TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH CÀ MAU
BẢN ÁN 225/2020/DS-PT NGÀY 28/09/2020 VỀ YÊU CẦU CHẤM DỨT HÀNH VI CẢN TRỞ TRÁI PHÁP LUẬT, BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI
Ngày 28 tháng 9 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 239/2020/TLPT-DS ngày 31 tháng 8 năm 2020 về việc: “Yêu cầu chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật, bồi thường thiệt hại”.
Do bản án dân sự sơ thẩm số: 108/2020/DS-ST ngày 24 tháng 7 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện Trần Văn Thời bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 211/2020/QĐ-PT ngày 04 tháng 9 năm 2020 giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Ông Nguyễn Văn N, sinh năm 1980 (Có mặt).
Địa chỉ: Ấp Đ, xã K, huyện T, tỉnh C.
- Bị đơn:
1. Ông Nguyễn Văn D1, sinh năm 1964 (Có mặt).
2. Bà Bà Trần Thị D2, sinh năm 1965 (Có mặt).
Cùng địa chỉ: Ấp Đ, xã K, huyện T, tỉnh C
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. Bà Ngô Mỹ A, sinh năm 1982; địa chỉ: Ấp Đ, xã K, huyện T, tỉnh C (Vắng mặt).
2. Ông Nguyễn Văn T, sinh năm 1989; địa chỉ: Ấp Đ, xã K, huyện T, tỉnh C (Có mặt).
3. Bà Nguyễn Thị M, sinh năm 1987; địa chỉ: Ấp Đ, xã K, huyện T, tỉnh C (Có mặt).
4. Anh Nguyễn Văn D3, sinh năm 2002; địa chỉ: Ấp Đ, xã K, huyện T, tỉnh C (Vắng mặt).
- Người kháng cáo: Ông Nguyễn Văn N, là nguyên đơn.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Nguyên đơn, ông Nguyễn Văn N trình bày:
Vào ngày 11/3/2013, ông có nhận chuyển nhượng của ông Nguyễn Văn Sắc và bà Trần Thị Ửng (em ông D1) phần đất có diện tích 13.617m2 và được Ủy ban nhân dân huyện Trần Văn Thời cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 2013. Khi sang phần đất này, ông cùng bà Ửng, ông Sắc với ông D1 có thỏa thuận ông D1 đồng ý cho ông sử dụng lối đi vào phần đất của Đền ngang 04m x dài 52m, hiện trạng là một con mương, phần đất này nằm trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông D1. Việc sang nhượng có làm giấy viết tay có chữ ký của các bên chuyển nhượng và của ông D1. Sau khi chuyển nhượng ông vẫn đi trên phần đất mà ông D1 đã cho ông đi như giao kết. Đến năm 2019, phía ông D1 tự ý đắp con đập ngang cái mương là lối đi nêu trên gây ảnh hưởng đến việc đi lại của ông, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của ông. Sự việc xảy ra ông có ngăn cản và yêu cầu ông D1 mở con đập để ông được đi lại như thỏa thuận giữa các bên nhưng phía ông D1 không đồng ý và dẫn đến tranh chấp. Ông có yêu cầu địa phương tiến hành giải quyết nhưng không thành. Con mương được ông dùng vào mục đích vận chuyển mía nên việc ông D1 tự ý đắp đập nêu trên đã gây thiệt hại đến quyền lợi hợp pháp của ông, không thực hiện đúng như đã thỏa thuận trong tờ sang nhượng đất ngày 11/3/2013 giữa ông và ông Sắc, bà Ửng. Ông yêu cầu phía bị đơn có trách nhiệm tháo dỡ con đập có diện tích theo đo đạc thực tế là 15.1m2 để trả lại phần kênh cho ông đã sử dụng theo thỏa thuận trước đây, đồng thời, yêu cầu bị đơn có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho ông với số tiền 20.000.000 đồng, do trong thời gian ông D1 đắp đập, ông phải thuê mướn nhân công để vận chuyển mía qua đập. Tại phiên tòa, nguyên đơn xác định giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, không yêu cầu mở lối đi, chỉ yêu cầu bị đơn tháo dỡ con đập đã đắp và bồi thường thiệt hại nêu trên.
