Bản án 22/2019/HS-ST ngày 28/05/2019 về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là phụ gia, thực phẩm

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN T, TỈNH THANH HÓA

BẢN ÁN 22/2019/HS-ST NGÀY 28/05/2019 VỀ TỘI SẢN XUẤT, BUÔN BÁN HÀNG GIẢ LÀ PHỤ GIA, THỰC PHẨM

Ngày 28 tháng 5 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện T, mở phiên tòa để xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 18/2019/TLST-HS ngày 29/3/2019, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 29/2019/QĐXXST-HS ngày 24 tháng 4 năm 2019 và Quyết định hoãn phiên tòa số 06/2019/HSST-QĐ ngày 8/5/2019, đối với bị cáo:

Nguyễn Hữu C – Sinh năm 1980 Nơi ĐKNKTT: Thôn Â, xã D, huyện T, tỉnh Thanh Hoá; nghề nghiệp: Lao động tự do; Trình độ văn hoá: 12/12; Dân tộc: Kinh; giới tính: nam; tôn giáo: không; quốc tịch: Việt Nam; con ông: Nguyễn hữu C (đã chết) và bà Nguyễn Thị C; vợ: Thiều Thị L và 02 con, lớn sinh năm 2005, nhỏ sinh năm 2013. Tiền án, tiền sự: không; Bị cáo tại ngoại có mặt tại phiên tòa.

* Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:

1. Bà Trịnh Thị T, sinh năm: 1962, HKTT: Phố B, thi trấn T, huyện T, tỉnh Thanh Hóa.

2. Bà Lê Thị T, sinh năm: 1963, HKTT: Thôn 4, xã T, huyện T, tỉnh Thanh Hóa.

3. Ông Lê Xuân L, sinh năm: 1962, HKTT: Thôn C, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Thanh Hóa.

4. Bà Lê Thị T, sinh năm: 1975, HKTT: Thôn 5, xã T, huyện T, tỉnh Thanh Hóa.

5. Chị Phạm Thị H, sinh năm: 1985, HKTT: Thôn T, xã H, huyện T, tỉnh Thanh Hóa.

6. Ông Trịnh Viết T, sinh năm: 1950, HKTT: Số nhà 313, phố B, thị trấn T, huyện T, tỉnh Thanh Hóa.

Những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đều vắng mặt tại phiên tòa.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các lài liệu có trong hồ sơ và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Ngày 11/12/2018, Đội chống buôn lậu, hàng giả - Phòng PC 03 phối hợp với Đội QLTT số 9 – cục QLTT tỉnh Thanh Hóa kiểm tra việc chấp hành pháp luật cửa hàng kinh doanh tạp hóa C, địa chỉ: thôn Â, xã D, huyện T, tỉnh Thanh Hóa do Nguyễn Hữu C là chủ hộ kinh doanh. Qua kiểm tra phát hiện và thu giữ tang vật nghi là hàng giả gồm: 67 gói mỳ chính các loại mang nhãn hiệu (Saji loại 500g, A-One loại 453,6g, Ajinomoto loại 1kg, Miwon loại 454g); 93 gói hạt nêm Knorr (loại 175g, 400g và 900g); 69,5kg vỏ túi nilong mang nhãn hiệu Saji, A-One, Ajinomoto, Miwon; 920kg nguyên liệu là mỳ chính Trung Quốc và hạt nêm Knorr cùng các dụng cụ, phương tiện dùng cho việc sản xuất, đóng gói Mì chính và hạt nêm Knorr giả.

Ngày 17/12/2018, Đội QLTT số 9 tỉnh Thanh Hóa chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc cùng tang vật cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa để tiến hành điều tra làm rõ.

Quá trình điều tra Nguyễn Hữu C khai: Vào khoảng tháng 01/2018 một người đàn ông khoảng 40 tuổi (không rõ tên, địa chỉ) gặp C ở chợ T (nơi vợ chồng Chiến thường bán hàng) chào bán Mì chính Trung Quốc, hạt nêm Knorr, vỏ túi ni lông in sẵn nhãn hiệu Saji, A-One, Ajinomoto, Miwon, knorr để đóng gói, sang bao bán kiếm lời. Chiến đồng ý và mua của người này 2 lần với số lượng 12 bao Mì chính Trung Quốc loại 25kg với giá 850.000đ/1 bao; 10 thùng hạt nêm Knorr loại 20kg với giá 620.000đ/1 thùng kèm theo vỏ bao đã in sẵn nhãn hiệu các loại với giá từ 2.000đ đến 4.000đ/1bao. Sau đó Chiến dùng ca nhựa, cốc nhựa, môi kim loại múc nguyên liệu là Mì chính, hạt nêm Knorr từ bao vào vỏ túi ni lông nhãn hiệu Saji, A-One, Ajinomoto, Miwon, knorr rồi dùng cân (loại 5kg) để cân đúng với khối lượng ghi trên bao bì, dùng máy ép ni lông ép thành túi rồi bán ra thị trường, lợi nhuận thu về từ việc sản xuất Mì chính, hạt nêm giả là 2.000đ/1kg.

