TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN TUY ĐỨC, TỈNH ĐĂK NÔNG
BẢN ÁN 23/2019/DS-ST NGÀY 28/11/2019 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT
Ngày 28 tháng 11 năm 2019 tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Tuy Đức, tỉnh Đăk Nông xét xử sơ thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 42/2017/TLST-DS ngày 06 tháng 11 năm 2017 về việc “Tranh chấp quyền sử dụng đất”. Giữa:
Đồng nguyên đơn: ông Ngô Văn Đ, sinh năm: 1977 và bà Nguyễn Thị H, sinh năm: 1977; địa chỉ: Th M, xã Đ B S, huyện T Đ, tỉnh Đăk Nông – có mặt tại phiên tòa;
Người được nguyên đơn ủy quyền: ông Trần Th, sinh năm 1970; địa chỉ: số 985/50 đường L L Q, phường M M, quận T B, TP. Hồ Chi Minh – có mặt tại phiên tòa;
Đồng bị đơn: Anh Phạm Th T, sinh năm 1961 và chị Nguyễn Thị V, sinh năm: 1969; địa chỉ: Th M, xã Đ B S, huyện T Đ, tỉnh Đăk Nông.
Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan: Ông Ngô Văn Đ, sinh năm 1961; Địa chỉ: Th M, xã Đ B S, huyện T Đ, tỉnh Đắk Nông – có đơn đề nghị xét xử vắng mặt tại phiên tòa;
Những người làm chứng:
+ Ông Ngô Văn Ch, sinh năm 1975; Địa chỉ: Th M, xã Đ B S, huyện T Đ, tỉnh Đắk Nông – Có mặt tại phiên tòa;
+ Ông Phạm Văn H, sinh năm 1963; Địa chỉ: Th M, xã Đ B S, huyện T Đ, tỉnh Đắk Nông – Có mặt tại phiên tòa;
+ Anh Ngô Văn Th, sinh năm 1982; Địa chỉ: Th M, xã Đ B S, huyện T Đ, tỉnh Đắk Nông – Có mặt tại phiên tòa;
+ Bà Phạm Thị L, sinh năm 1970; Địa chỉ: Th M, xã Đ B S, huyện T Đ, tỉnh Đắk Nông – Có mặt tại phiên tòa;
NHẬN THẤY
* Theo đơn khởi kiện và trong quá trình giải quyết vụ án, cũng như tại phiên tòa hôm nay đồng nguyên đơn trình bày:
Vào khoảng năm 1997, gia đình ông Đ có khai hoang được một diện tích đất rẫy tại Th M, xã Đ B S, huyện T Đ, tỉnh Đăk Nông với diện tích 4,5ha. Đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 2007, mang tên Ngô Văn Đ. Gia đình canh tác, sử dụng ổn định đến khoảng năm 2010 thì bị vợ chồng ông Phạm Th T lấn chiếm diện tích 1.042,9 m2 có tứ cận:
Phía Đông giáp đất anh Đ, Phía Tây giáp đất ông T, Phía Nam giáp đất anh Đ, Phía bắc giáp đất ông T, đất tọa lạc tại Thôn M, xã Đ B S, huyện T Đ. Sau khi phát hiện ra sự việc thì ông Đ đã báo trưởng thôn là ông Ngô Văn Ch ( Báo bằng miệng không có văn bản gì) xuống giải quyết nhưng vợ chồng ông T vẫn tiếp tục lấn chiếm và trồng tiêu lên toàn bộ diện tích đất đã lấn chiếm, ông Đ, bà H yêu cầu UBND xã Đ B S giải quyết nhưng không thành sau đó khởi kiện ra Tòa án nhân dân huyện Tuy Đức giải quyết buộc ông T bà V trả lại toàn bộ diện tích lấn chiếm.
ông Đ bà H đưa ra chứng cứ là phần đất tranh chấp nằm trong phần đất ông Đ đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) năm 2007.
