TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG
BẢN ÁN 22/2017/DS-PT NGÀY 18/07/2017 VỀ TRANH CHẤP KIỆN ĐÒI TÀI SẢN LÀ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT
Ngày 18/7/2017, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Hải Dương xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 20/2017/TLPT-DS ngày 15/5/2017 về "Tranh chấp kiện đòi tài sản là quyền sử dụng đất". Do bản án dân sự sơ thẩm số 06/2017/DS-ST ngày 31/3/2017 của Toà án nhân dân huyện Nam Sách bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 21/2017/QĐ-PT ngày 12/6/2017; Quyết định hoãn phiên tòa số 14/2017/QĐ-PT ngày 10/7/2017 giữa:
1. Nguyên đơn: Ông Nguyễn Duy S, sinh năm 1966.
2. Bị đơn: Ông Nguyễn Duy K, sinh năm 1970. Đều có địa chỉ: thôn T, xã H, huyện N, Hải Dương.
3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
- Bà Nguyễn Thị V, sinh năm 1965.
- Anh Nguyễn Duy H, sinh năm 1988.
- Anh Nguyễn Duy L, sinh năm 1990.
- Chị Nguyễn Thị D, sinh năm 1971.
Đều có địa chỉ: thôn T, xã H, huyện N, Hải Dương.
* Người đại diện theo ủy quyền của bà V, anh H, anh L: Ông Nguyễn Duy S, sinh năm 1966 (Nguyên đơn)
4. Người kháng cáo: Ông Nguyễn Duy K là bị đơn.
(Tại phiên tòa các đương sự đều vắng mặt và có đơn xin xử vắng mặt).
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo bản án sơ thẩm số 06/2017/DS-ST ngày 31/3/2017 của Tòa án nhân dân (viết tắt : TAND) huyện Nam Sách thì vụ án có nội dung tóm tắt như sau:
- Ông Nguyễn Duy S (Nguyên đơn) và những, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:Bà Nguyễn Thị V, anh Nguyễn Duy H, anh Nguyễn Duy L do ông Nguyễn Duy S đại diện trình bày: Năm 1993, thực hiện Nghị quyết 03 của Tỉnh uỷ Hải Hưng, hộ gia đình ông gồm 04 nhân khẩu là ông, bà V (là vợ) và 02 người con là anh H, anh L được giao đất nông nghiệp mỗi khẩu 504m2 x 4 khẩu = 2016m2 tại 6 thửa; ngày 04/8/1999 được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Viết tắt: GCNQSDĐ) mang tên ông và bà V, trong đó có thửa 289/7, tờ bản đồ số 1, diện tích 384m2 thuộc khu bãi Đ. Tháng 6/2006, ông Đỗ Huy X, ông Nguyễn Xuân Q là đại biểu Hội đồng nhân dân xã H vận động các hộ dân chuyển nhượng đất 03 ở khu Đ để chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Nên gia đình ông và ông X thỏa thuận: ông bà đồng ý bán 384m2 đất 03 khu bãi Đ cho ông X, từ vụ chiêm năm 2006 đến hết thêi h¹n giao đất theo Nghị quyết 03 th× người mua phải trả l¹i ruộng; giá bán 200.000đ/1 sào/1 năm x 7 năm (384m2) = 1.493.000đ và ông đã nhận đủ tiền. Hai bên chỉ viết giấy tay do ông X lập và giữ, không thực hiện công chứng, chứng thực hợp đồng, không làm thủ tục chuyển nhượng sang tên. Khi chuyển nhượng, gia đình ông chỉ giao dịch với ông X; nhưng sau đó ông Nguyễn Duy K là người trực tiếp sử dụng đất. Hết thời hạn 07 năm, ông K không trả lại đất nên ông đã đến gặp ông X để đòi lại giấy bán ruộng th× ông X bảo giấy tờ ông đã gửi hết lên UBND xã rồi. Đến nay thời hạn sử dụng đất đã quá 03 năm; gia đình ông đã đòi nhiều lần nhưng ông X, ông Q, ông K không trả mà bảo làm đơn gửi đến cơ quan Nhà nước. Do đó, ông làm đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc ông K phải trả lại cho gia đình ông 384m2 đất canh tác tại khu bãi Đ như đã trình bày, đồng thời phải trả tiền thuê đất quá hạn từ tháng 10/2013 đến ngày khởi kiện là 426.000đ. Nếu ông K không trả lại đất thì phải trả bằng tiền là 26.880.000đ, gia đình ông sẽ bán đất đó cho ông K vĩnh viễn.