Đến tháng 8/2018 Chiến chuyển sang mua của một người phụ nữ tên B ở Nam Định với giá như trên. Phương thức mua bán, giao dịch qua số điện thoại 0336937977, khi thống nhất số lượng, nguyên liệu cần lấy thì có xe chở đến nhà C để giao hàng và thanh toán tiền cho lái xe. C đã mua 40 bao mì chính Trung Quốc, 15 thùng hạt nêm knorr và nhiều vỏ túi ni lông đã được in sẵn tên các nhãn hiệu và bằng cách thức như trên bị cáo đóng gói và đem bán ra thị trường.

Đối tượng mua hàng của C thường là khách lẻ tại chợ T và các cửa hàng tạp hóa tại huyện T, huyện Đ cụ thể: Bà Nguyễn Thị Ngọc H, Bà Lê Thị T (xã T, T ); Ông Lê Xuân L (xã Đ, Đ); Bà Trịnh Thị T, Bà Nguyễn Thị T ( xã phố B, T); Ông Nguyễn Ngọc S ( C - D-T); Bà Lê Thị T (xã T, T); Bà Lê Thị C ( xã M, T); Bà Lê Thị H, bà Phạm Thị H (xã H, T). Ngoài ra, C còn bán cho nhiều người dân ở xã D, mỗi người từ 1 đến 2 gói (C không nhớ rõ là ai). Tổng số C bán ra ( trong 2 lần, lần 1 tháng 01/2018, lần 2 tháng 08/2018) là 565,753kg Mì chính và 253,125kg hạt nêm các loại, Chiến đã hưởng lợi 1.637.756đ.

Việc sản xuất, mua bán hàng giả do mình C thực hiện và không có sổ sách, hóa đơn, chứng từ gì theo dõi việc mua bán, sản xuất khi bán cho khách hàng, C cũng không cho khách hàng biết là hàng giả.

Quá trình điều tra, các đối tượng trên thừa nhận có mua hàng của C và đã tự nguyện giao nộp số hàng giả còn lại cho Cơ quan Cảnh sát điều tra gồm: 45 gói Mì chính các loại nhãn hiệu (Saji loại 500g, A-One loại 453,6g, Ajnomoto loại 1kg, Miwon loại 454g và loại 1kg); 42 gói hạt nêm Knorr (loại 175g, 400g và 900g).

Ngày 25/12/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa ra Quyết định số 136/PC03, trưng cầu Viện khoa học Hình sự - Bộ Công an giám định về chất lượng, nhãn hiệu các mẫu vật thu giữ tại nhà Nguyễn Hữu C.

Ngày 28/12/2018, Viện khoa học Hình sự - Bộ Công an có kết luận số 7257/C09(P4) kết luận: các mẫu vật là mì chính Saji loại 500g/gói, mì chính A-One loại 453,6g/gói, mì chính Ajinomoto loại 1kg/gói, mì chính Miwon loại 454g/gói, hạt nêm Knorr loại 400g/gói và 900g/gói gửi giám định đều không cùng loại với gói mì chính, hạt nêm do các công ty sản xuất cung cấp làm mẫu so sánh, riêng hạt nêm Knorr loại 175g/gói không có mẫu so sánh tương ứng cùng loại nên không đủ cơ sở để xác định do công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam sản xuất hay không. Toàn bộ mẫu vật gửi đi giám định không tìm thấy chất độc hại thường gặp.

Ngày 07/01/2019, Cơ quan CSĐT ra Quyết định số 189/PC03, trưng cầu Hội đồng định giá tài sản tỉnh Thanh Hóa về giá trị tài sản (mì chính và hạt nêm Knorr) do Nguyễn Hữu C tự sản xuất, đóng gói.

Tại Bản kết luận số 05/KL-HĐĐG ngày 11/01/2019 của Hội đồng định giá tài sản tỉnh Thanh Hóa kết luận: Giá trị tài sản do Nguyễn Hữu C tự sản xuất, đóng gói là 7.153.000đ.

Về vật chứng: Chuyển toàn bộ vật chứng sau là Mì chính Trung Quốc, hạt nêm Knorr các loại giám định; 01 cốc nhựa,01 ca nhựa; 01 môi bằng kim loại, 01 cân (loại 5kg) và 01 máy ép ni lông đến Cơ quan Chi cục Thi hành án dân sự bảo quản chờ xử lý.

