Bản án 213/2023/HS-PT về tội vi phạm quy định bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA

BẢN ÁN 213/2023/HS-PT NGÀY 11/12/2023 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH BẢO VỆ ĐỘNG VẬT NGUY CẤP, QUÝ HIẾM

Ngày 11 tháng 12 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh T xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số: 252/2023/TLPT-HS ngày 09 tháng 10 năm 2023 đối với bị cáo Nguyễn Văn Q do có kháng cáo của bị cáo và kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh T đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 25/2023/HS-ST ngày 17 tháng 8 năm 2023 của Tòa án nhân dân huyện T.

- Bị cáo kháng cáo và bị kháng nghị: Nguyễn Văn Q, sinh ngày 21/3/2007, tại xã T, huyện T, tỉnh T; Nơi đăng ký HKTT: Thôn H, xã T, huyện T, tỉnh T; Nơi ở hiện tại: Thôn T, thị trấn T, huyện T, tỉnh T; Nghề nghiệp: Lao động tự do; Trình độ văn hóa: 8/12; dân tộc: Kinh; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông: Nguyễn Văn T và bà: Vi Thị T1; Bị cáo chưa có vợ con; Tiền án; Tiền sự: Không. Hiện bị cáo đang bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú - Có mặt.

- Người đại diện hợp pháp cho bị cáo Nguyễn Văn Q: Bà Vi Thị T1, sinh năm: 1976 (mẹ bị cáo) - Địa chỉ: Thôn T, thị trấn T, huyện T, tỉnh T - Có mặt.

- Người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Q: Bà Lê Thị L - Trợ Trợ giúp viên pháp lý của Chi nhánh trợ giúp số 6 - Thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh T - Có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Vào hồi 15 giờ 40 phút, ngày 11/4/2023, Tổ công tác Công an huyện T, tỉnh T đang làm nhiệm vụ tại khu vực đường tỉnh lộ 519, thuộc Khu phố T, thị trấn T, huyện T, tỉnh T thì phát hiện Nguyễn Văn Q điều khiển xe mô tô nhãn hiệu Honda Wave S, biển kiểm soát 36D1 - xxxxx chở theo một túi vải màu nâu đen, có biểu hiện nghi vấn, đi vào nhà của cầm Bá T2, trú tại Khu phố T, thị trấn T, huyện T, tỉnh T. Tại đây, Tổ công tác đã tiến hành kiểm tra thì phát hiện bên trong chiếc túi màu nâu đen của Nguyễn Văn Q có hai cá thể động vật đang còn sống. Q khai nhận là con “Tê tê” (hay còn gọi là con Vảy chút). Tổ công tác tiến hành lập biên bản bắt người phạm tội quả tang, thu giữ tang vật, đồng thời dẫn giải các đối tượng về trụ sở Công an huyện T để làm việc.

Quá trình điều tra và tại phiên tòa Nguyễn Văn Q khai nhận:

Khoảng 08 giờ 00 phút, ngày 11/4/2023, Nguyễn Văn Q đang đi chăn Dê ở khu vực K “Hón Hó”, thuộc địa phận thôn T, xã V, huyện T thì phát hiện 02 (hai) cá thể Tê tê (hay còn gọi là con Vảy chút) đang bò trên đường. Thấy vậy, Q đã bắt lại rồi mang về Chòi của gia đình ở thôn T, xã V, huyện T, bỏ vào bì màu trắng rồi cho vào lồng gà. Đến trưa cùng ngày, bố của Q là ông Nguyễn Văn T đi làm về thì nhìn thấy cái bì để ở trong lồng gà nên đã hỏi Q “Con chi mà lại bỏ vào đây”, Q trả lời “Con đi chăn dê con thấy con Căn C (hay còn gọi là con D) nó bò nên con bắt về”, nghe Q nói vậy nên ông T không mở bì ra để kiểm tra. Tiếp đó, Q hỏi ông T “Con này có ai mua không”, ông T đáp “Không biết được, để hỏi thằng T2 bán cá xem có mua không”. Đến khoảng 13 giờ 40 phút cùng ngày, Q sử dụng điện thoại di động Nokia màu xanh, có lắp sim số 0815403xxx gọi đến số thuê bao 0986149xxx của cầm Bá T2 nhưng T2 không nghe máy. Một lúc sau, ông T tiếp tục sử dụng điện thoại di động có lắp sim số 0815403xxx gọi lại vào số thuê bao 0986149xxx của cầm Bá T2 và nói “thằng cu nhà tôi bắt được con Căn C, có mua không”. T2 nghĩ là ông T muốn bán con Chuột rừng, tuy nhiên lúc này T2 không có ở nhà nên đáp lại “đang bận lắm, không biết khi nào mới về”. Khoảng 30 phút sau, Cầm Bá T2 gọi điện lại cho ông T thì thấy Q nghe máy nên T2 nói “Có xuống không” thì Q đáp “Giờ xuống”. Sau đó, Nguyễn Văn Q đã bỏ hai cá thể Tê tê từ cái bì màu trắng sang chiếc túi vải màu nâu đen, rồi sử dụng xe mô tô nhãn hiệu Honda Wave S, biển kiểm soát 36D1 - xxxxx đi đến nhà của cầm Bá T2 ở Khu phố T, thị trấn T, huyện T để bán. Khi đến nơi, Q thấy nhà T2 không đóng cửa nên đã đi thẳng xe mô tô vào sân. Tại đây, T2 đã dẫn Q đi vào khu vực bếp của gia đình rồi yêu cầu Q mở túi vải ra để xem bên trong là con gì. Khi Q đang chuẩn bị mở túi thì bị Tổ Công tác Công an huyện T bắt quả tang và thu giữ các tang vật có liên quan.