- Bị đơn ông Nguyễn Duy K và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan bà Nguyễn Thị D (vợ ông K) trình bày: Khoảng năm 2007 gia đình ông bà có mua của gia đình ông S 384m2 đất trồng lúa ở khu đồng bãi Đ như ông S khai. Ngoài việc mua đất ruộng của gia đình ông S, ông bà còn mua ruộng của nhiều hộ gia đình khác, vì đất mua nằm trong vùng chuyển đổi theo chính sách của Nhà nước. Giá mua là 1.400.000đ/384m2 (200.000đ/1sào/1năm). Thời gian sử dụng đất mua theo Nghị quyết 03 như ông S khai (tức là đến hết năm 2013); sau đó chờ chính sách của Nhà nước. Việc mua bán ruộng giữa hai bên có làm giấy tờ và được UBND xã xác nhận đóng dấu, ông bà đã trả và vợ chồng ông S đã nhận đủ tiền. Sau khi mua ruộng đất của các hộ dân trong thôn xong, ông bà làm thủ tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng và được UBND huyện ra Quyết định số 2293/QĐ- UBND ngày 20/12/2010 cho phép gia đình ông bà được chuyển đổi mục đích sử dụng sang đầu tư dự án xây dựng trang trại nông nghiệp, gồm: Chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thuỷ sản, trồng cây rau màu ngắn ngày và cây ăn quả tại bãi Đ với tổng diện tích là 5.991m2. Do đó, các thửa đất mua của các hộ không còn ranh giới hiện trạng như trước; nay ông bà không xác định được vị trí thửa đất đã mua của gia đình ông S nằm ở vị trí nào trong vùng chuyển đổi. Hiện tại, khu vùng chuyển đổi của ông bà có số thửa là 163 thuộc tờ bản đồ số 10, bản đồ canh tác xã H . Ông không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc mua bán giữa hai bên; đề nghị Tòa án giải quyết theo chính sách của Nhà nước.
Ngày 18/10/2016 ông K có đơn đề nghị Toà án công nhận tính pháp lý của Hợp đồng chuyển nhượng đất giữa ông và đại diện gia đình ông S. Nếu không công nhận hợp đồng đã ký giữa hai bên, ông có đơn yêu cầu phản tố buộc gia đình ông S phải thanh toán cho ông toàn bộ chi phí cải tạo đất, xây dựng công trình, gồm: Đào ao thả cá: 33.750.000đ; cây trồng trên phần đất 2.050.000đ; Thuỷ sản nuôi trong ao: 9.000.000đ; chi phí khác: 10.000.000đ, tổng bằng 54.800.000đ. Ngày 21/02/2017 ông K (Do người đại diện theo uỷ quyền) có đơn xin rút yêu cầu này. Ngày 23/02/2017, Toà án đã ra Quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu phản tố của bị đơn.
Ông Đỗ Huy X và ông Nguyễn Xuân Q cùng trình bày: Năm 2006 ông X là Bí thư Chi bộ xóm 4, ông Q là nhân viên dịch vụ của Hợp tác xã nông nghiệp xóm 3 thôn T; hai ông đều là đại biểu HĐND xã H. Năm 1993 ông Q tham gia ban chia ruộng và giai đoạn dồn ô đổi thửa đất nông nghiệp, nên ông nắm được số liệu về diện tích, vị trí thửa đất của các hộ dân. Năm 2004-2005, xã phổ biến chủ trương về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với đất nông nghiệp là đất bãi canh tác (đất cấy lúa bấp bênh) và giao cho các Bí thư Chi bộ về tuyên truyền vận động các hộ dân. Ông K biết chủ trương nên đã đến gặp và nhờ hai ông đứng ra mua hộ của một số hộ dân trong thôn có đất nông nghiệp ở bãi Đ; trong đó gia đình ông S có 384m2. Khi mua đất của các hộ dân có ruộng ở bãi Đ, thỏa thuận giá mua bán là 200.000đ/1sào/1năm, thời hạn mua đến hết Nghị quyết 03 (tức là vào khoảng năm 2013). Sau đó, nếu Nhà nước chia lại ruộng thì người bán vẫn được nhận tiêu chuẩn ruộng, còn người mua nếu tiếp tục sử dụng đất đó sẽ bị trừ vào tiêu chuẩn ruộng của mình. Việc mua bán có lập giấy viết tay, người mua người bán ký giấy, các ông chỉ ký với tư cách người làm chứng. Giấy tờ mua bán ông không giữ mà trả lại cho các bên. Việc trả tiền cho người bán đất, có người thì ông K trực tiếp trả, có người thì ông K đưa tiền nhờ các ông trả giúp; các ông không được hưởng lợi gì từ việc mua bán ruộng giữa ông K và ông S. Sau khi giao dịch ông K đã nhận đất và sử dụng như ông K trình bày. Quá trình ông K sử dụng đất, hộ gia đình ông S và các hộ dân khác không có tranh chấp; chỉ đến hết năm 2013, Nghị quyết 03 không có thay đổi gì nên các hộ dân mới tranh chấp đòi lại đất đã bán cho ông K. Các ông đề nghị Toà án giải quyết vụ án theo quy định pháp luật. Về giá trị tài sản tranh chấp là đất nông nghiệp: Hội đồng định giá tài sản của huyện N xác định là 70.000đ/m2. Quá trình giải quyết vụ án nguyên đơn rút một phần yêu cầu khởi kiện: Chỉ yêu cầu gia đình ông K trả lại đất, nếu không trả lại đất thì trả bằng tiền theo giá đã định; không yêu cầu đối với khoản tiền thuê đất quá hạn.
