Lý Thị S, sinh năm 1942; Người đại diện hợp pháp cho bị đơn bà Lý Thị S theo ủy quyền là anh Nguyễn Trần K, sinh năm 1975 (Văn bản ủy quyền ngày 22/6/2017); Cùng địa chỉ cư trú: ấp Long T, xã T, huyện N, tỉnh ĐT. Có mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn bà Lý Thị S: Bà Lê Thị Ngọc T là Luật sư cộng tác viên của Chi nhánh trợ giúp pháp lý số 02 thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh ĐT; Địa chỉ: ấp 1, xã T, huyện N, tỉnh ĐT. Có mặt; Bà Lê Hồng D là trợ giúp viên pháp lý của chi nhánh trợ giúp pháp lý số 02 thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh ĐT; Địa chỉ: phường A, thị xã N, tỉnh ĐT. Vắng mặt.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Chị Hồ Thị L, sinh năm 1982;

Địa chỉ cư trú: ấp Long T, xã T, huyện HN, tỉnh ĐT. Vắng mặt.

4. Người làm chứng: Anh Nguyễn Phước T, sinh năm 1976; Anh Nguyễn Quốc D, sinh năm 1978; Anh Nguyễn Văn M, sinh năm 1989; Ông Phan Văn H, sinh năm 1951; Anh Huỳnh Văn C, sinh năm 1976; Anh Nguyễn Văn T, sinh năm 1978; Bà Hồ Thị N (tên khác: Bảy N), sinh năm 1957; Cùng địa chỉ cư trú: ấp Long T, xã T, huyện N, tỉnh ĐT. Vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện ngày 11/5/2017, trong quá trình tiến hành tố tụng và tại phiên tòa nguyên đơn chị Đỗ Thị P do bà Trần Thị Đ đại diện, trình bày:

Khoảng 07 giờ, ngày 16/12/2016 tại nhà anh Nguyễn Văn T. Chị B, chị L đang cự cãi nhau nên chị P khuyên và kêu chị L về để chị B buôn bán. Sau đó, anh K chồng chị B chạy xe đến, chửi thề và dùng tay phải đánh trúng vào mắt phải của chị P làm chị P té xuống đất, chị P vừa ngồi dậy thì bị anh K dùng tay trái đánh liên tiếp hai cái, một cái trúng mặt, một cái trúng vào vai, còn chị B dùng chân đạp vào bụng của chị P một cái, bà S dùng tay đánh vào vai của chị P một cái.

Sau đó, chị P lấy dép chọi lại chị B nhưng không trúng. Khi anh K đánh chị P thì bị chị P thấy trên tay anh K có cầm một con dao. Việc anh K khai bị chị P đánh vào mặt, vào lưng là không đúng sự thật. Chị P không có đánh anh K. Sự việc xảy ra có sự chứng kiến của anh T, bà N, anh C, anh D, ông H và nhiều người khác mà chị P không biết tên, nhưng không ai can ngăn và cũng không có ai đồng ý làm chứng.

Sau khi bị đánh chị P đến trạm y tế xã Long T điều trị khoảng 10 phút, thấy khỏe thì chị P đi về nhà đến khoảng 18 giờ 30 phút ngày 16/12/2016 thì chị P vào bệnh viện thị xã C điều trị lần đầu được 08 ngày, từ ngày 16 đến ngày 24/12/2016. Khi xuất viện về nhà chị P thấy nhức mắt, lối, mệt, thở không nổi nên vào bệnh viện thị xã C điều trị tiếp lần hai được 07 ngày, từ ngày 27/12 đến ngày 03/01/2017.

Chị P đi nhập viện bằng xe mô tô nhà và xe ôm. Hiện tại sức khỏe của chị P bình thường nhưng lâu lâu cũng tức lối, hơi hơi mệt. Khi chị P bị gia đình chị B đánh thì chị P đang mang thai được 02 tháng. Chị P buôn bán hủ tíu, thu nhập mỗi ngày khoảng 200.000đ, vì bị anh K, chị B đánh nên chị P phải nghĩ ở nhà dưỡng bệnh trong 03 tháng. Chi phí chị P điều trị thương tích cụ thể như sau:

1. Tại trạm y tế xã Long T tiền chích thuốc 40.000đ.

2. Tại bệnh viện thị xã C hai lần:

- Lần 1: Có hóa đơn bán hàng ngày 24/12/2016 bao gồm: Xét nghiệm :133.000đ; Thuốc + VTYT: 142.843đ; X-quang: 115.000đ, siêu âm: 35.000đ; Giường bệnh: 360.000đ. Tổng cộng: 785.843đ.

