TOÀ ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
BẢN ÁN 218/2022/DS-PT NGÀY 27/06/2022 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỞ HỮU VÀ QUYỀN KHÁC ĐỐI VỚI TÀI SẢN VÀ YÊU CẦU CHIA THỪA KẾ
Trong ngày 06/4/2022 và ngày 27/6/2022, tại trụ sở Toà án nhân dân thành phố Hà Nội, mở phiên tòa xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 265/DSPT ngày 28 tháng 5 năm 2020 về việc “tranh chấp về quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản và yêu cầu chia thừa kế”.
Do bản án dân sự sơ thẩm số 41/2019/DS-ST ngày 02/12/2019 của Tòa án nhân dân quận Ba Đình, thành phố Hà Nội bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 353/2021/QĐXX-PT ngày 27/9/2021 giữa các đương sự:
Nguyên đơn: Ông Trần L T, sinh năm 1958;
Bà Lê T T N, sinh năm 1961.
Địa chỉ: Số 2+4 ngõ 98, P, phường P, quận B, Hà Nội.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông T và bà N: Luật sư Lâm V S – Thuộc Công ty Luật TNHH MTV Voa Star, đoàn luật sư Thành phố Hà Nội.
Bị đơn: Ông Trần L Th, sinh năm 1959;
Bà Mai T T, sinh năm 1965.
Địa chỉ: Số 2+ 4 ngõ 98, P, phường P, quận B, Hà Nội.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. Bà Trần K A – sinh năm 1955.
Địa chỉ: Số 11 ngõ 58 phố T, phường T, Hà Nội.
2. Anh Trần T L;
3. Chị Trần T P.
(Con của Ông Trần L T và bà Lê T T N) Cùng địa chỉ: Số 2 + 4 ngõ 98 phố P, phường P, quận Ba Đình, Hà Nội.
Đại diện theo ủy quyền của Anh L và chị P là bà Lê T T N.
4. Chị Trần T H;
5. Chị Trần T G.
(Con của ông Trần L Th và bà Mai T T) Cùng địa chỉ: Số 2 + 4 ngõ 98 phố P, phường P, quận Ba Đình, Hà Nội.
Đại diện theo ủy quyền của chị H, chị G là ông Trần L Th.
6. Ông Ngô V I;
7. Anh Ngô T H, sinh năm 1989 Cùng địa chỉ: Xóm 16 thôn A, xã N, huyện T, tỉnh Thái Bình.
8. Tổng cục địa chất và khoáng sản Việt Nam.
Đại diện theo ủy quyền: Ông Hoàng V V – Phó trưởng phòng Quản trị, Văn phòng Tổng cục.
Người kháng cáo: Ông Trần L T và bà Lê T T N - Là nguyên đơn trong vụ án. Tại phiên tòa có mặt: Ông T, bà N, luật sư S, ông Th, bà T, ông Hoàng V V.
Bà K A có mặt tại phiên tòa ngày 06/4/2022, vắng mặt tại phiên tòa ngày 27/6/2022.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện và đơn khởi kiện bổ sung ngày 02/8/2018 và các lời khai tại Tòa án, nguyên đơn vợ chồng Ông Trần L T và bà Lê T T N thống nhất trình bày:
Về nguồn gốc nhà ở số 4 ngõ 98 Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội.
Bố mẹ Ông Trần L T là cụ Trần Hùng Lập (chết năm 1982) và cụ Phạm Thị Thiều (chết năm 1986) không để lại di chúc. Cụ Lập và cụ Thiều có 4 người con chung là bà Trần K A (sinh năm 1955), Ông Trần L T (sinh năm 1958), ông Trần L Th (sinh năm 1959), và bà Trần Ngọc Thư (sinh năm 1963, chết năm 1990). Ngoài ra không ai có con riêng, còn nuôi nào khác.
Năm 1972 cơ quan tổng cục địa chất phân nhà đất tại địa chỉ số 4 ngõ 98 Phúc Xá cho bố ông là cụ Trần Hùng Lập vì bố là cán bộ tại tổng cục địa chất. khi đó là nhà cấp 4, trên diện tích 16m2 và 01 bếp riêng biệt có diện tích 4,3m2. Phía trước và sau nhà có khoảng không để gia đình sử dụng (không có quyết định phân nhà) lúc này mẹ ông đang công tác và ở tại Bắc Ninh. Vào thời điểm này chỉ có bố ông và 4 anh chị em ở và cứ 6 tháng phải đi đăng ký tạm trú cho anh em ông một lần.
Năm 1976 ông đi bộ đội đến năm 1981 thì hoàn thành nghĩa vụ xuất ngũ và về ở tại địa chỉ trên. Ông đã nhập hộ khẩu thường trú cùng với bố ông, còn bà K A đã lập gia đình và công tác tại phòng giáo dục thị xã Bắc Ninh và cũng ở tại Bắc Ninh, ông Trần L Th lúc đó đang học ở học viện không quân và ở tại trong trường, bà Trần Ngọc Thư đang học tại trường đại học sư phạm vẫn ăn ở sinh hoạt tại nhà số 4 ngõ 98 Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội.