Tại bản án dân sự sơ thẩm số 06/2017/DS-ST ngày 31/3/2017, TAND huyện Nam Sách đã áp dụng: khoản 1 Điều 128, khoản 5 Điều 166, khoản 7 Điều 170, điểm a khoản 1, điểm a khoản 2 Điều 179 Luật đất đai; điểm c khoản 1 Điều 688, Điều 357, Điều 468 - Bộ luật dân sự năm 2015; Điều 256, Điều 280, khoản 1 Điều 281, khoản 2 Điều 303 của Bộ luật dân sự năm 2005; khoản 1 Điều 147, khoản 1 Điều 157, khoản 1 Điều 158, khoản 1 Điều 165, khoản 1 Điều 166 của Bộ luật tố tụng dân sự; khoản 1 Điều 48 Nghị quyết số 326/2016 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định về án, lệ phí toà án; Xử:
Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Ông Nguyễn Duy S và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan (bà Nguyễn Thị V, Anh Nguyễn Duy H, anh Nguyễn Duy L).
1. Đình chỉ xét xử đối với phần ông Nguyễn Duy S rút yêu cầu liên quan đến việc buộc anh K phải trả tiền thuê đất quá hạn từ 15/10/2013 đến ngày khởi kiện là 426.000đ.
2. Ông Nguyễn Duy K và bà Nguyễn Thị D phải trả lại cho hộ gia đình ông Nguyễn Duy S 384m2 đất nông nghiệp trồng cây hàng năm bằng tiền là 70.000đ/m2 x 384m2 = 26.880.000đ.
Giao cho ông K và bà D sử dụng 384m2 đất nông nghiệp trồng cây hàng năm có số thửa 289/7 trong khu trang trại nông nghiệp rộng 5.991m2 thuộc tờ bản đồ số 10 bản đồ canh tác năm 2006 xã H ông bà đang quản lý sử dụng.
Bản án còn tuyên nghĩa vụ chậm trả, án lệ phí và quyền kháng cáo theo quy định.
Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 5/4/2017 ông K kháng cáo không đồng ý trả lại 384m2 đất cho gia đình ông S, vì gia đình ông đã nhận chuyển nhượng đất này từ gia đình ông S.
Tại phiên tòa phúc thẩm: Ông K, bà D có đơn xin xử vắng mặt và giữ nguyên nội dung kháng cáo; Ông S có đơn xin xử vắng mặt và đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Đại diện VKSND tỉnh Hải Dương phát biểu ý kiến về việc chấp hành pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử (viết tắt:HĐXX) cũng như sự chấp hành pháp luật của những người tham gia tố tụng. Phân tích đánh giá chứng cứ do Nguyên, Bị đơn xuất trình, chứng minh liên quan đến giải quyết vụ án; đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo của bị đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên toà và xem xét ý kiến của Viện kiểm sát; ý kiến của nguyên đơn, bị đơn tại hồ sơ, Hội đồng xét xử nhận định:
Về tố tụng: Ông K kháng cáo trong thời hạn luật định đã nộp tạm ứng án phí phúc thẩm là kháng cáo hợp lệ. Tại phiên tòa, ông S, ông K và bà D vắng mặt nhưng đã có đơn xin xử vắng mặt nên HĐXX xét xử vắng mặt họ theo quy định tại khoản 3 Điều 296 Bộ luật Tố tụng dân sự.
