TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG
BẢN ÁN 22/2019/DS-PT NGÀY 19/02/2019 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT
Ngày 19 tháng 02 năm 2019 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Long xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 172/2018/TLPT-DS ngày 05 tháng 12 năm 2018 về việc “tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất”.
Do bản án dân sự sơ thẩm số 20/2018/DSST ngày 22/06/2018 của Tòa án nhân dân huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 13/2019/QĐPT-DSngày 02 tháng 01 năm 2019, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Ông Ngô Văn S; Cư trú tại: Đường A, phường B, quận T, thành phố Hồ Chí Minh.
- Bị đơn: Ông Ngô Văn N; Cư trú tại: Ấp H, xã B, huyện V, tỉnh Vĩnh Long.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. Bà Võ Thị V1; Cư trú tại: Ấp H, xã B, huyện V, tỉnh Vĩnh Long.
2. Bà Ngô Thị C1; Cư trú tại: Khóm 9, thị trấn C, huyện C, tỉnh Trà Vinh.
Người đại diện hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Ngô Thị C1: Bà Nguyễn Thị T1; Cư trú tại: Khóm A, thị trấn C, huyện C, tỉnh TràVinh. (Văn bản ủy quyền ngày 15/5/2012).
3. Bà Ngô Thị C2; Cư trú tại: Ấp S, xã M, thị trấn C, huyện C, tỉnh Trà Vinh.
4. Bà Ngô Thị D; Cư trú tại: Ấp K, xã N, huyện V, tỉnh Vĩnh Long.
5. Bà Ngô Thị T2; Cư trú tại: Ấp 1, xã N, huyện V, tỉnh Vĩnh Long.
6. Anh Trần Thanh H; Cư trú tại: Đường T, phường H, thị xã K, tỉnh Long An.
7. Anh Trần Thanh T3; Cư trú tại: Ấp O, xã B, thị xã K, tỉnh Long An.
8. Anh Trần Thanh L1; Cư trú tại: Đường D, thị xã K, tỉnh Long An.
9. Chị Trần Thị Duy L2; Cư trú tại: Ấp 1B, xã S, huyện C, tỉnh Long An.
10. Anh Trần Thanh V2; Cư trú tại: Khu phố C, phường M, thị xã K, tỉnh Long An.
11. Anh Trần Thanh P (Trần Văn T4); Cư trú tại: Đường T, khu phố N, thị xã K, tỉnh Long An.
12. Chị Ngô Ngọc M; Cư trú tại: Ấp H, xã N, huyện V, tỉnh Vĩnh Long.
13. Chị Ngô Ngọc Đ; Cư trú tại: Ấp H, xã N, huyện V, tỉnh Vĩnh Long.
14. Ủy ban nhân dân huyện V.
- Người kháng cáo: Nguyên đơn Ngô Văn S.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Trong đơn khởi kiện ngày 03 tháng 01 năm 2012 và trong quá trình giải quyết vụ án nguyên đơn ông Ngô Văn Sơn trình bày:
Ông nội của ông là ông Ngô Văn G (chết năm 2009) và bà nội là bà Lê Thị Nh (chết năm 2006) có 07 người con:
1. Ngô Minh S (chết năm 1962), có vợ Hà Thị Đ (chết năm 1965), có 01 người con tên là Ngô Văn S.
2. Ngô Thị D (chết năm 1987), có chồng Trần Thanh N (chết năm 2011), có 06 người con: Trần Thanh H, Trần Thanh T3, Trần Thanh L1, Trần Thị Duy L2, Trần Thanh V2, Trần Thanh P (tên gọi khác là Trần Văn T4).
3. Ngô Thị C1.
4. Ngô Thị C2.
5. Ngô Thị D.
6. Ngô Thị T2.
7. Ngô Văn N.
Sinh thời, ông G và bà Nh đã có phân chia tài sản cho những người con. Tuy nhiên, ông G và bà Nh còn để lại di sản gồm căn nhà gắn liền với phần đất diện tích 3.920m2 (diện tích đo thực tế là 3.762,5m2), thuộc thửa 515, đất thổ vườn, tờ bản đồ số 07, tọa lạc tại ấp H, xã N, huyện V, tỉnh Vĩnh Long do ông Ngô Văn N đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa chia. Năm 2009 ông G chết không để lại di chúc. Năm 2011, ông N đã tự ý kê khai làm thủ tục thừa kế và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thửa 515 mà không có sự đồng ý của ông.