- Lần 2: Có hóa đơn bán hàng ngày 03/01/2017 bao gồm: X-quang: 38.000đ; Giường bệnh: 480.000đ; Xét nghiệm: 133.000đ; Thuốc + VTYT: 150.517đ; Siêu âm: 35.000đ; CN: 28.000đ. Tổng cộng: 864.517đ.

3. Tiền ăn, uống: 130.000đ/ngày x 15 ngày = 1.950.000đ.

4. Tiền xe: Mỗi lần đi về là 60.000đ x 04 lần đi về/ngày x 14 ngày = 3.360.000đ.

5. Tiền đò đi về: 6.000đ x 14 lần đi về (14 ngày) = 84.000đ.

6. Tiền mất thu nhập: 200.000đ x 60 ngày = 12.000.000đ.

Tổng cộng tất cả các khoản là: 19.084.000đ nhưng chị P yêu cầu anh K, chị B, bà S liên đới bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm cho chị là 19.000.000đ. Không yêu cầu bồi thường tổn thất tinh thần và xử lý hình sự đối với anh K, chị B và bà S. Tại phiên tòa bà Đ không yêu cầu bà S liên đới bồi thường. Vì bà S chỉ nắm đầu chị P nên bà bỏ qua cho bà Đ.

Trong quá trình tiến hành tố tụng và tại phiên tòa sơ thẩm:

Bị đơn anh Nguyễn Trần K cũng là người đại diện hợp pháp cho bà Lý Thị S theo ủy quyền, trình bày: Anh là chồng của chị Trương Bửu B, con rể của bà Lý Thị S. Không nhớ ngày tháng năm anh thấy chị B, chị L cự cãi với nhau nên anh la vợ anh và chị L sáng sớm không lo làm ăn mà gây gổ làm gì. Anh nói xong thì lên xe chạy đi một hồi thì có người điện kêu tô mì, anh chạy lại chỗ chị B bán thì anh thấy chị B, chị L, chị P đang cự cải ôm xồm, anh mới dựng xe đi vào và dùng hai tay đẩy (xô) chị L ra thì tay chị L gạt tay anh ra, do chị P đứng gần chị L nên trúng vào gò má chị P. Anh và bà S không có đánh chị P. Lúc đó bà S đứng sau lưng anh, chị P dùng tay đánh vô lưng anh hai cái liên tiếp nên bà S thấy vậy tính đưa tay nắm tóc chị P đánh nhưng không trúng, vì lúc đó chị P hụp xuống lấy dép và có người lôi bà S ra nên không đánh được chị P. Chị P còn lấy dép đánh vào đầu anh thêm hai cái.

Nay chị P yêu cầu anh, chị B, bà S liên đới bồi thường 19.000.000đ. Anh chấp nhận một phần yêu cầu, thống nhất bồi thường tiền thuốc và chi phí điều trị khác 1.700.000đ, do chuyện xui rủi, nghĩ tình chòm xóm cho thêm 1.300.000đ. Tổng cộng là 3.000.000đ, các phần còn lại không đồng ý bồi thường. Khi hòa giải bà S thống nhất liên đới bồi thường tiền thuốc cho chị P 2.000.000đ nhưng tại phiên tòa anh đại điện cho bà S không chấp nhận toàn bộ yêu cầu của chị P.