Bị đơn, ông Nguyễn Văn D1 trình bày:
Phần đất tranh chấp thuộc quyền quản lý và sử dụng ổn định của ông đã được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hợp pháp. Ông thừa nhận việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông N và ông Sắc, bà Ửng theo tờ sang nhượng ngày 11/3/2013 giữa các bên nhưng đó không phải là giao kết chuyển nhượng đất giữa ông và ông N. Do ông và nguyên đơn có quan hệ thân tộc (nguyên đơn là cháu ruột ông) nên khi nguyên đơn mua phần đất của ông Sắc, bà Ửng thì việc đi lại ra mặt tiền bên ngoài gặp nhiều khó khăn nên ông có cho nguyên đơn đi nhờ con mương thuộc quyền sử dụng hợp pháp của ông, đối với phần diện tích dùng làm lối đi này, ông chỉ cho nguyên đơn đi nhờ đường mà không phải là chuyển nhượng phần đất này cho nguyên đơn, thời điểm hiện tại phần đất này vẫn nằm trong giấy chứng nhận hợp pháp của ông. Do toàn bộ phần diện tích đất của ông được sử dụng cho việc nuôi cá làm nguồn thu nhập chính, phần lối đi tranh chấp là con mương có diện tích tổng thể lớn nên ông có nhu cầu sử dụng để phục vụ cho việc nuôi cá tạo thêm thu nhập hợp pháp cho gia đình, đồng thời trong quá trình nuôi cá do con mương nối liền với phần con kênh thông ra con sông nên cần phải đắp con đập đất đầu con mương này để ngăn không cho cá đi ra sông ảnh hưởng đến việc nuôi cá nêu trên. Ông xác định việc ông đắp đập đất ngang con mương là để phục vụ cho việc nuôi cá tạo thu nhập, ông vẫn cho phép nguyên đơn tiếp tục di chuyển trên con mương này mà không hề ngăn cản việc đi lại của nguyên đơn. Đối với con đập ông đắp là không cao so với mực nước nên nguyên đơn hoàn toàn có thể đi lại và vận chuyển mía khi thu hoạch. Ông đồng ý cho phép nguyên đơn đặt ống thoát nước bên dưới con đập đất để phục vụ cho việc xả nước từ phần đất phía trong của nguyên đơn.
Do phần con mương thuộc quyền sử dụng hợp pháp của ông nên ông không đồng ý theo yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc buộc ông dở con đập đất đã đắp và bồi thường thiệt hại cho nguyên đơn 20.000.000 đồng như nguyên đơn yêu cầu.
Bà Trần Thị D2 trình bày: Thống nhất như trình bày của ông D1 và không có ý kiến bổ sung.
Ông Nguyễn Văn T trình bày: Thống nhất trình bày của ông D1, ông cho rằng việc đắp đập này là do phía bên ông N tự ý khui đường nước làm cá nuôi của gia đình ông ra sông, việc đắp đập ngang đầu mương là để thực hiện quyền sử dụng đất, quyền canh tác hợp pháp của gia đình ông.
Tại bản án dân sự sơ thẩm số: 108/2020/DS-ST ngày 24 tháng 7 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện Trần Văn Thời quyết định: Tuyên xử:
Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Nguyễn Văn N về việc yêu cầu ông Nguyễn Văn D1, bà Trần Thị D2 tháo dở con đập và bồi thường thiệt hại với số tiền 20.000.000 (Hai mươi triệu) đồng.
Ngoài ra, án sơ thẩm còn tuyên về chi phí tố tụng, án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.