Nay ông S có yêu cầu đưa toàn bộ diện tích thửa đất 515, tờ bản đồ số 7, làm tài sản chung để thờ cúng hương quả ông bà. Trường hợp ông N không đồng ý đưa thửa đất 515 làm di sản thờ cúng thì ông yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thửa 515 vì khi ông N làm thủ tục thừa kế đối với thửa đất này thì không có sự đồng ý của ông và yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật đối với thửa 515, diện tích 3762,5m2, thửa 515, tọa lạc tại ấp H, xã N, huyện V, tỉnh Vĩnh Long, ông yêu cầu được hưởng một phần bằng diện tích 537,5m2. Vị trí đất ông yêu cầu một mặt giáp với Quốc lộ 53, một mặt giáp với đất của ông Ngô Văn A, hai mặt còn lại giáp với đất của ông Ngô Văn N. Trên đất có một số cây trồng, trong đó một số do ông G trồng, một số do ông N trồng. Ông đồng ý bồi hoàn giá trị cây trồng mà ông N đã trồng trên đất tranh chấp số tiền 2.330.000 đồng và bồi hoàn chi phí san lắp đất số tiền 660.000 đồng, tổng cộng số tiền 2.930.000 đồng, ông tự nguyện bồi hoàn cho phía ông N số tiền 3.000.000 đồng.
Tại bản khai ý kiến và trong quá trình giải quyết vụ án bị đơn ông Ngô Văn N trình bày:
Ông thống nhất theo lời trình bày của ông S về ngày mất của cha mẹ, các hàng thừa kế của ông G và bà Nh.
Năm 2010 ông làm thủ tục thừa kế đối với phần đất thửa 515, diện tích 3.762,5m2 và các chị của ông đến Ủy ban nhân dân xã ký tên từ chối hưởng di sản thừa kế. Ngày 31/12/2010, ông được Ủy ban nhân dân huyện V cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trên đất có gắn liền căn nhà cấp 4 do ông G để lại. Phần nhà và đất trên lúc ông G mất không có để lại di chúc nhưng khi còn sống ông G có di ngôn tặng cho ông phần đất thửa 515 để ông canh tác, quản lý thờ cúng ông bà, việc này các chị em trong gia đình và ông S đều biết.
Khi cha mẹ ông còn sống đã chia đất cho các anh chị em cụ thể như sau: Chia cho chị Ngô Thị N, diện tích 4.437m2; Chia cho Ngô Thị C, diện tích1.893,4m2; Chia cho Ngô Thị T2, diện tích 2.450m2; Chia cho Ngô Văn N, diện tích 5.077m2; Năm 1999 chia cho chị Ngô Thị C 2.000m2 đất giáp quốc lộ 53; Năm 2006, chia phần đất còn lại trên dưới 5.000m2 chô ông Ngô Văn S là con của ông Ngô Minh S, đất ruộng giấp quốc lộ 53 (mặt tiền hơn 40m).
Nay ông đồng ý chia cho ông S diện tích 537,5m2 tại vị trí khác so với vị trí mà ông S yêu cầu. Phần đất có vị trí phía Nam giáp ông Ngô Văn L, phía Tây giáp ông Ngô Văn A có 2m đường đi, phía Bắc giáp đất của ông, phía Đônggiáp kênh. Trên đất có các cây trồng do ông trồng, ông S nhận đất phải bồi hoàn giá trị cho ông theo giá trị mà hội đồng định giá đã xác định.
Tại bản khai ý kiến và trong quá trình giải quyết vụ án người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Võ Thị V1 trình bày: Thống nhất với trình bày của ông Ngô Văn N, không có ý kiến và không có yêu cầu nào khác.
Tại bản khai ý kiến và trong quá trình giải quyết vụ án người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Ngô Ngọc M trình bày: Thống nhất với trình bày của ông Ngô Văn N, không có ý kiến và không có yêu cầu nào khác.
Tại bản khai ý kiến và trong quá trình giải quyết vụ án người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chị Ngô Ngọc Đ trình bày: Thống nhất với trình bày của ông Ngô Văn N, không có ý kiến và không có yêu cầu nào khác.
Tại bản khai ý kiến và trong quá trình giải quyết vụ án người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Ngô Thị D trình bày: Bà là con ruột của ông Ngô Văn G và bà Lê Thị Nh. Bà thống nhất với trình bày của ông N phần đất thửa 515, diện tích đo thực tế 3.762,5m2 khi ông G chết các chị em trong nhà đã có văn bản đồng ý giao cho ông N sử dụng để thờ cúng ông bà nên bà không yêu cầu chia thừa kế nữa.
Tại bản khai ý kiến và trong quá trình giải quyết vụ án người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Ngô Thị T2 trình bày: Bà là con ruột của ông Ngô Văn G và bà Lê Thị Nh. Bà thống nhất với trình bày của ông N và xác định phần đất thửa 515, diện tích đo thực tế 3.762,5m2 khi ông G chết các chị em trong nhà đã có văn bản đồng ý giao cho ông N sử dụng để thờ cúng ông bà nên bà không yêu cầu chia thừa kế nữa.