Bị đơn chị Trương Bửu B trình bày: Không nhớ ngày, khoảng tháng 11 năm 2016. Chị có cự cãi với chị L, thấy chị L cầm một cái ly, chị hỏi chị L muốn đánh lộn hay gì, chị L trả lời “đánh lộn không nằm vạ”, chị L ở cùng xóm can ra, hai người giãn ra nhưng vẫn tiếp tục cự cãi do chị P tưởng chị và chị L đánh nhau nên chị P lấy dép đánh chị. Anh K lại đẩy (xô) chị L ra, chị P đang đứng gần đó nên trúng vào mặt chị P. Chị P đánh vào lưng anh K và dùng dép đánh trúng mặt chị nên chị có dùng chân phải đạp vào bụng chị P một cái. Bà S không có đánh chị P. Nay chị P yêu cầu chị, anh K, bà S liên đới bồi thường 19.000.000đ. Chị chấp nhận một phần yêu cầu. Chị đồng ý bồi thường 3.000.000đ như anh K đã trình bày, phần còn lại không đồng ý bồi thường.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chị Hồ Thị L, trình bày: Chị không nhớ ngày tháng năm 2016 chị đang ngồi quán của ông H cùng chồng chị P là anh Nguyễn Phước T nói chuyện về truyền hình mặt đất thì chị B thấy và chửi chị bằng những lời nói khó nghe. Nguyên nhân chị B chửi chị là do chị B nghĩ chị nói xấu gia đình chị B. Ngày hôm sau gặp chị B đang bán bún tại quán nhà anh Nguyễn Văn T thì chị hỏi chị B làm gì mà hôm qua chửi chị thì chị B chửi chị và còn rủ chị đánh nhau. Sau đó chị P nhìn thấy chị và chị B lời qua tiếng lại. Chị P can chị và chị B ra thì anh K dùng tay phải đánh trúng mắt chị P một cái, chị B đá vào bụng chị P một cái, bà S đánh vào vai chị P một cái. Chị P không có đánh anh K, chị B. Lúc đó chị đứng cách chị P, anh K khoảng 4-5m. Sau khi bị đánh chị thấy chị P mắt bị sưng, bầm nâu, không thấy chảy máu. Ngoài ra, không thấy chị P có thương tích nào khác. Chị P điều trị tại Trạm y tế xã Long T, bệnh viện thị xã C hai lần, chị P bán hủ tíu thu nhập mỗi ngày được 200.000đ, chồng chị P là anh Văn T làm thợ hồ. Sau khi bị đánh chị P không buôn bán 03 tháng. Vì mỗi ngày chị đều đến thăm chị P nên biết.

Người làm chứng:

Anh Nguyễn Phước T, trình bày: Anh là chồng của chị Đỗ Thị P, sự việc xảy ra anh không có trực tiếp chứng kiến, chiều đi làm về anh mới hay và đưa chị P vào bệnh viện thị xã C điều trị. Anh không nhớ ngày tháng năm, có lần buổi chiều anh và chị L ngồi ở quán cà phê anh H thì chị B đi ngang chửi xuyên chửi xéo nhưng anh không biết chửi ai. Lúc đó chị L nói chắc chửi mình. Ngoài ra, anh không biết gì hết. Lúc chị P nằm viện điều trị anh có đi chăm sóc được 15 ngày, chi phí điều trị, ăn uống, mất thu nhập như chị P trình bày là 19.000.000đ. Khi chăm sóc chị P thì anh đang làm phụ hồ mỗi ngày được 180.000đ. Anh không có ý kiến hay yêu cầu bồi thường tiền mất thu nhập gì cả.

Anh Nguyễn Quốc D, trình bày: Khoảng 07 giờ ngày 16/12/2016 anh đang ở nhà nhìn qua thì thấy chị B đang cự cãi với chị L tại nhà anh Văn T, chị L rủ chị B đánh nhau nhưng chưa đánh thì anh K chạy xe đến can ngăn hai người ra. Đồng thời chồng chị L cũng ôm chị L kéo về. Lúc này anh thấy chị P đến chỗ cự cãi và cầm chiếc dép trên tay định đánh chị B thì chị B dùng chân đạp trúng bụng chị P một cái nhưng không nhớ là chân nào, còn anh K đứng ở giữa dùng hai tay can ngăn chị B và chị P ra hai bên thì chị P cầm dép đánh trúng mặt anh K một cái, anh K mới dùng tay đánh lại trúng vào mặt chị P một cái, làm chị P té ngã xuống nền xi măng trước nhà anh T4. Tất cả đánh nhau bằng tay, chân, dép chứ không có hung khí gì cả. Anh thấy bà S đi lại la lối lớn tiếng chứ không có đánh chị P. Lúc đánh nhau chị B, anh K đứng đối diện với chị P khoảng cách khoảng 0,5m còn anh đứng cách nơi sự việc xảy ra khoảng 3,5m.