Đối với người đàn ông bán nguyên liệu cho Nguyễn Hữu C ở chợ T - T và người phụ nữ tên B ở Nam Định, quá trình điều tra không xác định được họ tên, địa chỉ nên Cơ quan điều tra không có cơ sở để xác minh, làm rõ.

Đối với các đối tượng mua mì chính, hạt nêm giả của Nguyễn Hữu Chiến, do không biết đó là hàng giả nên không có căn cứ để truy thu và xử lý.

*Cáo trạng số 21/VKSTS-KT ngày 28/3/2019 của Viện kiểm sát nhân dân huyện T, tỉnh Thanh Hóa truy tố bị cáo Nguyễn Hữu C về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm” theo khoản 1 Điều 193 Bộ luật hình sự.

Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát giữ nguyên quyết định truy tố và đề nghị HĐXX:

Tội danh: Tuyên bố bị cáo Nguyễn Hữu C phạm tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm” Về hình phạt: Áp dụng điểm g khoản 1 Điều 52, Điểm b, s, u khoản 1, 2 Điều 51, Điều 54, Điều 38 Bộ luật hình sự; Hình phạt từ 15 đến 18 tháng tù.

Bị cáo có hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên miễn hình phạt bổ sung là phạt tiền cho bị cáo.

Về dân sự: Bị cáo đã bồi thường đầy đủ cho bà Lê Thị T số mỳ chính, hạt nêm bị thu hồi nay bà không yêu cầu gì thêm; Những trường hợp khác không yêu cầu bồi thường nên không xem xét.

Về vật chứng: Áp dụng điểm a, b, c khoản 1 Điều 47 Bộ luật hình sự, điểm a, b, c khoản 2 Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự:

- Tịch thu sung quỹ Nhà nước số tiền thu lời bất chính của bị cáo 1.637.756đ

- Tịch thu tiêu hủy toàn bộ số mì chính, hạt nêm giả.

- Đối với công cụ, phương tiện dùng để sản xuất mì chính, hạt nêm, do đã cũ không còn giá trị sử dụng nên tịch thu tiêu hủy.

Tại phiên tòa bị cáo nhận tội và không có ý kiến tranh luận đối với Viện kiểm sát, lời nói sau cùng bị cáo mong HĐXX cho hưởng mức án thấp nhất.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Tính hợp pháp của các hành vi, quyết định tố tụng:

Về hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện T, Viện kiểm sát nhân dân huyện T trong quá trình điều tra, truy tố đều thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng thực hiện đều hợp pháp theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

[2] Tại phiên tòa bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội cụ thể như sau:

Tháng 1/2018 Chiến đã mua Mì chính, hạt nêm Knorr Trung Quốc, vỏ túi ni lông in sẵn nhãn hiệu Saji, A-One, Ajinomoto, Miwon, knorr của một người đàn ông không rõ họ tên, địa chỉ 2 lần với số lượng 12 bao Mì chính Trung Quốc loại 25kg với giá 850.000đ/1 bao; 10 thùng hạt nêm Knorr loại 20kg với giá 620.000đ/1 thùng kèm theo vỏ bao đã in sẵn nhãn hiệu các loại với giá từ 2.000đ đến 4.000đ/1bao. Sau đó đóng gói, dùng máy ép ni lông ép thành túi rồi bán ra thị trường.

Tháng 8/2018 Chiến mua của một người phụ nữ tên B mở Nam Định với giá như trên. Phương thức mua bán, giao dịch qua số điện thoại 0336937977, khi thống nhất số lượng, nguyên liệu cần lấy thì có xe chở đến nhà C để giao hàng và thanh toán tiền cho lái xe. C đã mua 40 bao mì chính Trung Quốc, 15 thùng hạt nêm knorr và nhiều vỏ túi ni lông đã được in sẵn tên các nhãn hiệu và bằng cách thức như trên bị cáo đóng gói và đem bán ra thị trường.

Tổng số lượng 2 lần C đã bán ra thị trường 565,753kg mì chính và 253.125kg hạt nêm giả, hưởng lợi 1.637.756đ.

Lời nhận tội của bị cáo phù hợp với nội dung bản cáo trạng, lời khai của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, người làm chứng và các tài liệu, chứng cứ đã được thu thập có trong hồ sơ vụ án, Hội đồng xét xử có đủ cơ sở kết luận: Nguyễn Hữu C phạm tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm”, tội danh và hình phạt quy định tại khoản 1 điều 193 Bộ luật hình sự.

[3] Tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo:

Bị cáo Nguyễn Hữu C với mục đích tư lợi đã có hành vi mua mì chính Trung Quốc, hạt nêm Knorr giả, đóng gói bán ra thị trường để thu lời bất chính. Hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm hại đến chính sách quản lý thị trường của Nhà nước, đồng thời xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng. Ngoài ra còn có thể xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người khác.