Ngày 27/7/2020, ông Nguyễn Văn N có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm yêu cầu cấp phúc thẩm sửa toàn bộ bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn buộc ông D1 tự tháo dở con đập ngang 04m, dài 6m và bồi thường thiệt hại số tiền 20.000.000 đồng.
Ngày 05 tháng 8 năm 2020, ông Nguyễn Văn N kháng cáo bổ sung yêu cầu: Hủy bản án dân sự sơ thẩm số 108/2020/DS-ST ngày 24 tháng 7 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện Trần Văn Thời.
Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Nguyễn Văn N giữ nguyên yêu cầu kháng cáo. Phần tranh luận tại phiên toà:
Ông Nguyễn Văn N trình bày: Vào năm 2013, ông D1 có thỏa thuận cho ông N phần đất mương ngang 4m, dài 52m nên nay yêu cầu ông D1 phải tháo dỡ đập để ông N đi lại lưu thông. Việc ông D1 đắp đập làm cho ông phải thêm chi phí nhân công khi chở mía qua đập nên ông yêu cầu ông D1 phải bồi thường số tiền 20.000.000 đồng.
Ông Nguyễn Văn D1 trình bày: Ông chỉ có cho ông N đường đi ngang 04m, dài 52m. Việc ông đắp đập là để nuôi cá nên ông không đồng ý tháo dở đập.
Bà Trần Thị D2 trình bày: Ông N còn 02 - 03 đường khác để đi.
Anh Nguyễn Văn T, chị Nguyễn Thị M thống nhất trình bày của ông D1, bà D2.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cà Mau tham gia phiên toà phát biểu: Việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán trong quá trình giải quyết vụ án; của Hội đồng xét xử và những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng tại phiên tòa đúng quy định pháp luật. Đề nghị Hội đồng xét xử ghi nhận sự tự nguyện của bị đơn: Đồng ý cho ông Nguyễn Văn N sử dụng phần con mương ngang 4m, dài 52 mét làm lối đi. Áp dụng khoản 2 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự, Sửa bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Trần Văn Thời.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Xét kháng cáo của ông Nguyễn Văn N, Hội đồng xét xử nhận định:
[2] Tại đơn khởi kiện, cũng như tại phiên tòa sơ thẩm, ông Nguyễn Văn N yêu cầu ông Nguyễn Văn D1 tháo dở con đập diện tích 15,1m2 do ông D1 đắp, không yêu cầu tranh chấp lối đi qua bất động sản liền kề nên quan hệ pháp luật tranh chấp được xác định là yêu cầu chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật đối với việc thực hiện quyền khác đối với tài sản theo quy định tại khoản 2 Điều 26 Bộ luật tố tụng dân sự, Điều 169 Bộ luật dân sự.
[3] Ông N và ông D1 đều thống nhất: Phần đất ông D1 đắp đập và ông N yêu cầu tháo dở có diện tích 15,1m2, thuộc thửa số 174, tờ bản đồ 04, tọa lạc tại ấp Đ, xã K, huyện T, tỉnh C . do ông Nguyễn Văn D1 đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và hiện nay ông D1 quản lý sử dụng. Như vậy, ông D1 có quyền quản lý, canh tác trên đất ông D1 được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Việc ông D1 đắp đập để nuôi cá theo trình bày của ông D1 là phù hợp với quyền của người có quyền sử dụng đất.
[4] Ông N cho rằng, đất của ông N nằm tiếp giáp và ở phía bên trong của đất ông D1. Từ đất của ông N, để ra phía bên ngoài kênh công cộng phải đi qua con mương ngang 4m, dài 52m trên đất của ông D1 nên việc ông D1 đắp đập đã gây cản trở cho việc đi lại, vận chuyển mía của ông N. Hội đồng xét xử xét thấy, phần đất của ông N là phần đất nông nghiệp canh tác theo mùa vụ nên nhu cầu đi lại chủ yếu là vận chuyển nông sản thu hoạch. Ông D1 tuy có đắp đập nhưng vẫn cho ông N đi lại trên con mương và cho ông N đặt cống xổ nước để phục vụ nhu cầu sản xuất nên việc canh tác nông nghiệp và việc đi lại vận chuyển nông sản thu hoạch của ông N vẫn được đảm bảo.