Anh Nguyễn Văn M, trình bày: Khoảng 07 giờ ngày 16/12/2016 anh đang mua thuốc ở nhà ông H thì chạy về ngang tiệm sửa xe nhà anh Văn T thì anh thấy chị B và chị L (vợ anh) đang cự cãi với nhau. Chị B rủ chị L đánh nhau thì chị P khuyên chị L đi về nhà thì anh K đi giao bún chạy tới móc con dao trong túi ra định đâm chị L thì chị P đi lại và xô anh K ra thì vợ chồng anh K nhào vô đánh chị P, còn anh thì ôm chị L đi lại chỗ tiệm nhà anh D, nhưng không thấy anh K cầm vật gì. Anh thấy anh K dùng tay đánh chị P ngã vô xe của anh Văn T, chị B dùng chân đạp vô bụng chị P, chị P có đánh lại nhưng đánh không trúng.

Ông Phan Văn H, trình bày: Khoảng 07 giờ ngày 16/12/2016 ông đang bán cơm tại nhà thì nghe có tiếng cự cãi nên ông nhìn thấy tại quán cà phê của chị T đối diện nhà ông khoảng 20m, ông thấy chị L, chị B đang cự cãi với nhau. Khoảng 05 phút sau chị P đi lại cự cãi với anh K. Ông thấy anh K dùng tay phải đánh thẳng vào mặt chị P một cái làm chị P ngã ngửa về phía sau đập đầu xuống nền xi măng trước cửa nhà anh Văn T sửa xe. Ngoài ra, không thấy ai đánh chị P, chị P cũng không có đánh ai. Lúc này chị L bị chồng ôm lại trước cửa tiệm tạp hóa của anh D ở gần chỗ cự cải. Ông thấy chị P sưng ở mặt. Ngoài ra, không thấy ai bị thương gì hết. Ông không thấy ai dùng vật gì để đánh chỉ đánh bằng tay.

Bà Hồ Thị N, anh Nguyễn Văn T, anh Huỳnh Văn C, đều trình bày không biết sự việc xảy ra.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn chị Đỗ Thị P, Luật sư Lê Phi T phát biểu: Thương tích của chị P do anh K, chị B, bà S gây ra. Chị B thừa nhận có dùng chân đạp vào bụng chị P. Anh K không thừa nhận đánh chị P nhưng thương tích của chị P thì do anh gây. Đồng thời anh K đã bị xử phạt hành chính với mức tiền 2.500.000đ. Do đó đề nghị Hội đồng xét buộc anh K, chị B, bà S liên đới bồi thường cho chị P tiền thuốc và các chi phí điều trị khác trong gian 15 ngày với số tiền là 1.700.000đ. Đối với tiền ăn 130.000đ/ngày là hợp lý, mặt dù chị P không bị thương tích cũng ăn uống nhưng ở bệnh viện cần có chế độ ăn uống phù hợp. Do đó đề nghị Hội đồng xét xem xét. Đối với tiền xe, đò vì trong quá trình chị P điều trị thương tích do gia đình chị P thuộc hộ nghèo nên anh Phước T phải đi, về giữa bệnh viện và nhà vừa chăm sóc chị P và con do đó chi phí đi lại của anh Phước T, chị P yêu cầu là hợp lý và số tiền không lớn lắm nên đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận. Đối với tiền mất thu nhập: Chị P là người buôn bán nên yêu cầu bồi thường 200.000đ/ngày trong thời gian nằm viện 15 ngày và sau khi xuất viện chị P không thể nào lao động buôn bán được ngay nên đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận tiền mất thu nhập của chị P thêm 15 ngày nữa, tổng cộng là 30 ngày với số tiền là 6.000.000đ là hợp lý.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn bà Lý Thị S, Luật sư Lê Thị Ngọc T phát biểu: Chị P là người có lỗi trong vụ việc xảy ra. Lợi dụng lúc chị B, chị L gây gổ đã dùng dép đánh chị B, anh K. Anh K, chị B có đánh chị P không thì do chị B, anh K trình bày. Theo chi phí điều trị thì tiền thuốc chỉ có 333.360đ điều này chứng tỏ thương tích của chị P không lớn lắm. Đồng thời chi phí chụp X- quang, xét nghiệm, siêu âm liên tục là không hợp lý nên đề nghị Hội đồng xét xử xem xét. Tuy nhiên tại phiên tòa đại diện nguyên đơn bà Trần Thị Đ thay đổi một phần yêu cầu khởi kiện, không yêu cầu bà S liên đới bồi thường nữa nên đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận.