Tại bản khai ý kiến và trong quá trình giải quyết vụ án người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Ngô Thị C trình bày:
Bà là con ruột của ông Ngô Văn G và bà Lê Thị Nh . Ông G và bà Nh có tất cả 07 người con. Ngày 12/3/2012 bà có đơn khởi kiện độc lập đối với ông Ngô Văn N yêu cầu đưa di sản của ông G chết để lại là thửa đất số 515 gắn liền với căn nhà cấp 4 làm di sản thờ cúng nếu ông N không đồng ý thì bà yêu cầu được chia thừa kế diện tích 560m2 nằm trong diện tích 3.762,5m2 thuộc thửa 515.
Ngày 20/5/2016, bà có đơn rút lại toàn bộ yêu cầu khởi kiện độc lập, không yêu cầu được chia thừa kế đối với phần di sản mà ông G chết để lại. Lý do hiện nay bà đã già yếu không có sức khỏe, ý kiến của bà là để lại phần di sản của ông G cho ông S và ông N quyết định. Trường hợp Tòa án chia thừa kế theo pháp luật đối với phần di sản của ông G chết để lại thì bà đồng ý giao phần của bà cho ông Ngô Văn S. Ngoài ra, bà không có yêu cầu và ý kiến nào khác.
Tại bản khai ý kiến và trong quá trình giải quyết vụ án người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Ngô Thị C2 trình bày:
Bà là con ruột của ông Ngô Văn G và bà Lê Thị Nh. Ông G và bà Nh có tất cả 07 người con ruột. Ông G và bà Nh chết để lại khối di sản gồm: một căn nhà nằm trên phần đất có diện tích 3.762,5m2, thửa 515, tờ bản đồ số 07, đất thổ vườn tọa lạc tại ấp H, xã N, huyện V, tỉnh Vĩnh Long do ông Ngô Văn G đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và hiện nay đã sang tên cho ông Ngô Văn N đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ông G chết không để lại di chúc, di ngôn. Sau khi ông G qua đời khoảng một năm thì ông N đứng tên thừa kế. phần đất thửa 515, diện tích đo thực tế 3.762,5m2 và các chị em trong nhà đã có văn bản đồng ý giao cho ông N sử dụng để thờ cúng ông bà nên bà không yêu cầu chia thừa kế nữa.
Tại bản khai ý kiến và trong quá trình giải quyết vụ án người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan anh Trần Thanh V2, chị Trần Thị Duy L1, anh Trần Thanh P, anh Trần Thanh T3, anh Trần Thanh H và anh Trần Thanh L2 trình bày:
Các anh, chị là con ruột của bà Ngô Thị D (mất năm 1985) và ông Trần Thanh N (mất năm 2011). Bà D và ông N có tất cả 06 người con là: Trần Thanh H, Trần Thanh T3, Trần Thanh L1, Trần Thị Duy L2, Trần Thanh P và Trần Thanh V2. Ông ngoại các anh, chị là ông Ngô Văn G bà ngoại là Lê Thị Nh, khi mất, ông G và bà Nh không để lại di chúc. Phần di sản ông bà ngoại để lại gồm một căn nhà nằm trên phần đất có diện tích 3920m2, thửa đất số 515, tờ bản đồ số 07, đất thổ tọa lạc tại ấp H, xã N, huyện V, tỉnh Vĩnh long do ông Ngô Văn N đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo yêu cầu chia thừa kế của ông S đối với phần đất tại thửa 515 thì các anh, chị không có ý kiến và yêu cầu gì. Trường hợp Tòa án chia thừa kế theo pháp luật đối với phần di sản mà ông G chết để lại thì các anh, chị đồng ý giao phần thừa kế của các anh, chị cho ông
Ngô Văn N, để ông Nchăm lo thờ cúng hương quả ông bà. Ngoài ra, các anh, chị không có yêu cầu hay ý kiến gì khác.
Tại công văn số 855/UBND ngày 18/11/2014 và công văn số 386/UBND ngày 03/6/2015, Ủy ban nhân dân huyện V có ý kiến như sau:
Theo tư liệu đo đạc từ bản đồ giải thửa năm 1991, ông Ngô Văn G kê khai đăng ký và được UBND huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở thửa đất 515, diện tích 3.920m2, loại đất thổ vườn. Đất tọa lạc ấp H, xã N, huyện V, tỉnh Vĩnh Long.