* Trong quá trình giải quyết vụ án, cũng như tại phiên tòa hôm nay đồng bị đơn ông T bà V trình bày:
Vào năm 2000 ông T bàV nhận chuyển nhượng hai thửa đất giáp ranh nhau tại Th M, xã Đ B S, huyện T Đ. Một thửa mua của ông Ngô Văn Đ trên đất có khoảng 900 cây cà phê, còn lại là đất trắng, một thửa mua của ông Phạm Văn H có khoảng 400 cây cà phê, còn lại là đất trắng. Cả hai thửa đất đều mua nguyên lô chứ không đo đạc cụ thể nên không biết diện tích là bao nhiêu. Sau khi nhận chuyển nhượng thì ông T được ông Đ cho một diện tích đất đồi trọc giáp ranh hai thửa đất đã mua, giáp ranh đất của bố ông Đ (sau này cho ông Đ). Quá trình canh tác phần đất mua ông T có canh tác một phần đất đồi trọc được ông Đ cho (phần đất đang tranh chấp) phần đồi trọc ông Đ cho còn lại ông T không canh tác và bị một số người xung quanh lấn chiếm trong đó có ông Đ. Vợ chồng ông T bà V không đồng ý toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Đ, khẳng định diện tích đất đồi trọc do gia đình ông khai hoang canh tác và đã trồng tiêu từ năm 2000 chứ không lấn chiếm của ông Đ.
* Trong quá trình giải quyết vụ án, cũng như tại phiên tòa hôm nay người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan ông Ngô Văn Đ trình bày: Ông Đ có bán đất cho ông T và cho ông T diện tích đất đồi trọc như ông T đã trình bày. Ông Đ vào khai hoang và canh tác trên đất từ năm 1991, đến khoảng năm 1999 sau khi ông Đ khai hoang thêm được diện tích đất đồi trọc và cuốc hố trồng cao su nhưng không trồng cao su thì gia đình ông Ngô Văn A (bố đẻ của ông Đ) và ông Phạm Văn H mới khai hoang và canh tác phía dưới giáp hồ. Ông Đ trình bày phần đất đồi trọc đang tranh chấp thì ông T đã trồng tiêu vào khoảng năm 2003 vì ông Đ và ông T cùng nhau đi mua cây giống. Ông Đ không đưa ra chứng cứ tài liệu gì chứng minh.
* Trong quá trình giải quyết vụ án, cũng như tại phiên tòa hôm nay những người làm chứng trình bày:
Chị Phạm Thị L trình bày: Quá trình chị đi làm rẫy phải đi nhờ đường trong rẫy nhà ông T đến lối đi chung (qua rẫy nhà ông T, qua đồi trọc mới đến nhà chị) nên chứng kiến việc ông T và em trai khai hoang đồi trọc rồi trồng tiêu vào khoảng năm 2001.
Ông Phạm Văn H trình bày: Ông H là người bán đất cho ông T giáp ranh phần đất tranh chấp, trước khi bán rẫy cho ông T thì thấy ông Đ canh tác phần đồi trọc. Khu vực đồi trọc trước đây không ai làm. Sau đó ông Đ khai hoang, cuốc hố để trồng cao su nhưng sau đó ông Đ không trồng cao su mà lại trồng tràm. Thấy vậy thì ông H nói anh Đ để lại một ít làm đường đi vì trước đó đã có một lối mòn đi ngang qua đồi trọc.
Anh Ngô Văn Th trình bày: Vào khoảng năm 2011 khi anh đốt dọn rẫy có làm cháy táp lá một số cây tiêu nhà ông T từ hàng mít lên đến dưới phần đất mũi nhọn đang tranh chấp. Còn chỗ đất tranh chấp vào thời gian đó chưa trồng tiêu.
Ông Ngô Văn Ch trình bày: Đúng là vào năm 2010 tôi là trưởng thôn nhận được tin báo của ông Ngô Văn Đ nói diện tích đất bị ông T lấn chiếm và ông Ch là người trực tiếp vào hiện trường diện tích đất tranh chấp, nói cho ông T và ông Đ để hai bên giải hòa với nhau nhưng không lập văn bản gì cả; và trong thời gian ông Ch làm trưởng thôn thì có các đoàn về đo đạc ông cũng yêu cầu các hộ dân trong thôn đi chỉ ranh giới lô đất các gia đình sử dụng và nói các hộ dân làm hồ sơ để được nhà nước cấp GCN QSD đất; việc đo đạc này được thông báo cho toàn thể bà con trong thôn và thực hiện rất cụ thể; gia đình ông Đ và ông T cùng được cấp GCN QSD đất vào năm 2007;
Kết quả đối chất giữa ông Ngô Văn Đ, vợ chồng ông Phạm Th T và ông Ngô Văn Ch thể hiện: vào khoảng năm 2010 có xảy ra tranh chấp đất đai giữa ông Ngô Văn Đ và vợ chồng ông Phạm Th T nhưng không có lập biên bản gì và cũng không có ai tham gia giải quyết tranh chấp. Kết quả đối chất giữa vợ chồng ông Phạm Th T và ông Ngô Văn Th thể hiện: Vào khoảng năm 2011 khi anh Ngô Văn Th đốt dọn vườn rẫy, tiết trời mùa khô, gió mạnh nên làm cháy (táp lá) sang vườn tiêu nhà vợ chồng ông T từ ranh hàng mít đi lên tới giáp ranh đất tranh chấp.
