TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN CHÂU THÀNH, TỈNH ĐỒNG THÁP
BẢN ÁN 23/2020/DS-ST NGÀY 02/06/2020 VỀ TRANH CHẤP RANH GIỚI QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT, QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT
Trong các ngày 26/5/2020 và 02/6/2020 tại Trụ sở Tòa án nhân dân huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 72/2019/TLST- DS ngày 08 tháng 4 năm 2019 về tranh chấp “Tranh chấp ranh giới quyền sử dụng đất; quyền sử dụng đất”, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 58/2020/QĐXX-ST ngày 04/05/2020 giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Phạm Ngọc M, sinh năm 1956.
Đại diện theo ủy quyền: Phạm Quốc P, sinh năm 1956.
Cùng địa chỉ: ấp A, xã A, huyện C, tỉnh Đồng Tháp
- Bị đơn: Phạm Thị Ngọc Đ, sinh năm 1966. Địa chỉ: ấp A, xã A, huyện C, tỉnh Đồng Tháp. Các đương sự có mặt tại phiên tòa.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện, biên bản ghi lời khai và tại phiên tòa đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn ông Phạm Quốc P trình bày:
Bà Phạm Ngọc M là chị ruột của bà Phạm Thị Ngọc Đ. Năm 2006 cụ Lê Thị T là mẹ ruột của bà M và bà Đ cùng làm hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất cho bà M và bà Đ, 02 hợp đồng tặng cho được ký cùng một ngày 06/12/2006. Để thực hiện việc tặng cho quyền sử dụng đất cho 02 con gái, bà T có yêu cầu đo đạc thực tế vào cùng một ngày 25/12/2006, diện tích đất tặng cho bà M đo đạc thực tế là 1.000m2 theo biên bản đo đạc số 208; diện tích đất tặng cho bà Đ đo đạc thực tế là 1.564m2 theo biên bản đo đạc số 209; việc đo đạc có các chủ đất giáp ranh ký tên, diện tích đất của bà M và bà Đ là giáp ranh với nhau.
Ngày 17/01/2007, bà M và bà Đ cùng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; bà M được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất diện tích 1.000m2, thuộc thửa 2959, tờ bản đồ số 03; bà Đ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất diện tích 1.564m2 thuộc thửa số 2960, tờ bản đồ số 3; 02 diện tích đất tọa lạc tại ấp A, xã A, huyện C, tỉnh Đồng Tháp.
Tuy nhiên, do bà M ở nơi khác, nên khi được mẹ ruột tặng cho thửa đất số 2959 thì bà M không chứng kiến việc đo đạc trên thực địa, không biết rõ vị trí đất và khi đó không trực tiếp quản lý, sử dụng đất, mà bà Đ cùng sống chung, chăm sóc cụ T, nên để cho bà Đ quản lý, canh tác luôn 02 thửa đất. Đến năm 2009, thì bà M mới nhận phần đất mẹ tặng thửa 2959, do lúc này cụ T tuổi đã cao, nên do bà Đ giao lại. Nhưng bà M không biết rõ vị trí đất được tặng từ đâu đến đâu, nên bà Đ xác định vị trí ranh từ đâu thì bà M quản lý, sử dụng bấy nhiêu, nghĩ là chị em ruột nên không đo đạc kiểm tra lại vị trí, diện tích đất như khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Đến năm 2019 đường dây điện 500kw đi ngang qua phần đất bà M, Nhà nước đo đạc và thu hồi diện tích đất của bà M để làm đường dây điện, khi đó bà M mới phát hiện diện tích đang quản lý, sử dụng thiếu nhiều so với diện tích được cấp giấy chứng nhận và không đúng với vị trí theo biên bản đo đạc số 208 ngày 25/12/2006.
Như vậy, bà Đ đã không giao cho bà M đủ diện tích đất cụ T tặng cho bà M vào năm 2006, nên bà M kiện bà Đ, yêu cầu bà Đ trả lại diện tích đất 308m2 theo các mốc 3, 4, H, 7, 8 (theo sơ đồ đo đạc ngày 18/11/2019). Tuy nhiên, khi Tòa án đang giải quyết thì bà Đ đồng ý xác định ranh đất giữa bà M và bà Đ là đường thẳng nối các mốc 4, D, 7 nên diện tích đất tranh chấp chỉ còn 93,7m2 theo các mốc 4, D, F, H, 4 (theo sơ đồ đo đạc ngày 18/11/2019) của chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai huyện Châu Thành, sau khi trừ diện tích 0,8 m2 theo các mốc D, F, 7 do đã được bồi thường thi công trụ điện rồi.