Khoảng tháng 01 năm 1982 bố ông chết (không để lại di chúc), ông đã đón mẹ ông về ở cùng tại nhà số 4 Phúc Xá. Sau đó tổng cục địa chất cho ông đi lao động hợp tác tại Đức đến năm 1986 thì về ở tại số 4 Phúc Xá.
Năm 1982, sau khi bố ông mất thì tổng cục địa chất để cho ông đứng tên trong giấy tờ nộp tiền nhà và thuế nhà. Ông không có thời gian nào công tác trong tổng cục địa chất mà chỉ được đi xuất khẩu lao động theo tiêu chuẩn con em của cán bộ. Cũng từ năm 1982 ông thay bố ông đóng tiền nhà cho tổng cục địa chất.
Năm 1987 ông kết hôn với bà Lê T T N và sinh sống tại số 4 ngõ 98 Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội. Năm 1988 ông Th lấy vợ và bà T về ở tại địa chỉ trên, còn ông Th đang là sĩ quan quân đội nên chỉ đi đi về về đến năm 1991 mới giải ngũ về ở tại nhà đất này.
Năm 1990 vợ chồng ông đã xây dựng lại nhà số 4 Phúc Xá thành nhà 2 tầng lợp ngói, khi xây đã xây dựng hết khoảng không phía trước và phía sau nhà cấp 4 cũ thành 29,5m2 như diện tích hiện nay. Ông bà khẳng định việc xây dựng này và toàn bộ kinh phí xây dựng là do vợ chồng ông, bà bỏ ra. Ông bà đề nghị tòa án chia thừa kế đối với nhà tại số 4 Phúc Xá, chia thừa kế theo pháp luật đối với 16m2 là diện tích nhà cấp 4 cũ và 4,3m2 bếp, còn phần diện tích cơi nới ra được là phần của vợ chồng ông bà.
Ông đề nghị phân chia như sau: Hiện nay vợ chồng ông Th đã có nhà riêng, nơi ở ổn định, con trai chị Trần Ngọc Thư tên là Ngô T H cũng có nơi ở ổn định, riêng ông, bà vẫn ở tại nhà số 4 Phúc Xá từ trước đến nay không có nơi ở nào khác nên ông, bà đề nghị được nhận toàn bộ nhà đất và thanh toán giá trị bằng tiền cho ông Th theo quy định của pháp luật.
Về biên bản thỏa thuận ngày 21/1/1993 giữa ông, ông Th và ông Bình là đúng, được ký trước mặt cả 3 anh em. Sự thỏa thuận trong biên bản này là tự nguyện của cả 3 anh em ông. Về giấy thỏa thuận sử dụng nhà ngày 21/1/1993 cũng do ông Th viết, ông đã đọc và đã ký vào biên bản. Đối với phần diện tích bếp 4m2 đi theo nhà cấp 4 do vợ chồng ông, bà sử dụng từ đầu và cũng đã tự bỏ tiền ra để xây sửa lại. Nay ông bà đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.
Về nhà đất tại số 2 Phúc Xá, phường Phúc Xá, quận Ba Đình:
Năm 2000 ông và ông Th mua chung ngôi nhà của ông Nguyễn Hữu Cừ tại số 2 Phúc Xá, Ba Đình. Hai anh em thỏa thuận ông lấy phần nhà sau có diện tích 12,85m2 còn phần trước nhà 02 có diện tích khoảng 12,85m2 ông Th sử dụng. Hai anh em thỏa thuận giấy tờ mua bán đứng tên ông Th và lập văn bản thỏa thuận đề ngày 20/1/2001 có nội dung ông toàn quyền sử dụng nửa sau, ông Th toàn quyền sử dụng nửa trước.
Năm 2000 cả hai anh em cùng làm nhà, tổng chi phí xây dựng nhà hết 150 triệu (cả tiền đất và tiền xây dựng), ông và ông Th đã thống nhất chịu chi phí là 94 triệu còn gia đình ông Th chỉ xây 2 tầng ở nửa trước nên sẽ chỉ chịu 56 triệu đồng. Sau khi gia đình ông xây 3 tầng, còn gia đình ông Th xây 2 tầng, hai anh em có thỏa thuận bằng miệng với nhau là gia đình ông sẽ sử dụng cả không gian trên tầng 3 phía trước của nhà số 2 (phần khoảng không trên nhà chú Thắng) và gia đình ông Th không có bể nước thì sẽ xây bể nước trên tầng 3 phía trên phần nhà của ông Th. Nay ông yêu cầu ông Th và bà T phải trả lại không gian tầng 3 nhà số 02 ngõ 98 phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội cho ông bà.
Bị đơn là ông Trần L Th và bà Mai T T thống nhất trình bày: Ông bà không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của ông T và bà N. Đối với nhà số 04 ngõ 98 Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội: ông, bà đồng ý với ý kiến chia nhà theo quy định của pháp luật. Nhưng phải chia theo diện tích như hiện trạng sử dụng vì khi anh em ông làm nhà đã có diện tích cơi nới, đây là nhà của cơ quan quản lý chứ không phải là nhà của riêng ai. Nguyên thủy nhà có 16m2 và 4,3m2 bếp, đến năm 1990 tất cả khu tập thể này đều xây dựng và cũng đều cơi nới như nhau. Về việc đầu tư xây dựng nhà này cả 3 anh chị em ông bà đều đóng góp chứ không phải chỉ mình vợ chồng ông T, bà N.