Quá trình giải quyết vụ án TAND huyện Tuy Đức đã tiến hành thuê Chi nhánh Văn phòng ĐKQSDĐ huyện T Đ tiến hành đo đạc theo sự chỉ ranh mốc của các đương sự, sau đó lồng ghép vào bản đổ dải thửa và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất các bên được cấp. Kết quả diện tích đất tranh chấp là 1.042,9 m2 có tứ cận phía Đông giáp đất ông Đ, phía Tây giáp đất ông T, phía Nam giáp đất ông Đ, phía bắc giáp đất ông T. Phần đất tranh chấp nằm trong phần đất đã cấp giấy CNQSDĐ cho ông Đ bà H vào năm 2007.
Tại phiên tòa, đồng nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, đồng bị đơn và Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan giữ nguyên quan điểm Quan điểm của Viện kiểm sát: Thẩm phán thiết lập hồ sơ đúng trình tự theo quy định pháp luật, Hội đồng xét xử đúng thành phần; việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm xét xử là đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
Về nội dung vị đại diện Viện kiểm sát đề nghị: Do các đương sự cùng thừa nhận phần đất đồi trọc trong đó có phần đất tranh chấp nguyên là đồi trọc chỉ có cỏ dại mọc và một số cây rừng thưa thớt, việc khai hoang chỉ là cuốc hố rồi trồng cây lên nhưng do đất đồi trọc cằn cỗi nên cây trồng phát triển kém, bị cỏ dại mọc trùm lên, việc khai hoang đồi trọc không phải phát, dọn cây rừng làm nhiều ngày vì vậy không thể xác Đ được người khai hoang và thời điểm khai hoang. Đến năm 2007 khi ông T, ông Đ và một số hộ xung quanh kê khai nguồn gốc đất đang sử dụng và cùng được huyện T Đ cấp giấy CNQSDĐ cùng một thời điểm. Ông T, ông Đ cùng kê khai, cùng được cấp giấy CNQSDĐ một ngày, các đương sự đã nhận giấy CNQSD đất thì buộc phải biết diện tích đất mình được nhà nước cấp quyền sử dụng nhưng không ai có ý kiến gì về diện tích mình sử dụng và diện tích mình được cấp giấy CNQSDĐ. Vì vậy, căn cứ vào giấy CNQSDĐ các đương sự được cấp, thời điểm cấp để xác Đ nguồn gốc đất của các bên. Kết quả đo đạc lồng ghép vào giấy CN QSD đất các bên được cấp thể hiện toàn bộ phần đất tranh chấp nằm trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ông Đ được cấp. Vì vậy, có căn cứ và đề nghị HDXX chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Do tại thời điểm xét xử nguyên đơn và bị đơn cùng thừa nhận tài sản trên đất là cây hồ tiêu đã chết hết, chỉ còn lại cây gòn vì vậy không giải quyết về giá trị cây trồng tiêu đã chết trên đất, buộc nguyên đơn phải trả lại giá trị cây trồng còn sống trên đất.