Trên phần đất tranh chấp 93,7m2 có một số lại cây trồng gồm: 09 cây nhãn loại A; 16 cây ổi loại D; 02 cây nhãn loại C. Khi trụ điện đi ngang đã mượn tạm phần đất tranh chấp để thi công công trình trụ điện 500kw; nên đã chặt hết tất cả các loại cây trên và có lập bảng chiết tính trị giá các cây trồng và giá đất mượn tạm để thi công. Bà M trình bày 09 cây nhãn loại A, trị giá 7.380.000đồng, do cụ Lê Thị T trồng trước đó, nên khi tặng cho bà M vào năm 2006 là tặng luôn 09 cây nhãn loại A này cho bà M, nên bà M yêu cầu được nhận 7.380.000 đồng. Bà Đ sống với cụ T từ nhỏ, cho đến khi cụ T 82 tuổi và chết vào năm 2014. Các cây trồng còn lại Ổi loại D (16 cây), Nhãn loại C (02 cây) trị giá là 1.160.000 đồng bà M xác định là của bà Đ trồng; bà M không tranh chấp và để cho bà Đ nhận số tiền 1.160.000 đồng này. Hiện nay số tiền bồi thường cây trồng trên đất, tiền bồi thường phần đất mượn tạm thi công thì UBND xã A đang giữ.
Về phần đất mượn tạm thi công có diện tích 120m2 (trong 120m2 mượn tạm thi công này thì có 93,7m2 nằm trong các mốc 4, D, F, H, 4 còn lại thì nằm trong phần đất của bà M. Còn phần đất trong trụ điện 500kw các đương sự đã được bồi thường rồi nên không tranh chấp trong vụ kiện này.
Nay bà Phạm Ngọc M xác định ranh đất là đường thẳng nối các mốc H, F theo sơ đồ đo đạc của chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai (trường hợp ranh đất được xác định theo các mốc H, F mà diện tích đất thửa số 2959 có thiếu so với diện tích được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì bà M vẫn đồng ý với ranh đất theo các mốc H, F) và yêu cầu bà Đ trả lại diện tích 93,7m2 theo các mốc 4, D, F, H, 4 được thể hiện trên sơ đồ đo đạc ngày 18/11/2019 của Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai huyện Châu Thành.
Bà Phạm Ngọc M yêu cầu được nhận giá trị 09 cây nhãn của bà T trồng là 7.380.000 đồng, hiện nay số tiền này UBND xã A đang giữ, còn giá trị các cây trồng khác 1.160.000 đồng bà M không tranh chấp với bà Đ, đồng ý để bà Đ nhận số tiền này. Còn số tiền bồi thường cho phần đất mượn tạm 120m2, trong đó có 93,7m2 đất tranh chấp, bà không yêu cầu Tòa án giải quyết.
Theo biên bản ghi lời khai và tại phiên tòa bị đơn bà Phạm Thị Ngọc Đ trình bày:
Bà thống nhất theo trình bày của bà M về phần đất của bà và bà M đều được mẹ ruột là cụ T tặng cho, khi cụ T tặng cho đất hai chị em vào năm 2006 đều có đo đạc và có các chủ đất giáp ranh ký tên.
Tuy nhiên, khi tặng cho thì bà M không có sử dụng, đến năm 2009 thì mới về sử dụng và bà Đ đã giao đủ diện tích đất cho bà M theo hợp đồng tặng cho. Trước đây bà Đ xác định ranh đất theo các mốc 8, B, 3 (thể hiện trên sơ đồ đo đạc 18/11/2019), nhưng quá trình giải quyết vụ án, bà Đ đồng ý xác định lại ranh đất của bà Đ và bà M theo các mốc 4, D, 7 theo sơ đồ đo đạc ngày 18/11/2019 của chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai huyện Châu Thành, do đó điện tích đất tranh chấp là 93,7m2 theo các mốc 4, D, F, H, 4.