Nay ông T, bà N yêu cầu chia tài sản thừa kế đối với nhà đất của bố mẹ, ông đồng ý chia theo quy định của pháp luật. Phương án của ông T, bà N đưa ra chia tính theo giá trị quyền sử dụng đất ông không đồng ý. Ông yêu cầu tòa án chia bằng hiện vật.
Về bếp đi liền với nhà chính: Đề nghị Tòa án chia theo quy định của pháp luật.
Đối với nhà số 02 ngõ 98 Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội:
Toàn bộ thửa đất hiện đứng tên ông vì ông là người trực tiếp giao dịch mua bán. Tuy nhiên thực tế nhà đất này là do ông và ông T cùng bỏ tiền ra mua. Sau khi mua hai anh em đã có thỏa thuận về việc sử dụng: Ông T sử dụng toàn bộ 12,5m2 phía sau, còn ông toàn quyền sử dụng 12,5m2 phía trước. Cả tiền đất và tiền xây dựng của cả nhà đó hết 150 triệu đồng. Hai anh em đã chia mét vuông xây dựng để chia tiền, cụ thể: nhà ông T xây dựng thành nhà 3 tầng ở phía sau phải chịu 94 triệu đồng, còn nhà ông xây dựng thành nhà 2 tầng và 1 bể nước ở phía trước nên ông phải chịu 56 triệu đồng.
Nay ông T, bà N khởi kiện yêu cầu vợ chồng ông phải trả lại khoảng không trên tầng 3 phần nhà phía trước quan điểm của ông là: Giữa ông và ông T đã có văn bản thỏa thuận về quyền sử dụng đất nhà số 2 ngõ 98 Phúc Xá ký ngày 20/1/2001 (viết và ký văn bản đề ngày 20/1/2001 nhưng thực chất văn bản này được lập vào ngày 20/1/2016) văn bản này do ông T lập. Phía sau của văn bản này là ông T và bà N tự viết vào, vợ chồng ông không biết. Vì vậy ông không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của ông T, bà N. Ông yêu cầu ông T, bà N thực hiện đúng thỏa thuận như văn bản thỏa thuận giữa hai anh em.
Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trình bày:
Bà Trần K A trình bày: Bố bà là cụ Trần Hùng Lập, mẹ bà là cụ Phạm Thị Thiều. Bố mẹ bà có 04 con chung gồm: bà, Ông Trần L T, Trần L Th và bà Trần Anh Thư.
Bà khẳng định nhà số 4 ngõ 98 Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội là nhà của tổng cục địa chất phân cho bố bà (lúc đó bố bà là cán bộ của tổng cục địa chất). Năm 1979 bà xây dựng gia đình nhưng vẫn đi đi về về sinh sống tại đó. Năm 1982 bố bà chết (không để lại di chúc). Mẹ bà cùng các em ông cùng sinh sống tại nhà đất trên. Năm 1986 mẹ bà chết không để lại di chúc. Năm 1990 vợ chồng bà có ý định chuyển từ Bắc Ninh về Hà Nội sinh sống, do nhà xuống cấp nên chị em bà thống nhất làm nhà 2 tầng riêng trên đất, cầu thang ngoài riêng, công trình phụ riêng. Tầng 1 là để ông T và ông Th ở, còn tầng 2 là để vợ chồng bà ở. Khi xây dựng nhà này, vợ chồng bà có đóng góp phần lớn để xây dựng. Đến năm 1992 vợ chồng bà được phân nhà nên đã để lại tầng 2 nhà số 4 cho ông Th sử dụng. Chồng bà là ông Nguyễn Văn Bình và ông T, ông Th thống nhất và lập văn bản thỏa thuận như hai ông đã đã trình bày.
Nay Ông Trần L T và bà N khởi kiện ra tòa, quan điểm của bà là:
- Nguyên thủy đất tại số 4 ngõ 98 Phúc Xá có diện tích 16m2 nhà và 4,3m2 bếp. Khi mẹ bà còn sống có ở tại đất này. Mẹ bà cùng các anh chị em đều cũng có công sức trong việc lấp đất, san nền để sau này chị em bà xây nhà với diện tích như hiện nay là 29m2 nhà và 4,3m2 bếp. Bà xin từ chối nhận tài sản thừa kế của bố mẹ bà với điều kiện phải chia tài sản nhà đất này theo diện tích thực tế hiện tại.
Về nhà số 2 ngõ 98 phố Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội: đây là nhà của ông T và ông Th mua chung nên việc giải quyết như thế nào bà không có ý kiến.
Anh Trần T L và chị Trần T P trình bày: Khi ông T bà N xây nhà, Anh L chị P còn nhỏ nên không có đóng góp gì để xây dựng nhà đất trên.
Ông Ngô V I và anh Ngô T H: Quá trình tòa án giải quyết vụ án dân sự có đưa ông Inh và anh Hà vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vì là chồng và con của bà Nguyễn Anh Thư, là em gái của ông T, ông Th, và là con gái của ông bà Trần Hùng Lập và Phạm Thị Thiều.
Nay ông Inh và anh Hà tự nguyện từ chối nhận tài sản trong vụ án trên và đề nghị Tòa án không đưa vào tham gia tố tụng vì không còn quyền lợi gì liên quan.