Năm 2009, ông Ngô Văn G chết. Các con ông Ngô Văn G bao gồm: Ngô Văn N, Ngô Thị C1, Ngô Thị C2, Ngô Thị D, Ngô Thị T2 lập văn bản phân chia thừa kế quyền sử dụng đất theo pháp luật ngày 21/12/2010 và được Ủy ban nhân dân xã N chứng thực ngày 09/02/2011. Theo đó, ông Ngô Văn N là người nhận thừa kế quyền sử dụng đất thửa 515, diện tích 3.762,5m2, loại thổ vườn (theo trích đo bản đồ địa chính khu đất ngày 06/12/2010 của Phòng tài nguyên và môi trường). Sau khi hoàn thành thủ tục thừa kế quyền sử dụng đất, ông Ngô Văn N được Ủy ban nhân dân huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Về trình tự, thủ tục thừa kế quyền sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Ngô Văn N được thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Tại bản án dân sự sơ thẩm số 20/2018/DSST ngày 22 tháng 6 năm 2018của Tòa án nhân dân huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long đã quyết định:
Căn cứ Điều 26, 35, 39, 147 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015; Điều 609,610, 649, 652 của Bộ luật dân sự 2015, Điều 100 Luật đất đai 2013; Điều 3, Điều 27 của Pháp lệnh số 10/2009/UBTVQH12 ngày 27/02/2009 về án phí, lệ phí Tòa án; Điều 11, Điều 12 của Nghị quyết 326/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Ngô Văn S.
Buộc phía ông Ngô Văn N và bà Võ Thị V1 phải giao cho ông Ngô Văn S diện tích 537,5m2 thuộc tách 515-2 + tách 515-3 + tách 515-5 + tách 515-6 + tách 515-7 + tách 515-8, tờ bản đồ số 07 (theo các cột mốc 1, 2, a, g, h, c, d, 7,9, 10, 11, e, 12).
Công nhận cho ông Ngô Văn S diện tích 537,5m2 thuộc tách 515-2 + tách 515-3 + tách 515-5 + tách 515-6 + tách 515-7 + tách 515-8, tờ bản đồ số 07 (theo các cột mốc 1, 2, a, g, h, c, d, 7, 9, 10, 11, e, 12).
Hủy một phần giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BC270809, thửa đất số 515, tờ bản đồ số 07, diện tích 537,5m2 thuộc tách thửa 515-2 + 515-3 + 515-5 + 515-6 + 515-7 + 515-8, tờ bản đồ số 07 (theo các cột mốc 1, 2, a, g, h, c, d,7, 9, 10, 11, e, 12), trong tổng diện tích 3.762,5m2, loại đất ở, đất trồng cây lâu năm do ông Ngô Văn N đứng tên quyền sử dụng đất.
Đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện của ông Ngô Văn S về việc rút lại diện tích 22,5m2. Đình chỉ yêu cầu thừa kế của bà Ngô Thị C1.
Ghi nhận sự tự nguyện của bà Ngô Thị C1, bà Ngô Thị C2, bà Ngô Thị T2, bà Ngô Thị D, anh Trần Thanh H , anh Trần Thanh T3, anh Trần Thanh P (tên gọi khác là Trần Văn T4), anh Trần Thanh L1, chị Trần Thị Duy L2, anh Trần Thanh V2 đều có ý kiến khước từ không nhận phần thừa kế của ông G chết để lại.
Về cây trồng trên đất: Ông Ngô Văn S được hưởng toàn bộ cây trồng trên tách thửa 515-2 + 515-3 + 515-5 + 515-6 +515-7 + 515-8. Buộc ông Ngô Văn S phải có nghĩa vụ bồi hoàn giá trị cây trồng cho phía ông Ngô Văn N số tiền10.150.000 đồng (Mười triệu một trăm năm mươi nghìn đồng).
Về chi phí khảo sát, đo đạc: Buộc ông Ngô Văn S nộp 4.000.000 đồng. Ngoài ra, bản án dân sự sơ thẩm còn tuyên về án phí, nghĩa vụ thi hành án và quyền kháng cáo của đương sự theo luật định.
Ngày 04 tháng 7 năm 2018, ông Ngô Văn S có đơn kháng cáo với nộidung ông yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm phân chia cho ông phần đất diện tích 537,5m2, có vị trí ranh giới do ông yêu cầu ngày 11/4/2018, do phòng Tài nguyên và Môi trường huyện V tách thửa gồm: 515-1 (419,5m2) + 515-2 (73,7m2) = 493,2m2 (là đất ở nông thôn và trồng cây lâu năm), diện tích này nhỏ hơn diện tích ông được hưởng theo pháp luật (537,5m2 – 493,2m2 = 44,3m2). Yêu cầu ông N phải trả cho ông giá trị đất thực tế tại địa phương và thời điểm hiện tại. Trong phần 493,2m2 phải có 1/7 đất ở (loại 1) khoảng 45m2; không đồng ý bồi hoàn 100% giá trị cây trồng trên phần đất 515-3 do ông N phân chia vì số cây là do ông nội của ông S (ông G) đã trồng trước đó; ông chịu 1/7 tổng chi phí với số tiền khoảng 570.000 đồng chi phí khảo sát đo đạc.