Tại phiên tòa đại diện Viện kiểm sát phát biểu: Về tố tụng từ khi thụ lý vụ án và quá trình giải quyết vụ án Thẩm phán thụ lý giải quyết vụ án theo đúng các quy định của Pháp luật. Quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa đã tiến hành đúng trình tự thủ tục tố tụng theo quy định của pháp luật. Những người tham gia tố tụng chấp hành tốt nội quy phiên tòa. Về đường lối giải quyết vụ án: Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn chị Đỗ Thị P.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

 [1] Về tố tụng:

Theo yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn chị Đỗ Thị P, yêu cầu anh Nguyễn Trần K, chị Trương Bửu B, bà Lý Thị S liên đới bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án được quy định tại khoản 6 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chị Hồ Thị L, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn bà Lê Hồng D có đơn xin xét xử vắng mặt tại phiên tòa; những người làm chứng anh Nguyễn Quốc D, anh Nguyễn Văn M, ông Phan Văn H, anh Huỳnh Văn C, anh Nguyễn Văn T, bà Hồ Thị N, anh Nguyễn Phước T đã được Tòa án triệu tập hợp lệ vẫn vắng mặt, không có lý do nhưng những người làm chứng đã có lời khai với Tòa án nên Hội đồng xét xử xét xử vắng mặt chị L, bà D, anh D, anh M, ông H, anh C, anh Phước T, bà N, anh Văn T theo quy định tại khoản 1, khoản 3 Điều 228, khoản 2 Điều 229 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Tại phiên tòa đại diện nguyên đơn bà Trần Thị Đ thay đổi một phần yêu cầu khởi kiện, chỉ yêu cầu anh Nguyễn Trần K, chị Trương Thị B liên đới bồi thường thiệt hại về sức khỏe, không yêu cầu bà Lý Thị S bồi thường. Hội đồng xét xử xét thấy, việc thay đổi một phần yêu cầu của đại diện nguyên đơn là tự nguyện, không vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu, phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 244 của Bộ luật Tố tụng dân sự nên Hội đồng xét xử chấp nhận.

Về nội dung:

Yêu cầu của nguyên đơn chị Đỗ Thị P là có căn cứ để chấp nhận. Vì chị Đỗ Thị P có thiệt hại sức khỏe là thật. Sau khi bị thương chị P đã điều trị tại Trạm y tế xã Long T và Bệnh viện thị xã C được thể hiện tại các hóa đơn, chứng từ có trong hồ sơ vụ án. Bị đơn chị Trương Bửu B thừa nhận đã dùng chân đạp trúng vào vùng bụng của chị P. Còn bị đơn anh Nguyễn Trần K thì không thừa nhận dùng tay đánh chị P nhưng anh thừa nhận thương tích của chị P là do anh gây ra. Việc anh K cho rằng do xô chị L ra nên tay anh có quơ trúng mí mắt chị P là không hợp lư. V tại biên ghi lời khai những người làm chứng anh Nguyễn Quốc D, ông Phan Văn H, anh Nguyễn Văn M đều thấy anh K đánh chị P. Mặt khác, khi chị P bị đánh thì chị L đã được anh M kéo về phía nhà anh D. Nếu chị L gạt tay anh K ra thì không thể nào tay anh K làm trúng mí mắt chị P và làm chị P té xuống đất. Như vậy, anh K đã có hành vi dùng tay đánh vào vùng mắt của chị P là thật. Đây là hành vi trái pháp luật. Lỗi hoàn toàn thuộc về anh K, chị B. Vì vậy, anh K, chị B phải có trách nhiệm liên đới bồi thường toàn bộ chi phí điều trị thương tích cho chị P là hợp lý theo quy định tại khoản 1 Điều 584, Điều 587 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

Xét, việc chị P cho rằng bị bà S đánh trúng vào vai một cái là chưa có căn cứ. Vì bà S không thừa nhận có đánh chị P. Tại phiên tòa bà Đ khai bà S nắm đầu chị P, chị L khai bà S đánh vào vai chị P. Mặt khác, những người làm chứng anh Nguyễn Quốc D, ông Phan Văn H khai không thấy bà S đánh chị P. Do đó thương tích của chị P không phải do bà S gây ra.