Các cây trồng trên phần đất tranh chấp gồm có các cây như bà M trình bày, nhưng tất cả là do bà Đ trồng và chăm sóc, mẹ của bà là cụ T tuổi đã cao (cụ T sinh năm 1926, chết năm 2014, là 88 tuổi), không trồng và chăm sóc được gì. Do đó, bà yêu cầu được nhận hết tiền bồi thường cây trồng là 8.540.000đồng.
Về phần đất mượn tạm thi công có diện tích 120m2 (trong 120m2 mượn tạm thi công này thì có 93,7m2 nằm trong các mốc 4, D, F, H, 4; còn lại thì nằm trong phần đất của bà M); Tiền bồi thường cho phần đất mượn tạm thi công là 9.600.000 đồng, bà Đ không yêu cầu Tòa án giải quyết.
Nay bà Đ xác định ranh đất giữa bà Đ và bà M theo các mốc 4, D, 7; bà Đ không đồng ý xác định ranh đất theo các mốc H, F như bà M yêu cầu. Bà Đ không đồng ý trả lại cho bà M diện tích 93,7m2 theo các mốc 4, D, F, H, 4, 4 được thể hiện trên sơ đồ đo đạc ngày 18/11/2019.
Trường hợp phần đất tranh chấp là của bà M thì bà Đ vẫn yêu cầu được nhận tiền cây trồng trên đất là tổng cộng là 8.540.000 đồng (trong đó nhãn loại A (09 cây) là 7.380.000 đồng; Ổi loại D (16 cây) 320.000 đồng; Nhãn loại C (02 cây) 840.000 đồng).
Người làm chứng ông Lê Văn L trình bày: ông L là anh rể của bà Đ, bà M ông có phụ giúp bà Đ đi mua giống nhãn, phụ giúp bà Đ đắp mô nhãn, phụ giúp xịt thuốc ông L xác định các cây nhãn này do bà Đ trồng, chăm sóc.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp phát biểu ý kiến:
Về thủ tục thụ lý, quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và những người tham gia tố tụng đã đảm bảo theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Về đường lối giải quyết vụ án: Đề nghị Tòa án chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn xác định ranh giới quyền sử dụng đất giữa thửa bà M và bà Đ là đường thẳng nối các mốc 7, F, H theo chiều thẳng đứng tính từ lòng đất đến không gian, không chấp nhận yêu cầu của bà M đối với số tiền cây trồng là 7.380.000 đồng, bà Đ được nhận số tiền cây trồng trên phần đất là 8.540.000 đồng.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Về quan hệ tranh chấp và thẩm quyền giải quyết: Nguyên đơn bà Phạm Ngọc M yêu cầu bà Phạm Thị Ngọc Đ xác định ranh giới quyền sử dụng đất theo các mốc F, H thể hiện trên sơ đồ đo đạc; yêu cầu trả lại diện tích 93,7m2 theo các mốc 4, D, F, H, 4; yêu cầu được nhận tiền giá trị cây trồng. Căn cứ vào Điều 175 Bộ luật Dân sự; Điều 166, 203 Luật đất đai; Điều 26; Điều 35; Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự thì đây là tranh chấp ranh giới quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp.
[2] Xét yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Phạm Ngọc M và ý kiến trình bày của bị đơn Phạm Thị Ngọc Đ, Hội đồng xét xử xét thấy:
[2.1] Về xác định ranh giới quyền sử dụng đất và yêu cầu bị đơn trả 93,7m2 theo các mốc 4, D, F, H, 4 được thể hiện trên sơ đồ đo đạc của chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai huyện Châu Thành ngày 18/11/2019.
Hội đồng xét xử xét thấy: Tại công văn số 258/UBND-NC ngày 04/02/2020 của UBND huyện C cung cấp thông tin cho Tòa án thì, ranh giới giữa thửa 2959 và thửa 2960 được xác định theo Biên bản xác định ranh đất số 208, 209 cùng ngày 25/12/2006; về diện tích đất 02 thửa đều giảm so với diện tích được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là do trừ đường đê bao kết hợp giao thông nông thôn. Về diện tích thửa 2959 nếu xác định theo các mốc 1, 2, 3, 4, H, F, 7, 8, 1 thì diện tích là 805,6m2 (thiếu so với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp 194,4m2, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp là 1.000m2); diện tích thửa số 2960 nếu xác định theo các mốc 7, H, 5, 6, 7 là 1.469,7m2 (thiếu so với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 94,3m2, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp là 1.564m2).