Tại phiên tòa phúc thẩm ông S vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.
Ông S yêu cầu được chia thừa kế phần đất thửa 515, diện tích 537,5m2 theo vị trí ông yêu cầu có một mặt giáp với Quốc lộ 53 để thuận tiện cho việc đi lại nhưng ông N không đồng ý và ông N đồng ý chia cho ông S phần đất thửa 515, diện tích 537,5m2 tại vị trí như án sơ thẩm. Ông N, ông Sxác định trên phầnđất ông N đồng ý chia cho ông S thuộc chiết thửa 515-2, 515-3 theo tách thửa bản án sơ thẩm là lối đi dẫn vào phần đất 515-8 có 2 cây cột điện hạ thế (bằng xi măng) của gia đình ông N nên ông N đồng ý tháo dỡ, di dời 2 cây cột điện (bằng xi măng) để trả lại phần đất trống cho ông S.
Về cây trồng trên phần đất diện tích 537,5m2 tại phiên tòa ông Sơn, ôngN, bà V1 thỏa thuận: Giao cho ông S được sử dụng 6 cây dừa, 9 cây bưởi và ông S trả giá trị cho ông N, bà V1 số tiền 2.450.000 đồng. Còn lại các cây trồng gồm: 5 cây nhãn, 2 cây mận, 5 cây cau, 250 cây tre, 50 cây chuối, 6 cây mai ông N, bà V1 đồng ý di dời hoặc chặt (đốn) để giao lại phần đất diện tích 537,5m2 cho ông Sơn sử dụng.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Long phát biểu ý kiến:
Về việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử và người tham gia tố tụng: Tất cả đều tuân thủ đúng quy định của pháp luật từ khi thụ lý vụ án đến xét xử phúc thẩm.
Về việc giải quyết vụ án: Căn cứ Điều 300, khoản 2 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự; sửa bản án dân sự sơ thẩm.
Về cây trồng công nhận sự thỏa thuận của các đương sự: Giao cho ông S được sử dụng 6 cây dừa, 9 cây bưởi và ông S trả lại giá trị cho ông N, bà V1 số tiền bằng 2.450.000 đồng. Còn lại các cây trồng gồm: 5 cây nhãn, 2 cây mận, 5 cây cau, 250 cây tre, 50 cây chuối, 6 cây mai ông N, bà V1 đồng ý di dời hoặc chặt (đốn) để giao lại phần đất diện tích 537,5m2 cho ông Sơn sử dụng.
Về phần đất chiết thửa 515, ông S yêu cầu chia thừa kế một phần bằng diện tích 537,5m2 và ông N đồng ý là có căn cứ và phù hợp. Tuy nhiên, ông S kháng cáo yêu cầu chia phần đất chiết thửa 515, diện tích 537,5m2 có vị trí một mặt giáp Quốc lộ 53 là chưa phù hợp vì phần đất này chắn ngang trước nhà thờ tổ của gia tộc nên không có căn cứ chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông Sơn.
Về phần kháng cáo yêu cầu chia 45m2 đất thổ trên diện tích 537,5m2. Xét do phần đất thửa 515 theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là loại đất thổ vườn nhưng án sơ thẩm chia cho ông S phần đất diện tích 537,5m2 nhưng không xác định loại đất nên đề nghị công nhận cho ông S phần đất diện tích 537,5m2 (trong đó có 42m2 đất ở nông thôn). Trên phần đất chia cho ông S thuộc chiết thửa 515-2, 515-3 tại phiên tòa ông N xác định có 2 cây cột điện hạ thế (bằng xi măng) của gia đình ông và ông N đồng ý tháo dỡ, di dời 2 cây cột điện (bằng xi măng) để trả lại phần đất trống cho ông S nên ghi nhận sự tự nguyện thỏa thuận của ông N.
Về chi phí khảo sát đo đạc ông S yêu cầu chia các đương sự khác không có yêu cầu nên ông S phải chịu toàn bộ. Ông S không phải chịu án phí phúc thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Về thủ tục tố tụng: Bà Ngô Thị C1, bà Ngô Thị C2, bà Ngô Thị D, bà Ngô Thị T2, anh Trần Thanh H, anh Trần Thanh T3, anh Trần Thanh L1, chị Trần Thị Duy L2, anh Trần Thanh V2, anh Trần Thanh P đã được Tòa án triệu tập đến lần thứ hai nhưng vẫn vắng mặt không lý do. Ủy ban nhân dân huyện V, chị Ngô Ngọc M, chị Ngô Ngọc Đ đã được triệu tập hợp lệ nhưng có đơn xin xét xử vắng mặt. Căn cứ khoản 2, 3 Điều 296 của Bộ luật tố tụng dân sự, Tòa án xét xử vắng mặt đối với họ.
