Bản án 22/2017/HSST ngày 27/09/2017 về tội trộm cắp tài sản

TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN M, TỈNH NAM ĐỊNH

BẢN ÁN 22/2017/HSST NGÀY 27/09/2017 VỀ TỘI TRỘM CẮP TÀI SẢN

Ngày 27 tháng 9 năm 2017 tại trụ sở Toà án nhân dân huyện M, tỉnh Nam Định mở phiên toà xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 21/2017/HSST ngày 07/9/2017; Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 20/2017/HSST-QĐ ngày 13/9/2017 đối với bị cáo:

Đặng Văn B, sinh năm 1995.

Nơi cư trú: Xóm 3, xã H, huyện M, tỉnh Nam Định; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không; văn hoá: 9/12; nghề nghiệp: Tự do; Đảng, Đoàn: Không; con ông: Đặng Văn Đ, sinh năm 1966 và bà Đặng Thị V, sinh năm 1967, trú tại: Xóm 3, xã H, huyện M, tỉnh Nam Định; gia đình có 2 anh em, bị cáo là thứ hai; vợ, con: Không.

Tiền án, tiền sự: Không;

Bị cáo bị bắt ngày 06/7/2017, hiện đang bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Nam Định; có mặt.

Người bị hại:

1) Ông Đặng Văn Đ, sinh năm 1966;

2) Bà Đặng Thi V, sinh năm 1967;

Nơi cư trú: Xóm 3, xã H, huyện M, tỉnh Nam Định; có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên toà, nội dung vụ án được tóm tắt như sau.

Khoảng 14 giờ 30 phút ngày 30/6/2017, tại nhà Đặng Văn B ở xóm 3, xã H, huyện M, tỉnh Nam Định. Lợi dụng lúc gia đình mình không có ai, B đã lục tìm tài sản của bố mẹ để lấy tiêu sài cá nhân. Phát hiện dưới viên gạch tại chân kê thùng thóc trong buồng có cây vàng miếng SJC đính kèm hoá đơn ghi hiệu vàng T và 03 chiếc nhẫn được gói trong nilon, B lấy cây vàng kèm hoá đơn còn 03 nhẫn gói lại cất vào chỗ cũ. Sau khi lấy được cây vàng, B thuê xe Taxi của hãng Minh đến tiệm vàng T ở đường Đ, thành phố N bán với giá 36.100.000đ lấy tiền chi tiêu cá nhân. Ngày 05/7/2017 ông Đặng Văn Đ và bà Đặng Thị V (bố mẹ B) phát hiện bị mất vàng đã làm đơn trình báo Công an huyện M, đề nghị điều tra xử lý theo quy định của pháp luật và giao nộp 04 vỏ túi nilon đã dùng để gói cây vàng bị mất.

Quá trình điều tra, Đặng Văn B khai nhận đã thực hiện hành vi lấy vàng của bố mẹ mang đi bán và giao nộp số tiền 2.575.000đ là tiền bán vàng sau khi đã chi tiêu còn lại cùng với những trang phục là quần áo, mũ, dép sử dụng khi bán vàng tại hiệu vàng T. Đối với cây vàng miếng sau khi B bán cho Công ty vàng bạc T đã tiếp tục được lưu thông trên thị trường nên Cơ quan điều tra không truy tìm lại được.

Tại bản kết luận định giá tài sản trong tố tụng hình sự số 14/ĐG-HĐĐG ngày 10/8/2017 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện M kết luận 01 cây vàng 9999 dạng vàng miếng có giá trị 36.100.000đ (ba sáu triệu một trăm nghìn đồng). Công an huyện M đã trả lại cho vợ chồng ông Đ, bà V số tiền 2.575.000đ. Ông bà có đơn xin tự khắc phục hậu quả, không yêu cầu B phải hoàn trả tài sản đã lấy của bố mẹ và đề nghị giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với B.

Bản cáo trạng số 21/CTr - KSĐT ngày 05/9/2017, Viện kiểm sát nhân dân huyện M, tỉnh Nam Định đã truy tố bị cáo Đặng Văn B về tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 138 Bộ luật hình sự.