Xét, việc anh K, chị B, bà S cho rằng chị P có đánh anh K, chị B là chưa có căn cứ. Vì chị P không thừa nhận, trong khi đó bà S khai anh K bị chị P đánh trúng lưng, còn anh K khai bị chị P đánh trúng đầu. Những người làm chứng ông H khai chị P lấy dép chọi anh K, còn anh D lại khai chị P lấy dép đánh vào mặt anh K như vậy lời khai các đương sự và người làm chứng không giống nhau. Tuy nhiên khi sự việc xảy ra phía bị đơn gồm có anh K, chị B, bà S, phía nguyên đơn chỉ có một mình chị P. Nếu chị P đã bị anh K đánh trúng vào mắt, chị B đạp vào bụng. Đồng thời anh K là đàn ông, khỏe mạnh hơn còn chị P là phụ nữ nên chị P không có khả năng đánh trúng đầu, mặt, lưng anh K liên tiếp 2-3 cái là không hợp lý.

Xét, về mức bồi thường Hội đồng xét xử xác định như sau:

Tiền thuốc điều trị: Tại phiên tòa anh Nguyễn Trần K, chị Trương Bửu B thống nhất liên đới bồi thường tiền thuốc và các chi phí điều trị khác cho chị Đỗ Thị P với số tiền là 3.000.000đ. Xét thấy đây là sự tự nguyện của đương sự, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội và phù hợp với pháp luật nên Hội đồng xét xử chấp nhận.

Đối với tiền xe 3.360.000đ, tiền đò 84.000đ là có một phần căn cứ để chấp nhận. Tuy nhiên việc chị P yêu cầu các lần anh Phước T phải đi từ bệnh viện thị xã C về nhà và từ nhà đến bệnh viện để vừa chăm sóc con, vừa chăm sóc chị P trong những ngày chị nằm viện là không hợp lý. Vì theo giấy xuất viện lần hai, chuẩn đoán chị P nhập viện do các bệnh mô mềm liên quan đến vận động, vận động quá mức và bị chèn ép, không phải do bị đánh. Do đó Hội đồng xét xử chỉ chấp nhận chi phí lần đầu chuyển bệnh do bị đánh, cụ thể: (60.000đ tiền xe + 6.000đ tiền đò) x 02 lần đi về = 132.000đ còn những lần anh Phước T đi về chị P yêu cầu bồi thường là không hợp lý nên Hội đồng xét xử không chấp nhận.

Đối với yêu cầu bồi thường tiền ăn, uống trong thời gian điều trị là 15 ngày, mỗi ngày là 130.000đ là chưa hợp lý. Vì sức khỏe không bị xâm phạm thì chị P mỗi ngày vẫn thực hiện chế độ ăn bình thường. Tuy nhiên để điều trị thương tích do bị đánh chị P cũng cần được bồi dưỡng để phục hồi sức khỏe. Do đó Hội đồng xét xử nghĩ nên buộc anh K, chị B bồi thường cho chị P 500.000đ là phù hợp.

Đối với tiền mất thu nhập thực tế chị P yêu cầu trong thời gian điều trị và không lao động được là 60 ngày, mỗi ngày 200.000đ, tổng cộng là 12.000.000đ. Hội đồng xét xử xét thấy thời gian chị P điều trị lần đầu do bị đánh là 09 ngày (từ ngày 16 đến ngày 24/12/2016) là để điều trị thương tích do bị đánh, khi xuất viện bản thân chị P không thể lao động ngay được nên cần phải có thời gian nghĩ ngơi để phục hồi sức khỏe. Trong khoảng thời gian này thu nhập thực tế của chị P bị mất là có thật nên cần buộc anh K, chị B liên đới bồi thường cho chị P là phù hợp. Tuy nhiên mức yêu cầu bồi thường của chị P là chưa hợp lý nên Hội đồng xét xử chỉ chấp nhận thời gian nằm viện điều trị lần đầu là 09 ngày, thời gian sau khi xuất viện về là 07 ngày, với mức thu nhập mỗi ngày 150.000đ. Cụ thể 150.000đ x 16 ngày = 2.400.000đ.

Đối với tổn thất tinh thần chị P không yêu cầu anh K, chị B bồi thường nên Hội đồng xét xử không xem xét giải quyết.