[2] Xét về hàng thừa kế: Theo các chứng cứ trong hồ sơ và lời thừa nhận của các đương sự thì cụ Ngô Văn G (chết năm 2009) và cụ Lê Thị Nh (chết năm 2006) có 07 người con: Ngô Minh S (chết năm 1962), có vợ Hà Thị Đ (chết năm 1965) và con là Ngô Văn S; Ngô Thị D (chết năm 1987), có chồng Trần Thanh N (chết năm 2011) và 06 người con gồm Trần Thanh H, Trần Thanh T3, Trần Thanh L1, Trần Thị Duy L2, Trần Thanh V2, Trần Thanh P (tên gọi khác là Trần Văn T4); Ngô Thị C1; Ngô Thị C2; Ngô Thị D; Ngô Thị T2; Ngô Văn N.
[3] Về di sản và yêu cầu chia thừa kế:
Ông S, ông N đều thừa nhận khi ông G, bà Nh còn sống đã phân chia đất cho các con cụ thể như sau: Chia cho bà Ngô Thị D, diện tích 4.437m2; Chia cho Ngô Thị C1, diện tích 1.893,4m2; Chia cho Ngô Thị T2, diện tích 2.450m2; Chia cho Ngô Văn N, diện tích 5.077m2; Năm 1999 chia cho chị Ngô Thị C2 2.000m2; Năm 2006, chia cho ông Ngô Văn S phần đất ruộng khoảng 4.500m2. Còn lại thửa đất số 515, tờ bản đồ số 7, diện tích đo đạc thực tế là 3.762,5m2, đất thổ vườn, tờ bản đồ số 07, trên đất có căn nhà từ đường, nhà và đất tọa lạc tại ấp H, xã N, huyện V, tỉnh Vĩnh Long do ông N là con trai út sống chung với ông G nên ông N quản lý, sử dụng phần đất trên từ trước cho đến nay. Năm 2009, khi ông G chết thì ông N lập thủ tục thừa kế phần đất thửa 515, diện tích 3.762,5m2 và bà Ngô Thị C1, bà Ngô Thị C2, bà Ngô Thị D, bà Ngô Thị T2 đã có văn bản đồng ý giao phần đất thửa 515, căn nhà gắn liền phần đất trên cho ông N nhận thừa kế và không yêu cầu chia thừa kế. Riêng ông Ngô Văn S là con của ông Ngô Minh S thì không có ký vào văn bản giao phần đất thửa 515 cho ông Nhựt nên ông yêu cầu ông N chia phần đất trên cho ông hưởng một phần thừa kế tương đương 537,5m2 và ông N đồng ý.
Trong quá trình giải quyết vụ án bà Ngô Thị C1, bà Ngô Thị Dg, bà Ngô Thị T2 và các con của bà Ngô Thị D đều có ý kiến không yêu cầu chia thừa kế và đồng ý giao phần thừa kế của mình trong thửa đất 515 cho ông N quản lý, sử dụng. Riêng bà Ngô Thị C1 có yêu cầu chia thừa kế nhưng sau đó không yêu cầu chia thừa kế và thống nhất giao phần thừa kế của bà cho ông S quản lý, sử dụng. Tuy nhiên, ông S xác định chỉ yêu cầu chia thừa kế phần đất thửa 515 và ông chỉ nhận 1 phần thừa kế di sản của ông G để lại tương đương 537,5m2 do đó án sơ thẩm chấp nhận chia cho ông S phần đất diện tích 537,5m2 tương đương một kỷ phần thừa kế mà ông S được hưởng là có căn cứ.
[4] Xét yêu cầu kháng cáo của ông Ngô Văn S đòi nhận phần đất diện tích 537,5m2, có vị trí một mặt giáp với Quốc lộ 53, cụ thể gồm: tách thửa 515-1, diện tích 419,5m2 + tách thửa 515-2, diện tích 73,7m2, tổng cộng bằng 493,2m2. Theo ông S do ông có nhu cầu cất nhà thờ cha mẹ ông nên yêu cầu nhận phầnđất mặt tiền giáp Quốc lộ để thuận tiện cho việc sinh hoạt và thờ cúng cha mẹ ông. Ông N thì không đồng ý và cho rằng yêu cầu của ông S là không hợp lý vì vị trí đất ông S yêu cầu nằm cắt ngang mặt trước toàn bộ căn nhà từ đường nơi ông thờ tổ tiên gồm ông bà cố của ông, thờ cúng ông bà nội ông, thờ cúng cha mẹ ông và thờ cúng ông bà T5, nếu ông S phần đất ở phía trước nhà từ đường cho rằng để cất nhà thờ cha mẹ ông S cho thuận tiện là không phù hợp về mặt đạo đức và phong tục tập quán của người Việt Nam.