Tại bản án dân sự sơ thẩm số 41/2019/DS –ST ngày 02/12/2019 của Tòa án nhân dân quận Ba Đình, thành phố Hà Nội đã quyết định:
I. Chấp nhận yêu cầu chia di sản thừa kế nhà số 4 ngõ 98 Phúc Xá, phường Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội và không chấp nhận yêu cầu đòi lại không gian tầng 3 nhà số 2 ngõ 98 Phúc Xá, phường Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội của Ông Trần L T và bà Lê T T N đối với ông Trần L Th và bà Mai T T.
II. Xác nhận hàng thừa kế thứ nhất của cụ Trần Hùng Lập và cụ Phạm Thị Thiều gồm:
1, Bà Trần K A (sinh năm 1955);
2, Ông Trần L T (sinh năm 1958);
3, Ông Trần L Th (sinh năm 1959);
4, Bà Trần Lập Thư (sinh năm 1963, mất năm 1990 do ông Ngô V I, anh Ngô T H là chồng và con của bà Trần Lập Thư được hưởng).
Bà K A, ông Inh và anh Hà xin khước từ hưởng thừa kế.
III. Thời điểm mở thừa kế của cụ Lập là năm 1982, của cụ Thiều là năm 1986, theo hướng dẫn tại Giải đáp số 01/2018/GĐ-TATC, đối với trường hợp thừa kế mở trước ngày 10-9-1990 thì thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế là bất động sản được thực hiện theo quy định tại Điều 36 của Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 và hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 19-10-1990 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Pháp lệnh Thừa kế, cụ thể là: thời hiệu khởi kiện được tính từ ngày 10-9-1990.
IV. Xác định di sản thừa kế của cụ Trần Hùng Lập và cụ Phạm Thị Thiều để lại là 30,3m2 nhà và 5,1m2 bếp tại số 4 ngõ 98 Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội.
V. Chia hiện vật (có sơ đồ kèm theo bản án):
- Chia cho Ông Trần L T được hưởng ½ nhà đất di sản của vợ chồng cụ Lập gồm: phần diện tích nhà là 17,7m2, có hình chữ L có vị trí nhìn từ cửa đi vào là bên tay trái, chiều rộng mặt trước cửa ra vào là 1,81m + chiều dài 8,65m + chiều rộng cuốt nhà là 3,49m + chiều dài 1,34m (là cạnh giáp với nhà số 4 Phúc Xá). Được giới hạn bởi các điểm 1, 2, 3, 7, 6, 5.
- Chia cho ông Trần L Th được hưởng ½ nhà đất di sản của vợ chồng cụ Lập gồm: 5,1m2 bếp và 12,6m2 nhà có chiều rộng là 1,8m x chiều dài 7m, có vị trí nhìn từ cửa đi vào là bên tay phải, giáp với nhà số 02 ngõ 98 Phúc Xá. Được giới hạn bởi các điểm 4, 5, 6,7.
Nhà đất sẽ được chia thẳng từ tầng 1 lên trên. Chi phí xây ngăn chia phần diện tích được phân chia do Ông Trần L T và ông Trần L Th tự chi trả.
Ngoài ra bản án còn quyết định về án phí và quyền kháng cáo của các bên đương sự.
Không nhất trí với bản án sơ thẩm, nguyên đơn là Ông Trần L T và bà Nguyễn Thị Thúy Nga kháng cáo toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm đề nghị HĐXX phúc thẩm giải quyết theo hướng trả lại nhà số 04 và trần nhà số 02 cho vợ chồng ông bà và tuyên hủy việc chia di sản thừa kế.
Quá trình tố tụng tại cấp phúc thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm:
- Người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của nguyên đơn trình bày quan điểm tranh luận: Tòa án cấp sơ thẩm đã hướng dẫn nguyên đơn làm đơn khởi kiện bổ sung yêu cầu khởi kiện chia thừa kế đối với nhà số 4, ngõ 98 Phúc Xá. Quá trình giải quyết vụ án nếu không có căn cứ gì xác định đó là nhà đất của cụ Lập thì không xem xét, giải quyết. Tuy nhiên căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án không có căn cứ gì xác định nhà số 04 là di sản thừa kế của cụ Lập, vì vậy ông T kháng cáo đề nghị HĐXX phúc thẩm công nhận quyền sở hữu cho ông T. Việc thỏa thuận xây nhà cũng chỉ có ông T, ông Th và ông Bình thỏa thuận với nhau không có ý kiến của bà N, bà T nên cũng không có giá trị.
- Nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, yêu cầu kháng cáo và đề nghị Hội đồng xét xử công nhận quyền sở hữu của ông bà đối với nhà số 4 ngõ 98 Phúc Xá vì bố ông không có quyết định phân nhà nên nhà số 4 không phải là di sản thừa kế. Đối với nhà số 2 ngõ 98 Phúc Xá đề nghị HĐXX xem xét, giữ nguyên hiện trạng để sử dụng vì ông bà và ông Th thỏa thuận về việc ông bà làm thêm tầng 3 để sử dụng cho thông thoáng, ông bà là người đổ trần tầng 3 để làm bể nước và sử dụng.