Do yêu cầu của nguyên đơn được chấp nhận nên đề nghị nghị HĐXX áp dụng khoản 9 Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 35; điểm a, c khoản 1 Điều 39; Điều 147 - Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; khoản 1 Điều 163; khoản 2 Điều 164, Điều 169 – Bộ luật dân sự năm 2015; Điều 166; Điều 170; Điều 203 Luật đất đai năm 2013. Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, bị đơn phải trả lại diện tích đất tranh chấp. Nguyên đơn trả lại trị giá cây trồng còn sống cho bị đơn;bị đơn phải trả tiền chi phí tố tụng, án phí theo quy định.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa; căn cứ vào kết quả xét hỏi, tranh tụng tại phiên tòa, đối chiếu với các quy định của pháp luật, Hội đồng xét xử nhận định:
* Về thủ tục tố tụng và thẩm quyền giải quyết: Căn cứ vào đơn khởi kiện Toà án đã triệu tập các đương sự trong vụ án lên làm rõ nội dung tranh chấp, tống đạt các thủ tục tố tụng, tiến hành lấy lời khai, đối chất, công khai chứng cứ và hoà giải giữa các đương sự theo quy định. Các bên không thoả thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án nên Toà án ban hành quyết định đưa ra xét xử theo đúng thủ tục tố tụng; nguyên đơn, bị đơn và diện tích đất tranh chấp tọa lạc tại Th M, xã Đ B S, huyện T Đ nên vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện Tuy Đức theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 35; Điều 39 – Bộ luật TTDS. Quá trình giải quyết vụ án Tòa án đã áp dụng đầy đủ theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các bên.
* Về quan hệ pháp luật và nội dung tranh chấp: Theo yêu cầu khởi kiện của ông Đ bà H khởi kiện yêu cầu ông T bà V trả lại diện tích đất là 1.462,5 m 2 . Nhưng trong quá trình giải quyết vụ án đo đạc thể hiện diện tích đất tranh chấp là 1.042,9 m2 nên nguyên đơn yêu cầu bị đơn trả lại diện tích đất là 1.042,9 m 2 đất có tứ cận phía Đông giáp đất ông Đ, phía Tây giáp đất ông T, phía Nam giáp đất ông Đ, phía bắc giáp đất ông T. Tòa án đã tiến hành thụ lý giải quyết yêu cầu của ông Đ. Vì vậy vụ án này là quan hệ pháp luật “Tranh chấp quyền sử dụng đất ” theo quy định tại khoản 9 Điều 26 của Bộ luật tố tụng dân sự;
* Về nội dung tranh chấp là 1.042,9 m2 đất Tọa lạc tại Th M, xã Đ B S, huyện T Đ trị giá 16.686.400 đồng; trên đất hiện còn 07 cây gòn trị giá 252.000 đồng; 73 cây gòn trị giá 4.380.000 đồng; 05 cây Muồng trị giá 312.500 đồng.
Nhận Đ của Hội đồng xét xử:
[1] Về nguồn gốc đất tranh chấp các đương sự cùng thừa nhận phần đất đồi trọc trong đó có phần đất tranh chấp nguyên là đồi trọc chỉ có cỏ dại mọc và một số cây rừng thưa thớt, việc khai hoang chỉ là cuốc hố rồi trồng cây lên nhưng do đất đồi trọc cằn cỗi nên cây trồng phát triển kém, bị cỏ dại mọc trùm lên, việc khai hoang đồi trọc không phải phát, dọn cây rừng làm nhiều ngày vì vậy HĐXX không có đủ căn cứ xác định được người khai hoang và thời điểm khai hoang. Đến năm 2007 khi ông T, ông Đ và một số hộ xung quanh kê khai nguồn gốc đất đang sử dụng và cùng được UBND huyện T Đ cấp giấy CNQSD đất. Ông T, ông Đ cùng kê khai, cùng được cấp giấy CNQSD đất một ngày, các đương sự đã nhận giấy CNQSD đất thì buộc phải biết diện tích đất mình được cấp quyền sử dụng và diện tích thực tế mình đang sử dụng nhưng không ai có ý kiến gì về diện tích mình sử dụng và diện tích mình được cấp giấy CNQSDĐ vì vậy căn cứ vào giấy CNQSDĐ các đương sự được cấp, thời điểm cấp để xác định nguồn gốc đất của các bên.
[2] Kết quả đo đạc lồng ghép vào giấy CNQSD đất các bên được cấp thể hiện toàn bộ phần đất tranh chấp nằm trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ông Đ được cấp vì vậy có căn cứ.
[3] Do tại thời điểm xét xử nguyên đơn và bị đơn cùng thừa nhận tài sản trên đất là cây hồ tiêu đã chết hết vì vậy không giải quyết về giá trị cây trồng đã chết trên đất; buộc nguyên đơn phải trả lại giá trị cây trồng còn sống trên đất gồm: 07 cây gòn trị giá 252.000 đồng; 73 cây gòn trị giá 4.380.000 đồng; 05 cây Muồng trị giá 312.500 đồng với số tiền là 4.944.000 đồng Những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan không có ý kến yêu cầu gì vì vậy không đề cập giải quyết.