Xét vị trí đất theo án sơ thẩm chia cho ông S có lối đi thuộc tách chiết 515-2+ tách 515-3 có chiều ngang đoạn tiếp giáp phần đất tách kinh (0,5m +1,50m), chiều dài từ Quốc lộ 53 vào đến phần đất 515-8 chia cho ông S là (7m + 46,59m) là phần đất có vị trí song song với nhà từ đường của ông N, phần đất trên ông S có thể cất nhà ở đảm bảo sinh sống thuận tiện. Mặt khác, ông S thừa nhận ngoài phần đất trên, thì trước đây lúc ông G còn sống đã chia cho ông S một phần đất ruộng khoảng hơn 4.000m2, vị trí gần phần đất thửa 515 và phần đất này có một mặt giáp Quốc lộ 53 chiều ngang khoảng 40 m. Ông S không đồng ý nhận phần đất theo án sơ thẩm phân chia nhưng ông S không chứng minh được phần đất trên ông không thể sử dụng được hoặc có khó khăn trong quá trình sử dụng đất. Do đó, ông S kháng cáo yêu cầu ông N chia cho ông phần đất chiết thửa 515-1 diện tích 419.5m2 có vị trí mặt tiền giáp Quốc lộ 53 là không có căn cứ nên không được chấp nhận.
Tại phiên tòa, ông N và bà V1 thừa nhận trên phần đất thuộc tách thửa 515, diện tích 537,5m2 chia cho ông S có hai cây cột điện hạ thế bằng xi măng của gia đình ông N. Ông N, bà V1 đồng ý di dời hai cây cột điện hạ thế trên để giao đất cho ông S sử dụng. Xét sự tự nguyện thỏa thuận của ông N, bà V1 là không trái pháp luật nên được công nhận.
[5] Ông S kháng cáo yêu cầu chia phần đất thừa kế thuộc thửa 515 phải có diện tích 45m2 đất ở. Xét phần đất thửa 515 là di sản thừa kế do ông G để lại, theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Ủy ban nhân dân huyện V cấp cho ông G thì thửa 515 là đất thổ vườn. Nhưng khi ông N làm thủ tục đăng ký kê khai lại và được Ủy ban ban nhân dân huyện V cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 07/3/2011 thửa 515 có 300m2 đất ở và 3.462,5m2 đất trồng cây lâu năm. Do đó, ông S kháng cáo yêu cầu được chia một phần đất ở theo tỷ lệ kỷ phần ông được hưởng 300/7= 42m2 là phù hợp nên có căn cứ chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của ông S.
[6] Về cây trồng trên đất: Tại phiên tòa ông S, ông N, bà V1 thống nhất thỏa thuận: Giao cho ông S được sử dụng 6 cây dừa, 9 cây bưởi và ông S trả lại giá trị cho ông bà V1 số tiền bằng 2.450.000 đồng. Còn lại các cây trồng gồm: 5 cây nhãn, 2 cây mận, 5 cây cau, 250 cây tre, 50 cây chuối, 6 cây mai ông N, bà V1 đồng ý di dời hoặc chặt (đốn) để giao lại phần đất diện tích 537,5m2 cho ông S sử dụng. Xét sự thỏa thuận của các đương sự là hoàn toàn tự nguyện không trái đạo đức xã hội không trái pháp luật nên hội đồng xét xử công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.
[7] Về chi phí khảo sát đo đạc định giá: Tại cấp sơ thẩm đã chi 4.000.000 đồng. Tại phiên tòa ông S đồng ý chịu ½ chi phí khảo sát đo đạc định giá tương đương 2.000.000 đồng. Xét trong vụ án những người trong hàng thừa kế như bà Ngô Thị C1, bà Ngô Thị D, bà Ngô Thị T2 và các con của bà Ngô Thị D đều có ý kiến không yêu cầu chia thừa kế và ông S, ông N đồng ý căn cứ kết quả khảo sát, đo đạc định giá của cấp sơ thẩm để xác định diện tích đất chia thừa kế và giá trị tài sản trên đất là cây trồng để buộc ông Sơn trả giá trị cho ông N. Do đó, trong vụ án này chỉ có quyền lợi của ông S và ông N được xem xét nên buộc ông N, ông S mỗi người chịu ½ chi phí trên là có căn cứ. Do đó chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông S, buộc ông S nộp 2.000.000 đồng, số tiền trên ông S đã nộp tạm ứng xong nên không phải nộp tiếp. Buộc ông N nộp 2.000.000 đồng, số tiền này bà C1 đã nộp tạm ứng xong nên buộc ông N hoàn trả cho bà C1.
[8] Về án phí phúc thẩm: Do sửa án sơ thẩm nên ông Sơn không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.