- Bị đơn giữ nguyên ý kiến trình bày tại tòa án và đề nghị HĐXX giữ nguyên bản án sơ thẩm của TAND quận Ba Đình.
- Đại diện theo ủy quyền của Tổng cục địa chất và khoáng sản Việt Nam trình bày: Cụ Trần Hùng Lập nguyên là cán bộ của Tổng cục địa chất và khoáng sản Việt Nam, nhà số 04 ngõ 98 phố Phúc Xá là khu nhà ở tập thể Tổng cục bố trí cho cán bộ của tổng cục. Do trước đây đất đai thuộc sở hữu nhà nước nên Tổng cục không có quyết định phân nhà, nay Tổng cục địa chất và khoáng sản Việt Nam đề nghị Tòa án xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội tham gia phiên tòa phát biểu quan điểm giải quyết vụ án:
- Về tố tụng: Thẩm phán và Hội đồng xét xử đã tuân thủ đúng các quy định của pháp luật tố tụng; các đương sự đã thực hiện đúng và đầy đủ các quyền và nghĩa vụ tố tụng của mình theo quy định của pháp luật;
- Đơn kháng cáo của các đương sự trong thời hạn và đã nộp tạm ứng án phí phúc thẩm nên hợp lệ.
- Về nội dung kháng cáo: Sau khi phân tích nội dung vụ án, Kiểm sát viên tham gia phiên tòa sau khi phân tích nội dung vụ án và yêu cầu kháng cáo của các đương sự đề nghị Hội đồng xét xử hủy toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm, chuyển hồ sơ về Tòa án nhân dân quận Ba Đình để xem xét, giải quyết theo thủ tục chung.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
[1]. Về tố tụng:
Ngày 02/12/2019 Tòa án nhân dân quận Ba Đình xét xử và tuyên án, ngày 15/12/2019 Ông Trần L T, bà Lê T T N nộp đơn kháng cáo qua đường bưu điện, đơn kháng cáo của ông Kiên nộp trong hạn luật định và đã nộp tạm ứng án phí nên nên hợp lệ, vụ án được xem xét lại theo thủ tục phúc thẩm.
Những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan được Tòa án triệu tập hợp lệ nhưng vắng mặt tại phiên tòa nên Hội đồng xét xử tiến hành giải quyết xét xử vắng mặt những người này.
[2]. Về nội dung:
Xét các yêu cầu khởi kiện và yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn Ông Trần L T và bà Lê T T N:
Đối với nhà số 4 ngõ 98 Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội:
Tại đơn khởi kiện và đơn khởi kiện bổ sung ngày 02/8/2018, biên bản phiên họp về kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải ngày 22/1/2019 nguyên đơn là Ông Trần L T và bà Lê T T N đề nghị Tòa án xem xét giải quyết chia tài sản là nhà số 04 ngõ 98 Phúc Xá. Quá trình tố tụng tại cấp phúc thẩm ông, bà đề nghị Tòa án án xem xét hủy việc chia di sản thừa kế vì việc xác định diện tích 29m2 nhà đất tại số 04, ngõ 98 Phúc Xá là di sản thừa kế là không đúng vì bố ông không có quyết định phân nhà và khi giao chỉ được giao 16m2. Tại phiên tòa phúc thẩm, ông T không rút yêu cầu khởi kiện chia thừa kế mà đề nghị HĐXX xác định toàn bộ nhà đất tại số 4 ngõ 98 Phú Xá là tài sản của vợ chồng ông. Ông Th vẫn đề nghị HĐXX xem xét giải quyết chia thừa kế theo quy định của pháp luật nên HĐXX phúc thẩm xem xét về nguồn gốc nhà đất tại số 4, ngõ 98 Phúc Xá để xét yêu cầu khởi kiện và kháng cáo của nguyên đơn:
- Xét nguồn gốc nhà số 4 ngõ 98 Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội: theo lời khai của nguyên đơn, bị đơn, và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đều xác nhận nguồn gốc nhà số 4 ngõ 98 Phúc Xá là của cụ Trần Hùng Lập do Tổng cục địa chất phân cho từ năm 1972 và gia đình ở từ đó cho đến nay. Theo cung cấp của tổng cục địa chất xác nhận cụ Lập là cán bộ của tổng cục địa chất, khu nhà ở 82B Phúc Xá không có hồ sơ bản vẽ nhà đất, không có quyết định phân nhà, không có hợp đồng thuê nhà. Xí nghiệp quản lý và phát triển nhà Ba Đình: Xí nghiệp chưa tiếp nhận quản lý ký hợp đồng thu tiền thuê nhà và bán nhà của 02 hộ Ông Trần L T, Trần L Th tại số nhà 2 + 4 ngõ 98 phố Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội. Tại công văn số 374/UBND ngày 24/4/2019 của UBNND phường Phúc Xá cung cấp nhà đất số 04, ngõ 98 hiện không nằm trong quy hoạch, vị trị nhà đất phù hợp hiện trạng sử dụng đất, thuộc diện được cấp GCN quyền sử dụng đất. Căn cứ điểm 1, mục II, nghị quyết số 02/2004/NQ- HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao Tòa án cấp sơ thẩm xác định nhà số số 4 ngõ 98 Phúc Xá, Ba Đình là di sản của cụ Trần Hùng Lập và cụ Phạm Thị Thiều là phù hợp với quy định của pháp luật và có căn cứ.