Xét thấy các cạnh của 02 thửa đất hiện nay và các cạnh của 02 thửa đất theo biên bản xác định ranh đất số 208, 209 cùng ngày 25/12/2006 có khác nhau, tuy nhiên cạnh giáp Rạch Đập Kinh nếu xác định theo các mốc 7, F, H thì cạnh thửa 2959 của bà M dư 0,09m, cạnh đất thửa 2960 của bà Đ dư 7,63m. Do đó, nguyên đơn yêu cầu xác định ranh đất là mốc F, H và yêu cầu trả diện tích 93,7m2 theo các mốc 4, D, F, H, 4 là có cơ sở nên chấp nhận. Bà Đ không đồng ý xác định ranh theo mốc F, H và không đồng ý trả cho bà M diện tích 93,7m2 theo các mốc 4, D, F, H, 4 là không có cơ sở.
[2.2] Xét yêu cầu đòi giá trị cây trồng trên phần đất tranh chấp: Bà Phạm Ngọc M trình bày 09 cây nhãn loại A, trị giá là 7.380.000 đồng (gọi là nhãn A) là do bà T trồng nêu yêu cầu nhận số tiền nhãn loại A. Bà Đ trình bày tất cả các cây trồng trên đất có giá trị là 8.540.000 đồng đều do bà Đ trồng và yêu cầu nhận số tiền 8.540.000 đồng. Hội đồng xét xử xét thấy: nguyên đơn trình bày do cụ T trồng nhưng không có cơ sở gì chứng minh, bị đơn trình bày là bị đơn trồng cũng không có gì chứng minh. Tuy nhiên, các đương sự đều thừa nhận bà Đ là người sống chung với cụ T từ nhỏ và khi bà Đ giao đất cho bà M sử dụng thì diện tích đất tranh chấp bà Đ vẫn sử dụng. Bà M nhận đất bà Đ giao và không có ý kiến cho đến khi có trụ điện 500kw đi ngang qua đất, thì bà M mới khởi kiện, trong thời gian này bà Đ có trồng thêm các cây trồng trên phần đất tranh chấp. Tại phiên tòa ông L là anh của bà Đ, bà M trình bày các cây trồng này của bà Đ trồng, mặt khác tại thời điểm cụ T chết vào năm 2014, thì cụ T đã 88 tuổi, nên không thể trồng và chăm sóc các cây này, theo quy định tại quyết định số 04/2019/QĐ-UBND ngày 26/02/2019 của UBND tỉnh Đồng Tháp thì cây trồng ăn trái loại A là cây xanh tốt tán lớn đang trong thời kỳ cho nhiều trái và có thời gian trồng trên 05 năm.
Từ những phân tích, trên Hội đồng xét xử xác định toàn bộ cây trồng trên phần đất tranh chấp là của bà Đ trồng, nên bà Đ được nhận giá trị các cây trồng này là phù hợp. Do đó, không chấp nhận yêu cầu nhận giá trị cây nhãn loại A của bà Phạm Ngọc M.
[3] Về giá trị phần đất mượn tạm thi công, hiện nay đơn vị thi công đã trả lại đất, tuy nhiên số tiền bồi thường 9.600.000 đồng cho phần đất mượn tạm thi công là 120m2 (trong 120m2 mượn tạm thi công thì các đương sự thừa nhận có diện tích 93,7m2 theo các mốc 4, D, F, H, 4 đang tranh chấp, phần còn lại nằm trong phần đất bà M trong phạm vị các mốc 3, 4, C, D theo sơ đồ đo đạc). Các đương sự thỏa thuận khi giải quyết tranh chấp phần đất 93,7m2 theo các mốc 4, D, F, H, 4 thuộc về ai, thì người đó tự đến cơ quan có thẩm quyền để nhận giá trị phần đất mượn tạm thi công, không yêu cầu Tòa án giải quyết trong vụ án này, cũng không yêu cầu Tòa án ghi nhận sự thỏa thuận giữa hai bên, nên Hội đồng xét xử không xem xét giải quyết.
[4] Về án phí: Do yêu cầu của nguyên đơn được chấp nhận một phần căn cứ Điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự, Điều 26, 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, bà Đ phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với yêu cầu của nguyên đơn được chấp nhận (tiền án phí được tính như sau: 93,7m2 x 85.000 đồng/m2 = 7.964.500 đồng x 5% = 398.225 đồng).