[5] Trong tờ sang nhượng đất ngày 11/3/2013 giữa ông N với ông Sắc, bà Ửng thì ông D1 có thỏa thuận cho ông N đường đi ngang 4m, dài 52m. Theo ông N thì ông D1 cho ông lối đi ngang 04m, dài 52m, còn ông D1 trình bày: Ông D1 cho ông Người đi qua đất của ông chứ không có cho ông N đất. Hội đồng xét xử xét thấy, phần con mương này, ngoài mục đích lưu thông cho ông N thì ông D1 cũng có đi lại, canh tác nên ông D1 trình bày cho ông N được đi trên phần mương của ông D1 là có cơ sở. Hơn nữa, ông N tại Đơn khởi kiện, Biên bản hòa giải ngày 19 tháng 6 năm 2019 (BL 29, 52) cũng cho rằng ông có thỏa thuận, ông N được sử dụng con mương của ông D1 và ông D1 được khai thác cá trên mương chung của ông N với ông D1. Điều này chứng tỏ, ông D1 không có cho ông N quyền sử dụng lối đi ngang 4m, dài 52m như ông N trình bày.
[6] Theo quy định tại Điều 254 Bộ luật dân sự: “Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi. Chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền về lối đi qua phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản chịu hưởng quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.” Như vậy, ông D1 đắp đập để nuôi cá trên phần đất do ông D1 được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và ông D1 vẫn cho ông N đi lại, vận chuyển trên đất, không ngăn cản việc đi lại của ông N là phù hợp với quy định về quyền sử dụng lối đi qua bất động sản liền kề. Hơn nữa, ông Nguyễn Văn N chỉ yêu cầu tháo dở con đập thuộc phần đất do ông D1 đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà không yêu cầu mở lối đi, không yêu cầu đo đạc thẩm định lối đi (Đơn khởi kiện, Biên bản hòa giải ngày 19 tháng 6 năm 2019, Biên bản làm việc tại các Bút lục 29, 52, 193). Do đó, việc ông D1 đắp đập trên phần đất của ông D1 nuôi cá là phù hợp quy định pháp luật. Do không có tranh chấp lối đi nên nếu các đương sự không thỏa thuận được sẽ kiện thành vụ án dân sự khác.
[7] Đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại của ông N. Ông D1 đắp đập trên phần đất do ông D1 đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là hợp pháp, hành vi của ông D1 không trái quy định pháp luật nên ông N yêu cầu bồi thường thiệt hại là không có căn cứ chấp nhận.
[8] Ông N yêu cầu hủy bản án dân sự sơ thẩm do làm mất biên bản thẩm định tại chỗ và biên bản hiện trường của Công an xã Khánh Bình Tây. Xét thấy, Tòa án nhân dân huyện Trần Văn Thời đã có Công văn số 341 ngày 11 tháng 12 năm 2019 yêu cầu Công an xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời cung cấp thông tin: Ông Nguyễn Văn N có báo Công an xã Khánh Bình Tây về việc ông D1 đắp đập ngăn không cho ông N vận chuyển mía không? Sự việc xảy ra ngày 30/4/2019 tại phần đất (đập) của ông D1 có lập biên bản không? Đến ngày 20 tháng 01 năm 2020, Công an xã Khánh Bình Tây có Công văn số 01/CV-CAX phúc đáp Công văn số 341 ngày 11 tháng 12 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện Trần Văn Thời như sau: Ngày 30/4/2019, Công an xã Khánh Bình Tây nhận được trình báo của ông Nguyễn Văn N ngụ ấp Đá Bạc, xã Khánh Bình Tây về việc ông Nguyễn Văn D1 ngụ cùng ấp có hành vi đe dọa, đuổi đánh và tổ chức đắp đập không cho ông N vận chuyển mía. Công an xã đã báo cáo Ủy ban nhân dân xã và cử cán bộ đến hiện trường ghi nhận sự việc ông D1 có tổ chức đắp đập trên đất của ông D1 nhưng ông N yêu cầu Công an xã phải xử lý ông D1 và buộc ông D1 không được đắp đập, trả lại sự lưu thông cho ông N. Qua trao đổi với Công chức địa chính xã, Công an xã thấy yêu cầu của ông N đối với Công an xã là chưa phù hợp (không phải lĩnh vực an ninh trật tự) nên hướng dẫn ông N đến Ủy ban nhân dân xã hoặc Tòa án có thẩm quyền để bảo vệ quyền lợi cho ông N. Như vậy, Công an xã Khánh Bình Tây đã xác nhận không có việc giải quyết yêu cầu của ông N.