Tại phiên toà, bị cáo Đặng Văn B khai nhận: Việc lấy tài sản (cây vàng) của bố mẹ đem bán lấy tiền ăn tiêu cá nhân là sai, vi phạm pháp luật; cây vàng này là tài sản của bố mẹ, bị cáo không có công sức gì đóng góp với bố mẹ để tạo nên; bản kết luận định giá tài sản xác định giá trị cây vàng là đúng; Viện kiểm sát truy tố không oan nên không có thắc mắc gì. Người bị hại là ông Đ, bà V có chung quan điểm xác nhận cây vàng là tài sản của vợ chồng ông bà do lao động tích cóp được từ khi các con còn nhỏ; bị cáo là con mới lớn nên chưa có công sức gì đóng góp vào tài sản của bố mẹ; việc mất tài sản ông bà không biết, khi Công an đến nhà thông báo gia đình mất tài sản thì mới kiểm tra phát hiện mất vàng; ông bà ân hận về việc không đọc mà ký vào văn bản của Công an nên đã vô tình đưa con mình vào tù; đề nghị Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo được trở về để gia đình giáo dục sửa chữa lỗi lầm; tài sản bị mất ông bà xin tự khắc phục. Đại diện Viện kiểm sát phát biểu quan điểm luận tội giữ nguyên quan điểm truy tố bị cáo theo nội dung bản cáo trạng; đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo Đặng Văn B phạm tội “Trộm cắp tài sản”; căn cứ áp dụng khoản 1 Điều 138, các điểm h, p khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự để xử phạt bị cáo mức án từ 09 đến 12 tháng tù; căn cứ áp dụng Điều 41 Bộ luật hình sự, Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự để tịch thu tiêu huỷ vật chứng và những trang phục quần áo, mũ, dép thu giữ của bị cáo do không còn giá trị sử dụng. Bị cáo không bào chữa, tranh luận gì và có lời nói sau cùng xin lỗi bố mẹ tha thứ lỗi lầm.

NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh luận tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận thấy như sau:

 [1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an huyện M cũng như Điều tra viên; Viện kiểm sát nhân dân huyện M cũng như Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Quá trình điều tra, truy tố và tại phiên toà bị cáo cũng như người bị hại không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó các hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

 [2] Về hành vi phạm tội của bị cáo: Xét thấy lời khai bị cáo tại phiên toà phù hợp với các chứng cứ đã thu thập trong hồ sơ vụ án như: Đơn trình báo và lời khai người bị hại; tài liệu xác định hiện trường; hình ảnh ghi lại từ Camera tại Công ty vàng bạc T; kết luận của Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự; lời khai người làm chứng cũng như toàn bộ lời khai bị cáo tại cơ quan điều tra. Từ các tình tiết chứng cứ này đã có đủ cơ sở kết luận: Khoảng 14 giờ 30 phút ngày 30/6/2017, tại nhà Đặng Văn B ở xóm 3, xã H, huyện M, tỉnh Nam Định. Lợi dụng lúc cả nhà đi vắng, B đã lục tìm tài sản và lấy đi 01 cây vàng (loại vàng miếng SJC) của bố mẹ mình là ông Đặng Văn Đ và bà Đặng Thị V có trị giá 36.100.000đ. Viện kiểm sát nhân dân huyện M, tỉnh Nam Định truy tố bị cáo về tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 138 Bộ luật hình sự là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

[3] Về tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội: Hành vi phạm tội của bị cáo Đặng Văn B là nguy hiểm cho xã hội. Bị cáo đã xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác, là khách thể được pháp Nhà nước bảo hộ. Mặt khác hành vi của bị cáo còn ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội. Bản thân bị cáo là thanh niên tuổi trẻ, bình thường về thể chất và tâm thần thì lẽ ra phải biết nhận thức được những việc làm đúng sai để tu dưỡng, rèn luyện và lao động hữu ích tạo ra của cải vật chất cho gia đình, xã hội. Song trái lại, với ý thức ham chơi lười lao động, lại muốn có tiền tiêu sài cá nhân nên bị cáo đã bất chấp tất cả. Để có tiền thoả mã nhu cầu cá nhân, bị cáo đã lén lút chiếm đoạt ngay cả tài sản của chính bố mẹ mình. Hành vi đó của bị cáo là vi phạm pháp luật Nhà nước, trái với đạo đức xã hội, đi ngược lại nếp sống văn hoá cộng đồng. Bị cáo là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự, do đó sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về hành vi phạm tội của mình.