Bà M phải chịu án phí đối với yêu cầu không được chấp nhận nhưng do bà M là người cao tuổi có đơn xin miễn nộp tiền tạm ứng án phí và án phí nên miễn tiền án phí dân sự sơ thẩm cho bà M.
[5] Về chi phí tố tụng khác: Tòa án tiến hành xem xét thẩm định tại chỗ và đo đạc phần đất tranh chấp bà M chỉ ranh đất là đường thẳng nối các mốc 4, D, 7 theo sơ đồ đo đạc ngày 18/7/2019 nhưng sau đó bà M không đồng ý và có đơn yêu cầu Tòa án xem xét thẩm định tại chỗ lại, do đó bà M phải chịu chi phí xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản ngày 11/6/2019 là 5.001.000 đồng (trong đó tiền đo đạc 4.401.000 đồng, tiền định giá 600.000 đồng) được khấu trừ số tiền tạm ứng chi phí đo đạc mà bà M đã tạm nộp.
Do yêu cầu xác định lại ranh đất và trả lại diện tích đất của bà M được chấp nhận nên bà Đ phải chịu chi phí xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản là 5.315.000 đồng (trong đó 4.715.000 đồng tiền đo đạc; 600.000 đồng tiền định giá tài sản) theo biên bản xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản ngày 06/11/2019. Do bà Phạm Ngọc M đã tạm ứng và chi xong nên bà Đ phải trả cho Mỹ số tiền 5.315.000 đồng.
[6] Ý kiến phát biểu của đại diện Viện kiểm sát là phù hợp với quy định của pháp luật phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên chấp nhận.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào các Điều 26, 35, 39, 147, 157, 158, 165, 166, 227, 271 Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 175 Bộ luật dân sự 2015; Điều 166, 203 Luật đất đai năm 2013; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Tuyên xử:
1. Chấp nhận một phần yêu cầu của bà Phạm Ngọc M.
1.1. Buộc bà Đ giao trả cho bà M được quyền quản lý, sử dụng diện tích 93,7m2 thuộc thửa 2959, tờ bản đồ 01 theo các mốc 4, D, F, H, 4 được thể hiện trên sơ đồ đo đạc ngày 18/11/2019 của Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai huyện Châu Thành. 1.2. Xác định ranh giới quyền sử dụng đất của bà Phạm Ngọc M tại thửa số 2959 với đất của bà Phạm Thị Ngọc Diệp tại thửa 2960 là đường thẳng nối từ mốc F đến mốc H theo sơ đồ đo đạc ngày 18/11/2019 của Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai huyện Châu Thành, đất tọa lạc tại ấp A, xã A, huyện C, tỉnh Đồng Tháp.
Ranh đất được sử dụng theo chiều thẳng đứng tính từ lòng đất đến không gian tài sản của hai bên lấn chiếm ranh đất phải di dời theo quy định của pháp luật.
(Kèm theo biên bản xem xét thẩm định tại chỗ và biên bản định giá tài sản ngày 06/11/2019 và biên bản xem xét thẩm định tại chỗ và biên bản định giá tài sản ngày 11/6/2019; Trích do hiện trạng đất tranh chấp ngày 18/11/2019 của Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai huyện Châu Thành).
2. Bà Phạm Thị Ngọc Đ được nhận tiền bồi thường cây trồng trên đất là 8.540.000 đồng (số tiền này hiện Ủy ban nhân dân xã An Nhơn, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp đang quản lý) 3. Về án phí: Bà Phạm Thị Ngọc Đ phải nộp 398.225 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm. Bà Phạm Ngọc M được miễn nộp tiền án phí sân sự sơ thẩm.
4. Về chi phí xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản: Bà Phạm Thị Ngọc Đ phải chịu 5.315.000 đồng; bà Phạm Ngọc M phải chịu 5.001.000 đồng; bà Phạm Ngọc M đã nộp tạm ứng và chi xong.
Buộc bà Đ phải trả cho bà Phạm Ngọc M số tiền 5.315.000 đồng (trong đó 4.715.000 đồng tiền đo đạc; 600.000 đồng tiền định giá tài sản).
5. Các đương sự có quyền làm đơn kháng cáo trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày tuyên án.
6. Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án 23/2020/DS-ST ngày 02/06/2020 về tranh chấp ranh giới quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất
Số hiệu: | 23/2020/DS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Châu Thành - Đồng Tháp |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 02/06/2020 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về