Xét, Luật sư T đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận các chi phí điều trị, tiền mất thu nhập, chi phí chuyển bệnh có một phần phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên ý kiến của Luật sư T được chấp nhận một phần. Đối với chi phí ăn, uống và chi phí đi lại của anh Phước T là chưa phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên không chấp nhận.

Xét, Luật sư T cho rằng bà Lý Thị S không có gây thương tích cho chị Đỗ Thị P. Đồng thời đại diện nguyên đơn bà Trần Thị Đ không yêu cầu bà S liên đới bồi thường nên đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận là phù hợp nên Hội đồng xét xử chấp nhận.

Xét, ý kiến phát biểu của Kiểm sát viên đề nghị chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn chị Đỗ Thị P phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên được chấp nhận.

Từ những nhận định trên Hội đồng xét xử xét thấy, chị Đỗ Thị P bị đánh và điều trị thương tích là có thật vì có hóa đơn, chứng từ hợp lý của trạm y tế xã Long T và Bệnh viện thị xã C được thể hiện trong hồ sơ vụ án. Tuy nhiên Hội đồng xét xử chỉ chấp nhận yêu cầu hợp lý theo quy định của pháp luật, đó là các hóa đơn, chứng từ điều trị hợp lý do bị đánh, xe chuyển bệnh phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 590 của Bộ luật Dân sự 2015. Do đó Hội đồng xét xử chỉ chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn chị Đỗ Thị P. Cụ thể tổng cộng thiệt hại mà anh K, chị B có trách nhiệm liên đới bồi thường cho chị P gồm các khoản sau: Chi phí điều trị 3.000.000đ (anh K, chị P tự nguyện bồi thường), tiền xe, đò chuyển bệnh 132.000đ, tiền mất thu nhập 2.400.000đ, tiền bồi dưỡng phục hồi sức khỏe 500.000đ. Tổng cộng 6.032.000đ.

Về án phí dân sự sơ thẩm: Căn cứ vào khoản 1 Điều 147 Bộ luật Tố tụng dân sự, điểm d khoản 1 Điều 12, khoản 2 Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án để buộc các đương sự phải chịu tiền án phí dân sự sơ thẩm theo quy định: Nguyên đơn chị Đỗ Thị P không phải chịu tiền án phí. Bị đơn anh Nguyễn Trần K, chị Trương Bửu B liên đới chịu tiền án phí dân sự sơ thẩm trên nghĩa vụ phải thực hiện (6.032.000đ) là 301.500đ.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 6 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, khoản 1, khoản 3 Điều 228, khoản 2 Điều 229, khoản 1 Điều 244, khoản 1 Điều 147, điểm a khoản 2 Điều 482 của Bộ luật Tố tụng dân sự; khoản 1 Điều 584, Điều 587, khoản 1 Điều 590 của Bộ luật Dân sự năm 2015; điểm d khoản 1 Điều 12, khoản 2 Điều 26 của Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của chị Đỗ Thị P về việc yêu cầu anh Nguyễn Trần K, chị Trương Bửu B liên đới bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm.

Buộc anh Nguyễn Trần K, chị Trương Bửu B có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm cho chị Đỗ Thị P với số tiền tổng cộng các khoản 6.032.000đ (Sáu triệu không trăm ba mươi hai nghìn đồng).

2. Về án phí dân sự sơ thẩm: Anh Nguyễn Trần K, chị Trương Bửu B liên đới chịu 301.500đ (Ba trăm lẻ một nghìn năm trăm đồng).

3. Về nghĩa vụ chậm thi hành án: Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015 trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm thi hành án cho đến khi thi hành xong.

4. Hướng dẫn thi hành án dân sự: Bản án được thi hành ngay mặc dù có thể bị kháng cáo, khiếu nại, kháng nghị, kiến nghị. Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án Dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a và 9 Luật Thi hành án Dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án Dân sự.

5. Về quyền kháng cáo: Các đương sự có quyền làm đơn kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Đương sự vắng mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày nhận được bản án hoặc được tống đạt hợp lệ.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

413
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 24/2017/DS-ST ngày 19/09/2017 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do sức khỏe bị xâm phạm

Số hiệu:24/2017/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Thành phố Hồng Ngự - Đồng Tháp
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 19/09/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký



  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;