[4] Về trách nhiệm hình sự: Xét tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi, khách thể được pháp luật Nhà nước bảo hộ bị xâm phạm, động cơ mục đích phạm tội của bị cáo, hậu quả nguy hại cho xã hội thì đối với bị cáo cần phải áp dụng biện pháp giáo dục nghiêm để cải tạo. Đồng thời cũng mới đáp ứng được yêu cầu răn đe, giáo dục phòng ngừa chung. Tuy nhiên, xét về nhân thân thì bị cáo không có tiền án, tiền sự; bị cáo phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; hành vi phạm tội của bị cáo không có tình tiết nào bị coi là tình tiết tăng nặng; quá trình bị cáo khai báo thành khẩn, nhận thức lỗi lầm, ăn năn hối cải; người bị hại là bố mẹ bị cáo xin tự khắc phục hậu quả và đề nghị giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo; gia đình bị cáo có hoàn cảnh khó khăn, bản thân bị cáo cũng là lao động chính trong gia đình được chính quyền địa phương xác nhận. Đây là những tình tiết được Hội đồng xét xử xem xét vận dụng các điểm h, p khoản 1 và khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật Nhà nước. Xét mức án mà Viện kiểm sát đề nghị cần áp dụng để cải tạo bị cáo là có căn cứ. Tuy nhiên, với biện pháp Viện kiểm sát đề nghị cách ly bị cáo khỏi xã hội để cải tạo là nghiêm khắc. Hội đồng xét xử nhận thấy không nhất thiết phải cách ly xã hội mà cho bị cáo tự cải tạo sửa chữa lỗi lầm tại cộng đồng dưới sự giám sát, giáo dục của chính quyền địa phương cũng có thể trở thành công dân có ích. Vì vậy nên giao bị cáo cho chính quyền địa phương giám sát, giáo dục là phù hợp.

[5] Về trách nhiệm dân sự: Người bị hại là ông Đặng Văn Đ và bà Đặng Thị V bố mẹ của bị cáo có quan điểm xin tự khắc phục hậu quả, không yêu cầu bị cáo phải hoàn lại tài sản bị mất nên Hội đồng xét xử không đặt ra để giải quyết.

[6] Về vật chứng của vụ án: Đối với các vỏ túi nilon mà ông Đặng Văn Đ mang giao nộp, do không có giá trị sử dụng nên tịch thu để tiêu huỷ.

Đối với những trang phục là quần áo, mũ, dép mà bị cáo sử dụng khi bán vàng tại hiệu vàng T là tài sản hợp pháp của bị cáo nên cần phải được trả lại.

[7] Về án phí: Bị cáo phải chịu án phí theo quy định của Điều 99 Bộ luật tố tụng hình sự và Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

1. Tuyên bố bị cáo Đặng Văn B phạm tội “Trộm cắp tài sản”.

Áp dụng khoản 1 Điều 138; các điểm h, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 và Điều 60 Bộ luật hình sự; Điều 227 Bộ luật tố tụng hình sự.

Xử phạt bị cáo B 09 (chín) tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách 18 (mười tám) tháng, kể từ ngày tuyên án 27 tháng 9 năm 2017.

Tuyên bố trả tự do ngay tại phiên toà cho bị cáo nếu bị cáo không bị tạm giam về một tội phạm khác.

Giao bị cáo cho Uỷ ban nhân dân xã H, huyện M, tỉnh Nam Định giám sát giáo dục. Trường hợp bị cáo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật thi hành án hình sự.

2. Áp dụng Điều 41 Bộ luật hình sự; Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự:

Tịch thu tiêu huỷ 04 vỏ túi nilon không có giá trị sử dụng; trả lại bị cáo B toàn bộ những trang phục là quần áo, mũ, dép theo biên bản về việc giao nhận vật chứng, tài sản ngày 07/9/2017 tại Chi cục thi hành án dân sự huyện M, tỉnh Nam Định.

3. Án phí hình sự sơ thẩm bị cáo phải nộp 200.000đ (hai trăm nghìn đồng).

Bị cáo, người bị hại có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án. Trong trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì bị cáo có quyền tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án. Thời hạn thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

292
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 22/2017/HSST ngày 27/09/2017 về tội trộm cắp tài sản

Số hiệu:22/2017/HSST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Mỹ Lộc - Nam Định
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 27/09/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;