Tại Kết luận giám định số: 517/STTNSV, ngày 14/4/2023 của V kết luận: 02 cá thể động vật trong bản ảnh gửi giám định là loài Tê tê java có tên khoa học là M javanica. Loài Tê tê java có tên trong Phụ lục I, Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, ban hành kèm theo Nghị định 64/2019/NĐ-CP ngày 16/07/2019 của Chính phủ. Loài Tê tê java có tên trong Nhóm IB, Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, ban hành kèm theo Nghị định 84/2021/NĐ-CP ngày 22/09/2021 của Chính phủ. Loài Tê tê java có tên trong Phụ lục I, Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã thuộc Phụ lục Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) ban hành kèm theo Thông báo số 296/TB-CTVN-HTQT ngày 27/11/2019 của Cơ quan quản lý C1.

Đối với Nguyễn Văn T, ông T không biết hai cá thể động vật mà Q bắt và nhốt tại gia đình là loài Tê tê Java. Do đó, không có căn cứ để xử lý đối với ông T.

Đối với Cầm Bá T2, do T2 không biết trong túi vải mà Q mang đến là hai cá thể Tê tê Java. Quá trình trao đổi, liên lạc, giữa T2, ông T và Q chỉ nói là bán con Căn cắn (Chuột rừng) cho T2 mà không nhắc đến việc mua bán Tê tê. Việc Q mang hai cá thể Tê tê đến để bán cho T2, T2 hoàn toàn không biết nên không có căn cứ để xử lý đối với Cầm Bá T2.

Về thu giữ và xử lý vật chứng:

Đối với 02 cá thể động vật hoang dã (con Tê Tê J), một con trọng lượng 3,15kg, một con trọng lượng 1,15kg. Cơ quan điều tra đã giao cho trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật-Vườn Quốc gia C. Đối với 01 xe mô tô nhãn hiệu Honda Wave S, BKS 36D1-xxxxx; 01 điện thoại di động nhãn hiệu Nokia, màu xanh, lắp sim số 0815403xxx, quá trình điều tra xác định thuộc sở hữu của ông Nguyễn Văn T. Ông T không biết việc Q sử dụng vào mục đích phạm tội nên Cơ quan điều tra đã trả lại cho ông T. Đối với 01 điện thoại di động nhãn hiệu Redmi 9A, màu đen, lắp sim số 0942713xxx và 082624xxx của Nguyễn Văn Q; 01 điện thoại di động nhãn hiệu Samsung màu đen, lắp sim số 0986149xxx của Cầm Bá T2. Quá trình điều tra xác định không sử dụng vào việc phạm tội nên đã trả lại cho Nguyễn Văn Q và cầm Bá T2.

Đối với 01 túi vài màu nâu đen, kích thước (45x30) cm có dây rút màu trắng. Đây là công cụ phạm tội nên tiếp tục thu giữ để xử lý.

Bản án số 25/2023/HS-ST ngày 17 tháng 8 năm 2023 của Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh T đã quyết định:

Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 244; điểm s khoản 1 Điều 51; Điều 90, Điều 91, Điều 101; Điều 38 Bộ luật hình sự (BLHS).

Tuyên bố: Nguyễn Văn Q phạm tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm”.

Xử phạt: Nguyễn Văn Q 12 (mười hai) tháng tù. Thời gian chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt giam thi hành án.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 30/8/2023, bị cáo Nguyễn Văn Q kháng cáo đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét cho bị cáo được hưởng án treo.

Tại quyết định kháng nghị phúc thẩm số 12/QĐ-VKS-P7 ngày 13/9/2023, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh T kháng nghị một phần Bản án hình sự sơ thẩm số 25/2023/HS-ST ngày 17 tháng 8 năm 2023 của Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh T về phần hình phạt đối với bị cáo Nguyễn Văn Q.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo giữ nguyên nội dung kháng cáo. Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh T giữ nguyên quyết định kháng nghị, đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) căn cứ điểm b khoản 1 Điều xxx; khoản 2 Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS), sửa bản án hình sự sơ thẩm theo hướng: xử phạt bị cáo Nguyễn Văn Q 12 (mười hai) tháng tù cho hưởng án treo về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm” theo điểm a khoản 1 Điều 244 BLHS.