Xét kháng cáo của bị đơn, HĐXX thấy: Diện tích 384m2 đất nông nghiệp tại khu bãi Đ, thôn T, xã H mà gia đình ông S đang kiện đòi đối với gia đình ông K có nguồn gốc được Nhà nước giao quyền sử dụng hợp pháp cho hộ gia đình ông S từ năm 1993; năm 1999 hộ ông S được cấp giấy CNQSD đất thời hạn 20 năm tính từ 15/10/1993 mang tên ông S, bà V. Tháng 6/2006, thông qua ông X và ông Q gia đình ông S chuyển nhượng cho ông K 384m2 đất nêu trên.
Quá trình giải quyết vụ án, phía bị đơn cung cấp Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất lập ngày 15/10/2007 có xác nhận của UBND xã H. Tuy nhiên, ông K xác định hợp đồng này được lập sau khoảng hai tháng kể từ khi hai bên hoàn thành việc mua bán; mục đích ông lập hợp đồng là để hợp lý hóa việc mua bán đất giữa hai gia đình trước đó, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xin chuyển mục đích sử dụng đất của gia đình ông. Lời khai này của ông K phù hợp với lời khai của phía nguyên đơn và người làm chứng là ông X, ông Q. Nên có căn cứ khẳng định: Khi mua bán quyền sử dụng đất, các bên chỉ lập giấy viết tay và đã thực hiện việc giao đất, nhận tiền; thời hạn nhận chuyển nhượng, thỏa thuận theo nghị quyết 03 (đến 15/10/2013); sau đó, nếu Nhà nước chia ruộng lại thì người bán ruộng vẫn được nhận tiêu chuẩn ruộng của mình; còn người mua đất nếu tiếp tục sử dụng diện tích đó thì phải bị trừ tiêu chuẩn ruộng của mình (BL 42). Thực tế thì gia đình ông K chưa được cấp GCNQSD đối với đất này, nên hộ gia đình ông S vẫn là chủ sử dụng hợp pháp đối với diện tích đất chuyển nhượng.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 210 Luật đất đai “Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp đã được giao đất, công nhận quyền sử dụng đất… trước ngày 01/7/2014 (ngày Luật đất đai 2013 có hiệu lực), khi hết thời hạn sử dụng đất nếu có nhu cầu thì tiếp tục sử dụng đất theo thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 126, thời hạn sử dụng đất được tính từ ngày 15/10/2013 đối với trường hợp hết hạn vào ngày 15/10/2013….”. Theo khoản 1 Điều 126 Luật đất đai thì “Thời hạn giao đất, công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp… là 50 năm, khi hết thời hạn hộ gia đình, cá nhân .. nếu có nhu cầu thì được tiếp tục sử dụng đất theo thời hạn quy định tại khoản này”. Như vậy, diện tích đất đang tranh chấp là đất nông nghiệp, Nhà nước giao cho hộ gia đình ông S, ngày 15/10/2013 cũng là ngày hết thời hạn sử dụng đất theo Nghị quyết 03 và cũng là ngày hết thời hạn chuyển nhượng đất giữa hai bên theo thỏa thuận. Đồng thời, khi thực hiện Luật đất đai năm 2013, Nhà nước tiếp tục kéo dài thời hạn giao đất nông nghiệp; nay gia đình ông S vẫn có nhu cầu sử dụng và đòi lại ruộng. Nên gia đình ông K phải trả lại gia đình ông S 384m2 đất nông nghiệp tại bãi Đ. Tòa án cấp sơ thẩm đã căn cứ vào thực tế sử dụng đất tranh chấp, nhận định và chấp nhận yêu cầu khởi kiện của gia đình ông S theo hướng gia đình ông K tiếp tục sử dụng đất tranh chấp và có nghĩa vụ thanh toán trả giá trị bằng tiền cho gia đình ông S là có căn cứ, phù hợp với thực tế hiện nay.