[9] Các phần khác của bản án sơ thẩm không kháng cáo, không bị kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ Điều 300, khoản 2 Điều 308, Điều 148, Điều 157 của Bộ luật tố tụng Dân sự;
Chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của ông Ngô Văn S và sửa một phần bản án sơ thẩm số 20/2018/DSST ngày 22 tháng 6 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long.
Áp dụng Điều 633, 634, 635, 645, 674, 675, 676, 677, 733 của Bộ luật dân sự năm 2005;
Tuyên xử: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Ngô Văn S.
1. Công nhận ông Ngô Văn S được hưởng thừa kế quyền sử dụng phần đất tách thuộc tách thửa 515, diện tích 537,5m2 (trong đó có 42m2 đất ở và 495,5m2 đất trồng cây lâu năm), tờ bản đồ số 07. Gồm tách thửa 515-2 + tách 515-3 + tách 515-5 + tách 515-6 + tách 515-7 + tách 515-8 + Một phần đất táchkinh (gồm các cột mốc 1, 2, a, m, g, h, c, d, 7, 9, 10, 11, e, 12,1), tọa lạc tại ấp H, xã N, huyện V, tỉnh Vĩnh Long do ông Ngô Văn N đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. (Kèm theo trích đo bản đồ địa chính khu đất của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện V).
2. Buộc ông Ngô Văn N và bà Võ Thị V1 phải giao cho ông Ngô Văn Sphần đất thuộc tách thửa 515, diện tích 537,5m2 (trong đó có 42m2 đất ở và495,5m2 đất trồng cây lâu năm), tờ bản đồ số 07, thuộc tách 515-2 + tách 515-3
+ tách 515-5 + tách 515-6 + tách 515-7 + tách 515-8 + Một phần đất tách kinh (gồm các cột mốc 1, 2, a, m,g, h, c, d, 7, 9, 10, 11, e, 12,1), tọa lạc tại ấp H, xã N, huyện V, tỉnh Vĩnh Long, đất do ông Ngô Văn N đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.(Kèm theo trích đo bản đồ địa chính khu đất của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện V).
3. Công nhận sự thỏa thuận của ông Ngô Văn S, ông Ngô Văn N và bà Võ Thị V1 về các vấn đề sau:
- Ông Ngô Văn S được quyền sở hữu các cây trồng gắn liền trên phần đất ông Sơn được chia, thuộc tách thửa 515, diện tích 537,5m2. Gồm: 06 cây dừa (7- 20 năm tuổi), 09 cây bưởi (1-5 năm tuổi). Buộc ông Ngô Văn Sơn có nghĩa vụ bồi hoàn giá trị các cây trồng trên cho ông Ngô Văn N, bà Võ Thị V1 số tiền 2.450.000 đồng (Hai triệu bốn trăm năm mươi nghìn đồng).
- Ông Ngô Văn N và bà Võ Thị V1 có trách nhiệm di dời hoặc chặt (đốn) các cây trồng còn lại gắn liền trên phần đất ông S được chia, thuộc tách thửa 515, diện tích 537,5m2. Gồm: 05 cây nhãn (5- 20 năm tuổi); 02 cây mận (3- 10 năm tuổi); 05 cây cao (5- 20 năm tuổi); 250 cây tre (trên 5m); 50 cây chuối (cao trên 1m); 06 cây mai.
- Ông Ngô Văn N và bà Võ Thị V1 có trách nhiệm liên hệ với cơ quan điện lực có thẩm quyền di dời 02 cây cột điện hạ thế bằng xi măng của gia đình ông N xây dựng ra khỏi phần đất thuộc tách thửa 515, diện tích đất 537,5m2 chia cho ông Sơn.
4. Về chi phí khảo sát, đo đạc và định giá:
Buộc ông S phải chịu 2.000.000 đồng. Số tiền này ông Sơn đã nộp tạm ứng xong nên được khấu trừ.
Buộc ông Ngô Văn N phải chịu 2.000.000 đồng. Số tiền này bà Ngô Thị C1 đã nộp tạm ứng xong nên buộc ông N hoàn trả cho bà Ngô Thị C1 số tiền 2.000.000 đ (Hai triệu đồng).
5. Về án phí dân sự phúc thẩm: Ông S không phải chịu án phí.
6. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật thi hành.
Kể từ ngày người có quyền có đơn yêu cầu thi hành án nếu người phải thi hành án không chịu trả số tiền nêu trên thì hàng tháng còn phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo quy định tại khỏan 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo qui định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo qui định tại các Điều 6, 7 và 9 của Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo qui định tại Điều 30 của Luật thi hành án dân sự.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 22/2019/DS-PT ngày 19/02/2019 về tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất
Số hiệu: | 22/2019/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Vĩnh Long |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 19/02/2019 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về