Mặc dù không còn tài liệu nào liên quan đến việc phân nhà đất cho cụ Lập tuy nhiên các đương sự đều thừa nhận thời điểm được phân nhà đất có diện tích 16m2 đến năm 1990 sau khi vợ chồng cụ Lập chết các con cụ Lập mới cơi nới xây dựng thành nhà 2 tầng và 1 sàn tầng 3 có diện tích như hiện nay. Nay ông Th, bà N cho rằng toàn bộ diện tích cơi nơi là tài sản của ông Th, bà N không phải di sản thừa kế của cụ Lập, cụ Thiều. HĐXX xét thấy tại giấy Chứng nhận lập ngày 21/01/1993 có chữ ký của ông T, ông Th, ông Bình (là chồng bà Trần K A) có nội dung xác nhận 03 anh em góp tiền để xây dựng lại nhà cấp 4 và có cơi nới đất để xây nhà 02 tầng mái ngói, và các anh em vẫn ở từ đó cho đến nay. Ông T, ông Th đều xác nhận biên bản thỏa thuận ngày 21/01/1993 là có thật, chữ ký, chữ viết trong biên bản trên là sự thỏa thuận của 03 anh em. Ông T trình bày phần diện tích xây dựng nằm ngoài diện tích nhà cấp 4 cụ Lập được bố trí là phần móng kè bờ mương. Như vậy, quá trình sử dụng có việc các con cụ Lập tự cơi nới và xây dựng công trình nhưng vẫn trên phần diện tích đất cụ Lập được phân và việc cơi nới, xây dựng là công sức chung của các anh chị em trong gia đình, hiện nay không còn văn bản nào xác định được vị trí và diện tích nhà đất cụ Lập được phân, việc tôn tạo xây dựng là các đương sự cùng tự nguyện cơi nới, xây dựng nên HĐXX sơ thẩm xác định toàn bộ diện tích đất gồm 30,3m2 nhà và 5,1m2 bếp tại số 4 ngõ 98 Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội là di sản của cụ Lập, cụ Thiều là có căn cứ. Ông T, bà N không cung cấp được tài liệu chứng cứ nào khác xác định phần diện tích cơi nới là tài sản riêng của ông bà. Tại biên bản kiểm tra hiện trạng ngày 28/9/2020 của TAND TP Hà Nội xác định nhà đất giữ nguyên hiện trạng như biên bản xem xét thẩm định của Tòa án cấp sơ thẩm nên HĐXX phúc thẩm xác định di sản thừa kế của cụ Lập, cụ Thiều để lại gồm diện tích nhà 30,3m2 + diện tích bếp 5,1m2 = 35,4m2 x 60.000.000 đồng/m2 = 2.124.000.000 đồng.
- Về thời điểm mở thừa kế: Cụ Trần Hùng Lập mất năm 1982 và cụ Phạm Thị Thiều mất năm 1986, đều không để lại di chúc. Thời điểm mở thừa kế của cụ Lập là năm 1982, của cụ Thiều là năm 1986, theo hướng dẫn tại Giải đáp số 01/2018/GĐ- TATC, đối với trường hợp thừa kế mở trước ngày 10-9-1990 thì thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế là bất động sản được thực hiện theo quy định tại Điều 36 của Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 và hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 19-10- 1990 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Pháp lệnh Thừa kế, cụ thể là: thời hiệu khởi kiện được tính từ ngày 10- 9-1990. Do đó căn cứ quy định tại Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế vẫn còn.
- Phân chia di sản thừa kế:
Di sản thừa kế của cụ Trần Hùng Lập và cụ Phạm Thị Thiều được chia cho hàng thừa kế thứ nhất là: bà Trần Thị Kim Anh, Ông Trần L T, ông Trần L Th, và bà Trần Lập Thư (mất năm 1990 do ông Ngô V I, anh Ngô T H là chồng và con của bà Trần Lập Thư được hưởng).
Ông Ngô V I, anh Ngô T H, bà Trần Thị Kim Anh từ chối nhận di sản thừa kế nên di sản thừa kế của cụ Lập, cụ Thiều được chia cho Ông Trần L T và Trần L Th.
Ông T xin nhận toàn bộ bằng hiện vật và thanh toán giá trị cho ông Th tuy nhiên ông Th cũng xin nhận bằng hiện vật, xét thấy nhà đất trên hiện 2 anh em đang sử dụng và sử dụng chung với nhà số 02, ngõ 98 Phúc Xá nên cần phân chia di sản của cụ Lập, cụ Thiều bằng hiện vật như Tòa án cấp sơ thẩm xác định.
Tuy nhiên, việc Tòa án cấp sơ thẩm không xem xét đến công sức duy trì, phát triển và quản lý di sản thừa kế của Ông Trần L T là không phù hợp. Theo lời khai của các đương sự, thời điểm xây nhà ông Trần L Th đi bộ đội, không có nhà cũng không có tiền nên không có đóng góp gì. Tại giấy chứng nhận đề ngày 21/1/1993 (BL156) có chữ ký của ông T, ông Th có nội dung:
Khi làm nhà năm 1990, ông T đầu tư 15 chỉ vàng, ông Th 1 chỉ vàng, ông Nguyễn Văn Bình (là chồng bà K A) 15 chỉ vàng, nay ông Bình chuyển đi nơi khác ông T hoàn lại cho ông Bình 05 chỉ vàng, ông Th hoàn lại cho ông Bình 10 chỉ vàng. Như vậy, tổng số tiền ông T đóng góp để xây nhà số 02 Phúc Xá là 20 chỉ vàng, số tiền ông Th đóng góp là 11 chỉ vàng.