Quan điểm bào chữa của trợ giúp viên pháp lý: Đề nghị HĐXX chấp nhận kháng cáo của bị cáo và kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh T, xử phạt bị cáo Nguyễn Văn Q 12 (mười hai) tháng tù cho hưởng án treo về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm” theo điểm a khoản 1 Điều 244 BLHS.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1]. Về tố tụng: Sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo kháng cáo, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh T kháng nghị vụ án trong thời hạn quy định của BLTTHS nên được chấp nhận xem xét theo thủ tục phúc thẩm.

[2]. Xét kháng cáo của bị cáo và kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh T, thấy rằng:

Bản án sơ thẩm đã xét xử đối với bị cáo Nguyễn Văn Q về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm” theo điểm a khoản 1 Điều 244 BLHS là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, bản án sơ thẩm xử phạt bị cáo Nguyễn Văn Q 12 tháng tù là quá nghiêm khắc, không phù hợp với nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được quy định tại khoản 1, khoản 6 Điều 91 BLHS, bởi lẽ:

Xét về nhân thân trước khi phạm tội, bị cáo là công dân tốt, chưa có tiền án, tiền sự, bị cáo lần đầu phạm tội và không có tình tiết tăng nặng, tại thời điểm phạm tội, bị cáo mới được 16 tuổi 20 ngày, ở lứa tuổi chưa phát triển toàn diện về thể chất cũng như tinh thần, khả năng nhận thức và hiểu biết pháp luật còn hạn chế, không nhận thức đầy đủ tính nguy hiểm của hành vi mình đã thực hiện. Vì vậy, khi quyết định hình phạt cần đảm bảo nguyên tắc áp dụng chính sách hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội.

Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, do đó, bị cáo được cấp sơ thẩm áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51 BLHS.

Tại giai đoạn phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Văn Q xuất trình thêm tình tiết mới là: bị cáo đã ủng hộ Hội nạn nhân chất độc da cam xã T, huyện T số tiền 400.000đ, nghĩ cần xem xét cho bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 2 Điều 51 BLHS. Hiện tại, bị cáo có nơi cư trú ổn định, rõ ràng, quá trình sinh sống tại địa phương chưa có vi phạm gì, việc cách ly bị cáo khỏi xã hội là chưa cần thiết mà cần tạo điều kiện cho bị cáo được cải tạo tại địa phương dưới sự giám sát của chính quyền và gia đình, giúp bị cáo sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội, đảm bảo răn đe giáo dục bị cáo cũng như phòng ngừa chung. Do đó, Tòa án cấp phúc thẩm có căn cứ chấp nhận kháng cáo của bị cáo và kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh T, giữ nguyên mức hình phạt tù và cho bị cáo được hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách đối với bị cáo, như vậy cũng đảm bảo sự khoan hồng của pháp luật và không ảnh hưởng đến công tác đấu tranh phòng ngừa tội phạm tại địa phương và đảm bảo nguyên tắc áp dụng chính sách hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội.

[3]. Các quyết định khác của án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết kháng cáo, kháng nghị.

[4]. Về án phí: Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm về biện pháp chấp hành hình phạt nên bị cáo không phải chịu án phí phúc thẩm.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ: Điểm b khoản 1 Điều xxx; Điểm e khoản 1, khoản 2 Điều 357 BLTTHS.

Chấp nhận kháng cáo của bị cáo và kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh T, sửa bản án hình sự sơ thẩm số 25/2023/HS-ST ngày 17 tháng 8 năm 2023 của Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh T về biện pháp chấp hành hình phạt đối với bị cáo Nguyễn Văn Q.

Áp dụng: Điểm a khoản 1 Điều 244; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 90, Điều 91, Điều 101; Điều 65 BLHS.

Xử phạt: Bị cáo Nguyễn Văn Q 12 (mười hai) tháng tù cho hưởng án treo, về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm”. Thời gian thử thách là 24 (hai mươi bốn) tháng tính từ ngày tuyên án phúc thẩm.

Giao bị cáo Nguyên Văn Q cho UBND thị trấn T, huyện T, tỉnh T giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Trường hợp bị cáo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo khoản 3 Điều 92 Luật Thi hành án hình sự.

Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.

Án phí hình sự phúc thẩm: Căn cứ điểm d khoản 2 Điều 23 Nghị quyết 326/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 về án phí, lệ phí Tòa án: Bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Các quyết định khác của án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

85
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 213/2023/HS-PT về tội vi phạm quy định bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm

Số hiệu:213/2023/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Thanh Hoá
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 11/12/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;