[4] Về án phí, chi phí tố tụng: Chi phí xém xét thẩm định tại chỗ và chi phí định giá, chi phí đo đạc tổng cộng là 10.000.000 đồng, ông Đ đã nộp số tiền này và yêu cầu giải quyết theo quy định pháp luật. Do yêu cầu của ông Đ được chấp nhận nên cần buộc ông T bà V phải chịu toàn bộ Chi phí xém xét thẩm định tại chỗ, chi phí đo đạc tổng cộng là 10.000.000 đồng số tiền này ông Đ đã nộp nên buộc ông T bà V trả lại cho ông Đ bà H; Khấu trừ vào số tiền trị giá cây trồng trên đất là 4.944.000 đồng nên buộc ông T và bà V phải trả số tiền là 5.056.000 đồng Đề nghị của đại diện Viện kiểm sát tham gia phiên Tòa là phù hợp với nội dung vụ án, quy định của pháp luật.
Từ những phân tích trên HĐXX xét thấy có căn cứ chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Ngô Văn Đ và bà Nguyễn Thị H. Buộc bị đơn ông Phạm Th T và bà Nguyễn Thị V phải trả lại toàn bộ diện tích đất là 1.042,9 m2 cho nguyên đơn và buộc bị đơn phải số tiền cho nguyên đơn là 5.056.000 đồng
[5] Về án phí dân sự sơ thẩm: Buộc ông T bà V phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo quy định pháp luật.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Áp dụng khoản 9 Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 35; điểm c khoản 1 Điều 39; Điều 147 Điều 148 của Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 163, Điều 164, Điều 169, Điều 357 của Bộ luật dân sự; Điều 165; Điều 166; Điều 168; Điều 169; Điều 202; khoản 1 Điều 203 của Luật đất đai; khoản 2 khoản 3 Điều 26 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Tuyên xử: Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Ngô Văn Đ và bà Nguyễn Thị H;
1. Buộc ông Phạm Th T bà Nguyễn ThịV phải trả lại diện tích đất là 1.042,9 m2 cho ông Ngô Văn Đ và bà Nguyễn Thị H; Lô đất có từ cận cụ thể như sau: Phía Đông giáp đất anh Đ, Phía Tây giáp đất ông T, Phía Nam giáp đất anh Đ, Phía bắc giáp đất ông T.
Nằm trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND huyện T Đ, tỉnh Đăk Nông cấp ngày 28/12/2007 mang tên ông Ngô Văn Đ tọa lạc tại Th M, xã Đ B S, huyện T Đ, tỉnh Đăk Nông.
( kèm theo sơ đồ đo đạc ngày 19/7/2019 của Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai T Đ)
2. Tiền chi phí xem xét thẩm đinh tại chỗ và cây trồng trên đất: Buộc ông Phạm Th T bà Nguyễn Thị V phải trả ông Ngô Văn Đ bà Nguyễn Thị H số tiền là 10.000.000 đồng ( Mười triệu đồng) (Tiền chi phí xem xét thẩm đinh tại chỗ) khấu trừ vào số tiền trị giá cây trồng của ông T bà V trên đất là 4.944.000 đồng (Bốn triệu chín trăm bốn mươi bốn nghìn đồng). Ông T và bà V còn phải trả cho ông Đ bà H số tiền là 5.056.000 đồng (Năm triệu không trăm năm mươi sáu nghìn đồng).
3. Về án phí dân sự sơ thẩm: là 300.000 đồng ( Ba trăm nghìn đồng)
Buộc ông Phạm Th T bà Nguyễn Thị V phải chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm với số tiền là 300.000 đồng ( Ba trăm nghìn đồng)
Trả lại cho anh Ngô Văn Đ số tiền 875.000 đồng ( tám trăm bảy lăm nghìn đồng) đã nộp tạm ứng án phí theo biên lai số 00 8735 ngày 12/01/2016 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện T Đ, tỉnh Đắk Nông .
4. Đương sự có mặt tại phiên Tòa có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày T án; Đương sự vắng mặt tại phiên Tòa có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được bản án hoặc ngày niêm yết bản án theo quy định pháp luật.
5. Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án 23/2019/DS-ST ngày 28/11/2019 về tranh chấp quyền sử dụng đất
Số hiệu: | 23/2019/DS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Tuy Đức - Đăk Nông |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 28/11/2019 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về