Tại công văn phúc đáp số 374/UBND ngày 24/4/2019 của UBND phường Phúc Xá (BL253) nhà số 02, ngõ 98 Phúc Xá do Ông Trần L T đứng tên đóng thuế đất phi nông nghiệp, quá trình giải quyết vụ án ông T, bà N cũng cung cấp cho Tòa án các biên lai thu thuế đất đối với nhà số 2, ngõ 98 Phúc Xá thể hiện người nộp là ông T. Như vậy, quá trình quản lý, sử dụng nhà đất vợ chồng ông T, bà N đã có công sức đóng góp nhiều hơn trong việc xây dựng công trình tài sản cũng như công sức duy trì, phát triển di sản thừa kế nên cần trích 1 phần công sức quản lý, phát triển di sản thừa kế cho Ông Trần L T.
Cụ thể, trích công sức duy trì, quản lý di sản thừa kế cho Ông Trần L T là 10,2m2 nhà đất. Phần còn lại có diện tích 25,2m2 được chia đều cho hai thừa kế là Ông Trần L T và ông Trần L Th, mỗi người được hưởng là 12,6m2. Tổng diện tích ông T được chia bao gồm kỷ phần được hưởng và công sức là 22,8m2. Chia bằng hiện vật cụ thể như sau:
- Chia cho Ông Trần L T được hưởng phần nhà đất có diện tích 22,8m2 gồm:
phần diện tích nhà là 17,7m2, có hình chữ L có vị trí nhìn từ cửa đi vào là bên tay trái, chiều rộng mặt trước có cửa ra vào là 1,81m + chiều dài 8,65m + chiều rộng cuốt nhà là 3,49m + chiều dài 1,34m (là cạnh giáp với nhà số 4 Phúc Xá) được giới hạn bởi các điểm 1,2, 3, 7, 6, 5, 1 và 5,1m2 bếp.
- Chia cho ông Trần L Th 12,6m2 nhà có chiều rộng là 1,8m x chiều dài 7m, có vị trí nhìn từ cửa đi vào là bên tay phải, giáp với nhà số 02 ngõ 98 Phúc Xá. Được giới hạn bởi các điểm 4, 5, 6,7.
Nhà đất sẽ được chia thẳng từ tầng 1 lên trên. Chi phí ngăn chia phần diện tích được chia giữa các thừa kế: ông T và ông Th phải chịu.
- Công trình tài sản trên đất là do ông T và ông Th cùng xây dựng và sử dụng từ năm 1990 cho đến nay, không phải là di sản của cụ Lập, cụ Thiều, nên các ông T, ông Th được tiếp tục quản lý, sử dụng công trình xây dựng trên phần đất được chia.
Đối với yêu cầu ông Trần L Th, bà Mai T T trả lại không gian tầng 3 nhà số 2 ngõ 98 Phúc Xá, phường Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội.
Đối với nhà số 02 ngõ 98 Phúc Xá: Các đương sự thống nhất xác định nhà đất do 02 anh em ông T, ông Th cùng góp tiền mua đất, góp tiền xây dựng nhà trên đất. Sau khi xây dựng hai anh em thỏa thuận việc sử dụng theo “Giấy thỏa thuận mua bán và quyền sử dụng đất ở nhà số 02 ngõ 98 phố Phúc Xá”, theo thỏa thuận của ông T, ông Th: “Sau khi xây xong hai anh em làm giấy thỏa thuận này xác định chú Thắng toàn quyền sử dụng nửa trước, anh Thành toàn quyền sử dụng nửa sau”. Ông T, ông Th xác nhận chữ ký, chứ viết trong giấy thỏa thuận là của hai ông. Nay ông T, bà N khởi kiện buộc ông Th, bà T di dời bể nước để trả lại không gian tầng 03 cho gia đình bà sử dụng. Theo ông bà bể nước trên không gian tầng 3 là do ông bà xây dựng năm 2000, sau khi xây dựng xong thì cho ông Th, bà T sử dụng.
Qua xem xét thẩm định tại chỗ xác định, toàn bộ phần bề nước nằm ở không gian tầng 3 phía ngoài của nhà số 02, ngõ 98 Phúc Xá, ông T, bà N cho rằng phần bể nước nằm ở diện tích phía ngoài nhưng hai gia đình thỏa thuận miệng với nhau khi làm nhà là ông Th làm hai tầng thì ông bà làm tầng 03 để lấy không gian sử dụng cho thông thoáng tuy nhiên ông Th không xác nhận có việc hai bên thỏa thuận miệng về việc sử dụng nhà số 2 như ông T, bà N trình bày. Tại cấp phúc thẩm Thành, bà N không cung cấp được tài liệu chứng cứ nào khác chứng minh cho lời khai của mình nên HĐXX phúc thẩm không có căn cứ chấp nhận yêu cầu kháng cáo và yêu cầu khởi kiện đòi lại không gian phía trước tầng 03 nhà số 02 của ông T, bà N.