Đối với thẩm định đất tranh chấp, Tòa án nhân dân huyện Trần Văn Thời đã có xem xét thẩm định lại đất tranh chấp và có lập Biên bản xem xét, thẩm định tại chỗ ngày 15 tháng 6 năm 2020 (BL 174). Như vậy, Tòa án có đầy đủ chứng cứ để giải quyết yêu cầu khởi kiện của ông N. Do đó, yêu cầu hủy án sơ thẩm của ông N là không có căn cứ.
[9] Từ nhận định trên, bản án sơ thẩm bác toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn là có cơ sở nên Hội đồng xét xử giữ nguyên án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Trần Văn Thời.
[10] Án phí dân sự sơ thẩm, phúc thẩm, ông Nguyễn Văn N phải chịu theo quy định.
[11] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị nên không đặt ra xem xét.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 1 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Toà án;
Không chấp nhận kháng cáo của ông Nguyễn Văn N.
Giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 108/2020/DS-ST ngày 24 tháng 7 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.
Tuyên xử:
1. Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Nguyễn Văn N về việc yêu cầu ông Nguyễn Văn D1, bà Trần Thị D2 tháo dở con đập có diện tích 15,1m2, thuộc thửa số 174, tờ bản đồ 04, tọa lạc tại ấp Đ, xã K, huyện T, tỉnh C . do ông Nguyễn Văn D1 đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Có trích đo hiện trạng kèm theo) và bồi thường thiệt hại với số tiền 20.000.000 (Hai mươi triệu) đồng.
2. Về chi phí tố tụng: Ông Nguyễn Văn N phải chịu 2.569.000 (Hai triệu năm trăm sáu mươi chín nghìn) đồng. Ông N đã nộp xong.
3. Về án phí:
- Ông Nguyễn Văn N phải chịu 1.300.000 (Một triệu ba trăm nghìn) đồng án phí dân sự sơ thẩm nhưng được khấu trừ vào 800.000 (Tám trăm nghìn) đồng tạm ứng án phí ông N đã nộp theo biên lai thu số 0003157 ngày 22 tháng 5 năm 2019 và biên lai số 0002530 ngày 09 tháng 8 năm 2019 của Chi Cục thi hành án dân sự huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Ông Nguyễn Văn N còn phải nộp số tiền 500.000 (Năm trăm nghìn) đồng. - Án phí phúc thẩm: Ông Nguyễn Văn N phải chịu 300.000 đồng. Ngày 27/7/2020, ông N có nộp tạm ứng số tiền 300.000 đồng theo biên lai số 0004072 của Chi Cục thi hành án dân sự huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau được đối trừ chuyển thu án phí.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 225/2020/DS-PT ngày 28/09/2020 về yêu cầu chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật, bồi thường thiệt hại
Số hiệu: | 225/2020/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Cà Mau |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 28/09/2020 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về