Việc ông K cho rằng: Sau khi nhận chuyển nhượng gia đình ông đã làm thủ tục và được UBND huyện chấp thuận theo Quyết định số 2293/QĐ-UBND ngày 20/12/2010 cho phép hộ gia đình ông được chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang đầu tư dự án xây dựng trang trại nông nghiệp với thời hạn sử dụng là 50 năm; và đất đó thuộc quyền sở hữu hợp pháp của gia đình ông do hộ gia đình ông đã mua vĩnh viễn của gia đình ông S. HĐXX thấy việc mua bán đất giữa hai gia đình là có thực, nhưng đó là mua bán có thời hạn chứ không phải vĩnh viễn như đã phân tích ở trên. Mặt khác, Quyết định số 2293/QĐ-UBND ngày 20/12/2010 của UBND huyện N chỉ là quyết định quy hoạch về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, không phải là một trong các giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật đất đai nên không phải là căn cứ pháp lý để chứng minh quyền sử dụng hợp pháp về đất. Ngoài các tài liệu này, ông K không cung cấp được tài liệu chứng minh nào khác để xác định quyền sử dụng hợp pháp đối với 384 m2 đất nêu trên. Do đó, không có cơ sở chấp nhận kháng cáo của ông K.
Kháng cáo của ông K không được chấp nhận nên ông K phải chịu án phí dân sự phúc thẩm theo quy định của pháp luật. Các Quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị, cấp phúc thẩm không xem xét và đã có hiệu lực kể từ khi hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị. Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Không chấp nhận kháng cáo của ông Nguyễn Duy K. Giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 06/2017/DS-ST ngày 31/3/2017 của TAND huyện Nam Sách. Áp dụng: Khoản 1 Điều 126, khoản 5 Điều 166, Điều 170, điểm a khoản 1 Điều 179, khoản 3 Điều 210 Luật đất đai năm 2013; khoản 1 Điều 69 Luật đất đai năm 2003; điểm c khoản 1 Điều 688, Điều 357, Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015; Điều 256, Điều 280, khoản 1 Điều 281, khoản 2 Điều 303 của Bộ luật dân sự năm 2005; khoản 1 Điều 147, khoản 1 Điều 157, khoản 1 Điều 158, khoản 1 Điều 165, khoản 1 Điều 166 của Bộ luật tố tụng dân sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về án lệ phí Toà án; Xử:
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Nguyễn Duy S và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là bà Nguyễn Thị V, Anh Nguyễn Duy H, anh Nguyễn Duy L (do ông S đại diện).
2. Buộc ông Nguyễn Duy K, bà Nguyễn Thị D phải trả lại cho hộ gia đình ông Nguyễn Duy S và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan ( bà Nguyễn Thị V, anh Nguyễn Duy H, anh Nguyễn Duy L) do ông Nguyễn Duy S đại diện 384m2 đất nông nghiệp trị giá bằng tiền là 70.000đ/m2 x 384m2 = 26.880.000đ (Hai mươi sáu triệu tám trăm tám mươi nghìn đồng ). Giao cho ông Nguyễn Duy K và bà Nguyễn Thị D sử dụng 384m2 đất nông nghiệp trồng cây hàng năm có số thửa 289/7, nằm trong khu trang trại nông nghiệp của ông K bà D diện tích 5.991m2 của tờ bản đồ số 10 bản đồ canh tác năm 2006 xã H; Địa chỉ tại thôn T, xã H, huyện N, tỉnh Hải Dương.
3. Về lệ phí thẩm định tại chỗ và định giá tài sản: Ông K phải chịu chi phí thẩm định tại chỗ là 450.000đ và lệ phí định giá tài sản là 900.000đ, cộng bằng 1.350.000đ. Xác nhận ông Nguyễn Duy S đã nộp và chi khoản tiền này. Ông Nguyễn Duy K có trách nhiệm thanh toán trả ông S 1.350.000đ.
Khi bản án có hiệu lực pháp luật, bên được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, bên có nghĩa vụ còn phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự tại thời điểm thanh toán.
4. Án phí: Ông Nguyễn Duy K phải chịu 200.000đ án phí dân sự sơ thẩm và 300.000đ án phí dân sự phúc thẩm; đối trừ 300.000đ tiền tạm ứng án phí phúc thẩm ông K đã nộp tại Chi cục thi hành án dân sự huyện Nam Sách theo biên lai thu số AB/2014/008500 ngày 10/4/2017, còn phải nộp 200.000đ tiền án phí. Ông Nguyễn Duy S được hoàn lại số tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm đã nộp là 650.000đ theo biên lai số 003182 ngày 19/10/2015 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Nam Sách. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Trường hợp bản án được thi hành theo qui định tại điều 2 Luật thi hành án dân sự người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo qui định tại các điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo qui định tại điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án phúc thẩm (18/7/2017).
Bản án 22/2017/DS-PT ngày 18/07/2017 về tranh chấp kiện đòi tài sản là quyền sử dụng đất
Số hiệu: | 22/2017/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hải Dương |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 18/07/2017 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về