Từ những phân tích trên HĐXX không có căn cứ chấp nhận toàn bộ yêu cầu kháng cáo của Ông Trần L T, bà Lê T T N tuy nhiên cần xem xét một phần ý kiến kháng cáo của nguyên đơn, sửa bản án dân sự sơ thẩm về việc xác định công sức duy trì, tôn tạo di sản thừa kế của ông T, bà N đối với nhà số 04, ngõ 98 Phúc Xá.
[3]. Về án phí:
Ông Trần L T, ông Trần L Th phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với kỷ phần thừa kế được nhận tuy nhiên thời điểm giải quyết vụ án tại cấp phúc thẩm, ông T, ông Th đều là đối tượng người cao tuổi, đã có đơn xin miễn án phí nên HĐXX phúc thẩm miễn toàn bộ án phí cho ông T, ông Th.
Ông Trần L T, bà Lê T T N phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với yêu cầu khởi kiện không được chấp nhận, tuy nhiên ông T, bà N đều là đối tượng người cao tuổi nên HĐXX phúc thẩm miễn toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm, phúc thẩm cho ông T, bà N.
Do sửa bản án sơ thẩm nên các đương sự kháng cáo không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.
Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội không phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử, nên không được chấp nhận.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
* Căn cứ vào Điều 148, Khoản 2 Điều 308, Điều 309 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015: Sửa một phần quyết định của bản án dân sự sơ thẩm số 41/2019/DS-ST ngày 02/12/2019 của Tòa án nhân dân quận Ba Đình cụ thể như sau:
Căn cứ vào:
- Các điều 612, 617, 618, 620, 623, 649, 650, 651 Bộ luật Dân sự năm 2015;
- Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao;
- Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;
Xử:
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện chia di sản thừa kế nhà số 4 ngõ 98, P, phường P, quận B, Hà Nội của Ông Trần L T và bà Lê T T N:
1.1. Xác nhận hàng thừa kế thứ nhất của cụ Trần Hùng Lập và cụ Phạm Thị Thiều gồm:
- Bà Trần Thị Kim Anh (sinh năm 1955);
- Ông Trần L T (sinh năm 1958);
- Ông Trần L Th (sinh năm 1959);
- Bà Trần Thị Anh Thư (sinh năm 1963, chết năm 1990 có chồng là ông Ngô V I, con trai là anh Ngô T H).
1.2. Ghi nhận việc bà Trần Thị Kim Anh, ông Ngô V I và anh Ngô T H từ chối nhận di sản thừa kế.
1.3. Xác định thời điểm mở thừa kế của cụ Trần Hùng Lập là năm 1982, của cụ Phạm Thị Thiều là năm 1986.
1.4. Xác định di sản thừa kế của cụ Trần Hùng Lập và cụ Phạm Thị Thiều là 30,3m2 nhà và 5,1m2 bếp tại số 4 ngõ 98 Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội.
1.5. Chia di sản thừa kế của cụ Trần Hùng Lập và cụ Phạm Thị Thiều cụ thể như sau:
- Chia cho Ông Trần L T được hưởng phần nhà đất có diện tích 22,8m2 gồm: phần diện tích nhà là 17,7m2, có hình chữ L có vị trí nhìn từ cửa đi vào là bên tay trái được giới hạn bởi các điểm 1,2, 3, 7, 6, 5, 1 và 5,1m2 bếp (Theo sơ đồ phân chia kèm theo bản án).
- Chia cho ông Trần L Th 12,6m2 nhà có chiều rộng là 1,8m x chiều dài 7m, có vị trí nhìn từ cửa đi vào là bên tay phải, giáp với nhà số 02 ngõ 98 Phúc Xá. Được giới hạn bởi các điểm 4, 5, 6,7 (Theo sơ đồ phân chia kèm theo bản án).
Nhà đất sẽ được chia thẳng từ tầng 1 lên trên. Chi phí xây ngăn chia phần diện tích được phân chia do Ông Trần L T và ông Trần L Th tự chi trả.
Ông Trần L T, ông Trần L Th được quyền liên hệ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được công nhận quyền sở hữu, sử dụng đối với diện tích nhà đất được chia.
2. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện đòi lại không gian tầng 3 nhà số 2 ngõ 98 Phúc Xá, phường Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội của Ông Trần L T và bà Lê T T N đối với ông Trần L Th và bà Mai T T.
3. Về án phí:
- Miễn toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm, phúc thẩm cho Ông Trần L T, bà Lê T T N và ông Trần L Th. Hoàn trả Ông Trần L T 300.000 đồng tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm đã nộp theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí số 0008391 ngày 23/5/2018 tại Chi cục thi hành án dân sư quận Ba Đình và 300.000 đồng tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm đã nôp theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí số 0024057 ngày 18/12/2019 tại Chi cục thi hành án dân sự quận Ba Đình.
4. Trường hợp bản án có hiệu lực pháp luật được thi hành án theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án, hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo qui định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.
Bản án 218/2022/DS-PT về tranh chấp quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản và yêu cầu chia thừa kế
Số hiệu: | 218/2022/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hà Nội |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 27/06/2022 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về