Hành vi của bị cáo không chỉ gây thiệt hại đến lợi ích người tiêu dùng mà còn làm ảnh hưởng đến uy tín kinh doanh của các Công ty chính hãng, làm mất ổn định thị trường, do vậy cần phải xử lý nghiêm, để giáo dục riêng và phòng ngừa chung.

[4] Xét tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ của bị cáo:

- Về tình tiết tăng nặng: Bị cáo 02 lần thực hiện hành vi phạm tội nên áp dụng tình tiết tăng nặng là phạm tội nhiều lần theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự

- Tình tiết giảm nhẹ: Quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa bị cáo thành khẩn khai báo hành vi phạm tội của mình, ăn năn hối cãi; Có công phối hợp cùng cơ quan Cảnh sát điều tra công an tỉnh Thanh Hóa, giúp Cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với các đối tượng về tội: Giết người, Cố ý ây thương tích và Gây rối trật tự công cộng; Những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án có đơn đề nghị Tòa án xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo, ông, bà nội bị cáo là người có công với cách mạng, là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm b, s, u khoản 1, 2 Điều 51 BLHS.

Căn cứ vào các quy định của Bộ luật hình sự, vào tính chất, mức độ nghiêm trọng của tội phạm, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, xét thấy bị cáo có 1 tình tiết tăng nặng, 3 tình tiết giảm nhẹ ở khoản 1 và 1 tình tiết giảm nhẹ ở khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự, nên căn cứ vào Điều 54 Bộ luật hình sự, xử bị cáo dưới mức thấp nhất của khung hình phạt là phù hợp.

Tuy bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ nhưng căn cứ vào mục 5 Điều 3 Nghị quyết 02/2018 ngày 15/5/2018 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Cần thiết phải cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội 1 thời gian mới đủ giáo dục, cải tạo bị cáo.

- Bị cáo có điều kiện hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên không xem xét áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền đối với bị cáo - Đối với các đối tượng mua mì chính, hạt nêm giả của Nguyễn Hữu C, do không biết đó là hàng giả nên Cơ quan điều tra không xử lý là phù hợp.

[5] Về dân sự:

Quá trình điều tra bị cáo đã bồi thường cho bà Lê Thị T số mỳ chính, hạt nêm giả còn lại bị thu hồi nay bà không yêu cầu gì thêm. Những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan khác không yêu cầu bị cáo phải bồi thường số mì chính, hạt nêm bị Cơ quan điều tra thu giữ nên Hội đồng xét xử không xem xét.

[6] Xử lý vật chứng:

- Tịch thu sung quỹ Nhà nước số tiền thu lời bất chính của bị cáo 1.637.756đ - Tịch thu tiêu hủy toàn bộ số mì chính, hạt nêm giả.

- Đối với công cụ, phương tiện dùng để sản xuất mì chính, hạt nêm, do đã cũ không còn giá trị sử dụng nên tịch thu tiêu hủy.

[7] Về án phí: Bị cáo phải chịu án phí HSST theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Tuyên bố: Nguyễn Hữu C, phạm tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là phụ gia, thực phẩm”.

- Áp dụng: Khoản 1 điều 193; điểm g khoản 1 Điều 52, điểm b, s,u khoản 1, 2 điều 51; Điều 54; Điều 38 Bộ luật hình sự.

Xử phạt: Nguyễn Hữu C 15 (mười lăm) tháng tù. Thời gian chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án.

* Vật chứng: Áp dụng điểm a, b, c khoản 1 Điều 47 Bộ luật hình sự, điểm a, b, c khoản 2 Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự - Tịch thu sung quỹ Nhà nước số tiền thu lời bất chính của bị cáo 1.637.756đ (Theo biên lai số 1203 ngày 18/4/2019 của Chi cục thi hành án dân sự huyện T, tỉnh Thanh Hóa)

- Tịch thu tiêu hủy toàn bộ số mì chính, hạt nêm giả.

- Tịch thu tiêu ủy công cụ, phương tiện dùng để sản xuất mì chính, hạt nêm giả do đã cũ không còn giá trị sử dụng.

(Theo biên bản giao nhận vật chứng số 20/VC/2019 ngày 28/3/2019 của Chi cục thi hành án dân sự huyện T)

- Về án phí: Áp dụng điều 135, 136 BLTTHS; khoản 1 Điều 21 Nghị quyết 326/2016 của UBTVQH Buộc bị cáo phải chịu 200.000đ án phí HSST.

Bị cáo được quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vắng mặt được quyền kháng có trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản sao bản án hoặc niêm yết.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

371
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 22/2019/HS-ST ngày 28/05/2019 về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là phụ gia, thực phẩm

Số hiệu:22/2019/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Thạch Thành - Thanh Hoá
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 28/05/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;